Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Không có hạnh phúc trong Dục Lạc

 


MÀI GIŨA TRÍ TUỆ CHO SẮC BÉN ÐỂ TIÊU TRỪ Ô NHIỄM VÀ ÁI DỤC

Có nhiều nguyên nhân đưa đến tái sanh, nhưng nơi đây Sư chỉ vắn tắt giải thích ba tham ái là: Tham ái bám níu vào nhục dục ngũ trần (kàmatanhà), tham ái bám vào đời sống (bhavatanhà), và tham ái bám vào trạng thái không có đời sống (vibhavatanhà). Ngoài ba loại tham ái này, Sư để cho quý vị tự phát triển trí tuệ bằng cách tự mình quán chiếu sự vật. Sư trao cho quý vị một con dao và miếng đá mài. Phần của quý vị là cố gắng mài lưỡi dao cho bén và dùng nó để chặt, cắt, tức quý vị phải mài giũa trí tuệ cho sắc bén để quán niệm về những nguyên nhân đưa đến sự sanh. Sư đã trao cho quý vị cây viết và tờ giấy. Quý vị phải tự mình nỗ lực dùng viết để viết lên trên giấy. Vào lúc ban sơ, nét chữ có thể không được sắc sảo, chính tả có thể không đúng hết và lời văn không mấy chải chuốt, không trôi chảy suôn sẻ. Nhưng quý vị phải liên tục cố gắng cho đến khi trở nên thuần thục. Dầu là đọc, viết hay làm bất luận gì, quyết tâm vững chắc và kiên trì gia công là yếu tố quan trọng.

Tham ái đeo níu vào nhục dục ngũ trần (kàmatanhà) được chia làm hai phân hạng:

1. - Ðối tượng của tham ái (vatthukàma) và
2. - Tình trạng thỏa thích trong dục lạc (kilesakàma, ô nhiễm liên quan đến sự thỏa thích trong nhục dục ngũ trần).

Ðầu tiên là bất luận đối tượng vật chất nào mà ta luyến ái, bám níu vào. Phải quán chiếu chỉ những đối tượng mà mình ham muốn, bởi vì mục đích của ta là làm suy giảm lòng khát khao và trạng thái khắn khít bám chặt vào các đối tượng ấy. Quý vị phải phân tách nó cho đến tận cùng, tức cho đến khi thấy rõ Chân Lý Vô thường (aniccam), Khổ (dukkham) và Vô ngã (anatta). Quý vị phải suy niệm để thấu hiểu rằng đối tượng ấy thật sự không phải là của quý vị, không thuộc quyền sở hữu của quý vị và bản chất thiên nhiên của nó là luôn luôn biến đổi. Nếu quý vị hết lòng thỏa thích, tâm của quý vị chặt chẽ luyến ái, khắn khít bám níu vào nó, rồi quý vị sẽ vô cùng thất vọng khi nó hư hoại hoặc mất đi. Vài người quá đau khổ và khóc than sầu thảm. Ðó là loại đau khổ mà ta phải chịu nếu không sáng suốt quán niệm trước.

KHÔNG CÓ HẠNH PHÚC TRONG DỤC LẠC

Kilesakàma, là tình trạng của tâm thỏa thích và bám níu vào ngũ trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc). Tâm thỏa thích trong trạng thái trìu mến, thương yêu và tình dục và cố gắng tìm thọ hưởng thêm. Loại tâm mê hoặc như vậy rất phổ cập trong nhân gian. Trước khi thành tựu Niết Bàn Ðức Phật và chư vị Thánh Ðệ Tử Ngài cũng ham muốn những đối tượng và những lạc thú như vậy. Nhưng, với trí tuệ sắc bén, các Ngài đã có đủ khả năng để cắt đứt lìa mọi bám níu vào tham dục.

Quý vị hãy chuẩn bị sẵn sàng. Hãy nỗ lực dùng trí tuệ phân tách sự vật cho đến tận Chân Lý để gội rửa những thành kiến cổ xưa của mình. Hãy nỗ lực nhổ tận gốc rễ mọi bám níu vào những thú vui vật chất, dạy cái tâm cho đến khi nó hiểu biết và nhận thấy rõ ràng hậu quả tai hại của dục lạc. Ðây là phương tiện đơn giản của công trình quán niệm nhằm mở mang trí tuệ ngày càng rộng rãi thâm sâu. Phải sử dụng trí tuệ đã được mài giũa sắc bén của mình như một khí cụ để diệt trừ ái dục và ô nhiễm trong tâm. Không thể vay mượn trí tuệ của người khác. Nếu có đủ trí tuệ để chiến đấu chống lại kẻ thù - ô nhiễm và ái dục - thì, đúng theo ngôn ngữ của pháp hành, quý vị được xem là người sáng suốt.

Ái dục bám níu vào kiếp sinh tồn là trạng thái tâm thỏa thích với hoàn cảnh hiện tại, không muốn nó đổi thay. Ta hết lòng muốn giữ nguyên vẹn tình trạng hiện tại, ước mong được như vậy mãi mãi. Thí dụ như thích sống trong cảnh người và khát khao muốn sẽ được tái sanh trở lại làm người. Dầu có nghe đề cập đến những cảnh giới nhàn lạc như cảnh chư Thiên hay Phạm Thiên ta cũng không quan tâm đến. Ta thỏa thích với cuộc sống trong cảnh giới hiện hữu và cố bám chắc vào đó. Khi lâm chung tâm ta vẫn còn khắn khít luyến ái những sự vật trần gian cùng với con cháu, đàng hậu tấn và những sở hữu của mình. Ta ao ước sẽ được tái sanh trở lại cũng sống trong gia đình cũ như trước. Tâm ta vẫn còn chặt chẽ bám níu vào sự nghiệp, quyền thế, danh vọng, địa vị xã hội, những lời khen tặng và những hạnh phúc đã hưởng trong kiếp sống (suvannatà susaratà susanthànan surùpatà adhikiccam parivàro) và cầu mong sẽ còn được hưởng như vậy.

Một thí dụ khác. Một vị Trời đang thích thú thọ hưởng nhàn lạc trong Thiên giới muốn rằng tình trạng này sẽ mãi mãi được duy trì. Tuy nhiên, trạng thái sống trong cảnh Trời có được tồn tại lâu dài hay không, không phải chỉ bằng cách muốn suông, mà do thiện nghiệp đã tạo trong quá khứ. Chân Lý vô thường luôn luôn tác động và không bao giờ có ai chỉ muốn không mà được mãn nguyện. Vị Trời đã hết tuổi thọ trong cảnh giới mình đang ở, bắt buộc phải xa lìa cảnh vật và nơi chốn mình ưa thích. Tâm bị lớp si mê và vô minh che mờ, dầu tái sanh vào đâu ta cũng có khuynh hướng đeo níu vào hoàn cảnh mới và quên đi cuộc sống đã qua. Ta luôn luôn bằng lòng với tình trạng hiện hữu. Vậy phải dùng trí tuệ để khảo sát và suy tư về trạng thái mà mình đã rơi vào nhằm khai triển tâm, hiểu biết và thấy rõ Chân Lý về hoàn cảnh sinh tồn hiện tại.


ÁI DỤC LÚC NÀO CŨNG LÀ NHÂN SANH KHỔ

Ái dục bám níu vào trạng thái không sinh tồn (vibhavatanhà) là lòng khát khao ham muốn không tái sanh vào một trạng thái xấu. Thí dụ như một vị Trời không muốn tái sanh vào cảnh người. Một người giàu có đang thỏa thích sống trong dục lạc không muốn tái sanh vào cảnh nghèo nàn khốn khổ, hay sa đọa vào hoàn cảnh tật nguyền, hoặc tái sanh vào bốn khổ cảnh: Ðịa ngục, ngạ quỷ, atu la, và cảnh thú. Tuy nhiên, ta phải tái sanh vào nơi nào thích ứng với nghiệp đã tạo trong quá khứ. Hành động bất thiện đương nhiên đưa đến hậu quả là phải tái sanh vào những trạng thái khốn khổ. Không ai có thể đòi hỏi được sanh vào cảnh giới mà mình muốn. Ta cũng giống như tù nhân, không thể đòi hỏi điều kiện sinh sống của mình - như chỗ ở, thức ăn v.v... Hoàn cảnh của con người cũng cùng thế ấy, phải gặt hái hậu quả của những hành động bất thiện cho đến khi nghiệp lực ấy hao mòn đến cùng. Những người không đủ sáng suốt để nhận thức tương quan giữa nhân và quả buông lơi tự đắm chìm trong dục lạc và tạo những nghiệp bất thiện. Khi thời gian đến, duyên kỳ hội đủ, quả dữ trổ sanh, họ phải chịu đau khổ không sao kể xiết.

Như vậy, người học Giáo pháp phải dùng trí tuệ để quán niệm về nguyên nhân sanh đau khổ. Ái dục bám níu vào nhục dục ngũ trần, ái dục bám níu vào kiếp sinh tồn và ái dục bám níu vào trạng thái không sinh tồn là ba nguồn cội mà tất cả chúng sanh - người, thú v.v... - xây đắp nhân sanh khổ trong đời sống của mình. Ái dục là nguyên nhân sanh đau khổ trong vòng sanh tử triền miên, quây quần trong Tam Giới. Nếu nguyên nhân đã được tận diệt, Tam Giới sẽ không còn hiện hữu.

Trên đây, lối mô tả vắn tắt ba loại ái dục - ái dục bám níu vào nhục dục ngũ trần, ái dục bám níu vào kiếp sinh tồn và ái dục bám níu vào trạng thái không - sinh tồn - đã cho quý vị một kiến thức về đường lối thực hành. Ba hình thức ái dục ấy là bánh xe xoay tròn, lôi cuốn chúng sanh quấn quít trong vòng quanh vô cùng tận. Phần lớn chúng ta hiểu lầm rằng ái dục đem lại hạnh phúc. Xin quý vị hãy thận trọng suy tư. Có ai nhờ ái dục mà được hạnh phúc thật sự không? Hãy quán chiếu sự vật với trí tuệ để nhận thức rằng nếu buông lơi để cuộc sống lăn trôi trong dòng lôi cuốn của lòng khát khao ham muốn ắt không bao giờ có hạnh phúc. Trong hiện tại, vì kém trí tuệ nên ta đang bị ái dục kéo lôi. Ô nhiễm và ái dục dã lôi cuốn chúng ta quanh quẩn trong Tam Giới từ lâu, lâu lắm rồi, và vẫn còn tiếp tục vô cùng tận. Quý vị có muốn đặt cuộc sống mình trong tay của ô nhiễm và ái dục không? Tại sao không dùng trí tuệ quán chiếu quá khứ, hiện tại và vị lai của đời sống? Quý vị đã thâu đạt được gì đáng giá trong những kiếp sống quá khứ?

Một khi đã bước vào cuộc đời, chúng sanh phải bận rộn chiến đấu hàng ngày để sống còn. Không bao lâu cơ thể trở nên già nua, bệnh hoạn, rồi lìa đời, và thân tử đại này sẽ được gởi vào, tích trữ trong lòng đất. Không bao giờ có ai đem theo được vật gì. Ðiều này đã xảy ra trong những kiếp sống quá khứ, đang xảy ra trong hiện tại và sẽ còn lặp đi lặp lại trong nhiều kiếp vị lai. Sự vật đổi dời. Không có chi đủ vững bền để cho tam bám vào một cách an toàn. Tất cả đều phải biến đổi theo luật vô thường (anicca) và chỉ đưa đến thất vọng nếu ta dính mắc. Tin tưởng rằng tứ đại (đất, nước, lửa, gió) và ngũ ẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), vốn cấu thành thân và tâm, là chính mình chỉ là hiểu biết sai lầm phát sanh đến ta từ si mê và vô minh. Cả tứ đại lẫn ngũ uẩn, không có cái nào là của ta, bất luận bằng phương cách nào. Sự thấu triệt chân lý này sẽ giúp ta buông bỏ, không còn tin tưởng rằng có cái chi là của mình và bám níu vào. Trên thực tế đặc tướng vô ngã (anatta) đã phô bày rõ rệt. Mỗi người rốt cuộc rồi sẽ ra sao, ta có thể mục kích tận tường trong các nghĩa địa và những cuộc hỏa táng. Cái "ngã" của ta ở đâu? Mặc dầu hiện giờ ta đang còn sống và còn mang thân sống đây, nhưng rồi cái mà ta gọi là "ta", là "tự ngã" sẽ sớm trở thành vô nghĩa lý. Vậy quý vị hãy cố gắng dùng trí tuệ để khảo sát chân lý, mở mang tâm trí cho đến khi thông suốt và nhận định đúng theo đường hướng của Tứ Diệu Ðế.

NHÌN XUYÊN QUA CHÂN LÝ QUY ƯỚC

Người học Giáo Pháp phải thông hiểu những nguyên tắc của Chân Lý Quy Ước để tránh khỏi bị nó mê hoặc (sammati, chân lý quy ước, sự thật giả định, thật sự không phải là chân lý nhưng người đời giả định nó là vậy, người thế gian thỏa thuận với nhau, hiểu là vậy). Ðời sống tùy thuộc vào chân lý quy ước, sammati. Do đó, ngày nào còn sống trong thế gian ta phải cố gắng hiểu biết những sự vật của thế gian đúng như nó phải được hiểu là vậy. Sự vật trong đời sống chằn chịt liên hệ với nhau và có tính cách tạm thời. Rồi đây nó sẽ rời bỏ, xa lìa ta, dầu ta có khóc than hay luyến tiếc đến đâu. Người học Giáo Pháp phải sẵn sàng đối phó với tình trạng này để không quá đỗi sầu muộn khi nó xảy diễn.

Ta phải giữ gìn tiền của với tinh thần trách nhiệm và làm nên sự nghiệp bằng những phương tiện chân chánh, thích hợp với những nguyên tắc đạo đức. Cùng lúc ta phải luôn luôn nhận thức rằng những của ấy, mà ta gọi là của ta, chỉ là thực tại quy ước, sammati. Chính chúng ta là chân lý quy ước của chính ta, người khác là quy ước của họ. Mỗi người đều có quyền sử dụng đặc tính quy ước, sammati, để tạo lợi ích cho mình, theo đường lối chân chánh. Vậy, ta phải dùng trí tuệ để quán chiếu đặc tính quy ước trong thế gian và hiểu biết rõ ràng, đúng như nó là vậy. Làm vậy sẽ có phương cách để chấm dứt si mê. Thông suốt tận tường luồng trôi chảy của dòng đời, ta sẽ tìm được lối thoát ra khỏi những kiếp sống trong Tam Giới. Chúng ta quán chiếu đúng ngay vào điểm trọng yếu mà tâm bị mê hoặc trong đó để nhận thức sắc thái nào của thế gian chúng ta chưa thông hiểu, hình thức quy ước nào (sammati) mà ta vẫn còn sử dụng để che mờ chân lý, để tự thu mình trong thế gian mộng ảo và mê hoặc. Ngày nào mà thực tại quy ước (sammati) của thế gian còn che mờ chân lý, chân lý sẽ không phát hiện trong tâm, và tâm sẽ mãi mãi mù quáng, không tháy rõ sự vật.

Do đó pháp hành phải có một nền tảng vững chắc. Không thể tận diệt ô nhiễm, ái dục, vô minh và thủ (chặt chẽ bám níu) bằng cách hiểu biết không hợp lý. Nhiều người nói một cách vô trách nhiệm rằng khi đạt đến trạng thái tĩnh lặng của "định" (samàdhi), tâm đương nhiên trong sạch. Cả hai, thầy dạy và hàng tín đồ trong hệ thống tư tưởng này đều hiểu sai vấn đề. Một vị thầy hiểu lầm đưa đến sự lầm lạc của hàng ngàn đệ tử. Lời dạy rằng do định (samàdhi), tâm trở nên trong sạch ngược với giáo huấn của Ðức Phật. Ðức Thế Tôn dạy, "Pannàya parisujjhati", "trí tuệ thanh lọc tâm", có nghĩa rằng tâm trở nên thanh tịnh nhờ trí tuệ. Trạng thái vắng lặng của tâm định không thanh lọc tâm. Có lời nói rằng tâm định gội rửa mọi cảm xúc, ô nhiễm, ái dục, vô minh và tất cả mọi tư tưởng. Những vị nói như vậy đã quên rằng có những đạo sĩ ẩn dật rất tinh thông về pháp hành thiền vắng lặng, đã đạt đến mức cao siêu như các tầng thiền Sắc Giới và Vô Sắc Giới (rùpajhàna và arùpajhàna), nhưng không có vị nào đạt đến tâm hoàn toàn trong sạch nhờ định (samàdhi). Phật Giáo không bao giờ dạy như vậy và ta không có lý do nào xen nó vào để dẫn dắt hành giả lầm đường lạc nẻo. Tâm hoàn toàn thanh tịnh chỉ phát sanh đến một vị A La Hán. Chỉ đến những bậc Tu Ðà Huờn, Tư Ðà Hàm và A Na Hàm (ba tầng Thánh đầu tiên) cũng không có tâm tuyệt đối trong sạch. Người học Giáo Pháp phải thông hiểu điều này để thành tựu Ðạo và Quả trong ngày vị lai. Ðó là Chánh Kiến, theo đúng chiều hướng của Thánh Ðạo.



KẾT LUẬN

Ngày nay, Thánh Ðạo và Thánh Quả không được hiểu giống nhau. Mỗi người diễn dịch theo đường lối riêng của mình. Khi tâm của một người đạt đến trạng thái vắng lặng của định (samàdhi) thì tâm ấy tạm thời được tự do. Ðến giai đoạn này hành giả có thể nghĩ rằng mình đã đạt đến tầng nào của Giáo Pháp hoặc chắc chắn đây là tuệ minh sát, đúng như đã có học trước đây, rồi so sánh tâm mình với những gì đã học về tâm của một vị A La Hán hay của một Thánh Nhân nào. Danh từ "paccatam", tự mình chứng ngộ, hoàn toàn vô nghĩa đối với họ. Họ muốn thầy tuyên bố tầng Giáo Pháp mà họ nghĩ là họ đã đạt đến. Thật sự đó không phải là đường lối suy tư và xử sự của một vị Thánh Nhân.

Người học Giáo Pháp phải thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa của sự thành đạt một tầng nào của bậc Thánh Nhân. Nếu không, có thể lầm ngỡ rằng chứng nghiệm ánh sáng hay trạng thái vắng lặng của tâm định (samàdhi) là thành đạt Thánh Quả. Hoặc nữa, khi có hình ảnh phát hiện trong tâm lúc hành thiền vắng lặng thì nghĩ rằng mình đã chứng được tuệ minh sát.

Sự khác biệt trong pháp hành là do đường lối khác nhau để diễn dịch Giáo Pháp. Ở nhiều nơi có những tấm bảng đề chữ "Trường Thiền Vipassanà", có nghĩa là trường dạy hành thiền để phát triển trí tuệ, nhưng trong thực tế họ không thực hành nhằm phát triển trí tuệ chút nào. Họ thực hành pháp trụ tâm bằng cách chăm chú gom tâm vào một đề mục nhất định để đạt đến trạng thái vắng lặng. Ðó là dùng sai danh từ. Có sự khác biệt giữa "vipassanà" (thiền Minh Sát) và "samatha" (thiền Vắng Lặng). Hai pháp này có ý nghĩa khác nhau trong lối thực hành.

Trong pháp hành thiền vắng lặng (samatha), ta dùng chú niệm (sati) để an trụ tâm vào một đề mục (parikamma, đề mục hay công án, tức đối tượng của sự chú tâm), một chữ hoặc hơi thở. Niệm hơi thở (ànàpànasati, chú niệm vào hơi thở ra thở vào) là một phương tiện nhằm giữ tâm trong hiện tại, tránh suy tư về bất luận gì khác. Khi tâm rút ra khỏi trạng thái vắng lặng ta bắt đầu hành Minh Sát (vipassanà).

Trong pháp hành thiền Minh Sát (vipassanà) ta dùng trí tuệ để quán chiếu sự vật một cách đầy đủ, tỉ mỉ và tận tường, theo đúng chiều hướng chân lý ba đặc tướng (tilakkhana) vô thường, khổ, vô ngã (anicca, dukkha, anatta), hoặc chân lý sanh, lão, bệnh, tử của ta và kẻ khác, hoặc nữa, chân lý về tánh cách ô trược của thân ta và thân người khác. Pháp hành này nhằm rèn luyện cho tâm nhận thức rõ ràng bản chất căn bản của tất cả mọi sự vật đều như nhau.

Kỹ thuật của pháp hành quán niệm này là dùng trí nhớ, giả tưởng và suy tư, nghĩ đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng dụng cụ này là lưỡi gươm bén cả hai bề. Nếu dùng sai nó có thể gây tai hại. Thí dụ như khi trí nhớ hồi tưởng đến hình thể, âm thanh, mùi, vị và xúc chạm, nó có thể gợi cho ô nhiễm và ái dục phát sanh rồi khơi dậy tình dục, khát vọng và luyến ái. Những hình ảnh mà ta yêu chuộng hay những âm thanh có tính cách khiêu gợi đã ẩn tàng sâu kín trong trí nhớ, rất khó cho ta có thể quên được. Nếu đã bị một hình thể mê hoặc, trí nhớ về hình ảnh ấy sẽ vững chắc gắn sâu trong tâm. Trong trường hợp này, thực tại ước định (sammati) sẽ phát hiện, gợi cho ta tưởng nhớ hình ảnh đẹp đẽ này ở đâu, dung nhan mỹ miều như thế nào, tác phong thanh nhã ra sao, đã nói chuyện gì với ta. Một khi những thực tại ước định (sammati) ấy khởi phát, hành uẩn (sankhàra, hoạt động tâm linh) phổ bác tưởng tượng những điều mà trong thực tế không bao giờ xảy diễn, như nghĩ rằng ta đã nói gì hoặc đã có xúc chạm như thế nào mà thật sự không bao giờ có. Tâm ta, đã thâm nhiễm khát vọng, si mê và vô minh, cảm nghe càng bám níu chặt chẽ hơn vào hình thể ấy. Ðiều thật sự xảy ra chỉ là cái tâm thêu dệt, vẽ vời những hình ảnh rồi tự mình rơi vào, đắm chìm trong hình ảnh ấy và dính mắc luôn trong giấc mơ và vòng trói buộc của nó. Trong khi ấy, dục tình tăng trưởng ngày càng thêm lên, càng đậm đà ăn sâu vào tâm và trở thành ngày càng khó diệt trừ hơn.

Người học Giáo Pháp phải sử dụng trí tuệ, khéo léo tìm phương cách an toàn để tận diệt những trí nhớ, những giả tưởng và những suy tư tai hại trong tâm. Phải luôn luôn chú niệm, theo dõi hay biết tâm, và dùng trí tuệ quán chiếu khía cạnh tiêu cực của những hình sắc, âm thanh, mùi v.v...

Trong đời sống quý vị đã nhiều lần trông thấy người chết. Tại sao không quán niệm cái chết của người khác rồi liên tưởng đến cái chết phải đến của chính mình để có một ý niệm về tính cách đáng nhàm chán của sự chết? Chúng ta thỏa thích thọ hưởng những lạc thú vật chất vì không nghĩ đến sự chết. Từ nay, quý vị hãy đặt mình trong thực tại của người đời (sammati), suy niệm về hiện tượng chết nhằm làm suy giảm ô nhiễm và ái dục. Ðây là kỹ thuật dùng thực tại quy ước (sammati) để tận diệt thực tại quy ước (sammati).

Chúng ta đã quen để cho hành uẩn (sankhàra) biến chế lối suy tư của mình về hình sắc và âm thanh đến độ tâm chứa đầy khát vọng và tham dục. Từ nay, quý vị hãy sửa đổi lối suy tư. Hãy nhìn sự vật trên một khía cạnh khác. Hãy suy gẫm ngược dòng. Quý vị đã nghĩ đến sắc đẹp mỹ miều, vốn làm cho tâm chứa chấp tràn đầy khát vọng và tham dục. Giờ đây quý vị hãy quán tưởng đến tính cách ô trược của cơ thể, đến những nỗi khổ đau của thân và tâm. Hãy suy gẫm đến tính cách vô thường biến đổi của vạn pháp. Hãy nghiền ngẫm nghĩ suy về đặc tướng vô ngã (anatta). Không có chi thật sự là của quý vị. Không có chi là sở hữu của quý vị, chí đến thân này cũng vậy. Hãy để cho tâm nhận thức rõ ràng tính cách vô ngã của vạn hữu, không có gì là tự ngã vững bền. Mọi sự vật chỉ "của quý vị" một cách tạm thời, tất cả đều là của vay mượn. Nó sẽ sớm ra đi. Quý vị chỉ có thể nhờ cậy nó trong khi còn sống. Ðây là kỹ thuật suy tư theo đường lối của Giáo Pháp để đối trị tính cách hữu vị của sự vật (sankhàra, hữu vi hay tùy thế, là đặc tính phát sanh và tồn tại do điều kiện của mọi sự vật trên thế gian). Dùng suy tư để đối trị suy tư. Những ai muốn thoát ra khỏi thế gian này phải hiểu biết đầy đủ mọi sắc thái của thế gian để cho tâm nhàm chán và mệt mỏi với hoàn cảnh sanh tử triền miên, như câu chữ Phạn, "NATTHI LOKE RAHO NÀMA", có nghĩa là "Không có gì bí ẩn trong thế gian này". Hãy dùng trí tuệ để khám phá toàn vẹn những bí ẩn của thế gian.

Phần trên đây gợi lên một ý niệm về phương cách hành thiền Vắng Lặng(samatha) và thiền Minh Sát (vipassanà) bằng cách sử dụng những danh từ của chân lý ước định (sammati), hay để giảng về pháp hành chân chánh, nhằm tránh cho những ai theo dõi lời giảng khỏi phải hiểu biết sai lạc. Không nên làm như người mù dẫn đường cho một người mù. Người có mắt sáng mà dẫn dắt người mù thì còn có đôi chút hy vọng. Nhưng dầu sao, nếu quý vị không đi đến nơi đến chốn hãy thận trọng chớ để người mù dẫn dắt quý vị trở lại điểm khởi hành. Nhiều người vẫn còn hiểu sai pháp hành. Họ nghĩ rằng trí tuệ phát sanh từ trạng thái vắng lặng của tâm định. Nếu đúng thật là vậy, tại sao những đạo sĩ ẩn dật ngoài Phật Giáo không bao giờ thành đạt trí tuệ.

Trong pháp hành thiền Minh Sát, ta dùng trí tuệ để quán chiếu, suy tư và duyệt xét tương quan giữa nhân và quả một cách sáng suốt và hợp lý, đúng theo chiều hướng của Chân Lý. Quý vị đã có sẵn trí tuệ và chú niệm, nhưng quý vị không dùng nó để thực hành Giáo Pháp. Hàng ngày quý vị dùng nó để suy gẫm, trong ý nghĩa của thế gian, mà không biết rằng nó sẽ đem lại buồn phiền và sầu muộn. Quý vị tích cực suy tư về những lạc thú trần gian, theo chiều hướng của ô nhiễm và tưởng tượng suy tư. Tại sao quý vị không thể làm như vậy, trong ý nghĩa của Giáo Pháp? Quý vị đã thắt chặt mối gút và bây giờ phải học cách tháo gỡ nó ra. Quý vị đã lấy bùn sình trây đắp vào mình nên giờ đây phải học cách gội rửa cho sạch. Quý vị có biết chăng rằng mình đã bị lôi cuốn và trôi giạt theo trào lưu của thế gian và như vậy, quý vị phải quay mình trở lại đi ngược dòng. Chớ nên để cho tâm lăn trôi xuống dốc theo luồng trôi chảy của đời sống.

Hãy tự rèn luyện, tập quán chiếu sự vật với trí tuệ, và phải lặp đi lặp lại. Làm như vậy trí tuệ sẽ dần dần tăng trưởng, cũng giống như tập đọc và tập viết một ngoại ngữ. Càng đọc và viết thường xuyên càng tinh nhuệ hơn. Trong công trình quán niệm, có thể lúc ban sơ quý vị không được vững vàng lắm, thí dụ như vừa quán niệm rồi ngưng, rồi bắt đầu trở lại, suy tư một lúc, rồi quên luôn, không có một kỹ thuật để kềm giữ và khai triển minh sát. Lúc còn sơ cơ bắt buộc phải như vậy, nhưng rồi về sau, khi đã nhiều lần quán niệm trở đi trở lại, chắc chắn quý vị sẽ trở nên thuần thục. Trí tuệ của Chánh Kiến mà được trau giồi và phát triển như thế này là nền tảng quan trọng. Nếu chưa có được căn bản này, sau khi xuất ra khỏi định quý vị không thể phát triển tâm. Nhưng nếu đã có, sau mỗi lần giữ tâm định được ít lâu, quý vị có thể quán chiếu sự vật với trí tuệ. Khi quán chiếu mệt mỏi, quý vị có thể an trụ tâm, trở về với trạng thái vắng lặng. Ðó là nguyên tắc trí tuệ hỗ trợ tâm an trụ và tâm an trụ hỗ trợ trí tuệ. Hai yếu tố này hỗ trợ lẫn nhau. Trí tuệ thô thiển hỗ trợ an trụ thô thiển. Trí tuệ trung bình hỗ trợ an trụ bậc trung; và trí tuệ vi tế hỗ trợ an trụ vi tế. Ngược lại, tâm an trụ hỗ trợ sự phát triển trí tuệ. An trụ thô thiển hỗ trợ trí tuệ thô thiển. An trụ trung bình hỗ trợ trí tuệ trung bình; và an trụ vi tế hỗ trợ trí tuệ vi tế. Như vậy trong pháp hành, thiền Vắng Lặng (samatha) và thiền Minh Sát (vipassanà) dính liền với nhau. Pháp nào đến trước là tùy ở quý vị. Quý vị phải tự mình quan sát để xem đàng nào thích hợp với mình. Nên ghi nhớ rằng trong pháp hành, chính quý vị phải khai triển trí tuệ cho quý vị.

Trong quyển sách này Sư không giải thích về thành quả của pháp hành bởi vì đã có đề cập đến trong các quyển "Ði Ngược Dòng Ðời", "Cắt Ðứt Dòng Ðời" và "Vượt Sang Bên Kia Dòng Ðời". Sư sẵn sàng giải đáp những thắc mắc nào mà quý vị có thể có trong khi đọc sách này. Mục tiêu chánh yếu của cả hai, tác giả và độc giả, là thành đạt Chánh Kiến. Vậy, Sư xin phúc chúc toàn thể quý vị, cùng các môn đệ của Sư, đã góp phần vào việc ấn tống quyển sách này. Ngưỡng mong quý vị có thể thông suốt Chân Lý với trí tuệ sắc bén, bằng cách nương tựa vào chính khả năng của mình, đúng theo chiều hướng của Chân Lý.

Quý vị nên ghi nhớ rằng người khác chỉ có thể dẫn dắt, vạch lối đi cho quý vị, nhưng thực hành nghiêm chỉnh là nhiệm vụ của quý vị. Cho dù quý vị chỉ có chút ít trí khôn, hãy để cho chút ít trí khôn ấy là loại thượng hảo hạng, còn hơn là có nhiều mà quý vị không thể sử dụng một cách thích nghi. Kỹ thuật của pháp hành phải đặc biệt được sử dụng để tận diệt ô nhiễm và ái dục. Chớ nên thực hành một cách mù quáng theo sách vở mà quý vị đã đọc, mù quáng đến độ quên đi mục tiêu chánh của mình là chiến đấu chống ô nhiễm và ái dục. Bất luận nơi nào bị ô nhiễm và ái dục xâm phạm, hãy dùng trí tuệ diệt trừ ngay tại chỗ và trong tức khắc. Chớ nên để nó phục hồi năng lực. Hành đúng như vậy quý vị sẽ thật sự là người học Giáo Pháp.

Ngưỡng mong rằng bất luận Thánh Quả nào mà quý vị có thể thành tựu trong kiếp sống này sẽ là do quý vị tự mình chứng ngộ.

Thiền sư Phra Àcariya Thoon Khippapanno
Phạm Kim Khánh dịch (PL 2534, TL 1990)

-ooOoo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét