Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

7. Kinh nghiệm Tuệ Quán (Phần: Cẩm nang về kinh nghiệm Tuệ Quán - Ngài Kavi) *****

 


Kinh nghiệm Tuệ Quán 

Cẩm nang về kinh nghiệm Tuệ Quán - Ngài Kavi

Muốn giải thoát sanh tử, hành giả nên trở về quan sát nội thân, cái mà trước đây là nguồn khổ cho tấm thân sanh tử hiện tại. Nội thân tức 6 Căn, là đề mục quan sát cho tất cả hành giả. Qua đó hành giả mới thấy được rõ ràng bản chất và hoạt động của Danh Sắc. Trong 6 Căn thì thân căn được xem là rõ ràng, dễ quan sát hơn cả. Thân Căn ở đây là các oai nghi lớn nhỏ, những cảm giác, cảm xúc được phát hiện trên toàn thân. Qua thân căn, ở đây giả định là hơi thở, hành giả thấy rõ hơi thở là Sắc, điểm chạm của hơi thở cũng là Sắc và tâm thân thức là Danh. Sự gặp gỡ giữa ba món Căn-Cảnh-Thức này được gọi là Xúc. Hành giả thấy rõ ràng Xúc là Duyên Khơi của Thọ. Chánh Niệm của hành giả phải đủ mạnh và bén để Thọ không là Duyên Khởi cho Ái và Thủ, không để mình rơi vào vọng tưởng tức chỉ biết cảnh trần qua Sanna (tưởng) thay vì Panna (sự hiểu biết của trí tuệ, kiến tánh), biết cảnh Tục Đế thay vì Chân Đế. Xin nhắc lại mọi sự phải kết thúc ở Vedana (thọ).

Như vậy ở đây ta có một kiểu Duyên Khởi mới là Thọ Duyên Trí (Vedana paccaya panna) thay vì Thọ duyên Ái tức Thọ duyên cho Ái Tưởng (Vedana paccaya sanna). Khi ta biết cảnh trần bằng tâm tham ái thì lúc đó ta chỉ biết qua Tưởng và qua tướng Chế Định (pannatti). Khi ta biết cảnh trần bằng trí thì ta biết chúng qua khía cạnh Chân Đế (paramattha). Lìa Tưởng để biết cảnh trần bằng Trí, Thọ của hành giả lúc này không còn là Duyên Khởi cho Ái và đây là cơ hội tốt nhất để hành giả thấy được tánh sanh duyệt của Danh Sắc, giai đoạn mà người ta thích gọi là Sanh Diệt Tuệ (udayabbayanana). Ở đây chỉ nói ngắn gọn là trí quán tánh sanh diệt qua thân căn (hoặc các căn khác) được kéo dài thì sẽ dẫn đến Hành Xả Tuệ (Sankharupekkhanana). Người hữu duyên thì đây chính là cửa ngõ để chứng đạo vì 4 sat-na Chuẩn Bị, Cận Hành, Thuận Thứ, Chuyển Tộc diễn ra rất nhanh và chúng làm nền tảng cho tâm Chuyển Tộc thấy ra Níp Bàn. Sát-na này là sát-na cuối cùng của một phàm phu.

Thọ duyên Ái Tưởng  ---> Biết qua Chế Định

Thọ duyên Trí ---> Biết qua Chân Đế.


BÀI PHÁP VỀ KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

Tất cả phàm phu đều đi tìm hạnh phúc bằng cách kiếm tìm và nắm giữ cái gì đó. Đó là động thái của Vô Minh. Vì ngay trong việc kiếm tìm và nắm giữ ta chỉ đầu tư vô cái khổ. Muốn thoát khổ thì phải buôn ra chớ không phải kéo vào. Người hiểu được sự thật về thế giới thì không còn muốn nắm giữ bất cứ thứ gì nửa dầu người hay vật. Do Vô Minh là sự không hiểu biết về bản chất cuộc đời nên người ta mới thích cái này cái nọ, thích toàn những thứ không đáng để thích. Đó là thám ái. Vô Minh và tham ái kết hợp nhau sẽ tạo ra tái sanh tức sự có mặt trên đời này trong một hình thức nào đó. Mà đã có mặt thì dứt khoát phải có khổ, mỗi cá nhân khổ theo một cách. Khi hiểu rõ bản chất của đời sống là gì thì ta không còn thích nửa. Chính Đức Phật sau khi thành đạo đã nhìn lại những gì đã qua trong suốt dòng luân hồi và ngài đã gọi tham ái là người thợ đã dựng lên ngôi nhà tái sanh mà chính ngài đã một thời sống đau khổ trong đó. Các vị phải hiểu rằng toàn bộ thế giới này chỉ nằm trọn trong ba thứ Tâm, Tâm Sở và Sắc Pháp. Các cảnh giới hiện hữu của muôn loài chúng sanh có hai cách hiểu nên cũng có hai tên gọi. Hiểu trên khía cạnh Chế Định hay Tục Đế thì ta gọi đây là cảnh giới hiện hữu hay thế giới không gian (okasaloka). Khi được phân tích qua ba khía cạnh Chân Đế như đã nói (Tâm, Tâm Sở và Sắc Pháp) thì tất cả thế giới vũ trụ nói chung được gọi là thế giới hữu vi hay thế giới pháp hành (sankharaloka). Do không hiểu như vậy (Vô Minh) nên ta mới đam mê (tham ái) trong ba pháp Chân Đế hữu vi từ góc nhìn Tục Đế. Công việc mà người câu giải thoát phải làm là quán chiếu Danh Sắc để thấy mọi thứ chỉ là Tâm, Tâm Sở và Sắc Pháp để không tiếp tục đam mê trong chúng, không tiếp tục tái sanh trong các cảnh giới hữu vi nữa. Có chuyện này ai cũng biết mà ít người nhớ, đó là khi hiểu biết quá rõ về một thứ gì đó  thì người ta khó mà đam mê điên cuồng vì nó. Trong đạo hay ngoài đời đều thế cả. Pháp môn Vipassana day ta đừng tiếp tục là trẻ con để đam mê những món đồ chơi rẻ tiền, đừng tiếp tục làm người mất trí để nhìn cuộc đời này theo cách mà những người tỉnh trí không thể chấp nhận. 

Nội dung cốt lõi của kinh Chuyển Pháp Luân theo nhận thức của mỗi người thì có thể có cả chục cách nói. Nhưng đối với cá nhân tôi thì điểm quan trọng nhất của kinh Chuyển Pháp Luân là nằm ở mấy câu này: Bóng tối diệt thì ánh sáng sanh, Vô Minh diệt thì Tuệ minh sanh, Do có bóng tối, do có Vô Minh nên ta không thấy được sự thật. Thấy được sự thật rồi thì ta được giải thoát. Vậy sự thật đó là gì?

     Đừng tìm chi cái thương, đừng tìm chi cái ghét.

     Thương phải xa là khổ, Ghét phải gần là khổ.

     Nói chung, Muốn không được là khổ, dầu muốn tránh hay muốn được.

Trong chánh kinh Chuyển Pháp Luân có nói đến nhiều thứ khổ nhưng tôi đặc biệt tâm đắc với ba cái khổ này vì chúng bao trùm tất cả nổi khổ trên đời.

Không biết rõ thế giới này chỉ gồm ba pháp Chân Đế hữu vi rồi đem lòng yêu mê chúng, xem chúng là ta, của ta, đó được gọi là Thân Kiến.

Chứng đạo là gì? Là thấy rằng thân ta và vô lượng vũ trụ chỉ là ba pháp hữu vi dựa trên luật nhân quả mà sanh diệt, đó là sự liễu tri Khổ Đế.

Thấy rằng sự đam mê trong ba pháp Tục Đế đó là nguồn cội cho ba pháp Tục Đế hữu vi về sau thì đó chính là sự liễu tri Tập Đế.

Thấy rằng sự vắng mặt của các đam mê chính là Níp Bàn thì đây chính là sự liễu tri Diệt Đế.

Và thấy rằng Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến Níp Bàn, đó chính là sự liễu tri Đạo Đế.

Bốn sự liễu tri này được gọi là pháp nhãn, là Tuệ Minh, là ánh sáng. Khi ánh sáng này xuất hiện lần đầu tiên, cái thấy của ta về Tứ Đế vẫn còn có chổ hạn chế nên phiền não cũng chỉ được loại bỏ một phần. Lần xuất hiện đầu tiên này của pháp nhãn được gọi là Sơ Đạo. Lần xuất hiện thứ hai của pháp nhãn sẽ giúp ta hiểu rõ hơn nữa về Tứ Đế, làm giảm nhẹ dục ái và sân, được gọi là trình độ Nhị đạo. Cũng bốn nhận thức này nhưng xuất hiện lần thứ ba để ta xác định được Tứ Đế rõ ràng hơn lần hai và chính sự rỏ ràng này giúp ta dứt hẳn năm hạ phần Kiết Sử (Thân Kiến, Hoài Nghi, Giới Cấm Thủ, Dục Ái, Sân). Pháp nhãn xuất hiện lần thứ tư, không một điểm nào trong Tứ Đế còn được che khuất, tất cả phiền não đều được đoạn tận.












Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

6. Kinh nghiệm Tuệ Quán (Phần: Pháp thoại của Đại Đức KAVI)

 


KINH NGHIỆM TUỆ QUÁN - PHÁP THOẠI CỦA ĐẠI ĐỨC KAVI

...

Khi thân ta tiếp xúc với trần cảnh, chỉ việc tỉnh thức để ghi nhận sự tiếp xúc đó. Sự tỉnh thức đó chính là Niệm. Sống bằng Niệm trong mỗi Niệm Xứ thì cũng có nghĩa là cùng lúc tu tập cả bốn Niệm Xứ. Có điều là khi sống với Thân Quán Niệm Xứ, tức quan sát nội thân của mình thì khía cạnh Xúc được xem là nổi bật. Cũng từ sự tiếp xúc đó ta thấy ra được khía cạnh cảm giác thì lúc này được gọi là Thọ Quán Niệm Xứ rồi. Sự quan sát tâm trạng lúc thân tiếp xúc ngoại cảnh được gọi là Tâm Quán Niệm Xứ. Sự nhận diện một Giác Chi hay Triền Cái nào có mặt lúc đó thì được gọi là Pháp Quán Niệm Xứ. Thấy rõ sự có mặt của Triền Cái hay Giác Chi hoặc một thể tài nào khác trong Pháp Quán Niệm Xứ hay nhận ra sự vắng mặt của chúng  cũng đều là Pháp Quán Niệm Xứ như nhau: Sân triền cái đang có mặt, Hỷ Giác Chi đang vắng mặt, Định Giác Chi đang vắng mặt, Trạch Pháp Giác Chi đang có mặt, ... Như vậy tu một Niệm Xứ cũng là tu bốn Niệm Xứ, mỗi Niệm Xứ có tác dụng loại trừ một thứ vọng tưởng, như vậy trừ được một vọng tưởng này thì cũng là loại bỏ được những vọng tưởng khác.

Tu Thân Quán cũng là tu ba niệm xứ còn lại, thấy được tánh vô thường trong Danh Sắc cũng là thấy được các tướng còn lại. Khi thấy được bản chất như thật của Danh Sắc thì ta sẽ không tiếp tục làm người rỗng tuếch. Rỗng tuếch có nghĩa là đặt niềm tin vào những thứ không có thật: Thấy rằng tôi đẹp, sung sướng, tôi sở hữu cái này, tôi là người thực hiện việc kia. Chính Vô Minh mới khiến quý vị ra con người như vậy.

Gia đình và hôn nhân chỉ làm cho ta khổ mà thôi. Vậy mà ai cũng xem đó là chổ nương tựa trong đời mình. Tôi bây giờ chỉ nương tựa Tam Bảo. Tôi đã lìa bỏ cánh đồng đầy nước mắt của thế gian, không tiếp tục cày xới trên đó nữa. Chúng ta cày xới một đời để được gì: Có cái để ăn mặc rồi tiếp tục sống, sống để tiếp tục cày xới trên cánh đồng đầy nước mắt ấy. Bây giờ tôi mới hiểu ra rằng có cái này cái nọ không thể nào là hạnh phúc tuyệt đối được. Hạnh phúc tuyệt đối phải là không có cái gì hết. Tôi không tiếp tục sống như một người rỗng tuếch nữa: Mỗi phút đồng hồ của tôi bây giờ là sự an lạc cho tôi, và có thể là cho người khác nửa.


CUỘC GẶP GỠ VỚI SAYADAW GYOK PIN U TIKKA

Ngài Sayadaw hỏi sư Kavi về Thất Tịnh, sư nói chỉ muốn giải thích theo cách của người ít học.

- Trước hết hành giả lễ Phật, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh và phát nguyện cúng dường thân mạng cho Đức Phật trong suốt thời gian tọa thiền. Khi tâm đã bắt đầu tập trung được thì hành giả ngồi yên bất động, nhắm mắt, miệng khép để quan sát từng cảm giác xuất hiện khắp châu thân. Ngũ quan lúc này phải được kiểm soát chặt chẽ. Đây được gọi là Giới Tịnh.

- Chính tâm trạng dán chặt vào cảnh, không trôi nổi phóng dật được gọi là Tâm Tịnh.

- Khi có được Giới Tịnh và Tâm Tịnh thì khả năng quan sát quán chiếu của hành giả sẽ trở nên nhạy bén và chính xác hơn. Như một người thấy rõ đâu là viên đá lửa, đâu là bánh xe thép, đâu là miếng bùi nhùi và ngọn lửa được hình thành như thế nào thì ở đây với điều kiện tinh thần ổn định, hành giả có thể quan sát thân tâm của mình cái nào là Danh, cái nào là Sắc, cái nào là Nhân và cái nào là Quả. Hành giả cũng biết thêm cái gì cũng do duyên mà có và có rồi cũng bị mất. Chính nhận thức này được gọi là Kiến Tịnh.

- Người thành tựu Kiến Tịnh thì cũng là người thành tựu Đoạn Nghi Tịnh. Ở giai đoạn này, hành giả như trở thành một con người khác, với những thay đổi rất đặc biệt về thân (nhẹ nhàng như bay được, như có hào quang) hoặc về tâm (trí tuệ sắc bén hơn, đức tin mãnh liệt hơn, tinh tấn nhiều hơn ...)

- Hành giả đủ tỉnh táo để không đam mê dính mắc trong đó và tiếp tục đi tới trong công phu Tuệ Quán thì được gọi là trình độ Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh, khả năng phân biệt đúng sai.

- Ngay sau giai đoạn này, giai đoạn của 10 Tùy Phiền Não, hầu hết các hành giả điều phải trải qua một giai đoạn đau nhứt kinh khủng như để giũ sạch con người cũ để bắt đầu làm mới mọi thứ. Nếu hành giả tiếp tục giữ vũng Niệm và Tuệ để quân bình 5 Quyền, không buôn rơi cảnh Tuệ Quán thì được xem là đã tới được trình độ tiến hành Đạo Lộ Tri Kiến Tịnh.

- Nếu Ba La Mật đầy đủ thì ngay sau Tịnh này sẽ là Tri Kiến Tịnh, tức giai đoạn chứng đạo.


Trích Kinh Nghiệm Tuệ Quán







Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

5. Kinh nghiệm Tuệ Quán (Phần: Phương pháp chính thức của trường phái Thae inn Gu)

 


PHƯƠNG PHÁP CHÍNH THỨC CỦA TRƯỜNG PHÁI THAE INN GU

Trước hết hành giả bắt đầu buổi tọa thiền bằng ba dòng suy tưởng:

- Con xin nguyện tận hiến 5 uẩn này cho Đức Phật và dốc lòng hướng đến quả vị thánh trí.

- Con xin trọn đời tin nơi pháp môn mà mình đang theo đuổi nhằm thấy được thực tướng Danh Sắc và Tứ Đế một cách rốt ráo nhất.

- Con xin hồi hướng trọn vẹn công đức tu tập này đến tất cả chúng sinh không phân biệt một ai.

Với tâm niệm cảnh giác cao độ trước tất cả phiền não có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, hành giả chọn lấy một tư thế nào thích hợp với mình nhất để có thể kéo dài thời gian tọa thiền lâu như có thể. Sau đây là các bước kỹ thuật:

+ Dáng ngồi phải thẳng, nhưng buôn thả, không gò ép.

+ Bàn tay trái để dưới bàn tay phải.

+ Mắt khép hờ và không căng thẳng.

+ Bắt đầu thở và để tâm nhận biết nơi mũi.

+ Cố không để tâm nghĩ ngợi chuyện nọ kia, bởi khi ta phóng tâm phần lớn toàn là tâm bất thiện.

+ Lại tập trung tư tưởng vào hơi thở.

+ Hơi thở phải đầy và đều.

+ Thở bằng toàn bộ Chánh Niệm. Chỉ có vậy thì Định mới thành tựu.

+ Vì ta đang tu Tuệ Quán nên Định ở đây vẫn là công cụ để ta nhận diện Danh Sắc. Với Niệm và Định này ta mới có thể được an toàn trước phiền não.

+ Có bị ngứa hay tê cũng đừng tìm cách giải quyết.

+ Có mệt cũng không xả thiền.

+ Đừng thích thú trong việc thay đổi tư thế.

+ Hãy cố nhìn thẳng vào cảm thọ cho đến khi nó tự biến mất.

+ Hãy nhớ dầu với chỉ hay quán, sức tập trung tư tưởng luôn quan trọng.

+ Đừng quên tiếp tục Chánh Niệm.

+ Đừng quên ba chân kiềng của pháp môn Tuệ Quán luôn gắng bó bất ly với nhau: Chánh Cần, Chánh Niệm và Chánh Định.

+ Chánh Cần và Chánh Niệm sẽ giúp hành giả đắc định.

+ Cứ tiếp tục sự kết hợp này.

+ Hãy nhớ thời gian một đi không trở lại.

+ Hãy sống sao cho phút nào cũng là Chánh Niệm.

+ Để thoát luân hồi phải hiểu nó thật sự là gì.

+ Để nhận diện thực tính pháp (bản chất rốt ráo của vạn hữu), không thể thiếu Chánh Niệm. Đừng bao giờ quên nguyên tắt này.



PHÁP MÔN NIỆM XỨ

+ Trước hết hành giả tập chú vào hơi thở ra vào, đó chính là Thân Quán Niệm Xứ.

+ Sự ghi nhận từng cảm giác xảy đến trong lúc quán niệm hơi thở chính là Thọ Quán Niệm Xứ.

+ Khi hành giả để cảm giác mình sang một bên để nhận diện tâm mình đang là thiện hay bất thiện, đó chính là Tâm Quán Niệm Xứ.

+ Khi hành giả nhận diện các vấn đề của tâm như cảm giác hay tính thiện ác của tâm qua các thể tài (Pabba) Uẩn, Xứ, Giới, Đế, Giác Chi và Thánh Đạo, đó chính là Pháp Quán Niệm Xứ.

+ Hãy nhớ ngoài Tứ Niệm Xứ không còn đường nào khác dẫn tới giải thoát.

- Trong lúc hành giả tu tập Tuệ Quán, các Tà Tư Duy (suy nghĩ bất thiện) luôn chực chờ xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Dục Tư Duy là những suy nghĩ liên hệ đến 5 trần cảnh, gồm cả tình cảm nam nữ hay quyền lực tiếng tăm. Sân Tư Duy là những suy nghĩ ghét, sợ, bất mãn với người, vật hay với sự việc gì đó. Hại Tư Duy là những ý nghĩ làm tổn thương chúng sanh khác từ nhân thiên đến côn trùng. Hành giả không để các tà niệm xuất hiện trong tư tưởng.

+ Cách đơn giản nhất để làm chuyện đó là chú ý hơi thở. Chánh niệm luôn tuyệt đối cần thiết trong công phu đó.

+ Tất cả chúng sanh phàm phu luôn mơ hồ về dòng luân hồi của bản thân trong 3 đời (quá khứ, hiện tại, tương lai). Sự mơ hồ đó được gọi là Vô Minh. Nó tạo ra dòng luân hồi và chỉ có thể được diệt trừ bằng pháp môn Tuệ Quán thông qua 5 Quyền, tức sự trau dồi 5 yếu tố tinh thần gồm Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ.

+ Hành giả phải nổ lực ghê gớm lắm thì 5 thiện pháp này mới đủ mạnh để loại trừ Vô Minh.

+ Khi hành giả bắt đầu buồn ngủ, hoặc khi nhận ra tâm mình đang phóng dật thì việc duy nhất phải làm là tập chú hơi thở.

+ Với người hữu duyên thì ranh giới giữa Chỉ và Quán rất mơ hồ, người ta có thể nhanh chóng chứng đắc các tầng thiền, hoặc các tâm thánh trí hoặc cả 2 cùng lúc. Sự phân biệt rạch ròi Chỉ Quán là nói trên lý thuyết dành cho người thiếu duyên, với người có đủ túc duyên thì sự chứng đắc thiền định hay thánh trí chỉ trong nháy mắt.

+ Dầu chưa là thánh, với thiền định ta cũng có thể thanh lọc nội tâm ở mức tương đối, như mưa rửa sạch bụi.

+ Đừng để tâm lang thang, chuyện này khó nhưng phải làm.

+ Ta chỉ có được trí tuệ thông qua sự tập trung tư tưởng.

+ Ngay cả một người đã có thiền định, Chánh Niệm vẫn luôn cần thiết để phát triển và duy trì nó.

+ Phải giữ Niệm và Định. Hai pháp này càng nhiều thì sự an lạc của ta càng lớn.

+ Chỉ có người thu thúc lục căn mới có được trí tuệ đúng mức.

+ Pháp môn Tuệ Quán giúp ta sử dụng 6 căn một cách thông minh như Đức Phật đã đề nghị hành giả khi tiếp xúc 6 trần phải luôn tỉnh táo để nhận rõ rằng cái ta thấy là cảnh sắc, cái ta chạm là cảnh xúc, ... Người không tu học thì bị 6 cảnh dẫn dắt sai đường: Cái đó là của tôi, kia là người đàn bà, cái chân của tôi bị đau ...

+ Hành giả tu Tứ Niệm Xứ không thể thiếu hiểu biết về Tứ Đại theo đúng ý nghĩa thực tính của chúng.

+ Đất là bất cứ cái gì choáng chổ trong không gian, nước là cái gì có tính liên kết, lửa là cái gì phát ra bức xạ hay nhiệt độ và gió là bất cứ cái gì trong vật chất mang tính chuyển động xê dịch.

+ Tứ Đại không thể tách rời nhau, có điều tùy chổ mà cái nào nổi bật.

+ Nói cho dễ hiểu, bất cứ sự biến đổi nào của vật chất mà ta có thể cảm nhận được bằng giác quan vật chất hay những gì bị tác động trực tiếp từ các điều kiện vật chất thì điều là Sắc Pháp. Hành giả phải nắm vũng định nghĩa này để trong lúc tu tập có thể nhanh chóng ghi nhận đây là Sắc Pháp hay Danh Pháp.

+ Trong lúc ta thiền định các cảm giác của ta sẽ tùy lúc bị tác động bởi cái nào trong Tứ Đại, kinh nghiệm này sẽ kéo dài cho đến lúc cận tử, ta sẽ ra đi với sự chấn động của một trong Tứ Đại.

+ Khi Địa đại có vấn đề ta sẽ thấy nặng nề, vướng víu, đau nhứt.

+ Khi Thủy đại có vấn đề ta sẽ thấy đường tiêu hóa của mình bị trục trặc, nhiều mồ hôi, đờm dãi và nước mũi.

+ Khi Hỏa đại có vấn đề ta sẽ thấy nóng, lạnh bất thường.

+ Khi Phong đại có vấn đề, ta sẽ thấy ngứa ngáy, run rẫy, tứ chi không thể kềm giữ.

+ Trong đời sống bình nhật, một người thiếu chánh niệm đối với Tứ Đại của mình thì lúc ra đi dễ bị hoảng loạn. Hãy nhớ ta sống ra sao thì chết như vậy.

+ Để vượt qua những cảm thọ khốc liệt kiểu đó, hành giả phải biết thay đổi cái nhìn của mình từ Tục Đế sang Chân Đế, mọi chuyện sẽ được dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.

+ Tê nhứt là cảm thọ.

+ Đau buốt là cảm thọ.

+ Cảm giác nặng nề là cảm thọ.

+ Mũi dãi là cảm thọ.

+ Lạnh cóng là cảm thọ.

+ Ngứa ngáy là cảm thọ.

+ Sự run rẫy là cảm thọ.

+ Khi 6 căn biết 6 trần thì Thọ xuất hiện, ta chỉ đơn giản nhận thức mọi cảm giác là cảm thọ mà thôi.

+ Các ý niệm Tục Đế bày vẽ ra vô vàn cảm giác với đủ thứ tên gọi, nhưng các ý niệm chỉ là Chế Định, chỉ duy nhất có cảm thọ là Chân Đế.

+ Việc hành giả phải làm ở đây là chánh niệm ngay trên chính cảm thọ Chân Đế không nên bận tâm chạy theo chạy theo bất cứ một ý niệm Tục Đế nào.

+ Hình thức và màu sắc của vật chất không bao giờ đứng yên, chúng luôn thay đổi. Ta đừng áp đặt bất cứ một ý niệm nào lên chúng. Cứ đơn giản nhìn thẳng vào bản chất của chúng: Đang sanh hoặc đang diệt. Với cây cỏ đất đá, nhà cửa, phong cảnh cũng đều phải vậy.

+ Không có gì là còn hoài. Nên mọi thứ ta thấy chỉ là cái gì đó đang thay đổi từ tình trạng này sang tình trạng khác.

+ Ngay cả thân xác của thánh nhân cũng là bất tịnh, bất mỹ nói gì là những nét đẹp của phàm phu.

+ Tất cả những gì đẹp xấu đều thuộc về Tục Đế tức Chế Định, không có ttrong Chân Đế.

+ Bởi chỉ có trong Tục Đế nên những đẹp xâu đó mới có thể bị thay đổi.

+ Hãy thử quan sát một xác chết đang bị phân hủy để thấy được kiếp người là mong manh đến dường nào và thế giới phù du ra sao. Vì cái gì ở đời cũng dựa vào con người, người đã nằm xuống thì mọi thứ đều vô nghĩa.

+ Khi nhìn thấy một bộ xương, hành giả không thấy đó là xương mà chỉ là bản chất vô thường của xác người.

+ Dầu ta có bao nhiêu cảnh đề mục đi nửa thì nói rốt ráo cũng chỉ có một đề mục duy nhất mà thôi, đó là những gì đang xảy ra.

+ Khi ta giữ lâu một tư thế, cảm giác khó chịu chắc chắn sẽ xuất hiện, hãy thử làm ngơ nó bằng cách quan sát nó với tất cả các khả năng chịu đựng của mình cho đến khi nó biến mất mới thôi.

+ Hãy thử một lần đi, mọi cảm thọ sẽ biến mất một cách đơn giản như cách chúng đã xuất hiện.

+ Phàm phu khổ vì phàm phu chấp thủ, những gì phàm phu chấp thủ chỉ thuộc Tục Đế, không phải Chân Đế. Do không thấy được Chân Đế nên phàm phu chấp thủ Tục Đế.

+ Nói vậy có nghĩa là khi ta nghĩ "tôi" bị cái gì đó thì ta sẽ đau khổ hơn là một nhận thức đơn giản rằng chuyện gì đó đang xảy ra, thuộc Danh pháp hay Sắc pháp.

+ Thực tính Chân Đế rất đơn giãn. Chỉ dựa trên khái niệm Tục Đế ta mới có vô vàn phân biệt. Chính những phân biệt này làm ta đau khổ. Như nghĩ "tôi" đang bị sĩ nhục, làm vậy sẽ bị cười chê, người ta đang nhìn vào chổ xấu xí "của tôi".

+ Chuyện dễ làm nhất cho hành giả buổi đầu là đối với Sắc pháp, hãy ghi nhận những thay đổi của chúng, đừng suy nghĩ gì thêm. Đối với Danh pháp, hãy chú ý tới các cảm thọ. Hãy nổ lực, đừng bỏ cuộc. Vì mọi cố gắng của ta trong lúc này có cùng lúc 2 ý nghĩa: Hoặc giải thoát sanh tử, hoặc chuẩn bị cho một cái chết thanh thản, bình tĩnh.

+ Đừng để cảm thọ thành môi trường tạo ra Ái hay Sân tức thích thú hay bất mãn. 

Biết cảnh bằng tâm Sân là đi tìm quả bất thiện, biết cảnh bằng tâm Tham Ái là tạo ra nhân bất thiện.

+ Hãy để Thọ mất như là Quả, Đừng biến nó là nhân cho cái gì hết. Vì đó là bắt đầu của dòng Duyên Khởi mới.

+ Khi cảm Thọ làm duyên cho Tham Ái thì coi như một vòng tròn Duyên Khởi mới vừa được bắt đầu. Tu Tuệ Quán là cố gắng không tạo thêm vòng tròn đó nửa.

Trích Kinh Nghiệm Tuệ Quán.

























Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

Gánh Nặng Ngũ Uẩn - (Hòa Thượng Mahasi)

 


Gánh Nặng Ngũ Uẩn

Đeo mang Ngũ Uẩn thật nặng nề làm sao! Từ lúc được hoài thai trong bụng mẹ, thì khối ngũ uẩn này đã cần phải được chăm nom săn sóc rồi. Mẹ đã phải bỏ biết bao công lao nuôi dưỡng, bảo vệ để cho thai nhi được phát triển tốt đẹp an toàn. Từ miếng ăn đến giấc ngủ, mẹ phải thận trọng theo dõi hàng ngày để đứa trẻ trong bụng mình được phát triển tốt đẹp. Nếu người mẹ là một Phật tử, bà sẽ vì lợi ích của con mà tinh tấn làm các việc thiện lành.

Khi được sinh ra, đứa bé không đủ khả năng để tự lo cho mình, nên cần phải được cha mẹ, người lớn bồng ẵm, bú mớm, tắm rửa, thay tả lót, thay quần áo... Phải cần tới ít nhất hai hoặc ba người để săn sóc và nuôi nấng gánh nặng ngũ uẩn bé nhỏ này.

Khi lớn lên, mọi người đều phải tự săn sóc lấy mình. Họ phải ăn uống ngày hai ba bữa. Nếu muốn ăn ngon, họ phải bỏ ra nhiều công lao mới có được. Họ phải tắm rửa, giữ gìn thân thể áo quần tươm tất sạch sẽ. Muốn thân thể khỏe mạnh, họ phải siêng năng tập thể dục hàng ngày. Họ phải tự làm tất cả mọi việc. Khi nóng, họ phải quạt; khi lạnh, họ phải sưởi. Họ phải thận trọng chăm sóc và giữ gìn sức khỏe. Khi đi, họ phải thận trọng để khỏi vấp ngã. Khi đi đâu xa, họ phải biết nơi mình sắp đến có được an toàn không, có bị nguy hiểm không. Dù có thận trọng giữ gìn, thì cũng có lúc họ phải bị bệnh; họ phải uống thuốc điều trị. Chăm nom săn sóc năm hiện tượng tâm vật lý này thật vất vả nặng nề biết bao!

Gánh nặng lớn lao nhất của chúng sanh là phải lo liệu cho cuộc sống của mình. Nhiều người mới mười hai, mười ba tuổi đầu, đã phải tự kiếm sống. Ai cũng phải lo học hành. Người có học lực sơ cấp chỉ tìm được việc làm chân tay. Người có học lực khá hơn thì có địa vị cao trọng hơn. Nhưng rồi, ai cũng phải làm việc cật lực ngày này qua ngày khác không chút ngừng nghỉ.

Những người đã tạo được nghiệp lành trong quá khứ, nên trong kiếp sống hiện tại ít gặp khó khăn trở ngại. Những người sanh ra với nghiệp tốt, được nuôi nấng chu đáo từ lúc nhỏ, và khi lớn lên được học hành tốt đẹp. Ngay khi đã trưởng thành, họ cũng còn được cha mẹ tiếp tục giúp đỡ để đạt được những điều mình mong muốn. Những người may mắn như vậy khó có thể hiểu được gánh nặng thật sự của cuộc đời là gì.

Những ai có nghiệp không tốt trong quá khứ, không bao giờ có được sự may mắn như thế. Khi còn nhỏ, họ chỉ biết tới cái đói mà thôi, chẳng có chút hạnh phúc nào: không được ăn những gì mình thích, không được mặc những gì mình ưa. Lớn lên, họ chỉ biết ráng giữ cho thân tâm này tồn tại là đủ rồi, không còn mong muốn gì nữa. Có người không đủ gạo ăn từng bữa. Có người phải thức dậy từ sáng sớm để giã gạo nấu cơm. Có người thiếu thốn đủ điều phải mượn đầu này vay đầu nọ, đầu tắt mặt túi để sống qua ngày. Nếu bạn muốn biết nhiều hơn về đời sống của người nghèo, hãy đến khu họ ở, bạn sẽ tận mắt chứng kiến đủ mọi đau thương của cuộc đời.


Đeo Mang Gánh Nặng

Thân này, một trong năm uẩn, là gánh nặng lớn lao. Lo lo ăn, lo mặc, lo chỗ ở cho thân này là đã mang vào mình gánh nặng lớn lao đó. Chúng ta đã làm tôi mọi cho thân này, cho sắc uẩn này quá nhiều. Ngoài việc lo cho thân được ăn mặc no ấm, chúng ta còn phải lo cho thân này được đẹp đẽ và hạnh phúc trong cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Khi lo lắng để có được các cảm giác vật chất lẫn tinh thần vừa ý, thoải mái là chúng ta đã phục vụ cho thọ uẩn. Lại nữa, chúng ta muốn cho thân này được thấy cảnh đẹp và được nghe âm thanh êm dịu là chúng ta đã phục vụ cho thức uẩn.

Chúng ta có thể nhận ra ba gánh nặng (sắc uẩn, thọ uẩn, thức uẩn) này một cách dễ dàng.

Sắc uẩn nói: "Hãy nuôi tôi cho đàng hoàng. Hãy cho tôi những gì tôi thích ăn, nếu không tôi sẽ làm cho tôi bịnh hoặc yếu. Hoặc tệ hơn nữa, tôi sẽ tự tử!" Thế là chúng ta phải chiều chuộng làm cho sắc uẩn vui lòng.

Thọ uẩn nói: "Hãy cho tôi hưởng cảm giác thú vị, nếu không tôi sẽ làm cho tôi đau đớn. Hoặc tệ hơn, tôi sẽ tự tử!" Thế rồi chúng ta chạy đi tìm những cảm giác thú vị nhằm thỏa mãn những gì thọ uẩn cần.

Rồi đến thức uẩn nói: "Hãy cho tôi thấy cảnh đẹp. Hãy cho tôi nghe âm thanh hay. Hãy cho tôi ngữi mùi thơm, nếm vị ngon...Nếu không tôi sẽ làm cho tôi bực mình, cáu ó. Hoặc tệ hơn nữa, tôi sẽ tự tử!" Thế rồi chúng ta làm theo sự sai bảo của thức uẩn.

Dường như cả ba uẩn này luôn luôn đe dọa chúng ta. Chúng ta chỉ biết làm theo những đòi hỏi của chúng. Sự vâng lời này là một gánh nặng lớn lao.

Hành uẩn hay các tác động tạo nghiệp cũng là một gánh nặng khác. Đời sống đòi hỏi chúng ta phải thỏa mãn các nhu cầu và những điều ưa thích hàng ngày. Và để thỏa mãn những đòi hỏi này mà chúng ta phải tích cực làm việc. Chúng ta phải làm việc liên miên không nghỉ. Các sinh hoạt lẩn quẩn của con người được thúc đẩy bởi tác ý của chúng ta, và tác ý này bắt nguồn từ sự xúi dục của tham ái. Những sinh hoạt này tạo những đòi hỏi mang tính cách hăm dọa chúng ta mỗi ngày, và nếu những đòi hỏi này không được đáp ứng, thì nhiều rắc rối, và ngay cả cái chết cũng có thể xảy đến với chúng ta. Khi ao ước của con người chưa được thỏa mãn, thì tội ác sẽ tìm tới. Hành uẩn hay các tác động tạo nghiệp này đã đè nặng chúng ta biết bao! Cũng vì không đủ sức mang gánh nặng này nên chúng ta trở nên vô đạo đức, phạm những điều sai trái đáng hổ thẹn. Hầu hết các tội lỗi hình thành cũng vì con người không kham nổi gánh nặng của các sinh hoạt mang tính chất nghiệp này.

Tưởng uẩn cũng là một gánh nặng lớn lao. Đặc tính của tưởng uẩn hay tri giác là ghi nhớ sự kiện để có thể nhận ra sau này. Tưởng uẩn là phương tiện để rèn luyện các khả năng như trí nhớ, tri thức và trí tuệ. Nhờ các khả năng này, chúng ta có thể phân biệt được điều tốt điều xấu, và loại trừ những điều bất thiện khởi sinh từ những đối tượng không hài lòng toại ý. Nếu các đối tượng được giác quan ưa thích không được đáp ứng, tâm sẽ phản ứng lại và tạo nên những hậu quả tai hại xấu xa. Vì không kham nổi gánh nặng của tưởng uẩn nên nhiều phiền não như luyến tiếc, hối hận, bất an, lo âu ... phát sinh.

Vì những lý do trên, nên Đức Phật tuyên bố rằng ngũ uẩn thủ là một gánh nặng lớn lao.



Sự Hủy Hoại Của Thân Xác

Thường, người ta sống mà chẳng hề nghĩ đến sự suy tàn và hủy hoại dần mòn của thân xác mình. Mãi cho đến khi cái già kéo đến, tật bệnh hoành hành, và cái chết gần kề, người ta mới nghĩ đến sự kiện đau buồn này.

Tiến trình hư hoại như vậy tiếp tục tái diễn trong mỗi kiếp sống: sự hủy hoại dần mòn của thân xác, sự đàn áp không ngừng của già nua, bệnh tật, và cuối cùng là cái chết. Đức Phật đã thấy rõ ràng tiến trình này, khi quan sát sự sinh tử của chúng sanh qua hàng triệu kiếp sống. Thấy rõ nỗi khổ của chúng sanh khi bị già, bệnh, chết chi phối; thấy rõ nỗi khổ của chúng sanh khi bị lo âu sầu muộn, uất ức than khóc chế ngự; thấy rõ nỗi khổ của chúng sanh khi phải xa lìa người thân yêu, Đức Phật nảy sinh lòng bi mẫn. Nếu lịch sử của kiếp người được vẽ hết trở lại, thì trọn cả mặt đất này cũng chưa đủ chỗ để vẽ.

Tâm đại bi của Đức Phật nảy sinh khi Ngài thấy không biết bao nhiêu bức tranh "sanh, già, bệnh, chết" của chúng sanh trải qua vô lượng kiếp.

Sự Hình Thành Của Phiền Não

Si mê là không thấy rõ được bản chất thật sự của sự vật. Khi nói rằng tôi thấy cái này, hay tôi nghe cái kia, là ta đã làm một việc sai lầm, vì ta đã cho rằng có một cái tôi đang thấy và đang nghe. Thật ra chẳng có tôi, ta hay tự ngã nào cả. ý niệm sai lầm này đã khiến chúng ta tin tưởng sai lầm rằng sự vật là thường còn, là đáng yêu, là toại nguyện. Điều này khiến tham ái phát sinh, và khi tham ái quá mạnh mẽ thì trở thành chấp thủ, dính mắc. Đó là lý do tại sao phiền não hình thành.

Sự Hoạt Động Của Vô Minh

Người ta thường có khuynh hướng đi tìm những dục lạc giác quan: sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, v.v... Nỗ lực của họ là để đạt những gì họ tin tưởng là điều tốt đẹp của cuộc đời. Tư tưởng này phát xuất từ ảo tưởng về sự hiện hữu của các điều tốt đẹp đó. Vô minh ở đây giống như cặp mắt kính màu lục được máng vào mắt ngựa, khiến ngựa ăn cỏ khô mà tưởng rằng cỏ tươi. Chúng sanh bị sa lầy trong dục lạc giác quan bởi vì họ đã nhìn cuộc đời qua cặp kính màu hồng. Họ sống trong ảo tưởng mà không thấy rõ được bản chất thật sự của các đối tượng giác quan, của vật chất và tâm.

Nô Lệ Vào Tham ái

Đức Phật thấy rõ rằng tất cả chúng sanh đều là những kẻ nô lệ của tham ái và dục vọng, điều này khiến Ngài động lòng bi mẫn. Chúng sanh phục vụ cho tham ái và dục vọng mà chẳng kể gì đến tính mạng của mình. Họ làm việc suốt đời để thỏa mãn lòng tham ái. Sau khi chết đi, trong những kiếp kế tiếp, họ cũng vẫn còn tiếp tục làm nô lệ cho cùng người chủ tham ái này mà chẳng có phút giây nào ngừng nghỉ.

Trong thế giới con người, kẻ nô lệ có thể làm tôi mọi cho người khác suốt một đời, nhưng kẻ nô lệ cho tham ái thì phải làm nô lệ từ đời này sang đời khác, chẳng biết bao giờ mới chấm dứt kiếp tôi đòi. Chỉ khi nào đắc quả A La Hán, kẻ nô lệ cho tham ái mới chấm dứt sự lang thang vô định trong vòng sinh tử.


Sự Bất Toại Nguyện của Chư Thiên

Đừng nghĩ rằng do những việc thiện đã làm mà bạn trở thành một vị chư thiên, và bạn sẽ sống ở một nơi mà mọi ước muốn của bạn được thành tựu đầy đủ. Nơi đó mọi ước ao của bạn đã được thỏa mãn cả rồi nên bạn chẳng còn phải ước ao gì nữa, chẳng cần phải nỗ lực gì nữa. Thực ra, không ai có thể thỏa mãn với những gì mình đã có, họ luôn luôn đòi hỏi thêm nhiều. Muốn được nhiều hơn nữa, thì cần phải nỗ lực nhiều hơn, và đau khổ phát sinh từ những nỗ lực này. Cần nhớ một điều là: ngay cảnh chư thiên cũng vẫn còn bị luật vô thường chi phối.

Đức Tin Chân Chánh

Lý thuyết cho rằng các hiện tượng sinh khởi một cách may rủi không nguyên nhân, dần dần được người ta chú ý một cách ưu ái, vì lòng tham con người đang gia tăng, và sự khao khát dục lạc của con người đang phát triển tương ứng theo. Ngày nay, một số người cho rằng ta sẽ không đạt được mục tiêu nếu tránh làm điều bất thiện. Thái độ này đưa con người đến những sự tin tưởng sai lầm. Vì bị tham ái và si mê chế ngự nên người ta không biết đến nghiệp và quả của nghiệp.

Đức Phật khám phá ra luật nhân quả và khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy giảm bớt tham, sân, si. Những người Phật tử có tín tâm, sẽ nghe theo lời hướng dẫn của Đức Phật, và cố gắng hành thiền để đạt giác ngộ hầu có thể giúp mình thoát khỏi mọi tin tưởng sai lầm. Họ biết rằng bao lâu họ chưa chấm dứt được tham ái, thì họ vẫn còn bị chi phối bởi nghiệp lực: nghiệp quá khứ sẽ tạo nên những gì trong hiện tại, và nghiệp hiện tại sẽ quyết định cho những gì xảy ra trong tương lai. Như vậy, họ đã xác chứng được rằng đức tin của họ là một đức tin chân chánh.

Làm Để Giải Thoát

Người Phật tử chân chánh mỗi khi làm được điều phước thiện gì, họ đều có thói quen nguyện cho mình đạt được Niết Bàn. Dĩ nhiên Niết Bàn không thể thành tựu tức khắc bằng sự mong ước suông. Bố thí và trì giới chỉ giúp người Phật tử tái sinh vào các cảnh giới cao hơn, và chỉ có Bát Chánh Đạo mới dẫn đến Niết Bàn. Bởi thế, tại sao phải đợi đến kiếp sau? Sao không thực hành Bát Chánh Đạo ngay bây giờ để giải thoát ngay trong kiếp sống này?

Con Đường Duy Nhất

Thật vậy, chân lý chỉ có một. Hãy ghi nhớ điều này. Ngày nay, Phật Giáo phổ biến đến mọi nơi, cũng chỉ đặt căn bản trên sự thực hành Bát Chánh Đạo, hay còn được gọi là Trung Đạo. Đó là sự thực hành Giới, Định, và Tuệ. Sự thực hành này giúp ta thực chứng Tứ Diệu Đế. Đây là con đường duy nhất. Nếu có ai nói rằng sự liễu ngộ Chân Lý có thể đạt được mà không cần thực hành Bát Chánh Đạo, nghĩa là không cần phải thực hành Giới, Định, và Tuệ, và không cần có mục tiêu hướng đến là để thấy rõ Tứ Diệu Đế, thì phải hiểu rằng sự giảng dạy đó trái ngược với lời Phật dạy.

Sự Cần Thiết của Thực Hành

Ngày nay có rất nhiều người đã trình bày sai lạc Giáo Pháp của Đức Phật. Chẳng hạn như họ nói rằng: chỉ cần có kiến thức về Phật giáo là tròn đủ, là hoàn mãn, chẳng cần phải thực hành Giáo Pháp một khi đã thành đạt kiến thức. Nói như vậy có nghĩa là chối bỏ việc thực hành Giáo Pháp và loại trừ Bát Chánh Đạo.

Đức Phật dạy chúng ta phải thường xuyên thực hành Bát Chánh Đạo vì Bát Chánh Đạo bao gồm những nguyên tắc căn bản đưa đến giác ngộ. Một khi Bát Chánh Đạo đã được tu tập thuần thục, trí tuệ sẽ phát triển và ta sẽ thấu triệt được bản chất của Thánh Đạo. Trên đường thực hành, chúng ta phải có một sự tinh tấn bền bĩ. Không nỗ lực tinh tấn thì chẳng thành đạt được gì cả, thế mà có một số người có quan niệm sai lầm cho rằng chẳng cần phải nỗ lực vì nỗ lực chính nó là đau khổ, bất toại nguyện, và do vậy chẳng cần phải tinh tấn nỗ lực làm gì. Nếu không nỗ lực tinh tấn thì sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc thực hành và phát triển Bát Chánh Đạo. Nếu các yếu tố của Bát Chánh Đạo không được phát triển tròn đủ thì làm sao có đủ trí tuệ để loại trừ phiền não và giác ngộ Niết Bàn?

-- trích từ Pháp thoại về kinh Bhāra

4. Kinh nghiệm Tuệ Quán (Phần: Thọ quán Niệm Xứ - Toại Khanh)

 


THỌ QUÁN NIỆM XỨ

Pháp môn niệm xứ chính là hành trình khám phá bản thân mỗi người. Danh sắc của mỗi người là cả một thế giới. Tất cả đau khổ đều bắt đầu từ nhận thức sai lầm của chúng ta đối với Danh Sắc và con đường giải thoát chính là hành trình giải thoát đúng đắn của Danh Sắc. Chúng ta phải hiểu rằng bản thân Danh Sắc là Khổ Đế, niềm đam mê trong Danh Sắc là Tập Đế. Do đam mê trong Danh Sắc hiện tại, ta mới tao ra Danh Sắc tương lai. Tu tập Đạo Đế, tức khả năng nhận thức Khổ Đế và Tập Đế sẽ giúp ta chấm dứt hai đế đó. Ngay bây giờ không có Tập Đế thì tương lai sẽ không có Khổ Đế. Hiểu được Khổ Đế hiện tại thì mới trừ được Khổ, Tập tương lai (và cả Tập Đế hiện tại). Nhờ vậy trong tương lai sẽ không có Khổ Đế. Để làm được điều này chỉ có pháp môn Tứ Niệm Xứ, một con đường hành trì đòi hỏi cùng lúc cả tám chi đạo. Nói vậy có nghĩa là tu tập Niệm Xứ chính là phát triển Đạo Đế để chấm dứt Tập Đế, kết thúc Khổ Đế bằng cách chứng ngộ Diệt Đế. Mà Niệm Xứ ở đây là Thọ Quán Niệm Xứ, sống chuyên tâm quan sát các thọ để thấy chúng do duyên mà có và có rồi phải bị mất, chính là hành trình Đạo Đế vậy.

...

Khoảng cách giữa pháp lạc và dục lạc luôn rất nhỏ. Sự ham thích trong các trần cảnh là tham ái đã đành mà ngay đến sự ham thích đối với phỉ lạc hay hỷ duyệt lúc đang tu tập lại là một hình thức tham ái khác. Nó tinh vi hơn và có một vỏ bọc rất chắc chắn nên nếu hành giả không đủ Niệm và Tuệ thì không thể nào biết được đó là tham ái. Nên cách tốt nhất để tránh không bị mắc bẩy là hành giả phải luôn tâm niệm rằng khổ ưu là điều kiện cho sân tâm, hỷ lạc là điều kiện cho tham ái. Tham hay sân đều là phiền não, hỷ lạc hay khổ ưu cũng đều vô thường. Chính nhờ tâm niệm này, hành giả không bị rơi vào cạm bẫy của phiền não như rất nhiều người vẫn thường bị: Thấy hỷ lạc tưởng Níp Bàn mà không hề biết đó là tham ái. Thấy phiền não mà không biết đó là phiền não để rồi cho cái không phải Níp bàn là Níp Bàn. Cạm bẫy này giăng đầy trên con đường tu tập của mỗi chúng ta từ Thiền Quán đến Thiền Chỉ, từ tầng thiền thấp nhất đến tầng thiền cao nhất.

Như vậy điểm cốt lõi của pháp môn Thọ Quán Niệm Xứ là luôn cảnh giác với từng cảm thọ: Thấy khổ ưu thì biết là khổ ưu, cái gì nó là vô thường thì biết rõ nó là vô thường, thọ trong phiền não thì biết rõ là thuộc phiền não. Đối với hỷ lạc cũng vậy. Cứ thế cho đến khi nào chứng quả La Hán thì mới thôi.

Trích Kinh Nghiệm Tuệ Quán.