DU
LỊCH
Xác thân bằng thịt, máu và xương
này chỉ là tạm bợ. Cái mà ta gọi là bản tánh cá nhân dính liền với thịt máu và
xương ấy cũng chỉ là một hiện tượng tạm bợ, luôn luôn biến đổi. Trên thế
gian này không có cái gì là trường tồn, không có cái gì gọi là "Linh
hồn". Đức Phật dạy rằng cái mà ta gọi một cách ước định là
chúng sanh hay là con người chỉ là kết quả của một sự phối hợp của nhiều hiện
tượng trong một tiến trình và tiển trình ấy không bắt đầu khi con người
sanh ra, không chấm dứt lúc chết mà luôn luôn tiếp diễn từ kiếp này sang kiếp
khác, luôn luôn biến đổi.
Tất cả chúng
ta đều đi đến đây trên một con đường thật dài. Không ai
thấy được khởi điểm của con đường ấy. Mỗi chúng ta đều đã già, thật là
già. Chúng ta già hơn mặt trời, mặt trăng và các tinh tú.
Đức Phật dạy rằng
trong cuộc du lịch xa xôi của chúng ta, mỗi người trong chúng ta đã từng nếm
trải tất cả các cảnh ngộ có thể tìm thấy "bên bờ bên này",
chúng ta đã nếm đủ mùi trên thế gian ba giới này. Chúng ta đã có
thương yêu và thù ghét, đã vui sướng và buồn khổ, đã sống ở mọi nơi,
thấy mọi vật, làm mọi việc, nhiều thật nhiều lần. Và ta vẫn còn lập đi lập
lại những công việc ấy mãi mãi. Nếu nhớ được những gì ta đã nếm trải
trong dĩ vãng chắc ta không thể chịu nổi. Nhưng ta không nhớ. Vì lẽ ấy mà hết
kiếp này sang kiếp khác chúng ta vẫn lập đi lập lại những việc đã cũ mềm.
Hiện giờ chúng ta vẫn còn quanh quẩn chạy tới chạy lui và đùa giỡn trên bờ
bên này.
Chúng ta chạy từ
cảnh trời cao nhất đến cảnh khổ thấp nhất. Nếu có người nào, như Đức
Phật chẳng hạn, khuyên ta nên chấm dứt những hành động ngu xuẩn
và điên rồ của ta để cố gắng sang bờ bên kia, ắt ta không để ý
đến.
Ngày nào ta còn
muốn ở bờ bên này là ta còn ở. Nhưng sang bờ bên kia thì không dễ gì vì bờ bên
kia là Niết Bàn của chư vị Phật, chư vị Độc Giác Phật và chư vị A-La-Hán.
Muốn qua bờ bên kia ta phải không ngừng trưởng thành cũng như các Ngài đã
không ngừng trưởng thành. Đó là cuộc du lịch duy nhất mà ta chưa từng tham
gia và là cuộc du lịch duy nhất đáng được tham gia.
Khi đi từ một
điểm này đến một điểm kia trên mặt quả địa cầu, chúng ta tưởng như
vậy là du lịch. Thực ra, ta chỉ hành động như những con sâu bò quanh quẩn
trong một quả cam thối. Người có nhiều tham vọng và nhiều tưởng tượng hơn mơ
ước đi từ quả địa cầu này sang mặt trăng hay một hành tinh khác, nghĩ
rằng đó mới thật là du lịch. Họ chỉ giống loài ruồi, lằn, bay từ quả cam
thối này đến quả cam thối khác. Đức Phật dạy rằng trong dĩ vãng vô tận,
chúng ta đã có nhiều lần sống trên những quả cam thối ấy rồi. Những quả
cam thối ấy vẫn còn ở bờ bên này và không có chi là mới lạ.
Ngoài ra, thật xa
trên không trung, xa đến nổi ta không thể quan niệm được khoảng đường có
rất nhiều tinh tú, đếm hàng triệu triệu. Quanh mỗi tinh tú, các hành tinh vận
hành như quả địa cầu vận hành quanh mặt trời. Với lòng ích kỹ sẵn có trong
mỗi người chúng ta, ta sẵn sàng phủ nhận giả thuyết chủ trương có sự sống trên
hành tinh, tại sao lại không có một loài người? Rất có thể có loài người trên
ấy. Ví như có thì có gì khác lạ? Như vậy trên ấy chỉ có tham, sân, si như
ở địa cầu nầy. Vậy ta thấy có cần phải lên trên ấy không? Ta có thấy cần
phải đi xa thật xa để gặp lại những bộ mặt ngu xuẩn, nghe lại những tiếng
xấu xa, ngửi lại những mùi hôi thối không? Riêng phần chúng tôi, chúng tôi
không khi nào muốn tạo cho chúng tôi bao nhiêu phiền não và khó nhọc để
gặp lại những điều bỉ ổi mà hằng ngày ở đây chúng tôi vẫn gặp.
Khoảng cách từ
ta đến những điều xấu xa khỏi phải đo bằng cây số. Một quyển sách tốt,
trong chốc lát, có thể đưa ta đến đó. Thiền định, nếu ta biết, cũng có thể đưa
ta đến đó. Muốn thiền định có kết quả, sự yên lặng thật là tối cần. Dĩ nhiên,
ta không nên ngồi bên đường sắt khi xe lửa chạy ngang, cũng không nên ngồi
giữa phố phường thị tứ. Tâm an trụ dễ dàng trong sự yên lặng.
Đó mới là chuẩn
bị để bắt đầu một cuộc du lịch mới mẻ, một cuộc mạo hiểm thích thú.
Mục tiêu của cuộc
hành trình? - "Bờ bên kia"!
Cầu chúc may mắn.
-ooOoo-
--
SAMYUTTA NIKA (Quyển I, Sagatha Vagga No. 10)
-ooOoo-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét