CÁC KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ KHI THỰC HÀNH NIỆM HƠI THỞ THEO PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN THỐNG TẠI PA-AUK.
I/ BẠN HIỂU GÌ VỀ ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỊNH BẬC THIỀN?
1/ Niệm Hơi Thở là Pháp Hành có nền tảng chính là Định bậc thiền (Jhana).
2/ Đối với tất cả pháp hành đưa đến Định Bậc thiền đều có một điểm chung, đó chính là sự nhíp tâm bất động trên MỘT đối tượng DUY NHẤT.
3/ Đối tượng tu tập Định Bậc Thiền chỉ có thể là CẢNH của Tâm thuộc phạm vi ý môn. Điều này có nghĩa là, tất cả các cảnh thuộc ngũ môn lộ trình tâm như: cảnh sắc đối với nhãn thức (mắt), cảnh (âm) thanh đối với nhĩ thức (tai), cảnh hương (mùi) đối với tỷ thức (mũi) , cảnh vị đối với thiệt thức (lưỡi), và CẢNH XÚC hay TẤT CẢ CÁC CẢM GIÁC XÚC CHẠM mà THÂN THỨC nhận biết được, tất cả năm loại cảnh này đều KHÔNG PHẢI ĐỐI TƯỢNG của tâm BẬC THIỀN. Tâm nhận biết các cảnh này không đưa đến ĐỊNH BẬC THIỀN.
4/ Duy nhất CẢNH nào CHỈ XUẤT HIỆN ở ý môn (không ở bất cứ căn môn nào khác), mà tâm có thể GHI NHỚ ĐƯỢC (NIỆM) qua sự hiểu biết, nắm bắt, kinh nghiệm (TƯỞNG)…mới chính là đối tượng có thể dẫn nhập vào ĐỊNH BẬC THIỀN.
5/ Sự nắm bắt lẫn lộn giữa Cảnh thuộc phạm vi Ngũ Môn (3) & Cảnh thuộc phạm vi Ý Môn (4), cũng như sự ghi nhận cảnh đan xen giữa 3 & 4 KHÔNG THỂ đưa đến Định Bậc Thiền. Dù có thể làm phát sanh các dạng Tướng của Định (Nimitta) nhưng tướng ấy không bền vững, dễ bị dao động, thay đổi, và mất đi. Điều này là vì Nimitta phát sanh do Tưởng. Với TƯỞNG không vững chắc, Nimitta cũng không vững chắc do nó không có nền tảng vững chắc từ TƯỞNG & NIỆM. Điều này là vì “TƯỞNG CHÍNH LÀ NHÂN GẦN CỦA NIỆM”. Người không có Tưởng vững chắc, Niệm cũng không vững chắc. Định nào có đối tượng Nimitta không vững chắc, không thể tiến đạt vào Bậc Thiền. Như vậy, dù thiền sinh ấy có hành thiền cả đời cũng không thể đắc thiền.
II/ CÁC KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ ĐỐI VỚI HÀNH GIẢ THEO PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN THỐNG
1/ Nhận biết SỰ VÀO-RA (1) của hơi thở tại ĐIỂM XÚC CHẠM (2) chỉ là PHƯƠNG TIỆN TẠM THỜI để cột tâm vào sự ý thức rằng, hơi thở đang HIỆN DIỆN ngay THỰC TẠI, có VỊ TRÍ XÁC ĐỊNH là Ở TRƯỚC MẶT(ngay lỗ mũi), chứ KHÔNG PHẢI NƠI NÀO KHÁC.
Dù vậy, sự hiện diện của hơi thở mà hành giả mới vừa nhận biết ấy chỉ là những diễn tiến của các đặc tính TỨ ĐẠI, trong đó, nổi bật là đặc tính ĐẨY (vào & ra) của phong đại, và đặc tính NẶNG & NHẸ của địa đại hay đặc tính NÓNG & LẠNH của hoả đại…
Tất cả đều không phải là đối tượng của Niệm Hơi Thở, càng không phải đối tượng KHÁI NIỆM (paññātti) hay CẢNH chỉ xuất hiện ở Ý MÔN.
Người không biết rõ được điều này thường có khuynh hướng bám chặt vào các đặc tính TỨ ĐẠI ấy mà không thể dùng trí tuệ để nhận biết được CẢNH TƯỚNG của hơi thở là gì? Điều này khiến cho Thiền Niệm Hơi Thở bị "lệch pha", chuyển hướng qua thiền tứ đại nhưng một cách nữa vời.
ĐÂY LÀ KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ THỨ NHẤT đối với hầu hết những hành giả khi thực hành phương pháp truyền thống tại Pa-auk.
2/ Ngoại trừ bảy hạng người không có hơi thở (người chết, thai nhi trong bụng mẹ, người đang chìm dưới nước, người bất tỉnh vô thức, người đang nhập tứ thiền, người đang nhập thiền Diệt Thọ Tưởng Định (nirodha-samapatti), và vị Phạm Thiên), còn lại, Sự VÀO & RA của hơi thở là tiến trình tự nhiên, liên tục bất tận, và không có sự ngừng nghỉ suốt cả kiếp sống (trừ việc cố ý nín thở). Sự kết thúc của hơi thở vào là sự bắt đầu của hơi thở ra và ngược lại. Thế nên, khi nói đến pháp tu trên đối tượng hơi thở thì CÁI TÊN GỌI hay KHÁI NIỆM diễn đạt chỉ có thể là NIỆM HƠI THỞ VÀO & HƠI THỞ RA (Ānāpānāsati): Ānā có nghĩa là hơi thở vào, pānā có nghĩa là hơi thở ra, và Sati có nghĩa là Niệm.
Việc đơn thuần nhận biết tiến trình vào & ra của hơi thở thường chỉ rõ ràng khi hơi thở còn thô tháo. Một khi hơi thở chuyển sang vi tế, tiến trình này khó có thể nhận biết được. Người không biết được hơi thở là luồng khí có sự nối tiếp liên tục như thể một thanh cột khí luôn hiện hữu, sẽ có khuynh hướng chấp chặt vào sự VÀO-RA của hơi thở, cũng như, TÌM KIẾM hơi thở nào là VÀO, hơi thở nào là ra. Một khi không thấy được, họ có khuynh hướng TỰ TẠO RA SỰ VÀO và SỰ RA của hơi thở tức SỰ KIỂM SOÁT hơi thở khiến cho sự thực hành ấy bị biến tướng và chệch khỏi pháp hành Niệm Hơi Thở.
Đây là KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ THỨ HAI đối với hầu hết những hành giả khi thực hành phương pháp truyền thống tại Pa-auk.
3/ Hơi thở dài & ngắn ngoài ý nghĩa về độ diễn tiến nhanh hay chậm của hơi thở mà nó cũng cần được hiểu theo nghĩa khoảng không gian (addhānā) mà Vissudhi Magga (TTĐ, Chương IIIV, Niệm Hơi Thở) đã dẫn chứng với ví dụ minh hoạ cho hình thể không gian chứa NƯỚC hoặc CÁT:
“cũng như nước hay cát chiếm một khoảng không gian được gọi là "một dải nước dài", một bãi cát dài, dãi nước ngắn, bãi cát ngắn, cũng thế trong trường hợp thân thể của voi hay rắn, những hơi thở vô và hơi thở ra được xem như là những vi thể từ từ lấp đầy cái khoảng không gian dài, nghĩa là chiều dài, của thân thể chúng, và từ từ đi ra trở lại. Bởi thế hơi thở chúng được gọi là "dài". Hơi thở làm đầy nhanh chóng một khoảng không gian ngắn, chẳng hạn thân thể một con chó, con thỏ, v.v... Và đi ra trở lại rất nhanh. Bởi thế mà những hơi thở này được gọi là "ngắn"…”
Người không có kiến thức này chỉ chú ý và tìm kiếm trạng thái nhanh & chậm của hơi thở mà không có sự hiểu biết rằng, hơi thở cũng như cát hay nước, nó CÓ HÌNH TƯỚNG nhất định tuỳ theo KHÔNG GIAN chứa đựng nó, mà hình tướng này sẽ là tiền đề, là nền tảng để làm hiển lộ NIMITTA, TƯỚNG CỦA HƠI THỞ về sau.
Đây là KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ THỨ BA đối với hầu hết những hành giả khi thực hành phương pháp truyền thống tại PA-AUK.
4/ Trong ĐỊNH PHẦN của Niệm Hơi Thở, sau hai bước dẫn nhập là xác định sự hiện diện, vị trí và hình dạng của hơi thở, Đức Phật dẫn giảng đến THÂN của hơi thở. Và khi nói về ý nghĩa của THÂN thì đó phải là một thể khối có hình dạng nhất định, tuy nhiên, các đặc tính của TỨ ĐẠI hoàn toàn không có hình tướng, nên, đối với những hành giả bị dính mắc vào các trạng thái , các đặc tính của tứ đại sẽ không thể biết được rằng, hơi thở có THÂN, hay nói cách khác, hơi thở có hình tướng nhất định, là một thể khối được tập hợp bởi các vi tử vật chất như Bộ Vô Ngại Giải Đạo đã giải thích:
`Hơi thở vào và hơi thở ra được xem là những vi tử li ti (các hạt vật chất), là thân theo ý nghĩa khối (hay nhóm).’ `Kayoti cunnavicunnapi assasapassasa samuhatthena Kayo' (Vô Ngại Giải Đạo Patisambhidamagga-Atthakatha, 166); [Khối là một nhóm gồm nhiều hạt (những vi tử li ti) hợp thành với nhau hoặc một lượng vật chất trong một vật.] thân hơi thở = khối hơi thở.
Đây là KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ THỨ TƯ đối với hầu hết những hành giả khi thực hành phương pháp truyền thống tại PA-AUK.
Chỉ khi nào có thể nhận biết được THÂN là cái gì? và định được trên TOÀN THÂN của hơi thở vào-ra, vị ấy mới có thể tiến đến sự an tịnh TOÀN THÂN HÀNH của hơi thở.
Khi Đức Phật liên hệ đến sự AN TỊNH, thì Ngài liên hệ đến HÀNH (saṅkhāra) vốn chính là các sự tạo tác nơi tâm, là căn nguyên tạo thành và chi phối HƠI THỞ vào-ra. Để an tịnh các hành này, tâm phải được an tịnh. Để tâm được an tịnh, tâm ấy phải có định. Để tâm có định, tâm ấy phải nắm bắt được và an trú được trên đối tượng là TOÀN THÂN HƠI THỞ, nói cách khác, tâm ấy phải định được trên TƯỚNG của HƠI THỞ VÀO-RA (ānāpānā-nimitta)
Như vậy, các khuyết điểm nêu trên thường phát sinh đối với những hành giả sơ cơ, chưa hiểu biết đầy đủ căn bản pháp hành Thiền Định và cốt lõi pháp hành Niệm Hơi Thở, nhất là, ÍT TRÌNH PHÁP với vị Thầy mà tự mình thực hành… Còn nếu đã thực hành Niệm Hơi Thở trong thời gian dài theo phương pháp truyền thống mà vẫn chưa thể tiến bộ thì đây là lúc vị ấy có thể tìm hiểu một phương pháp khác để khắc phục được những vấn đề trên (nếu có đủ căn duyên).
Ví như học các phép tính, đầu tiên học nhận biết các con số, sau đó học đếm, và học phép cộng, trừ, nhân, chia…Khi ấy với một dãy số 9+9+9+9+9, người thực hành phép cộng (ví như người thực hành theo cách truyền thống) sẽ cộng từng con số, sau 4 bước cho ra kết quả.
Còn người thực hành phép nhân (Ví như người hiểu đúng đối tượng hơi thở là gì? và cách nắm bắt nó thông qua ý môn ngay từ đầu), chỉ cần ghi nhớ bảng cửu chương và biết cách áp dụng, người ấy có ngay kết quả chỉ thông qua 1 phép tính (9x5).
Thế nên, không có việc phán xét kết quả của hai loại phép tính là đúng hay sai mà chỉ có sự phù hợp hay không phù hợp với trình độ tính toán của mỗi người. Việc vội vã phán xét đúng sai về kết quả của hai phép tính chỉ là hành động của người chưa bao giờ học toán.
Cũng vậy, nếu học phép cộng bị rối và mất thời gian thì ta cũng có thể thử nhớ bảng cửu chương mà làm phép nhân. Và dù phép cộng hay phép nhân, chỉ người chịu học, chịu tinh tấn, chiụ tìm tòi, mới có thể đạt được sự lợi ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét