Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

Thánh trí

 


THÁNH TRÍ

Thánh trí gồm có bốn :

1-Sơ quả Tu-Đà-Hườn ( Sotāpatti)
Chấm dứt ba thứ phiền não quan trọng bậc nhất trong việc luân hồi là Thân Kiến (quan niệm ngã chấp trong thân tâm)Hoài Nghi (sự hoang mang trong đạo giải thoát). Giới Cấm Thủ( bảo thủ, cố chấp, phí công sức tu tập mà chẳng tìm thấy sự giải thoát ). Vị này chỉ còn tái sinh tối đa bảy kiếp phải chứng La-Hán.
Thân kiến có nghĩa là người này biết chắc rằng toàn bộ phàm, thánh, người, thú, nhân thiên chỉ là danh sắc luôn luôn vô thường sanh diệt. Không hề có một cái gì là tôi, ta, của tôi trong 5 uẩn. Đó gọi là lìa bỏ ngã chấp trong 5 uẩn. Lìa thân kiến thì lìa được hoài nghi. Vị đó không còn hoang mang nghi hoặc : Tôi là ai ? Ở đâu tôi tới ? Tôi sẽ đi về đâu ? v....v . Lúc đó vị đó chỉ thấy rất đơn giản cái khối 5 uẩn này nó do các duyên thiện ác mà có. Do không hiểu 4 Đế nên người ác làm ác bị đọa, người lành làm lành để được đi lên. Cuối cùng cũng quẩn quanh trong ba cõi sáu đường. Hiểu như vậy vị đó chỉ tập trung tu tập. Biết rất rõ mình là ai trong trời đất này. Không còn giới cấm thủ nghĩa là vị này không còn chấp nhận những giáo điều tín điều nằm ngoài tinh thần Bát Chánh Đạo.
Vị Tu-đà-hườn biết rõ bằng toàn bộ sinh mệnh của mình rằng sự đau khổ và con đường gây khổ có một cứu cánh chấm dứt là Niết bàn: không còn nhân sanh khổ, không còn quả khổ thì sẽ không còn đau khổ. Con đường dẫn đến Niết bàn đó là Bát Chánh Đạo. Bà con nhớ giùm, con số 8 của Bát Chánh Đạo là một trong một tỷ cách diễn dịch con đường giải thoát. Đối với một số người, Đức Phật chỉ dùng một chữ: appamāda. Trước khi Ngài Niết bàn, câu nói cuối cùng của Ngài là “vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha”, nghĩa là vạn hữu là vô thường hãy sống bằng sự cẩn trọng không dễ ngươi. Đây là câu cuối cùng của Bậc Đạo Sư, mình không hề thấy có số 8, số 3 , số 4 , số 6 … ở đây. Ngài chỉ nói “vạn hữu là vô thường, không sống dễ ngươi”.
Chánh kiến, chánh tư duy là tuệ học. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là giới học, còn lại là định học. Gom chung là Tam học hoặc là Vô lậu học. 37 phẩm trợ đạo gồm Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, Như Ý Túc đều là Tam học nói rộng. Điểm nổi bật của vị Tu-đà-hườn thấy chắc nên tin chắc.
Trí Tu-Đà-Hườn mà dừng lại không đi xa nữa thì mình tái sanh chỉ tối đa 7 kiếp nữa thôi, đi về đâu không cần biết, chỉ biết là không bị đọa bốn đường xấu đó là : súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la và địa ngục. Còn chuyện đi về đâu là tùy mình có đắc thiền hay không và tầng thiền mình đắc là thiền nào thì mình về cõi tương ứng.Trong kinh nói vị Tu-đà-hườn, thí dụ như : tâm sân, họ không còn ganh tị, ghen ghét, bùn xỉn. Nhưng vị này cũng còn nhăn mày, nhíu mặt, đổ lệ, khó chịu bất mãn nhỏ xíu trong thâm tâm. Cái sân của vị này không còn đủ giết chóc, hành hạ các chúng sanh khác .

2-Nhị quả Tư-Đà-Hàm ( Sakadāgāmī)
Giảm nhẹ Dục Ái ( niềm đam mê trong tất cả vật chất) và sân tâm ( sự bất mãn trước ngoại cảnh). Vị này chỉ còn tái sinh trong cõi Dục giới một lần nữa thôi. Nếu chưa chứng La Hán thì phải sinh về các cõi Phạm thiên, nơi vắng mặt Dục ái và Sân, để tiếp tục tu tập cho đến khi chứng La Hán.
Cũng là thánh trí lên một bậc nữa, giảm nhẹ Dục Ái và Sân. Dục Ái tức là đam mê trong sắc, thinh, khí, vị, xúc. Sân tức là bất mãn cái này cái kia, tinh thần hay vật chất nói chung. Trong Vi diệu pháp kể là: Sân Tật Lận Hối. Lận là bỏn xẻn không muốn cho ra, không muốn mất gì. Bủn xỉn cũng là một loại tâm sân không muốn mình mất gì. Ganh tỵ cũng là sân, không muốn ai được gì.

3-Tam quả A-Na-Hàm ( Anāgāmī)
Dứt hẳn Dục Ái và sân, nếu chưa chứng La-Hán thì phải sinh về các cõi Phạm Thiên để tiếp tục tu hành. Vì không còn thích và ghét trong 5 trần vật chất nên cũng không còn bị động tâm trước khen chê vinh nhục.
Vị này vĩnh viễn không còn một tí ti đam mê trong 5 Dục : Sắc, thinh, khí, vị, xúc. Và một điều thú vị, một người không còn đam mê trong vật chất thì vị đó cũng không có điều kiện tâm lý bất mãn này nọ. Điều đó cho thấy rằng vật chất nó nặng nề lắm. Còn đam mê vật chất thì còn bất mãn sợ hãi, hờn giận, ghen tuông. Nhưng một người đã coi vật chất không ra gì thì họ cũng không còn ham danh lợi, không còn muốn được khen hay sợ bị chê .

4-Tứ quả A-La-Hán ( Arahanta)
Đã chấm dứt tất cả phiền não, hiểu thấu suốt Tứ Đế, không còn tái sinh trong bất cứ cảnh giới nào nữa. Chưa hiểu hết Tứ Đế thì còn có cái để thích và chỗ để về, hiểu rốt ráo rồi thì tất cả thiện ác, buồn vui, sướng khổ đều không có gì để bận tâm nữa và đương nhiên không còn chỗ để tái sinh
Cả bốn tầng thánh đều trí tuệ thấy rõ bốn đế là gì. Ở tầng Sơ, Nhị, Tam quả họ thấy tứ đế chưa rốt ráo. Nhưng ở tầng tứ quả A-La-Hán vị đó thấy rõ bốn đế như 5 ngón tay trên một bàn tay, không còn một góc khuất nào ở trong bốn đế mà họ không thấy không biết. Do đó họ cũng dứt sạch tất cả các phiền não dư sót .

*Quan trọng nhất mà tôi muốn nói ở đây là quả vị Tu-Đà-Hườn chứ không phải quả vị La-Hán. Quả vị Tu-Đà-Hườn quan trọng bởi vì từ phàm mà lên quả vị Tu-Đà-Hườn mới khó, còn đã có Tu-Đà-Hườn rồi các vị có trùm mền ngủ thì cũng đắc La-Hán, là bởi vì vị đó không còn đi nữa. Đã gọi là dự lưu sota là dòng chảy còn apanna là tham dự hay góp mặt. Như vậy sotapanna là người đã tham dự vào dòng chảy, có nghĩa là nước đã lên tới máng xối rồi nó chỉ chảy xuống lu, xuống sân, nó không thể chảy ngược lên cái mái được. Dòng chảy đó chính là dòng chảy của thánh trí, của giác ngộ. Đã bước vào đó rồi thì vị ấy không còn quay lui nữa .

Sư Giác Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét