Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Bí mật của hơi thở

 

BÍ MẬT CỦA HƠI THỞ

Bhante Henepola Gunaratana

Tôi sẽ trình bày về một sự việc rất đơn giản và thực tế, và tuy vậy rất ít người quan tâm đến nó. Tôi muốn nói về sự bí mật của hơi thở, về sự thật ẩn mình trong hơi thở. Mặc dù chúng ta thở suốt cả đời mình, chẳng mấy ai trong số chúng ta quan tâm nhiều đến hơi thở, để có thể khám phá sự thật mà hơi thở có thể hiển lộ ra.

Chúng ta thường nói đến sự quan trọng của việc chú tâm đến hơi thở trong thiền tập. Nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ hiểu được điều gì? Đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy rằng hơi thở luôn đến và đi. Kế tiếp, chúng ta có thể nhận thấy rằng đôi khi hơi thở thay đổi, chẳng hạn như ngắn, dài, nông, hoặc sâu. Trừ những điều đó ra, ít ai trong số chúng ta đi sâu vào sự hiểu biết hay quan sát hơi thở một cách chi tiết. Tối nay tôi muốn có một cái nhìn sâu hơn để lưu ý một vài điều mà có thể trước đây chúng ta đã bỏ qua, không quan tâm tới. Chúng ta có thể đã quán chiếu những khía cạnh sâu hơn của hơi thở, nhưng chúng ta không thấy được những điều này do chúng ta đã không chú ý đến chúng. Đức Phật dạy, “ Tất cả mọi hiện tượng chỉ hiện hữu với chúng ta chỉ khi ta quan tâm, lưu ý đến chúng… Chú ý sẽ làm hiển lộ những bí ẩn chưa được phơi bày”.

Sự thật trọn vẹn

Tôi tin rằng chúng ta có thể tìm thấy sự thật trọn vẹn của khổ trong hơi thở. Cho dẫu các bạn không thực tập gì khác, quan sát hơi thở tự thân nó cũng đủ làm cho các bạn nhận rõ được bản chất của khổ. Các bạn có thể hỏi: “Làm sao được? Làm sao có thể thấy được khổ chỉ qua một việc đơn giản và tự động như thở được chứ?”

Chúng ta hãy nhìn sâu hơn. Để bắt đầu, tôi muốn các bạn ngừng thở trong 10 phút! Tôi nghĩ rằng không một ai có thể làm được điều đó. Tôi muốn lưu ý các bạn, chúng ta hãy cùng xem xét tiến trình thở một cách chi tiết hơn.

Khi các bạn thở vào và thở ra, đơn giản chỉ cần chú tâm hoàn toàn vào hơi thở. Các bạn có nhận thấy rằng khi thở vào các bạn đang kinh nghiệm một sự thỏa mãn - một sự thỏa mãn rất vi tế chăng? Việc gì đang xảy ra? Nếu phổi không có không khí, chúng ta sẽ trở nên bồn chồn, lo lắng. Thông điệp bồn chồn, lo lắng này sẽ đi đến não. Các dây thần kinh đối giao cảm ngay lập tức gửi thông điệp đến phổi yêu cầu chúng kéo không khí vào càng sớm càng tốt.

Nhưng tại sao sự bồn chồn, lo lắng này lại xuất hiện? Bởi vì chúng ta có một khát khao mạnh mẽ được sống. Sự khát khao đó không nằm tại một chỗ nào đó cố định trong não hoặc trong thân thể của chúng ta, mà nó lan tỏa và thấm vào toàn thân và tâm của chúng ta. Mọi tế bào trong cơ thể chúng ta đều sở hữu sự khao khát này. Mọi tế bào đều khao khát được sống, và chúng hợp tác với nhau để gửi thông điệp này đến phổi và não, bởi vì mọi tế bào đều cần đến dưỡng khí. Khi dưỡng khí không còn có sẵn, các tế bào trở nên bị quấy động. Sự quấy động này được truyền đến não và sau đó đến phổi: Hãy thở đi!

Vì vậy các bạn có thể thấy rằng sự khao khát này đã được xây dựng bên trong tự thân của chúng ta. Ngay vào thời điểm vừa được sinh ra, chúng ta đã có sự khao khát này. Khi chúng ta nhìn một đứa trẻ sơ sinh, có thể chúng ta thường hay nói, “Nhìn đứa bé dễ thương này. Thật ngây thơ làm sao!” Mặc dù chúng quả là ngây thơ, song trong chúng cũng đã có rất nhiều tham ái. Chúng không thể diễn tả sự tham ái này bằng lời, nhưng tiếng khóc của chúng làm được việc này, và lôi kéo sự chú ý của mọi người. Mặc dù đứa bé sơ sinh không có kế hoạch để tham, nhưng khi nó cảm thấy có một nhu cầu nào đó, đói chẳng hạn, ham muốn sinh khởi. Ngay cả trong những đứa bé sơ sinh nhỏ xíu, cơ thể của chúng có hàng tỷ tỷ tế bào, và tất cả những tế bào này đều muốn được cho ăn. Chúng ta được sinh ra với sự khao khát này, với sự ham muốn này. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy,” Hiện hữu là khổ. Sinh ra là khổ”.

Vì vậy ngay cả việc thở của chúng ta có thể thấy là nó bị lệ thuộc vào sự ham muốn được sống và bị lòng tham muốn này dẫn dắt– hết sức vi tế. Vì vậy khi chúng ta thở vào, chúng ta đáp ứng được sự khát khao vi tế này. Nó hầu như là một sự khát khao từ trong vô thức. Trái lại, nếu các bạn không thở, có thể chỉ trong hai phút thôi, các bạn sẽ thấy bối rối, lo lắng và ngay cả sợ nữa. Rồi sau đó bạn sẽ cảm thấy lo lắng, một sự lo lắng có ý thức. Sự lo âu này – cho dẫu là vô thức hay có ý thức đều là dukkha. Nó là khổ.

Cái khổ vi tế

Khổ có nhiều mức độ khác nhau. Sự lo lắng một cách vô thức về việc thở là một mức độ hết sức vi tế của khổ. Chúng ta không luôn luôn kinh nghiệm những nỗi khổ lớn, chẳng hạn như đau ốm, bệnh tật, để có thể hiểu nó. Nhưng mỗi chúng ta có thể kinh nghiệm sư lo âu vi tế liên quan đến việc thở của chúng ta. Khi chúng ta thở vào, sự lo âu đó biến mất. Sau đó chúng ta sẽ kinh nghiệm một sự thỏa mãn và thoải mái trong một chừng mực nào đó, cùng với cảm giác an toàn và ngay cả một lượng hạnh phúc nào đó đi kèm theo. Không phải một lượng lớn hạnh phúc, nhưng chúng ta cảm thấy một có một chút thỏa mãn, tỷ lệ với mức độ lo âu vi tế mà chúng ta đã cảm nhận một cách vô thức, trước khi thở vào.

Sau đó, sau khi chúng ta đã thở vào trong chánh niệm, chúng ta thấy rằng, khi phổi đã đầy dưỡng khí, điều này đã tạo cho chúng ta sự thỏa mãn, bây giờ lại đem đến sự không thỏa mãn cho chúng ta. Tại sao vậy nhỉ? Khi phổi đã đầy không khí, chúng ta không thể nín thở lâu , ngay cả chỉ trong một phút, tối đa là hai phút. Khi chúng ta nín thở, chúng ta cảm thấy một áp lực khó chịu trong phổi của chúng ta.

Chuyện gì xảy ra bên trong? Khi không khí đi vào trong phổi của chúng ta, các tế bào máu hấp thụ oxy. Chúng đi khắp hệ thống cơ thể để đổi khí cacbonic lấy oxy. Bây giờ khí cacbonic lại đầy trong phổi của chúng ta và chúng ta cần không khí trong lành. Phổi của chúng ta không thể giữ thứ khí bây giờ hóa ra đã trở nên cũ này lâu, nó gửi một thông điệp tới não và não phát ra một thông điệp tương ứng” Đẩy nó ra! Đẩy nó ra”

Vì vậy, cùng một hơi thở đã từng đem lại cho chúng ta niềm vui sướng, chỉ trong khoảnh khắc kế tiếp nó lại đem đến cho chúng ta một áp lực khó chịu. Đó cũng là khổ. Đó là sự bất toại nguyện. Khi chúng ta thở, chúng ta có được sự toại nguyện. Nhưng hơi thở đó tự thân nó rồi cũng trở nên cũ và vì vậy nó phải chết. Mỗi khoảnh khắc của mọi sự hiện hữu đem lại một khoảnh khắc mới, khiến cho cái khoảnh khắc trước trở nên cũ và suy tàn. Việc này xảy ra cho cơ thể của chúng ta, cho các tế bào của chúng ta, và ngay cả cho hơi thở của chúng ta. Vì vậy, chúng ta kinh nghiệm sự thỏa mãn rồi lại không thỏa mãn khi chúng ta thở vào và thở ra, bởi vì chúng ta có tham ái. Cội rễ của sự ham muốn này không nằm ở trong não của chúng ta, nhưng trong mỗi tế bào của cơ thể chúng ta. Chính ham muốn đó khiến chúng ta đưa không khí vào, chính ham muốn đó buộc chúng ta phải đẩy không khí ra. Chính ham muốn đó làm cho chúng ta sung sướng; chính ham muốn đó làm cho chúng ta buồn. Vì vậy ngay chính trong ham muốn tự thân nó cũng có một khoảnh khắc của buồn bã và sung sướng.


Cái chết với từng hơi thở

Khi chúng ta chú tâm đến hơi thở một cách chánh niệm, chúng ta sẽ khám phá ra một số sự thật. Sự thật thứ nhất là chúng ta luôn có tham ái. Sự thật thứ hai là luôn có sự bất toại nguyện. Và còn một sự thật khác nữa mà chúng ta gọi là sự hóa già. Cái tên khác của nó là anicca, vô thường. Do vô thường, những cảm giác sung sướng hoặc buồn bã sinh khởi. Chính vì vô thường mà chúng ta có sự khao khát thở vào và thở ra. Đầu tiên, chúng ta thở vào, và vì hơi thở là vô thường nên chúng ta phải thở lại. Bản chất của vô thường là buộc thứ gì đó phải lập lại. Khi một cái gì sinh khởi, nó không tồn tại lâu dài, nó hoại diệt và chúng ta phải lập lại nó mãi hoài.

Khi chúng ta quan sát hơi thở một cách chánh niệm, chúng ta rồi sẽ hiểu ra rằng không có thứ gì trong đời mà ta chỉ làm một lần. Vô thường khiến cho mọi vật lập đi lập lại bất tận. Nhưng các bạn có thể đặt câu hỏi: ” Vậy còn sanh thì sao? Chết thì sao?”. Sự thật là sanh ra không xảy ra cho chúng ta chỉ một lần. Chết cũng không xảy ra chỉ một lần. Chúng ta có thể nhận thấy điều này ngay cả khi chúng ta quan sát chúng ta đang thở. Sanh xảy ra mỗi khi chúng ta thở vào. Chết xảy ra mỗi khi chúng ta thở ra.

Chúng ta có thể kinh nghiệm ba loại chết. Cái chết đầu tiên được gọi là “ chết trong từng khoảnh khắc”. Loại chết này xảy ra cho hơi thở. Chết trong từng khoảnh khắc cũng xảy ra cho các tế bào ở trong cơ thể của chúng ta. Mỗi tế bào kinh qua cái chết trong từng khoảnh khắc và sinh ra trong từng khoảnh khắc.

Loại chết thứ hai là cái chết thông thường. Hiểu được bí mật về sự thật của việc chúng ta thở và kinh nghiệm cái chết trong từng khoảnh khắc của hơi thở giúp chúng ta đối mặt với cái chết thông thường. Khi chúng ta nhìn một cái gì đó thật sâu sắc (trong trường hợp này là hơi thở), chúng ta nhận thấy rằng mọi khoảnh khắc nó đang thay đổi. Chẳng có gì ở đó để cho chúng ta phải bám níu. Mọi sự đang thay đổi. Khi chúng ta thấy được sự thật này, chúng ta sẽ hiểu được rằng cái chết thông thường cũng chẳng có gì khác các chết trong từng khoảnh khắc tạm thời này. Khi chúng ta thở vào, chúng ta thực sự không biết chúng ta có chết vào khoảnh khắc đó không. Tương tự, khi chúng ta thở ra, chúng ta có thể không thở vào lại được nữa. Cái chết trong từng khoảnh khắc là hết sức tự nhiên, quá thực, quá nhanh – nó đang xảy ra cho chúng ta trong mọi lúc. Nếu chúng ta quan tâm đến điều này, và chúng ta hiểu được sự thực về nó, khi cái chết thông thường đến gần, chúng ta sẽ không còn sợ hãi.

Cái chết thông thường chỉ đơn giản là sự đi theo một cái chết thông thường khác. Dĩ nhiên, mục tiêu tối thượng của chúng ta là sẽ không bao giờ tái sanh. Thay vào đó, chúng ta tìm đến một cái chết vĩnh viễn, một loại chết thứ ba. Cuối cùng thì chúng ta tìm con đường để đưa sự lập đi lập lại của cái chết trong từng khoảnh khắc và cái chết thông thường đến sự kết thúc. Lòng khao khát, tham ái, và ham muốn phải chấm dứt. Cho đến khi nào mà chúng ta vẫn còn cảm thấy ham muốn, cho dẫu chúng ta làm một việc gì đó thiện hay bất thiện, sự bất toại nguyện và khổ sẽ xuất hiện và cái chết trong từng khoảnh khắc lại tái xuất hiện.

Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng trong tiến trình thở có những bài học để chúng ta có thể học hỏi. Có hai điểm chính tôi muốn nhấn mạnh là có sự ham muốn và vì vậy có khổ gây ra bởi sự ham muốn này.

Chấm dứt khổ

Chúng ta có thể thấy sự chấm dứt khổ, và sự chấm dứt nguyên nhân của khổ qua tiến trình thở. Chúng ta thấy nó khi chúng ta quan sát một cách chánh niệm sự sinh khởi của sự ham muốn được thở vào – và chúng ta chỉ việc để cho hơi thở tự nhiên đi vào mà không có sự ham muốn. Đôi lúc, người ta nghĩ rằng họ không thể tránh được sự ham muốn, họ nói rằng: “Nhưng tôi phải thở sâu. Tôi phải kiểm soát hơi thở của tôi. Đó là một sự ham muốn tự nhiên”. Điều đó không thật. Khi chúng ta đơn thuần chỉ để cho hơi thở đi vào và đi ra, chúng ta có thể quan sát nó với sự không dính mắc, không ham muốn, không khao khát một điều gì. Khi chúng ta đơn thuần quan sát hơi thở ra vào một cách tự nhiên, chúng ta có thể kinh nghiệm một sự thỏa mãn, toại nguyện lâu dài.

Không có ham muốn là sự an vui thực sự. Không khao khát điều gì, ngay cả điều nhỏ nhặt nhất, là kinh nghiệm được sự an vui. An vui thật sự là sự chấm dứt tất cả sankharas (hành uẩn – những cái tồn tại phụ thuộc vào những cái khác). Hơi thở tự thân nó là một hành uẩn. Việc ngưng lại của hành uẩn này (không nắm giữ nữa) là sự an vui. Tất cả tham ái đều được từ bỏ. Khi chúng ta thở vào và ra, nếu chúng ta cảm thấy một sự ham muốn, khao khát, chúng ta từ bỏ nó.

Bên dưới bề mặt nổi của một cảm thọ dễ chịu là xu hướng tham ái. Bên dưới bề mặt một nổi của cảm thọ khó chịu là xu hướng của sự xua đuổi, chán ghét hay sân hận. Bên dưới bề mặt nổi của một cảm thọ trung tính là xu hướng lẫn lộn. Dĩ nhiên, không phải tất cả những cảm thọ dễ chịu đều có xu hướng tham ái bên dưới, không phải tất cả những cảm giác khó chịu đều có xu hướng sân hận bên dưới, không phải tất cả những cảm giác trung tính đều có xu hướng lẫn lộn bên dưới.

Làm sao để chúng ta có được một cảm thọ dễ chịu mà không có sự dính mắc với tham ái? Khi tham ái sanh khởi nhưng sự nắm giữ không còn, sự an vui sẽ xuất hiện. Cảm giác an vui là một cảm thọ dễ chịu. Trong cái cảm giác an vui đó, không có xu hướng tham ái bên dưới. Đây được gọi là hạnh phúc không có ham muốn hay tham ái. Nó là một sự hạnh phúc về mặt tâm linh.

Tương tự, chúng ta cũng có thể có những cảm thọ khó chịu về mặt tâm linh, không có xu hướng sự sân hận bên dưới. Thí dụ, khi chúng ta tập trung tâm ý vào hơi thở, chúng ta thấy sự vô thường, ham muốn có sinh khởi nhưng chúng ta buông bỏ tham ái của chúng ta v.v… Chúng ta ngồi thiền lâu hơn, tuy vậy chúng ta vẫn không đạt được sự an vui mà ta mong đợi. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể thấy có những cảm thọ khó chịu sinh khởi do không đạt được sự an vui mong đợi, nhưng không có sự sân hận. Hành giả hiểu rằng “Thay vì buồn bực và thất vọng, tôi phải cố gắng hơn, tinh tấn hơn”. Kinh nghiệm này có thể là một sự khích lệ để hành giả thực tập chăm chỉ hơn thay vì buồn bực. Đó là lý do tại sao đây được gọi là một cảm thọ khó chịu nhưng không có xu hướng sân hận nằm dưới. Đây là một cảm thọ khó chịu hữu ích thúc đẩy chúng ta tiến lên.

Cái nhìn ngắn gọn về Chánh kiến

Nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi sự thực tập này một cách siêng năng, chúng ta có thể kinh nghiệm trong giây lát việc chấm dứt tham ái, sân hận và si mê. Việc này đem lại cho ta một sự an vui lớn lao. Đó là sự chấm dứt đau khổ trong khoảnh khắc. Tạm thời, chúng ta kinh nghiệm được sự hỷ lạc của Níp-bàn, chỉ trong một phần nhỏ của một giây – hé lộ cho ta thấy hương vị của Níp-bàn là như thế nào. Từng khoảnh khắc mà chúng ta từ bỏ ham muốn, tham ái của chúng ta – sự khao khát đối với hơi thở, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự hỷ lạc trong từng khoảnh khắc của Níp-bàn. Chúng ta có thể thấy rằng chỉ bằng cách đơn thuần tập trung tâm ý vào hơi thở, chúng ta đang đi trên con đường đạt tới Níp-bàn.

Việc thực tập này bao gồm trọn vẹn con đường Bát Chánh đưa tới sự giải thoát. Làm sao điều này có thể thành tựu được? Tôi sẽ không trình bày đầy đủ về con đường Bát chánh lần này, nhưng chúng ta có thể nhìn nhanh vào mục số một của con đường này: Chánh kiến. Khi chúng ta hiểu toàn bộ tiến trình của hơi thở chính xác như nó thực là, chúng ta đang phát triển Chánh kiến. Có nghĩa là chúng ta hiểu cái gì được gọi là khổ qua cái mô hình bé tí tẹo của tiến trình thở của chúng ta. Nguyên nhân của khổ là chút xíu tham ái mà chúng ta có. Và sự chấm dứt khổ chính là chút xíu an vui mà chúng ta kinh nghiệm được khi chúng ta từ bỏ tham ái. Sự hiểu biết đó, sự thấu hiểu vào bản chất của tiến trình thở đó, chính là chánh kiến. Chúng ta có thể thấy được điều này trong chính tự thân của hơi thở. Đơn thuần chỉ chánh niệm khi chúng ta đang thở, chúng ta có thể có được một sự hiểu biết về nó.

Khi đi trên con đường Bát Chánh, bạn không phải luôn luôn thực tập từng bước theo trật tự mà chúng được liệt kê ra. Các bạn thực tập từng bước một khi cần thiết. Thí dụ: Chúng ta có khuynh hướng sắp xếp ngăn nắp dụng cụ làm bếp. Muỗng để đong được đặt vào vị trí của nó, vá (môi) múc canh được đặt vào chỗ của nó, son nồi cũng được đặt vào một nơi dành riêng cho chúng. Chúng ta sắp xếp mọi thứ rất gọn gàng, thậm chí rất đẹp. Nhưng khi chúng ta bắt đầu nấu, chúng ta không nhất thiết dùng các dụng cụ theo đúng trật tự mà chúng ta đã sắp xếp. Chúng ta vớ lấy bất cứ thứ gì mà chúng ta cần và sử dụng nó.

Tương tự, đối với Bát Chánh Đạo, Đức Phật đã sắp xếp những dụng cụ về mặt tâm linh của nó theo một trật tự rất đẹp. Từng bước một, Ngài giải thích Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ v.v… Nhưng chúng ta có thể thực tập chúng theo một trật tự khác tùy thời tùy lúc và tùy theo nhu cầu. Sau đây là một thí dụ khác về con đường lớn hơn đang nằm trong công việc đơn giản theo dõi tiến trình thở. Khi chúng ta đi theo con đường, chúng ta có thể bắt đầu với Chánh kiến (bước được liệt kê đầu tiên), nhưng chúng ta sẽ sử dụng bất kỳ yếu tố nào cần thiết vào khoảnh khắc đó. Thí dụ, khi tiến hành thực tập chánh niệm hơi thở, chúng ta có thể bắt đầu với Chánh Kiến, nhưng khi chúng ta thực tập, chúng ta trở nên lơ mơ buồn ngủ, như vậy chúng ta cần phải sử dụng đến Chánh tinh tấn. Rồi chúng ta có thể bị quấy động và vì vậy chúng ta phải lấy lại sự quân bình với Chánh định. Như vậy, chúng ta đưa vào sự thực tập bất cứ yếu tố nào của con đường Bát Chánh mà chúng ta thấy cần thiết.

Khi chúng ta tập trung tâm ý trên hơi thở, chú tâm một cách trọn vẹn, hoàn toàn, nhiều thứ sẽ tự chúng hiển lộ. Khi chúng ta tiến hành sự thực tập, sự hiểu biết và chánh niệm của chúng ta tiếp tục tăng trưởng, tiến triển và mở rộng. Đây là con đường tuyệt vời để có thể thấy được chân lý của sự hiện hữu.

Theo: The Secret of Breathing


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét