Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Luật vũ trụ

 


Luật Vũ Trụ

Ðức Phật là người thầy khám phá ra bản chất thực sự của luật vũ trụ vạn năng và khuyên ta nên sống phù hợp với định luật này. Ngài ghi nhận, những kẻ vi phạm luật này, như chống lại thiên nhiên, sống cuộc đời vô luân, phải đương đầu với những hậu quả.

Ngày nay chúng ta có thể thấy nhiều bằng chứng về điều này. Từ khi có cuộc cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ vừa qua, nhiều vùng đất rộng lớn trên trái đất bị tàn phá, dòng sông bị ô nhiễm đến mức không sao có thể phục hồi vì sự thiệt hại gây nên cho tài nguyên thiên nhiên của chúng ta. Nguyên nhân trực tiếp gây nên là do sự tham dục quá mạnh của cải vật chất, và sự thiếu hiểu biết về sự quân bình tốt đẹp giữa Người và Thiên Nhiên.

Không thể nào thoát khỏi được phản ứng của định luật vũ trụ đơn giản bằng cầu nguyện thượng đế vì lẽ luật vũ trụ vô tư. Nhưng Ðức Phật đã dạy chúng ta cách ngăn chặn một số phản ứng của một số việc làm xấu bằng cách càng làm nhiều hành vi thiện, rèn luyện tâm trí và loại bỏ những tư tưởng xấu trong tâm. Sau khi phá vỡ trật tự vũ trụ không có phương pháp nào có thể tránh dược phản ứng ngoại trừ bằng cách phối hợp với qui luật vũ trụ này. Ích kỷ phải nhường bước cho rộng lượng. Tham lam phải nhường bước cho hào phóng.

Nghiệp mà Ðức Phật giải thích được nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế giới Carl Jung chấp nhận như một tập hợp của thức. Nó chẳng là gì cả mà là sự tồn trữ hạt giống Nghiệp trong năng lượng tinh thần. Chừng nào mà tập hợp thức và 'ý muốn sống còn' còn trong tâm như ghi nhận bởi các triết gia, thì tái sanh sẽ xẩy ra dù ta tin hay không tin. Những yếu tố của xác thân có thể tan biến nhưng dòng tinh thần cùng với 'ý muốn sống' sẽ được truyền thừa và một đời sống khác được quyết định theo sự tập hợp của thức ấy.

Lực hấp dẫn và luật bảo toàn năng lượng được khám phá bởi các khoa học gia hiện đại như Newton xác minh học thuyết Nghiệp hay hành dộng và phản ứng trình bày bởi Ðức Phật.

Theo Ðức Phật, con người có thể trở thành một thượng đế nếu ngưới ấy sống đứng đắn và chính đáng bất chấp họ có niềm tin tôn giáo ra sao, nhưng các tôn giáo khác chỉ khuyên con người cầu nguyện thượng đế để được phước. Các tôn giáo ấy cũng thuyết giảng chỉ có sau khi chết con người mới có thể lên thiên đường mà hạnh phúc hay chứng nghiệm thiên đường không có nghĩa là con người có thể có đặc quyền để trở thành một thượng đế. Tuy nhiên, khái niệm Phật Giáo về Thượng Ðế khác hẳn khái niệm của các tôn giáo khác.

Không có một vị khai sáng ra tôn giáo nào nói là các tín đồ của mình một ngày nào đó có thể đạt được trí tuệ, an lạc, hạnh phúc và giải thoát giống như vị khai sáng ra tôn giáo ấy. Nhưng Ðức Phật nói bất cứ ai cũng có thể trở thành Phật nếu người ấy tu tập toàn hảo, theo phương pháp mà Ngài tu tập.

Bản Chất Của Tâm

Sự thay đổi nhanh chóng của tâm và những yếu tố của xác thân đã được giải thích trong Phật Giáo. Theo Ðức Phật trong mỗi sát na, tâm hiện ra rồi lại biến đi. Sinh vật học, sinh lý học, và tâm lý học dạy cùng một bản chất thay đổi như vậy trong đời sống. Cho nên đời sống không đứng nguyên một chỗ.

Nhà tâm lý học William James giải thích điểm thời khắc của thức. Ông bàn luận thức xuất hiện như thế nào và lại biến đi trong sự tiếp nối nhanh chóng.

Theo tính chất tự nhiên gây ra tiến trình liên tục của tâm, ngay khi tâm được sanh ra, nó khai sanh một tâm khác và chết. Ðến lượt cái tâm được sanh ra, khai sanh một tâm khác, và chết, và cứ thế tiếp tục.

Về câu hỏi lúc đầu những tư tưởng tội lỗi xuất hiện trong tâm con người như thế nào, câu trả lời có thể tìm thấy trong tôn giáo này. Nguyên nhân các tư tưởng tội lỗi là do động cơ ích kỷ của con người nó tồn tại do tham sống và niềm tin vào cái ngã (cái tôi) trường cửu luôn luôn tham đắm thỏa mãn giác quan.

Khi chúng ta nghiên cứu đời sống và giáo lý của Ðức Phật, chúng ta có thể nhìn thấy mọi thứ đều công khai trình bày cho mọi người. Không có mật thuyết.

Những sự kiện xẩy ra trong suốt cuộc đời Ngài là công khai, không dấu giếm và không có những việc xẩy ra thần bí. Dưới mắt Ðức Phật, cái gọi là thần thông siêu nhiên với nhiều người chẳng phải là siêu nhiên mà là hiện tượng thiên nhiên mà con người bình thường không thể nhận thức thấu đáo. Nếu kiến thức và hiểu biết về vũ trụ tăng trưởng thì niềm tin về siêu nhiên giảm đi. Với người thượng cổ, 'sấm sét' là là biểu hiện giận dữ của các thánh thần. Ngày nay, chúng ta biết sấm sét chỉ là tích điện.

Nếu những vật do duyên hợp đều phải tùy thuộc vào qui luật tự nhiên về sự vô thường, hoại và diệt, làm sao chúng ta có thể trình bày chúng là thần thông siêu nhiên?

Cả đến đản sanh, giác ngộ và nhập diệt của Ðức Phật cũng công khai. Ngài sống như một vị thầy tôn giáo bình thường như một chúng sanh thực sự.

Ngài vạch rõ tiến trình tiến hóa từ đời sống thú vật thành địa vị con người và từ địa vị con người thành tình trạng siêu phàm. Tình trạng này có thể chuyển địa vị Phạm Thiên và đời sống của Phạm Thiên thành đời sống toàn hảo. Người ta có thể tiến tới đời sống cao thượng trong sạch trực tiếp thành đời sống thiêng liêng toàn hảo. Ðức Phật cũng vạch rõ tình trạng ngược lại, đó là từ đời sống con người trở thành đời sống con vật.



Lối Sống Ðiều Ðộ

Ðức Phật khuyên dạy người ta nên theo con đường trung đạo trong mọi khía cạnh cuộc đời. Nhưng nhiều người không nhận thức được ý nghĩa thực sự và sự hữu ích của con đường trung đạo cao thượng. Ý nghĩa sâu xa của con đường trung đạo không những chỉ là lối sống chính đáng, không những chỉ để tránh hai cực đoan của cuộc sống, không chỉ để sống điều độ mà là học hỏi làm sao sử dụng tri giác hay khả năng con người mà không sử dụng sai lầm hay lạm dụng chúng. Ý nghĩa của sự hình thành các tri giác này là để bảo vệ đời sống, tránh một số nguy hiểm và tìm ra sinh kế. Bất hạnh thay, đa số người sống chỉ là để thỏa mãn giác quan, sử dụng chúng sai lầm chỉ để thỏa mãn dục vọng. Cuối cùng, tham ái của họ càng trở thành mãnh liệt nhưng chẳng bao giờ họ có thể thỏa mãn tham dục mà họ mong muốn. Nhiều hành động vô luân, hành vi tàn bạo, rối loạn tâm thần, thần kinh suy nhược, cạnh tranh không lành mạnh, căng thẳng và bất an thuờng được thấy trong xã hội hiện đại do cái tâm bất mãn sử dụng sai lầm giác quan. Rồi sức mạnh bản năng của các giác quan này tăng trưởng và bắt đầu suy tàn, và nhiều loại bệnh xuất hiện trong cơ quan con người. Ðiều đó có nghĩa là con người phải trả giá như thế nào vì sử dụng sai lầm hay đòi hỏi quá nhiều năm giác quan. Nếu luyến ái quá nhiều vào lạc thú nhục dục trên thế giới này, nếu không có thì giờ để uốn nắn và sửa soạn cuộc sống cho tương lai hay bên kia thế giới, đời sống sẽ trở thành khốn khổ.

Ðức Phật dạy rằng thật là tàn ác và bất công khi hủy diệt bất cứ sinh vật nào dù nhỏ bé dến đâu đi nữa. Nhưng thái độ hiền hòa đã bị sao lãng bởi nhiều đạo sư tôn giáo khác chỉ dạy rằng chỉ làm hại người mới là sai trái mà thôi. Hủy diệt đời sống của chúng sanh khác không phải chỉ là phương cách duy nhất để thoát khỏi phiền toái gây ra bởi các chúng sanh này.

Mục đích của Phật Giáo là thức tỉnh nhân loại để đạt được hạnh phúc tối thượng do sự thấu triệt về đời sống và thiên nhiên. Mục đích này không phải là tạo ra một số ảo tưởng hay thỏa mãn cảm xúc hay chiều theo một số tham dục trần thế bất trắc. Nó cũng chẳng hứa hẹn lạc thú bất diệt trần tục ở nơi đâu.

Phật Giáo cho thấy một bức tranh rõ ràng về hai mặt của cuộc đời: bản chất thực sự của cuộc sống, nguyên nhân của đau khổ và nguyên nhân của hạnh phúc. Lý thuyết về y học, khoa học, và kỹ thuật chưa khám phá ra được phương thức nào có thể sửa chũa cái đau đớn tinh thần, thất vọng và bất toại nguyện của cuộc sống.

-oo0oo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét