Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Nghịch cảnh và pháp hóa giải

 


NGHỊCH CẢNH & PHÁP HOÁ GIẢI

I/ NGHỊCH CẢNH
Nghịch cảnh hay những hoàn cảnh bất lợi và khó khăn mà chẳng ai mong muốn, nhưng nó vẫn xảy ra như một lẽ tất yếu của cuộc sống, dù đó có là cuộc sống của một vị Phật.
Kiếp sống con người là quá trình tiếp diễn các tiến trình nhân quả, cũng như đan xen sự thọ hưởng các quả Thiện lẫn Bất Thiện. Trong số ấy, có quả thuộc về nhân của các kiếp quá khứ và có quả là nhân ngay trong kiếp hiện tại. Chẳng hạn, một người được thừa hưởng các quả của thiện nghiệp từ kiếp quá khứ nên sanh ra trong một gia đình giàu có, học thức, địa vị, nhưng người ấy ỷ lại, lười biếng học tập và lao động , thay vào đó, đắm chìm trong sự ăn chơi hưởng dục, và kết giao với người ác. Sau khi tiêu tán hết tài sản của gia đình, người ấy gặp phải nghịch cảnh của sự nghèo túng, hoặc tù tội.
Ngược lại, một người sanh ra đã gặp phải nghịch cảnh nghèo khó do nhân bất thiện từ kiếp quá khứ, nhưng do sự cố gắng học tập, lao động, thân cận với các thiện trí thức, một thời gian sau, người ấy vượt khó và trở nên thành công và giàu có. Đây chính là các quả có nhân trong kiếp hiện tại nhờ sự nỗ lực, tinh tấn.
Lại nữa, nếu người ta chỉ đơn giản cho rằng, nghịch cảnh hay thuận cảnh, hay các sự việc xảy ra trong cuộc sống này là TỰ NHIÊN, hay do bởi HOÀN CẢNH, do ĐỊNH MỆNH thì theo lời Đức Phật, đó là một loại TÀ KIẾN gọi là Vô nhân kiến (ahetuka-ditthi):
“Do có cái gì, này các Tỳ khưu, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên:
Không có nhân, không có duyên cho sự ô nhiễm của các loài hữu tình; không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô.
Không có nhân, không có duyên, cho sự thanh tịnh của các loài hữu tình; không có nhân, không có duyên các loài hữu tình được thanh tịnh.
Không có lực, không có tinh tấn, không có sức mạnh của con người, không có sự cố gắng của con người. Tất cả chúng sanh, tất cả các loài có hơi thở, tất cả sinh vật, tất cả hữu tình đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Họ bị uốn nắn, chi phối bởi định mệnh, bởi hoàn cảnh, bởi tự nhiên. Họ hưởng thọ khổ, lạc, theo sáu loại" (Kinh Nhân (S.III.III.1.7))
Thiện nghiệp sẽ cho quả thuận lợi, và bất thiện nghiệp sẽ tạo ra các nghịch cảnh trái ngang. Nhưng dù thuận hay nghịch, ở một mức độ nào đó, quả của nghiệp vẫn có thể bị tiêu giảm hoặc vô hiệu do sự tinh tấn nỗ lực tạo lập các nghiệp hiện tại. Đối với nghiệp hiện tại thì ý nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Như lời Đức Phật dạy : “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo…”
Như vậy, một hành động được quyết định là thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp tuỳ ở sự trong sạch của tâm ý, không phải ở hình thức hay sự phô trương bên ngoài. Lại nữa, do ý làm chủ các pháp, nên dù đứng trước nghịch cảnh, ý vẫn có thể quyết định sự thọ hưởng cảnh ấy sẽ là khổ hay sự an tịnh. Ý hành này được gọi là như lý tác ý hay sự khéo tác ý (yoniso manasikāra).
Như lý tác ý là sự dẫn hướng tâm ý một cách đúng đắn, khôn khéo, và thấu đáo, hợp với chánh đạo giải thoát mà Đức Phật chỉ dạy, khiến cho phiền não lậu hoặc được trừ diệt.
"Này các Tỳ khưu, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt."
Ngược lại, phi lý tác ý (ayoniso-manasikāra) là sự dẫn hướng tâm ý sai lạc, không thấu đáo, không hợp với chánh đạo, khiến cho các lậu hoặc sanh khởi.
“Này các tỳ khưu, do phi lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng ” (Kinh Tất Cả Lậu Hoặc/Trung Bộ)
Như vậy, khi một người đối mặt với nghịch cảnh tức những đối tượng không khả ái bằng sự phi lý tác ý cho rằng đó là do hoàn cảnh, là tự nhiên, là do lỗi người này, hoặc người kia… mà không khéo tác ý đến luật nhân quả, chính điều này làm cho sân hận sanh khởi, theo sau đó là cả chuỗi tâm bất thiện, sầu, bi, khổ, ưu, não…Cũng vậy, do phi lý tác ý khi gặp các đối tượng khả ái nên dục tham sanh khởi.
Lại nữa, do có sự khéo tác ý, các thiện pháp được sanh khởi:
“Với người như lý tác ý, này các Tỳ khưu, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận.”
(Yoniso, bhikkhave, manasi karoto anuppannā ceva kusalā dhammā uppajjanti uppannā ca akusalā dhammā parihāyanti) (Aṅ-1-12)
Nếu một người đang mong cầu hoá giải nghịch cảnh tức sự tiêu giảm năng lực quả bất thiện thì trước hết phải khai triển tâm thiện cùng với các hành động thiện. Tuy nhiên, khi đứng trước những nghịch cảnh hiểm nguy, nhất là cái chết, phần lớn con người thường hay SỢ HÃI và HOẢNG LOẠN.
Ở đây, người học Phật cần biết rằng, điều xấu nhất của một kiếp sống không phải cái chết, bởi cái chết xảy ra như một quy luật hay tiến trình tự nhiên đối với tất cả chúng sanh, chỉ là nhanh hay chậm, sớm hay muộn, hợp thời hay phi thời. Điều xấu nhất mà một chúng sanh có thể gặp chính là SỰ SỢ HÃI khi đối diện với cái chết. Loại tâm này là tâm có CĂN SÂN thuộc TÂM BẤT THIỆN, sanh khởi do sự phi lý tác ý.
Thế nên, nếu dùng tâm bất thiện để mong hoá giải quả bất thiện, điều này ví như, nghiệp đen có thể cho ra quả trắng, sự kiện như vậy, theo Đức Phật, không thể xảy ra. Chỉ với tâm bình tĩnh và sự khéo tác ý, người ta mới có thể làm khởi sanh các pháp thiện nơi tâm, chính sức mạnh của thiện tâm mới tạo ra được năng lực hoá giải những nghịch cảnh ấy hoặc ít nhiều cho chính sự đau khổ trong tâm.
Vào thời Đức Phật, có một quốc độ tên là Sunaparanta, người dân tại đấy nổi tiếng là hung bạo và thô ác. Tôn giả Punna sau một thời gian tu tập dưới sự chỉ dẫn của Đức Phật đã quyết định đi đến sống tại đấy. Khi biết tin, Đức Phật có đặt ra các câu hỏi giả định về những nghịch cảnh có thể gặp, và tôn giả Punna đã đáp lại một cách hoàn toàn bình thản và lạc quan trong từng trường hợp.
1/ Nếu con bị mắng nhiếc, nhục mạ thì dù sao người dân xứ ấy vẫn tốt lành thay vì đã không đánh đập.
2/ Nếu con bị đánh đập thì dù sao người dân xứ ấy vẫn tốt lành thay vì đã không lấy cục đất ném chọi.
3/Nếu con bị ném cục đất thì dù sao người dân xứ ấy vẫn tốt lành thay vì đã không đánh bằng gậy gộc.
4/ Nếu con bị đánh bằng gậy gộc thì dù sao người dân xứ ấy vẫn tốt lành thay vì đã không sát hại bằng dao nhọn.
Và khi đến trường hợp xấu nhất, tôn giả Punna vẫn trả lời một cách lạc quan nhất:
5/ ‘Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con; thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: "Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy"….:)) (Punnovàda sutta).
Đức Phật đã tán thán tâm ý của Tôn Giả Punna và nói lên lời Sadhu!
Ở đây, sự lạc quan và tư duy tích cực của tôn giả Punna khi phải đối mặt với các nghịch cảnh, dù đó có là cái chết, chính nhờ sự thuần thục trong việc như lý tác ý với từ tâm.
Ngày nay, đứng trước đại dịch Covid-19, chúng ta có thể xem đây là một NGHỊCH CẢNH to lớn của cả nhân loại NHƯNG thay vì đau khổ, hoang mang, và sợ hãi thì đây là thời điểm hợp thời để chúng ta có thể vận dụng lời dạy của Đức Phật cho sự tu tập Tâm & Tuệ, cho sự tạo lập thiện pháp một cách sâu sắc và trí tuệ nhất.
II/ PHÁP HOÁ GIẢI
Gọi là pháp hoá giải bởi nó có khả năng tác động tích cực nhất vào tâm ý, nghiệp và quả của nghiệp, giúp cho người ấy có được sự bình an và khả năng hoá giải nghịch cảnh vốn là các quả nghiệp bất thiện.
1/ Với NHƯ LÝ TÁC Ý
Được xem là pháp hoá giải đầu tiên với ý hành, kế đến, là pháp hoá giải từ thân hành và khẩu hành, đó chính là:
2/ SỰ THANH TỊNH VÀ NIỆM GIỚI
Tất cả các ác pháp trên thế gian này bắt nguồn từ người không có giới hạnh. Do ác giới mà người ta sẵn sàng tạo các tội lỗi giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói láo, và sử dụng các chất say... Vào thời kì thế gian có phần đông là người ác giới, các pháp che chở thế gian bị tiêu hoại, chư thiên phẫn nộ, thời tiết trái nghịch, thiên tai và dịch bênh hoành hành, tuổi thọ và dân số bị giảm thiểu. Vào thời điểm ấy, các thiện nghiệp bị ngăn trở và các ác nghiệp được hỗ trợ cho ra quả. Thời kì như vậy còn được gọi là thời cơ khuyết duyên (kala vipatti).
Do vậy, khi đối diện với nghịch cảnh, điều trước tiên mà mỗi người cần làm chính là sự thanh tịnh lại giới hạnh của bản thân và niệm giới. Với người có giới đầy đủ, thiện tâm hoan hỷ sẽ phát sanh khi niệm tưởng về giới hạnh của bản thân. Với năng lực thiện tâm này, người ấy không sợ hãi dù phải đối diện với bệnh tật hay tử thần. Đó là sức mạnh của giới.
Trong quá khứ, ai ai cũng từng tạo nghiệp bất thiện, kể cả đức Bồ tát, tuy nhiên, trong thời Đức Phật, dù là gái điếm, tướng cướp, hay đồ tể… ngay khi người ấy hiểu Pháp, và khởi lên sự cố ý tránh xa các điều tội lỗi, chẳng hạn, sát sanh, trộm cắp.., lập tức người ấy được an trú trong GIỚI. Bởi giới chính là TƯ TÂM SỞ khởi lên nơi một người cố ý tránh xa các điều ác.
Vì vậy, Người học Phật nên thường xuyên quán xét về GIỚI, sẽ tìm được sự bình an trong cuộc sống và trước những hiểm nguy.
3/ HÃY HÀNH THIỀN KHI CÓ THỂ
Trong 1 cái búng ngón tay, có hàng triệu triệu tiến trình tâm sanh diệt. Mỗi tiến trình tâm dán chặt trên đề mục thiền đều là tâm thiện. Mỗi tâm thiện sanh lên rồi diệt đi sẽ để lại một tiềm lực cho quả thiện trong tương lai. Như vậy, nếu một người hành thiền có chánh niệm miên mật chặt chẽ trên đề mục thiền, mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ… người ấy tạo ra vô số các thiện nghiệp một cách liên tục. Đó là lý do những ai chết trong lúc hành thiền, với tâm thiền, nếu chưa giải thoát, vị ấy chắc chắn sẽ sanh lên Thiên Giới thọ hưởng phước báu sung mãn và tuổi thọ lâu dài. Và trong thời điểm mà nhân loại cần phước báu hỗ trợ để chuyển hoá nghịch cảnh đại dịch thì phước thiền được xem là loại phước hỗ trợ đắc lực.
4/ HÃY CUNG KÍNH CÚNG DƯỜNG ĐẾN TĂNG CHÚNG
Một người có giới trong sạch khi tạo lập các thiện pháp sẽ cho ra quả sung mãn và tròn đủ. Tăng Chúng chính là PHƯỚC ĐIỀN và là loại đối tượng cúng dường tối thắng trên thế gian. Sự cúng dường Tăng Chúng với tâm trong sạch của người trí có thể tạo ra phước thiện vô lượng. Thuốc men, thực phẩm, y áo và các nhu yếu phẩm cần thiết trong mùa dịch là sự cúng dường hợp thời đến Tăng Chúng. Phước báu sau khi làm hãy hồi hướng đến Chư Thiên cùng các chúng sanh đã quá vãng.
5/ HÃY HIẾU KÍNH CÚNG DƯỜNG ĐẾN CHA MẸ
Quả phước của sự cung kính cúng dường CHA MẸ được Đức Phật xếp ngang với sự cúng dường các vị trời PHẠM THIÊN. Mùa giãn cách xã hội là thời điểm mà những người con có nhiều thời gian hơn dành cho cha mẹ, ngoài sự phụng dưỡng, theo Đức Phật, sự báo hiếu tròn đủ nhất công ơn Cha Mẹ chính là sự hướng dẫn, an trú cha mẹ có lòng tin, chánh kiến, và sự thực hành Giáo Pháp như bố thí, trì giới... Hướng dẫn cha mẹ thọ ngũ giới, tụng kinh, và hành thiền hàng ngày cũng là một loại phước báu to lớn. Nếu mỗi gia đình đều huân tập các thiện pháp trong chánh kiến, xã hội ấy, đất nước ấy, sẽ được bình an và vững mạnh.
6/ HÃY ĐOÀN KẾT TƯƠNG TRỢ
Trong một số bài kinh, khi Đức Phật được hỏi về vấn đề chính trị, về sự tồn vong của một quốc độ, Ngài thường chỉ nói đến yếu tố đoàn kết. Bởi sự đoàn kết là yếu tố trọng yếu tạo ra sức mạnh bảo vệ cho một dân tộc, một đất nước, được bình an và vững mạnh trước những thế lực phá hoại, thù địch. Cũng vâỵ, sự đoàn kết và tương trợ của người dân đối với quốc gia để khắc phục và vượt qua nghịch cảnh khó khăn chung là điều cần thiết, cũng như, sự bố thí, chia sẻ đến những người khó khăn, cơ nhỡ, trong cộng đồng, theo khả năng và sự hoan hỷ của bản thân, là một thiện pháp cao đẹp.
Một quốc gia an ổn thì các bậc xuất gia và cư sĩ tại gia mới có được điều kiện tốt để tu tập và phát triển Phật giáo. Và nếu khéo tác ý về vấn đề này, thì đây cũng là một thiện pháp to lớn của người học Phật.
Và dĩ nhiên, còn nhiều loại thiện pháp mà mỗi người có thể làm tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh của mình. Nhưng hãy nhớ, chỉ có thật nhiều NGHIỆP THIỆN mới mong hoá giải được Nghiệp Quả Bất Thiện.
"Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che."
(KPC. Phẩm Thế Gian)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét