Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

6. Kinh nghiệm Tuệ Quán (Phần: Pháp thoại của Đại Đức KAVI)

 


KINH NGHIỆM TUỆ QUÁN - PHÁP THOẠI CỦA ĐẠI ĐỨC KAVI

...

Khi thân ta tiếp xúc với trần cảnh, chỉ việc tỉnh thức để ghi nhận sự tiếp xúc đó. Sự tỉnh thức đó chính là Niệm. Sống bằng Niệm trong mỗi Niệm Xứ thì cũng có nghĩa là cùng lúc tu tập cả bốn Niệm Xứ. Có điều là khi sống với Thân Quán Niệm Xứ, tức quan sát nội thân của mình thì khía cạnh Xúc được xem là nổi bật. Cũng từ sự tiếp xúc đó ta thấy ra được khía cạnh cảm giác thì lúc này được gọi là Thọ Quán Niệm Xứ rồi. Sự quan sát tâm trạng lúc thân tiếp xúc ngoại cảnh được gọi là Tâm Quán Niệm Xứ. Sự nhận diện một Giác Chi hay Triền Cái nào có mặt lúc đó thì được gọi là Pháp Quán Niệm Xứ. Thấy rõ sự có mặt của Triền Cái hay Giác Chi hoặc một thể tài nào khác trong Pháp Quán Niệm Xứ hay nhận ra sự vắng mặt của chúng  cũng đều là Pháp Quán Niệm Xứ như nhau: Sân triền cái đang có mặt, Hỷ Giác Chi đang vắng mặt, Định Giác Chi đang vắng mặt, Trạch Pháp Giác Chi đang có mặt, ... Như vậy tu một Niệm Xứ cũng là tu bốn Niệm Xứ, mỗi Niệm Xứ có tác dụng loại trừ một thứ vọng tưởng, như vậy trừ được một vọng tưởng này thì cũng là loại bỏ được những vọng tưởng khác.

Tu Thân Quán cũng là tu ba niệm xứ còn lại, thấy được tánh vô thường trong Danh Sắc cũng là thấy được các tướng còn lại. Khi thấy được bản chất như thật của Danh Sắc thì ta sẽ không tiếp tục làm người rỗng tuếch. Rỗng tuếch có nghĩa là đặt niềm tin vào những thứ không có thật: Thấy rằng tôi đẹp, sung sướng, tôi sở hữu cái này, tôi là người thực hiện việc kia. Chính Vô Minh mới khiến quý vị ra con người như vậy.

Gia đình và hôn nhân chỉ làm cho ta khổ mà thôi. Vậy mà ai cũng xem đó là chổ nương tựa trong đời mình. Tôi bây giờ chỉ nương tựa Tam Bảo. Tôi đã lìa bỏ cánh đồng đầy nước mắt của thế gian, không tiếp tục cày xới trên đó nữa. Chúng ta cày xới một đời để được gì: Có cái để ăn mặc rồi tiếp tục sống, sống để tiếp tục cày xới trên cánh đồng đầy nước mắt ấy. Bây giờ tôi mới hiểu ra rằng có cái này cái nọ không thể nào là hạnh phúc tuyệt đối được. Hạnh phúc tuyệt đối phải là không có cái gì hết. Tôi không tiếp tục sống như một người rỗng tuếch nữa: Mỗi phút đồng hồ của tôi bây giờ là sự an lạc cho tôi, và có thể là cho người khác nửa.


CUỘC GẶP GỠ VỚI SAYADAW GYOK PIN U TIKKA

Ngài Sayadaw hỏi sư Kavi về Thất Tịnh, sư nói chỉ muốn giải thích theo cách của người ít học.

- Trước hết hành giả lễ Phật, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh và phát nguyện cúng dường thân mạng cho Đức Phật trong suốt thời gian tọa thiền. Khi tâm đã bắt đầu tập trung được thì hành giả ngồi yên bất động, nhắm mắt, miệng khép để quan sát từng cảm giác xuất hiện khắp châu thân. Ngũ quan lúc này phải được kiểm soát chặt chẽ. Đây được gọi là Giới Tịnh.

- Chính tâm trạng dán chặt vào cảnh, không trôi nổi phóng dật được gọi là Tâm Tịnh.

- Khi có được Giới Tịnh và Tâm Tịnh thì khả năng quan sát quán chiếu của hành giả sẽ trở nên nhạy bén và chính xác hơn. Như một người thấy rõ đâu là viên đá lửa, đâu là bánh xe thép, đâu là miếng bùi nhùi và ngọn lửa được hình thành như thế nào thì ở đây với điều kiện tinh thần ổn định, hành giả có thể quan sát thân tâm của mình cái nào là Danh, cái nào là Sắc, cái nào là Nhân và cái nào là Quả. Hành giả cũng biết thêm cái gì cũng do duyên mà có và có rồi cũng bị mất. Chính nhận thức này được gọi là Kiến Tịnh.

- Người thành tựu Kiến Tịnh thì cũng là người thành tựu Đoạn Nghi Tịnh. Ở giai đoạn này, hành giả như trở thành một con người khác, với những thay đổi rất đặc biệt về thân (nhẹ nhàng như bay được, như có hào quang) hoặc về tâm (trí tuệ sắc bén hơn, đức tin mãnh liệt hơn, tinh tấn nhiều hơn ...)

- Hành giả đủ tỉnh táo để không đam mê dính mắc trong đó và tiếp tục đi tới trong công phu Tuệ Quán thì được gọi là trình độ Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh, khả năng phân biệt đúng sai.

- Ngay sau giai đoạn này, giai đoạn của 10 Tùy Phiền Não, hầu hết các hành giả điều phải trải qua một giai đoạn đau nhứt kinh khủng như để giũ sạch con người cũ để bắt đầu làm mới mọi thứ. Nếu hành giả tiếp tục giữ vũng Niệm và Tuệ để quân bình 5 Quyền, không buôn rơi cảnh Tuệ Quán thì được xem là đã tới được trình độ tiến hành Đạo Lộ Tri Kiến Tịnh.

- Nếu Ba La Mật đầy đủ thì ngay sau Tịnh này sẽ là Tri Kiến Tịnh, tức giai đoạn chứng đạo.


Trích Kinh Nghiệm Tuệ Quán







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét