Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

Thánh trí

 


THÁNH TRÍ

Thánh trí gồm có bốn :

1-Sơ quả Tu-Đà-Hườn ( Sotāpatti)
Chấm dứt ba thứ phiền não quan trọng bậc nhất trong việc luân hồi là Thân Kiến (quan niệm ngã chấp trong thân tâm)Hoài Nghi (sự hoang mang trong đạo giải thoát). Giới Cấm Thủ( bảo thủ, cố chấp, phí công sức tu tập mà chẳng tìm thấy sự giải thoát ). Vị này chỉ còn tái sinh tối đa bảy kiếp phải chứng La-Hán.
Thân kiến có nghĩa là người này biết chắc rằng toàn bộ phàm, thánh, người, thú, nhân thiên chỉ là danh sắc luôn luôn vô thường sanh diệt. Không hề có một cái gì là tôi, ta, của tôi trong 5 uẩn. Đó gọi là lìa bỏ ngã chấp trong 5 uẩn. Lìa thân kiến thì lìa được hoài nghi. Vị đó không còn hoang mang nghi hoặc : Tôi là ai ? Ở đâu tôi tới ? Tôi sẽ đi về đâu ? v....v . Lúc đó vị đó chỉ thấy rất đơn giản cái khối 5 uẩn này nó do các duyên thiện ác mà có. Do không hiểu 4 Đế nên người ác làm ác bị đọa, người lành làm lành để được đi lên. Cuối cùng cũng quẩn quanh trong ba cõi sáu đường. Hiểu như vậy vị đó chỉ tập trung tu tập. Biết rất rõ mình là ai trong trời đất này. Không còn giới cấm thủ nghĩa là vị này không còn chấp nhận những giáo điều tín điều nằm ngoài tinh thần Bát Chánh Đạo.
Vị Tu-đà-hườn biết rõ bằng toàn bộ sinh mệnh của mình rằng sự đau khổ và con đường gây khổ có một cứu cánh chấm dứt là Niết bàn: không còn nhân sanh khổ, không còn quả khổ thì sẽ không còn đau khổ. Con đường dẫn đến Niết bàn đó là Bát Chánh Đạo. Bà con nhớ giùm, con số 8 của Bát Chánh Đạo là một trong một tỷ cách diễn dịch con đường giải thoát. Đối với một số người, Đức Phật chỉ dùng một chữ: appamāda. Trước khi Ngài Niết bàn, câu nói cuối cùng của Ngài là “vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha”, nghĩa là vạn hữu là vô thường hãy sống bằng sự cẩn trọng không dễ ngươi. Đây là câu cuối cùng của Bậc Đạo Sư, mình không hề thấy có số 8, số 3 , số 4 , số 6 … ở đây. Ngài chỉ nói “vạn hữu là vô thường, không sống dễ ngươi”.
Chánh kiến, chánh tư duy là tuệ học. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là giới học, còn lại là định học. Gom chung là Tam học hoặc là Vô lậu học. 37 phẩm trợ đạo gồm Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, Như Ý Túc đều là Tam học nói rộng. Điểm nổi bật của vị Tu-đà-hườn thấy chắc nên tin chắc.
Trí Tu-Đà-Hườn mà dừng lại không đi xa nữa thì mình tái sanh chỉ tối đa 7 kiếp nữa thôi, đi về đâu không cần biết, chỉ biết là không bị đọa bốn đường xấu đó là : súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la và địa ngục. Còn chuyện đi về đâu là tùy mình có đắc thiền hay không và tầng thiền mình đắc là thiền nào thì mình về cõi tương ứng.Trong kinh nói vị Tu-đà-hườn, thí dụ như : tâm sân, họ không còn ganh tị, ghen ghét, bùn xỉn. Nhưng vị này cũng còn nhăn mày, nhíu mặt, đổ lệ, khó chịu bất mãn nhỏ xíu trong thâm tâm. Cái sân của vị này không còn đủ giết chóc, hành hạ các chúng sanh khác .

2-Nhị quả Tư-Đà-Hàm ( Sakadāgāmī)
Giảm nhẹ Dục Ái ( niềm đam mê trong tất cả vật chất) và sân tâm ( sự bất mãn trước ngoại cảnh). Vị này chỉ còn tái sinh trong cõi Dục giới một lần nữa thôi. Nếu chưa chứng La Hán thì phải sinh về các cõi Phạm thiên, nơi vắng mặt Dục ái và Sân, để tiếp tục tu tập cho đến khi chứng La Hán.
Cũng là thánh trí lên một bậc nữa, giảm nhẹ Dục Ái và Sân. Dục Ái tức là đam mê trong sắc, thinh, khí, vị, xúc. Sân tức là bất mãn cái này cái kia, tinh thần hay vật chất nói chung. Trong Vi diệu pháp kể là: Sân Tật Lận Hối. Lận là bỏn xẻn không muốn cho ra, không muốn mất gì. Bủn xỉn cũng là một loại tâm sân không muốn mình mất gì. Ganh tỵ cũng là sân, không muốn ai được gì.

3-Tam quả A-Na-Hàm ( Anāgāmī)
Dứt hẳn Dục Ái và sân, nếu chưa chứng La-Hán thì phải sinh về các cõi Phạm Thiên để tiếp tục tu hành. Vì không còn thích và ghét trong 5 trần vật chất nên cũng không còn bị động tâm trước khen chê vinh nhục.
Vị này vĩnh viễn không còn một tí ti đam mê trong 5 Dục : Sắc, thinh, khí, vị, xúc. Và một điều thú vị, một người không còn đam mê trong vật chất thì vị đó cũng không có điều kiện tâm lý bất mãn này nọ. Điều đó cho thấy rằng vật chất nó nặng nề lắm. Còn đam mê vật chất thì còn bất mãn sợ hãi, hờn giận, ghen tuông. Nhưng một người đã coi vật chất không ra gì thì họ cũng không còn ham danh lợi, không còn muốn được khen hay sợ bị chê .

4-Tứ quả A-La-Hán ( Arahanta)
Đã chấm dứt tất cả phiền não, hiểu thấu suốt Tứ Đế, không còn tái sinh trong bất cứ cảnh giới nào nữa. Chưa hiểu hết Tứ Đế thì còn có cái để thích và chỗ để về, hiểu rốt ráo rồi thì tất cả thiện ác, buồn vui, sướng khổ đều không có gì để bận tâm nữa và đương nhiên không còn chỗ để tái sinh
Cả bốn tầng thánh đều trí tuệ thấy rõ bốn đế là gì. Ở tầng Sơ, Nhị, Tam quả họ thấy tứ đế chưa rốt ráo. Nhưng ở tầng tứ quả A-La-Hán vị đó thấy rõ bốn đế như 5 ngón tay trên một bàn tay, không còn một góc khuất nào ở trong bốn đế mà họ không thấy không biết. Do đó họ cũng dứt sạch tất cả các phiền não dư sót .

*Quan trọng nhất mà tôi muốn nói ở đây là quả vị Tu-Đà-Hườn chứ không phải quả vị La-Hán. Quả vị Tu-Đà-Hườn quan trọng bởi vì từ phàm mà lên quả vị Tu-Đà-Hườn mới khó, còn đã có Tu-Đà-Hườn rồi các vị có trùm mền ngủ thì cũng đắc La-Hán, là bởi vì vị đó không còn đi nữa. Đã gọi là dự lưu sota là dòng chảy còn apanna là tham dự hay góp mặt. Như vậy sotapanna là người đã tham dự vào dòng chảy, có nghĩa là nước đã lên tới máng xối rồi nó chỉ chảy xuống lu, xuống sân, nó không thể chảy ngược lên cái mái được. Dòng chảy đó chính là dòng chảy của thánh trí, của giác ngộ. Đã bước vào đó rồi thì vị ấy không còn quay lui nữa .

Sư Giác Nguyên

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Chỉ Quán song tu

 



VĂN-VÕ SONG TOÀN, ĐỊNH-TUỆ KIÊM ƯU PHẢI LÀ CHỈ ( SAMATHA )QUÁN (VIPASSANĀ) SONG TU .

Những ai có học A-tỳ-đàm nghe giảng phần này sẽ thấm hơn những người không học. Là bởi vì Theo A-tỳ-đàm, nó có mối quan hệ rất chặt chẽ giữa Lạc với Khổ giữa Dục Ái và Sân. Lạc và khổ, Dục Ái và Sân là hai cặp gắn liền nhau.Tứ thiền không còn Lạc và Khổ .Nhị quả thì giảm nhẹ Dục Ái và Sân .Tam quả dứt hẳn Dục Ái và Sân.Tôi cố ý nói tới nói lui hoài, bây giờ có đốt ra tro cũng phải ráng nhớ chỗ này. Còn đam mê trong 5 dục thì dứt khoát còn tâm sân, mà hễ còn tâm sân thì còn đủ 3 thứ khổ : Khổ khổ là sự khó chịu của thân tâm, Hoại khổ là sự biến mất của cảm giác dễ chịu trong thân tâm, Hành khổ là sự lệ thuộc các duyên mà có. Hạ căn thì sợ hãi khổ khổ.Trung căn thì chán ngán hoại khổ. Thượng căn thì chán ngán hành khổ.
Người hưởng dục có đủ ba khổ, người ly dục chỉ có hai hạng vi tế, người hưởng dục bị cả ba khổ dạng thô nặng.Thánh nhân chỉ còn thân khổ. Chém lòi ruột thì họ biết họ đang lòi ruột, đang đau rát, họ không hề có căm hờn tức tối hay sợ hãi bất mãn. Còn phàm phu mà bị nhổ nước bọt trước mặt là máu đã soi ùng ục lên rồi. Mình khổ một thành khổ mười vì bản thân mình bị cuộc đời xúc phạm tổn thương không bao nhiêu, mà chuyện tự thân mình diễn dịch phân tích làm cho mình điên lên. Thánh nhân bị tát thì có 30 giây là hết, còn phàm phu mình bị tát thì mình đau tới 30 tháng, vì mình vừa có khổ thân và vừa có khổ tâm.
Phạm thiên chỉ có hoại khổ và hành khổ nhưng ở dạng vi tế. Khổ vi tế nghĩa là sát-na tâm thiền trước có rồi sau đó mất( gọi theo A-tỳ-đàm thì đó là hoại khổ thật ra họ không hề bị một cảm giác khó chịu nào hết ). Sát-na thiền này mất, sát-na khác tiếp theo. Người hưởng dục thì khổ tứ bề vì dục như ý thì không nhiều, mà cảnh trần bất toại thì một núi. Kiếm tìm từng thứ để hưởng thụ không phải là dễ mà kiếm được rồi gồng để giữ là khổ, giữ không được lại là cái khổ khác, một là mình chán mình bỏ nó hoặc mình còn mê nó mà nó bỏ mình mà đi.
Hạ căn chỉ sợ những cái gì làm cho thân tâm mình khó chịu. Có nghĩa là bệnh hoạn già nua, sanh ly tử biệt, thương phải xa, ghét phải gần, muốn mà không được, bị đau, lạnh quá nóng quá, đói quá, nhức quá, tê mỏi, đau đớn v.v... Thì hạng hạ căn nói tới khổ họ chỉ hình dung tới những thứ này thôi. Nhiều người họ sợ sanh tử, sau một cơn đau họ không muốn luân hồi nữa, vì họ biết còn luân hồi là còn bị tù đày, bệnh hoạn, thù oán, đâm chém, làm ăn thua lỗ, thất tình, lỡ vận ..v...v ..Còn hạng trung căn thì họ không cần phải bị đau mới sợ, mà chỉ cần thấy hoa héo là đủ nản rồi. Như Bồ tát Tất Đạt lúc đi dạo bốn cửa thành, Ngài nhìn thấy cái khổ khổ của người khác, thấy xác chết, người bệnh, người già Ngài đã nản rồi. Người bình thường chỉ nản khổ khổ, nhưng mà Ngài nản luôn cái hoại khổ .
Ngài hỏi Sa Nặc :
- Như vậy ta cũng sẽ già đúng không?
Sa Nặc thưa:
- Dạ đúng, không ai trong thế giới này né được cái già, cái bịnh và cái chết.
Trong kinh nói Sa Nặc đâu có giỏi như vậy. Sa Nặc ăn nói lưu loát, là bởi vì do một vị Phạm thiên cõi Ngũ Tịnh Cư giục khiến cho nói như vậy. Bồ Tát nhìn cái bệnh, cái già của người ta, Ngài bèn nghĩ cái hay ho đẹp đẽ mà Ngài đang có rồi cũng sẽ mất. Chưa hết ! Khi bỏ ngôi đi tu, đắc được mấy tầng thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng cao nhất tam giới rồi Ngài cũng thấy rằng những cái này không bền, do duyên mà có, có rồi sẽ mất. Lúc bấy giờ Ngài đã thấy luôn cả cái hành khổ, nhưng có một điều cái thấy của một người chưa biết giáo pháp, chưa biết lý Tứ Đế và 12 Duyên khởi. Sau đêm thành đạo dưới gốc Bồ Đề, Ngài bừng lên hiểu những vấn đề ba khổ từ góc độ rốt ráo nhất. Còn trước đó Ngài chỉ thấy ở khía cạnh suy tư, Ngài chỉ có trí văn và trí tư thôi, lúc Ngài đắc thiền thì thêm một chút trí tu.
-Trí tu ở bên thiền Chỉ thì chưa được gọi là viên mãn bởi sinh tử vẫn còn nguyên đấy.
-Trí tu mà có được từ thiền Quán, không có thiền Chỉ cũng được gọi là viên mãn nhưng là viên mãn trong lý tưởng giải thoát.
*Có nghĩa là trong lý tưởng giải thoát, người đắc đạo, đắc quả thì ok rồi, nhưng gọi là văn võ song toàn định tuệ kiêm ưu thì phải là vị Chỉ Quán song tu.
Sư Giác Nguyên

Chuyện phiếm đời ... ***

 


ĐỪNG BAO GIỜ EM HỎI

Một ngày, có đám khách xa lỡ tàu ngẫu nhiên lạc bước đến thảo am lão thiền sư, một người đã lâu quên mất chuyện thù tạc với đời. Thấy ông có vẻ kiệm lời nhưng không đến nỗi người trệ khẩu, đám khách giết thời gian bằng mấy câu vấn đạo.
Khi được hỏi vì sao hiền thánh xưa giờ có vẻ không tha thiết chuyện sử dụng thần thông phép mầu như nương mây cưỡi gió về hưởng nhàn ở những chốn bồng lai tiên cảnh trên núi tuyết hay biển xa, mà cứ một đời ẩn cư những thâm xứ quạnh hiu xa vắng, lão thiền sư nheo mắt nhìn người hỏi:
-Chính thiên nhãn và huệ nhãn đã khiến thánh nhân như vậy đấy. Ngồi yên mà thấy hết mọi sự, và biết có đến tận nơi thì cũng không thấy thêm được cái gì ngoài những bóng nắng ảo hóa, thế bao nhiêu phép màu gì đó có còn là chuyện hứng thú nữa không ?
Một cư sĩ tóc trắng vẻ người tân học nói mấy câu tỏ ý nghi ngờ chuyện thánh nhân không thích gì. Ông nói sống ở đời không thích ghét gì hết thì như cây không có nhựa sống. Lão thiền sư cứ có dịp thì lại cười hề hề:
-Ngay đến kẻ phàm phu chỉ cần biết vài chuyện ruồi bu cũng đủ khiến người ta hết thích này nọ, cần gì phải thánh mà ông tin với không tin.
Chẳng hạn biết chắc lúc nào mình sẽ chết, những chuyện buồn vui gì sẽ xảy đến ngày sau, hay thiên hạ đang nghĩ gì về mình…Người biết được chừng đó thôi thì có cho làm ngọc hoàng cũng không vui nổi, nói gì là thích. Ông nói rất đúng, thánh nhân giống hệt cội cây không còn nhựa sống, phải vậy các ngài mới có thể viên tịch Niết bàn. Nhưng nói vậy không có nghĩa là thánh nhân sống hắt hiu cằn cỗi như một kẻ muốn tự tử. Không còn ham thích gì nhưng các ngài cũng chẳng bất mãn thứ chi. Mọi sự tùy duyên, không hy cầu cũng không trốn chạy, thánh nhân sống bằng niềm thanh thản của một người làm xong việc nằm chờ giấc ngủ đến. Đơn giản vậy thôi.
Một người khách nãy giờ ngồi im lặng một góc bỗng hắng giọng hỏi một câu thiệt khó nghe:
-Tui bây giờ vẫn còn tin Phật, nhưng chỉ muốn quy y Nhị Bảo, không kể Tăng Bảo được không ? Tăng ni thời nầy bó tay luôn !
Lão thiền sư cười to như không thể dằn lại:
-Có cưới đâu mà đòi ly dị. Tăng bảo trong Tam bảo chính là Pháp bảo được thể hiện qua con người. Người không có Pháp bảo thì sao gọi là Tăng Bảo. Đối tượng mà ông bất mãn vốn không có trong Tam Bảo.
Một người khách ngồi cạnh nghe vậy hỏi thêm:
-Xin hỏi nếu không nhìn mặt những tăng ni đó thì ai sẽ dạy đạo cho chúng con ?
Lão thiền sư khoát tay :
-Nếu họ bê bối mà có cái để dạy ông thì chỉ nên nghe họ mà đừng nhìn họ. Nếu họ trong sạch mà dốt nát thì ta nên nhìn họ mà không cần nghe. Nếu tăng ni không có gì để ta nghe hay nhìn thì ông mất thời gian làm gì với thứ lỡ thầy lỡ thợ đó. Vã chăng, Phật Pháp là di sản của Phật để lại cho người cầu đạo, không dành riêng cho tăng ni nào hết. Mình bại liệt hay sao mà đến gia tài của bố để lại cũng phải nhờ người khác làm trung gian ban bố.
Cái mà tăng ni thời này có hơn cư sĩ chỉ là thời gian rỗi rảnh, họ có điều kiện tham cứu hơn. Nếu cư sĩ biết dành thời gian tự học nhiều hơn thì tăng ni chỉ là địa chỉ tham khảo !
Câu chuyện mỗi lúc một sâu và xa hơn, một cậu cư sĩ trẻ tuổi nhìn thiền sư rồi hỏi :
– Xin hỏi người đi chùa ngày một đông và chùa chiền ngày một tráng lệ sao có người lại bảo thời này là đời mạt pháp ?
Lão thiền sư bật cười:
-Tinh thần chánh pháp không thể tính trên số người đi chùa hay số đo chiều cao, chiều rộng của chùa tháp. Hãy chọn bừa một vài người trong biển người đi chùa rồi hỏi họ lý do đến chùa, hay hỏi tăng ni tiết mục nào quan trọng nhất trong các buổi lễ đông đảo, lúc đó ông sẽ thấy chánh pháp chỉ là một khái niệm xa xỉ và viễn tưởng.
Thử hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự tình này ? Câu trả lời có lẽ phải là cả hai phía tăng ni và cư sĩ. Nói rốt ráo thì tăng hay tục đều là khách trầm luân như nhau, cư sĩ có lòng cầu giải thoát thì không thể tự cho mình cái quyền dễ ngươi trong cái gọi là đạo nghiệp tu hành. Mai kia trên giường chết mọi người đều phải một bóng lên đường vào cuộc đi mù mịt của kiếp tử sinh. Nhưng hiếm người cư sĩ thấy ra lẽ này. Vì sao lại thế chứ ?
Bởi từ lâu ngày họ đã được hướng dẫn kín đáo rằng cứ có nhiều tiền thì có thể nhờ người khác hộ niệm, khỏi phải tu học gì hết. Trường hợp thứ ba còn thảm hơn: Cúng dường mạnh tay để quảng cáo bản thân, tính ra rẻ tiền mà hiệu quả hơn việc lên báo, lên đài. Đại khái đời mạt pháp là thời điểm mà hầu hết tăng ni và cư sĩ đều thích mở nhà hàng nhưng thức ăn toàn là đồ hộp, chỉ việc khui ra hâm nóng rồi đặt lên bàn cho khách. Đó không là mạt pháp thì còn chờ lúc nào nữa.
Khách lại hỏi thêm:
-Dám hỏi thiền sư một vài dấu hiệu đặc trưng của đời mạt pháp để chúng con biết mà thêm tinh tấn ?
Thiền sư nhắm mắt một lát rồi nhìn xuống trả lời:
-Đại khái tăng ni không muốn giỏi nhưng thích được khen giỏi, khoái sống như phàm nhưng lại muốn được xem là thánh, coi chùa quan trọng hơn Phật. Về phía cư sĩ, hiếm người đến với tăng ni để học đạo giải thoát. Thường người đến chùa chỉ nằm trong vài ba trường hợp: Do hoàn cảnh mà quen biết tăng ni rồi lui tới như bè bạn, lâu ngày tự nhiên có được nhãn hiệu Phật tử, hoặc xem tăng ni như trung gian giúp họ liên lạc với một cõi trên nào đó để van xin khấn khứa.
Những hướng dẫn sơ sài thiếu trách nhiệm của tăng ni không đáng cho cư sĩ cúc cung tận tụy để hồi đáp. Một người bệnh không có lý do gì phải một đời thờ phụng lang băm. Cái họ cần phải là thuốc hay, thầy giỏi. Một quan hệ thầy trò dựa trên niềm tin mù quáng kiểu đó dễ khiến đệ tử thành ra nô lệ hơn là học trò của thầy, một kiểu nô lệ chung thân không có tiền công và cái họ nhận được chỉ là một xấp vàng mã !
Có câu chuyện đáng buồn này ta đọc được ở đâu đó lâu lắm rồi, mà mỗi lần nhớ lại cứ nghe ngậm ngùi mà ray rức khôn nguôi.
Có đôi vợ chồng nhà kia nghèo khổ cơ cực lắm, còng lưng làm lụng mà vẫn không đủ ăn, đã vậy mỗi ngày còn phải dành ra ít tiền xương máu để trả dần một món nợ lớn mà họ đã vay từ nhiều năm trước. Nhắm sống ở quê nhà không xong, họ dắt díu nhau biệt xứ đi làm thuê ở một chốn xa. Ngày trả xong món nợ kia cũng là lúc họ đã bạc tóc, thân tàn ma dại, người quen ngày nào gặp lại đố mà nhận ra họ là ai. Vậy mà trời xuôi đất khiến, một ngày kia, giữa chốn xứ lạ quê người, hai vợ chồng nghèo kia gặp lại đúng người chủ nợ năm nào. Đó là một người bạn cũ giàu có và tốt bụng.
Người bạn nhà giàu sững sờ nhìn cặp vợ chồng nghèo trong bộ dạng tả tơi ốm đói:
-Sao lại ra nông nỗi nầy chứ, hai người đi đâu mười mấy năm nay, rồi giờ sống ra sao mà ngó thảm quá thế này ?
Hai vợ chồng nghèo nhìn nhau rồi lại nhìn cô bạn giàu có, họ ngập ngừng ngượng nghịu một đổi rồi cô vợ nhìn vào mắt người đối diện:
-Bồ có nhớ chuyện mười mấy năm trước đã cho tui mượn sợi chuỗi ngọc để đi dự tiệc không ?
Cô bạn gật đầu:
– Nhớ chứ, vì hình như sau đó không lâu thì bạn bè kháo nhau là hai người đã mất tích, không ai liên lạc được.
Người thiếu phụ nghèo khổ khó khăn lắm mới có thể nói tiếp:
-Sau đêm đó tụi này làm mất chuỗi ngọc, đến tận giờ cũng không biết nó đã rơi mất ở đâu hay bị ai lấy trộm, nói ra sợ bồ không tin rồi nghĩ quấy.
Cô bạn nhà giàu nóng ruột:
-Rồi sao nữa hả ?
Anh chồng của người thiếu phụ nói thay vợ:
-Tụi tôi cầm cố hết nhà cửa , bán luôn miếng đất hương hỏa rồi mượn thêm chỗ này chỗ kia để có tiền tìm mua một xâu chuỗi ngọc giống hệt của bà để đền lại. Rồi từ đó bỏ xứ đi luôn. Mãi đến gần đây mới trả xong món tiền nợ năm đó. Giờ ra đường thấy ai đeo chuỗi ngọc giống vậy cũng sợ điếng hồn không dám nhìn nữa.
Cô bạn giàu có nghe đến đó thì đưa hai tay ôm đầu kêu trời:
-Úy trời đất, xâu chuỗi tôi cho hai người mượn năm đó là đồ giả, đeo cho vui vậy thôi. Từ lúc mấy người đem trả lại đến nay tôi có bao giờ đụng đến nó nữa đâu. Trời ơi là trời, vậy là tiêu mất một đời của ông bà chỉ vì cái món đồ quỷ đó.
Cả ba người đều khóc, và cả ta nữa, lần đầu đọc được câu chuyện đó cũng nghe xót xa không chịu nổi.
Nhưng câu chuyện đó không phải hư cấu đâu, nó có thật và xảy ra từng ngày trên hành tinh này khi từng bữa trong thiên hạ vẫn có biết bao người phải trả một cái giá thiệt đắt cho những thứ hàng hoá không đáng để họ chạm tay. Đó là những sản phẩm chính trị, tôn giáo, xã hội…được tạo ra từ những động lực như gian trá, ích kỷ, dốt nát, vô cảm, tắc trách mà cái nào cũng độc hết, cái nào cũng để lại những tác hại là hút cạn sinh lực hay khiến người ta hoang phí kiếp nhân sinh một cách oan uổng tức tưởi.
Lão thiền sư đột nhiên trỏ tay lên chiếc đồng hồ trên vách:
-Bốn lăm rồi, hồi nãy ai nói có chuyến tàu lúc 15, rửa mặt uống nước rồi tà tà đi là vừa. Đi mà trả cho xong mấy món nợ đời !
Ông cười hiền khô, rồi đứng dậy vói lấy tay nải, nói mà không nhìn ai trong đám khách:
-Ta có việc phải vào làng, am gần ga, biết đâu lại có dịp mấy người lỡ chuyến tàu mà ghé đây gặp lại.
Dáng người gầy gò của nhà sư già nhanh chóng chìm khuất trong đám lau trắng. Nắng chiều bỗng vàng rực như lửa, có chút gió ở đâu thổi về mang theo cái mùi ngai ngái của một trại bò nào đó. Tiếng còi tàu lửa vang lên từ cuối chân trời. Đám khách rời am và có người vừa đi vừa ngoái đầu nhìn lại đồi lau . Thảo am của nhà sư già không còn ở đó nữa. Nó khuất tầm nhìn của họ hay là nó chưa từng tồn tại…
✍️ Toại Khanh

Nắm và Dựa

 


NẮM VÀ DỰA

Chúng ta luân hồi bởi vì chúng ta luôn luôn có cái để nắm và có cái để dựa. Đây là câu nói rất là quan trọng. Là tại sao ?
Có người thích tiếng, có người thích tiền, người thích tình, có người thích quyền lực, có người thích phước báo, có người thích trí tuệ, có người thích thiền định v.. v. Nhưng mà có cái thích thì còn có cái chỗ dựa thì chúng ta còn có luân hồi.
Nhiều lần và rất nhiều lần Đức Phật kể chuyện quá khứ : “Này các Tỳ Kheo trong nhiều đời quá khứ dầu là một người cư sĩ có đầy đủ tiền bạc, tình cảm hay là người xuất gia chứng đắc được thiền định thần thông, ta luôn luôn thiết tha đi tìm một cái gì thật sự có cốt lõi. Nhưng mà cái sau cùng mà ta thấy được chỉ là những cây chuối mà thôi“.
Các vị có biết cây chuối không ? Cây chuối mình lột từng bẹ từng bẹ ra thì nó còn cái gì ? Chỉ còn lại là hư không thôi. Nó sâu sắc ở chỗ đó. Cho nên Ngài nói là người cư sĩ có tiền có tiếng có quyền, là một người xuất gia có thần thông, có giới hạnh có thiền định, và ta luôn luôn thiết tha đi tìm cái gì đó có cốt lõi để nắm để dựa. Cái nhận thức đó là cái nhận thức của phàm. Nhưng mà kiếp cuối cùng ở gốc bồ đề khi mà Ngài phát hiện ra là không có gì để nắm để dựa vì tất cả là Danh và Sắc là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Kiếp cuối cùng này ngài trở thành vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Là vì sao ? Vì cái thấy này mới là cái thấy rốt ráo. Tất cả đời sống này chỉ để buông thôi. Nên nhớ ! Cho nên Niệm là gì ? Niệm là mình bỏ dần các thói quen buông, không có tiếp tục nắm nữa.
Các vị có biết ghét cũng là một cái nắm. Không phải mình thích mình thương mới là nắm, mả mình ghét cũng là một kiểu nắm. Tiếng Việt mình có chữ ghim, thí dụ mình nói có một câu mà ổng ghim trong bụng thì cái ghim này được gọi là nắm. Tôi giảng cho đám đông cũng giảng cho mấy người ở xa nghe, tôi phải nói dài dòng. Nhưng tôi mong một ngày nào đó mà trước mặt tôi là một hội chúng không cần đông tôi nói tắt cũng hiểu. Thí dụ tôi nói là Tứ Niệm Xứ nên chú trọng Niệm trước rồi Tuệ sau nói như vậy là hiểu. Thì khi có cái Niệm ngon lành rồi thì tự nhiên Tuệ nó thành tựu chứ không cần phải lo lắng cái gì hết. Khi tôi ghét một người cũng có nghĩa là tôi tìm cách giữ họ lại trong lòng tôi. Khi tôi thương ai đó cũng có nghĩa là tôi giữ người đó lại trong lòng của tôi. Cho nên Chánh Niệm trong Tứ Niệm Xứ là gì ? Có nghĩa là dần dần từng bước từ bỏ thói quen nắm và dựa chỉ vậy thôi. Còn có chỗ nắm thì còn có chỗ dựa. Còn chỗ nắm, còn chỗ dựa là chúng ta không thể nào ra khỏi chiếc tàu đang chìm.
Sư Toại Khanh

Cái chết

 


CÁI CHẾT

SỐNG TRONG ĐỜI SỐNG NÀO ĐI NỮA THÌ QUÍ VỊ CŨNG TẬP MỘT ĐIỀU ĐÓ LÀ LÀM QUEN VỚI MỌI THỨ TRONG ĐỜI SỐNG. NÓ ĐẮNG HAY NGỌT THÌ CŨNG PHẢI LÀM QUEN ĐỂ MAI NÀY TRÊN GIƯỜNG CHẾT TRONG TÌNH HUỐNG NÀO CHÚNG TA CŨNG CÓ THỂ RA ĐI.

Hồi đó tới giờ mình cứ tưởng thân này là của mình, nhưng nếu quí vị sống chánh niệm một thời gian đặc biệt là tu đề mục hơi thở thì quí vị sẽ thấy nhiều chuyện lạ lắm.
Quí vị ngồi xếp bằng và tâm quí vị lắng xuống, sẽ nghe đau, ngứa, mỏi, khó chịu toàn thân vì từ xưa tới giờ thân nó luôn là như vậy. Nhưng vì mình thất niệm, mỗi lần mình nghe nó hơi kỳ là mình đổi tư thế khác. Chính vì thay đổi tư thế oai nghi cho nên nó che mất bản chất đau khổ của tâm thân .
Khi quí vị ngồi yên lại tập trung hơi thở hít ra biết ra, vào biết vào, chỉ theo dõi quan sát một cách bình thản nhẹ nhàng không điều khiển, không tham gia tham dự. Thì khi để nó tự vào tự ra, quí vị sẽ thấy nhiều điều thú vị :
1- Thì ra thân này không phải là của mình, vì nếu nó là của mình thì mình có thể điều khiển nó đừng đau nữa, và sẽ làm cho nó dễ chịu hơn. Thân này nó do duyên mà có và mai này nó cũng do duyên mà rã tan và mất đi .
2- Hơi thở nó không phải là của mình, mình có ý điều khiển, nhưng vì nó không phải của mình cho nên nó ra hết mức thì tự nó đi vào. Thậm chí khi ngủ mình không biết gì hết nó cũng tự động vào ra. Điều đó cho thấy thân này do duyên mà nó hoạt động chứ không ai điều khiển nó .
Và sống trong đời sống nào đi nữa thì quí vị cũng tập một điều đó là làm quen với mọi thứ trong đời sống, nó đắng hay ngọt thì cũng phải làm quen để mai này trên giường chết trong tình huống nào chúng ta cũng có thể ra đi. Thí dụ như trên giường chết chúng ta thấy ảo ảnh hoang tưởng, thấy bà con quyến thuộc xa gần, thấy tiên đồng ngọc nữ chung quanh, lòng không khởi tâm tham và vẫn tiếp tục chánh niệm. Hoặc lúc thấy lửa cháy đầu trâu mặt ngựa ma quỷ lông lá tanh hôi máu mủ, thì lòng cũng không sợ hãi cứ chánh niệm ghi nhận : thấy biết là thấy, sợ biết là sợ. Giây phút cận tử rất là quan trọng. Cái ghê gớm nhất là giây phút cận tử chúng ta sợ hãi .
Có ba cái chết :
1- Cái chết của người Liễu Đạo. Là cái chết của bậc thánh ra đi trong sự thanh thản mĩm cười, biết duyên tới rồi thì bỏ đi .
2- Cái chết của người Hiểu Đạo . Không được thanh thản như thánh nhân tức có học đạo, có hành trì, nhưng sẽ ra đi trong sự chán chường. Vì thân này đã già, cũ, đau nhức, xấu xí, bây giờ đã đến lúc phải buông nó đi qua một hành trình mới. Chết không phải là sự kết thúc mà là là sự bắt đầu .
3- Cái chết của người Vô Đạo ( không hiểu đạo ). Ra đi trong sự sợ hãi và tiếc nuối luyến lưu. Đây là cái chết rất đáng ngại .
Sư Giác Nguyên

Ngũ căn: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ

 


5 SỨC MẠNH TÍN TẤN NIỆM ĐỊNH TUỆ.

TÍN,TẤN, NIỆM, ĐỊNH,TUỆ .NĂM SỨC MẠNH NÀY RẤT CẦN THIẾT. VÌ KHÔNG CÓ NÓ, CHÚNG TA KHÔNG ĐỦ LỰC ĐỂ ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG HÀNH ĐẠO. NẾU THIẾU, CHÚNG TA CHỈ LÀ NĂM CÁI XÁC CHƯA ĐƯỢC CHÔN, LÀ NHỮNG BỆNH NHÂN TÀN PHẾ TẬT NGUYỀN CHỜ CHẾT ĐỂ ĐI QUA KIẾP KHÁC .

1-CHÁNH TÍN
Chánh tín là tin vào những điều sau đây :
-Vạn sự ở đời do duyên mà có, có rồi phải mất .
-Tin rằng không có một tư tưởng, hành động, lời nói nào của chúng ta mà không để lại hậu quả dầu thiện, dầu ác, dầu ít, dầu nhiều. Như một cái búng tay, hấy, nguýt, lườm, liếc ..v....v .Mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với tất cả những gì nói, làm và suy nghĩ .
-Chúng ta tin rằng hạnh phúc thật sự chỉ đến từ sống chánh niệm, trí tuệ, chứ hạnh phúc không thể đến từ tham, sân, si dầu trực tiếp hay gián tiếp. Thí dụ tu tập thực hiện các hạnh lành với cái lòng mong đợi sanh về các cõi này cõi kia, về mặt gián tiếp rõ ràng chúng ta làm lành bằng tâm tham, mong cầu trông đợi quả dị thục. Đó không phải là con đường dẫn đến cứu cánh an lạc tuyệt đối. Cứu cánh an lạc thật sự phải đến từ Tứ Niệm Xứ, từ con đường hành trì, vì nền tảng của trí tuệ và hành trì của người Phật tử phải y cứ trên trí tuệ 4 Đế. Thấy rằng mọi sự ở đời là khổ, thích cái gì cũng là thích trong khổ, muốn hết khổ thì đừng thích trong khổ nữa, sống trong ba nhận thức trên đây đó chính là con đường thoát khổ .
2-TẤN
Là sự nỗ lực cố gắng của mình trong cả ác và thiện, nên tránh ác và hành thiện.
3-NIỆM
Chính là sự tỉnh thức bằng chánh niệm ngay khi chúng ta thực hiện đời sống đó. Niệm ai cũng có ,người không biết Phật pháp họ cũng có tâm sở niệm nhưng tâm sở niệm đó cũng chỉ để cho họ làm việc trong đời sống như: đi đứng nằm ngồi có sự cẩn trọng đó cũng gọi là niệm nhưng đó không phải là chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Chánh niệm của Bát Chánh Đạo hoặc 37 phẩm bồ đề, cái niệm của hành giả tu tập hướng đến cứu cánh giải thoát mới được gọi là chánh niệm .
4-ĐỊNH
Là khả năng tập trung tư tưởng. Định ở đây có 3 cấp :
Cấp 1: Sát na định là khả năng tập trung tư tưởng trong từng khoảnh khắc.Thí dụ lúc đang làm bếp, lái xe, làm vườn .
Cấp 2: Cận định là giai đoạn trình độ tập trung của người sắp đắc Sơ, Nhị, Tam, Tứ, Thiền .
Cấp 3: Kiên cố định là tính từ Sơ thiền trở lên. Từ Sơ thiền trở lên nó độc đáo ở chỗ là nếu mình tiếp tục giữ không để cho mất, thì sau khi mình chết mà chưa chứng quả thánh thì mình sẽ tái sanh về cảnh giới Phạm thiên tương ứng với tầng thiền mà mình đã giữ được .
Thí dụ như mình đắc được Sơ thiền mà mình giữ được cho tới lúc mình chết thì sẽ sanh về cõi Sơ thiền, đắc được tứ thiền sắc giới mình giữ được cho tới lúc chết thì sẽ sanh về cõi tứ thiền sắc giới.Sống mãn thọ ở đó rồi quay trở về đây mọi sự như cũ, tiếp tục làm người, trời, trùng, dế, heo, bò, trâu, chó ..v.v. Dòng chảy luân hồi nó là một sự quẩn quanh trong vòng tròn khép kín .
Và cũng phải nói thêm trong trường hợp tu tập mới gọi là sát na định, cận định và kiên cố định. Còn người không có tu thiền dĩ nhiên là không có cận định và không kiên cố định gì hết, họ chỉ có khả năng tập trung tư tưởng trong từng phút, đó được gọi là tâm sở định chứ không phải là sát na định .
5-TUỆ
Trí gồm có 3: Văn , tư và tu
-Trí văn là những kiến thức có được do mình nghe, học .
-Trí tư là khả năng trí tuệ có được từ suy tư, nghiền ngẫm, thấm thía, tiêu hoá, gặm nhấm .
-Trí tu có được là nhờ tu tập samatha và Vipassana .
Samatha là trí tụê của người đắc định, đắc thần thông, thấy biết được những chuyện mà người khác không biết được .
Người không biết đạo thì không có trí tu, không thể có tuệ quán. Nếu họ tu tập thiền định thì họ chỉ tu tập samatha. Họ cũng có trí, cái gọi là trí văn trong kiến thức của họ không có giáo lý, họ chỉ biết chuyện đời thôi, và chính vì họ chỉ biết chuyện đời cho nên trí tư của họ cũng chỉ quẩn quanh trong chuyện đời .
Đối với giáo lý Phật pháp nếu buổi đầu mình chỉ có trí văn thì đừng coi thường, vì trí văn là nền tảng cho 2 trí sau. Có học rồi thì mới có dịp thấm thía, tiêu hoá, có học giáo lý thì khi trau dồi trí tu nó mới vững vàng. Chứ mình vô nghe một số thầy bà phán “ học chi cho nhiều kiếp người ngắn ngủi, cho con một đề mục, tập trung tu đi con .” . Nghe thì hay đó nhưng có một lúc quí vị sẽ ngộ ra một điều: kiến thức giáo lý ít quá chúng ta sẽ gặp một tỉ vấn đề ,đang ngồi thiền nó nảy ra chuyện này chuyện kia mình không biết đó là cái gì, hoặc nghe ai hỏi mình ngọng không biết trả lời rồi đâm ra hoang mang nghi hoặc . Chứ đừng tưởng vô đạo tập trung ngồi thiền là hay. Cho nên phải có giáo lý bởi vì trong kinh nói rõ một người biết đạo có giáo lý giống như người đi đường phải có kim chỉ nam, la bàn, bản đồ, hải bàn. Phải có cái đó thì mới theo đó mà đi và phải đi bằng đôi chân của mình .
Một người biết Phật pháp lâu ngày, hôm nay cái biết đó chỉ là cái biết sách vở từ chương ,chỉ là con mọt sách, nhưng ngày mai cái biết đó lại là nền tảng hỗ trợ đắc lực cho chuyện suy tư tu tập. Rốt ráo của người tu trí tuệ phải ở mức 3 cái này mới được, phải có một ngày anh thấy mọi thứ vô thường bằng chính sự cảm nghiệm của anh, chứ không phải anh thấy trong kinh, hoặc nghe tăng, ni nói như vậy. Tôi ví dụ : hít vô, thở ra biết rõ, lúc đầu không thấy gì ghê gớm, nhưng sẽ có một ngày mình thấy rất lạ, toàn bộ đời sống của mình chỉ gồm có 2 phần là thân và tâm, thân của mình nó toàn là vô số tế bào phân tử trong đó, chỉ cần một chút trở ngại là bệnh, trở ngại nhiều hơn nữa là chết. Còn tâm của mình chỉ là nắm cát, là chỗ tổng hợp thiện ác buồn vui nói gọn, nói rộng nó còn biết bao nhiêu là tâm sở trong đó. Nó thiếu cái này thì nó là tâm ác mà dư cái kia thì nó được tâm thiện. Như vậy thấm thía này là của hành giả chứ không phải cái biết đơn giản trên mặt giấy của người học đạo, mà cái này là của người hành đạo, liễu đạo. Trí này mới đủ cho mình cắt đứt phiền não .
Tôi nói lại một lần nữa: kiến thức từ chương không đủ cho ta cắt đứt phiền não chứng ngộ thánh trí, nhưng nếu không biết thì lấy cái gì mà hành trì .
Người không biết đạo cũng có đủ tín tấn niệm định tuệ, nhưng tín đa phần là tà tín, mà tà tín tin tầm bậy thì những nỗ lực của mình nó là tà cần. Niệm cũng vậy bản thân niệm không phải là xấu mà niệm nó có mặt trong lòng một người không biết đạo chỉ biết sống bất thiện thì họ vẫn có niệm nhưng không được gọi là chánh niệm, đó gọi là tà niệm . Mặc dù tính theo tâm Sở nó nằm bên phần tịnh hảo nhưng nó được sử dụng trong đời sống và hành động của một người bất thiện. Nó cũng giống như con dao, có lúc mình gọi nó là dụng cụ đầu bếp, có lúc mình gọi nó là hung khí, tang vật .
Năm sức mạnh này tại sao cần thiết ? Là bởi vì không có nó chúng ta không đủ lực để đi trên con đường hành đạo, nếu thiếu, chúng ta chỉ là năm cái xác chưa được chôn, là những bệnh nhân tàn phế tật nguyền nằm chờ chết để đi qua kiếp khác. Chỉ người nào có đủ 5 cái này mới được gọi là người có sức khỏe tinh thần và tâm linh. Đủ để sống đời, sống đạo một cách ngon lành, đủ dấn bước trên con đường giải thoát.
Đây là lý do vì đâu mà Đức Phật dạy đây là năm nguồn sức mạnh. Năm nguồn sức mạnh này khi nó được kiện toàn phát triển đúng mức đầy đủ thì nó cho mình sức mạnh thánh trí. Có đủ 5 cái này mình mới được gọi là đủ sức đi trên con đường giải thoát và đến được mục đích mình đã đặt ra .
Sư Giác Nguyên