ÁI LÀM DUYÊN CHO KIẾN THỦ
Như đã nói, Kiến Thủ là tất cả những Tà Kiến nào ngoài ra Giới Cấm Thủ và Ngã Chấp Thủ. Còn tham ái ở trường hợp này cũng là sự thích thú trong các cảnh, hoặc Nội Phần hoặc Ngoại Phần. Cảnh Nội Phần là những gì thuộc về bản thân, không liên hệ gì với chính mình bất luận là chúng sanh hay vật vô tri. Sau đây là trường hợp điển hình cho vấn đề Ái trợ sanh cho Kiến Thủ :
Xưa kia, tại kinh thành Mithilā xứ Videha có một nhà vua tên là Aṅgati, vị nguyên soái của vua tên là Alāta. Một hôm, nguyên soái Alāta đưa vua đến gặp sư phụ của mình là du sĩ lõa thể Guṇa. Vua hỏi du sĩ này là làm thế nào để được sanh về thiên giới. Du sĩ Guṇa trả lời rằng cần gì phải bận tâm đến điều đó bởi tất cả những gì mà người ta vẫn gọi là thiện nghiệp hay ác nghiệp chẳng qua chỉ là những hư ngữ nói để nói mà thôi, dù làm lành hay làm ác gì thì cũng chẳng có quả dị thục. Bất luận là kẻ ngu hay người trí, sau 84 ngàn Đại Kiếp sanh tử luân hồi rồi thì tự nhiên mọi người sẽ được thanh tịnh và Níp-bàn như nhau сả.
Khi nghe tới đây, nguyên soái Alāta liền gật đầu đồng ý và bảo rằng, du sĩ Guṇa đã nói rất đúng bởi theo nguyên soái nhớ lại được thì kiếp trước đó ông đã là một đồ tổ chuyên giết trâu bò, thế mà trong hiện tại chẳng những không bị sa đọa mà còn được sanh làm một vị nguyên soái quyền uy tột bực. Trong Kinh giải thích rừng nguyên soái Alāta là người có trí nhớ được kiếp trước nhưng không nhớ nhiều, ông chỉ nhớ được một kiếp thay vì nếu nhớ nhiều hơn thì ông sẽ biết rằng cách đó hai kiếp sống, dưới thời giáo pháp đức Phật Ca-Diếp ông đã cúng dường tháp thờ xá-lợi nên kiếp này được làm nguyên soái, còn ác nghiệp giết bò trong kiếp trước đây thì chưa trò quả kịp. Thế là ông yên chí rằng làm thiện làm ác gì cũng không có quả báo dị thục.
Lúc đó một anh nô lệ ngồi bên cạnh nghe nguyên soái nói thế bèn bật khóc và bảo rằng ông được may mắn như vậy, chớ tôi còn cay đắng hơn nhiều, kiếp trước tôi là một nhà triệu phú giàu có, suốt đời gìn giữ giới hạnh thế mà bây giờ phải đem thân đi làm nô lệ cho người khác. Tôi đã nỗ lực sống thiện để làm gì chứ, tất cả chỉ là viễn vông vô ích thôi, nghĩ tới đó tôi không thể cầm được nước mắt.
Trong Kinh ghi rằng anh nô lệ này cũng chỉ nhớ được một kiếp như nguyên soái Alāta, nên anh ta đâu biết rằng cách đó mấy kiếp dưới thời kỳ đức Phật Ca-Diếp anh ta đã sanh làm một người chăn bò. Rồi ngày nọ, bầy bò của anh ta đi lạc trong rừng, anh ta đi vào đó tìm. Lúc ấy có một vị tỳ-kheo cũng bị lạc đường, thấy có người, vị tỳ-kheo liền tới hỏi. Anh ta chẳng thèm trả lời. Vị tỳ-kheo năn nỉ mãi, anh ta bực mình buông lời gắt gỏng: “Người gì mà tới đường xá cũng không biết, ngữ này thì có nước đi làm đầy tớ cho người ta chớ làm gì được”.
Trong kiếp làm triệu phú, anh ta đã giữ giới trong sạch nhưng thiện nghiệp đó chưa kịp chín muồi thì quả xấu của câu nói bất kính kia đã trổ quả trước nên kiếp này anh ta phải làm nô lệ. Vì không nhớ được mấy kiếp trước đó, anh nô lệ mới nghĩ rằng du sĩ lõa thể Guṇa nói đúng.
Nghe xong câu chuyện của mọi người, vua Aṅgati càng tin chắc rằng hành động thiện ác không có quả báo. Sau khi về cung, ông không tiếp tục cứu tế chẩn bần như trước nữa mà đêm ngày chỉ biết ăn chơi sa đọa. Công chúa của vua là người hiền trí cũng không thể nhắc nhở được. Cuối cùng phải đích thân Bồ-tát, lúc đó là Phạm Thiên, xuống cảnh tỉnh cho vua, vua mới chịu bỏ Tà Kiến ấy.
Qua câu chuyện trên đây, nếu xét cho cùng, ta sẽ thấy rằng Tà Kiến của các nhân vật trong đó đều bắt nguồn từ sự khao khát dục lạc, lấy sự sung sướng làm tâm điểm cho nhận thức về vấn đề nghiệp báo. Đó là Ái trợ sanh cho Kiến Thủ vậy.
Tác phẩm: Tìm Hiểu Triết Học Phật Giáo
Dịch Giả : Tỳ Kheo Giác Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét