Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Đám tang phật giáo

 


Tụng kinh đám chết

Là một thầy tu đôi khi tôi được mời đến tụng kinh đám chết. Tôi thấy thương xót cho những người có tang nhưng đôi khi tôi cảm thấy vô vọng vì có quá nhiều ngộ nhận về vai trò của người thầy tu trong việc tụng kinh đám chết.

Hôm nọ có một cô gái đến gặp tôi. Cha cô vừa chết sáng hôm đó. Cô van nài tôi: "Xin thầy đến tụng kinh cầu nguyện. Xin mở con đường cho cha con." Tôi nhìn cô với tất cả từ tâm mà tôi có thể có được. Tôi có thể cảm nhận được sự hoang mang và đau khổ của cô. Tôi nghĩ cô chừng khoảng 20 tuổi, và là một người con hiếu thảo. Trong tim tôi tôi tự nhủ: "Chao ôi, làm sao mà mình có thể mở đường cho ai đây. Mình phải vẽ trên không cái lộ trình tưởng tượng nào cho cái trí tưởng tượng của cô ấy đi theo đây? Làm sao mình có thể nói với cô gái đáng tội nghiệp đang trong tình trạng bị tang chế bối rối này biết rằng không có cách nào giống như cô nghĩ ra như vậy."

Đức Phật đã từng bị đặt trong trạng huống này một lần, và ngài đã trả lời như thế nào? Môt ngày nọ một thanh niên đến hỏi đức Phật: "Kính bạch Tôn giả, cha con vừa chết. Xin đến cầu nguyện cho ông. Vực hồn ông lên để ông có thể lên thiên đàng. Các thầy đạo Bà la môn có làm những nghi thức như vậy nhưng ngài là Phật có nhiều quyền năng hơn họ. Nếu ngài chịu làm thì chắc chắn linh hồn cha con sẽ bay thẳng lên thiên đàng."

Đức Phật trả lời: "Được rồi. Con đi đến chợ mua dùm ta hai chậu đất nung và ít bơ." Chàng thanh niên mừng rỡ vì đức Phật đã chịu làm bùa phép để cứu linh hồn cha mình. Anh lật đật xuống phố mua những vật được yêu cầu. Rồi đức Phật chỉ dẫn: "Bỏ bơ vào một chậu và bỏ đá vào chậu kia. Xong ném cả hai chậu xuống nước." Chàng thanh niên làm theo, và cả hai chậu đều chìm xuồng đáy hồ. Rồi đức Phật nói tiếp: "Bây giờ lấy một cây gậy và chọc vào hai chậu ở đáy hồ." Chàng thanh niên làm theo. Hai cái chậu bị vỡ và chất bơ vì nhẹ nên nổi lên mặt nước trong khi đá nặng nên vẫn nằm dưới đáy hồ.

Đức Phật lúc đó nói: "Giờ lẹ lên, đi mời hết các thầy tu đi. Nói với họ đến đây tụng sao cho bơ chìm xuống đáy và đá nổi lên trên." Chàng thanh niên nhìn đức Phật sửng sốt. Anh nói: "Kính bạch Tôn giả, bộ ngài dỡn sao. Dĩ nhiên không ai tin bơ nhẹ thì chìm mà đá nặng lại nổi. Điều đó trái ngược với luật tạo hóa."

Đức Phật cười và đáp: "Vậy con không thấy sao, nếu cha con sống một cuộc đời tốt lành, thì các việc làm của ông sẽ nhẹ như bơ, do đó bất kể tình huống nào cha con cũng sẽ thăng lên thiên đàng. Không ai có thể ngăn cản được điều đó, ngay cả chính ta. Vì không ai có thể cưỡng lại luật nghiệp báo. Nhưng nếu cha con sống một cuộc đời xấu xa, thì cũng như những hòn đá nặng kia, ông sẽ chìm xuống địa ngục. Không có số lượng cầu nguyện nào của mọi giáo sĩ quyền năng trên thế gian này có thể làm ngược điều đó."

Chàng thanh niên bấy giờ đã hiểu. Anh ta sửa đổi cái quan niệm sai lầm của mình và không còn đi xin xỏ một việc không thể được. Câu chuyện ví von của đức Phật đã làm sáng tỏ một điều: Không ai có thể cứu chúng ta, nhất là sau khi chúng ta đã chết. Theo luật nghiệp, chúng ta là sở hữu chủ của mọi việc làm của chúng ta, là người thừa kế mọi việc làm của chúng ta. Hành động của chúng ta là vật sở hữu thật sự của chúng ta. Chúng là chỗ nương tựa và quyến thuộc thật sự của chúng ta. Chúng là nơi sinh trưởng chúng ta. Khi chết chúng ta không đem theo đuợc một xu con nào hay một của cải vật chất gì. Ngay cả một trong những người thân yêu nhất của chúng ta cũng không thể đi theo. Cũng như chúng ta đã đến một mình do nghiệp của mình, chúng ta phải ra đi một mình. Nếu chúng ta hiểu rõ luật nghiệp thì chúng ta sẽ cảm nhận được tầm quan trọng phải sống một cuộc đời cao đẹp khi chúng ta còn sống. Vì nếu chờ đến khi chết thì quá trễ, không có gì có thể thay đổi được nữa.

Đám tang Phật giáo là một đám tang đơn giản

Con đường Phật giáo rất là có ý nghĩa và giản dị. Nếu chúng ta thấu hiểu con đường Phật giáo, thì một đám tang Phật giáo là một đám tang rất giản dị không có những nghi thức dị đoan, không có sợ hãi, lo lắng hoặc hoang mang. Không cần phải đốt cái này cái nọ, thực hiện những nghi lễ kỳ quái và kiêng cử đủ chuyện, tất cả những chuyện vô nghĩa và làm hoang mang tang quyến, vốn thường làm theo chỉ vì lo sợ, vì áp lực xã hội hoặc vì thiếu hiểu biết. Chúng ta không cần phải mời thầy cúng và làm lễ với tiền công rất lớn, hoặc mướn ban nhạc cho dù là chơi nhạc trang nghiêm.

Là Phật tử, chúng ta chỉ nên mời chư tăng đến tụng kinh không quá dài dòng. Tốt nhất là nếu tụng kinh tiếng Phạn mà có thầy thông dịch kinh ra ngôn ngữ mà mọi người tham dự tang lễ đều hiểu để suy nghiệm về lời kinh đã tụng, về lời dạy của đức Phật về bản chất của sinh và tử. Đặc biệt quan trọng là lời nguyện giữ năm giới - lập lại theo vị sư. Việc tuân hành ngũ giới là việc tu tập căn bản của người Phật tử. Sau khi nguyện ngũ giới, nhà sư có thể giảng pháp nhằm tạo niềm an ủi, thoải mái và sức mạnh cho tang quyến.

Theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, chư tăng không nhận tiền thù lao. Chư tăng đến tụng là do tâm từ bi, để hỗ trợ tinh thần cho Phật tử trong lúc cần thiết. Do đó chư tăng sẽ không nhận tiền thù lao vì điều này đi ngược với tinh thần đạo pháp. Tuy nhiên, Phật tử đôi khi dâng phong bì cúng dường chư tăng để mua vật cần thiết như áo cà sa hay thuốc men. Nếu có lòng dâng hiến như vậy, thì số tiền này chỉ là tượng trưng thôi. Thật ra chư tăng không được chờ đợi người ta đưa phong bì, và nếu có đưa là hoàn toàn do ý nguyện của tang gia. Số tiền nhỏ nhoi đó là tiền cúng dường chứ không phải tiền công. Thường thì tiền công đám tang rất lớn do nhà quàn quy định trước khi làm tang lễ đình đám. Đó không phải là việc làm của một nhà sư.

Tang quyến dĩ nhiên có thể cúng dường thực phẩm cho chư tăng tại chùa. Những người khá giả hơn có thể đóng góp vào việc in kinh sách biếu không. Họ cũng có thể đóng góp cho các hội từ thiện, cho người nghèo khổ, và các công đức khác. Thay vì đặt vòng hoa, thân bằng quyến thuộc nên cúng dường vào những cơ quan từ thiện. Những công đức này có thể được san sẻ với người quá cố. Tất cả những việc đó sẽ làm đám tang có ý nghĩa hơn - loại bỏ mọi lễ nghi khó hiểu và phí phạm.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét