Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Tư trong việc từ thiện ***



 TÂM TƯ

Khi thực hành hay trau dồi việc thiện, luôn nhớ đến sự suy nghĩ, tư duy và tác ý trong ba giai đoạn: trước khi làm (Tư Tiền), trong khi đang làm (Tư Hiện), và sau khi làm xong (Tư Hậu). Nếu có sự tư duy chân chính trong cả ba giai đoạn và có Trí trong việc làm Thiện, thì hưởng được quả phước trọn vẹn, viên mãn.

TƯ TIỀN:
Là sự tư duy hay khéo tác ý khi-chuẩn-bị vào một việc thiện. Tư Tiền là việc đầu tiên phải có, vì nếu có sự tư duy chín chắn, hiểu rõ tại sao thực hiện việc thiện này, và sự lợi ích của việc thiện này như thế nào, thì việc thiện được chuẩn bị rất chu đáo với tâm thành hoan hỷ. Do đó không bị sai lệch khi chúng ta bắt tay vào thực hiện việc thiện. Sự hoan hỷ, an lạc, nhiệt tâm, và sáng suốt này là nguyên nhân tạo ra quả phước hoàn mãn cho sự khởi hành.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, mỗi khi làm một việc gì chúng ta cũng phải suy nghĩ về công việc mình sẽ làm, làm như thế nào, làm với tác ý gì, tại sao phải làm, và làm thì sẽ đem lại kết quả ra sao. Một khi đã tư duy và hiểu rõ tận tưởng những câu hỏi trên, sự chuẩn bị sẽ tốt hơn, và như thế việc làm và kết quả được mỹ mãn hơn.
TƯ HIỆN
Là sự tư duy, suy nghĩ, và tác ý trong việc thiện đang-trong-lúc thực hiện việc thiện. Tác ý thiện, hoan hỷ, và nghĩ đến sự lợi lạc và quả Phước do thực hiện việc thiện này.
Tư Hiện là một đức tin, tịnh tín trong sạch đang khi làm việc thiện, làm việc thiện không để tham cầu danh và lợi. Mượn cảnh để làm việc thiện, vun bồi phước báu ngõ hầu giải thoát, niết-bàn.
TƯ HẬU
Là sự tư duy, suy nghĩ, hay tác ý sau-khi-hoàn-tất một việc thiện. Tư Hậu là sau mỗi việc thiện đã làm, vẫn tiếp tục hoan hỷ, vui vẻ, không hối tiếc, không sân hận, hay khó chịu, cho dù với kết quả không được như ý. Nên giữ tâm thiện xuyên suốt từ lúc phát tâm (Tư Tiền) làm việc thiện, đến khi thực hiện việc thiện (Tư Hiện), và sau khi hoàn tất việc thiện (Tư Hậu).
Nếu không giữ được xuyên suốt tâm ý thiện trong ba giai đoạn Tư Tiền Tư Hiện Tư Hậu thì Phước báu không được tròn đầy. Nếu sự hối tiếc, sân hận do thực hiện việc thiện kéo dài thì quả phước không có, mà còn tạo thêm nghiệp bất thiện. Như thế hóa ra làm việc thiện mà tạo Nghiệp báo, thay vì Phước báu.
Cho nên hãy ghi nhớ, cho dù việc thiện có thành tựu, hay không được thành tựu mỹ mãn, nên luôn ghi nhớ giữ gìn tâm ý cho được tịnh hảo. Quan trọng hơn nữa là biết quán xét Tam tướng về vô thường, khổ, vô ngã của một việc thiện hay của tất cả các pháp.
VÍ DỤ VỀ TƯ TIỀN: Có một nhóm đạo hữu đang giúp cho những nạn nhân lũ lụt ở Việt Nam, họ kêu gọi sự đóng góp của bạn. Bạn không có sự dự tính trước về việc làm này, nó xảy ra một cách đột ngột, và như vậy thì làm sao để bạn có được quả phước Tư Tiền? Một cách khéo tác ý trong trường hợp này là trước khi nhận lời làm việc thiện để giúp lũ lụt, bạn hoan hỷ tán thán việc thiện đang được thực hiện và nói rằng: “Thật là phước báu đầy đủ cho các việc mà anh chị đã làm, xin cho được chia vui và quả phước báu này với các anh chị” Hay chỉ nói ngắn gọn là "Amumodana!". Phải hết sức thành tâm, thành ý và chân thật hoan hỷ với việc làm thiện ấy. Khi suy nghĩ và “Anumodanā Phước Báu Đầy Đủ, Tùy Hỷ Công Đức” như vậy là bạn đã tạo được Phước Tư Tiền. Cũng do vậy, bạn đã được một thiện nghiệp về Ý và một thiện nghiệp về Khẩu. Thêm vào đó bạn chia sẻ niềm vui và tạo thêm tinh thần, khích lệ cho các việc thiện được phát sinh và tăng trưởng. Ngay đó, bạn đã thực hiện một Tứ chánh cần (việc thiện đã làm, thì làm cho phát triển). Do đó qua việc tán thán “Anumodanā" với việc làm thiện của người và mình, bạn đã được phát sinh nhiều phước báu.
Vấn đề này hoàn toàn đơn giản đối với những người thường làm việc xả thí, dễ cho ra, và sẵn lòng giúp đỡ người gặp nạn, nhưng không phải dễ đối với người không muốn cho ra, không thường quen xả thí. Trong trường hợp này, nên tư duy và hiểu rằng: việc cho ra, xả thí là một việc làm thiện để đối trị tánh tham lam, bỏn xẻn; làm việc thiện này để tạo phước báu, và giúp đỡ người gặp nạn. Do đó người ấy chịu thay đổi bản tính, thói quen, và đóng góp giúp đỡ những nạn nhân bị lũ lụt. Như thế, tâm người ấy được thay đổi từ bất thiện sang thiện. Và vì vậy họ đã thực hiện được Tư Tiền, và Tư Hiện.
Tư Tiền có Trí là nhận thấy được sự vô thường, khổ, vô ngã trong mọi sự việc. Thiên tai, lũ lụt, làm cho người đang có cuộc sống bình thường phải chịu cảnh khổ đau (vô thường), mất hết tài sản (khổ), không giữ được sự quân bình cho mình (vô ngã). Sự vô thường, khổ, vô ngã xảy ra cho bất cứ một ai, chứ không riêng gì với những nạn nhân đang cần sự giúp đỡ. Cũng nên thấy được sự Vô Ngã là ta không tự chủ được tạo hóa, không tự chủ được cuộc sống, không giữ được tài sản tạo ra một khi vô thường xảy đến.
VÍ DỤ VỀ TƯ HIỆN:
-Khi mở ví lấy tiền giúp đỡ nạn nhân lũ lụt, thì tâm nên hướng về những người đang bị hoạn nạn, thành tâm nguyện cho những điều tốt lành đến với họ (ví dụ như nguyện cho họ bớt khổ đau, thân tâm được an lạc, có tinh thần và sức mạnh để vượt qua mọi điều bất như ý, và mau chóng bình phục). Khi nguyện được như thế là bạn đã có tác ý vào việc thiện, và tạo thêm một tác ý thiện, chứ không phải làm như một theo thói quen, hay một cách máy móc. Cũng đừng nên quên nguyện “Nguyện làm nhân đến Đạo Quả niết-bàn.”
Chính vì biết hướng tâm về sự lợi ích của việc thiện, sẽ giúp cho bạn nhận thức được giá trị của việc mà bạn đang làm. Do đó quả phước Tư Hiện được viên mãn.
Điều quan trọng là, nên thực hành tư duy, suy nghĩ đến kết quả, sự thành tựu của việc thiện (gọi là Cảnh Nghiệp Tướng), hơn là tư duy đến việc thiện (Cảnh Nghiệp). Nghiệp Tướng tạo sự hoan hỷ, là hành trang, tư lương cần thiết và quan trọng cho những người đang trong thời gian trị bệnh, và đang lúc cận tử lâm chung.
- Khi làm một món thực phẩm để cúng dường đến chùa hay đến những bữa tiệc, hãy vui vẻ và thành tâm hướng về tất cả chúng sanh mà nguyện rằng, nguyện cho con và tất cả những ai dùng thực phẩm này được an vui và hạnh phúc, dứt mọi điều phiền não và mọi điều như ý nguyện mong cầu. Khi đã nguyện được như vậy thì bảo đảm thức ăn của bạn được ngon lắm, không hẳn ngon là do bạn nấu giỏi, mà ngon vì sự hạnh phúc và sự an vui của bạn đã đem đến qua các món thực phẩm.
VÍ DỤ VỀ TƯ HẬU:
Sau khi đóng góp cho nạn nhân bị lũ lụt ở Việt Nam, giả sử bạn được biết rằng món tài vật đó không đến được tay của người cần nhận, bạn không nên hối tiếc, hay bực mình. Vì nếu hối tiếc, hay bực mình (sân hận) với việc thiện đã làm thì quả phước của Tư Hậu không được tròn đầy.
Kết quả của việc thiện không được thành tựu mỹ mãn càng làm cho bạn nhận thấy rõ được sự vô thường, khổ, vô ngã trong mọi pháp của thế gian. Sau đây là một vài tư duy về Tam tướng việc thiện đã thực hiện:
+ Một việc thiện tạo ra do bạn bè kêu gọi, nay đã hoàn tất (vô thường)
+Một việc thiện được thực hiện, nhưng không có kết quả mỹ mãn (khổ)
+ Một việc thiện đã làm nhưng không tự chủ được sự thành tựu, hay không thành tựu (vô ngã).
Nếu có đầy đủ ba điều Tam Tư cùng với Trí khi hành một việc xả thí, hay làm một việc thiện, thì được quả phước tròn đầy. Tam Tư không khó thực hành, nếu có sự tu tập tỉnh giác, và chánh niệm thường xuyên. Và nếu thường xuyên thực hành thì sẽ trở thành quen thuộc. Cuộc sống tâm linh của quí vị được tăng trưởng, trở nên từ ái, vui vẻ.
Sự hiểu biết về Tam Tư này không dừng lại ở cách thực tập làm việc thiện, làm với tác ý khôn khéo, mà còn nhằm tạo thắng duyên trên con đường tu tập, uốn nắn và thanh lọc tâm 1y, trau dồi cho tâm có sự ghi nhận, tỉnh thức, biết hướng về ý thiện và thực hành điều thiện làm cho cuộc sống an vui hạnh phúc. Quan trọng hơn hết là nhận thấy được Tam tướng vô thường, khổ, vô ngã trong mọi việc thiện để không bị dính mắc, tham ái (làm thiện chỉ để lấy tiếng tăm, danh lợi hay bản ngã).
* Luôn ghi nhớ:
-Tâm là quan trọng, thanh lọc tâm để vượt qua bất thiện khi kết quả không như ý.
-Thực hiện việc thiện và nhận thấy sự vô thường, khổ, vô ngã.
-Việc thiện chỉ là phương tiện, còn cứu cánh là niết-bàn -- giải thoát mọi sự chi phối bởi vô thường, khổ, vô ngã.
Ví dụ, một người thường xuyên phát tâm ấn tống kinh sách, truyền bá lời dạy của Đức Phật, người này có những cách để tư duy như sau:
-Nếu người này suy nghĩ và ghi nhớ rằng họ đã thực hiện được nhiều việc thiện ấn tống kinh sách, và do đó sinh ra dính mắc vào việc làm. Đó gọi là nhớ nghĩ, tư duy về Cảnh nghiệp.
-Nếu người này suy nghĩ và hoan hỷ rằng việc ấn tống kinh sách và những lời Phật dạy tạo quả phước cho họ và cho mọi người phát triển tăng trưởng trí tuệ, để tu tập được sự an vui và giải thoát, tư duy như vậy gọi là tư duy về Cảnh nghiệp tướng.
-Nếu người này tư duy rằng, thực hiện mọi việc thiện là tạo quả phước báu cho họ, và làm lợi lạc tăng trưởng trí tuệ cho mọi người; nhưng thấy được rằng mọi việc thiện hay mọi pháp ở thế gian đều bị chi phối bởi Tam tướng vô thường, khổ, vô ngã, người ấy phát nguyện, quả phước báu có được do sự tu tập làm nhân thành đạo quả niết-bàn, giải thoát sự chi phối của Tam tướng.
#SưSánNhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét