Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

Tiền nghiệp, Khuynh hướng tâm lý và Môi trường sống

 


Tiền nghiệp, Khuynh hướng tâm lý và Môi trường sống

Tôi muốn nói đi nói lại một điều, ngay bây giờ các vị thấy không cần, nhưng một ngày nào đó tóc bạc nhiều hơn các vị sẽ thấy thấm, đó là toàn bộ những gì mình thích, mình mê, mình thương trong cuộc đời này nó vô nghĩa, ngây ngô, trẻ con, không tưởng nỗi, bởi vì động cơ, nguyên nhân, lý do, cơ sở, nền tảng dẫn đến mình thích hay ghét cái gì đó là do:

1/ Tiền duyên đời trước đẩy mình vào hoàn cảnh sống trong hiện tại, trong hoàn cảnh buộc chúng ta phải chọn cái này hoặc chọn cái kia. Ví dụ nghiệp đẩy tôi về làm một đứa bé ở miền Tây Nam Bộ VN thì tự nhiên tôi phải thích chuyện nặn đất, lội sông, hái trái, chăn trâu v.v... Nghiệp đẩy tôi về thành phố châu Âu hay Nam Mỹ thì tự nhiên tôi phải thích hợp với những nơi đó.
2/ Khuynh hướng tâm lý bản thân. Ví dụ nhiều đời tôi thích sát: câu cá, đá dế, chăn nuôi lấy thịt v.v... giờ sanh ra tôi thích những việc đó.
3/ Hoàn cảnh hiện tại. Túc nghiệp không cũng chưa đủ, khuynh hướng tâm lý cũng chưa đủ, dù túc nghiệp đẩy tôi về VN, về ở phố mặt tiền, thì không thể nào có điều kiện sát sanh như một đứa bé nhà quê.
Phải đủ 3 duyên trên cộng lại thì mới khiến cho mình thích cái này ghét cái kia, mình cứ tưởng đó là hay ho ghê gớm, dệt mộng về nó, nhưng thật ra bản thân những thứ mình thích đó không phải là hằng số bất biến mà hoàn toàn tùy thuộc vào 3 duyên trên. Chính vì thích nên còn ghét, mình thích sạch nên ghét dơ và ghét luôn những con gì từ chỗ dơ ra (gián, chuột, ruồi) và ghét những nơi đầm lầy nước đọng... Từ chỗ đó mà cái này có cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sanh cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt là chỗ đó. Đó là lý do ngài Xá Lợi Phất khi nghe câu kệ: “Vạn pháp do duyên sanh, vạn pháp do duyên diệt, bậc đại Sa môn, đạo sư của tôi đã nói hết về duyên sanh duyên diệt của vạn pháp…” chỉ nghe như vậy ngài thấy ra toàn bộ giáo lý duyên khởi, giáo lý Tứ Đế, và ngài đắc Tu-đà-hoàn. Ngài thấy rõ ràng đời sống này là sự thừa tiếp của cái trước và cái sau, cái sau không phải là cái trước, cái trước không phải là cái sau nhưng kết nối với nhau bằng nguyên tắc nhân quả.
Sư Giác Nguyên giảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét