Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Mười pháp Ba-la-mật

 

Mười pháp Ba-la-mật

Hòa thượng Narada
Phạm Kim Khánh dịch

"Hãy tích cực hoạt động để tạo an lành cho kẻ khác." -- Sutta Nipàta

Có mười đức tánh cao quý vượt hẳn thế tục gọi là Pàrami (Ba La Mật), mà chư vị Bồ Tát đều thực hành tròn đủ để thành tựu Ðạo Quả Chánh Ðẳng Chánh Giác (Sammà Sambuddha).

Mười pháp Ba La Mật là: Bố Thí (Dàna), Trì Giới (Sìla), Xuất Gia (Nekkhamma), Trí Tuệ (Pannà), Tinh Tấn (Viriya), Nhẫn Nại (Khanti), Chân Thật (Sacca), Quyết Ðịnh (Adhìtthàna), Tâm Từ (Mettà), và Tâm Xả (Upekkhà).

Theo Bản Chú Giải kinh Cariyà Pitaka, Ba La Mật [1] là những phẩm hạnh không nhuộm màu vị kỷ, không đượm nhuần tà kiến và không ẩn ý ngã mạn. Ba La Mật nhờ trí tuệ dẫn dắt và do lượng từ bi vun quén đắp bồi.

Hành động của Bồ Tát tuyệt đối vị tha. Với đức từ bi vô lượng, lòng bác ái vô biên, xuyên qua bao nhiêu kiếp sống, các Ngài không ngừng nỗ lực chuyên cần nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo nàn thấp kém, giúp đỡ cho mọi người bằng muôn ngàn cách và làm giảm bớt phiền não cho tất cả chúng sanh.

Một vị Bồ Tát không nghĩ đến việc an hưởng thú thanh nhàn trong khi những người bạn xấu số của mình còn ở trong vòng lao khổ. Ðể làm dịu bớt phần nào nỗi khổ đau của nhân loại, Bồ Tát sẵn sàng hy sinh tất cả các vật sở hữu quý báu nhất, cho đến mạng sống của mình đi nữa cũng không tiếc, như câu chuyện trong Túc Sanh Truyện Vyàghrì Jàtaka diễn tả.

Với tâm đầy từ bi, Bồ Tát luôn luôn sẵn sàng tạo an lành hạnh phúc cho tất cả, không quên bỏ một chúng sanh nhỏ bé nào, nhưng không khi nào làm điều gì không do trí tuệ dẫn dắt. Lòng bi mẫn vô biên, tuy nhiên các Ngài luôn luôn cân phân tâm trí. Và trong khi phục vụ, Ngài không hề cầu mong một thế lực hoặc một quyền lợi vật chất nào trên thế gian. Khi đã hành động xứng đáng, danh thơm tự nhiên đến, tại sao cần phải chạy theo nó?

Bồ Tát hoàn toàn vị tha, luôn luôn sống cho kẻ khác. Không hề có một điểm ích kỷ, dầu nhỏ nhen đi nữa, trong những hành động của Ngài.

Kinh Dhammapada (Pháp Cú) có câu :

"Hãy để cho cả hai, hàng tại gia cư sĩ và tăng chúng, nghĩ rằng 'chính ta đã làm điều phải đó. Trong mọi công việc, dầu lớn dầu nhỏ, hãy để họ nhắc đến ta.' Ðó là tham vọng của người cuồng si. Nghĩ như vậy thì lòng tham và tính ngã mạn sẽ tăng trưởng." (Câu 74)

Một vị Bồ Tát không khi nào có tư tưởng ích kỷ và hẹp hòi như vậy. [2]

1. Bố Thí (Dàna)

Bố Thí, hay lòng quảng đại, là Ba La Mật đầu tiên mà trong khi thực hiện hành giả thành tựu hai nghiệp thiện là tiêu trừ những tư tưởng ích kỷ, xấu xa, và phát triển những tư tưởng vị tha, trong sạch. Bố thí là một niềm hân hoan, một phước lành cho cả người tặng, lẫn người thọ lãnh.

Bồ Tát không thắc mắc tìm hiểu người mà mình muốn cho một vật hoặc ban một đặc ân nào, có ở trong tình trạng thiếu thốn món đó không. Ngài cho ra mà không chạy theo vật mình cho. Ngài bố thí vì lòng quảng đại mà cũng để diệt lần mọi hình thức luyến ái còn tiềm tàng trong tâm. Niềm vui khi phụng sự kẻ khác tự nhiên đến. Làm dịu bớt nỗi đau khổ của chúng sanh là một hạnh phúc khác do sự bố thí đem lại.

Tình thương của một vị Bồ Tát thật bao la. Lòng từ bi của Ngài ban rải cho tất cả muôn loài. Nhưng khi bố thí, Ngài không nhắm mắt cho càn. Lòng quảng đại không làm cho sự bố thí trở nên mù quáng. Nếu có một người ghiền rượu đến nhờ sự giúp đỡ của Ngài và nếu Ngài biết chắc chắn rằng người nầy sẽ lãnh món quà để dùng trong việc sai quấy, vị Bồ Tát sẽ không ngần ngại từ chối. Ðặt lòng quảng đại trong một hành động sai lầm không phải là Ba La Mật (Pàrami).

Khi giúp đỡ một người vì lý do chánh đáng, Bồ Tát không hề lộ vẻ quan trọng hoặc tỏ ý tự tôn tự đại; trái lại, thấy đó là một cơ hội quý báu để làm bổn phận mình nên sẵn sàng và vui vẻ phục vụ kẻ khác một cách khiêm tốn. Ngài không bao giờ thấy mình cao hơn ai vì lẽ người đó nhờ mình.

Khi giúp đỡ, Ngài không thấy đó là thi ân, cũng không coi người mình giúp là đã thọ ân mình. Bồ Tát làm việc gì chỉ vì đó là điều phải, không tìm danh vọng, không mong đền đáp.

Bồ Tát không bỏ lỡ một dịp may nào để phục vụ kẻ khác, nhưng không hạ mình cầu xin ân huệ. Túc Sanh Truyện Brahma Jàtaka (số 323) thuật rằng có một vị Bồ Tát sống đời tu sĩ trong ngự uyển. Thường ngày vua đến viếng và cung cấp mọi vật dụng, nhưng dầu sao nhà vua không thể thấy hết mọi nhu cầu của Ngài. Ðôi dép và cây dù của Bồ Tát rách hư đã mười hai năm trường mà vua không hay. Ngài không hề hở môi. Ngày kia vua hay được. Trước cử chỉ tuy khiêm tốn nhưng lạ lùng như vậy, vua hỏi Ngài tại sao ?

Ngài trả lời :

"Tâu Bệ Hạ, kẻ cầu khẩn mà không được toại nguyện sẽ buồn rầu. Kẻ được người khác nhờ đến mà không thể giúp, càng buồn rầu hơn nữa."

Bồ Tát cho ra không xiết kể, không phân biệt giai cấp, chủng tộc hay tôn giáo, nhưng không bao giờ cầu mong người khác trả lại. Một đặc điểm của các Ngài là tri túc hoàn toàn. Thi hào Edward Dyer ca ngợi đức tánh ấy trong mấy dòng thơ :

"Vài người có thật nhiều mà vẫn còn tham muốn,
Tôi có ít nhưng cảm thấy đủ.
Chính họ 'nghèo', mặc dầu tiền rừng bạc bể
Và chính tôi 'giàu', tuy túi rổng không."

Túc Sanh Truyện Kanha Jàtaka (số 440) có ghi chép rằng một hôm vua Trời Sakka (Ðế Thích), nghe danh vị Bồ Tát nọ là một nhân vật gương mẫu có nhiều đức độ. Vua Trời lấy làm cảm phục, kính cẩn đến bạch Ngài xin cho biết có cần dùng món chi để vua cúng dường. Bồ Tát vui vẻ xin được thành tựu bốn điều ước nguyện:

1. Ước nguyện tôi không sân hận, không phiền hà, hoặc có ác ý với người láng giềng!
2. Ước nguyện tôi không tham muốn vật sở hữu của người láng giềng!
3. Ước nguyện tôi không luyến ái riêng người nào!
4. Ước nguyện tôi có tâm xả!

Nghe vậy, tuy hết sức cảm phục, vua Trời Sakka (Ðế Thích) lấy làm thất vọng, xin Ngài chọn thêm một vật gì khác để vua cúng dường. Vị Bồ Tát trả lời:

"Bất luận nơi rừng sâu nào mà tôi sống, nơi nào mà tôi ở một mình, xin cho tôi được khỏe mạnh. Bởi vì bệnh hoạn sẽ làm xáo trộn cuộc sống yên tĩnh và làm trở ngại công phu hành thiền của tôi."

Vua Trời Sakka (Ðế Thích) nghĩ thầm: "Thật là tiếng đồn chẳng sai. Quả thật Bồ Tát Kanha là bậc thiện trí thức. Thay vì ước mong được thỏa mãn một nhu cầu vật chất, Ngài chỉ chọn những điều cần thiết cho đời sống đạo hạnh."

Lần thứ ba Vua Trời Sakka lại xin Bồ Tát chọn một món gì khác để cúng dường. Bồ Tát trả lời:

"Tâu Hoàng Thượng, tôi có thêm một nguyện vọng nữa. Bất luận ở đâu, không một chúng sanh nào làm tổn thương thân thể tôi, không một chúng sanh nào làm hại đến tâm trí tôi, đó là lời nguyện của tôi." (Jàtaka Stories, số 440)

Lòng quảng đại của một vị Bồ Tát thật không cùng. Ngài sẵn sàng cho ra tất cả, chẳng những của cải, tài sản, sự nghiệp và những sở hữu yêu chuộng khác, mà còn có thể cho cả ngai vàng, cả vương quốc, một cánh tay, một cái chân, cho đến vợ, đến con. Ðến mạng sống, Ngài cũng không ngần ngại cống hiến để tạo hạnh phúc cho nhân loại.

Túc Sanh Truyện Vessantara Jàtaka (số 547) có thuật rằng Hoàng Tử Vessantara, lúc còn tám tuổi, có lần thành thật nghĩ rằng:

"Nếu một ngày kia có người cần đến trái tim của ta, ta sẽ tự tay mổ ngực, moi tim ra cho. Nếu có người cần đến mắt, ta sẽ tự móc lấy mắt ra biếu. Nếu có người cần đến thịt ta, ta sẽ tự tay cắt ra một miếng để tặng."

Túc Sanh Truyện Vyàghrì Jàtaka cũng thán phục thuật lại câu chuyện một vị tu sĩ sẵn sàng và vui vẻ hy sinh mạng sống để đem lại hạnh phúc cho kẻ khác. Trong Jàtakamàlà câu chuyện được thuật lại như sau :

"Ngày kia, một vị Bồ Tát đi ngang qua khu rừng nọ cùng với người đệ tử. Ngài nhìn thấy một con cọp mẹ cùng với ba cọp con nằm ngất ngư gần chết vì đói. Ðộng lòng bi mẫn, Ngài bảo người đệ tử đi tìm thức ăn cho cọp. Nhưng đó chỉ là một cái cớ để được ở lại một mình với cọp, vì Ngài nghĩ rằng:

"Tại sao ta phải đi tìm một thân sống khác, khi có sẵn thân ta đây để làm món ăn cho cọp. Tìm thức ăn cho cọp ở nơi khác là một việc cầu may, hơn nữa ta có thể bỏ lỡ một cơ hội tốt đẹp để làm bổn phận.

"Chính cái thân ô trược nầy là nguồn gốc của bao nhiêu phiền não, bao nhiêu bất hạnh. Nếu ta cứ khư khư bám chặt lấy nó và không biết dùng nó để phụng sự kẻ khác thì thật là không sáng suốt chút nào. Trong đời chỉ có hai nguyên do làm cho con người hững hờ trước sự đau khổ của kẻ khác. Ðó là lòng luyến ái, cột trói chúng sanh vào những lạc thú, cố bám lấy sự vui sướng cá nhân, sợ nó mất đi, là một nguyên do làm cho ta lãnh đạm trước sự đau khổ của người khác. Thiếu lòng từ thiện, thiếu ý chí giúp đời là nguyên do khác. Nhưng ta không thể an vui khi kẻ khác đau khổ. Ngày nào chưa giúp được kẻ khổ, ngày ấy ta không thể an hưởng hạnh phúc. Như vậy làm sao có thể thản nhiên trước cảnh tượng hấp hối vì đói khát của cọp mẹ và bầy cọp con nầy.

"Nếu ta nhảy xuống vực sâu để làm mồi cho cọp thì ít ra ta cũng dùng cái thân khốn khổ nầy vào một việc hữu ích. Ta sẽ nuôi sống cọp mẹ, tránh cho nó khỏi phải làm điều ác là ăn thịt con nó, và cũng tránh cho bầy con nhỏ vô tội kia khỏi phải chết vì nanh vút của mẹ chúng.

"Lại nữa, hành động như vậy ta còn nêu một gương sáng cho ai còn ham muốn những gì mà họ cho là tốt đẹp trên đời nầy. Ta hy sinh thân nầy để cứu bốn mạng sống, để an ủi và khuyến khích những ai bé nhỏ yếu đuối, làm vui lòng những ai thấu triệt ý nghĩa sâu xa của lòng từ thiện và tạo nên một lý tưởng cho những ai muốn sống cuộc đời đạo hạnh. Vậy, đây là cơ hội hy hữu để bước lần đến mức độ giác ngộ hoàn toàn."

Nghĩ như vậy Bồ Tát liền gieo mình xuống vực thẩm, hy sinh mạng sống để ban bố tình trạng an lành cho bốn con cọp sắp chết.

Theo Nevari (Nepàla Bàshà), câu chuyện đáng thương tâm và đầy ý nghĩa thú vị trên được thuật lại như sau:

"Vào thuở xa xưa kia có một ông vua tên Mahàratthà có thế lực oai hùng và tâm đạo nhiệt thành. Ðức vua có ba hoàng tử là Mahà Prashàda, Mahà Deva và Mahà Sattva, cả ba đều hiền lành và dễ dạy.

Một buổi sáng tươi đẹp nọ, đức vua cùng ba hoàng tử đi dạo chơi trong rừng. Mảng lo nhìn xem phong cảnh và mê mẩn với hoa thơm cỏ lạ, ba vị hoàng tử càng đi sâu vào rừng.

Quan hầu cận thấy vắng bóng ba vị hoàng tử bèn tâu lại với vua. Ðức vua liền truyền lệnh cho các quan đi tìm, rồi ngự giá hồi cung.

Nói về ba vị hoàng tử, đi mãi đến một ngọn núi kia. Ðứng trên tảng đá nhìn xuống người anh cả trông thấy một con cọp cái và năm cọp con ở dưới vực sâu. Cả mẹ lẫn con chỉ còn da bọc xương, đang nằm thoi thóp. Ðã nhiều ngày từ khi đẻ con, cọp mẹ không tìm được thức ăn. Bầy cọp con bu theo mẹ để nút sửa, nhưng vú mẹ cạn khô không còn gì để bú. Cọp mẹ có vẻ đói lắm, rõ ràng đang sắp sửa ăn thịt con.

Người anh cả nhận thấy tình trạng bi đát ấy trước tiên, chỉ cho các em và nói rằng: "Các em hãy nhìn xem cảnh tượng đáng thương tâm kia, các em có thấy cọp mẹ không? Vì quá sức đói nên nó đang sắp sửa ăn thịt con cho đỡ dạ. Thật là một trạng thái vô cùng khốn khổ."

Mahà Sattva hỏi anh: "Cọp thường ăn vật chi?"

Mahà Prashàda trả lời rằng "thịt sống là món ăn của loài cọp và loài sư tử."

"Cọp mẹ có vẻ đã đuối sức lắm rồi. Chắc chắn đã nhiều ngày nó không có thức ăn. Phải chi có ai dám hy sinh thân mình cho nó thì quý biết mấy!

"Nhưng ai đâu lại vui lòng làm cái việc hy sinh cao cả ấy!" Mahà Deva lưu ý.

Mahà Prashàda nói: "Chắc chắn là không có ai làm được việc ấy."

Với một giọng cảm động, Mahà Sattva tiếp: "Em còn nhỏ, chắc chắn là chưa đủ trí khôn, nên em nghĩ rằng những người thiểu trí như chúng ta có lẽ không thể hy sinh mạng sống mình để cứu người. Nhưng cũng có hạng người từ bi, hoàn toàn sống cho kẻ khác. Những người như thế có thể sẽ vui lòng hiến thân mình để cứu sáu sanh mạng nầy."

Ba anh em bàn luận với nhau như vậy và nhìn thoáng qua lần cuối cùng bầy cọp vô hy vọng, rồi bỏ đi nơi khác.

Mahà Sattva nghĩ thầm:

"Ta phải hy sinh mạng sống phù du nầy để cứu bầy cọp đói kia. Tấm thân tứ đại mà ta mang đây chỉ là một đống ô trược đã gây cho ta bao nhiêu phiền não và phải chết một ngày nào. Tuy rằng hiện nay ta có thể ướp hoa, thoa dầu cho nó xinh đẹp, thơm tho, nhưng rồi một ngày kia nó sẽ tanh hôi và tan rã."

Gẫm suy như thế, chàng bèn bảo hai anh đi trước để mình chẩm rải ngoạn vật ngắm cảnh. Chờ hai anh đi xa, chàng hối hả trở lại chỗ cọp nằm, cổi quần áo treo trên nhánh cây và nghĩ rằng:

"Ta phải tích cực hành động để tạo an lành cho kẻ khác. Phải rải tâm từ đến tất cả chúng sanh. Phục vụ những ai cần đến ta là nhiệm vụ trọng đại. Ta hãy hy sinh tấm thân ô trược nầy để cứu mạng sống cho cọp mẹ và năm con. Do hành động tạo thiện nghiệp nầy, mong rằng ta sẽ bước lần đến mức Chánh Ðẳng Chánh Giác, và cứu độ chúng sanh ra khỏi đại dương của vòng luân hồi đau khổ. Ước mong tất cả chúng sanh đều an vui hạnh phúc!"

Ðộng lòng trắc ẩn và thấm nhuần tinh thần phục vụ vị tha, hoàng tử Mahà Sattva nhẹ nhàng gieo mình xuống hố, gần nơi bầy cọp nằm. Nhưng hoàng tử không chết, chỉ bị thương nặng. Cọp kia, dầu bẩm tánh rất hung dữ, cũng động lòng thương hại vị Bồ Tát, không nỡ chạm đến thân Ngài.

Bồ Tát thì nghĩ khác: 'Rõ ràng cọp đã quá yếu đuối nên không đủ sức vật mình để ăn!' Ngài bò lần đi tìm một khí cụ để tự sát. May thay, gần nơi cọp nằm có một khúc tre bể. Ngài nhặt lấy tre rồi tự cứa cổ đến chết. Ngài té ngã nằm trên vũng máu.

Cọp vừa đói vừa khát, thấy vậy đi lần đến, liếm vũng máu và xé thây Bồ Tát ra, ăn ngon lành. Phút chốc chỉ còn lại một đống xương tàn.

Chuyện thêm rằng lúc Bồ Tát tự sát để hiến thân cho cọp, trời đất chuyển động, nước biển nổi sóng to, ánh sáng mặt trời bỗng dưng tối sầm lại, cảnh vật trở nên lờ mờ, tất cả chư Thiên đồng thanh reo to: Lành thay! Lành thay! và từ trên không trung, bông Pàrijàta rơi xuống như mưa.

Trước cảnh tượng phi thường của trời đất, hai người anh đoán đúng rằng em mình đã hiến thân làm mồi cho cọp. Mahà Deva nói:

"Khi nảy Mahàsattva nói với một giọng rất đau thương, chắc em đã hy sinh mạng sống để cứu bầy cọp."

Hai anh liền đi lần trở lại tìm em và lấy làm kinh hoàng trước cảnh tượng hãi hùng. Ðâu là hình bóng của người em yêu mến. Chỉ còn đống xương trắng điểm máu hồng, bên cạnh bầy cọp no bụng. Gần tảng đá, trên cành cây, quần áo của Mahà Sattva còn phất phơ trước gió.

Hai vị hoàng tử đau lòng xót dạ, khóc than thê thảm và buồn bã trở về để tâu lại với vua cha.

Chính ngay lúc Bồ Tát liều thân cứu cọp, hoàng hậu ở cung nội đang ngủ. Bà nằm mộng thấy một cái răng của mình bỗng nhiên rụng xuống và nghe nhức nhối đau xót tựa hồ như có ai cầm dao thẻo thịt ra từng miếng. Nhìn ra ngoài cửa, hoàng hậu lại thấy từ trên không, một con ó đáp xuống, xớt một trong ba con bồ câu xinh đẹp đang đậu trên nóc nhà và tha đi mất.

Hoàng hậu lấy làm kinh sợ, giựt mình tỉnh dậy, nhớ đến ba con còn lạc bước trong rừng. Bà lật đật chạy tìm vua để thuật lại điềm mộng.

Khi được biết rằng các hoàng tử còn lạc mất hoàng hậu van nài vua cho người đi tìm.

Vừa lúc ấy tin dữ cũng được đưa đến. Các quan chức vào rừng tìm hoàng tử trở về. Câu chuyện thê thảm được thuật lại. Tất cả đều cảm động và khóc than không xiết kể. Ðức vua an ủi hoàng hậu và cỡi voi vội vã cùng với quan quân hầu cận đi rước hai vị hoàng tử đau khổ còn chưa ra khỏi rừng.

Gặp cha, hai hoàng tử nghẹn ngào không nói được một lời. Sau cùng, cố sức nén lòng, hai vị lần lượt thuật lại cho vua cha và mọi người nghe cái chết dũng cảm của người em vô cùng cao quý.

Vua liền hạ lệnh sắm sửa ngựa voi để cùng hoàng hậu và bá quan đến nơi lịch sử.

Ðến nơi, vừa thấy những khúc xương tàn của người con yêu quý rải rác đó đây còn dính đầy máu đỏ vua và hoàng hậu ngã ra bất tỉnh.

Ngự y hối hả đem thuốc cứu cấp và các vị Bà La Môn Purohita rót lên mình nước hương trầm. Một hồi lâu vua và hoàng hậu dần dần tỉnh dậy.

Vua truyền gom góp tóc, xương và quần áo để lại một nơi, rồi đến trước đó, đứng chiêm ngưỡng người con yêu dấu. Tất cả quần thần cũng đến tỏ lòng sùng kính người anh hùng cao quý. Vua hạ lệnh xây dựng tại chỗ một bảo tháp khảm vàng để thờ vị Bồ Tát đã hiến thân cứu cọp, và cùng hoàng hậu ra về, lòng như dao cắt.

Về sau, bảo tháp thờ xá lợi của Bồ Tát Mahà Sattva có tên là "Om Namo Buddhà".

Sách Túc Sanh Truyện thuật lại câu chuyện có thêm rằng hiện nay bảo tháp ấy có tên là "Namurà" (tiếng gọi tắt chữ Om Namo Buddhà, có nghĩa tôn kính Ðức Phật).

Hai câu chuyện thuật lại có khác nhau nhưng dầu vị Bồ Tát đã hiến thân cứu cọp là nhà tu sĩ hay hoàng tử, thì đó chỉ là hình thức bề ngoài. Ðiểm quan trọng chính là gương hy sinh cao cả và hoàn toàn vị tha chứa đựng bên trong.

Theo thường lệ, khi sách Jàtaka (Túc Sanh Truyện) chép lại một sự tích nào đều có nêu ra cho biết nhân cơ hội nào Ðức Phật nhắc lại chuyện ấy. Tiếng Phạn gọi cơ hội ấy là Nidàna (nguyên do dẫn cớ tích). Nhưng những nhân vật trong hai câu chuyện kể trên không được xác nhận ở đoạn cuối cùng như trong các bài Jàtaka khác.

Sách Nevàri Jàkata rõ ràng mô tả đầy đủ hơn bổn Samskrit (Jàtakamàlà) nhưng căn nguyên của kinh Nevàri không được chắc chắn.

Về tư cách một vị Bồ Tát hành Bố Thí Ba La Mật, có đoạn kinh "Cariyà Pitaka" giải rằng:

Mỗi khi Bồ Tát tặng vật thực cho ai, Ngài ước mong người ấy được sống lâu, có sắc đẹp, yên vui, khoẻ mạnh, có trí tuệ và đắc Quả cao thượng nhất là Niết Bàn. Ðối với người khát nước, Ngài ban cho thức uống với ước nguyện rằng thức uống nầy không những giải cho người ấy cái khát của cơ thể vật chất mà còn làm suy giảm lòng khát khao dục vọng. Ban quần áo, Ngài cho với ước nguyện người ấy sẽ biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi. Khi giúp đỡ phương tiện đi đứng Ngài chú nguyện người thọ nhận sẽ trau giồi các năng lực tinh thần. Ban cho nhang trầm, Ngài ngưỡng mong người thọ lãnh sẽ hưởng hương thơm của Giới Ðức (Sìla). Ban dầu và hoa, Ngài chú nguyện người nhận sẽ hưởng danh thơm của người sống đời đạo hạnh như Ðức Phật. Giúp cho ai chỗ ngồi, Ngài nguyện cho người ấy có được nền tảng của sự Giác Ngộ. Giúp chỗ ở, Ngài mong người ấy sẽ là nơi nương tựa cho cả thế gian. Giúp ánh sáng, Ngài chú nguyện người nhận có được năm loại nhãn quan là mắt thịt, mắt trí tuệ, Thiên Nhãn, mắt của một vị Phật và tri kiến thông suốt chân tướng vạn pháp. Bố thí "Sắc", Bồ Tát chú nguyện người nhận lãnh được có hào quang như Ðức Phật ; "Thinh", được lời nói tao nhã dịu dàng như chư vị Phạm Thiên ; "Vị", được đẹp lòng, vui vẻ với tất cả mọi người ; "Xúc", có được cơ thể thanh lịch và tinh hảo như Ðức Phật ; và khi giúp đỡ thuốc men cho ai, Bồ Tát cầu chúc cho người ấy được sống mãi mãi, tức chứng ngộ Ðạo Quả Niết Bàn.

Bồ Tát phá gông cùm, giải phóng những người nô lệ với hy vọng cũng giải phóng con người, cùng một thế ấy, ra khỏi vòng xiềng xích của bao nhiêu dục vọng. Bồ Tát ly gia cắt ái, từ bỏ những đứa con yêu quý của mình để nới rộng tình phụ tử đậm đà ấy đến tất cả chúng sanh. Ngài từ bỏ vợ để làm chủ thế gian, bỏ ngai vàng để thừa hưởng vương quốc của sự chánh trực, công minh, và đạo đức.

Ðoạn kinh trên không những chỉ cho ta thấy thế nào là thái độ vị tha của Bồ Tát mà còn nói lên sự nỗ lực không ngừng và bất vụ lợi của các Ngài để phục vụ nhân loại. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của Bồ Tát là trở thành Phật, và Ngài không bao giờ lãng quên mục tiêu cứu cánh ấy.

2. Trì Giới (Sìla)

Phối hợp với lòng quảng đại siêu phàm của vị Bồ Tát là giới đức của Ngài (Sìla). Danh từ "Sìla" trong Phạn ngữ có nghĩa là quy luật, kỷ cương. Giới gồm có những bổn phận phải làm (càritta) và những điều nên tránh (vàritta). Ðạo làm cha mẹ, làm con, làm vợ, làm chồng, làm trò, làm thầy, làm bạn, bổn phận đối với các bậc tu sĩ, với kẻ ăn người ở trong nhà v.v... đều được giảng giải rõ ràng và cặn kẽ trong kinh Sigàlovàda Sutta.

Bổn phận của người cư sĩ Phật tử được mô tả trong một loạt những liên hệ, để cho dễ nhớ mỗi bổn phận đại khái gồm năm phần:

1. Con đối với cha mẹ, có bổn phận:

i. Phải phụng dưỡng và cung cấp đầy đủ vật dụng cho cha mẹ.
ii. Làm công việc thay thế cha mẹ.
iii. Có một tác phong đạo đức thích nghi để giữ tròn danh giá cho gia tộc.
iv. Tỏ ra xứng đáng thọ hưởng di sản của ông cha.
v. Ðể bát cúng dường Tam Bảo và hồi hướng phước báu cho những người đã quá vãng trong gia tộc.

2. Cha mẹ, được con săn sóc và giúp đỡ như vậy, phải biết thương con và có bổn phận:

i. Khuyên lơn và ngăn cản, không để con làm điều tội lỗi, tạo nghiệp bất thiện.
ii. Nhắc nhở và dẫn dắt con luôn luôn đi trên đường thiện.
iii. Giúp con hành nghề sanh sống chân chánh.
iv. Khi con lớn khôn, dựng vợ gả chồng một cách xứng đáng, và
v. Ðúng lúc chia lại cho con phần di sản của mình.

3. Học trò đối với thầy có bổn phận:

i. Luôn luôn tỏ lòng cung kính.
ii. Trông nom hầu cận và chăm sóc thầy.
iii. Chăm chỉ nghe lời thầy dạy.
iv. Khi thầy cần đến, hết lòng giúp đỡ, và
v. Kính cẩn thọ nhận lời thầy dạy bảo.

4. Thầy, được trò tôn kính và đối đãi như thế, phải biết thương trò và có bổn phận:

i. Rèn luyện trò biết tôn trọng kỷ luật.
ii. Cố gắng làm cho trò lãnh hội dễ dàng lời dạy.
iii. Dạy những môn kỹ thuật và khoa học thích hợp.
iv. Tiến dẫn trò vào giới thân cận của mình để trò giao thiệp với bạn bè thân thuộc mình, và
v. Ðào tạo trò cho ra người hoàn hảo trên mọi phương diện.

5. Chồng đối với vợ, có bổn phận:

i. Luôn luôn nhã nhặn, thanh tao.
ii. Không khi nào tỏ ý khinh rẻ.
iii. Luôn luôn trung thành với vợ.
iv. Giao quyền hành cho vợ, và
v. Mua sắm cho vợ các đồ trang sức.

6. Vợ, được chồng đối đãi như vậy, phải biết thương chồng và có bổn phận:

i. Làm tròn phận sự trong nhà,
ii. Vui vẻ, tử tế với thân bằng quyến thuộc.
iii. Luôn luôn trung thành với chồng.
iv. Thận trọng gìn giữ và chăm sóc của cải trong nhà, và
v. Luôn luôn siêng năng, không tháo trút công việc.

7. Một thiện hữu đối với bạn bè thân thuộc, có bổn phận:

i. Quảng đại, khoan hồng.
ii. Nói năng nhã nhặn, thanh tao.
iii. Sẵn sàng làm những việc tốt đẹp cho bạn.
iv. Có tinh thần bình đẳng, và
v. Luôn luôn thành thật.

8. Người bạn, được đối xử như vậy có bổn phận:

i. Bảo vệ bạn trong lúc bạn khinh suất.
ii. Bảo vệ tài sản của bạn khi bạn không thận trọng.
iii. Làm chỗ nương tựa cho bạn khi có việc lo sợ.
iv. Không nên bỏ bạn lẻ loi trong cơn nguy biến.
v. Ðối với gia đình bạn, luôn luôn nhã nhặn.

9. Ðối với kẻ ăn người ở, chủ nhà có bổn phận:

i. Không nên giao phó công việc làm quá sức.
ii. Thù lao và nuôi cơm nước đầy đủ.
iii. Khi đau ốm, tận tình chăm sóc.
iv. Chia sớt những món ngon vật lạ.
v. Không bắt làm quá giờ.

10. Người làm công, được chủ đối đãi tử tế như vậy, phải biết thương chủ và có bổn phận:

i. Thức dậy trước chủ.
ii. Ði ngủ sau chủ.
iii. Chỉ lấy hoặc dùng những vật chi mà chủ đã cho.
iv. Thực hành nhiệm vụ một cách viên mãn.
v. Truyền bá rộng rãi danh thơm tiếng tốt của chủ.

11. Người cao quý phải đối xử với hàng tu sĩ và Bà La Môn như sau:

i. Có những hành động từ ái.
ii. Có những lời nói từ ái,
iii. Có những tư tưởng từ ái.
iv. Cửa nhà luôn luôn mở rộng để tiếp đón, và
v. Sẵn sàng dâng cúng những vật dụng cần thiết.

12. Hàng tu sĩ và Bà La Môn, được người cao quý đối xử như vậy, phải biết thương và có bổn phận:

i. Khuyên can không để tín đồ rơi vào con đường bất thiện.
ii. Nhắc nhở và dẫn dắt đi trên đường thiện.
iii. Hết lòng thương mến.
iv. Thuyết giảng những Pháp mà người ấy chưa từng nghe, làm sáng tỏ những Pháp đã thuyết rồi, và
v. Vạch cho thấy con đường dẫn đến cảnh giới an vui hạnh phúc.

Người đã làm tròn những điều đáng làm (Càritta Sìla) nầy thật đúng là con người thanh lịch, hoàn toàn trong sạch và cao quý trong xã hội.

Ngoài những bổn phận ấy, Bồ Tát còn phải cố gắng tránh những điều không nên làm (Vàritta Sìla), ghép mình vào khuôn khổ giới luật để sống cuộc sống lý tưởng của một Phật tử thuần thành chân chánh.

Sau khi suy luận rõ ràng và đúng đắn thế nào là định luật nhân quả, Bồ Tát cố gắng tránh xa tất cả những điều bất thiện xấu xa lầm lạc và tận lực làm tất cả những điều thiện mà mình có thể làm. Ngài nhận thức rằng bổn phận của mình là phải trở thành một nguồn hạnh phúc cho tất cả và không bao giờ gây phiền toái cho một chúng sanh nào, dầu người hay thú.

Mọi người đều quý trọng đời sống của mình. Không ai có quyền cướp sự sống của kẻ khác. Bồ Tát rải tâm từ đến tất cả chúng sanh, chí đến những con vật bé nhỏ đang bò dưới chân, và không khi nào sát hại hoặc làm tổn thương một sinh vật nào. Con người vốn sẵn có một thú tính xúi giục giết hại những sinh vật khác để ăn thịt mà không chút thương xót. Cũng có khi sát sanh để tiêu khiển thì giờ. Dầu để nuôi sống thân mạng hay để tìm thú vui, không có lý do nào chánh đáng để giết một sanh linh hoặc làm cách nào khác cho một sanh linh bị giết. Có những phương pháp tàn nhẫn, đáng ghê tởm, cũng có những phương pháp mà người ta gọi là nhân đạo, để sát sanh. Nhưng làm đau khổ một chúng sanh là đã thiếu lòng từ ái. Giết một con thú đã là một hành động bất chánh, nói chi đến giết một người, mặc dầu nhiều lý do đã được viện dẫn, gọi là chánh đáng, có khi gọi là cao quý, để con người tàn sát giết hại con người. Bồ Tát cũng kiêng cử mọi hình thức trộm cắp, bất luận trực tiếp hay gián tiếp, và làm như vậy phát triển rộng rãi những đức tính thanh bạch, thành thật và ngay thẳng. Bồ Tát không để mình vi phạm một lỗi lầm bé nhỏ nào có thể phương hại đến phẩm giá con người, và hết sức cố gắng gìn giữ cuộc sống gia đình trung thành, tinh khiết, hoàn toàn trong sạch. Ngài tránh nói dối, không nói lời thô lổ cộc cằn, không nói điều nào làm cho người nầy có thể phiền trách người khác, không nói những lời vô ích. Ngài chỉ nói những lời thanh tao nhã nhặn, chân thật, dịu dàng, những lời có thể đem lại cho người khác hoàn cảnh hòa hợp, tình trạng an vui hạnh phúc, và những lời hữu ích. Bồ Tát không dùng món chi có chất độc hoặc có thể che lấp và làm chao động tinh thần. Trái lại, Ngài luôn luôn luyện tập cho tâm được an trụ, trí được sáng suốt.

Mặc dầu có phải bị thiệt thòi đi nữa, Bồ Tát cũng không hề dể duôi phạm phải một điều nào trong năm nguyên tắc căn bản để kiểm soát hành động và lời nói mình. Ðể giữ tròn năm giới, không những Bồ Tát có khi phải hy sinh tài sản, sự nghiệp, mà cũng có vài trường hợp Ngài còn phải hy sinh cả tánh mạng.

Không nên lầm tưởng rằng trong vòng luân hồi, một vị Bồ Tát phải hoàn toàn trong sạch. Ðã sanh ra làm chúng sanh trong cõi phàm, Ngài cũng có những nhược điểm và lỗi lầm. Vài câu chuyện trong Túc Sanh Truyện (Jàtaka) như Kanavera Jàtaka (Số 318) có mô tả một vị Bồ Tát nọ như một tên trộm cướp vô cùng lợi hại. Tuy nhiên, đó là một trường hợp hy hữu hơn là một thông lệ.

Ðối với Bồ Tát, là hạng người có nguyện vọng trở thành Phật, thì công trình nghiêm túc giữ gìn giới luật là điều vô cùng quan trọng. Túc Sanh Truyện Sìlà Vìmamsa Jàtaka (số 362) có đoạn thuật lại lời một vị Bồ-Tát: "Trí tuệ ngoài đạo đức là một thứ trí tuệ không có giá trị." (Sìlena n'anupetassa sutena' ttho na vijjati.)

Trong sách Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Ðạo), Ðức Buddhaghosa viết rằng giới luật (Sìla) là nền tảng của tất cả đức hạnh cao thượng:

Ðạo chính đáng cho người vững chí;
Sống thanh cao, cao quý chi bằng.
Nên trang đức hạnh ai tầng.
Mấy ai tả được uy hùng đến đâu.
Cũng không phải dòng sâu lồng lộng
Của Hằng Giang với ngọn Yama (Yanuma)
Thủy triều reo rắc sông Sa (Sarabhu)
Sông A Ti (Acivarati) với đại hà Ma Hi
Mà rửa sạch những gì nhơ bợn
Và những chi bất tịnh nơi lòng.
Chỉ đức hạnh, sức khôn cùng,
Gội tan ác ý, rửa dần mê tâm,
Với gấm vóc, hương trầm bảo vật
Cùng trăng thu vằng vặc ánh vàng.
Nhẹ nhàng gió mát đêm trường.
Cũng không xoa dịu nỗi lòng tham sân.
Chỉ đức hạnh trong ngần cao quý
Là vững bền, tiết chế lòng người.
Trầm hương bay thuận gió đời.
Chỉ hương đức hạnh ngát trời gần, xa.
Nào nấc tiến cho ta tinh tấn
Ðể ta nương đến tận trời cao.
Cửa nào mở lối ta vào
Niết Bàn cảnh giới muôn màu cho ta.
Ðời đạo hạnh, tinh hoa, giới đức
Không điểm tô, trang sức chi hơn
Mà luôn sáng tỏ vô ngần,
Chỉ nơi đức hạnh rỡ ràng hào quang.
Nào vua chúa ngọc vàng lóng lánh
Dường mờ lu bên ánh rạng nầy
Tâm người đạo hạnh ngày ngày
Chỉ còn thanh tịnh và đầy an vui.
Qua kinh sách lòng người phải rõ,
Ðời thanh cao uy chế chi bằng:
Ðạo là nguồn cội phước lành,
Ðạo là tiêu diệt mọi căn mê lầm.

(Bản dịch đoạn nầy của sách Thanh Tịnh Ðạo được Bà Hồ Thị Linh sắp thành văn vần.)

(xem tiếp Phần 2)


[1] Pàrami do chữ "pàram" có nghĩa là "phía bên kia", hay sự sáng suốt, sự giác ngộ, và chữ "i" là "đi". Theo nghĩa trắng, Pàrami là cái gì có thể đưa ta qua bờ bên kia, "đáo bỉ ngạn". Phạn ngữ Pàramita cũng được dùng trong nghĩa nầy.

[2] Ba La Mật có mười pháp. Mỗi pháp chia làm ba hạng là: Pàrami thuộc về tài sản, sự nghiệp, vợ, con. Upàpàrami, thuộc về một, hay nhiều bộ phận trong thân thể và Paramattha-parami, thuộc về mạng sống.

Thí dụ như Bố Thí Ba La Mật có ba hạng: Dàna Pàrami, là bố thí tài sản, sự nghiệp, hoặc vợ, con; Dàna upàpàrami là bố thí một bộ phận trong thân thể như tay, chân, mũi, tai v.v...; và Dàna paramattha-pàrami là hy sinh mạng sống mình cho kẻ khác, để cứu một chúng sanh.

Như Trì Giới Ba La Mật, cũng có ba hạng là: Sìla Pàrami, hy sinh tài sản sự nghiệp, hoặc vợ, con để giữ tròn giới luật; Sìla upàpàrami, hy sinh một bộ phận trong thân thể để giữ tròn giới luật; và Sìla paramattha-pàrami, hy sinh mạng sống để giữ giới luật trong sạch.

Cùng một thế ấy, mỗi Ba La Mật đều có 3 hạng. Cộng chung tất cả, có (10 x 3) = 30 Ba La Mật.

-----o0o-----



PHẦN 2

3. Xuất Gia (Nekkhamma)

Xuất gia, (Nekkhamma), hay xa lìa cuộc đời phồn hoa đô hội và khoái lạc vật chất, là điều mà chư vị Bồ Tát hết lòng mong mỏi, vì bẩm tánh của các Ngài là ưa thích vắng vẻ, yên tĩnh.

Danh từ Nekkhamma có nghĩa là từ khước những lạc thú trần gian để chọn lấy cuộc sống của hàng tu sĩ. Nekkhamma cũng có nghĩa là tạm thời vượt qua khỏi các pháp che lấp con đường Niết Bàn (Nìvarana) bằng cách thực nghiệm các tầng Thiền (Jhànas).

Trong mọi hành động, một vị Bồ Tát không bao giờ vị kỷ cũng không bao giờ dành để sở hữu nào cho riêng mình, mà luôn luôn vị tha. Bao giờ Ngài cũng hy sinh hạnh phúc của riêng mình để tạo hoàn cảnh an lành cho kẻ khác.Mặc dầu đôi khi, để tiện bề giúp đỡ người nào, Bồ Tát có thể sống sung sướng và đầy đủ tiện nghi, nhưng luôn luôn các Ngài không mê đắm trong lạc thú phù du tạm bợ của trần gian.

"Ðời sống gia đình tựa hồ như sào huyệt của bao điều tranh chấp, bao nhiêu gay go, cãi vã, như nơi chứa vựa của bao thiếu thốn, bao nhu cầu, như chỗ cư trú của bao điều phiền não khổ đau, bao nhiêu sự thất bại, bao nhiêu việc trái lòng. Nhưng đời sống của người đã ly gia cắt ái thật là thong dong tự tại, thâm diệu như trời xanh."

Nhận thức rằng xa hoa vật chất là ảo huyền và thú vui vật chất không tạo hạnh phúc thật sự, Bồ Tát tự nguyện lìa bỏ tất cả sự nghiệp trên đời để khoác lấy tấm y vàng và cố gắng sống hoàn toàn trong sạch. Ngài tự nguyện giữ tròn giới luật và nỗ lực nâng cao đức hạnh đến tột độ để trở nên hoàn toàn vị tha trong mọi hoạt động. Không gì có thể lay chuyển lòng Ngài. Thanh danh, sự nghiệp, hoàn cảnh vinh hiển giàu sang chỉ là vật báu của trần gian, không thể làm cho Bồ Tát lãng quên lối sống thanh đạm của mình.

Lắm khi, như trong câu chuyện của Túc Sanh Truyện Makhàdeva Jàtaka (số 9), chỉ những sợi tóc bạc đầu tiên cũng đủ nhắc nhở Bồ Tát, làm cho Ngài từ bỏ không khí nhộn nhịp, bất tịnh, của đền đài cung điện, để sống đời vắng vẻ đơn độc và biết bao lần thuận tiện hơn cho sự tiến hóa trên đường giác ngộ. Ðôi lúc một giọt sương trên cây cỏ trong buổi bình minh hay một lá đắng cũng đủ làm cho Ngài thức tỉnh và chấp nhận cuộc đời tu sĩ ẩn dật..

Hầu như đó là một thông lệ, tuy nhiên không phải tất cả chư vị Bồ Tát đều hành pháp Xuất Gia Ba La Mật.

Túc Sanh Truyện Kusa Jàtaka (số 531) có thuật tích chuyện một vị Bồ Tát phải chịu nhiều tủi nhục vì không tự chế ngự được tình yêu một bà công chúa xinh đẹp tên Pabhàvati.

Túc Sanh Truyện Darìmukha Jàtaka (số 373) thuật rằng có vị Ðộc Giác Phật (Pacceka Buddha) một hôm, gặp một vị Bồ Tát, nhận ra trước kia vị nầy là bạn mình và có lời khuyên:

"Những khoái lạc của nhục dục ngũ trần không khác nào bùn non, như hơi, như bụi. Tất cả đều tạm bợ, không bền vững, bởi nó bắt nguồn từ tham, sân, si. Nầy bạn, ta khuyên bạn hãy từ bỏ tất cả."

Bồ-Tát liền trả lời :

"Tôi thật điên cuồng. Các thú vui của trần gian đã thấm nhuần, ăn sâu vào xương tủy. Tôi biết rằng đời sống vật chất thật vô cùng ghê tởm, thật đáng sợ, đáng tránh. Nhưng nầy hỡi con người cao quý, tôi rất thương yêu trìu mến nó và không thể từ bỏ. Tôi chỉ có thể cố gắng làm một điều là tự nguyện luôn luôn phục vụ kẻ khác." (Jataka Stories, tập iii, trang 158)

Nếu Bồ Tát ra đời không nhằm nhiệm kỳ của một vị Phật, Ngài sẽ tự mình tìm nơi vắng vẻ để sống đời độc thân thánh thiện của hàng tu sĩ ẩn dật. Nếu sanh ra trong nhiệm kỳ của một vị Phật, Bồ Tát khép mình vào giới luật để sống đời hoàn toàn trong sạch. Một vị tỳ khưu có đời sống gương mẫu, một vị tỳ khưu lý tưởng, là một nguồn hạnh phúc cho mình và một phước lành cho kẻ khác. Mọi người đều có thể học hỏi nơi Ngài, noi theo gương lành của Ngài và thực hành những lời vàng ngọc mà Ngài dạy dỗ. Bên trong, các Ngài tự làm cho mình trong sạch. Bên ngoài, các Ngài làm cho kẻ khác trong sạch.

Một vị Bồ Tát luôn luôn tinh tấn trau giồi trí tuệ, đồng thời Ngài cũng tự thấy có bổn phận giúp đỡ những ai còn sút kém, và tạo cho họ cơ hội học hỏi để trở nên sáng suốt. Không làm phiền ai, không muốn cho ai nặng lo vì mình, các Ngài sống như loài ong, hút mật của hoa, nhưng không làm tổn thương đến đời sống của hoa. Ngài từ bỏ tất cả sự nghiệp, của cải, không giữ lấy một món chi của trần thế. Nhu cầu của một vị tỳ khưu thật là ít oi. Bao nhiêu tài sản của Ngài chỉ bao gồm vỏn vẹn trong hạnh tri túc.

Vị tỳ khưu thuần thành không thắc mắc hối hận những lỗi lầm trong quá khứ và không lo âu sợ sệt vì tương lai. Ngài chỉ sống trong hiện tại, sống ngoài những trách nhiệm và những phiền nhiễu của đời sống xã hội, gia đình. Ngài luôn luôn sẵn sàng đi bất luận nơi đâu để phục vụ chúng sanh, nhưng không hề quyến luyến một nơi nào. Trong cảnh vô thường tạm bợ của trần gian, trong cuộc thăng trầm của thế sự, Ngài luôn luôn giữ tâm bình thản và sẵn sàng hiến thân để giúp ích cho những ai cần đến. Nhưng không bao giờ ước mong được đền ơn đáp nghĩa.

Trong sạch, độc thân, tự ý sống kham khổ, nghèo nàn, đơn giản, vị tha phục vụ, và thanh tao nhã nhặn là một vài đặc tánh của vị tỳ khưu chân chánh.

Ngày nay, khi dùng danh từ bhikkhu, người ta hàm ý là những tu sĩ Phật Giáo. Tu sĩ các tôn giáo khác được gọi là Paribbàjaka, Ajìvaka, Sanyàsin v.v... Giới luật của hàng xuất gia trong Giáo Hội Tăng Già không cho phép thầy tỳ khưu [3] xin bất luận gì nơi người khác. Nếu có người dâng, thầy chỉ được nhận bốn món vật dụng thông thường là y, thức ăn, chỗ ở và thuốc men. Khi cần dùng một trong bốn món "vật dụng" ấy mà không có ai dâng đến mình, thầy tỳ khưu chỉ được phép hỏi cha mẹ, những bà con thân thuộc, hoặc những thí chủ nào đã có hứa trước và đã có yêu cầu Ngài cho biết khi cần đến.

Thầy tỳ khưu không bắt buộc phải giữ trọn đời lời nguyện xuất gia. Giới tử tự ý xin khép mình vào giới luật để sống trong sạch đời sống thánh thiện của người tu sĩ, cho đến ngày muốn huờn tục, cũng tự ý bước chân ra khỏi Giáo Hội Tăng Già. Nhưng ngày nào còn khoác lên mình bộ y vàng, tượng trưng chư vị A La Hán là bậc đáng tôn kính (ứng Cúng), thì chư vị tỳ khưu có bổn phận phải giữ tròn giới hạnh. Ngày nào cảm thấy mình không còn đủ nghị lực để sống đời cao thượng, vị tỳ khưu có thể huờn tục bất luận lúc nào mà vẫn không làm hoen ố cửa thiền.

Ðể sống hoàn toàn trong sạch và vị tha, để kiểm soát và giữ tâm luôn luôn thanh tịnh, để thấy rõ chân tướng của sự vật, để có những tư tưởng đúng đắn và sâu rộng, để phát triển thể cách và phẩm giá cao thượng của con người, để hoàn toàn có thể xác nhận chân giá trị của tinh thần cao thượng, không còn lối sống nào thích hợp hơn, không còn lối sống nào đem lại nhiều phương tiện và nhiều cơ hội thuận lợi hơn là đời sống tỳ khưu.

Vị tỳ khưu có thể sống trầm lặng ở một nơi vắng vẻ, tịch mịch, yên tĩnh, hoặc tích cực hoạt động trong xã hội. Lối sống cô độc, trầm lặng, rất thích hợp với lý tưởng của vị tỳ khưu. Y vàng tượng trưng cho trạng thái thánh thiện và khiêm tốn. Khi vị tỳ khưu khoác lên thân mình bộ y vàng, Ngài đã nhắm lấy mục tiêu cuối cùng là tận diệt ái dục để chứng đạt Ðạo Quả Niết Bàn.

Cũng nên ghi chú rằng đời sống tỳ khưu hay nói cách khác, sự từ bỏ những thú vui và những khát vọng của đời sống trần tục chỉ là một phương tiện hữu hiệu để thành đạt mục tiêu. Sự xuất gia, tự nó, không phải là cứu cánh.

4. Trí Tuệ (Pannà)

Ði liền theo sau Xuất Gia (Nekkhamma) là Trí Tuệ (Pannà). Trí Tuệ Ba La Mật là hiểu biết rõ ràng và đúng đắn, thấu triệt chân tướng của vạn pháp xuyên qua ánh sáng của ba đặc tướng: vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattà). Bồ Tát thường suy niệm về ba đặc tướng ấy, nhưng không đi sâu vào đề mục như chư vị A La Hán, vì mục đích của Ngài không nhắm Ðạo Quả Tứ Thánh mà hướng về Ðạo Quả Vô Thượng, Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Mặc dầu luôn luôn cố gắng thành đạt Thánh tuệ, Bồ Tát không xem thường các sự hiểu biết của đời và hằng để tâm học hỏi với bất luận ai, dầu là người làm công trong nhà. Không bao giờ khoe khoang tầm mắt thấy xa hiểu rộng của mình, nhưng Ngài không thẹn thùng nói ra giữa công chúng những gì mình chưa biết. Ngài không hề khoác lác khoe khoang, nhưng luôn luôn sẵn sàng chia xẻ hiểu biết với người khác. Trí tuệ của Ngài là sở hữu chung của tất cả mọi người. Ngài không bao giờ dấu ai điều chi mà tận lực cố gắng dắt dẫn người khác từ chỗ tối mê đến ánh sáng.

Trí tuệ có ba loại:

a) Trí tuệ phát sanh bằng cách nghe lời dạy của người khác (sutamaya Pannà, văn tuệ) là loại đầu tiên. Xưa kia, chưa có sách vở, ấn loát, nên đi học có nghĩa là đến nghe lời thầy giảng dạy rồi ghi nhớ nằm lòng. Do đó những nhà học giả thời bấy giờ được gọi là "bahussuta", người đã có nghe nhiều.

b) Lối hiểu biết thứ nhì phát sanh do sự suy luận (cintàmaya Pannà, tư tuệ). Những kiến thức khoa học có tánh cách thực dụng của người phương Tây là sản phẩm của lối hiểu biết nầy.

c) Cách thứ ba để trở nên sáng suốt là khai thông Trí Tuệ bằng lối thực hành thiền tập (bhàvanàmaya Pannà, tu tuệ).

Hai phương pháp đầu chỉ mở mang kiến thức trong phạm vi luận lý của thế gian. Nhờ thiền tập hành giả có thể trực giác chứng nghiệm những chân lý ngoài phạm vi của lý trí. Bhàvanà, thiền tập, hay phương cách trau giồi tâm trí, không phải là tâm trạng mơ màng tiêu cực mà là một nỗ lực linh động và tích cực. Nhờ hành thiền hành giả có thể vượt qua khỏi cảnh giới vật chất, tự đặt mình vào đời sống kỷ cương, tự kiểm soát thân tâm, tự mình giác ngộ và trở nên sáng suốt hoàn toàn. Thiền tập là thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí.

Trí tuệ là yếu tố cực kỳ quan trọng trong Phật Giáo. Trong Bát Chánh Ðạo, Chánh Kiến (Sammà-Ditthi) đứng đầu. Tuệ là một trong bảy nhân sanh quả Bồ Ðề (Dhamma Vicaya Sambojjhanga). Tuệ là một trong bốn năng lực để thành đạt Tứ Thần Túc (Vìmamsà Iddhipàda, nghiệm chứng bốn phép thần thông: dục, niệm, tấn, tuệ). Tuệ là một trong năm năng lực tinh thần (Pannàbala, Tuệ Lực) và cũng là một trong năm khả năng kiểm soát tâm (Pannindriya, Tuệ Căn).

Chính nhờ trí tuệ mà hành giả tiến đến trạng thái hoàn toàn Thanh Tịnh, và Giải Thoát cùng tột.

5. Tinh Tấn (Viriya)

Tinh Tấn (Viriya) mật thiết liên quan với Trí Tuệ (Pannà). Tinh Tấn Ba La Mật là giữ vững nghị lực, kiên trì cố gắng, quyết tâm thành đạt mục tiêu cuối cùng. Tinh Tấn ở đây không phải là năng lực vật chất, mặc dầu sức mạnh vật chất cũng là một điểm lợi. Tinh tấn ở đây là năng lực tinh thần hay tâm tánh dũng mãnh, cao quý hơn sức mạnh vật chất nhiều.

Tinh tấn được định nghĩa là chuyên cần cố gắng, không ngừng nỗ lực hoạt động -- bằng cả thân lẫn tâm -- nhằm tạo hoàn cảnh an lành hạnh phúc cho kẻ khác. Bồ Tát vững chắc tự củng cố trong phẩm hạnh nầy, luôn luôn tự tin và quyết định làm cho đó là đức hạnh quan trọng nổi bật của mình.

Theo lời của Tiến Sĩ Tagore, một vị Bồ Tát sẽ dựa trên kinh nghiệm bản thân lập tâm quyết định như sau:

"Trong cơn nguy biến, tôi không cầu xin được bảo bọc mà dũng cảm đối phó.
"Trong đau khổ, tôi không khấn vái, mong chờ được cứu độ mà có đủ tâm trí để chinh phục cơn đau.
"Trong lo âu sợ sệt, tôi không khát khao cầu mong được cứu vãn mà hy vọng đủ kiên trì phấn đấu để tự giải thoát."

Túc Sanh Truyện Mahàjanaka Jàtaka (số 539) có diễn tả rõ ràng thế nào là Tinh Tấn Ba La Mật của một vị Bồ Tát:

Ði ngoài biển cả, thuyền Bồ Tát bị đắm. Trong bảy ngày liên tiếp, không một phút chán nản, không hề tuyệt vọng, Ngài luôn luôn tranh đấu cho đến lúc có người đến cứu.

Thất bại là một bước tiến đến thành công. Chướng ngại, nghịch cảnh, chỉ có thể làm cho Bồ Tát tăng thêm nghị lực và ý chí phấn đấu. Nguy biến chỉ thêm can đảm cho Ngài. Khó khăn nặng nhọc chỉ làm rủn chí kẻ yếu hèn suy nhược, chướng ngại chỉ làm sờn lòng người thiếu nghị lực, Bồ Tát vạch lối đi của mình xuyên qua mọi khó khăn, vượt qua mọi trở ngại, Ngài nhắm thẳng đến mục tiêu cuối cùng và không có gì làm cho Ngài chùn bước.

Khi Ma Vương đến khuyên nên từ bỏ cuộc tranh đấu, Ngài không ngần ngại trả lời :

"Ðối với ta, chết trong cuộc chiến đấu chống dục vọng còn thập phần danh dự hơn là sống thất bại."

Bồ Tát dùng trí tuệ để phục vụ. Ngài cũng dùng tinh tấn để tạo an lành cho kẻ khác. Thay vì tập trung nỗ lực vào trong lối sống hẹp hòi và riêng tư để thành tựu mục tiêu, Ngài hướng mọi cố gắng về con đường hoạt động rộng lớn, mong tạo hạnh phúc đại đồng cho toàn thể chúng sanh chung hưởng. Không hề biết mệt, biết chán, Bồ Tát luôn luôn tích cực tạo tình trạng an lành cho tất cả, không chút ẩn ý vụ lợi, không trông mong một đặc ân nào.

Ðứng về một phương diện, Tinh Tấn Ba La Mật lại còn quan trọng hơn Trí Tuệ Ba La Mật. Trong Bát Chánh Ðạo, Chánh Tinh Tấn (Sammà Vàyàma hay Viriya) là ngăn ngừa không cho phát sanh những tư tưởng bất thiện chưa phát sanh, và tiêu trừ những tư tưởng bất thiện đã phát sanh, khai triển những tư tưởng thiện chưa phát sanh và làm cho những tư tưởng thiện đã phát sanh rồi càng nẩy nở thêm lên. Tinh Tấn là một trong Thất Giác Chi, hay bảy nhân sanh quả Bồ Ðề (Viriya sambojjhanga, Tinh Tấn Giác Chi). Tinh Tấn là một trong Tứ Thần Túc hay Tứ Căn Thông (Viriyiddhipàda, Tấn Thông). Tinh Tấn là tác động của bốn lối cố gắng chân chánh (Sammàppadhàna, Tứ Chánh Cần) tức là tinh tấn duy trì thiện pháp sẵn có và làm phát sanh thiện pháp chưa có. Tinh Tấn diệt trừ ác pháp đã có và ngăn ngừa không cho ác pháp chưa có khởi sanh. Tinh tấn là một trong năm năng lực tinh thần (Viriya Bala, Tấn Lực) và một trong năm khả năng kiểm soát tâm (Viriya Indriya, Tấn Căn).

Tinh Tấn là pháp "đáo bỉ ngạn" (pàramìtà), một mình đảm đang chín nhiệm vụ. Tinh Tấn hiệp với Trí Tuệ thành một năng lực vô cùng trọng yếu có thể hoàn tất mọi việc.

(Pannànuyàtam Viriyam vadanti Sabbattha siddhiggahanaggahattham.)

6. Nhẫn Nại (Khanti)

Nhẫn Nại cũng quan trọng như Tinh Tấn. Nhẫn Nại Ba La Mật là chịu đựng những phiền não mà người khác gây ra cho mình và gánh chịu những lỗi lầm của kẻ khác.

Bồ Tát hành pháp Nhẫn Nại đến mức độ nếu phải cắt đi một cánh tay hoặc một cái chân cũng không uất ức khó chịu.

Một tích chuyện trong Túc Sanh Truyện Khantivàdi Jàtaka (số 313) cho thấy rằng không những Bồ Tát vui vẻ thọ nhận những khổ hình do một ông vua say rượu truyền lệnh không chút xót thương. Vua ra lệnh cắt tay, chân, mũi, tai của Bồ Tát, mà Ngài vẫn lấy tâm từ đối xử với hành động hung bạo, thành thật cầu chúc cho vua được an lành hạnh phúc.

Sau cùng, ngã lăn nằm dài trên vũng máu, Bồ Tát thốt lên lời chú nguyện:

"Ngưỡng nguyện đức vua được trường thọ. Mặc dầu bàn tay độc ác của người đã xẻo thịt và cắt chân tay tôi, một tâm hồn trong sạch không khi nào biết oán giận." (Jàtaka Stories, Túc Sanh Truyện, tập iii, trang 28).

Khi Bồ Tát bị ai làm tổn thương Ngài nghĩ rằng:

"Người làm hại ta hôm nay có lẽ đã quen biết với ta trong một kiếp sống quá khứ nào, và vô tình hay cố ý, ta đã cột oan trái với người ấy. Cũng có thể đây là quả xấu mà ta đã gieo nhân hồi nào trong dĩ vãng. Chính đây là kết quả của một hành động bất thiện của ta trong quá khứ. Tại sao ta trở lại oán giận người làm hại ta?"

Nếu có kẻ ngã mạn đến trêu ghẹo hoặc gây gổ với Bồ Tát, Ngài cũng giữ tâm bình thản.

Về đức tánh nhẫn nại, trong kinh Kakacupama Sutta Ðức Phật dạy :

"Dầu có bọn cướp đến bắt con và dùng gươm giáo cắt lìa tay chân con đi nữa, hãy luôn luôn giữ tâm trong sạch, vì nếu để cho tâm có những tư tưởng không lành tức là con đã không làm theo đúng lời dạy của Như-Lai.

"Hãy tinh tấn rèn luyện cho được như thế nầy: giữ tâm luôn luôn trong sạch. Không khi nào thốt ra lời xấu. Khoan hồng độ lượng, bi mẫn với tâm từ. Không oán giận, không ác ý với ai.

"Những tư tưởng từ bi của con phải bao trùm tất cả chúng sanh, cho đến những tên cướp tàn ác. Hằng ngày cố gắng làm như vậy, con sẽ rải ra khắp thế gian một tình thương rộng lớn, bao la, mỗi ngày mỗi phát triển, vô biên, vô lượng, một tình thương đem lại an lành cho tất cả và coi tất cả là một, đồng nhất thể."

Thực hành đức tánh nhẫn nại và khoan hồng, thay vì thấy những điều xấu xa của kẻ khác, Bồ Tát cố gắng tìm cái tốt cái đẹp trong mọi người, mọi vật.

7. Chân Thật (Sacca)

Chân Thật là Ba La Mật thứ bảy. Sacca (chân thật) có nghĩa là giữ tròn lời hứa. Ðó là một đặc tính của Bồ Tát, luôn luôn hành động theo lời nói và nói theo hành động (Yathàvàdì tathàkàri, yathàkarì tathàvàdì, nói sao làm vậy, làm sao nói vậy).

Theo Túc Sanh Truyện Hàrita Jàtaka (số 431) Bồ Tát không bao giờ thốt ra một lời nào mà chính Ngài không nghĩ như vậy và nếu phải phạm nhằm một trong bốn điều kiêng cữ của ngũ giới Ngài cũng không hề nói dối.

Ngài cũng không giấu sự thật vì muốn giữ lễ phép.

Chân thật là kim chỉ nam của Bồ Tát. Ngài tự xem có bổn phận phải luôn luôn giữ lời. Trước khi hứa với ai điều gì Ngài thận trọng suy nghĩ. Khi đã thốt ra lời rồi thì quyết định phải giữ, dầu có phải hy sinh mạng sống cũng ưng chịu.

Trong Túc Sanh Truyện Hiri Jàtaka (số 363) Bồ Tát khuyên dạy:

"Phải thực hiện cho kỳ được những điều đã hứa. Phải biết từ chối, không hứa những điều không làm được. Bậc thiện trí thức không muốn thân cận với hạng người nói dối."

Túc Sanh Truyện Mahà Sutasoma Jàtaka (số 537) cũng có chép lại tích chuyện một vị Bồ Tát hy sinh mạng sống để giữ lời hứa.

"Giống như sao mai mà ta thấy buổi sáng trên trời. Ngày nào như ngày nấy, lặng lẽ xuất hiện nơi vị trí của nó, không sai chạy. Năm tháng trôi qua, sao mai vẫn y hẹn. Lời nói của bậc thiện trí thức cũng phải đúng như vậy. Không khi nào lệch khỏi sự thật, không hề sai hẹn."

Bồ Tát thật là chánh trực, thành thật và trong sạch. Nghĩ sao nói vậy và luôn luôn dung hòa tư tưởng, lời nói và việc làm.

Trong mọi việc, Ngài luôn luôn ngay thẳng và không hề sai chạy. Không giả dối, không chút sai ngoa giữa thân tâm và lời nói, vì Ngài xem đó là quy tắc của đời sống và quyết nghiêm chỉnh thọ trì giới luật. Ðời tư thế nào, đời công như thế ấy.

Bồ Tát không dùng lời nịnh bợ để mua lòng người khác, không hăng hái nhất thời để được đời ca tụng, không khoe khoang cái tốt, cũng không che đậy điều xấu của mình. Ngài khen tặng những ai đáng khen, chê trách những người đáng chê, và làm như vậy, không vì lý do nào khác hơn là vì lòng bi mẫn.

Nhưng Bồ Tát không nói tất cả sự thật.

Sự thật nào không đem lại lợi ích và hạnh phúc cho người khác thì Ngài không nói ra. Trái lại, sự thật nào có lợi cho ai khác, dầu có bị thiệt hại cho mình đi nữa Ngài cũng nói.

Bồ Tát tôn trọng lời nói của người cũng như tôn trọng lời nói của mình.

8. Quyết Ðịnh (Adhitthàna)

Theo liền sau hạnh Chân Thật (Sacca) là đức tánh Quyết Ðịnh (Adhitthàna), có nghĩa lập tâm chắc chắn không thối chuyển. Nếu không có sự quyết định vững chắc nầy nầy ắt khó mà thực hành các Ba La Mật khác. Ta có thể so sánh phẩm hạnh Quyết Ðịnh với nền tảng của một tòa nhà to lớn. Nhờ hùng lực của một ý chí bất thối, Bồ Tát phá tan các chướng ngại ngổn ngang trên đường. Ngài một mực ngó ngay, nhắm thẳng mục tiêu. Bệnh hoạn, phiền não, thất bại v.v... không làm cho Ngài chợp mắt lãng quên sứ mạng thiêng liêng.

Như Bồ Tát Gotama (Cồ Ðàm), đã quyết định từ bỏ ngai vàng và cuộc đời vương giả để tìm giác ngộ hoàn toàn. Trong sáu năm trường, Ngài phấn đấu mãnh liệt phi thường, phải chịu đựng bao nhiêu kham khổ và phải đối phó với biết bao nỗi khó khăn. Rồi đến lúc quyết định, khi cần sự giúp đỡ bên ngoài hơn bao giờ hết, thì năm vị đệ tử lại bỏ Ngài ra đi. Ngài vẫn bền gan một lòng một dạ cố gắng thêm, và cố gắng thêm mãi cho đến lúc thành tựu mục tiêu cuối cùng.

"Giữa rừng già một mình phấn đấu. Không có chi làm lay chuyển sự quyết định của Ngài, Bồ Tát không khác nào ngọn núi đá vững chắc. Bão táp phong sương liên miên dồn dập, núi vẫn vững như trồng, chống chỏi trời cao."

Sự quyết định của Bồ Tát cứng như sắt, vững như núi. Ngài tự đặt ra những nguyên tắc để sống và không gì làm cho Ngài xa lìa nếp sống quy củ ấy. Khuyến khích làm điều thiện là một việc rất dễ, nhưng không ai có thể xúi giục Ngài hành động ngược lại nguyên tắc. Lắm khi Bồ Tát mềm mại và dịu dàng như một tai hoa, nhưng cũng có lúc Ngài tỏ ra vững chắc và cứng rắn như một tảng đá.

9. Tâm Từ (Mettà)

Tâm Từ quan trọng nhất trong các Ba La Mật. Không có danh từ nhẹ nhàng duyên dáng nào trong tiếng Anh tương đương với Phạn ngữ Mettà (Từ). Có thể tạm dùng những danh từ hiền lành, hảo tâm, thân ái hay tâm từ để diễn đạt lòng thành thật ngưỡng nguyện cho tất cả chúng sanh, không từ bỏ sanh linh nhỏ bé nào, đều được an lành hạnh phúc. Chính tâm Từ (Mettà) thúc giục một vị Bồ Tát từ khước sự giải thoát riêng rẽ của mình để cứu độ tha nhân. Tâm Ngài đã thấm nhuần tình thương vô hạn vô biên đối với tất cả, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, màu da, hay nam nữ. Ngài là hiện thân của tình thương đại đồng, không làm ai sợ mà cũng không sợ ai. Những con thú đơn độc ở giữa chốn núi rừng là bạn thân của Ngài và chính nhờ sống chung với loài cầm thú mà Ngài đã nuôi dưỡng tình tương thân, tương ái ấy. Ngài luôn luôn ôm ấp trong lòng một tình thương vô hạn đối với tất cả chúng sanh.

Tâm Từ (Mettà) trong Phật Giáo phải được phân biệt với sự trìu mến riêng một người (pema), và tình thương thiên về nhục dục. Trìu mến sanh lo sợ và phiền muộn. Tâm Từ đem lại an vui, hạnh phúc.

Nên ghi nhận rằng khi thực hành tâm Từ, ta không quên mình. Mettà (tâm Từ) phải được rải cho kẻ khác cũng như cho ta. Tâm Từ không phân biệt "ta" và "người". Tâm Từ trong Phật Giáo bao trùm toàn thể càn khôn vạn vật mà trong đó cũng có ta. Túc Sanh Truyện Mahà Dhammapàla Jàtaka (số 385) cho biết có một vị Bồ Tát trẻ tuổi kia rải tâm Từ đồng đều, đến luôn cả người cha tàn ác đã hạ lệnh hành hình Ngài, đến tên đao phủ, đến người mẹ thân ái đang xót xa than khóc, và cũng rải cho chính bản thân từ tốn của Ngài.

Tâm Từ có oai lực rất huyền bí, và oai lực nầy có thể gieo ảnh hưởng cho những người ở gần và những người ở xa. Một tấm lòng trong sạch đã rải ra năng lực từ ái như vậy có thể đổi dữ ra lành, đổi ác ra thiện, có thể làm cho một con ác thú trở nên ngoan ngoản như chó, như mèo, làm cho kẻ hung tợn sát nhân trở thành một người hiền lành như thánh.

Oai lực huyền bí ấy không phải tìm ở đâu xa lạ. Nó nằm trong phạm vi năng lực của mọi người. Chỉ một chút cố gắng là thực hiện được nó.

Ðức Phật đã có lần dạy:

"Ta sống trên một ngọn núi, giữa đám sài lang hổ báo, và để tự bảo vệ không có gì khác hơn tâm Từ của ta. Chung quanh là sư tử, cọp, beo, nai, hươu các thứ. Ngoài ra là rừng rậm cỏ hoang, không có con vật nào sợ ta và ta cũng không sợ con vật nào. Chính oai lực của tâm Từ nâng đỡ, bảo vệ và giúp ta sống yên ổn."

Khi ta thương người, tức nhiên người thương ta. Không có một động lực tương phản nào, không có sự rung động thù nghịch nào, không có tư tưởng trái ngược nào có thể va chạm đến một người đã được hào quang của tâm Từ bảo vệ.

Tâm yên tĩnh là ta sống trong cảnh thiên đàng và cảnh thiên đàng ấy do chính ta tạo.

Có tâm Từ là có hạnh phúc. Sống lân cận với người có tâm Từ cũng được hưởng phần nào trạng thái mát mẻ. Nếu thường ngày trau giồi và thể hiện tâm Từ bằng lời nói và hành động, tự nhiên bức màn ngăn chận giữa "ta" và "người" dần dần tan biến. Sự phân biệt giữa "người" và "ta" dần dần biến mất, và cái "ta" sẽ đồng nhất với toàn thể chúng sanh. Không còn ta nữa. Cuối cùng ta sẽ đồng hóa với tất cả (Sabbattatà). Ðó là mức cùng tột của tâm Từ, Mettà.

Bồ Tát nới rộng tâm "Từ" bao trùm tất cả mọi chúng sanh và tự mình đồng hóa với tất cả, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, màu da, hay nam nữ. Chính tâm Từ trong Phật Giáo phá tan mọi chấp nê chướng ngại giữa người và người. Ðối với một vị Bồ Tát không có người thân kẻ sơ, không có kẻ thù người lạ, không có hạng người bị ruồng bỏ, cũng không có hạng người cao sang quyền quý phải sợ sệt không dám động đến.

Tâm Từ đại đồng của Phật Giáo đặt nền tảng trên sự hiểu biết sáng suốt và xây dựng tình huynh đệ vững chắc giữa tất cả chúng sanh. Bồ Tát thật sự là công dân thế giới, lúc nào cũng hiền hoà, thân ái và bi mẫn.

10. Tâm Xả (Upekkhà)

Upekkhà (tâm Xả) là Pàrami (Ba La Mật) thứ mười.

Phạn ngữ Upekkhà do hai căn "upa"  "ikkha" mà ra. "Upa" là đúng đắn, chân chánh, không thiên vị (yuttito). "Ikkha" là trông thấy, nhận định, suy luận. Vậy Upekkhà là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chánh, suy luận vô tư, tức không luyến ái cũng không oán ghét. Không ưa thích cũng không ruồng bỏ.

Danh từ Upekkhà (Xả) ở đây không phải được dùng trong ý nghĩa lạnh lùng, lãnh đạm, hay trong nghĩa vô ký, tức không-vui-không-buồn.

Xả Ba La Mật cực kỳ quan trọng, mà cũng rất khó thực hành, nhất là đối với hàng cư sĩ, những người còn phải lăn lóc trong thế gian vô thường, biến đổi.

Khinh rẻ, phỉ báng, nguyền rủa, là thường tình. Ðược và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, lợi lộc và lỗ lã, đau khổ và hạnh phúc đều là những việc thường xảy ra trong đời. Giữa những thăng trầm của thế sự Bồ Tát luôn luôn giữ tâm bình thản. Giữa những cơn giông tố của trường đời, Bồ Tát không hề xúc động. Ngài cứng rắn và vững chắc như tảng đá to sừng sựng giữa trời. Ðó là tâm xả.

Trong những lúc an vui hạnh phúc và giữa những nghịch cảnh, trước những lời ca tụng hay khi bị khiển trách, Bồ Tát luôn luôn giữ tâm bình thản. Vững như voi, không run sợ trước tiếng động. Chắc như trụ đồng, miệng lằn lưỡi mối không làm Ngài chao động. Như gió, thổi ngang màn lưới mà không bị vướng mắc trong lưới, Ngài sống giữa chợ người mà không luyến ái những lạc thú huyền ảo và vô thường của đời người. Như hoa sen, từ bùn dơ nước đục, vượt lên trên bao nhiêu quyến rũ của thế gian, Ngài riêng sống trong không khí tự do, luôn luôn yên tĩnh, luôn luôn tinh khiết và an vui.

"Trong hạnh phúc, trong phiền lụy, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất. Cũng như trên đất ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ. Ðất không giận, cũng không thương." (Warren, Buddhism in Translations)

Một đặc điểm quan trọng khác của Bồ Tát là đức tánh công minh, chánh trực. Trong lúc xét đoán, nhờ Ngài giữ được tâm Xả nên không bị ảnh hưởng của tham dục (chanda), sân hận (dosa), sợ sệt (bhaya) và si mê (moha) làm mù quáng.

Xuyên qua mười pháp Ba La Mật mà mỗi vị Bồ Tát đều cố gắng thực hành đến tột độ, ta có thể nói rằng cuộc sống của một vị Bồ Tát là gương hy sinh cao cả về kỷ luật nghiêm khắc, là từ bỏ tất cả những gì trần tục, là giác ngộ hoàn toàn, là nhẫn nhục, chân thật, không ngừng kiên trì nỗ lực, là một ý chí sắt đá, một tinh thần vững chắc và hoàn toàn bình thản.

* * *

Ngoài mười Ba La Mật, Bồ Tát còn phải giữ tròn ba đức hạnh (cariyà) là: Buddhi Cariyà, làm việc thiện với trí tuệ luôn luôn sáng suốt, Nàtyattha Cariyà, tích cực hoạt động để tạo an lành cho thân nhân quyến thuộc, và Lokattha Cariyà là tận lực phục vụ tất cả chúng sanh nhằm cải thiện toàn thế gian.

Trong ba hạnh, hạnh thứ nhì là tạo an lành cho thân bằng quyến thuộc. Ðây không phải là thiên vị, đặt bà con thân thuộc lên trên người khác, mà chỉ vì những người nầy gần gũi, thân cận hơn. Ðây không phải là một hành động ích kỷ, mà là một việc làm hợp lý. Giữ tròn ba đức hạnh tốt đẹp và thực hành đúng đắn mười Ba La Mật, trôi giạt đó đây theo dòng nghiệp lực, sanh-tử, tử-sanh trong vô lượng kiếp, Bồ Tát dần dần vượt qua những cơn bão táp của biển trầm luân sanh-tử triền miên.

Có khi Bồ Tát tái sanh làm Trời Ðế Thích hoặc một vị Trời tươi sáng nào. Lúc khác, Ngài trở xuống làm người, sang hay hèn, hoặc trở lại làm thú để rồi sau cùng, khi đã thực hiện tròn đủ mười pháp Ba La Mật, Ngài sanh lên cung trời Tusita (Ðấu Xuất). Nơi đây Ngài chờ đủ duyên kỳ, trở xuống trần gian lần cuối cùng để hoàn tất giai đoạn tiến hóa đến bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác (Sammà Sambuddha).

Không nên lầm tưởng rằng Bồ Tát cố ý tái sanh trong nhiều cảnh giới khác nhau để thâu thập kinh nghiệm. Không ai tránh khỏi định luật nghiệp báo, và chỉ có luật nhân quả quyết định kiếp sống vị lai của một chúng sanh. Chỉ có chư Phật và chư vị A La Hán là không còn tạo nghiệp mới và không còn bị luân hồi quả báo.

Tuy nhiên, nhờ phước báu dồi dào, Bồ Tát cũng có vài oai lực đặc biệt. Thí dụ như khi sanh vào cảnh Phạm Thiên mà đời sống ở cõi nầy dài thăm thẳm, Ngài có thể dùng ý lực mạnh mẽ, chấm dứt đời sống ở đó và tái sanh vào một cảnh giới thuận lợi để thực hành mười Ba La Mật dễ dàng hơn.

Chú Giải Túc Sanh Truyện (Jàtaka) ghi chép rằng ngoài cảnh giới mà Bồ Tát có thể dùng chí lực chuyển kiếp tái sanh vào đó (adhimutti-kàlakiriyà, cái chết theo ý muốn) còn có mười tám cảnh giới khác mà một vị Bồ Tát, dầu muốn dầu không, không bao giờ tái sanh vào. Thí dụ như Ngài không thể tái sanh vào hoàn cảnh câm hay điếc, hoặc làm một chúng sanh hoàn toàn tà kiến (niyata micchàditthi) tức là không tin tưởng nơi định luật nhân quả. Bồ Tát có thể tái sanh vào cảnh thú, nhưng dưới hình thức một con thú không lớn hơn voi và không nhỏ hơn chim mỏ nhác.

Ngài có thể bị sa đọa vào một trong bốn khổ cảnh (apàya) nhưng không đến nỗi phải lâm vào trạng thái cực kỳ khổ sở của cảnh nầy. Bồ Tát không tìm cách tái sanh vào cảnh Vô Phiên Thiên (suddhàvàsa) là cảnh giới mà chư vị A Na Hàm, sau khi bỏ xác, về đó an nghỉ trước khi đạt thành Ðạo Quả A La Hán. Ngài cũng không muốn tái sanh vào những cảnh giới vô sắc (arupaloka) vì nơi đây không có cơ hội để phục vụ.

Ta lại có thể hỏi: "Một vị Bồ Tát có biết rằng trong vô lượng kiếp luân hồi Ngài sẽ trở thành Phật không?"

Ðôi khi biết. Lắm lúc Ngài cũng không biết. Theo Túc Sanh Truyện (Jàtaka), Bồ Tát Gotama biết trước rằng sau khi tận lực cố gắng, Ngài sẽ đắc Quả Phật. Truyện Visayha Setthi Jàtaka (số 340) chép rằng một ngày kia Trời Ðế Thích (Sakka) đến đảnh lễ Ðức Phật và hỏi tại sao Ðức Phật lại có tâm lực vô cùng vô tận như vậy. Ðức Phật trả lời rằng vì Ngài không có ý định riêng hưởng một hồng ân nào trong tam giới (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới) mà mục đích của Ngài là chứng đạt Ðạo Quả Tối Thượng, Chánh Ðẳng Chánh Giác. Trái lại, trong vài kiếp khác, chẳng hạn như kiếp làm Jotipala (Majjhima Nikàya, Ghatìkara Sutta,số 81), chẳng những Ngài không nhớ đến chí nguyện cao cả của mình mà lại còn xúc phạm đến một vị Phật, Ðức Phật Kassapa. Cũng nên nói thêm rằng chính Ðức Phật Kassapa đã khai tâm điểm đạo, thọ ký cho Ngài lần cuối cùng.

Chúng ta là những người đã tận dụng đời sống quý báu nầy để phục vụ thế gian, chúng ta cũng có thể trở thành một vị Bồ Tát. Không nên nghĩ rằng lý tưởng của Bồ Tát, hay Bồ Tát Ðạo, chỉ dành riêng cho một hạng người xuất chúng. Cái chi mà một người làm được, người khác cũng có thể làm được. Miễn là có đủ hùng lực và cố gắng cần thiết thì việc chi cũng có thể thành tựu.

Vậy, cũng nên nỗ lực tích cực lập công bồi đức để tạo trạng thái an lành cho ta và cho kẻ khác. Và cũng nên chọn lấy lý tưởng phục vụ cao cả và toàn thiện làm mục tiêu cho đời sống.

Phục vụ để trở nên hoàn toàn và hoàn toàn để phục vụ.