GIÁC NGỘ CỦA PHẬT GIÁO LÀ GÌ?
LỜI PHẬT DẠY:
“Này các Tỳ kheo! Chính vì không giác
ngộ, không chứng đạt bốn pháp mà Ta và các Ngươi, lâu đời phải trôi lăn trong
biển sanh tử. Thế nào là bốn pháp?
1- Này các Tỳ kheo, chính vì không giác
ngộ, không chứng đạt Thánh giới mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi
lăn trong biển sanh tử.
2- Này các Tỳ kheo chính vì không giác
ngộ... Thánh định mà...
3- Này các Tỳ kheo chính vì không giác
ngộ... Thánh tuệ mà...
4- Này các Tỳ kheo, chính vì không giác
ngộ... Thánh giải thoát mà...
Này các Tỳ kheo Thánh giới được giác ngộ
được chứng đạt... thời tham ái một đời sống tương lai được diệt trừ, những gì
đưa đến một đời sống mới được dứt sạch, nay không còn một đời sống nào nữa.
(Kinh Trường Bộ
tập I trang 616, kinh Đại Bát Niết Bàn)
CHÚ GIẢI:
Trong đoạn kinh này chúng ta xét thấy có
bốn pháp môn, do chúng ta không giác ngộ, không chứng đạt bốn pháp môn này nên
lâu đời phải chịu trôi lăn trong biển sanh tử.
Trong bốn pháp môn này chỉ cần chúng ta
giác ngộ và chứng đạt một pháp cũng đủ cho chúng ta không còn trôi lăn trong
biển sanh tử nữa.
Ví dụ: Chúng ta chỉ giác ngộ và chứng
đạt Thánh giới luật, có nghĩa là hiểu biết và thông suốt giới luật là đức
hạnh của người tu sĩ, là đạo đức nhân bản - nhân quả, thường đem lại
lợi ích cho mình, cho người. Do hiểu biết rõ như vậy, nên chúng ta cố gắng giữ
gìn nghiêm chỉnh giới luật không hề vi phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nào, tức là
sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Tâm luôn luôn bất động trước
các ác pháp và các cảm thọ, đó là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Khi sống
được như vậy thì đó là chứng đạt Thánh giới luật.
Thánh giới luật mà không được nghiêm trì
thì Thánh định, Thánh tuệ, và Thánh giải thoát không làm sao có được.
Trong bốn pháp này chỉ có Thánh giới
luật là pháp môn cơ bản nhất và quan trọng nhất, nếu Thánh giới luật nghiêm
chỉnh thì Thánh định, Thánh tuệ, Thánh giải thoát sẽ hiện tiền rõ ràng, thì sự
tu tập không còn khó khăn, không còn mệt nhọc.
Trong đoạn kinh này đức Phật dạy rất rõ
ràng phải giác ngộ, phải chứng đạt. Vậy nghĩa giác ngộ và chứng đạt như
thế nào? Giác ngộ và chứng đạt gồm có hai phần:
1- Giác ngộ có nghĩa là thông hiểu và thấu suốt
nghĩa lý của pháp môn đó rõ ràng như thật, không có chuyện còn hiểu mù mờ, mơ
màng, ảo tưởng v.v… Như các bạn đã biết Phật dạy: “Những gì cần thông suốt phải
thông suốt”. Thông suốt tức là giác ngộ. Giác ngộ là thấy biết pháp đó như
thật. Thấy biết pháp đó như thật mới hướng tâm đến pháp đó mà trong
kinh sách gọi là hướng lưu, nhưng khi tu tập có những kết quả nho nhỏ gọi là dự
lưu.
2- Chứng đạt có nghĩa là nhập vào pháp đó, sống như
pháp đó, nhưng trước khi chứng đạt chúng ta cần phải giác ngộ. Ở đây đức Phật
nêu ra bốn pháp giải thoát. Đó là Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ, Thánh
giải thoát. Bốn pháp nhưng tu tập pháp này thành tựu thì thành tựu luôn ba
pháp kia, thành tựu ba pháp kia là thành tựu một pháp này. Cho nên, chứng đạt
là nhập vào giáo pháp đó. Nhập vào giáo pháp đó gọi là nhập lưu, nhập
lưu tức là nhập vào dòng Thánh, Nhập vào dòng Thánh tức là tâm phải ly dục ly
ác pháp, còn tâm chưa ly dục ly ác pháp thì không làm sao nhập vào dòng Thánh
được. Vậy bây giờ chúng tôi xin hỏi các bạn: “Trong các bạn, ai là
người giác ngộ Thánh giới luật?”. Thánh giới luật của người cư sĩ gồm có:
Năm giới cấm cư sĩ, tám giới Bát Quan
Trai và Thập Thiện. Những giới luật này mà đức Phật gọi là Thánh giới uẩn.
Nếu các bạn là người giác ngộ Thánh Giới uẩn này thì các bạn phải thông suốt
những đức hạnh của bậc Thánh trong những giới luật này rất rõ ràng và những sự
lợi ích của những giới này đối với đời sống của các bạn như thế nào các bạn đều
phải rõ như thật, không còn có một giới nào mà các bạn không biết, có biết như
vậy mới gọi các bạn giác ngộ Thánh giới uẩn.
Tỳ kheo Tăng và Tỳ kheo Ni không những
thông suốt những Thánh giới uẩn của người cư sĩ mà còn phải thông suốt 10 giới
Sa Di, 250 giới Tỳ kheo Tăng và 348 giới Tỳ kheo Ni, nhưng giới luật như vậy
chưa đủ nói lên đức hạnh của Tăng, Ni, các bạn còn phải thông suốt toàn bộ đức
hạnh của giới kinh như kinh Sa Môn Quả, kinh Sa Môn Hạnh, kinh Phạm Võng. Những
giới này các bạn có giác ngộ đức giới, hạnh giới và giới hành của nó chưa? Nếu
chưa thì không thể gọi là giác ngộ Thánh giới uẩn. Cho nên, toàn bộ giới kinh
các bạn đều phải thông suốt đức, hạnh và pháp hành của nó thì mới gọi là giác
ngộ Thánh giới uẩn, còn nếu chưa thì các bạn không được gọi là giác ngộ Thánh
giới uẩn được.
Như trên đã nói giới uẩn là đức hạnh, là
thiện pháp, vì thế giới uẩn là đức hạnh của con Người, của những bậc Thánh. Nếu
không thông hiểu giới luật thì làm sao các bạn thông hiểu nền tảng đạo đức giải
thoát của đạo Phật. Mà không giác ngộ Thánh giới uẩn thì làm sao chứng đạt
được. Phải không các bạn?
Hiện nay các bạn chỉ biết có những bộ
giới luật Ba La Mộc Xoa Đề của các Tổ biên soạn và gán cho Phật chế. Trong
những bộ giới luật này, chỉ có những giới cấm, chứ trong đó không có dạy đức
giới, hạnh giới và hành giới, do không có dạy đức hạnh và hành giới thì làm sao
các bạn giác ngộ được Thánh giới uẩn được.
Giới uẩn là nền tảng căn bản đạo đức tâm
vô lậu, để tu tập theo con đường giải thoát của đạo Phật. Thế mà những bộ giới
luật của các Tổ thiếu khuyết như vậy làm sao nói lên đủ đức hạnh của một bậc
Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ. Giới luật thiếu khuyết như vậy thì làm sao
giúp cho bốn giới đệ tử Phật thông suốt.
“Giới luật còn là Phật giáo
còn, giới luật mất là Phật giáo mất”, đó là bản tuyên ngôn của Phật giáo
đã xác định tinh thần đạo đức rất đúng, không còn ai dám thay đổi. Cho nên,
hiện giờ muốn chấn chỉnh lại Phật giáo, là nên chấn chỉnh lại toàn bộ giới
luật, nên triển khai toàn bộ giới luật đức hạnh, có nghĩa là phải dựng lại
những Phạm hạnh mà ngày xưa chúng Tỳ kheo đã từng sống những Phạm hạnh như vậy
dưới thời đức Phật.
Khi đã giác ngộ và chứng đạt Thánh giới
thì nhất định không còn trôi lăn trong biển sanh tử nữa. Đó là đức Phật đã dạy
như vậy, các bạn hãy lắng nghe: “Này các Tỳ kheo, chính vì không giác ngộ và
chứng đạt Thánh giới mà Ta và các ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển khổ
sanh tử”.
Đúng vậy, nếu chúng ta sống đúng giới
luật không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì làm sao còn trôi lăn trong
biển khổ sanh tử luân hồi được. Phải không các bạn?
Vì ngay trong cuộc sống mà sống đúng
giới luật thì làm sao có làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai, nếu không làm khổ
mình, khổ người và khổ cả hai thì còn đâu là biển sanh tử nữa. Biển sanh
tử đã bị diệt mất khi chúng ta sống đúng Thánh giới. Cho nên, lời di chúc
cuối cùng của đức Phật là để xác định cho các bạn thấy rằng chỉ có giới luật là
pháp môn quan trọng nhất của Phật giáo mà thôi. Tám lớp học (Bát Chánh Đạo) mà
hết bảy lớp tu học về giới luật, chỉ có một lớp tu định và ngay khi nhập định
là triển khai trí tuệ Tam Minh trong lớp đó. Như vậy xét thấy Thánh định, Thánh
tuệ và Thánh giải thoát chỉ có một lớp học mà thôi.
Bởi vậy, trên Tứ Niệm Xứ các bạn giữ gìn
giới luật nghiêm túc đừng để vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, thì ngay đó là các
bạn đã được giải thoát tâm vô lậu, tuệ vô lậu.
Kính thưa các bạn! Vì giới luật lợi ích
cho đời sống tu tập theo Phật giáo như vậy, nên chúng tôi cố gắng ngày đêm biên
soạn bộ Thánh giới uẩn Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ, để các bạn tu hành
không còn sai lạc vào pháp môn của ngoại đạo. Bộ giới uẩn này ra đời chậm trễ
là do chúng tôi phải làm quá nhiều việc, nên xin các bạn vui lòng chờ đợi.
Chúng tôi sẽ cho ra mắt các bạn bộ Giới uẩn này sớm chừng nào tốt chừng nấy.
Tóm lại, Thánh giới uẩn rất
quan trọng trong việc tu hành theo Phật giáo để tìm cầu sự giải thoát ra
khỏi mọi sự khổ đau của cuộc đời này duy chỉ có giới luật đức hạnh là trên hết.
Nếu ai tu hành theo Phật giáo mà còn vi phạm giới luật thì xin các bạn hãy trở
về đời sống thế tục đừng mặc chiếc áo tu sĩ mà làm hại Phật giáo rất tội
nghiệp, mong tất cả mọi người suy xét con người làm hư Phật giáo, chứ Phật giáo
là nền đạo đức nhân bản của con người, nó không phải là một tôn giáo của một
nhóm người nào mà của chung nhân loại.
(NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY – TẬP IV - Trang
117) - Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét