Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Thiền phân tích theo kinh

 

THIỀN PHÂN TÍCH THEO KINH 

(Suttantabhājanīyaṃ)

Vị ấy sau khi đoạn trừ năm  triền cái này là điều nhơ bẩn tâm, muội lược trí tuệ, ly các dục, ly các bất thiện pháp, chứng và trú Sơ thiền có tầm có tứ, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh; do vắng lặng tầm tứ, chứng và trú nhị thiền, nội tỉnh nhất tâm, không tầm không tứ, một trạng thái hỷ lạc do định sanh; ly hỷ trú xả, ức niệm tỉnh giác, thân cảm thọ lạc, chứng và trú tam thiền một trạng thái mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú; đoạn trừ lạc, đoạn trừ khổ, diệt hỷ ưu đã có từ trước, chứng và trú tứ thiền phi khổ phi lạc, xả niệm thanh tịnh. Do vượt qua mọi sắc tưởng, dập tắt các đối ngại tưởng, không tác ý các dị biệt tưởng, nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú không vô biên xứ; vượt qua mọi không vô biên xứ, nghĩ rằng "thức là vô biên" chứng và trú thức vô biên xứ; vượt qua mọi thức vô biên xứ, nghĩ rằng "không có chi cả", chứng và trú vô sở hữu xứ; vượt qua mọi vô sở hữu xứ, chứng và trú phi tưởng phi phi tưởng xứ.

 PHÂN TÍCH THEO KINH (Suttantabhājanīyaṃ)

[599] PHẦN MẪU ÐỀ - MĀTIKĀ

Nơi đây, vị tỳ khưu sống thu thúc trong biệt biệt giải thoát thu thúc giới, thành tựu phẩm hạnh và hành xứ, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì học tập các điều học, phòng hộ môn quyền, tiết độ trong vật thực, chuyên tâm tĩnh thức vào đầu hôm đến cuối hôm, chuyên chú tu tập các pháp đẳng giác một cách kiên trì thận trọng.

Vị ấy là bậc tỉnh giác khi bước tới bước lui, tỉnh giác khi nhìn tới nhìn lui, tỉnh giác khi co duỗi, tỉnh giác khi mang y bát và Tăng già lê, tỉnh giác khi ăn uống nhai nếm, tỉnh giác khi đại tiện tiểu tiện, tỉnh giác khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng.

Vị ấy xử dụng trú xứ vắng vẻ, là khu rừng, gốc cây, triền núi, thạch động, sơn cốc, nghĩa địa, chỗ ở nơi rừng, chỗ ở trống trải, chỗ đống rơm, chỗ ít tiếng ồn, chỗ ít náo động, chỗ hiu quạnh, chỗ vắng người, chỗ thích hợp thiền tịnh.

Vị ấy đi đến khu rừng hoặc đến gốc cây hay đến ngôi nhà trống, ngồi xếp bằng kiết già, giữ thân ngay thẳng, an lập niệm trước mặt.

Vị ấy đoạn trừ tham ác ở đời, sống với tâm ly tham ác, gội rữa tâm khỏi tham ác; đoạn trừ sân độc hại, sống với tâm vô sân độc, có lòng tiếp độ lợi ích đến tất cả loài sinh vật hữu tình gội rữa tâm khỏi sân độc hại; đoạn trừ hôn trầm thụy miên, sống ly hôn trầm thụy miên, có tưởng quang minh, có chánh niệm tỉnh giác, gội rữa tâm khỏi hôn trầm thụy miên; đoạn trừ trạo hối, sống vô phóng dật, nội tâm tỉnh lặng, gội rữa tâm khỏi trạo hối; đoạn trừ hoài nghi, an trú vượt khỏi hoài nghi, không còn nghi nan đối với các thiện pháp, gội rữa tâm khỏi hoài nghi.

Vị ấy sau khi đoạn trừ năm triền cái này là điều nhơ bẩn tâm, muội lược trí tuệ, ly các dục, ly các bất thiện pháp, chứng và trú Sơ thiền có tầm có tứ, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh; do vắng lặng tầm tứ, chứng và trú nhị thiền, nội tỉnh nhất tâm, không tầm không tứ, một trạng thái hỷ lạc do định sanh; ly hỷ trú xả, ức niệm tỉnh giác, thân cảm thọ lạc, chứng và trú tam thiền một trạng thái mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú; đoạn trừ lạc, đoạn trừ khổ, diệt hỷ ưu đã có từ trước, chứng và trú tứ thiền phi khổ phi lạc, xả niệm thanh tịnh. Do vượt qua mọi sắc tưởng, dập tắt các đối ngại tưởng, không tác ý các dị biệt tưởng, nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú không vô biên xứ; vượt qua mọi không vô biên xứ, nghĩ rằng "thức là vô biên" chứng và trú thức vô biên xứ; vượt qua mọi thức vô biên xứ, nghĩ rằng "không có chi cả", chứng và trú vô sở hữu xứ; vượt qua mọi vô sở hữu xứ, chứng và trú phi tưởng phi phi tưởng xứ.


DỨT MẪU ÐỀ

[600] RẰNG "NƠI ÐÂY", tức là trong tri kiến này, trong tín ngưỡng này, trong khuynh hướng này, trong lập tường này, trong pháp này, trong luật này, trong Pháp luật này, trong Kinh điển này, trong phạm hạnh này, trong giáo lý Bậc Ðạo Sư này; bởi lẽ đó được nói rằng "nơi đây".

[601] RẰNG "TỲ KHƯU", tức là tỳ khưu do ấn định, tỳ khưu do tự nhận, hạnh khất thực gọi là tỳ khưu, người khất thực gọi là tỳ khưu, người chấp nhận hạnh khất thực gọi là tỳ khưu, người mang vải cắt manh gọi là tỳ khưu, người đang cắt trừ các ác bất thiện pháp gọi là tỳ khưu, do từ bỏ phiền não từng phần gọi là tỳ khưu, do từ bỏ phiền não không riêng phần gọi là tỳ khưu, có tỳ khưu bậc hữu học, bậc vô học, có tỳ khưu phi hữu học phi vô học, có tỳ khưu hạng thượng thủ, có tỳ khưu hạng hiền thiện, có tỳ khưu hạng tinh khiết, có tỳ khưu hạng pháp lõi, có hạng đắc giới do đúng điều kiện nhất định bằng hành sự tứ tác tuyên ngôn có chúng tăng hòa hợp, gọi là tỳ khưu.

[602] RẰNG: "BIỆT BIỆT GIẢI THOÁT GIỚI", tức là giới điều thành chỗ y cứ, điều sơ cấp, sở hành, điều chế ngự, điều thu thúc điều đại diện, điều chủ chốt để thành tựu các thiện pháp.

RẰNG "SỰ THU THÚC" tức là sự không thái quá về thân, không thái quá về khẩu, không thái quá về thân khẩu.

RẰNG "THU THÚC", tức là dự nhập, biến nhập, dự đáo, mãn đáo, dự đắc, hoàn đắc, thành đạt theo biệt biệt giải thoát thu thúc giới này.

Bởi lẽ ấy, nói rằng: "thu thúc trong biệt biệt giải thoát thu thúc giới".

[603] RẰNG "SỐNG", tức là cử động, xử sự, trông nom, duy trì, sinh sống, hành động, trú ngụ. Bởi lẽ ấy gọi là "sống".

[604] RẰNG "THÀNH TỰU PHẨM HẠNH VÀ HÀNH XỨ"

Có phẩm hạnh, có phi phẩm hạnh. Ở ÐÂY PHI PHẨM HẠNH LÀ THẾ NÀO?

Sự thái quá về thân, sự thái quá về khẩu, sự thái quá về thân khẩu, đây gọi là phi phẩm hạnh. Tất cả tư cách ác giới cũng là phi phẩm hạnh. Nơi đây có một số vị nuôi sống bằng cách tà mạng nào đó mà Ðức Phật đã quở trách, như bằng cách cho tre, hoặc cho lá, hoặc cho hoa, hoặc cho quả, hoặc cho phấn tắm, hoặc cho cây chải răng, hoặc nói gợi cảm, hoặc nói úp mở [1], hoặc lãnh nuôi trẻ, hoặc làm tay sai, đây gọi là phi phẩm hạnh[2].

Ở ÐÂY PHẨM HẠNH LÀ THẾ NÀO?

Sống không thái quá về thân, không thái quá về khẩu, không thái quá về thân khẩu, đây gọi là phẩm hạnh.

Tất cả sự thu thúc trong giới cũng là phẩm hạnh. Nơi đây, có một số vị không nuôi sống bằng cách tà mạng nào đó mà Ðức Phật đã quở trách, như không bằng cách cho tre hoặc không bằng cách cho lá, không bằng cách cho hoa, không bằng cách cho quả, không bằng cách cho phấn tắm, không bằng cách cho cây chà răng, không bằng cách nói gợi cảm, không bằng cách nới úp mở, không bằng cách lãnh nuôi trẻ, không bằng cách làm tay sai, đây gọi là phẩm hạnh[3].

RẰNG "HÀNH XỨ". Có hành xứ, có phi hành xứ.

Ở ÐÂY, PHI HÀNH XỨ LÀ THẾ NÀO?

Nơi đây, một số vị có hành xứ chỗ gái điếm, hoặc hành xứ chỗ gái góa, hoặc hành xứ chỗ gái già, hoặc hành xứ người lại cái, hoặc hành xứ tỳ khưu ni, hoặc hành xứ chỗ quán nước; vị ấy sống lẫn lộn với vua, với các đại thần của vua, với các ngoại đạo sư, với các đệ tử ngoại đạo, với sự chung đụng cư sĩ không thích hợp, hoặc có những gia đình nào không có đức tin, không tín ngưỡng, không là giếng nước, thường mắng nhiếc chưỡi rủa, muốn gây bất lợi, muốn gây bất hạnh, muốn gây bất an, muốn cho không thoát khổ ách đối với các tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ; giao du thân cận quan hệ những gia đình như thế. Ðây gọi là phi hành xứ[4].

Ở ÐÂY, HÀNH XỨ LÀ THẾ NÀO?

Nơi đây, một số vị không có hành xứ chỗ gái điếm, không có hành xứ chỗ gái góa, không có hành xứ chỗ gái già, không có hành xứ chổ người lại cái, không có hành xứ chỗ tỳ khưu ni, không có hành xứ chỗ quán nước; không sống lẫn lộn với vua, với các đại thần của vua, với các ngoại đạo sư, với các đệ tử ngoại đạo, với sự chung đụng cư sĩ không thích hợp, hoặc là những gia đình nào có đức tin, có tín ngưỡng, thành giếng nước, thường nghinh tiếp vị mặc Ca-sa, năng lai vãng với bậc ẩn sĩ, muốn đem lợi ích, muốn đem may mắn, muốn đem an vui, muốn cho thoát khổ ách, đến với các tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, giao du thân cận quan hệ những gia đình như thế. Ðây gọi là hành xứ[5].

Như thế, vị dự nhập... (trùng)... thành đạt với những phẩm hạnh này và hành xứ này; bởi lẽ ấy mới nói rằng "thành tựu phẩm hạnh và hành xứ".

[605] RẰNG "THẤY SỢ HÃI TRONG NHỮNG LỖI NHÕ NHẶT"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ NHỮNG LỖI NHỎ NHẶT?

Những lỗi lầm nào ít oi, thấp thói, nhẹ nhàng, được xem là nhẹ nhàng mà nên chế ngự, nên thu thúc, nên sanh tâm liên hệ tác ý. Những điều này được gọi là lỗi nhỏ nhặt.

Người thấy tội, thấy sợ, thấy nạn, thấy thoát ly đối với các lỗi nhỏ nhặt này. Bởi lẽ ấy được nói rằng "thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt".

[606] RẰNG "THỌ TRÌ HỌC TẬP CÁC ÐIỀU HỌC"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HỌC GIỚI[6]?

Có bốn học giới: Học giới tỳ khưu của hàng tỳ khưu; học giới tỳ khưu ni của hàng tỳ khưu ni; học giới cận sự nam của hàng cận sự nam; học giới cận sự nữ của hàng cận sự nữ. Những điều này được gọi là học giới.

Ðối với những học giới này, người thọ trì tất cả bằng mọi điều, thọ trì tất cả theo mọi cách, rồi thực hành trọn vẹn không bỏ sót. Bởi lẽ ấy, được nói rằng "thọ trì học tập các điều học".

[607] RẰNG "PHÒNG HỘ MÔN QUYỀN"[7], có tư cách phòng hộ môn quyền, có tư cách không phòng hộ môn quyền.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TƯ CÁCH KHÔNG PHÒNG HỘ MÔN QUYỀN?

Nơi đây, có người khi thấy cảnh sắc do mắt, lại nắm tướng chung, nắm tướng riêng; do nguyên nhân chi mà các ác bất thiện pháp tham ưu xâm lấn người ấy khi sống không thu thúc nhãn quyền, thì người ấy không hành động thu thúc với nhân ấy, không hộ trì nhãn quyền, không thúc liểm trong nhãn quyền. Khi nghe tiếng do tai... (trùng)... Khi ngữi mùi do mũi... (trùng)... Khi nếm vị do lưỡi... (trùng)... Khi đụng vật xúc do thân... (trùng)... Khi biết cảnh pháp do ý, lại nắm lấy tướng chung, tướng riêng; do nguyên nhân ấy mà các ác bất thiện pháp tham ưu xâm lấn người ấy khi sống không thu thúc ý quyền, thì người ấy không hành động thu thúc với nhân ấy, không hộ trì ý quyền, không thúc liễm trong ý quyền, chi là sự không phòng hộ, không bảo hộ, không hộ trì, không thu thúc đối với sáu quyền này. Ðây gọi là tư cách không phòng hộ môn quyền.


Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TƯ CÁCH PHÒNG HỘ MÔN QUYỀN?

Nơi đây, có người khi thấy cảnh sắc do mắt, không nắm tướng chung, không nắm tướng riêng; do nguyên nhân chi mà các ác bất thiện pháp tham ưu xâm lấn người ấy khi sống không thu thúc nhãn quyền, thì người ấy hành động thu thúc với nhân ấy, hộ trì nhãn quyền, thúc liểm trong nhãn quyền. Khi nghe tiếng do tai... (trùng)... Khi ngửi mùi do mũi... (trùng)... Khi nếm vị do lưỡi... (trùng)... Khi đụng vật xúc do thân... (trùng)... Khi biết cảnh pháp do ý, không nắm lấy tướng chung, không nắm lấy tướng riêng; do nguyên nhân chi mà các ác bất thiện pháp tham ưu xâm lấn người ấy khi sống không thu thúc ý quyền, thì người ấy hành động thu thúc với nhân ấy, hộ trì ý quyền, thúc liễm trong ý quyền, chi là sự phòng hộ, sự bảo hộ, sự hộ trì, sự thu thúc đối với sáu quyền này. Ðây gọi là tư cách phòng hộ môn quyền.

Vị dự nhập... (trùng)... thành đạt với tư cách phòng hộ môn quyền này. Bởi lẽ ấy được nói rằng "phòng hộ môn quyền".

[608] RẰNG "TIẾT ÐỘ TRONG VẬT THỰC", có tư cách tiết độ vật thực, có tư cách không tiết độ vật thực.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TƯ CÁCH KHÔNG TIẾT ÐỘ VẬT THỰC?

Nơi đây, có người không quán tưởng, thọ dùng vật thực không chánh quán: ăn để chơi đùa, để đam mê, để trang sức, để làm đẹp, ở đây chi là tư cách không tri túc, không tri độ, không quán tưởng trong thực phẩm. Ðây gọi là tư cách không tiết độ vật thực.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TƯ CÁCH TIẾT ÐỘ VẬT THỰC?

Nơi đây, có người quán tưởng, thọ dùng vật thực một cách chánh quán: ăn chẳng phải để chơi đùa, chẳng phải để đam mê, chẳng phải để trang sức, chẳng phải để làm đẹp, chỉ để duy trì, nuôi dưỡng xác thân này, để khỏi bị thương tổn, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ là như thế ta sẽ trừ diệt cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới, ở nơi ta không có lỗi lầm và sẽ lạc trú; ở đây chi là tư cách tri túc, tư cách tiết độ, quán tưởng trong vật thực. Ðây gọi là tư cách tiết độ vật thực".

Vị dự nhập... (trùng)... thành đạt với tư cách tiết độ trong vật thực. Bởi lẽ ấy được gọi là 'tri túc trong vật thực".

[609] LÀM SAO VỊ TỲ KHƯU CHUYÊN TÂM TỈNH THỨC VÀO ÐẦU HÔM ÐẾN CUỐI HÔM?

Nơi đây, vị tỳ khưu ban ngày thanh lọc tâm khỏi các chướng ngại pháp bằng cách kinh hành, bằng cách an tọa; vào canh đầu hôm, thanh lọc tâm bởi các chướng ngại pháp bằng cách kinh hành, bằng cách an tọa; vào canh giữa đêm nằm nghỉ dáng sư tử ngọa, nghiêng tay bên mặt, gát chân lên chân, có chánh niệm tỉnh giác, tác ý đến khởi sàng tưởng; vào canh cuối đêm thức dậy, thanh lọc tâm khỏi các chướng ngại pháp bằng cách kinh hành, bằng cách an tọa. Như vậy là vị tỳ khưu chuyên tâm tỉnh thức vào đầu hôm đến cuối hôm.

[610] RẰNG "KIÊN TRÌ", tức cái chi là sự cần cố thuộc về tâm... (trùng)... chánh tinh tấn. Rằng "THẬN TRỌNG", tức cái chi là sự hiểu rõ, biết rõ... (trùng)... vô si, trạch pháp, chánh kiến.

[611] RẰNG "CHUYÊN CHÚ TU TẬP CÁC PHÁP ÐẲNG GIÁC"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ CÁC PHÁP ÐẲNG GIÁC?

Tức bảy giác chi: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, cần giác chi, hỷ giác chi, tịnh giác chi, định giác chi, xả giác chi. Ðây gọi là các pháp đẳng giác.

Thực hành tu tập, làm sung mãn các pháp đẳng giác này. Bởi lẽ ấy được nói rằng "chuyên chú tu tập các pháp đẳng giác".

[612] LÀM SAO VỊ TỲ KHƯU là bậc tỉnh giác khi bước tới bước lui, tỉnh giác khi nhìn tới nhìn lui, tỉnh giác khi co duỗi, tỉnh giác khi mang y bát và Tăng già lê, tỉnh giác khi ăn uống nhai nếm, tỉnh giác khi đại tiện tiểu tiện, tỉnh giác khi đi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng?

Nơi đây, vị tỳ khưu bước tới có chánh niệm tỉnh giác, bước lui có chánh niệm tỉnh giác, nhìn tới có chánh niệm tỉnh giác, nhìn lui có chánh niệm tỉnh giác, co vào có chánh niệm tỉnh giác, duỗi ra có chánh niệm tỉnh giác; vị ấy giữ chánh niệm tỉnh giác khi mang y bát, tăng già lê, giữ chánh niệm tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nếm, giữ chánh niệm tỉnh giác khi đại tiện tiểu tiện, giữ chánh niệm tỉnh giác khi đi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng.

RẰNG "NIỆM". Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ NIỆM?

Cái chi là ức niệm, tùy niệm, tưởng niệm, nhớ lại, thái độ nhớ lại, thái độ ghi nhận, thái độ không lơ đảng, thái độ không lãng quên, niệm là niệm quyền, niệm lực, chánh niệm. Ðây gọi là niệm.

RẰNG "TỈNH GIÁC". Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TỈNH GIÁC?

Cái chi là sự hiểu rõ, sự biết rõ, sự lựa chọn, sự cân nhắc, trạch pháp, sự tham khảo, sự phân định, sự khảo sát, sự thông thái, sự rành rẽ, sự khôn ngoan, sự sáng suốt, sự suy xét, sự nghiên cứu, sự minh mẫn, sự mẫn tiệp, sự hồi quang, sự chiếu kiến, sự lương tri, sự sắc xảo, tuệ là tuệ quyền, tuệ lực, tuệ như vũ khí, tuệ như lâu đài, tuệ như ánh sáng, tuệ như hào quang, tuệ như đèn, tuệ như báu vật, vô si, trạch pháp, chánh kiến. Ðây gọi là tỉnh giác.

Vị dự nhập... (trùng)... thành đạt với sự niệm này và sự tỉnh giác này như thế. Như vậy là vị tỳ khưu bước tới có chánh niện tỉnh giác, bước lui có chánh niệm tỉnh giác, nhìn tới có chánh niệm tỉnh giác, nhìn lui có chánh niệm tỉnh giác, co vào có chánh niệm tỉnh giác, duỗi ra có chánh niệm tỉnh giác; giữ chánh niệm tỉnh giác khi ăn uống nhai nếm, giữ chánh niệm tỉnh giác khi mang y bát và Tăng già lê, giữ chánh niệm tỉnh giác khi ăn uống nhai nếm, giữ chánh niệm tỉnh giác khi đại tiện tiểu tiện, giữ chánh niệm tỉnh giác khi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng

[613] RẰNG "VẮNG VẺ", như là trú xứ ở gần, mà chỗ ấy không lẫn lộn với người tại gia, bậc xuất gia, do đó chỗ ấy là chỗ vắng vẽ. Dù là trú xứ ở xa, mà chỗ ấy không lẫn lộn với các người tại gia, xuất gia, do đó chỗ ấy cũng là chỗ vắng vẽ.

[614] RẰNG "TRÚ XỨ". Giường cũng là trú xứ, ghế cũng là trú xứ, nệm cũng là trú xứ, gối cũng là trú xứ, tịnh thất cũng là trú xứ, mái hiên cũng là trú xứ, lâu đài cũng là trú xứ, nhà chòi cũng là trú xứ, phòng ốc cũng là trú xứ, thạch động cũng là trú xứ, cốc hang cũng là trú xứ, gốc cây cũng là trú xứ, bụi tre cũng là trú xứ; hoặc là bất cứ chỗ nào mà các vị tỳ khưu lui tới thì tất cà chỗ đó là trú xứ.

[615] RẰNG "XỬ DỤNG", tức là xử dụng, thọ dụng, hưởng thọ, dụng nạp, tiếp nhận trú xứ vắng vẻ này. Bởi lẽ ấy được nói rằng "XỬ DỤNG".

[616] RẰNG "RỪNG" tức là ra ngoài thềm nhà, tất cả chỗ đó là rừng.

[617] RẰNG "GỐC CÂY", chính tại cội cây là gốc cây. Chính tại đồi đá là triền núi. Chính tại kẹt núi là thạch động. Chính hang núi là sơn cốc, chỗ đất táng là nghĩa địa. Chỗ hoang sơ là chỗ ở trống trãi, chỗ chất rơm là đống rơm.

[618] RẰNG: "CHỖ Ở NƠI RỪNG", đó là chỉ cho các trú xứ xa vắng. Rằng "CHỖ Ở NƠI RỪNG", đó là chỉ cho các trú xứ rừng rậm. Rằng "CHỖ Ở NƠI RỪNG", đó là chỉ cho các trú xứ kinh hoàng. Rằng "CHỖ Ở NƠI RỪNG", đó là chỉ cho các trú xứ rởn lông ốc[8]. Rằng "CHỖ Ở NƠI RỪNG", đó là chỉ cho các trú xứ tận cùng. Rằng "CHỖ Ở NƠI RỪNG", đó là chỉ cho các trú xứ lân cận loài người. Rằng "CHỖ Ở NƠI RỪNG", đó là chỉ cho các trú xứ khó tìm đến.

[619] RẰNG "CHỖ ÍT TIẾNG ỒN", như là trú xứ ở gần mà chỗ ấy không lẫn lộn với người tại gia, xuất gia, do đó chỗ ấy là chỗ ít tiếng ồn, dù là trú xứ ở xa mà chỗ ấy không lẫn lộn với người tại gia, xuất gia, do đó chỗ ấy cũng là chỗ ít tiếng ồn.

[620] RẰNG "CHỖ ÍT NÁO ÐỘNG", chỗ nào là chỗ ít tiếng ồn, chỗ ấy là chỗ ít náo động; chỗ nào là chỗ ít náo động, chỗ ấy là chỗ hiu quạnh; chỗ nào là chỗ hiu quạnh, chỗ ấy là chỗ vắng người; chỗ nào là chỗ vắng người, chỗ ấy là chỗ thích hợp thiền định.

[621] RẰNG "ÐI ÐẾN KHU RỪNG HOẶC ÐẾN GỐC CÂY HOẶC ÐẾN NGÔI NHÀ TRỐNG", tức là vị ấy đi đến rừng, đi đến gốc cây hay đi đến ngôi nhà trống.

[622] RẰNG "NGỒI XẾP BẰNG KIẾT GIÀ", tức là vị ngồi xếp bằng tréo chân.

[623] RẰNG "GIỮ THÂN NGAY THẲNG", tức là thân trụ giữ thẳng lưng.

[624] RẰNG "AN LẬP NIỆM TRƯỚC MẶT"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ NIỆM?

Cái chi là sự ức niệm, tùy niệm... (trùng)... chánh niệm. Ðây gọi là niệm.

Niệm này được giữ, được đặt ngay nơi chót mũi hoặc môi. Bởi lẽ ấy được nói rằng "AN LẬP NIỆM TRƯỚC MẶT".

[625] RẰNG "ÐOẠN TRỪ THAM ÁC Ở ÐỜI"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ THAM ÁC?

Cái chi là sự tham luyến, tham đắm... (trùng)... sự tham đắm của tâm. Ðây gọi là tham ác.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ ÐỜI?

Tức là đời ngũ thủ uẩn. Ðây gọi là đời.

Tham ác đây được yên lặng trong đời này, được vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt; bởi lẽ ấy đuợc nói rằng "đoạn trừ tham ác ở đời".

[626] RẰNG "VỚI TÂM LY THAM ÁC"

Ở đây thế nào là tâm? Cái chi là tâm, ý, tâm địa... (trùng)... ý thức giới sanh từ đó. Ðây gọi là tâm.

Tâm này đã lìa tham ác; bởi lẽ ấy được nói là "với tâm ly tham ác".

[627] RẰNG "SỐNG", tức là cử động xử sự, trông nom, duy trì, sinh sống, hành động, trú ngụ, bởi lẽ ấy gọi là sống.

[628] RẰNG "GỘI RỮA TÂM KHỎI THAM ÁC"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ THAM ÁC?

Cái chi là sự tham luyến, tham đắm... (trùng)... sự tham đắm của tâm. Ðây gọi là tham ác.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TÂM?

Cái chi là tâm, ý, tâm địa... (trùng)... ý thức giới sanh từ đó. Ðây gọi là tâm.

Tâm này rửa sạch, lọc sạch, gội sạch, giải tỏa, giải phóng, giải thoát khỏi tham này; bởi lẽ ấy được nói là "gội rữa tâm khỏi tham ác"

[629] RẰNG "ÐOẠN TRỪ SÂN ÐỘC HẠI". Có sân độc và có sân hại.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ SÂN ÐỘC[9]?

Cái chi là sự hiềm khích của tâm, sự phẫn nộ, phản kháng, chống đối, giận dữ, giận hờn, tức giận, nóng nảy, ám hại, quyết ám hại, sự sân độc của tâm, sự ám hại của tâm, sự hiềm hận, cách hiềm hận, thái độ hiềm hận, sự hãm hại, cách hãm hại, thái độ hãm hại, sự sân độc, cách sân dộc, thái độ sân dộc, sự đối lập, phản đối, hung dữ, lỗ mãn, sự bất bình của tâm. Ðây gọi là sân độc.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ SÂN HẠI[10]?

Chi là sân độc, ấy là sân hại; chi là sân hại, ấy là sân độc.

Như thế sân độc này và sân hại này được yên lặng, được bắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt; bởi lẽ ấy được nói rằng "đoạn trừ sân độc hại".

[630] RẰNG "TÂM VÔ SÂN ÐỘC[11]"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TÂM?

Cái chi là tâm, ý, tâm địa... (trùng)... ý thức giới sanh từ đó. Ðây gọi là tâm.

Tâm này không còn sân độc. Bởi lẽ ấy được nói là "tâm vô sân độc".

[631] RẰNG "SỐNG", tức là cử động... (trùng)... trú ngụ; bởi lẽ ấy được gọi là sống.

[632] RẰNG "GỘI RỮA TÂM KHỎI SÂN ÐỘC HẠI"

Có sân độc, có sân hại.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ SÂN ÐỘC?

Cái chi là sự hiềm khích của tâm, sự phẫn nộ, phản kháng, chống đối, giận dữ, giận hờn, tức giận, nóng nảy, ám hại, quyết ám hại, sự sân độc của tâm, sự ám hại của tâm, sự hiềm hận, cách hiềm hận, thái độ hiềm hận, sự hãm hại, cách hãm hại, thái độ hãm hại, sự sân độc, cách sân dộc, thái độ sân dộc, sự đối lập, phản đối, hung dữ, lỗ mãn, sự bất bình của tâm. Ðây gọi là sân độc.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ SÂN HẠI?

Chi là sân độc, ấy là sân hại; chi là sân hại, ấy là sân độc.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TÂM?

Cái chi là tâm, ý, tâm địa... (trùng)... ý thức giới sanh từ đó. Ðây gọi là tâm.

Tâm này rữa sạch, lọc sạch, gội sạch, giải tỏa, giải phóng, giải thoát khỏi sân độc hại; bởi lẽ ấy được gọi là "gội rữa tâm thoát khỏi sân độc hại"

[633] RẰNG "ÐOẠN TRỪ HÔN TRẦM THỤY MIÊN" CÓ HÔN TRẦM, CÓ THỤY MIÊN...

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HÔN TRẦM?

Chi là sự không bén nhạy của tâm, không thích nghi, sự chần chờ, trầm lặng, lười biếng, cách lười biếng, thái độ lười biếng, dả dượi, cách dả dượi, thái độ dả dượi của tâm. Ðây gọi là hôn trầm.


Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ THỤY MIÊN?

Chi là sự không bén nhạy của thân, không thích nghi, sự che lấp, dậy khuất, bít ngăn bên trong, hôn mê, bần thần thiu thỉu, sự buồn ngủ, cách buồn ngủ, thái độ buồn ngủ. Ðây gọi là thụy miên.

Như thế hôn trầm này và thụy miên này được yên lặng, được vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt; bởi lẽ ấy được nói rằng "đoạn trừ hôn trầm thụy miên".

[634] RẰNG "LY HÔN TRẦM THỤY MIÊN", tức là tình trạng dứt bỏ, tình trạng đào thải, tình trạng giải thoát, tình trạng đoạn trừ, tình trạng phóng xả, tình trạng xả trừ sự hôn trầm thụy miên ấy; nên được gọi là "ly hôn trầm thụy miên".

Rằng "SỐNG... (trùng)... nên được gọi là "sống".

[635] RẰNG "TƯỞNG QUANG MINH"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TƯỞNG?

Chi là sự nhận ra, sự nhận biết, thái độ nhận biết. Ðây gọi là tưởng.

Tưởng này tỏ rạng, mở mang, trong sạch, thuần tịnh; nên được gọi là "tưởng quang minh".

[636] RẰNG "CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ NIỆM?

Chi là sự ức niệm, tùy niệm... (trùng)... chánh niện. Ðây gọi là niệm.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TỈNH GIÁC?

Chi là sự hiểu rõ, biết rõ... (trùng)... vô si, trạch pháp, chánh kiến. Ðây gọi là tỉnh giác.

Như thế, vị dự nhập... (trùng)... thành đạt với niệm này và tỉnh giác này; nên gọi là "chánh niệm tỉnh giác".

[637] RẰNG "GỘI RỮA TÂM KHỎI HÔN TRẦM THỤY MIÊN"

Có hôn trầm, có thụy miên.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HÔN TRẦM?

Chi là sự không mạnh dạn của tâm... (trùng)... thái độ dã dượi của tâm. Ðây gọi là sự hôn trầm.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ THỤY MIÊN?

Chi là sự không bén nhạy của thân... (trùng)... thái độ buồn ngủ. Ðây gọi là thụy miên.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TÂM?

Chi là tâm, ý, tâm địa... (trùng)... ý thức giới sanh từ đó. Ðây gọi là tâm.

Tâm này rửa sạch, lọc sạch, gội sạch, giải tỏa, giải phóng, giải thoát khỏi hôn trầm thụy miên; nên được gọi là "gội rửa tâm khỏi hôn trầm thụy miên".

[638] RẰNG "ÐOẠN TRỪ TRẠO HỐI"

Có trạo cử, có hối hận.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TRẠO CỬ?

Chi là sự phóng dật của tâm, sự không vắng lặng, tâm lao chao, tình trạng tán loạn của tâm. Ðây gọi là trạo cử.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HỐI HẬN?

Việc không đáng nghĩ là đáng; việc đáng nghĩ là không đáng; việc không tội nghỉ là tội, việc tội nghĩ là không tội; sự kiện nào là sự hối hận như vậy, cách hối hận, thái độ hối hận, tâm ăn năn, ý bối rối. Ðây gọi là hối hận.

Như thế trạo cử này và hối hận này được yên lặng, được vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt; nên được nói rằng "đoạn trừ trạo hối".

[639] RẰNG "VÔ PHÓNG DẬT", tức là tình trạng đã dứt bỏ, đã đào thải, đã giải thoát, đã đoạn trừ, đã phóng xả, đã trừ trạo hối ấy; nên được gọi là "vô phóng dật".

[640] RẰNG "SỐNG", tức là cử động... (trùng)... trú ngụ; nên gọi là sống.

[641] RẰNG "NỘI", tức là chi thuộc bên trong, thuộc phần riêng.

Rằng "TÂM TỈNH LẶNG". Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TÂM?

Chi là tâm, ý, tâm địa... (trùng)... ý thức giới sanh từ đó. Ðây gọi là tâm.

Tâm thuộc nội phần này được yên lặng, được vắng lặng, được tịnh chỉ; nên được gọi là "nội tâm tỉnh lặng".

[642] RẰNG "GỘI RỮA TÂM KHỎI TRẠO HỐI"

Có trạo cử, có hối hận.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TRẠO CỬ?

Chi là sự phóng dật của tâm, sự không vắng lặng, tâm lao chao, tình trạng tán loạn của tâm. Ðây gọi là trạo cử.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HỐI HẬN?

Việc không đáng nghĩ là đáng... (trùng)... ý bối rối. Ðây gọi là hối hận.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TÂM?

Chi là tâm, ý, tâm địa... (trùng)... ý thứ giới sanh từ đó. Ðây gọi là tâm.

Tâm này rữa sạch, lọc sạch, gội sạch, giải tỏa, giải phóng, giải thoát khỏi trạo hối; nên được gọi là "gội rữa tâm khỏi trạo hối".

[643] RẰNG "ÐOẠN TRỪ HOÀI NGHI"

Chi là sự do dự, cách do dự, thái độ do dự, sự dị nghị, sự không xác định, sự lưỡng ước, sự phân vân, sự ngờ vực, sự không nhất quyết, sự tính vớ vẫn, sự lẫn quẩn, sự không quyết đoán, tình trạng lay động của tâm, sự rối ý. Ðây gọi là hoài nghi.

Hoài nghi này được yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt; nên được gọi là "đoạn trừ hoài nghi".

[644] RẰNG "VƯỢT KHỎI HOÀI NGHI", tức là hoài nghi này được đi qua, vượt qua, vượt khỏi, đi đến bờ kia, đạt đến bờ kia; nên được gọi là "vượt khỏi hoài nghi".

[645] RẰNG "SỐNG", tức là cử động... (trùng)... trú ngụ; nên gọi là sống.

[646] RẰNG "KHÔNG CÒN NGHI NAN ÐỐI VỚI CÁC THIỆN PHÁP" tức là đối với các thiện pháp không ngờ vực, không do dự theo sự hoài nghi này, thành người chẳng nghi hoặc, chẳng nghi ngờ, không còn hoài nghi; nên được gọi là "không nghi nan đối với các thiện pháp".

[647] RẰNG "GỘI RỮA TÂM KHỎI HOÀI NGHI"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HOÀI NGHI?

Chi là sự do dự, cách do dự, thái độ do dự... (trùng)... tình trạng lay động của tâm, sự rối ý. Ðây gọi là hoài nghi.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TÂM?

Chi là tâm, ý, tâm địa... (trùng)... ý thức giới sanh từ đó. Ðây gọi là tâm.

Tâm này rữa sạch, lọc sạch, gội sạch, giải tỏa, giải phóng, giải thoát khỏi hoài nghi đây, nên được gọi là "gội rữa tâm khỏi hoài nghi".

[648] RẰNG "ÐOẠN TRỪ NĂM TRIỀN CÁI NÀY", tức là năm triền cái này được yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt; nên được gọi là "đoạn trừ năm triền cái này".

[649] RẰNG "ÐIỀU NHƠ BẨN TÂM" tức là năm triền cái này đều là phiền não của tâm.

[650] RẰNG "MUỘI LƯỢC TRÍ TUỆ" tức là do năm triền cái này mà trí tuệ chưa sanh không sanh và trí tuệ đã sanh bị tiêu diệt; cho nên được gọi là làm muội lược trí tuệ.

[651] RẰNG "LY CÁC DỤC LY CÁC BẤT THIỆN PHÁP"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ CÁC DỤC?

Sự mong muốn là dục, sự tham luyến là dục, dục tham là dục, sự tư duy là dục, quyến luyến là dục, tham tư duy là dục. Ðây gọi là các dục.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ CÁC BẤT THIỆN PHÁP?

Dục dục, sân độc, hôn thụy, trạo hối, hoài nghi. Ðây gọi là các bất thiện pháp.

Như thế, vị xa lìa các dục này và các bất thiện pháp này; nên được gọi là "ly các dục ly các bất thiện pháp".

[652] RẰNG "HỮU TẦM HỮU TỨ"

Có tầm, có tứ.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TẦM?

Chi là sự tìm cảnh, sự nghĩ ngợi, sự suy xét, sự chuyên chú, sự hướng tâm, sự đem tân khắn khít cảnh, chánh tư duy. Ðây gọi là tầm.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TỨ?

Chi là sự gìn giữ, sự giám sát, sự bám sát, sự chăm nom, trạng thái khắn khít, thái độ xem xét của tâm. Ðây gọi là tứ.

Như thế, vị dự nhập... (trùng)... thành đạt với tầm này và tứ này; nên được gọi là "hữu tầm hữu tứ".

[653] RẰNG "DO LY DỤC SANH", tức là tầm tứ hỷ lạc và nhất hành tâm; những pháp ấy được sanh ra, được sanh thành, được xuất hiện, được phát khởi, được hiện khởi trong sự viễn ly này. Do đó được gọi là "do ly dục sanh".

[654] RẰNG "TRẠNG THÁI HỶ LẠC"

Có hỷ, có lạc.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HỶ?

Chi là sự mừng vui, sự no vui, sự hân hoan, sự hỷ duyệt, sự hài lòng, sự vui vẻ, sự phấn khởi, sự thích thú, sự hoan hỷ của tâm. Ðây gọi là hỷ.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ LẠC?

Chi là sự sảng khoái thuộc về tâm, sự dễ chịu thuộc về tâm, trạng thái cảm thọ sảng khoái dễ chịu sanh từ tâm xúc sự cảm giác sảng khoái dễ chịu sanh từ tâm xúc. Ðây gọi là lạc.

Lạc này câu hành, câu sanh, hòa hợp, tương ưng với hỷ này; nên được gọi là hỷ lạc.

[655] RẰNG "SƠ", tức là hạng thứ nhất do đếm tuần tự; chứng bậc thứ nhất này nên gọi là sơ (thiền).

[656] RẰNG "THIỀN", tức là tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất hành tâm.

[657] RẰNG "CHỨNG", là sự mà đắc thành, viên đắc, chứng đắc, thành đạt, đắc chứng, tác chứng, thành tựu sơ thiền.

[658] RẰNG "TRÚ", tức là cử động... (trùng)... trú ngụ, bởi lẽ ấy gọi là trú.

[659] RẰNG "VẮNG LẶNG TẦM, TỨ"

Có tầm, có tứ.


Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TẦM?

Chi có sự tìm cảnh, sự nghĩ ngợi... (trùng)... chánh tư duy. Ðây gọi là tầm.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TỨ?

Chi là sự gìn giữ, sự giám sát, sự chăm nom, trạng thái khắn khít, trạng thái xem xét của tâm. Ðây gọi là tứ.

Như thế tầm này và tứ này được yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt; do đó được gọi là "vắng lặng tầm tứ".

[660] RẰNG "NỘI", là chi thuộc bên trong, thuộc phần riêng.

RẰNG "TỊNH", tức chi là sự trong sạch, sự tin tưởng, sự tín nhiệm, sự cả tin.

[661] RẰNG "NHẤT TÂM", tức chi là sự đình trụ của tâm... (trùng)... chánh định.

[662] RẰNG "KHÔNG TẦM KHÔNG TỨ"

Có tầm, có tứ.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TẦM?

Chi là sự tìm cảnh, sự nghĩ ngợi... (trùng)... chánh tư duy. Ðây gọi là tầm.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TỨ?

Chi là sự gìn giữ, sự giám sát, sự bám sát, sự chăm nom, trạng thái khắn khít, trạng thái xem xét của tâm. Ðây gọi là tứ.

Như thế, tầm này và tứ này được yên lặng, được vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt. Do đó được gọi là "không tầm không tứ".

[663] RẰNG "DO ÐỊNH SANH", tức là sự thanh tịnh, hỷ lạc, nhất hành tâm; những pháp ấy được sanh ra, được sanh thành, được xuất hiện, được phát khởi, được hiện khởi trong định này. Do đó được gọi là "do định sanh".

[664] RẰNG "TRẠNG THÁI HỶ LẠC"

Có hỷ, có lạc.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HỶ[12]?

Chi là sự mừng vui, sự no vui... (trùng)... sự hoan hỷ của tâm. Ðây gọi là hỷ.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ LẠC[13]?

Chi là sự sảng khoái thuộc về tâm... (trùng)... sự cảm giác sảng khoái dễ chịu sanh từ tâm xúc. Ðây gọi là lạc.

Lạc này câu hành, câu sanh, hòa hợp, tương ưng với hỷ này; do đó được gọi là hỷ lạc.

[665] RẰNG "NHỊ[14]" tức là hạng thứ hai do đếm tuần tự, chứng bậc thứ hai này nên gọi là nhị (thiền).

[666] RẰNG "THIỀN[15]" tức là sự thanh tịnh, hỷ lạc, nhất hành tâm.

[667] RẰNG "CHỨNG[16]" Là sự đắc thành, viên đắc, chứng đạt, thành đạt, đắc chứng, tác chứng, thành tựu nhị thiền.

[668] RẰNG "TRÚ", tức là cử động... (trùng)... trú ngụ; do đó gọi là trú.

[669] RẰNG "LY HỶ[17]"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HỶ?

Chi là sự mừng vui, sự no vui, sự hân hoan, sự hỷ duyệt, sự hài lòng, sự vui vẽ, sự phấn khởi, sự thích thú, sự hoan hỷ của tâm. Ðây gọi là hỷ.

Hỷ này được yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt. Do đó được gọi là "ly hỷ".

[670] RẰNG "XẢ[18] (trú)"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ XẢ?

Chi là sự lơ là, sự dững dưng, sự thờ ơ, sự quân bình của tâm. Ðây gọi là xả.

Bậc dự nhập... (trùng)... thành đạt với xả này. Do đó được gọi là "xả (trú)".

[671] RẰNG "TRÚ", tức là cử động... (trùng)... trú ngụ, do đó được gọi là trú.

[672] RẰNG "VỊ ỨC NIỆM TỈNH GIÁC"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ ỨC NIỆM?

Chi là sự ức niệm, tùy niệm... (trùng)... chánh niệm. Ðây gọi là niệm.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ TỈNH GIÁC?

Chi là sự hiểu rõ, biết rõ... (trùng)... vô si, trạch pháp, chánh kiến. Ðây gọi là tỉnh giác.

Như thế, bậc dự nhập... (trùng)... thành đạt với ức niệm này và tỉnh giác này. Do đó được gọi là "vị ức niện tỉnh giác".

[673] RẰNG "THÂN CẢM THỌ LẠC"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ LẠC?

Chi là sự sảng khoái thuộc về tâm, sự dễ chịu thuộc về tâm, trạng thái cảm thọ sảng khoái dễ chịu sanh từ tâm xúc, sự cảm giác sảng khoái dễ chịu sanh từ tâm xúc. Ðây gọi là lạc.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ THÂN?

Tức tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Ðây gọi là thân.

Cảm thọ lạc này bằng thân. Do đó được gọi là "thân cảm thọ lạc".

[674] RẰNG "MỘT TRẠNG THÁI MÀ CÁC BẬC THÁNH GỌI"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ CÁC BẬC THÁNH?

Chư Phật và chư đệ tử Phật được gọi là các bậc Thánh; chư vị ấy trình bày, thuyết giảng, giải thích, xác minh, khai thị, phân tích, bày tỏ, tuyên thuyết điều này. Do đó được nói rằng "một trạng thái mà các bậc Thánh gọi".

[675] RẰNG "XẢ NIỆM LẠC TRÚ"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ XẢ?

Chi là sự lơ là, sự dững dưng, sự thờ ơ, sự quân bình của tâm. Ðây gọi là xả.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ NIỆM?

Chi là sự ức niệm, tùy niệm... (trùng)... chánh niệm. Ðây gọi là niệm.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ LẠC?

Chi là sự sảng khoái thuộc về tâm, sự dễ chịu thuộc về tâm, trạng thái cảm thọ sảng khoái dễ chịu từ tâm xúc, sự cảm giác sảng khoái dễ chịu sanh từ tâm xúc. Ðây gọi là lạc.

Như thế, vị thành tựu với xả này, niệm này và lạc này rồi cử động, xử sự, trông nom, duy trì, sinh sống, hành động, trú ngụ, do đó được nói rằng "xả niệm lạc trú".

[676] RẰNG "TAM" tức là hạng thứ ba do đếm tuần tự; chứng bậc thứ ba này nên gọi là tam (thiền).

[677] RẰNG "THIỀN", tức là xả, niệm, tỉnh giác, lạc, nhất hành tâm.

[678] RẰNG "CHỨNG". Là sự mà đắc thành, viên đắc, chứng đạt, thành đạt, đắc chứng, tác chứng, thành tựu tam thiền.

[679] RẰNG "TRÚ", tức là cử động... (trùng)... trú ngụ. Do đó được gọi là trú.

[680] RẰNG "ÐOẠN TRỪ LẠC ÐOẠN TRỪ KHỔ"

Có lạc, có khổ.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ LẠC?

Chi là sự sảng khoái thuộc về thân, sự dễ chịu thuộc về thân, trạng thái cảm thọ sảng khoái dễ chịu sanh từ thân xúc, sự cảm giác sảng khoái dễ chịu sanh từ thân xúc. Ðây gọi là lạc.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO GỌI LÀ KHỔ ?

Chi là sự bất an thuộc về thân, sự đau đớn thuộc về thân, trạng thái cảm thọ bất an đau đớn sanh từ thân xúc, sự cảm giác bất an đau đớn sanh từ thân xúc. Ðây gọi là khổ.

Như thế lạc này và khổ này được yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt. Do đó, được nói rằng: "đoạn trừ lạc đoạn trừ khổ".

[681] RẰNG "DIỆT HỶ ƯU ÐÃ CÓ TỪ TRƯỚC"

Có hỷ, có ưu.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HỶ?

Chi là sự sảng khoái thuộc về tâm, sự dễ chịu thuộc về tâm, trạng thái cảm thọ sảng khoái dễ chịu thuộc về tâm, sự cảm giác sảng khoái dễ chịu thuộc vềø tâm. Ðây gọi là hỷ.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ ƯU?

Chi là sự bất an thuộc về tâm, sự khó chịu thuộc về tâm, trạng thái cảm thọ bất an khó chịu sanh từ tâm xúc, sự cảm giác bất an khó chịu sanh từ tâm xúc. Ðây gọi là ưu.

Như thế hỷ này và ưu này có từ trước đã được yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt, do đó được nói rằng "diệt hỷ ưu đã có từ trước".

[682] RẰNG "PHI KHỔ PHI LẠC", tức là sự không vui không buồn thuộc về tâm, trang thái cảm thọ không khổ không lạc sanh từ tâm xúc, sự cảm giác không khổ không lạc sanh từ tâm xúc. Do đó được nói là "phi khổ phi lạc".

[683] RẰNG "XẢ NIỆM THANH TỊNH"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ XẢ?

Chi là sự lơ là, sự dững dưng, sự thờ ơ, sư quân bình của tâm. Ðây gọi là xả.

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ NIỆM?

Chi là sự ức niện, tùy niệm... (trùng)... chánh niệm. Ðây gọi là niệm.

Niệm này được mở mang thanh tịnh tinh khiết do xả này. Do đó được nói rằng: "xả niệm thanh tịnh".

[684] RẰNG "TỨ", tức là hạng thứ tư do đếm tuần tự; chứng bậc thứ tư này nên gọi là tứ (thiền).

[685] RẰNG "THIỀN", tức là xả, niệm, nhất hành tâm.

[686] RẰNG "CHỨNG", là sự mà đắc thành, viên đắc, chứng đạt, thành đạt, đắc chứng, tác chứng, thành tựu tứ thiền.

[687] RẰNG "TRÚ" tức là cử động... (trùng)... trú ngụ. Do đó được gọi là TRÚ.

[688] RẰNG "VƯỢT QUA MỌI SẮC TƯỞNG"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ SẮC TƯỞNG?

Chi là sự tưởng nhận, tưởng tri, trạng thái tưởng tri của bậc nhập thiền sắc giới hoặc của bậc sanh (cõi sắc) hoặc của bậc hiện tại lạc trú. Ðây gọi là sắc tưởng.

Ðã vượt qua, vượt khỏi, thoát khỏi các sắc tưởng này, do đó được nói rằng "vượt qua mọi sắc tưởng".

[689] RẰNG "DẬP TẮT CÁC ÐỐI NGẠI TƯỞNG"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ ÐỐI NGẠI TƯỞNG?

Tức là sắc tưởng, thinh tưởng, khí tưởng, vị tưởng, xúc tưởng. Ðây gọi là các đối ngại tưởng.

Các đối ngại tưởng này đã đuợc yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt; do đó được nói rằng "dập tắt các đối ngại tưởng".

[690] RẰNG "KHÔNG TÁC Ý CÁC DỊ BIỆT TƯỞNG"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ CÁC DỊ BIỆT TƯỞNG?

Chi là sự tưởng nhận, tưởng tri, trạng thái tưởng tri của người không nhập thiền, có ý giới hoặc có ý thức giới. Ðây gọi là các dị biệt tưởng.

Vị chẳng tác ý đến các dị biệt tưởng này. Do đó được nói rằng "không tác ý dị biệt tưởng".

[691] RẰNG "HƯ KHÔNG LÀ VÔ BIÊN"

Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HƯ KHÔNG?

Chi là khoảng trống, hiện tượng khoảng trống, trống rỗng, hiện tượng trống rỗng, kẽ hở, hiện tượng kẽ hở, không xúc chạm với bốn đại hiển. Ðây gọi là hư không.

Vị để tâm, an lập, biến mãn không cùng trong hư không ấy, do đó được gọi là "hư không vô biên".

[692] RẰNG "KHÔNG VÔ BIÊN XỨ"

Tức là các pháp tâm và sở hữu tâm của bậc nhập thiền, hay bậc sanh khởi hoặc bậc hiện tại lạc trú thiền không vô biên xứ.

[693] RẰNG "CHỨNG" tức là sự mà đắc thành, viên đắc, chứng đạt, thành đạt, đắc chứng, tác chứng, thành tựu thiền không vô biên xứ.

[694] RẰNG "TRÚ" tức là cử động... (trùng)... trú ngụ do đó được gọi là trú.

[695] RẰNG "VƯỢT QUA MỌI KHÔNG VÔ BIÊN XỨ" tức là vượt qua, vượt khỏi, thoát khỏi không vô biên xứ này; do đó được nói rằng: "vượt qua mọi không vô biên xứ".

[696] RẰNG "THỨC VÔ BIÊN" là tác ý đến hư không ấy vẫn còn bị thức ngộ nhận, mới biến mãn không cùng; do đó được nói rằng "thức là vô biên".

[697] RẰNG "THỨC LÀ VÔ BIÊN XỨ" là các pháp tâm và sở hữu tâm của các bậc nhập thiền thức vô biên xứ, hoặc của bậc sanh (cỏi thức vô biên xứ), hay của bậc hiện tại lạc trú.

[698] RẰNG "CHỨNG" là sự mà đắc thành, viên đắc, chứng đạt, thành đạt, đắc chứng, tác chứng, thành tựu thiền thức vô biên xứ.

[699] RẰNG "TRÚ", tức là cử động... (trùng)... trú ngụ, do đó được gọi là trú.

[700] RẰNG "VƯỢT KHỎI MỌI THỨC VÔ BIÊN XỨ", tức là vượt qua, vượt khỏi, thoát khỏi thức vô biên xứ này, do đó được nói rằng "vượt qua mọi thức vô biên xứ".

[701] RẰNG "KHÔNG CÓ CHI CẢ" là quán thấy rằng chính cái thức ấy không còn, không hiện hữu, tiêu mất, chẳng có gì cả; do đó được nói rằng "không có chi cả".

[702] RẰNG "VÔ SỞ HỮU XỨ" tức là các pháp tâm vô sở hữu tâm tức là các pháp và sở hữu tâm của bậc nhập thiền vô sở hữu xứ, hoặc của bậc sanh (cỏi vô sở hữu xứ); hoặc của bậc hiện tại lạc trú.

[703] RẰNG "CHỨNG" tức là sự mà đắc thành, viên đắc, chứng đạt, thành đạt, đắc chứng, tác chứng, thành tựu thiền vô sở hữu xứ.

[704] RẰNG "TRÚ", tức là cử động... (trùng)... trú ngụ, do đó được gọi là trú.

[705] RẰNG "VƯỢT QUA MỌI VÔ SỞ HỮU XỨ", tức là vượt qua, vượt khỏi, thoát khỏi vô sở hữu xứ này, do đó được nói rằng "vượt qua mọi vô sở hữu xứ".

[706] RẰNG "PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG", tức là tác ý đến vô sở hửu xứ ấy vẫn còn tỉnh lặng, mới tu tập thiền nhập hữu dư hành, do đó được nói rằng "phi tưởng phi phi tưởng".

[707] RẰNG "PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ" tức là pháp tâm và sở hữu tâm của bậc nhập thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc của bậc sanh (cỏi phi tưởng phi phi tưởng xứ), hoặc của bậc hiện tại lạc trú.

[708] RẰNG "CHỨNG", là sự mà đắc thành, viên đắc, chứng đạt, thành đạt, đắc chứng, tác chứng, thành tựu thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ.

[709] RẰNG "TRÚ", tức là cử động, xử sự, trông nom, duy trì, sinh sống, hành động, trú ngụ. Do đó được gọi là trú.

DỨT PHẦN PHÂN THEO KINH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét