1. SƠ THIỀN
Nhờ tu tập pháp Thân Hành Niệm như vậy và sống phòng hộ sáu căn nên tâm không phóng dật.
Vì thế tất cả tâm tham, sân, si, mạn, nghi đều bị diệt trừ, nhờ đó tâm mới An Trú, An Tọa, Chuyên Nhất, Định Tĩnh. Khi tâm được vào các trạng thái này tâm mới thanh thản, an lạc và vô sự thật sự.
Nhờ tu tập pháp Thân Hành Niệm nên cuối cùng tâm chứng đạt được quả Vô Lậu. Nhờ chứng đạt quả Vô Lậu tâm mới có đủ Tứ Thần Túc, nhờ có Tứ Thần Túc nên mới li dục li ác pháp nhập Sơ Thiền một cách dễ dàng, không có khó khăn và không có mệt nhọc. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo li dục, li ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỉ lạc do li dục sanh, với tầm và tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỉ lạc do li dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỉ lạc do li dục sanh ấy thấm nhuần.
Này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm; sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỉ lạc do li dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỉ lạc do li dục sanh ấy thấm nhuần.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thân Hành Niệm.”
Khi tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự suốt 7 ngày đêm thì Tứ Thần Túc xuất hiện. Muốn có Tứ Thần Túc thì chỉ có ở trên Tứ Niệm Xứ giữ gìn tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự, chớ không có pháp nào tu tập để có Tứ Thần Túc cả, nhưng không có Tứ Thần Túc thì không bao giờ nhập Tứ Thánh Định được. Không nhập được Tứ Thánh Định thì không bao giờ làm chủ sinh, già, bệnh, chết được.
Cho nên ngoại đạo nói nhập thiền định 6, 7 ngày mà không làm chủ sự sống chết tức là nhập vào thiền tưởng, vì thế tu thiền định của ngoại đạo chỉ để luyện thần thông tưởng để lừa đảo mọi người, như các thiền sư Lạt Ma Tây Tạng tu tập để phóng xuất cầu vồng làm cho náo động cả thế giới cho đó là một điều ít thấy.
Mục đích tu hành của đạo Phật là làm chủ sinh, già, bệnh, chết nơi bản thân của mình để bản thân của mình không còn làm khổ mình, chớ không phải đi luyện thần thông. Quí vị có hiểu không?
Sơ thiền mà nhập được thì nhập vào Nhị Thiền là một dễ dàng như lấy đồ trong túi áo.
2.- NHỊ THIỀN
Khi tâm không phóng dật, an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh thì lúc bây giờ tâm có đủ Tứ thần Túc, cho nên hành giả muốn nhập định nào thì liền nhập ngay định ấy, nhưng phải biết tác ý đúng pháp như Đức Phật đã trạch pháp ra những câu tác ý nhập định. Đây là ý hành tác ý Thân Hành Niệm thứ 11 để nhập Nhị Thiền. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỉ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỉ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỉ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỉ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân, không được hỉ lạc do đính sanh ấy thấm nhuần.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thân Hành Niệm.”
Khi chúng ta tu tập có Tứ Thần Túc thì chúng ta diệt tầm tứ rất dễ dàng, còn chưa có Tứ Thần Túc thì không sao diệt tầm tứ được. Tại sao vậy?
Trước khi trả lời câu hỏi này chúng ta phải nghĩa Tầm Tứ.
Tầm là sự suy tư nghĩ ngợi của mình nó thuộc về ý thức.
Tứ là ý tứ từ việc nhỏ cho đến việc lớn nó thuộc vế ý thức.
Như vậy diệt Tầm, Tứ là diệt ý thức của mình không cho nó hoạt động.
Như vậy khi nhập Nhị Thiền thì ý thức phải ngưng hoạt động hoàn toàn, giống như một người đang ngủ say.
Trong khi chúng ta còn tỉnh táo không có buồn ngủ mà bảo diệt ý thức thì quí vị có làm được không?
Cho nên muốn làm được việc này quí vị phải tu đúng pháp Tứ Niệm Xứ thì mới có những thần lực diệt Tầm Tứ.
Đến Nhị Thiền quí vị thấy cái khó của Nhị Thiền mà một người bình thường không thể làm được. Muốn làm được phải ra công tu tập ngày đêm không biếng trễ.
Nhưng những người tu đúng pháp có Định Như Ý Túc thì nhập các loại thiền định này dễ như trở bàn tay, vì thế nhập tới Tứ Thiền hay bất cứ một loại thiền định nào cũng dễ dàng, họ chỉ truyền lệch là thân tâm họ nhập thiền đó liền.
3.- TAM THIỀN
Thiền định của Phật giáo cũng được xem là một pháp môn Thân Hành Niệm, mặc dù lúc này tâm hành giả An Trú, An Tọa, Chuyên Nhất, Định Tĩnh nên họ tác ý đâu là thân tâm sẽ làm theo đúng như lệnh truyền, cho nên đến Thiền Thứ Ba chỉ cần tác ý: “Xả niệm lạc trú” thì sẽ nhập vào Thiền Thứ Ba ngay liền.
Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy tác ý nhập Thiền Thứ Ba:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo li hỉ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "Xả niệm lạc trú", chứng và an trú Thiền thứ ba. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỉấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỉấy thấm nhuần. Như vậy, Tỷ-kheo an trú không phóng dật... (như trên)... Tỷ-kheo tu tập Thân Hành Niệm.
Này các Tỷ-kheo, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỉấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỉấy thấm nhuần.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thân Hành Niệm.”
Từ nhập Sơ Thiền đến Thiền Thứ Tư đều dùng pháp như lí tác ý tức là pháp hướng tâm đến thiền định nào thì tâm sẽ nhập Thiền định ấy một cách dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc.
4.- TỨ THIỀN
Thiền Thứ Tư cũng là pháp môn Thân Hành Niệm cuối cùng trong 13 pháp Thân Hành Niệm, nhưng quí vị nên nhớ bốn pháp thiền của Phật giáo không phải là pháp môn Thân Hành Niệm để tu tập mà để thực hiện những năng lực siêu việt khi tâm đã thanh tịnh tức là tâm chứng đạt chân lí Vô Lậu. Bởi vậy muốn nhập thiền định của Phật giáo thì không phải tu tập Thiền Định mà tu tập Giới Luật. Khi tu tập Giới Luật tâm đã thanh tịnh thì nhập Thiền Định không có khó khăn, không có mệt nhọc, chỉ cần dùng pháp Như Lí Tác Ý là nhập Thiền Định ngay liền. Cho nên muốn nhập Tứ Thiền thì nên tác ý: “Tịnh Chỉ Hơi Thở Nhập Tứ Thiền.” chỉ tác ý như vậy là đủ nhập vào Tứ Thiền.
Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy nhập Tứ Thiền:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, xả lạc xả khổ, diệt hỉ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy ngồi, thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
Này các Tỷ-kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Trong khi vị ấy sống an trú không phóng dật... (như trên)... Tỷ-kheo tu tập Thân Hành Niệm.
Này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập, làm cho sung mãn Thân Hành Niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm (antogadha?) đều thuộc về minh phần (vijjabhagiya). Ví như, này các Tỷ-kheo, biến lớn của ai được thấm nhuần bởi tâm, thời các con sông của vị ấy đi vào trong biển, đều thuộc về biển lớn; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập làm cho sung mãn Thân Hành Niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm, đều thuộc về minh phần.”
Mười ba pháp Thân Hành Niệm là 13 pháp để mọi người tu tập chứng đạo, nếu ai có duyên với Thân Hành Niệm nào thì tu ngay pháp Thân Hành Niệm ấy. Nhưng chỉ nên chọn lấy một pháp tu tập mà thôi, và pháp ấy phải phù hợp hành động Thân Hành Niệm của mình thì sự tu tập mới trở thành Căn Cứ Địa. Khi tu tập đã trở thành căn cứ địa thì không còn một tên giặc sinh tử luân hồi nào dám bén mảng đến thân tâm của chúng ta nữa. Nhờ tu tập như vậy mà Tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lac và Vô Sự hiện tiền.
Cho nên sự chứng đạo của Phật giáo không ngoài tâm của chúng ta, chỉ khi nó Bất Động, Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự thì chứng đạo ngay liền tại đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét