THỰC ĐIÊN ĐIÊN THỰC
Câu chuyện đang đọc nói về bệnh điên thực sự, một bác sĩ bỗng phát ra bệnh điên. Rồi một giáo sư đại học cũng mắc bệnh tương tự. Công danh, sự nghiệp của cả hai quả là sớm nở chiều tàn. Hai trường hợp rơi vào giới có học thức để cho thấy bệnh này quá nguy hiểm. Giới bình dân ít học không tránh được và con số mắc bệnh có thể là rất nhiều. Khi một người mất đi ý thức hoàn toàn và rơi vào điên loạn do một cú sốc quá mạnh thì y học có thể giúp phục hồi. Trường hợp do tâm bệnh thì bác sĩ tài giỏi cũng khó cứu chữa. Điên vì tâm bệnh là do mất phước. Hãy tìm ý nghĩa của phước để hiểu loại bệnh này.
1. PHƯỚC
Pāli gọi là ‘puñña’, dịch là phước. Nghĩa là có thiện căn và thân tâm an lạc. Người có phước lành cao thượng là người có ‘pubbe ca katapuññatā (có phước đã tạo trong đời trước). Mất phước là không giữ được phước và tội (pāpa) xen vào. Khi đó thân tâm đau khổ.
Tâm bệnh này có thể do nhân ác trong đời trước, cũng có thể do nhân ác trong đời này. Một người không giữ được ngũ giới là nhân tạo ra tội, nếu tội quá mạnh làm mất khả năng nhận thức, đưa đến điên loạn. Con người sinh ra có ‘pubbe ca katapuññatā’ (phước đã tạo trong đời trước) nên sáu căn - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều tốt. Đó là quả của phước. Cách giữ phước vững chắc là tinh tấn tu tập để tạo thuận duyên. Nếu không biết giữ phước, sống dể duôi (phóng dật) thì tội xen vào, sẽ tạo ra nghịch duyên. Đi đến tình trạng điên loạn là quá muộn, không còn bảo vệ được mình nữa. Nhiều người lâm vào tình cảnh này được gia đình cầu cứu đến bùa chú. Đó là cách chữa trị không đúng căn bệnh, vì bùa chú không giúp chuyển được cái tội và người bệnh còn là nạn nhân của thầy bùa chú lâu dài. Nếu gia đình tận tâm với người bệnh nên đưa người bệnh đến gần Tam Bảo, khi ý thức phục hồi thì xin thọ Tam Quy, ngũ giới và bắt đầu tinh tấn hướng về Phật Pháp để tạo thuận duyên. Điều quan trọng là có thành tâm mới có hiệu quả. Đây là cách chữa tận gốc, chuyển tội thành phước, lấy lại điều đã mất.
2. ĐIÊN VÌ THIỀN
Điên vì thiền là không may thực hành theo một loại tà thiền. Theo đường hướng vừa tà vừa hành trì sai lạc làm cho tâm trí rối loạn dẫn đến điên loạn. Gọi là không may vì lạc vào tà thiền sẽ để lại hậu quả tai hại lâu dài cho đến những kiếp sống khác. Chánh pháp hộ trì người thực hành chánh pháp. Chánh pháp không hộ trì người thực hành tà pháp. Khi không được hộ trì thì hậu quả không lường được.
Theo chánh thiền, là thiền Phật giáo cũng có thể rơi vào điên loạn vì những duyên cớ: Thứ nhất là tự hành trì, không cần hỏi ai, thứ hai là niệm (sati) quá yếu.
Trong khi hành trì có thể gặp những vọng tưởng như thấy Phật, thấy ma, cảnh tiên, cảnh địa ngục, ngạ quỷ. Nếu nắm giữ những cảnh đó, sinh ra vui thích hoặc sợ hãi thì cũng có thể rơi vào điên loạn. Những cảnh như vậy đều là ảo ảnh và là những chướng ngại của thiền. Khi không có ai hướng dẫn, hoặc có hướng dẫn mà không thích hỏi, đến khi bị ảo ảnh làm cho điên loạn thì không cứu vãn được.
Niệm quá yếu khi gặp ảo ảnh mà không nhận ra, bị cuốn hút vào ảo ảnh. Sống trong ảo ảnh cũng là một nguyên nhân của điên loạn vì thiền. Có chánh thiền nhưng hành sai sinh ra thân bệnh như nhức đầu, đau bụng v.v… Nguyên nhân là hành sai nên tâm trí rối loạn. Trong trường hợp như vậy nên nhanh chóng quay lại vì đã lạc vào tà thiền rồi. Nếu vẫn tiếp tục thì chỉ chuốc lấy thân bệnh và tâm bệnh, khi tâm bệnh trầm trọng dẫn đến điên loạn là thường tình. Chánh thiền luôn luôn có niệm và khi xả thiền thân tâm rất an lạc như người vừa tắm xong.
Đây là câu chuyện về rơi vào vọng tưởng trong thiền.
Một tu nữ trước đây tham dự khoá thiền, có thiền sư uy tín hướng dẫn. Bà tu nữ ngồi thiền đạt hỷ lạc kéo dài ba giờ. Đến khi hỷ lạc hết, bà thấy một ảo ảnh, đó là mẹ của bà đã chết lâu rồi. Trong lúc đang ngồi, bà nói chuyện với ảo ảnh, người ngoài không nghe được. Đây là niệm quá yếu nên không nhận ra đó là ảo ảnh, đã bỏ mất đề mục. Khi ảo ảnh biến mất, bà nhớ mẹ nên ngồi khóc, một căn nhà vô chủ thì ai vào cũng được, lúc đó phi nhân nhập vào bà, khiến bà xả thiền và la hét. Các thiền sinh đọc kinh để phi nhân xuất ra, nhưng nó không sợ, còn nhái lại. Thiền sư đến, ban đầu phi nhân chống lại cả thiền sư luôn. Sau đó, thiền sư giảng Pháp, khuyên nhủ nó. Cuối cùng nó nghe lời và cho thiền sư biết nó phá bà tu nữ này vì dòng họ của bà có oan trái oán thù với nó. Thiền sư khuyên nó từ bỏ thù oán. Phi nhân này nghe theo và xin quy y với thiền sư. Một câu chuyện có thực này để cho thấy có thầy mà như vậy, khi tự hành trì, không học hỏi nguy hiểm đến mức nào nữa.
Muốn tránh tai hại khi thiền cần phải có lòng tin trong sạch nơi Tam Bảo, có ngũ giới, có căn bản về Phật Pháp và luôn luôn trau dồi niệm (sati). Điều cần thiết là dưới sự hướng dẫn của vị thầy và cần phải hỏi khi có vấn đề. Quá tự tin khi mình chưa hiểu hết thế giới nội tâm để rơi vào vọng tưởng hoặc thực hành sai, chứng nghiệm sai thì không an tịnh, giải thoát được mà còn thêm thời gian mất, tật mang. Tâm trạng đó sẽ đi theo hướng điên loạn mà không biết điên loạn như trường hợp nghĩ mình đã chứng đắc, hoặc điên loạn hoàn toàn do đi lạc quá xa.
(Còn tiếp)
Sư Giác Lộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét