Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Chỉ Quán song tu

 



VĂN-VÕ SONG TOÀN, ĐỊNH-TUỆ KIÊM ƯU PHẢI LÀ CHỈ ( SAMATHA )QUÁN (VIPASSANĀ) SONG TU .

Những ai có học A-tỳ-đàm nghe giảng phần này sẽ thấm hơn những người không học. Là bởi vì Theo A-tỳ-đàm, nó có mối quan hệ rất chặt chẽ giữa Lạc với Khổ giữa Dục Ái và Sân. Lạc và khổ, Dục Ái và Sân là hai cặp gắn liền nhau.Tứ thiền không còn Lạc và Khổ .Nhị quả thì giảm nhẹ Dục Ái và Sân .Tam quả dứt hẳn Dục Ái và Sân.Tôi cố ý nói tới nói lui hoài, bây giờ có đốt ra tro cũng phải ráng nhớ chỗ này. Còn đam mê trong 5 dục thì dứt khoát còn tâm sân, mà hễ còn tâm sân thì còn đủ 3 thứ khổ : Khổ khổ là sự khó chịu của thân tâm, Hoại khổ là sự biến mất của cảm giác dễ chịu trong thân tâm, Hành khổ là sự lệ thuộc các duyên mà có. Hạ căn thì sợ hãi khổ khổ.Trung căn thì chán ngán hoại khổ. Thượng căn thì chán ngán hành khổ.
Người hưởng dục có đủ ba khổ, người ly dục chỉ có hai hạng vi tế, người hưởng dục bị cả ba khổ dạng thô nặng.Thánh nhân chỉ còn thân khổ. Chém lòi ruột thì họ biết họ đang lòi ruột, đang đau rát, họ không hề có căm hờn tức tối hay sợ hãi bất mãn. Còn phàm phu mà bị nhổ nước bọt trước mặt là máu đã soi ùng ục lên rồi. Mình khổ một thành khổ mười vì bản thân mình bị cuộc đời xúc phạm tổn thương không bao nhiêu, mà chuyện tự thân mình diễn dịch phân tích làm cho mình điên lên. Thánh nhân bị tát thì có 30 giây là hết, còn phàm phu mình bị tát thì mình đau tới 30 tháng, vì mình vừa có khổ thân và vừa có khổ tâm.
Phạm thiên chỉ có hoại khổ và hành khổ nhưng ở dạng vi tế. Khổ vi tế nghĩa là sát-na tâm thiền trước có rồi sau đó mất( gọi theo A-tỳ-đàm thì đó là hoại khổ thật ra họ không hề bị một cảm giác khó chịu nào hết ). Sát-na thiền này mất, sát-na khác tiếp theo. Người hưởng dục thì khổ tứ bề vì dục như ý thì không nhiều, mà cảnh trần bất toại thì một núi. Kiếm tìm từng thứ để hưởng thụ không phải là dễ mà kiếm được rồi gồng để giữ là khổ, giữ không được lại là cái khổ khác, một là mình chán mình bỏ nó hoặc mình còn mê nó mà nó bỏ mình mà đi.
Hạ căn chỉ sợ những cái gì làm cho thân tâm mình khó chịu. Có nghĩa là bệnh hoạn già nua, sanh ly tử biệt, thương phải xa, ghét phải gần, muốn mà không được, bị đau, lạnh quá nóng quá, đói quá, nhức quá, tê mỏi, đau đớn v.v... Thì hạng hạ căn nói tới khổ họ chỉ hình dung tới những thứ này thôi. Nhiều người họ sợ sanh tử, sau một cơn đau họ không muốn luân hồi nữa, vì họ biết còn luân hồi là còn bị tù đày, bệnh hoạn, thù oán, đâm chém, làm ăn thua lỗ, thất tình, lỡ vận ..v...v ..Còn hạng trung căn thì họ không cần phải bị đau mới sợ, mà chỉ cần thấy hoa héo là đủ nản rồi. Như Bồ tát Tất Đạt lúc đi dạo bốn cửa thành, Ngài nhìn thấy cái khổ khổ của người khác, thấy xác chết, người bệnh, người già Ngài đã nản rồi. Người bình thường chỉ nản khổ khổ, nhưng mà Ngài nản luôn cái hoại khổ .
Ngài hỏi Sa Nặc :
- Như vậy ta cũng sẽ già đúng không?
Sa Nặc thưa:
- Dạ đúng, không ai trong thế giới này né được cái già, cái bịnh và cái chết.
Trong kinh nói Sa Nặc đâu có giỏi như vậy. Sa Nặc ăn nói lưu loát, là bởi vì do một vị Phạm thiên cõi Ngũ Tịnh Cư giục khiến cho nói như vậy. Bồ Tát nhìn cái bệnh, cái già của người ta, Ngài bèn nghĩ cái hay ho đẹp đẽ mà Ngài đang có rồi cũng sẽ mất. Chưa hết ! Khi bỏ ngôi đi tu, đắc được mấy tầng thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng cao nhất tam giới rồi Ngài cũng thấy rằng những cái này không bền, do duyên mà có, có rồi sẽ mất. Lúc bấy giờ Ngài đã thấy luôn cả cái hành khổ, nhưng có một điều cái thấy của một người chưa biết giáo pháp, chưa biết lý Tứ Đế và 12 Duyên khởi. Sau đêm thành đạo dưới gốc Bồ Đề, Ngài bừng lên hiểu những vấn đề ba khổ từ góc độ rốt ráo nhất. Còn trước đó Ngài chỉ thấy ở khía cạnh suy tư, Ngài chỉ có trí văn và trí tư thôi, lúc Ngài đắc thiền thì thêm một chút trí tu.
-Trí tu ở bên thiền Chỉ thì chưa được gọi là viên mãn bởi sinh tử vẫn còn nguyên đấy.
-Trí tu mà có được từ thiền Quán, không có thiền Chỉ cũng được gọi là viên mãn nhưng là viên mãn trong lý tưởng giải thoát.
*Có nghĩa là trong lý tưởng giải thoát, người đắc đạo, đắc quả thì ok rồi, nhưng gọi là văn võ song toàn định tuệ kiêm ưu thì phải là vị Chỉ Quán song tu.
Sư Giác Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét