Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Thân hành niệm Tứ Thánh Định

 


1. SƠ THIỀN

Nhờ tu tập pháp Thân Hành Niệm như vậy và sống phòng hộ sáu căn nên tâm không phóng dật.

Vì thế tất cả tâm tham, sân, si, mạn, nghi đều bị diệt trừ, nhờ đó tâm mới An Trú, An Tọa, Chuyên Nhất, Định Tĩnh. Khi tâm được vào các trạng thái này tâm mới thanh thản, an lạc và vô sự thật sự.

Nhờ tu tập pháp Thân Hành Niệm nên cuối cùng tâm chứng đạt được quả Vô Lậu. Nhờ chứng đạt quả Vô Lậu tâm mới có đủ Tứ Thần Túc, nhờ có Tứ Thần Túc nên mới li dục li ác pháp nhập Sơ Thiền một cách dễ dàng, không có khó khăn và không có mệt nhọc. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy:

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo li dục, li ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỉ lạc do li dục sanh, với tầm và tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỉ lạc do li dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỉ lạc do li dục sanh ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm; sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỉ lạc do li dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỉ lạc do li dục sanh ấy thấm nhuần.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thân Hành Niệm.”

Khi tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự suốt 7 ngày đêm thì Tứ Thần Túc xuất hiện. Muốn có Tứ Thần Túc thì chỉ có ở trên Tứ Niệm Xứ giữ gìn tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự, chớ không có pháp nào tu tập để có Tứ Thần Túc cả, nhưng không có Tứ Thần Túc thì không bao giờ nhập Tứ Thánh Định được. Không nhập được Tứ Thánh Định thì không bao giờ làm chủ sinh, già, bệnh, chết được.

Cho nên ngoại đạo nói nhập thiền định 6, 7 ngày mà không làm chủ sự sống chết tức là nhập vào thiền tưởng, vì thế tu thiền định của ngoại đạo chỉ để luyện thần thông tưởng để lừa đảo mọi người, như các thiền sư Lạt Ma Tây Tạng tu tập để phóng xuất cầu vồng làm cho náo động cả thế giới cho đó là một điều ít thấy.

Mục đích tu hành của đạo Phật là làm chủ sinh, già, bệnh, chết nơi bản thân của mình để bản thân của mình không còn làm khổ mình, chớ không phải đi luyện thần thông. Quí vị có hiểu không?

Sơ thiền mà nhập được thì nhập vào Nhị Thiền là một dễ dàng như lấy đồ trong túi áo.

2.- NHỊ THIỀN

Khi tâm không phóng dật, an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh thì lúc bây giờ tâm có đủ Tứ thần Túc, cho nên hành giả muốn nhập định nào thì liền nhập ngay định ấy, nhưng phải biết tác ý đúng pháp như Đức Phật đã trạch pháp ra những câu tác ý nhập định. Đây là ý hành tác ý Thân Hành Niệm thứ 11 để nhập Nhị Thiền. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy:

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỉ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỉ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỉ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỉ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân, không được hỉ lạc do đính sanh ấy thấm nhuần.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thân Hành Niệm.”

Khi chúng ta tu tập có Tứ Thần Túc thì chúng ta diệt tầm tứ rất dễ dàng, còn chưa có Tứ Thần Túc thì không sao diệt tầm tứ được. Tại sao vậy?

Trước khi trả lời câu hỏi này chúng ta phải nghĩa Tầm Tứ.

Tầm là sự suy tư nghĩ ngợi của mình nó thuộc về ý thức.

Tứ là ý tứ từ việc nhỏ cho đến việc lớn nó thuộc vế ý thức.

Như vậy diệt Tầm, Tứ là diệt ý thức của mình không cho nó hoạt động.

Như vậy khi nhập Nhị Thiền thì ý thức phải ngưng hoạt động hoàn toàn, giống như một người đang ngủ say.

Trong khi chúng ta còn tỉnh táo không có buồn ngủ mà bảo diệt ý thức thì quí vị có làm được không?

Cho nên muốn làm được việc này quí vị phải tu đúng pháp Tứ Niệm Xứ thì mới có những thần lực diệt Tầm Tứ.

Đến Nhị Thiền quí vị thấy cái khó của Nhị Thiền mà một người bình thường không thể làm được. Muốn làm được phải ra công tu tập ngày đêm không biếng trễ.

Nhưng những người tu đúng pháp có Định Như Ý Túc thì nhập các loại thiền định này dễ như trở bàn tay, vì thế nhập tới Tứ Thiền hay bất cứ một loại thiền định nào cũng dễ dàng, họ chỉ truyền lệch là thân tâm họ nhập thiền đó liền.



3.- TAM THIỀN

Thiền định của Phật giáo cũng được xem là một pháp môn Thân Hành Niệm, mặc dù lúc này tâm hành giả An Trú, An Tọa, Chuyên Nhất, Định Tĩnh nên họ tác ý đâu là thân tâm sẽ làm theo đúng như lệnh truyền, cho nên đến Thiền Thứ Ba chỉ cần tác ý: “Xả niệm lạc trú” thì sẽ nhập vào Thiền Thứ Ba ngay liền.

Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy tác ý nhập Thiền Thứ Ba:

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo li hỉ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "Xả niệm lạc trú", chứng và an trú Thiền thứ ba. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỉấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỉấy thấm nhuần. Như vậy, Tỷ-kheo an trú không phóng dật... (như trên)... Tỷ-kheo tu tập Thân Hành Niệm.

Này các Tỷ-kheo, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỉấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỉấy thấm nhuần.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thân Hành Niệm.”

Từ nhập Sơ Thiền đến Thiền Thứ Tư đều dùng pháp như lí tác ý tức là pháp hướng tâm đến thiền định nào thì tâm sẽ nhập Thiền định ấy một cách dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc.

4.- TỨ THIỀN

Thiền Thứ Tư cũng là pháp môn Thân Hành Niệm cuối cùng trong 13 pháp Thân Hành Niệm, nhưng quí vị nên nhớ bốn pháp thiền của Phật giáo không phải là pháp môn Thân Hành Niệm để tu tập mà để thực hiện những năng lực siêu việt khi tâm đã thanh tịnh tức là tâm chứng đạt chân lí Vô Lậu. Bởi vậy muốn nhập thiền định của Phật giáo thì không phải tu tập Thiền Định mà tu tập Giới Luật. Khi tu tập Giới Luật tâm đã thanh tịnh thì nhập Thiền Định không có khó khăn, không có mệt nhọc, chỉ cần dùng pháp Như Lí Tác Ý là nhập Thiền Định ngay liền. Cho nên muốn nhập Tứ Thiền thì nên tác ý: “Tịnh Chỉ Hơi Thở Nhập Tứ Thiền.” chỉ tác ý như vậy là đủ nhập vào Tứ Thiền.

Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy nhập Tứ Thiền:

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, xả lạc xả khổ, diệt hỉ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy ngồi, thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Trong khi vị ấy sống an trú không phóng dật... (như trên)... Tỷ-kheo tu tập Thân Hành Niệm.

Này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập, làm cho sung mãn Thân Hành Niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm (antogadha?) đều thuộc về minh phần (vijjabhagiya). Ví như, này các Tỷ-kheo, biến lớn của ai được thấm nhuần bởi tâm, thời các con sông của vị ấy đi vào trong biển, đều thuộc về biển lớn; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập làm cho sung mãn Thân Hành Niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm, đều thuộc về minh phần.”

Mười ba pháp Thân Hành Niệm là 13 pháp để mọi người tu tập chứng đạo, nếu ai có duyên với Thân Hành Niệm nào thì tu ngay pháp Thân Hành Niệm ấy. Nhưng chỉ nên chọn lấy một pháp tu tập mà thôi, và pháp ấy phải phù hợp hành động Thân Hành Niệm của mình thì sự tu tập mới trở thành Căn Cứ Địa. Khi tu tập đã trở thành căn cứ địa thì không còn một tên giặc sinh tử luân hồi nào dám bén mảng đến thân tâm của chúng ta nữa. Nhờ tu tập như vậy mà Tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lac và Vô Sự hiện tiền.

Cho nên sự chứng đạo của Phật giáo không ngoài tâm của chúng ta, chỉ khi nó Bất Động, Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự thì chứng đạo ngay liền tại đó.




Người chỉ đường ***



 Kinh Ganaka Moggallàna

(Ganakamoggallàna sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Pubbarama, nơi lâu đài của Migaramatu (Ðông Viên Lộc Mẫu Giảng đường). Rồi Bà-la-môn Ganaka Moggallana đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Ganaka Moggallana bạch Thế Tôn:

-- Ví như, thưa Tôn giả Gotama, tại lâu đài Migaramatu này, có thể thấy được một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức là những tầng cấp của lầu thượng cuối cùng [1]; thưa Tôn giả Gotama, cũng vậy, đối với những vị Bà-la-môn này, được thấy một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức là sự học hỏi các tập Veda [2]. Thưa Tôn giả Gotama, cũng vậy, đối với những vị bắn cung này, được thấy một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức là nghệ thuật bắn cung. Cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama, đối với chúng con là những người toán số [3], sống nhờ nghề toán số, cũng được thấy một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức là toán số. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng khi có được người đệ tử, trước hết chúng con bắt người ấy đếm như sau: "Một, một lần, hai, hai lần, ba, ba lần, bốn, bốn lần, năm, năm lần, sáu, sáu lần, bảy, bảy lần, tám, tám lần, chín, chín lần, mười, mười lần". Và thưa Tôn giả Gotama, chúng con bắt đếm tới một trăm. Có thể trình bày chăng, thưa Tôn giả Gotama, trong Pháp và Luật này, cũng có một tuần tự học tập, một tuần tự công trình, một tuần tự đạo lộ như vậy?

-- Có thể trình bày, này Bà-la-môn, trong Pháp và Luật này, có một tuần tự học tập, có một tuần tự công trình, có một tuần tự đạo lộ. Ví như, này Bà-la-môn, một người huấn luyện ngựa thiện xảo, sau khi được một con ngựa hiền thiện, trước tiên luyện tập cho nó quen mang dây cương, rồi tập luyện cho nó quen các hạnh khác; cũng vậy, này Bà-la-môn, Như Lai khi được một người đáng được điều phục, trước tiên huấn luyện người ấy như sau:

(Lòng tín thành)

Cũng vậy, này Aggivessana, ở đây, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này là Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên bố điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh, hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Người gia trưởng hay con người gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp hạ tiện nghe pháp ấy, sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, người ấy suy nghĩ: "Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ, hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ, hay bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Cho đến đây, này Aggivessana, là vị Thánh đệ tử đi đến chỗ ngoài trời. Nhưng này Aggivessana, các vị Thiên, Nhân có tham ái này, tức là năm dục công đức.

(Giới hạnh)

"Nầy Tỳ-khưu, hãy giữ giới hạnh, hãy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới".

(Hộ trì các căn)

Này Bà-la-môn, khi vị Tỳ-khưu giữ giới hạnh, chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: "Nầy Tỳ-khưu, hãy hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được chế ngự khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị Tỳ-khưu tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng.... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các pháp ác bất thiện khởi lên, Tỳ-khưu chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn".

(Tiết độ trong ăn uống)

Này Bà-la-môn, sau khi Tỳ-khưu hộ trì các căn rồi, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: "Nầy Tỳ-khưu, hãy tiết độ trong ăn uống, chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, chỉ để thân này được duy trì, được bảo dưỡng, khỏi bị gia hại, để chấp trì Phạm hạnh [4], nghĩ rằng: "Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới; và ta sẽ không phạm lỗi lầm, sống được an ổn".

(Chú tâm cảnh giác)

Này Bà-la-môn, sau khi Tỳ-khưu tiết độ trong ăn uống rồi, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: "Nầy Tỳ-khưu, hãy chú tâm cảnh giác! Ban ngày trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh đầu, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh giữa, hãy nằm xuống phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, chân gác trên chân với nhau, chánh niệm tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy lại. Ban đêm trong canh cuối, khi đã thức dậy, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp".

(Chánh niệm tỉnh giác)

Này, Bà-la-môn, sau khi vị Tỳ-khưu chú tâm tỉnh giác, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm nữa như sau: "Nầy Tỳ-khưu, hãy thành tựu chánh niệm tỉnh giác, khi đi tới khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác".

(Từ bỏ năm triền cái)

Này Bà-la-môn, sau khi chánh niệm tỉnh giác rồi, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: "Nầy Tỳ-khưu, hãy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm".

Vị ấy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên; từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc; từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với các thiện pháp [5].



(Hành Tứ niệm xứ)

Vị ấy sau khi đoạn trừ năm triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để điều phục tham ưu ở đời, quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để điều phục tham ưu ở đời.

Ví như, này Aggivessana, một người điều phục voi đóng một cọc trụ lớn vào đất, cột cổ con voi rừng để điều phục nếp sống rừng của nó, để điều phục tâm tư rừng núi của nó, để điều phục sự ưu tư mệt nhọc nhiệt não của rừng núi, để làm cho nó thích thú với thôn làng và làm cho nó quen thuộc với nếp sống loài người; cũng vậy, này Aggivessana, bốn niệm xứ này là những dây cột tâm tư để điều phục tánh cư sĩ, để điều phục tâm tư cư sĩ, để điều phục sự ưu tư mệt nhọc nhiệt não của các cư sĩ, để đạt được chánh lý (naya), để chứng ngộ Niết-bàn.

Rồi Như Lai huấn luyện thêm vị ấy:

-- Hãy đến, này Tỳ-khưu, hãy trú quán thân trên thân, và chớ có suy tư trên tầm liên hệ đến thân; hãy trú quán thọ trên các cảm thọ, và chớ có suy tư trên tầm liên hệ đến cảm thọ; hãy trú quán tâm trên tâm, chớ có suy tư trên tầm liên hệ đến tâm; hãy trú quán pháp trên các pháp, và chớ có suy tư trên tầm liên hệ đến các pháp.

(Nhập thiền-na)

Khi đoạn trừ năm triền cái ấy [6], những pháp làm ô nhiễm tâm, làm trí tuệ yếu ớt, vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Này Bà-la-môn, đối với những Tỳ-khưu nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu sự vô thượng an tịnh các triền ách, đó là sự giảng dạy của Ta như vậy đối với những vị ấy. Còn đối với những vị Tỳ-khưu là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát, những pháp ấy đưa đến sự hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác.

(Tam minh)

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến túc mạng trí. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy vị ấy nhớ đến những đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến sanh tử trí của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Vị ấy nghĩ rằng: "Thật sự những vị chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về thân, thành tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này". Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm [5], không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ" [6], tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ tập", tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ diệt", tuệ tri như thật: "Ðây là Con Ðường đưa đến khổ diệt" tuệ tri như thật: "Ðây là những lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là nguyên nhân của các lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là Con Ðường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc".

(Giải thoát)

Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có trở lui đời sống này nữa".

Tỳ-khưu kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của muỗi, ruồi, gió, mặt trời và các loài bò sát, các ác ngữ, các lời nói chửi mắng, vị ấy sống quen kham nhẫn với những cảm thọ về thân, thống khổ, đau nhói, đau đớn, kịch liệt, bất khoái, không thích ý, đau đớn đến chết, được gột sạch về uế nhiễm tham, sân, si. Vị ấy xứng đáng được cúng dường, cung kính, tôn trọng, chấp tay, là vô thượng phước điền trên đời.

Nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi già chết đi, không được điều phục, không được huấn luyện, thời con vương tượng tuổi già được gọi là đã chết với cái chết không được điều phục. Nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi bậc trung; nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi trẻ chết đi, không được điều phục, không được huấn luyện, thời con vương tượng tuổi trẻ được gọi là đã chết với cái chết không được điều phục. Cũng vậy, này Aggivessana, nếu vị Trưởng lão Tỳ-khưu chết với lậu hoặc chưa đoạn tận, thời Trưởng lão Tỳ-khưu được gọi là đã chết với cái chết không được điều phục. Nếu, này Aggivessana, một Tỳ-khưu trung niên; nếu, này Aggivessana, một Tỳ-khưu thiếu niên chết với lậu hoặc chưa đoạn tân, thời Tỳ-khưu thiếu niên được gọi là đã chết với cái chết không được điều phục.

Nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi già khéo điều phục, khéo huấn luyện chết đi, thời con vương tượng tuổi già được gọi là đã chết với cái chết được điều phục. Nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi bậc trung, nếu, này Aggivessana, một con vương tượng tuổi trẻ khéo điều phục, khéo huấn luyện chết đi, thời con vương tượng tuổi trẻ được gọi là đã chết với cái chết được điều phục. Cũng vậy, này Aggivessana, nếu một Trưởng lão Tỳ-khưu với lậu hoặc đã đoạn tận chết đi, thời Trưởng lão Tỳ-khưu được gọi là đã chết, với cái chết được điều phục. Nếu, này Aggivessana, một trung niên Tỳ-khưu; nếu, này Aggivessana, một thiếu niên Tỳ-khưu, với lậu hoặc đã đoạn tận chết đi, thời vị thiếu niên Tỳ-khưu được gọi là đã chết, với cái chết được điều phục.



(Như Lai là người chỉ đường)

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Ganaka Moggallana bạch Thế Tôn:

-- Các đệ tử của Sa-môn Gotama, khi được Sa-môn Gotama khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, có phải tất cả đều chứng được cứu cánh đích Niết-bàn [8] hay chỉ có một số chứng được?

-- Này Bà-la-môn, một số đệ tử của Ta, khi được khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được.

-- Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đưa đến Niết-bàn, trong khi có mặt Tôn giả Gotama là bậc chỉ đường, tuy vậy các đệ tử Tôn giả Gotama, được Tôn giả Gotama khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được?

-- Này Bà-la-môn, ở đây Ta sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn, hãy trả lời cho Ta. Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có giỏi về con đường đi đến Rajagaha (Vương Xá)?

-- Thưa Tôn giả, con có giỏi về con đường đi đến Rajagaha.

-- Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có một người, muốn đi đến Rajagaha, người này đến Ông và nói như sau: "Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến Rajagaha. Hãy chỉ cho tôi con đường đi đến Rajagaha". Ông nói với người ấy như sau: "Ðược, này Bạn, đây là con đường đưa đến Rajagaha. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một làng tên như thế này. Hãy đi theo trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một thị trấn tên như thế này. Hãy đi theo trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn sẽ thấy Rajagaha với những khu vườn mỹ diệu, với những khu rừng mỹ diệu, với những vùng đất mỹ diệu, với những hồ ao mỹ diệu". Dầu cho người ấy được khuyến giáo như vậy, được giảng dạy như vậy, nhưng lại lấy con đường sai lạc, đi về hướng Tây. Rồi một người thứ hai đến, muốn đi đến Rajagaha. Người này đến Ông và hỏi như sau: "Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến Rajagaha, mong Tôn giả chỉ con đường ấy cho tôi". Rồi Ông nói với người ấy như sau: "Ðược, này Bạn, đây là đường đi đến Rajagaha. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi một thời gian, Bạn sẽ thấy một làng có tên như thế này. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi một thời gian, Bạn sẽ thấy một thị trấn có tên như thế này. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy Rajagaha với những khu vườn mỹ diệu, với những khu rừng mỹ diệu, với những vùng đất mỹ diệu, với những ao hồ mỹ diệu". Người ấy được Ông khuyến giáo như vậy, giảng như vậy, đi đến Rajagaha một cách an toàn.

Này Bà-la-môn, do nhân gì, do duyên gì, trong khi có mặt Rajagaha, trong khi có mặt con đường đưa đến Rajagaha, trong khi có mặt Ông là người chỉ đường, dầu cho Ông có khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một người lấy con đường sai lạc, đi về hướng Tây, còn một người có thể đi đến Rajagaha một cách an toàn?

-- Thưa Tôn giả Gotama, ở đây, con làm gì được? Con chỉ là người chỉ đường, thưa Tôn giả Gotama.

-- Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường.

Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Ganaka Moggalana bạch Thế Tôn:

-- Thưa Tôn giả Gotama, đối với những người không phải vì lòng tin, chỉ vì sinh kế, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, những người xảo trá, lường gạt, hư ngụy, mất thăng bằng, cao mạn, dao động, nói phô tạp nhạp, không hộ trì các căn, ăn uống không tiết độ, không chú tâm cảnh giác, thờ ơ với Sa-môn hạnh, không tôn kính học tập, sống quá đầy đủ, uể oải, đi đầu trong thối thất, từ bỏ gánh nặng viễn ly, biếng nhác, tinh cần thấp kém, thất niệm, không tỉnh giác, không định tâm, tâm tán loạn, liệt tuệ, câm ngọng; Tôn giả Gotama không thể sống với những người như vậy.

Còn những Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không xảo trá, không lường gạt, không hư ngụy, không mất thăng bằng, không cao mạn, không dao động, không nói phô tạp nhạp, hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm tỉnh giác, không thờ ơ với Sa-môn hạnh, tôn kính học tập, sống không quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ thối thất, đi đầu trong viễn ly, tinh cần, tinh tấn, chánh niệm, an trú, tỉnh giác, định tĩnh, nhứt tâm, có trí tuệ, không câm ngọng; Tôn giả Gotama sống hòa hợp với những vị ấy.

Ví như Tôn giả Gotama, trong các loại căn hương, hắc chiên đàn hương được gọi là tối thượng; trong các loại lõi cây hương, xích chiên đàn hương được gọi là tối thượng; trong các loại hoa hương, vũ quý hương (jasmine) được gọi là tối thượng. Cũng vậy là lời khuyến giáo của Tôn giả Gotama được xem là cao nhất trong những lời khuyến giáo hiện nay.

Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và chúng Tỳ-khưu Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

[Trung Bộ 107]



Ghi chú:

[1] Một căn nhà có 7 tầng lầu không thể được xây trong một ngày (theo Chú giải).
[2] Không thể học thuộc 3 bộ kinh Veda trong một ngày (theo Chú giải).
[3] Ganaka: nghề toán số; do đó vị Bà-la-môn nầy có tên là Ganaka.
[4] Brahmacariyam: Đời sống trong sạch của một tu sĩ sống độc thân.
[5] Kusala: thiện pháp, tạo nghiệp thiện.
[6] Nìvarana: Triền cái: Tham dục (Kàmacchanda, Sense desire), Sân hận (Vyàpàda, Ill will), - Hôn trầm (Thìna-middha, Sloth and Torpor), Trạo cử (Uddhacca-kukkucca, Restlessness), Hoài nghi (Vicikicchà, Doubt).
[7] Ariya: bậc Thánh. theo Thanh Tịnh Đạo luận, đây là chỉ các vị đã nhập dòng thánh giải thoát.
[8] Accantanittha: mục đích tối thượng.

-ooOoo-

Nhìn thẳng vào tâm



Chấm dứt hoài nghi

Nhiều người có trình độ đại học, có bằng cấp tốt nghiệp và thành công trên đường đời, nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống của họ thiếu thốn. Dầu có tư tưởng cao xa hay thông minh hoạt bát đến đâu đi nữa, tâm của họ cũng chứa đầy những thứ vô dụng và hoài nghi. Chim kên kên bay cao đấy, nhưng nó ăn những thứ gì?

Chân lý là sự hiểu biết vượt ra ngoài tính cách điều kiện, tổng hợp và giới hạn của khoa học thế gian. Dĩ nhiên trí tuệ thế gian có thể dùng vào những mục tiêu tốt đẹp. Nhưng trí tuệ của thế gian có thể đi ngược lại với tôn giáo và giáo dục. Cái hay cái đẹp của trí tuệ siêu thế là có thể sử dụng kỹ thuật của trí tuệ thế gian mà không bị dính mắc vào chúng.

Phải học phần căn bản trước. Đó là căn bản đạo đức, giới luật, thấy được sự giả tạm của cuộc sống, thấy được hiện tượng già và chết. Đó là nơi chúng ta bắt đầu. Cũng như trước khi biết đi, bạn phải biết lật, biết bò, rồi biết... lái xe, và sau đó, có thể lái máy bay du hành quanh trái đất.

Nghiên cứu sách vở không quan trọng lắm. Dĩ nhiên kinh điển là đúng, nhưng không diễn đạt hết chân lý. Kinh điển chỉ là ngôn từ, chữ viết, mà ngôn từ và chữ viết chỉ có khả năng diễn đạt giới hạn. Chẳng hạn như danh từ "sân hận" không thể diễn tả được trạng thái nóng nảy, giận hờn, cũng như nghe nêu tên một người nào đó, khác với gặp người ấy. Chỉ có kinh nghiệm của chính bạn mới đem lại đức tin thật sự.

Có hai loại đức tin. Loại thứ nhất là tin tưởng một cách mù quáng vào Phật, Pháp và vị thầy -- thông thường là người đầu tiên hướng dẫn mình hành thiền hay cho mình xuất gia. Loại thứ hai là Chánh Tín -- đức tin chắc chắn, không lay chuyển, phát sinh từ sự hiểu biết của chính mình. Mặc dầu vẫn còn những phiền não khác cần vượt qua, người thấy một cách rõ ràng sự vật bên trong chính mình, có thể dứt được hoài nghi, đạt được đức tin trong việc thực hành.

--oo0oo--



Bỏ hết ngôn từ sách vở, và tự mình nhận thức

Việc thực hành của tôi không đặt nặng ở học hỏi hay nghiên cứu. Tôi lấy những lời dạy của Đức Phật làm căn bản và bắt đầu nghiên cứu tâm mình một cách tự nhiên. Khi thực hành, bạn hãy tự quan sát mình, cứ thế dần dần trí tuệ và tri kiến sẽ tự phát sinh. Nếu bạn ngồi thiền mà muốn được thế này, thế kia thì tốt hơn nên dẹp đi đừng ngồi thiền nữa. Đừng kỳ vọng hay mang thêm một ý tưởng gì vào việc thực hành của bạn. Hãy xếp vào kho mọi ý niệm hay tư kiến của mình.

Khi thực hành bạn dẹp bỏ tất cả ngôn từ, biểu tượng, dự định, kế hoạch, v.v. Có thế bạn mới tự mình thấy được chân lý, vì chân lý không ở đâu xa, nó khởi sinh ngay tại đây. Tôi đã học giáo pháp qua kinh điển trong những năm đầu tiên. Lúc ấy, khi có thì giờ tôi thường đến nghe những học giả, những bậc thầy thuyết giảng, cho đến khi sự học hỏi này biến thành chướng ngại nhiều hơn là hỗ trợ, tôi mới ngưng học. Thực ra tôi đã không biết cách nghe giáo pháp, vì tôi không nhìn vào bên trong.

Các bậc thiền sư này đã nói đến chân lý bên trong chính mình. Khi thực hành tôi bắt đầu hiểu rõ là nó nằm ngay trong chính tôi. Một thời gian sau, tôi thấy rằng các thiền sư này đã thực sự thấy rõ chân lý, và nếu tôi đi theo con đường của các ngài, tôi sẽ gặp những gì mà các ngài đã nói đến; và lúc đó tôi sẽ có thể nói, "Vâng, các ngài nói đúng. Còn gì nữa đâu?" Khi tôi kiên trì thực hành, tôi thấy quả đúng như vậy.

Nếu bạn thích ở trong Giáo Pháp thì hãy xả bỏ, hãy để mọi chuyện diễn biến tự nhiên theo nó. Chỉ thuần học lý thuyết mà không thực hành thì chẳng khác nào "bỏ hình bắt bóng." Không cần học hỏi nghiên cứu nhiều. Nếu bạn dựa vào những điều căn bản và thực hành theo, bạn sẽ tự mình thấy giáo pháp.

--oo0oo--



Học hỏi và kinh nghiệm

Chúng ta hãy nói đến sự khác biệt giữa việc Nghiên Cứu Giáo Pháp và Áp Dụng Giáo Pháp Vào Thực Hành. Chân Giáo Pháp phải học hỏi là: Tìm một con đường để thoát khỏi sự bất xứng ý của đời sống và đạt được hạnh phúc, bình an cho chính mình cùng tất cả chúng sinh.

Khi tâm an tịnh tức là nó đang ở trong điều kiện bình thường. Khi tâm di động thì tư tưởng hình thành. Hạnh phúc hay đau khổ là một phần của tâm hoạt động này. Bất an và tham ái cũng được hình thành như thế. Nếu bạn không hiểu rõ chuyển động này, bạn sẽ săn đuổi đàng sau tư tưởng hình thành mãi, và trở thành nạn nhân của nó.

Thế nên Đức Phật dạy chúng ta hãy quan sát hoạt động của tâm. Theo dõi tâm di chuyển, chúng ta có thể thấy được những đặc tính căn bản của nó. Đó là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Bạn nên tỉnh thức và quan sát những hiện tượng tâm lý này. Bằng cách này bạn có thể học được tiến trình của nhân duyên. Đức Phật dạy rằng: Vô minh là nhân phát sinh ra hành nghiệp và mọi hiện tượng. Hành nghiệp hay sự "chủ ý" này phát sinh ra Thức và Thức lại là nhân của Thân và Tâm. Đó là tiến trình của Nhân duyên.

Khi bắt đầu nghiên cứu Phật Giáo, chúng ta thấy lối dạy theo truyền thống kinh điển đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Nhưng khi tiến trình đã diễn ra bên trong chúng ta, chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng của sự thực hành. Những kẻ chỉ học pháp học mà không thực hành không thể nào theo kịp sự mau lẹ của tiến trình này.

Dĩ nhiên tiến trình của tâm được kinh điển hệ thống hóa và mô tả rõ ràng, nhưng kinh nghiệm vượt ra ngoài sách vở học hỏi. Sách vở không thể cho bạn biết "đây" là kinh nghiệm của si mê phát sinh, "đây" là những cảm giác phát sinh từ tác ý, "đây" là một loại tâm đặc biệt, "đây" là những cảm giác về sự khác biệt của thân và tâm. Cũng như khi bạn trèo cây và bị rơi xuống đất. Bạn không thể nào biết được là bạn đã rơi bao nhiêu thước, bao nhiêu tấc. Bạn chỉ biết bạn rơi xuống đất và thấy đau mà thôi. Không sách vở nào mô tả điều này.

Sách vở nghiên cứu Giáo Pháp được hệ thống hóa và làm cho rõ ràng, nhưng thực tế không chỉ đi theo một lối đi đơn giản. Bởi thế, chúng ta phải dùng trí tuệ sâu xa của chúng ta để nghiệm xem cái gì đã khởi sinh trong tâm kẻ giác ngộ. Kẻ giác ngộ hiểu biết qua kinh nghiệm của họ rằng tâm không phải là Ta, của Ta, không phải là Tự Ngã của ta. Khi nói cho chúng ta biết tên của các loại Tâm và Tâm Sở, Đức Phật không muốn chúng ta dính mắc vào ngôn từ. Ngài chỉ muốn chúng ta thấy tất cả đều vô thường, khổ và vô ngã. Ngài dạy hãy buông bỏ tất cả. Khi các pháp phát sinh ra hãy chánh niệm, biết chúng. Tâm thực hiện được sự ghi nhận, giác tỉnh này mới là tâm được huấn luyện đúng cách.

Khi Tâm bị khuấy động thì nhiều loại tâm, tâm sở: tư tưởng, phản ứng, v.v., được hình thành và nẩy nở liên tục. Chỉ để chúng thế, tốt cũng như xấu. Đức Phật chỉ dạy đơn giản: "Vất bỏ hết." Nhưng đối với chúng ta thì cần phải nghiên cứu tâm mình để biết làm thế nào để có thể vất bỏ chúng.

Nếu nhìn những yếu tố của tâm, chúng ta sẽ thấy tâm đi theo một tiến trình nhân quả tự nhiên: tâm sở như vậy, tâm sinh và diệt như vậy, v.v. Chúng ta có thể thấy ngay trong sự thực hành của chúng ta: Khi chúng ta có Chánh Kiến và Chánh Niệm thì Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, theo sau. Người Giác Ngộ thấy rõ từng yếu tố của Tâm. Người Giác Ngộ chẳng khác nào một ngọn đèn. Nếu có Chánh Kiến, tức là có sự hiểu biết đúng thì tư tưởng và những yếu tố khác cũng đúng, chẳng khác nào khi thắp đèn thì ánh sáng sẽ phát sinh. Nhờ nhìn sự vật với Chánh Niệm, Chánh Kiến sẽ phát triển.

Khi quan sát cái mà ta gọi là Tâm, chúng ta chỉ thấy sự kết hợp của các yếu tố tâm khác nhau mà không có Tự Ngã. Vậy thì ta ở đâu? Cảm giác, ký ức, tất cả năm uẩn của Thân và Tâm đang dời chỗ như lá cuốn theo cơn gió... Chúng ta sẽ khám phá ra điều này khi chúng ta hành thiền.

Thiền chẳng khác nào một khúc gỗ: Minh sát và suy xét ở một đầu, an tịnh và định tâm ở đầu kia. Nhặt khúc gỗ lên cả hai đầu đều lên cùng một lúc. Đầu nào là Thiền Minh Sát (Thiền quán)? Đầu nào là Thiền Định (Thiền chỉ)? Chỉ có tâm mà thôi!

Bạn không thể nào tách rời Định Tâm và Minh Sát. Chúng chẳng khác nào một trái xoài, lúc còn xanh thì chua, rồi chín thì ngọt, nhưng vẫn là trái xoài. Cái này sinh trong cái kia. Không có cái đầu tiên thì không có cái thứ hai. Những từ ngữ như vậy chỉ là sự chế định để thông đạt. Chúng ta đừng dính mắc vào danh từ. Nguồn gốc của chân trí tuệ là thấy những gì ở bên trong chúng ta. Chỉ có loại học hỏi này có điểm cuối và là loại học hỏi về chân giá trị.

Sự an tịnh ở giai đoạn đầu tiên của Định Tâm phát sinh từ sự thực hành "Nhất Tâm." Nhưng khi sự an tịnh ra đi, chúng ta lại đau khổ, vì chúng ta đã dính mắc vào nó. Đạt được sự định tâm không phải là điểm cuối vì pháp hành cấu tạo và đau khổ vẫn còn hiện hữu.

Thế nên, Đức Phật lấy sự Định Tâm, sự an tịnh này để quán xét thêm nữa. Ngài đi tìm sự thật của vấn đề cho đến khi không còn dính mắc vào sự an tịnh nữa. An tịnh chỉ là một trong vô số những hình thành của tâm, nó chỉ là một chặng trên con đường. Còn dính mắc vào sự an tịnh tức là còn dính mắc vào sự sinh thành và hiện hữu. Bởi vì khi an tịnh chấm dứt, dao động lại bắt đầu khởi lên và bạn sẽ bị dính mắc nhiều hơn nữa.

Đức Phật tiếp tục xem xét sự sinh thành và hiện hữu để tìm ra nơi chúng phát sinh. Khi chưa tìm ra được sự thật của vấn đề, Ngài dùng tâm mình quán xét thêm, xem xét mọi yếu tố của tâm, tìm xem chúng đã phát khởi như thế nào. Dầu có an tịnh hay không, Ngài vẫn tiếp tục xem xét cho đến khi Ngài hiểu rõ rằng: tất cả những gì Ngài thấy, tất cả năm uẩn của Thân và Tâm, giống như một thỏi sắt nóng đỏ. Khi thỏi sắt còn đang nóng đỏ, bạn có thể tìm được điểm nguội nào trên đó để sờ tay vào chăng? Năm uẩn cũng như vậy -- nắm chỗ nào cũng bị phỏng cả. Bởi thế, không nên dính mắc, dù đó là sự an tịnh hay định tâm đi nữa. Không nên nói rằng sự bình an tĩnh lặng là "Tôi" hay "Của Tôi". Nghĩ rằng "Tôi" hay "Của Tôi" sẽ phát sinh ảo tưởng đau thương về Tự Ngã -- thế giới của Tham Ái và Si Mê, tức là một miếng sắt nóng đỏ khác. Trong lúc thực hành chúng ta thường có khuynh hướng nắm giữ (chấp thủ), coi những kinh nghiệm đạt được là "Tôi" hay "Của Tôi." Và bạn nghĩ "Tôi an tịnh" hay "Tôi dao động", "Tôi tốt" hay "Tôi xấu", "Tôi hạnh phúc" hay "Tôi đau khổ". Sự dính mắc này là nguyên nhân của "Sinh thành" và "Hiện hữu". Khi hạnh phúc chấm dứt, đau khổ xuất hiện. Khi đau khổ chấm dứt, hạnh phúc xuất hiện. Bạn sẽ thấy chính mình không ngừng phân vân giữa thiên đàng và địa ngục. Đức Phật thấy rõ điều kiện của Tâm là vậy, và Ngài hiểu đó là nguyên nhân sinh thành và hiện hữu. Tâm ở trong điều kiện đó nên sự giải thoát không hoàn thành được. Ngài bèn lấy những kinh nghiệm đó và quán xét chân tướng của chúng: Do có nắm giữ (chấp thủ) nên có Sanh và Tử. Trở nên hân hoan là sanh; trở nên thóai chí là tử. Có chết nên có sống. Sinh và Tử từ thời điểm này đến thời điểm kia, kế tục nhau không dứt, như một guồng bánh xe kéo chỉ quay không ngừng.



Đức Phật thấy rõ cái gì do tâm sinh ra cũng đều tạm bợ, là những hiện tượng có nhân duyên, thực sự trống rỗng. Khi ánh sáng trí tuệ này phát sinh, Ngài xả bỏ tất cả, không nắm giữ gì nữa và chấm dứt đau khổ. Bạn cũng vậy, phải hiểu những vấn đề này đúng theo chân lý. Khi hiểu rõ sự vật đúng theo chân tướng của nó, bạn sẽ thấy rằng những yếu tố tạo thành tâm thường đánh lừa bạn. Tâm chẳng có gì cả, không sinh ra cũng không chết đi. Nó tự do, chiếu sáng, chói lọi, rực rỡ, và không gì làm bận rộn nó cả. Tâm trở thành bận rộn chỉ vì nó hiểu sai và bị mê mờ bởi những hiện tượng có điều kiện này -- đó là ý tưởng sai lầm về Tự Ngã. Thế nên, Đức Phật muốn chúng ta nhìn vào tâm mình xem thử lúc đầu có cái gì. Thật ra chẳng có gì cả. Sự trống rỗng này không sinh và diệt theo hiện tượng. Khi chứa đựng điều tốt, nó không trở nên tốt. Khi tiếp xúc việc xấu nó cũng không trở nên xấu. Tâm trong sạch biết những đối tượng này một cách rõ ràng--biết rằng chúng không có bản chất.

Khi tâm của thiền sinh an trụ như vậy, sẽ không có hoài nghi nữa: Có trở thành không? Có sinh không? Khỏi cần hỏi ai! Quan sát những yếu tố của Tâm, Đức Phật để chúng tự nhiên và trở thành người tỉnh thức trước chúng. Ngài chỉ nhìn với tâm xả. Những điều kiện dẫn đến Sinh không còn hiện hữu ở Ngài. Với trí tuệ hoàn toàn của Ngài, Ngài gọi chúng là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Bởi thế nên Ngài trở thành người hiểu biết chắc chắn. Người hiểu biết chắc chắn hay giác ngộ thấy sự vật theo chân lý, không hạnh phúc hay đau khổ theo những đổi thay của điều kiện. Đó là chân bình an, vô sinh, vô lão, vô bệnh, vô tử, không tùy thuộc vào nhân quả hay điều kiện, vượt ra ngoài hạnh phúc và khổ đau, thiện và ác. Không còn cái gì để nói đến, không còn điều kiện nào để cải thiện nữa.

Do đó, hãy phát triển tâm định, an tịnh và minh sát, hãy học cách làm cho nó khởi dậy trong tâm bạn và thật sự dùng nó. Nếu không, bạn chỉ biết Phật giáo qua ngôn ngữ, danh từ. Mặc dầu khi hiểu rành pháp học, bạn có thể đi khắp nơi giảng giải cho mọi người biết giáo pháp, những đặc tính của cuộc đời; bạn có thể thông thái, hoạt bát, nhưng khi sự vật hiện khởi trong tâm, bạn có theo được chúng không? Khi tiếp xúc với vật ưa thích, bạn có tức khắc dính mắc vào nó không? Khi gặp chuyện bực mình, người giác ngộ có giữ sự bực mình trong tâm hay họ để nó ra đi? Nếu bạn thấy những điều bạn không thích mà vẫn nắm giữ hay kết án nó thì bạn nên suy tư như sau: Như vậy không đúng đâu, không cao thượng đâu. Nếu bạn quan sát tâm như vậy, bạn sẽ thật sự hiểu chính mình.

Tôi không dùng từ ngữ trong kinh điển để thực hành. Tôi chỉ nhìn vào kẻ giác ngộ. Nếu tôi ghét người nào, tôi hỏi tại sao? Nếu tôi không thương một người nào, tôi hỏi tại sao? Những gì khởi sinh hãy dò đến tận cội nguồn của nó thì bạn có thể giải quyết được vấn đề yêu ghét và khiến chúng để bạn ở yên một mình. Tất cả đều trở về và khởi sinh trong kẻ giác ngộ. Nhưng không phải chỉ nghe suông là đủ đâu, phải liên tục và quyết liệt thực hành mới được.

-oo0oo-

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

Hành trình

 


DU LỊCH

"Thật ít người qua được bờ bên kia,
Ngoài ra, chỉ quanh quẩn chạy trên bờ bên này". -- PHÁP CÚ (85)

Xác thân bằng thịt, máu và xương này chỉ là tạm bợ. Cái mà ta gọi là bản tánh cá nhân dính liền với thịt máu và xương ấy cũng chỉ là một hiện tượng tạm bợ, luôn luôn biến đổi. Trên thế gian này không có cái gì là trường tồn, không có cái gì gọi là "Linh hồn". Đức Phật dạy rằng cái mà ta gọi một cách ước định là chúng sanh hay là con người chỉ là kết quả của một sự phối hợp của nhiều hiện tượng trong một tiến trình và tiển trình ấy không bắt đầu khi con người sanh ra, không chấm dứt lúc chết mà luôn luôn tiếp diễn từ kiếp này sang kiếp khác, luôn luôn biến đổi.

Tất cả chúng ta đều đi đến đây trên một con đường thật dài. Không ai thấy được khởi điểm của con đường ấy. Mỗi chúng ta đều đã già, thật là già. Chúng ta già hơn mặt trời, mặt trăng và các tinh tú.

Đức Phật dạy rằng trong cuộc du lịch xa xôi của chúng ta, mỗi người trong chúng ta đã từng nếm trải tất cả các cảnh ngộ có thể tìm thấy "bên bờ bên này", chúng ta đã nếm đủ mùi trên thế gian ba giới này. Chúng ta đã có thương yêu và thù ghét, đã vui sướng và buồn khổ, đã sống ở mọi nơi, thấy mọi vật, làm mọi việc, nhiều thật nhiều lần. Và ta vẫn còn lập đi lập lại những công việc ấy mãi mãi. Nếu nhớ được những gì ta đã nếm trải trong dĩ vãng chắc ta không thể chịu nổi. Nhưng ta không nhớ. Vì lẽ ấy mà hết kiếp này sang kiếp khác chúng ta vẫn lập đi lập lại những việc đã cũ mềm. Hiện giờ chúng ta vẫn còn quanh quẩn chạy tới chạy lui và đùa giỡn trên bờ bên này.

Chúng ta chạy từ cảnh trời cao nhất đến cảnh khổ thấp nhất. Nếu có người nào, như Đức Phật chẳng hạn, khuyên ta nên chấm dứt những hành động ngu xuẩn và điên rồ của ta để cố gắng sang bờ bên kia, ắt ta không để ý đến.

Ngày nào ta còn muốn ở bờ bên này là ta còn ở. Nhưng sang bờ bên kia thì không dễ gì vì bờ bên kia là Niết Bàn của chư vị Phật, chư vị Độc Giác Phật và chư vị A-La-Hán. Muốn qua bờ bên kia ta phải không ngừng trưởng thành cũng như các Ngài đã không ngừng trưởng thành. Đó là cuộc du lịch duy nhất mà ta chưa từng tham gia và là cuộc du lịch duy nhất đáng được tham gia.

Khi đi từ một điểm này đến một điểm kia trên mặt quả địa cầu, chúng ta tưởng như vậy là du lịch. Thực ra, ta chỉ hành động như những con sâu bò quanh quẩn trong một quả cam thối. Người có nhiều tham vọng và nhiều tưởng tượng hơn mơ ước đi từ quả địa cầu này sang mặt trăng hay một hành tinh khác, nghĩ rằng đó mới thật là du lịch. Họ chỉ giống loài ruồi, lằn, bay từ quả cam thối này đến quả cam thối khác. Đức Phật dạy rằng trong dĩ vãng vô tận, chúng ta đã có nhiều lần sống trên những quả cam thối ấy rồi. Những quả cam thối ấy vẫn còn ở bờ bên này và không có chi là mới lạ.

Ngoài ra, thật xa trên không trung, xa đến nổi ta không thể quan niệm được khoảng đường có rất nhiều tinh tú, đếm hàng triệu triệu. Quanh mỗi tinh tú, các hành tinh vận hành như quả địa cầu vận hành quanh mặt trời. Với lòng ích kỹ sẵn có trong mỗi người chúng ta, ta sẵn sàng phủ nhận giả thuyết chủ trương có sự sống trên hành tinh, tại sao lại không có một loài người? Rất có thể có loài người trên ấy. Ví như có thì có gì khác lạ? Như vậy trên ấy chỉ có tham, sân, si như ở địa cầu nầy. Vậy ta thấy có cần phải lên trên ấy không? Ta có thấy cần phải đi xa thật xa để gặp lại những bộ mặt ngu xuẩn, nghe lại những tiếng xấu xa, ngửi lại những mùi hôi thối không? Riêng phần chúng tôi, chúng tôi không khi nào muốn tạo cho chúng tôi bao nhiêu phiền não và khó nhọc để gặp lại những điều bỉ ổi mà hằng ngày ở đây chúng tôi vẫn gặp.

Khoảng cách từ ta đến những điều xấu xa khỏi phải đo bằng cây số. Một quyển sách tốt, trong chốc lát, có thể đưa ta đến đó. Thiền định, nếu ta biết, cũng có thể đưa ta đến đó. Muốn thiền định có kết quả, sự yên lặng thật là tối cần. Dĩ nhiên, ta không nên ngồi bên đường sắt khi xe lửa chạy ngang, cũng không nên ngồi giữa phố phường thị tứ. Tâm an trụ dễ dàng trong sự yên lặng.

Đó mới là chuẩn bị để bắt đầu một cuộc du lịch mới mẻ, một cuộc mạo hiểm thích thú.

Mục tiêu của cuộc hành trình? - "Bờ bên kia"!

Cầu chúc may mắn.



-ooOoo-

Không phiền muộn, than khóc vì những lỗi lầm trong quá khứ
Không tò mò tìm hiểu tương lai
Hãy sống trong hiện tại
Nhờ đó sức khỏe sẽ được dồi dào.

Thắc mắc cho tương lai
Than khóc vì quá khứ
Là thái độ của người thiểu trí
Là cắt ngang ngọn cỏ xanh (mong tận diệt cỏ)

-- SAMYUTTA NIKA (Quyển I, Sagatha Vagga No. 10)

-ooOoo-