Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Thánh tăng Ajahn Chah chia sẻ cách Ngài tu tập! ***

 


Thánh tăng Ajahn Chah chia sẻ cách Ngài tu tập!

☘️🌸🧘
....
Vậy đó, tôi kể vài chuyện ngắn gọn về cách tôi đã tu. Tôi không có nhiều trí thức. Ngày xưa tôi cũng không được học hành gì nhiều. Giờ cái tôi học là trái tim này và tâm này của tôi, và tôi học theo một cách tự nhiên thông qua thực nghiệm, thông qua rút kinh nghiệm từ những chỗ tu đúng, tu sai. Khi tôi thấy thích điều gì, tôi xem xét coi điều gì đang xảy ra và nó sẽ dẫn đến đâu. Rõ ràng tôi thấy nó lôi tôi đi xa đến chỗ khổ đau. Việc tu của tôi là quan sát chính bản thân mình. Khi sự hiểu biết và sự nhìn thấy rõ ràng (minh sát) càng được sâu sắc hơn, tôi càng đi đến biết rõ về chính mình hơn.
Tu với một sự tận tâm bất thối chuyển! Nếu muốn tu tập Giáo Pháp, thì các thầy phải bỏ bớt nghĩ suy. Nếu khi thiền tập các thầy thấy mình đang cố tu để đắc đạt kết quả gì gì đó, thì tốt hơn nên dừng lại. Mỗi khi nào tâm được tĩnh lặng và bình an, ta liền độc thoại: "Nó đó! Phải đó là vậy không? Ta đạt đến tầng thiền rồi phải không?”, nếu nghĩ vậy thì dừng ngay. (Bạn đang tu với vọng tưởng và tham dục). Quơ hết mọi ý nghĩ phân tích và suy lý đó, gói nó lại và nhét xuống ngực. Đừng bao giờ lôi nó ra để lý sự, suy lý gì gì nữa. Đó không phải là loại hiểu biết dùng để thâm nhập vào trong tâm. Đó là những loại hiểu biết khác, đó là những hiểu biết trí thức, suy lý, bề ngoài.
Khi hiện thực của điều gì được nhìn thấy, nó không phải giống như đã được mô tả trong kinh sách. Ví dụ, khi ta viết về "tham”, tham dục, nhục dục, dục vọng khoái lạc giác quan, thì những chữ viết đó không thể nào chuyển tải hết ý nghĩa của thực tại của tính tham đó trong tâm. Chữ "sân” cũng vậy, đó chỉ là danh từ chung ta viết để cố miêu tả những thói tâm ô nhiễm nặng đô thứ hai bên trong tâm thôi. Chữ sân ta viết trên bảng đen, nhưng thực sự chúng ta trải nghiệm sân ra sao thì không thể giống y như nhau. Chúng ta thậm chí không kịp đọc những chữ viết đó khi tâm đang sân giận, điên tiếc.
Chỗ này là chỗ cực kỳ quan trọng. Những giáo lý là đúng, nhưng điều cốt lõi là phải biết đưa giáo lý đó vào trong tim mình. Nó phải được nội tâm hóa. Nếu Giáo Pháp không được đưa vào trái tim thì nó sẽ không được biết một cách thực thụ. Nó sẽ không được thấy một cách thực thụ. Tôi cũng vậy. Tôi không học rộng về kinh điển, nhưng tôi chỉ học đủ căn bản để thi qua kỳ thi sát hạch giáo lý Phật giáo. Một ngày kia tôi có duyên được nghe bài giảng pháp từ một thiền sư. Khi tôi nghe, một vài ý nghĩ thiếu tôn trọng đã khởi lên. Lúc đó tôi chưa biết cách lắng nghe Giáo Pháp. Tôi chẳng hiểu vị thiền sư lang thang đó đang nói gì. Ông ta đang nói như thể giáo lý đó có từ kinh nghiệm trực tiếp của ông ta vậy, cứ như ông ta là đại diện cho sự thật vậy. Bởi vậy nên tôi không hoàn toàn tin.
Thời gian trôi qua, tôi đạt được ít nhiều trải nghiệm ban đầu, tôi đã tự mình nhìn thấy sự thật cho chính mình, đó là những sự thật mà vị thiền sư kia đã nói trước đó. Tôi hiểu được cách hiểu biết. Sau hiểu biết thì trí tuệ theo sau ngay tại đó. Giáo Pháp đã bén rễ từ trong tâm và trái tim của tôi. Thật lâu, rất lâu sau đó tôi mới nhận thấy được những điều vị thiền sư đó đã nói là nói từ sự tự thân thấy biết của mình. Giáo Pháp vị ấy đã giảng là đúng trực tiếp từ sự trải nghiệm của chính vị ấy, không phải từ kinh sách. Vị ấy nói theo sự hiểu biết và trí tuệ nhìn thấy của chính mình. Khi tôi tự mình bước đi trên con đường Đạo, tôi đã gặp lại mọi điều mà vị thiền sư đó đã mô tả trước đó, và tôi phải thừa nhận rằng vị ấy đã nói đúng. Vậy đó, tôi tiếp tục tu và khám phá như vậy.
Hãy cố gắng tranh thủ mọi cơ hội để đưa nỗ lực vào sự tu tập. Dù tu có được bình an hay không, đừng nghĩ gì lúc này. Ưu tiên hàng đầu là phải nỗ lực tu hành, phải chuyển động bánh xe tu tập và tạo ra những nhân cho kết quả giải thoát sau này. Nếu bạn làm đúng việc tu tập, bạn không cần phải lo lắng về kết quả. Đừng lo lắng tại sao ta vẫn chưa chứng đắc kết quả này nọ. Lo lắng là bất an, là không bình an. Thử nghĩ, nếu bạn không lo tu tập đúng đắn thì lấy gì mà trông đợi kết quả? Chỉ có người biết tu biết khám phá thì mới có thể tìm thấy kết quả. Chỉ có người tự ăn mới tự mình biết no. Mọi thứ xung quanh đều đánh lừa chúng ta. Đúng không, nhận biết lẽ thật này cho đến mười lần cũng không thừa. Mọi thứ xung quanh đều đánh lừa chúng ta. Cũng một ‘sư cụ’ đó cứ đánh lừa và giả dối với ta hoài hoài. Nếu chúng ta biết ổng đang nói dối, điều đó không tệ, nhưng cũng có thể phải rất lâu sau đó ta mới nhận ra ổng nói dối. Cũng một ông bạn cũ cứ đánh lừa ta hoài từ trước đến giờ. Mọi thứ xung quanh ta nhìn thấy hàng ngày cứ luôn đánh lừa ta.
Tu tập theo Giáo Pháp có nghĩa là củng cố đức hạnh (giới), phát triển định lực (định) và tu dưỡng trí tuệ (tuệ) trong tâm ta. Tưởng niệm và quán chiếu về Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Buông bỏ tất cả mọi thứ, không ngoại lệ thứ gì. Những hành động của chúng ta là nguyên nhân và điều kiện [nhân và duyên] sẽ kết thành trái quả ngay trong kiếp sống này. Do vậy, hãy nỗ lực tu với sự thành tâm.
Ngay cả khi ngồi trên ghế chúng ta vẫn có thể tập trung sự chú tâm. Ngay lúc mới tu, chúng ta không cần phải chú tâm đến nhiều thứ– chỉ cần chú tâm vào hơi thở. Nếu chúng ta thích, chúng ta có thể niệm chữ "Buddha” [Đức Phật], hay "Dhamma” [Giáo Pháp], hay "Sangha” [Tăng đoàn] theo nhịp hơi thở theo ý chúng ta. Khi tập trung chú tâm, nhất quyết đừng kiểm soát hơi thở. Cứ để hởi thở tự nó thở tự nhiên. Nếu hơi thở có vẻ chậm mệt hay khó chịu thì đó là do ta đang tiếp cận nó không đúng cách. Khi nào chúng ta còn chưa thấy thoải mái dễ chịu với hơi thở, nó cứ luôn lúc quá ngắn, lúc quá dài, hoặc lúc sâu lúc cạn, lúc nhẹ lúc nặng. Tuy nhiên, khi ta chúng ta thư giãn với hơi thở, chúng ta sẽ thấy dễ chịu và thoải mái, dễ ý thức rõ từng hơi thở vào và hơi thở ra, thì lúc đó chúng ta đã theo được hơi thở. Nếu chúng ta không làm đúng, chúng ta sẽ lạc mất hơi thở. Nếu điều đó xảy ra, tốt hơn nên ngừng lại chốc lát, và tập trung sự chú tâm trở lại.
Nếu trong khi thiền các thầy tự nhiên trải nghiệm những hiện tượng thần thông siêu thường, hoặc thấy tâm bừng sáng và phát sáng, hoặc thấy hình ảnh nơi thiên cung cõi trời, vân vân, lúc đó không cần phải sửng sốt hay sợ hãi gì hết. Cứ đơn thuần tỉnh giác biết những gì mình đang trải nghiệm, và cứ tiếp tục thiền. Nhiều lúc, hơi thở có thể như chậm lại hoặc như ngừng thở luôn. Có cảm nhận rằng hơi thở dường như biến mất và người tu có thể sửng sờ hay sợ hãi về điều đó. Các thầy có thể chỉ nghĩ rằng hơi thở đã ngừng thở. Thực ra hơi thở vẫn còn đó, nhưng nó hoạt động ở một mức độ vi tế nhẹ tênh hơn lúc bình thường. Cứ từ từ rồi hơi thở sẽ tự nó trở lại như bình thường.
Ngay từ đầu, chỉ cần tập trung vào việc làm cho tâm được tĩnh lặng và bình an. Dù đang ngồi trên ghế, đang lái xe, đang ngồi trên thuyền, hoặc đang làm gì đó, lúc nào rảnh tay ngồi yên thì các thầy nên biết cách thiền ngay. Khi bước lên tàu lửa vừa ngồi xuống, hãy tranh thủ đưa tâm vào trạng thái bình lặng. Dù đang ở đâu, các thầy vẫn có thể tranh thủ ngồi thiền. Khi đã đạt đến thói quen và mức độ thiền tập như vậy, thì coi như các thầy đã quen thuộc với con đường Đạo.
Rồi sau đó bắt đầu tập điều tra, suy xét. Vận dụng năng lực của cái tâm đang được bình an đó để điều tra tìm hiểu cái mình đang trải nghiệm. Có lúc, đó là cái bạn nhìn thấy; có lúc đó là cái bạn nghe thấy, hoặc ngửi thấy, hoặc nếm thấy, hoặc cảm thấy bằng thân (chạm thấy), hoặc nghĩ hay cảm thấy trong tâm. Bất cứ trải nghiệm giác quan nào có mặt—dù ta thích hay không thích—cứ lấy nó để quán xét. Cứ đơn thuần tìm hiểu và biết cái mình đang trải nghiệm. Đừng phóng tác ý nghĩa hay chủ quan diễn dịch về những đối tượng giác quan đó—những đối tượng giác quan đó là để chúng ta quán xét và biết về nó, chứ không phải để chúng ta suy diễn hay phản ứng này nọ theo nó. Nếu cái đó tốt, chỉ cần biết nó tốt. Nếu cái đó là xấu, chỉ cần biết là nó xấu. Đó chỉ là thực tại quy ước, thực tại của sự sống thế gian. Dù tốt hay xấu, tất cả chỉ là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Tất cả đều tùy thuộc phát sinh và giả tạm, duyên sinh và có rồi mất. Chẳng có thứ gì trong đó đáng để ta nắm giữ hay dính theo nó. Nếu các thầy duy trì cách tu tập với sự bình an và quán xét như vậy, trí tuệ hiểu biết sẽ tự động khởi sinh lên thôi. Tất cả mọi thứ được cảm nhận và trải nghiệm qua các giác quan đều rớt vào ba cái lổ sâu là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Tất cả không ngoài ba dặc tính bao trùm đó của mọi sự sống. Ngay chỗ này chính là thiền minh sát (vipassanā). Tâm đã được bình an, và hễ khi có trạng thái ô nhiễm nào nổi lên trong tâm, thì ta giục nó vào ba cái lổ rác đó, (giống như người ở trên nhà cao tầng quăng bịch rác vào ống đỏ rác để nó rớt xuống thùng rác dưới đất để người ta chở đi bỏ vĩnh viễn). Khi có trải nghiệm nào hay nhận thức (niệm, vọng tưởng) nào khởi lên, dẹp bỏ nó ngay, bởi nó chắc chắn là vô thường, khổ, và chẳng là gì cả. Đây là chỗ cốt lõi của thiền minh sát (#vipassanā): giục bỏ, dẹp bỏ tất cả mọi thứ vào ba lổ rác “vô thường, bất toại nguyện (khổ), và vô ngã”. Tốt, sướng, xấu, kinh khủng, ghê tởm, hay bất cứ là gì, giục bỏ hết xuống hố rác. Không bao lâu sau đó, sự hiểu biết và trí tuệ minh sát sẽ nổi lên ngay chính giữa đồng rác bao trùm của của ba đặc tính đó—đó là trí tuệ mới hé lên, như ánh sáng hừng đông mới hé sáng mờ mờ ở nơi chân trời xa. Ở giai đoạn ban đầu này, trí tuệ vẫn còn yếu và mới hé, nhưng chính lúc này các thầy phải duy trì sự tu tập một cách đều đặn, kiên định. Chỗ này thực tế, nhưng khó diễn đạt bằng lời; nhưng ví dụ thì rất dễ: cũng giống như có người muốn biết nhiều về tôi, thì người đó đến đây ở đều đặn và thường xuyên, rồi dần dần sẽ biết rõ về tôi. Cứ tu và duy trì trạng thái hé mở trí tuệ đó, dần dần trí tuệ siêu việt hơn sẽ tự khởi sinh và sáng bừng hơn trong tâm bạn. Lý tu chỗ này là vậy. Sự đều đặn và kiên định.
#AJAHNCHAH
☸ Pháp âm nguyên thủy - Phật Pháp Tăng.

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Khi nào thì có một nghiệp sát sanh?

 


KHI NÀO THÌ CÓ MỘT NGHIỆP SÁT SANH?

Có năm điều làm cho một việc sát sanh được thành tựu là:
(1) Chúng sanh đang có sự sống.
(2) Biết chúng sanh đang có sự sống.
(3) Có tác ý muốn làm ngưng sự sống của một chúng sanh.
(4) Cố quyết đoạt mạng sống của một chúng sanh.
(5) Mạng sống của chúng sanh bị đoạn lìa
Nói sát sanh là nghiệp về Thân nhưng bên trong đã có Ý nghiệp.
Nếu có tác ý muốn sát sanh, nhưng không hành động sát sanh, thì tạo Y nghiệp. Đó là ác nghiệp về Ý, và sẽ đón nhận quả khổ đau, là tâm bắt an, lo lắng, tán loạn, chao động không an trú. Cũng nên ghi nhớ rằng, có ý vui theo, hay tán thành một việc sát sanh là đồng tạo một Ý ác nghiệp.
Nếu không có tác ý sát sanh nhưng thiếu tỉnh giác và chánh niệm, đã làm thương tổn đến chúng sanh, tạo Nghiệp Bất Thiện về Thân. Do đó có quả không an vui về Thân. Cần nên ghi nhớ rằng nhìn thấy và có hành động vui theo, hay lời nói tán thành việc sát sanh là đồng tạo Thân ác nghiệp.
Sát sanh là do bởi tâm sân hận (Ý bất thiện) mà tạo thành. Thực hành rải tâm từ để đối trị tâm sân hận.
#SưSánNhiên

Tư trong việc từ thiện ***



 TÂM TƯ

Khi thực hành hay trau dồi việc thiện, luôn nhớ đến sự suy nghĩ, tư duy và tác ý trong ba giai đoạn: trước khi làm (Tư Tiền), trong khi đang làm (Tư Hiện), và sau khi làm xong (Tư Hậu). Nếu có sự tư duy chân chính trong cả ba giai đoạn và có Trí trong việc làm Thiện, thì hưởng được quả phước trọn vẹn, viên mãn.

TƯ TIỀN:
Là sự tư duy hay khéo tác ý khi-chuẩn-bị vào một việc thiện. Tư Tiền là việc đầu tiên phải có, vì nếu có sự tư duy chín chắn, hiểu rõ tại sao thực hiện việc thiện này, và sự lợi ích của việc thiện này như thế nào, thì việc thiện được chuẩn bị rất chu đáo với tâm thành hoan hỷ. Do đó không bị sai lệch khi chúng ta bắt tay vào thực hiện việc thiện. Sự hoan hỷ, an lạc, nhiệt tâm, và sáng suốt này là nguyên nhân tạo ra quả phước hoàn mãn cho sự khởi hành.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, mỗi khi làm một việc gì chúng ta cũng phải suy nghĩ về công việc mình sẽ làm, làm như thế nào, làm với tác ý gì, tại sao phải làm, và làm thì sẽ đem lại kết quả ra sao. Một khi đã tư duy và hiểu rõ tận tưởng những câu hỏi trên, sự chuẩn bị sẽ tốt hơn, và như thế việc làm và kết quả được mỹ mãn hơn.
TƯ HIỆN
Là sự tư duy, suy nghĩ, và tác ý trong việc thiện đang-trong-lúc thực hiện việc thiện. Tác ý thiện, hoan hỷ, và nghĩ đến sự lợi lạc và quả Phước do thực hiện việc thiện này.
Tư Hiện là một đức tin, tịnh tín trong sạch đang khi làm việc thiện, làm việc thiện không để tham cầu danh và lợi. Mượn cảnh để làm việc thiện, vun bồi phước báu ngõ hầu giải thoát, niết-bàn.
TƯ HẬU
Là sự tư duy, suy nghĩ, hay tác ý sau-khi-hoàn-tất một việc thiện. Tư Hậu là sau mỗi việc thiện đã làm, vẫn tiếp tục hoan hỷ, vui vẻ, không hối tiếc, không sân hận, hay khó chịu, cho dù với kết quả không được như ý. Nên giữ tâm thiện xuyên suốt từ lúc phát tâm (Tư Tiền) làm việc thiện, đến khi thực hiện việc thiện (Tư Hiện), và sau khi hoàn tất việc thiện (Tư Hậu).
Nếu không giữ được xuyên suốt tâm ý thiện trong ba giai đoạn Tư Tiền Tư Hiện Tư Hậu thì Phước báu không được tròn đầy. Nếu sự hối tiếc, sân hận do thực hiện việc thiện kéo dài thì quả phước không có, mà còn tạo thêm nghiệp bất thiện. Như thế hóa ra làm việc thiện mà tạo Nghiệp báo, thay vì Phước báu.
Cho nên hãy ghi nhớ, cho dù việc thiện có thành tựu, hay không được thành tựu mỹ mãn, nên luôn ghi nhớ giữ gìn tâm ý cho được tịnh hảo. Quan trọng hơn nữa là biết quán xét Tam tướng về vô thường, khổ, vô ngã của một việc thiện hay của tất cả các pháp.
VÍ DỤ VỀ TƯ TIỀN: Có một nhóm đạo hữu đang giúp cho những nạn nhân lũ lụt ở Việt Nam, họ kêu gọi sự đóng góp của bạn. Bạn không có sự dự tính trước về việc làm này, nó xảy ra một cách đột ngột, và như vậy thì làm sao để bạn có được quả phước Tư Tiền? Một cách khéo tác ý trong trường hợp này là trước khi nhận lời làm việc thiện để giúp lũ lụt, bạn hoan hỷ tán thán việc thiện đang được thực hiện và nói rằng: “Thật là phước báu đầy đủ cho các việc mà anh chị đã làm, xin cho được chia vui và quả phước báu này với các anh chị” Hay chỉ nói ngắn gọn là "Amumodana!". Phải hết sức thành tâm, thành ý và chân thật hoan hỷ với việc làm thiện ấy. Khi suy nghĩ và “Anumodanā Phước Báu Đầy Đủ, Tùy Hỷ Công Đức” như vậy là bạn đã tạo được Phước Tư Tiền. Cũng do vậy, bạn đã được một thiện nghiệp về Ý và một thiện nghiệp về Khẩu. Thêm vào đó bạn chia sẻ niềm vui và tạo thêm tinh thần, khích lệ cho các việc thiện được phát sinh và tăng trưởng. Ngay đó, bạn đã thực hiện một Tứ chánh cần (việc thiện đã làm, thì làm cho phát triển). Do đó qua việc tán thán “Anumodanā" với việc làm thiện của người và mình, bạn đã được phát sinh nhiều phước báu.
Vấn đề này hoàn toàn đơn giản đối với những người thường làm việc xả thí, dễ cho ra, và sẵn lòng giúp đỡ người gặp nạn, nhưng không phải dễ đối với người không muốn cho ra, không thường quen xả thí. Trong trường hợp này, nên tư duy và hiểu rằng: việc cho ra, xả thí là một việc làm thiện để đối trị tánh tham lam, bỏn xẻn; làm việc thiện này để tạo phước báu, và giúp đỡ người gặp nạn. Do đó người ấy chịu thay đổi bản tính, thói quen, và đóng góp giúp đỡ những nạn nhân bị lũ lụt. Như thế, tâm người ấy được thay đổi từ bất thiện sang thiện. Và vì vậy họ đã thực hiện được Tư Tiền, và Tư Hiện.
Tư Tiền có Trí là nhận thấy được sự vô thường, khổ, vô ngã trong mọi sự việc. Thiên tai, lũ lụt, làm cho người đang có cuộc sống bình thường phải chịu cảnh khổ đau (vô thường), mất hết tài sản (khổ), không giữ được sự quân bình cho mình (vô ngã). Sự vô thường, khổ, vô ngã xảy ra cho bất cứ một ai, chứ không riêng gì với những nạn nhân đang cần sự giúp đỡ. Cũng nên thấy được sự Vô Ngã là ta không tự chủ được tạo hóa, không tự chủ được cuộc sống, không giữ được tài sản tạo ra một khi vô thường xảy đến.
VÍ DỤ VỀ TƯ HIỆN:
-Khi mở ví lấy tiền giúp đỡ nạn nhân lũ lụt, thì tâm nên hướng về những người đang bị hoạn nạn, thành tâm nguyện cho những điều tốt lành đến với họ (ví dụ như nguyện cho họ bớt khổ đau, thân tâm được an lạc, có tinh thần và sức mạnh để vượt qua mọi điều bất như ý, và mau chóng bình phục). Khi nguyện được như thế là bạn đã có tác ý vào việc thiện, và tạo thêm một tác ý thiện, chứ không phải làm như một theo thói quen, hay một cách máy móc. Cũng đừng nên quên nguyện “Nguyện làm nhân đến Đạo Quả niết-bàn.”
Chính vì biết hướng tâm về sự lợi ích của việc thiện, sẽ giúp cho bạn nhận thức được giá trị của việc mà bạn đang làm. Do đó quả phước Tư Hiện được viên mãn.
Điều quan trọng là, nên thực hành tư duy, suy nghĩ đến kết quả, sự thành tựu của việc thiện (gọi là Cảnh Nghiệp Tướng), hơn là tư duy đến việc thiện (Cảnh Nghiệp). Nghiệp Tướng tạo sự hoan hỷ, là hành trang, tư lương cần thiết và quan trọng cho những người đang trong thời gian trị bệnh, và đang lúc cận tử lâm chung.
- Khi làm một món thực phẩm để cúng dường đến chùa hay đến những bữa tiệc, hãy vui vẻ và thành tâm hướng về tất cả chúng sanh mà nguyện rằng, nguyện cho con và tất cả những ai dùng thực phẩm này được an vui và hạnh phúc, dứt mọi điều phiền não và mọi điều như ý nguyện mong cầu. Khi đã nguyện được như vậy thì bảo đảm thức ăn của bạn được ngon lắm, không hẳn ngon là do bạn nấu giỏi, mà ngon vì sự hạnh phúc và sự an vui của bạn đã đem đến qua các món thực phẩm.
VÍ DỤ VỀ TƯ HẬU:
Sau khi đóng góp cho nạn nhân bị lũ lụt ở Việt Nam, giả sử bạn được biết rằng món tài vật đó không đến được tay của người cần nhận, bạn không nên hối tiếc, hay bực mình. Vì nếu hối tiếc, hay bực mình (sân hận) với việc thiện đã làm thì quả phước của Tư Hậu không được tròn đầy.
Kết quả của việc thiện không được thành tựu mỹ mãn càng làm cho bạn nhận thấy rõ được sự vô thường, khổ, vô ngã trong mọi pháp của thế gian. Sau đây là một vài tư duy về Tam tướng việc thiện đã thực hiện:
+ Một việc thiện tạo ra do bạn bè kêu gọi, nay đã hoàn tất (vô thường)
+Một việc thiện được thực hiện, nhưng không có kết quả mỹ mãn (khổ)
+ Một việc thiện đã làm nhưng không tự chủ được sự thành tựu, hay không thành tựu (vô ngã).
Nếu có đầy đủ ba điều Tam Tư cùng với Trí khi hành một việc xả thí, hay làm một việc thiện, thì được quả phước tròn đầy. Tam Tư không khó thực hành, nếu có sự tu tập tỉnh giác, và chánh niệm thường xuyên. Và nếu thường xuyên thực hành thì sẽ trở thành quen thuộc. Cuộc sống tâm linh của quí vị được tăng trưởng, trở nên từ ái, vui vẻ.
Sự hiểu biết về Tam Tư này không dừng lại ở cách thực tập làm việc thiện, làm với tác ý khôn khéo, mà còn nhằm tạo thắng duyên trên con đường tu tập, uốn nắn và thanh lọc tâm 1y, trau dồi cho tâm có sự ghi nhận, tỉnh thức, biết hướng về ý thiện và thực hành điều thiện làm cho cuộc sống an vui hạnh phúc. Quan trọng hơn hết là nhận thấy được Tam tướng vô thường, khổ, vô ngã trong mọi việc thiện để không bị dính mắc, tham ái (làm thiện chỉ để lấy tiếng tăm, danh lợi hay bản ngã).
* Luôn ghi nhớ:
-Tâm là quan trọng, thanh lọc tâm để vượt qua bất thiện khi kết quả không như ý.
-Thực hiện việc thiện và nhận thấy sự vô thường, khổ, vô ngã.
-Việc thiện chỉ là phương tiện, còn cứu cánh là niết-bàn -- giải thoát mọi sự chi phối bởi vô thường, khổ, vô ngã.
Ví dụ, một người thường xuyên phát tâm ấn tống kinh sách, truyền bá lời dạy của Đức Phật, người này có những cách để tư duy như sau:
-Nếu người này suy nghĩ và ghi nhớ rằng họ đã thực hiện được nhiều việc thiện ấn tống kinh sách, và do đó sinh ra dính mắc vào việc làm. Đó gọi là nhớ nghĩ, tư duy về Cảnh nghiệp.
-Nếu người này suy nghĩ và hoan hỷ rằng việc ấn tống kinh sách và những lời Phật dạy tạo quả phước cho họ và cho mọi người phát triển tăng trưởng trí tuệ, để tu tập được sự an vui và giải thoát, tư duy như vậy gọi là tư duy về Cảnh nghiệp tướng.
-Nếu người này tư duy rằng, thực hiện mọi việc thiện là tạo quả phước báu cho họ, và làm lợi lạc tăng trưởng trí tuệ cho mọi người; nhưng thấy được rằng mọi việc thiện hay mọi pháp ở thế gian đều bị chi phối bởi Tam tướng vô thường, khổ, vô ngã, người ấy phát nguyện, quả phước báu có được do sự tu tập làm nhân thành đạo quả niết-bàn, giải thoát sự chi phối của Tam tướng.
#SưSánNhiên

Chánh niệm là gì?

 


CHÁNH NIỆM LÀ GÌ ?

Có nhiều người nghĩ rằng pháp môn chánh niệm đó là tiểu thừa. Làm ơn quí vị lên Internet đánh giùm tôi chữ Sati Mindfulness, xem coi bao nhiêu người trên thế giới, bao nhiêu cái đầu kiệt xuất của thế giới đã nói gì về chữ Sati Mindfulness. Tại sao có thêm chữ Sati đằng trước, bởi vì phải có chữ Sati thì Mindfulness mới được nhắc đến như là một pháp tu, còn nếu mình chỉ để chữ Mindfulness mà không có chữ Sati kế bên thì nó sẽ định nghĩa ..v...v theo nghĩa ngoài đời .
Từ trường đại học Yale, Stanford, Harvard, Cambridge, oxford. Tất cả những trường này họ đều có những công trình nghiên cứu cực kỳ nghiêm túc về cái gọi là Tứ Niệm Xứ. Chỉ riêng dân Việt ta thì cứ Lục Tự Di Đà làm tới, niệm mà không hiểu gì hết. Phật pháp trùng trùng, nếu mà quí vị có cái đầu không phải chỉ để đội nón thì quí vị sẽ đặt dấu hỏi ,” Nếu pháp tu chỉ đơn giản là cầu Quán Âm, cầu Địa Tạng, cầu Di Đà, thì xin hỏi suốt bốn mươi mấy năm hoằng pháp Phật nói cái gì ? Mấy tủ Kinh to đùng đó nói cái gì ? Và mấy vị thầy tu uyên thâm bác học được cả một rừng người quỳ lại trong đầu họ chứa cái gì ? Hay là chỉ chứa những câu niệm đó ? “.
Nếu chỉ đơn giản pháp tu là 6 chữ Lục Tự Di Đà đọc hoài thì thành chánh quả, thì xin hỏi nói một câu hơi phạm thượng “ Có dại lắm mới nghiên cứu kinh điển “. Bởi vì pháp môn đó đã đủ rồi. Các vị có hiểu không ? Các vị đi hỏi Ôn Nhất Hạnh Làng Mai, hỏi Ôn Thanh Từ.
Tại sao bao nhiêu cái đầu kiệt xuất nhất thế giới người ta kêu gọi mình hãy sống chánh niệm ? Phải có lý do. Bao nhiêu vấn đề lớn bé của hành tinh này đều được khởi đi từ sự thiếu kiểm soát của từng người. Tại sao có chửi lộn, đánh lộn, hờn giận, nhớ nhung, yêu đương, ghen tuông ..v..v. Tất cả đều là những giây phút thiếu kiểm soát. Chánh niệm là gì ? Là sống có kiểm soát. Và một điểm khác biệt duy nhất giữa người có học và người không có học đó là khả năng kiểm soát.
Các vị phải đồng ý với tôi một chuyện, trong đời sống này ai có kiểm soát nhiều thì người đó làm chủ thế giới. Thí dụ như một đất nước có khả năng kiểm soát về quân sự, chính trị, ngoại giao. Trong một cơ thể mình nếu Immune system mình nó có khả năng kiểm soát được thì mình khỏe, còn nếu một thứ mà nó bỏ ngỏ thì coi như đi luôn .
Sống chánh niệm có nghĩa là chúng ta đưa mọi thứ vào dòng chảy của kiểm soát. Khi chúng ta không biết Phật pháp, chúng ta sống lan man, sống kiểu bèo dạt mây trôi như chiếc lá trên dòng, sống thiếu kiểm soát là đồng nghĩa với bất trắc, mà bất trắc nó đồng nghĩa với chữ bất tường, khi mình sống có kiểm soát thì luôn luôn đi kèm với ổn định. Cho nên pháp môn Tứ Niệm Xứ là một con đường đi rất khoa học. Và từ đó Phật pháp không phải là một tôn giáo. Phật giáo không phải là Religion theo định nghĩa của tự điển. Phật giáo không giống như Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo. Phật giáo không giống như bao nhiêu thứ giáo khác mà Phật giáo là đạo sống, là lẽ sống, là con đường sống, là cách sống, là kiểu sống.
Phật giáo, Phật pháp không phải là cái gì đó mà chúng ta biết được thì tốt, mà là nên biết và hơn thế nữa đó là phải biết. Vì sao ? The World is what you see. Thế giới này chính là cái gì đó anh thấy. Anh thấy ra làm sao thì cuộc đời nó là như vậy, cách nhìn quyết định kiểu thấy, mình look như thế nào thì mình see như thế ấy. Và đôi khi chúng ta look mà chúng ta không see, bởi vì cách look tào lao. Cho nên thế giới chính là cái gì anh thấy. Và chính Phật giáo dạy cho ta cách nhìn về thế giới .
*Và nhớ một điều, một người Phật tử thứ thiệt có nghiên cứu kinh điển sẽ không hết hồn khi nghe tôi nói câu này :
Phật pháp thứ thiệt không hề dạy mình đội ai trên đầu mà chỉ đội lẽ phải. Trước khi Phật nhập Niết-bàn Đức Phật có nói “Những Điều Ta Dạy Là Thầy Cho Các Ngươi “
Sư Toại Khanh

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Ái trợ sanh giới cấm thủ

 


ÁI TRỢ SANH GIỚI CẢM THỦ

Dầu là muốn đạt tới cứu cánh giải thoát nào đó hoặc để được sanh lên thiên đàng cũng đều là Ái cả. Từ sự mong mỏi đó, người ta chấp nhận một pháp môn tu tập tà vạy, hoặc lợi dưỡng hoặc khổ hạnh, đó chính là Ái trợ sanh cho Giới Cấm Thủ.
Trong thời kỳ Đức Phật, có hai du sĩ nọ, vì muốn sanh thiên nên chủ trương tu theo pháp môn khổ hạnh bằng cách bắt chước theo con bò, con chó. Hai loài thú này sinh hoạt thế nào thì họ cũng làm theo như vậy. Đến khi gặp được đức Phật, Ngài giải thích cho họ biết đó là đường lối sai lầm thì cả hai mới quay về với Phật giáo.
Nói tóm lại, để mưu cầu hạnh phúc cho đời sau mà lại mù quáng chấp trì một hạnh tu, một giáo điều hay giới cấm nào đó sai lầm, đi ngược lại giáo pháp của chư Phật thì đó là Giới Cấm Thủ mà cũng là trường hợp để Ái làm duyên cho Giới Cấm Thủ.
Tác phẩm: Tìm Hiểu Triết Học Phật Giáo
Dịch Giả : Tỳ Kheo Giác Nguyên

Hỏi đáp về xuất gia


HỎI

Con chào Sư
Con theo dõi các bài Sư post, học từng ngày nhưng vẫn thấy bản thân còn thiếu cái gì đó mà con tìm chưa ra. Năm nay con 50 tuổi, độc thân, suy nghĩ thường xuất hiện trong con: nghỉ hưu sớm, lo việc tu tập, có thể xuất gia ...
Sư cho con hỏi:
1 - Người lớn tuổi có nên xuất gia không?
2 - Những thuận lợi / bất lợi cho người lớn tuổi xuất gia?
Con cám ơn Sư dành thời gian cho con.
ĐÁP
Câu trả lời có thể vắn tắt trong mấy điều sau đây:
- Nhưng vì không phải ai cũng có tố chất giống nhau, nên nhiều người sau khi xuất gia xong lại sống đời vô ích tẻ nhạt chỉ vì trước khi xuất gia không biết tự đặt ra một hướng đi cụ thể. Tình hình lúc này mới bi đát: Không còn háo hức tu phước (bố thí, phục vụ,...) như hồi cư sĩ và cũng không có được lý tưởng sống tích cực của một tu sĩ.
- Thông thường thì một người xuất gia luôn có thời gian và điều kiện tâm lý để sống đạo hết mình, như có thể trở thành một hành giả hay học giả toàn thời gian, nhờ không lo bận tâm tục sự như cư sĩ.
- Phải tự xét mình hiện có vấn đề gì nặng nề liên quan sức khỏe, gia đình, quan hệ xã hội gì đó hay không. Vì một khi xuất gia thì phải nhẹ gánh hẳn hoi.
☝️ Nếu xét không kỹ thì chỉ tự chuốc phiền và mất thời gian của một cư sĩ tốt. Xin nhớ câu này: Với nhiều người, đời sống xuất gia không hay ho gì, xin cứ làm một cư sĩ cho nó lành.
- Nắm được mấy vấn đề vừa nói thì có thể tự xét cái tuổi đời của mình có thể sống theo lý tưởng nào của một tu sĩ: Vùi đầu nghiên cứu học hỏi giáo lý hay chuyên tâm tu tập thiền định (mà việc này cũng cần có chút kiến thức giáo lý căn bản).
Sư Giác Nguyên


Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

Nếu biết được như thánh nhân

 


NẾU MÌNH BIẾT ĐƯỢC NHƯ THÁNH NHÂN THÌ CÁI GHÉT CÁI THÍCH CỦA MÌNH DỨT KHOÁT SẼ KHÁC ĐI NHIỀU LẮM.

Các pháp ở đời khi mình thật sự còn chưa không hiểu thì mình còn thích cái này cái kia, nếu mình biết được như thánh nhân thì cái ghét cái thích của mình dứt khoát sẽ khác đi nhiều lắm.
Ví dụ, nhẹ nhất là vị Tu đà hườn, nếu tính theo chi pháp trên mặt giấy thì rõ ràng trong 10 phiền não vị này chỉ mới trừ có 3 (Thần kiến, Hoài nghi, Giới cấm thủ). Tuy nhiên Thân kiến là cái quan trọng bậc nhất. Vị này chấm dứt, chặn đứng dòng sanh tử vô thỉ vô chung được là nhờ ở chỗ dứt trừ được Thân kiến này. Thân kiến mất rồi, khả năng sinh tử không còn nữa, mấy kiếp còn lại chỉ là cái trớn mà thôi chớ vị đó không còn chấp tôi, chấp ta trong năm uẩn thì còn cách nào hưởng thụ giống chúng ta.
Sơ quả Tu-Đà-Hườn ( Sotāpatti)
Chấm dứt ba thứ phiền não quan trọng bậc nhất trong việc luân hồi là Thân Kiến (quan niệm ngã chấp trong thân tâm)Hoài Nghi (sự hoang mang trong đạo giải thoát). Giới Cấm Thủ( bảo thủ, cố chấp, phí công sức tu tập mà chẳng tìm thấy sự giải thoát ). Vị này chỉ còn tái sinh tối đa bảy kiếp phải chứng La-Hán.
Thân kiến có nghĩa là người này biết chắc rằng toàn bộ phàm, thánh, người, thú, nhân thiên chỉ là danh sắc luôn luôn vô thường sanh diệt. Không hề có một cái gì là tôi, ta, của tôi trong 5 uẩn. Đó gọi là lìa bỏ ngã chấp trong 5 uẩn. Lìa thân kiến thì lìa được hoài nghi. Vị đó không còn hoang mang nghi hoặc : Tôi là ai ? Ở đâu tôi tới ? Tôi sẽ đi về đâu ? v....v . Lúc đó vị đó chỉ thấy rất đơn giản cái khối 5 uẩn này nó do các duyên thiện ác mà có. Do không hiểu 4 Đế nên người ác làm ác bị đọa, người lành làm lành để được đi lên. Cuối cùng cũng quẩn quanh trong ba cõi sáu đường. Hiểu như vậy vị đó chỉ tập trung tu tập. Biết rất rõ mình là ai trong trời đất này. Không còn giới cấm thủ nghĩa là vị này không còn chấp nhận những giáo điều tín điều nằm ngoài tinh thần Bát Chánh Đạo.
Vị Tu-đà-hườn biết rõ bằng toàn bộ sinh mệnh của mình rằng sự đau khổ và con đường gây khổ có một cứu cánh chấm dứt là Niết bàn: không còn nhân sanh khổ, không còn quả khổ thì sẽ không còn đau khổ. Con đường dẫn đến Niết bàn đó là Bát Chánh Đạo. Bà con nhớ giùm, con số 8 của Bát Chánh Đạo là một trong một tỷ cách diễn dịch con đường giải thoát. Đối với một số người, Đức Phật chỉ dùng một chữ: appamāda. Trước khi Ngài Niết bàn, câu nói cuối cùng của Ngài là “vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha”, nghĩa là vạn hữu là vô thường hãy sống bằng sự cẩn trọng không dễ ngươi. Đây là câu cuối cùng của Bậc Đạo Sư, mình không hề thấy có số 8, số 3 , số 4 , số 6 … ở đây. Ngài chỉ nói “vạn hữu là vô thường, không sống dễ ngươi”.
Chánh kiến, chánh tư duy là tuệ học. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là giới học, còn lại là định học. Gom chung là Tam học hoặc là Vô lậu học. 37 phẩm trợ đạo gồm Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, Như Ý Túc đều là Tam học nói rộng. Điểm nổi bật của vị Tu-đà-hườn thấy chắc nên tin chắc.
Trí Tu-Đà-Hườn mà dừng lại không đi xa nữa thì mình tái sanh chỉ tối đa 7 kiếp nữa thôi, đi về đâu không cần biết, chỉ biết là không bị đọa bốn đường xấu đó là : súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la và địa ngục. Còn chuyện đi về đâu là tùy mình có đắc thiền hay không và tầng thiền mình đắc là thiền nào thì mình về cõi tương ứng.Trong kinh nói vị Tu-đà-hườn, thí dụ như : tâm sân, họ không còn ganh tị, ghen ghét, bùn xỉn. Nhưng vị này cũng còn nhăn mày, nhíu mặt, đổ lệ, khó chịu bất mãn nhỏ xíu trong thâm tâm. Cái sân của vị này không còn đủ giết chóc, hành hạ các chúng sanh khác .
Mặc dù vị Tu đà hườn có thể có chồng, có vợ, có con, cũng đi làm lụng, có gia tài, có tài sản nhưng họ toàn là những tay giống như “Thủy thượng phiêu Cầu Thiên Nhẫn”. Trong võ lâm ngũ bá ngoài Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, còn có nhân vật số sáu là Cầu Thiên Nhẫn, tay này có khả năng Thủy thượng phiêu khinh công tuyệt đỉnh đi trên mặt nước không chìm xuống, chân chỉ chạm nước nhẹ thôi. Tu đà hườn được xem là những tay Thủy thượng phiêu thuộc hàng thượng thừa vẫn đi trên cõi đời này, vẫn cư trần nhưng bất nhiễm, hòa quang nhưng không hỗn tục nếu cần thì vẫn hòa với mọi người nhưng không đồng.
Sư Giác Nguyên
Tác Phẩm : Kinh TƯHG1

Tuổi già, bệnh tật và cái chết ...

 


KHÔNG AI TRÁNH ĐƯỢC TUỔI GIÀ, BỊNH TẬT, CÁI CHẾT, SỰ MẤT MÁT. MỌI THỨ ĐỀU PHẢI KẾT THÚC. LÀ ĐỆ TỬ CỦA ĐỨC PHẬT CÓ HỌC ĐẠO, CHÚNG TA KHÔNG SỐNG TRONG SỰ BI QUAN, SỢ HÃI MÀ PHẢI BIẾT RÕ ĐỂ CÓ SỰ CHUẨN BỊ THẬT TỐT.

Phải thấy và chấp nhận những sự thật đó, không phải để sống bi quan hay sợ hãi hoảng loạn, mà để có những chuẩn bị thật tốt. Tất thảy những chuyên gia cứu hộ trên hành tinh này, cứu hộ hàng không, cứu hộ hàng hải, cứu hộ đường bộ, nhân viên cứu hỏa hoặc những tai nạn lao động xã hội nói chung, tất thảy chuyên gia cứu hộ họ đều có nhận xét giống nhau, trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh, các nạn nhân bình tĩnh luôn có cơ hội sống sót cao hơn những người hoảng loạn thiếu bình tĩnh. Đó là họ không biết đạo. Họ chỉ nói tới chữ thoát thôi. Trong đạo mình thêm một điều nữa, bên cạnh cơ hội thoát nạn, nếu không thoát được, thì cơ hội đi lên của người có chuẩn bị nó vẫn cao hơn là người thiếu chuẩn bị. Là vì mỗi người phải đi đầu thai theo một trong bốn thứ nghiệp sau đây :
1- Trọng nghiệp thiện ác - Garukamma
Gồm những nghiệp thiện ác có khả năng mãnh liệt không thể ngăn chặn được bằng bất cứ một nghiệp nào khác và chắc chắn sẽ cho quả Dị Thục ngay đời kế tiếp.
Trọng nghiệp thiện, là trong đời mình từng làm những việc công đức lớn lao, như cứu mạng nhiều người hay là hộ trì tam bảo bằng những việc làm quan trọng. Giúp người đức độ hoặc ủng hộ tam bảo bằng công đức, những Phật sự quan trọng. Trọng nghiệp bất thiện là mình làm những tội lỗi giết A-la-hán (arahattaghāta), chia rẽ tăng chúng (sanghabhedana) làm thân Phật chảy máu (lohituppāda), giết cha, giết mẹ.
2- Thường nghiệp thiện ác - Acinnakamma
Là những cái nào mình cứ làm hoài, thí dụ như mình là tiểu thương từ năm 15 tuổi là bắt đầu đứng bán hàng tạp hoá với mẹ, cân đong đo đếm, tính tiền suốt nhiều năm như vậy, cả đời cứ buôn bán hoặc cả đời cứ mò cua bắt ốc buôn gian, cả đời cứ bài bạc nghiện ngập chích hút, cả đời đâm heo thuốc chó lừa thầy phản bạn mãi quốc cầu vinh. Cả đời cứ làm những chuyện đó thì gọi là thường nghiệp. Cái gì không cần to lắm nhưng mình cứ làm hoài nó cũng có sức mạnh kinh dị.
3- Khinh thiểu nghiệp thiện ác -Katattakamma
Là những nghiệp thiện ác mình làm lai rai, hoặc lâu lâu làm một lần, mà thường khi ta cũng không nhớ đến.Thí dụ như đi chùa một tháng đi một lần, ba bốn tháng đi chùa một lần, lâu lâu cũng có móc túi ra làm phước chỗ nhà chỗ kia, lâu lâu ai rủ đi câu, đi săn, đi đá gà, ai rủ đi nhậu đi đánh bài cũng đi, ai rủ đi từ thiện cũng đi.
4- Cận tử nghiệp thiện ác -Maranasannakamma
Là trước giây phút lâm chung, tâm mình nó leo lét giống như người chết đuối gặp cái gì chụp cái nấy, đó gọi là nghiệp cận tử. Đừng coi thường nó, thấy nó yếu nhưng quan trọng lắm. Nghiệp cận tử là cái phao cứu sinh hay trái thủy lôi là tuỳ theo mỗi người. Trái thủy lôi là loại trái nổ người ta để dưới nước, trên bờ thì mìn lựu đạn là địa lôi, lúc mình chết đuối gặp cái gì chụp cái nấy, nếu mình chụp cái phao thì khỏe nhưng nếu mình chụp nhầm trái thủy lôi thì coi như game over hết phim.
Nếu ta đã tạo một trong các loại Trọng nghiệp như đã kể thì chính nó sẽ đưa ta đi tái tục ngay kiếp sau ở một cảnh giới tương ứng. Trong trường hợp không có Trọng nghiệp thì Cận tử nghiệp là loại nghiệp có sức mạnh thứ hai. Nên nhớ Cận tử nghiệp luôn chịu một tác động rất lớn từ Thường nghiệp. Nghĩa là tuỳ thuộc vào thói quen thường ngày mà Cận tử nghiệp kia có đủ mạnh để ảnh hưởng đến việc tái sinh của ta hay không.
Kinh kể rằng ở Tích Lan ngày xưa có một vị La Hán tên là Sona. Thân phụ của ngài cả đời là một thợ săn, về già đi xuất gia sống chung chùa với người con trai. Phút cận tử, vị sư già này nhìn thấy Thú tướng địa ngục hiện ra, và dĩ nhiên rất sợ hãi, đem chuyện kể cho con mình là Sona. Vị thánh tăng nhờ người khiêng giường của cha đến bên cạnh ngôi đại tháp của chùa và cho trang hoàng ở đó thật nhiều bông hoa, nhang đèn. Khi nhà sư già nhìn thấy cảnh tượng này rồi khởi tâm hoan hỷ thì hình ảnh Thú tướng kia lập tức biến mất. Thay vào đó là Thú tướng thiên giới và vị sư già được sinh thiên.
Chuyện thứ hai là vua Tích Lan trên Dutthāgamini. Suốt thời bình sinh, vua là một cư sĩ thuần thành rất mực. Lần đó, vua bị đảo chánh và phải lẩn trốn trong rừng sâu, hoàn cảnh cực kỳ bi đát, trong tay chỉ còn lại một bát cơm. Nhưng vua không muốn ăn một mình, cầm bát cơm mà ông cứ thầm mong nhìn thấy được một tỳ kheo đầu Đà nào đó trong rừng để cúng dường. Khi ấy một vị A-La-Hán lục thông đã xuất hiện trước mặt vua, ngay trên hư không. Vua mừng rỡ và cúng hết phần cơm cho ngài. Sau đó biết vua đang đói, vị A-la-hán lúc này đã đi mất nhưng đã dùng thần thông gởi đến vua một bát cơm đầy qua đường hư không để củng cố niềm tin của vua. Về sau cuộc nội loạn chấm dứt, vua lấy lại được ngai vàng và càng hết lòng hộ trì Phật pháp. Vua đã cho xây dựng rất nhiều đại tháp để thờ phụng xá lợi Phật. Tất cả công đức của vua sau đó đã được ghi lại thành sách, tức là cuốn Thūpavamsa là một trong những sử liệu quan trọng bậc nhất của Phật giáo Tích Lan. Sau này, lúc lâm chung, vua được nghe người ta đọc lại bộ sách này và với hồi ức mãnh liệt về chuyện cũ, vua đã sanh về cõi Đâu Suất. Nói vậy có nghĩa là có lúc Cận tử nghiệp có thể là những Thường nghiệp được tái hiện trong giờ cận tử.
Ngài Buddhaghosa có đưa một ví dụ về 4 loại nghiệp trên như sau : Mỗi sáng, khi một chuồng bò được mở cửa thì con bò mạnh nhất hoặc con bò đứng gần cửa nhất sẽ có dịp chạy ra ngoài đầu tiên. Con bò mạnh nhất tượng trưng cho Trọng nghiệp. Nếu không có con bò này thì con bò gần cửa chuồng nhất (tượng trưng cho Cận tử nghiệp) sẽ là con đầu tiên chạy ra. Loại nghiệp thứ ba đứng sau Cận tử nghiệp là Thường nghiệp. Và như đã nói loại nghiệp này cũng có thể biến thành Cận tử nghiệp khi được dàn dựng bối cảnh.
Loại nghiệp yếu nhất đó là Khinh thiểu nghiệp. Tuy nói là yếu nhất nhưng đôi khi nó cũng có thể là Cận tử nghiệp để đưa người đi tái sinh. Đó là trường hợp của hoàng hậu Mallikā. Bà suốt đời là một tín nữ thuần cố đạo tâm, là vị hoàng hậu được sủng ái nhất của vua Ba Tư Nặc (một vị Phật tương lai). Chính bà là người đã nghĩ ra buổi cúng dường Vô Song Thí (asadisadāna) đến Đức Phật, nhưng phút lâm chung bà đã không nhớ gì mà chỉ có lòng hối hận vì đã có một lần nói dối gạt vua. Chuyện đó chỉ là Khinh thiểu nghiệp nhưng cũng đã trở thành Cận tử để đưa bà xuống địa ngục trong 7 ngày (tính theo thời gian nhân loại ) trước khi sanh về cõi Đâu Suất .
Ở đây cũng vậy, lúc mình đang chập chờn leo lét cuối đời, lúc đó một lời kinh tiếng kệ nó lọt vào tai biết đâu đó là một gợi ý để mình theo đó mình đi. Tôi giảng đề tài ra ngoài bài kinh nhưng rất cần thiết. Một vị đệ tử của Đức Phật có học đạo, cho nên biết rõ già bệnh chết không thể nào tránh được, mọi thứ có rồi phải mất đi, mọi thứ đều phải có lúc kết thúc, vị đó thấy rõ biết rõ. Nhưng biết rõ không phải sống bi quan, sống sợ hãi mà để có những chuẩn bị thật tốt.
Sư Giác Nguyên

Bỏ thân sanh tử

 


MUỐN BỎ THÂN SANH TỬ, BẬC HIỀN GIẢ PHẢI TÍCH CỰC ĐOẠN TẬN HAI TẬP KHÍ GÌ ?

Thế gian luôn nằm trong lẽ tương đối. Có tối ắt có sáng, có sự lao lung đọa đày thì tất phải có một trạng thái tịch nhiên giải thoát. Điều đó từ vô thuỷ đến vô chung vẫn đương nhiên là một quy luật. Do vậy, trong thân sanh tử mà lại tầm cầu một cứu cánh bất tử thì đó không phải là một điều bất khả thực hiện.
Như đã nói, nếu thân sanh tử này là cội cây, thì Tham Ái, Vô Minh chính là gốc rễ của nó. Muốn bỏ thân sanh tử, bậc hiền giả trước hết phải tích cực gia công đoạn tận hai pháp tập khí căn bổn ấy. Vắng mặt chúng, tấm thân sanh tử sẽ đổ gục. Như Ngài Anuruddha cũng đã viết trong Abhidhammatthasangaho, phần giảng về Duyên Khởi : “Tesameva ca mūlānam nirodhena nirujjhati : Một khi hai yếu tố cội rễ của dòng luân hồi bị phá vỡ thì lập tức dòng luân hồi cũng được chận đứng.”.
Đốn cây thì phải tận gốc, ngăn nước thì phải tận nguồn. Trong chuyện tu hành giải thoát, phương châm này vẫn chính xác. Để nhấn mạnh điều này, trong Trung Bộ Kinh (bài Ái Tận) chính Đức Phật đã tuyên bố “Avijjāyatyveva asesavirāganirodhā sankhāra-nirodho:.. Từ sự tịch diệt của Vô Minh sẽ là sự tịch diệt của Hành..” Và trong Dhammapada câu 338, Ngài lại một lần nữa xác định tính chất tập khí của Tham Ái :
Yathāpi mūle anupaddave dalhe
Chinnopi nikkho punareva rūhati
Evampi tanhānusaye anūhate
Nibbattati dukkhamidam punappunam
“Như một cội cây chưa bứng tận gốc rễ, hay nói cách khác cội rễ của nó còn bám chặt vào đất thì dù có chặt đến mấy đi nữa cây vẫn tiếp tục hồi sinh. Cũng vậy, khi nào Tham Ái tiềm tàng chưa được đoạn tận, thì cho đến khi ấy nỗi khổ sanh tử vẫn cứ mãi tiếp diễn”.
Tác phẩm: Tìm Hiểu Triết Học Phật Giáo
Dịch Giả : Tỳ Kheo Giác Nguyên

Thân kiến

 


THÂN KIẾN LÀ CHẤP VÀO 6 CĂN, 6 TRẦN, 6 CẢNH. TỨC GẮN LIỀN 18 GIỚI VÀO KHÁI NIỆM TÔI VÀ CỦA TÔI

Thân Kiến là gì ?
Là cứ khư khư chấp chặt vào thân, tâm, 6 căn, 6 trần và 6 cảnh. Gọi chung là Thân Kiến. Chấp chặt là sao ? Nhà của tôi, xe của tôi, vợ chồng, con cái, nhà đất bất động sản của tôi, danh tiếng quyền lực, uy tín danh dự của tôi, mắt tai mũi lưỡi này là của tôi, tấm thân này là của tôi, cái thân mình vàng vóc ngọc này là của tôi, má hóp lưng cong này của tôi ..v...v , cứ khư khư chấp vào 6 căn, 6 trần và 6 cảnh, tức là gắn liền 18 giới vào khái niệm tôi và của tôi. Thì đó gọi là Thân Kiến.
Thánh Nhân là gì ?
Là người không còn tiếp tục chiêm bao mộng mị nữa. Thánh nhân thấy rõ mọi thứ do duyên mà có. Vì duyên nào mà mình sanh tử ? Vì duyên không thấy 4 Đế. Không thấy mọi hiện hữu là khổ, thích cái gì cũng là thích trong khổ, muốn hết khổ thì đừng thích trong khổ nữa, thấy cả ba nhận thức ấy chính là con đường thoát khổ. Thiếu bốn cái này được gọi là vô minh trong bốn Đế. Vì có vô minh trong bốn Đế nên nó mới nẩy ra hai đường trốn khổ tìm vui . 1/Làm ác rồi bị khổ 2/Làm thiện được vui. Cả hai khổ vui đều là trầm luân.Thánh nhân thấy điều này cho nên thánh nhân không còn tiếp tục bị hệ lụy trong thiện ác buồn vui nữa. Không lấy khổ vui ( quả của thiện ác ) làm cơ hội thiện ác.
Đây là tinh hoa của Phật pháp, nó ngắn gọn dễ hiểu lắm. Và khi anh tu tập với lý tưởng này thì đối với nhân thì anh lánh ác hành thiện, nhưng đối với quả khổ vui thì anh không có màng, không có lấy đó làm cái cớ để mà anh tiếp tục luân hồi nữa .
Phàm phu thích gieo nhân ác, ghét nhân thiện, nhưng lại thích hưởng quả thiện và ghét sợ quả ác .Trong room này tôi không biết quí vị có đồng ý chỗ này không ? Nhưng mà tôi thấy cái đó là có thiệt, bây giờ mà kêu đi ngồi thiền, bố thí, niệm Phật, quét chùa, rửa chén, quí vị kiếm giùm tôi được một phần trăm hay không ? Nhân thiện thì chán mà ai cũng khoái nhân ác. Quí vị biết cảm giác đi câu cá, săn bắn, rồi ngồi lê đôi mách, đi mua sắm quần là áo lụa, lên Facebook post hình, tâm sự loài chim biển ..v..v, mấy cái đó vui lắm. Nhưng những cái đó toàn là bất thiện. Trong khi đó nhân lành thì mình lại ngán. Có một điều quái gỡ đó là : Gieo nhân thì thích nhân ác, ghét nhân thiện, còn lúc hưởng quả thì khoái quả thiện mà sợ quả ác. Thì quí vị tưởng tượng thế giới này là thế giới nghịch lý thì làm sao mà nó không phải là biển khổ được .
Sư Giác Nguyên