Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Ngũ căn: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ

 


5 SỨC MẠNH TÍN TẤN NIỆM ĐỊNH TUỆ.

TÍN,TẤN, NIỆM, ĐỊNH,TUỆ .NĂM SỨC MẠNH NÀY RẤT CẦN THIẾT. VÌ KHÔNG CÓ NÓ, CHÚNG TA KHÔNG ĐỦ LỰC ĐỂ ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG HÀNH ĐẠO. NẾU THIẾU, CHÚNG TA CHỈ LÀ NĂM CÁI XÁC CHƯA ĐƯỢC CHÔN, LÀ NHỮNG BỆNH NHÂN TÀN PHẾ TẬT NGUYỀN CHỜ CHẾT ĐỂ ĐI QUA KIẾP KHÁC .

1-CHÁNH TÍN
Chánh tín là tin vào những điều sau đây :
-Vạn sự ở đời do duyên mà có, có rồi phải mất .
-Tin rằng không có một tư tưởng, hành động, lời nói nào của chúng ta mà không để lại hậu quả dầu thiện, dầu ác, dầu ít, dầu nhiều. Như một cái búng tay, hấy, nguýt, lườm, liếc ..v....v .Mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với tất cả những gì nói, làm và suy nghĩ .
-Chúng ta tin rằng hạnh phúc thật sự chỉ đến từ sống chánh niệm, trí tuệ, chứ hạnh phúc không thể đến từ tham, sân, si dầu trực tiếp hay gián tiếp. Thí dụ tu tập thực hiện các hạnh lành với cái lòng mong đợi sanh về các cõi này cõi kia, về mặt gián tiếp rõ ràng chúng ta làm lành bằng tâm tham, mong cầu trông đợi quả dị thục. Đó không phải là con đường dẫn đến cứu cánh an lạc tuyệt đối. Cứu cánh an lạc thật sự phải đến từ Tứ Niệm Xứ, từ con đường hành trì, vì nền tảng của trí tuệ và hành trì của người Phật tử phải y cứ trên trí tuệ 4 Đế. Thấy rằng mọi sự ở đời là khổ, thích cái gì cũng là thích trong khổ, muốn hết khổ thì đừng thích trong khổ nữa, sống trong ba nhận thức trên đây đó chính là con đường thoát khổ .
2-TẤN
Là sự nỗ lực cố gắng của mình trong cả ác và thiện, nên tránh ác và hành thiện.
3-NIỆM
Chính là sự tỉnh thức bằng chánh niệm ngay khi chúng ta thực hiện đời sống đó. Niệm ai cũng có ,người không biết Phật pháp họ cũng có tâm sở niệm nhưng tâm sở niệm đó cũng chỉ để cho họ làm việc trong đời sống như: đi đứng nằm ngồi có sự cẩn trọng đó cũng gọi là niệm nhưng đó không phải là chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Chánh niệm của Bát Chánh Đạo hoặc 37 phẩm bồ đề, cái niệm của hành giả tu tập hướng đến cứu cánh giải thoát mới được gọi là chánh niệm .
4-ĐỊNH
Là khả năng tập trung tư tưởng. Định ở đây có 3 cấp :
Cấp 1: Sát na định là khả năng tập trung tư tưởng trong từng khoảnh khắc.Thí dụ lúc đang làm bếp, lái xe, làm vườn .
Cấp 2: Cận định là giai đoạn trình độ tập trung của người sắp đắc Sơ, Nhị, Tam, Tứ, Thiền .
Cấp 3: Kiên cố định là tính từ Sơ thiền trở lên. Từ Sơ thiền trở lên nó độc đáo ở chỗ là nếu mình tiếp tục giữ không để cho mất, thì sau khi mình chết mà chưa chứng quả thánh thì mình sẽ tái sanh về cảnh giới Phạm thiên tương ứng với tầng thiền mà mình đã giữ được .
Thí dụ như mình đắc được Sơ thiền mà mình giữ được cho tới lúc mình chết thì sẽ sanh về cõi Sơ thiền, đắc được tứ thiền sắc giới mình giữ được cho tới lúc chết thì sẽ sanh về cõi tứ thiền sắc giới.Sống mãn thọ ở đó rồi quay trở về đây mọi sự như cũ, tiếp tục làm người, trời, trùng, dế, heo, bò, trâu, chó ..v.v. Dòng chảy luân hồi nó là một sự quẩn quanh trong vòng tròn khép kín .
Và cũng phải nói thêm trong trường hợp tu tập mới gọi là sát na định, cận định và kiên cố định. Còn người không có tu thiền dĩ nhiên là không có cận định và không kiên cố định gì hết, họ chỉ có khả năng tập trung tư tưởng trong từng phút, đó được gọi là tâm sở định chứ không phải là sát na định .
5-TUỆ
Trí gồm có 3: Văn , tư và tu
-Trí văn là những kiến thức có được do mình nghe, học .
-Trí tư là khả năng trí tuệ có được từ suy tư, nghiền ngẫm, thấm thía, tiêu hoá, gặm nhấm .
-Trí tu có được là nhờ tu tập samatha và Vipassana .
Samatha là trí tụê của người đắc định, đắc thần thông, thấy biết được những chuyện mà người khác không biết được .
Người không biết đạo thì không có trí tu, không thể có tuệ quán. Nếu họ tu tập thiền định thì họ chỉ tu tập samatha. Họ cũng có trí, cái gọi là trí văn trong kiến thức của họ không có giáo lý, họ chỉ biết chuyện đời thôi, và chính vì họ chỉ biết chuyện đời cho nên trí tư của họ cũng chỉ quẩn quanh trong chuyện đời .
Đối với giáo lý Phật pháp nếu buổi đầu mình chỉ có trí văn thì đừng coi thường, vì trí văn là nền tảng cho 2 trí sau. Có học rồi thì mới có dịp thấm thía, tiêu hoá, có học giáo lý thì khi trau dồi trí tu nó mới vững vàng. Chứ mình vô nghe một số thầy bà phán “ học chi cho nhiều kiếp người ngắn ngủi, cho con một đề mục, tập trung tu đi con .” . Nghe thì hay đó nhưng có một lúc quí vị sẽ ngộ ra một điều: kiến thức giáo lý ít quá chúng ta sẽ gặp một tỉ vấn đề ,đang ngồi thiền nó nảy ra chuyện này chuyện kia mình không biết đó là cái gì, hoặc nghe ai hỏi mình ngọng không biết trả lời rồi đâm ra hoang mang nghi hoặc . Chứ đừng tưởng vô đạo tập trung ngồi thiền là hay. Cho nên phải có giáo lý bởi vì trong kinh nói rõ một người biết đạo có giáo lý giống như người đi đường phải có kim chỉ nam, la bàn, bản đồ, hải bàn. Phải có cái đó thì mới theo đó mà đi và phải đi bằng đôi chân của mình .
Một người biết Phật pháp lâu ngày, hôm nay cái biết đó chỉ là cái biết sách vở từ chương ,chỉ là con mọt sách, nhưng ngày mai cái biết đó lại là nền tảng hỗ trợ đắc lực cho chuyện suy tư tu tập. Rốt ráo của người tu trí tuệ phải ở mức 3 cái này mới được, phải có một ngày anh thấy mọi thứ vô thường bằng chính sự cảm nghiệm của anh, chứ không phải anh thấy trong kinh, hoặc nghe tăng, ni nói như vậy. Tôi ví dụ : hít vô, thở ra biết rõ, lúc đầu không thấy gì ghê gớm, nhưng sẽ có một ngày mình thấy rất lạ, toàn bộ đời sống của mình chỉ gồm có 2 phần là thân và tâm, thân của mình nó toàn là vô số tế bào phân tử trong đó, chỉ cần một chút trở ngại là bệnh, trở ngại nhiều hơn nữa là chết. Còn tâm của mình chỉ là nắm cát, là chỗ tổng hợp thiện ác buồn vui nói gọn, nói rộng nó còn biết bao nhiêu là tâm sở trong đó. Nó thiếu cái này thì nó là tâm ác mà dư cái kia thì nó được tâm thiện. Như vậy thấm thía này là của hành giả chứ không phải cái biết đơn giản trên mặt giấy của người học đạo, mà cái này là của người hành đạo, liễu đạo. Trí này mới đủ cho mình cắt đứt phiền não .
Tôi nói lại một lần nữa: kiến thức từ chương không đủ cho ta cắt đứt phiền não chứng ngộ thánh trí, nhưng nếu không biết thì lấy cái gì mà hành trì .
Người không biết đạo cũng có đủ tín tấn niệm định tuệ, nhưng tín đa phần là tà tín, mà tà tín tin tầm bậy thì những nỗ lực của mình nó là tà cần. Niệm cũng vậy bản thân niệm không phải là xấu mà niệm nó có mặt trong lòng một người không biết đạo chỉ biết sống bất thiện thì họ vẫn có niệm nhưng không được gọi là chánh niệm, đó gọi là tà niệm . Mặc dù tính theo tâm Sở nó nằm bên phần tịnh hảo nhưng nó được sử dụng trong đời sống và hành động của một người bất thiện. Nó cũng giống như con dao, có lúc mình gọi nó là dụng cụ đầu bếp, có lúc mình gọi nó là hung khí, tang vật .
Năm sức mạnh này tại sao cần thiết ? Là bởi vì không có nó chúng ta không đủ lực để đi trên con đường hành đạo, nếu thiếu, chúng ta chỉ là năm cái xác chưa được chôn, là những bệnh nhân tàn phế tật nguyền nằm chờ chết để đi qua kiếp khác. Chỉ người nào có đủ 5 cái này mới được gọi là người có sức khỏe tinh thần và tâm linh. Đủ để sống đời, sống đạo một cách ngon lành, đủ dấn bước trên con đường giải thoát.
Đây là lý do vì đâu mà Đức Phật dạy đây là năm nguồn sức mạnh. Năm nguồn sức mạnh này khi nó được kiện toàn phát triển đúng mức đầy đủ thì nó cho mình sức mạnh thánh trí. Có đủ 5 cái này mình mới được gọi là đủ sức đi trên con đường giải thoát và đến được mục đích mình đã đặt ra .
Sư Giác Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét