Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

Bỏ thân sanh tử

 


MUỐN BỎ THÂN SANH TỬ, BẬC HIỀN GIẢ PHẢI TÍCH CỰC ĐOẠN TẬN HAI TẬP KHÍ GÌ ?

Thế gian luôn nằm trong lẽ tương đối. Có tối ắt có sáng, có sự lao lung đọa đày thì tất phải có một trạng thái tịch nhiên giải thoát. Điều đó từ vô thuỷ đến vô chung vẫn đương nhiên là một quy luật. Do vậy, trong thân sanh tử mà lại tầm cầu một cứu cánh bất tử thì đó không phải là một điều bất khả thực hiện.
Như đã nói, nếu thân sanh tử này là cội cây, thì Tham Ái, Vô Minh chính là gốc rễ của nó. Muốn bỏ thân sanh tử, bậc hiền giả trước hết phải tích cực gia công đoạn tận hai pháp tập khí căn bổn ấy. Vắng mặt chúng, tấm thân sanh tử sẽ đổ gục. Như Ngài Anuruddha cũng đã viết trong Abhidhammatthasangaho, phần giảng về Duyên Khởi : “Tesameva ca mūlānam nirodhena nirujjhati : Một khi hai yếu tố cội rễ của dòng luân hồi bị phá vỡ thì lập tức dòng luân hồi cũng được chận đứng.”.
Đốn cây thì phải tận gốc, ngăn nước thì phải tận nguồn. Trong chuyện tu hành giải thoát, phương châm này vẫn chính xác. Để nhấn mạnh điều này, trong Trung Bộ Kinh (bài Ái Tận) chính Đức Phật đã tuyên bố “Avijjāyatyveva asesavirāganirodhā sankhāra-nirodho:.. Từ sự tịch diệt của Vô Minh sẽ là sự tịch diệt của Hành..” Và trong Dhammapada câu 338, Ngài lại một lần nữa xác định tính chất tập khí của Tham Ái :
Yathāpi mūle anupaddave dalhe
Chinnopi nikkho punareva rūhati
Evampi tanhānusaye anūhate
Nibbattati dukkhamidam punappunam
“Như một cội cây chưa bứng tận gốc rễ, hay nói cách khác cội rễ của nó còn bám chặt vào đất thì dù có chặt đến mấy đi nữa cây vẫn tiếp tục hồi sinh. Cũng vậy, khi nào Tham Ái tiềm tàng chưa được đoạn tận, thì cho đến khi ấy nỗi khổ sanh tử vẫn cứ mãi tiếp diễn”.
Tác phẩm: Tìm Hiểu Triết Học Phật Giáo
Dịch Giả : Tỳ Kheo Giác Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét