THỌ QUÁN NIỆM XỨ
Pháp môn niệm xứ chính là hành trình khám phá bản thân mỗi người. Danh sắc của mỗi người là cả một thế giới. Tất cả đau khổ đều bắt đầu từ nhận thức sai lầm của chúng ta đối với Danh Sắc và con đường giải thoát chính là hành trình giải thoát đúng đắn của Danh Sắc. Chúng ta phải hiểu rằng bản thân Danh Sắc là Khổ Đế, niềm đam mê trong Danh Sắc là Tập Đế. Do đam mê trong Danh Sắc hiện tại, ta mới tao ra Danh Sắc tương lai. Tu tập Đạo Đế, tức khả năng nhận thức Khổ Đế và Tập Đế sẽ giúp ta chấm dứt hai đế đó. Ngay bây giờ không có Tập Đế thì tương lai sẽ không có Khổ Đế. Hiểu được Khổ Đế hiện tại thì mới trừ được Khổ, Tập tương lai (và cả Tập Đế hiện tại). Nhờ vậy trong tương lai sẽ không có Khổ Đế. Để làm được điều này chỉ có pháp môn Tứ Niệm Xứ, một con đường hành trì đòi hỏi cùng lúc cả tám chi đạo. Nói vậy có nghĩa là tu tập Niệm Xứ chính là phát triển Đạo Đế để chấm dứt Tập Đế, kết thúc Khổ Đế bằng cách chứng ngộ Diệt Đế. Mà Niệm Xứ ở đây là Thọ Quán Niệm Xứ, sống chuyên tâm quan sát các thọ để thấy chúng do duyên mà có và có rồi phải bị mất, chính là hành trình Đạo Đế vậy.
...
Khoảng cách giữa pháp lạc và dục lạc luôn rất nhỏ. Sự ham thích trong các trần cảnh là tham ái đã đành mà ngay đến sự ham thích đối với phỉ lạc hay hỷ duyệt lúc đang tu tập lại là một hình thức tham ái khác. Nó tinh vi hơn và có một vỏ bọc rất chắc chắn nên nếu hành giả không đủ Niệm và Tuệ thì không thể nào biết được đó là tham ái. Nên cách tốt nhất để tránh không bị mắc bẩy là hành giả phải luôn tâm niệm rằng khổ ưu là điều kiện cho sân tâm, hỷ lạc là điều kiện cho tham ái. Tham hay sân đều là phiền não, hỷ lạc hay khổ ưu cũng đều vô thường. Chính nhờ tâm niệm này, hành giả không bị rơi vào cạm bẫy của phiền não như rất nhiều người vẫn thường bị: Thấy hỷ lạc tưởng Níp Bàn mà không hề biết đó là tham ái. Thấy phiền não mà không biết đó là phiền não để rồi cho cái không phải Níp bàn là Níp Bàn. Cạm bẫy này giăng đầy trên con đường tu tập của mỗi chúng ta từ Thiền Quán đến Thiền Chỉ, từ tầng thiền thấp nhất đến tầng thiền cao nhất.
Như vậy điểm cốt lõi của pháp môn Thọ Quán Niệm Xứ là luôn cảnh giác với từng cảm thọ: Thấy khổ ưu thì biết là khổ ưu, cái gì nó là vô thường thì biết rõ nó là vô thường, thọ trong phiền não thì biết rõ là thuộc phiền não. Đối với hỷ lạc cũng vậy. Cứ thế cho đến khi nào chứng quả La Hán thì mới thôi.
Trích Kinh Nghiệm Tuệ Quán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét