Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Suy nghiệm về cái chết

 


SUY NGHIỆM VỀ CÁI CHẾT

Trong khi chúng ta còn sống chúng ta nên thỉnh thoảng suy nghiệm về cái chết. Ðúng ra chúng ta nên nghiệm về nó hàng ngày. Ðức Phật khuyên nên nghĩ về cái chết thường xuyên vì làm vậy có nhiều cái lợi. Chúng ta hãy xem suy nghiệm về cái chết thì được lợi như thế nào.

Trước tiên, chúng ta cần nói rõ rằng suy nghiệm về cái chết không có nghĩa chúng ta phải trở nên buồn rầu, sợ hãi, bệnh hoạn, hoặc ngã lòng, chỉ muốn tự tử. Không, trái lại khi nghiệm một cách hiểu biết về cái chết chúng ta càng có thể sống một cách hiểu biết và từ bi hơn.

Thí dụ, mỗi khi bực mình khó chịu, tôi thường suy nghiệm như thế này (nếu tôi không bị mất tỉnh giác lắm): Ðời sống rất ngắn, ai cũng sẽ chết đến nơi. Vậy gây gỗ cãi nhau với người khác thì được ích lợi gì? Nổi cơn nóng giận thì được ích lợi gì? Hoàn toàn không được gì cả. Tốt hơn là mình nên giữ lòng bình an. Cãi nhau hay nổi nóng không giải quyết vấn đề, mà chỉ tạo thêm hận thù phiền toái. Nghĩ như vậy giúp tôi nguôi lại, tự kiểm soát lấy mình không để bị cảm giác sai lôi cuốn, và quan hệ với người khác nhẹ nhàng khéo léo hơn. Ðương nhiên điều này không phải luôn luôn dễ làm và đôi khi (có lẽ rất nhiều khi) tôi quên đi và bị vướng vào những đại ngôn và xúc cảm quá mức, nhưng khi tôi đã tự nhắc được mình về sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự phi lý của việc nổi nóng, tôi nguôi lại và ăn nói với sự dịu dàng và tự chế.

Cũng vậy, khi tôi bị kích động hoặc lo lắng về một chuyện gì đó, tôi tự hỏi lo lắng bồn chồn có được ích gì. Cuộc đời sẽ trôi qua và cái chết chờ đón tất cả mọi người. Không ai trên thế giới này có thể thoát được cái chết. Cái chết làm bình đẳng tất cả mọi người. Do đó, khi còn sống thì tôi nên sống cách tốt nhất mà tôi có thể làm được, tức là sống theo đạo pháp, sống với tỉnh giác, sống từng giây phút một, từng ngày một, làm hết sức của mình cho ngày đó. Nghĩ minh mẫn như vậy thì tôi sẽ bỏ qua mọi lo lắng và sống một cách nhẹ nhàng hạnh phúc hơn.

Hơn nữa, chúng ta có thể suy luận rằng dù có lo hay không lo, tất cả chúng ta đều sẽ già và chết. Vậy thà chúng ta già mà không lo lắng thì chẳng hay hơn không! Ðó là điều sáng suốt hơn. Không ai có thể chối cãi sống không lo là sướng. Ngược lại lo nhiều làm chúng ta rút ngắn tuổi thọ, gây thêm bệnh và chết sớm. Nghĩ được như vậy cũng giúp chúng ta bỏ qua mọi lo lắng và sống hạnh phúc hơn. Do vậy, suy nghĩ về cái chết một cách hiểu biết thì chúng ta càng bao dung nhẫn nại hơn, tử tế dịu dàng hơn, đối với bản thân chúng ta cũng như đối với người khác.

Và rồi chúng ta cũng ít bám víu vào của cải vật chất, ít tham lam hơn. Vâng, khi chúng ta nhận rõ sự ngắn ngủi của cuộc đời, và cho dù chúng ta tích lũy của cải được bao nhiêu, khi chết chúng ta cũng chẳng mang theo được một xu, thì chúng ta sẽ ít tính toán hơn. Chúng ta có thể nới lỏng ra và bắt đầu hưởng trọn niềm vui chia xẻ và ban bố, yêu thương và quan tâm người khác. Chúng ta sẽ nhận ra rằng cuộc đời không phải chỉ là tích lũy dành dụm của cải. Chúng ta sẽ thích rộng rãi hơn, chia xẻ và đem niềm vui và hạnh phúc đến cuộc đời người khác. Mang lại niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác chính là cái làm cho cuộc đời có ý nghĩa và đẹp hơn. Ðó mới là điều quan trọng. Lòng thương yêu và trắc ẩn có thể mọc chồi và nở hoa trong chúng ta giống như một cây đầy hoa đẹp. Chúng ta có thể trở thành những con người thật sự tốt đẹp đầy lòng từ bi, đáp ứng bằng cả con tim mà không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, v.v…Cuộc đời chúng ta sẽ có thêm ánh sáng mới và chúng ta có thể nói mình thật sự hạnh phúc và nhân bản. Và khi cái chết đến chúng ta sẽ không có gì ân hận. Chúng ta có thể chết một cách hạnh phúc và an bình, với một nụ cười trên môi.

Một cảm giác khẩn cấp

Suy tư về cái chết còn mang lại cho chúng ta cái trong tiếng Phạn gọi là samvega -- một cảm giác khẩn cấp vốn có thể tăng năng lực cho chúng ta đủ sức làm mọi điều tốt trước khi chết, và cụ thể là giúp chúng ta tập thiền để cảm nhận được chân lý và thấu hiểu sâu sắc hơn. Ðức Phật nói đa số chúng sinh chạy dọc theo bờ bên này mà không ai tìm cách vượt qua bờ bên kia. Ðức Phật muốn nói rằng chúng ta ai cũng vướng bận theo đuổi vật dục và những thú vui thường tình của cuộc đời. Chúng ta không chịu tìm cách vượt đến cái phi thường -- vượt qua cái sống và chết, để được nếm cái mật ngọt thần tiên của miền cực lạc, của Vô Dư Niết Bàn.

Niết Bàn này là gì? Ðức Phật nói đó là điều không thể mô tả được mà phải được chứng nghiệm do chính bản thân mỗi người. Nhưng đức Phật có cố cho chúng ta vài ý tưởng về Niết Bàn. Chẳng hạn, ngài mô tả đó là vô sanh, vô thủy, vô tướng, vô điều kiện, vô tử, là hạnh phúc cao nhất, là an bình vĩ đại nhất. Niết Bàn tượng trưng cho một trạng thái không nổi dậy và không mất đi, bất sanh bất diệt. Ðó cũng là sự tắt ngấm mọi ngọn lửa tham sân si, sự chấm dứt của tâm thức và vật chất, sự tận diệt mọi khổ ải.

Một người mà đã chứng đắc Niết Bàn, vốn có thể xảy ra trong khi ngồi thiền, được coi là đã giác ngộ. Một người đã giác ngộ có thể là bậc A La Hán hoặc Phật. Cái khác biệt giữa bậc A La Hán và Phật là ở chỗ bậc A La Hán được giác ngộ nhờ nghe theo lời dạy của một người đã giác ngộ khác, trong khi Phật thì tự đạt lấy giác ngộ.

Một người giác ngộ là một người có thể đương đầu với mọi thịnh suy của cuộc đời với một tinh thần thăng bằng. Qua mọi thăng trầm như thắng hay thua, thành công hay thất bại, khen ngợi hay chê trách, đớn đau hay sung sướng, danh thơm hay tiếng xấu, người đó vẫn thanh thản, không lay chuyển. Người đó giữ được như vậy không phải vì họ ảo tưởng hay không có cảm xúc, mà là vì họ đã giác ngộ và hiểu biết; họ hiểu cái bản chất thực của sự hiện hữu, bản chất của hiện tượng vật chất và tinh thần, bản chất của lẽ vô thường, sự thiếu an ninh và thiếu tinh túy của cái gọi là ngã theo ý nghĩa cơ bản nhất. Nếu người đó không thèm muốn khoái cảm hay không sợ đau, điều đó không có nghĩa là họ không cảm nhận được những cái đó. Họ cảm nhận được nhưng họ không để bị chúng chi phối vì họ biết được bản chất đích thực của chúng. Họ có thể dùng trí tuệ và thanh tịnh để đón nhận cả đau đớn lẫn khoái cảm khi chúng xảy ra.

Điều đó cũng áp dụng cho những điều trần tục khác như khen chê, thua thắng. Nếu được khen họ không thấy vênh váo kiêu ngạo. Họ không tự hào. Nếu bị chê trách họ không bị bực dọc hay ngã lòng. Đối với họ chẳng sao. Họ vững chãi và không xao xuyến vì họ biết họ đã làm đúng thật sự -- với không một mảy may tham sân si nào. Động cơ của họ chỉ là tâm từ và tâm bi. Họ không có một ham muốn nào dù là giết một con kiến hay con muỗi. Lương tâm họ trong sạch, tâm hồn nhẹ nhàng và tự do. Một bậc A La Hán sống kiếp cuối cùng trên trái đất này và khi chết đi sẽ không phải tái sinh nữa. Ra đi như một ngọn đèn tắt ngúm. Người đã nhập diệt. Người đã nhập Vô Dư Niết Bàn, chấm dứt mọi hiện hữu, chứng đắc thanh tịnh tuyệt đối của Niết Bàn.

Do đó các vị A La Hán vào thời đức Phật đã có câu kệ:

Ta không ham thích cái sống
Ta không ham thích cái chết
Nhưng ta chờ đợi phiên mình
Tỉnh giác và điềm nhiên

Một câu kệ khác đặt như sau:

Các pháp hữu vi đều vô thường
Có bản chất sinh và diệt
Đã sinh rồi thì phải diệt
Hạnh phúc nhất là khi (hoàn toàn) lặng yên, chấm dứt

Suy nghiệm về cái chết có thể giải thoát chúng ta khỏi sự kềm kẹp của sự quyến rũ ái dục. Chúng ta sẽ không bị của cải vật chất đánh lừa mà sẽ chuyền mọi tiềm lực cho một cuộc sống trọn vẹn và toại nguyện hơn, chăm bồi phát triển trí tuệ và từ bi. Chúng ta có thể tìm con đường tu thiền, hay nếu đã học thiền rồi, thì nỗ lực gấp đôi để đạt được cái mục đích tối hậu là giải thoát mọi sự khổ.

Suy nghiệm dẫn đến hiểu biết và chấp nhận

Suy nghiệm thường xuyên về cái chết - cái chết là không tránh khỏi và tài sản chúng ta chính là các hành động của mình - có thể thúc đẩy chúng ta sống một cuộc đời tốt đẹp để khi chết chúng ta không còn sợ chết. Hơn nữa, bởi ai cũng phải chết, nên khi có người thân qua đời, chúng ta sẽ không bị dằn vặt thương tiếc nhờ chúng ta hiểu biết và chấp nhận. Đây không phải là vì chúng ta không có cảm xúc hay không có con tim. Không, chúng ta có con tim, một con tim mềm yếu là khác. Chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc nhưng chúng ta cũng biết thực chất của sự hiện hữu, và có thể chấp nhận rằng cái chết luôn đan quyện vào cuộc sống.

Khi giải thích cách người hiểu biết chấp nhận cái chết như thế nào, đức Phật nói: "Biết được thực chất của trần gian, người hiểu biết không đau buồn thương tiếc. Than khóc chỉ dẫn đến thêm khổ sở đớn đau. Khóc không làm người chết sống dậy. Người than khóc trở nên xanh xao gầy yếu. Người đó chỉ hành hạ lấy mình và sự khóc than thương tiếc là vô nghĩa." Đức Phật nói người hiểu biết đã nắm được chân lý của sự hiện hữu sẽ "giật bỏ mũi tên đau buồn tuyệt vọng". "Người đó không có bám víu. Nhờ đã đạt được sự bình an của tâm hồn, người đó đã vượt qua mọi thương tiếc. Người đó đã được giải thoát."

Vậy cho nên chúng ta nên suy nghiệm về những mặt sâu xa của lời dạy đức Phật để chúng ta có thể đối diện cái chết không phải với đau buồn mà với hiểu biết. Những người đã khuất cũng không muốn chúng ta mất sự tự chủ. Họ không muốn chúng ta tan nát con tim, mà ngược lại biết chấp nhận sự ra đi của họ một cách thanh cao. Vì đã tái sinh, họ cũng không còn ở đó để xem chúng ta khóc. Sự khóc lóc đau buồn của chúng ta không giúp được gì cho họ. Khóc lóc thật vô ích. Nếu chúng ta nghiệm kỹ, thì chúng ta có thể thấy sự đau buồn của chúng ta chỉ là vì sự dính mắc của mình. Chúng ta không chịu nổi sự chia tay. Nhưng nếu chúng ta suy nghiệm cho sâu và trở nên hiểu biết hơn, chúng ta có thể chầp nhận điều không tránh khỏi. Thay vì than tiếc, chúng ta có thể can đảm hơn. Chúng ta có thể đáp ứng có ý nghĩa hơn, chẳng hạn như quyết tâm sống một cuộc đời mẫu mực để tôn vinh hay tưởng nhớ người thân. Một người hiểu biết chắc chắn sẽ không muốn ai than khóc cho mình. Thay vào đó, họ có thể nói: "Nếu thật sự muốn tôn vinh hay tưởng nhớ tôi thì hãy sống một cuộc đời tốt đẹp, làm việc thiện, tử tế với đồng loại…Đó là tất cả những gì tôi yêu cầu."

Khi đức Phật gần nhập diệt, tục truyền rằng hoa tiên và bột gỗ hương từ trên trời rơi xuống phủ đầy người ngài như một dấu hiệu tôn vinh. Người ta cũng nghe nhã nhạc từ trời vọng xuống. Nhưng đức Phật cho biết chuyện tôn vinh như vậy là điều ngài không muốn. Ngài nói: "Ðây không phải là cách tôn vinh Như Lai cao diệu nhất. Nhưng, này A nan, ai tuân theo đạo pháp, sống theo đạo pháp, đi con đường đạo pháp, đó mới chính là tôn vinh Như Lai một cách cao diệu nhất. Cho nên, A nan, con phải tự tâp luyện cách đó: chúng ta cần theo đạo pháp, sống theo đạo pháp, đi con đường đạo pháp." Và mặc dù chúng tôi đã có đề cập trước đây, chúng ta hãy lập lại đây một lần nữa: lời khuyên bảo cuối cùng của đức Phật là: Mọi pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực liên tục chuyên cần (để được giải thoát).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét