Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Nghịch cảnh và pháp hóa giải

 


NGHỊCH CẢNH & PHÁP HOÁ GIẢI

I/ NGHỊCH CẢNH
Nghịch cảnh hay những hoàn cảnh bất lợi và khó khăn mà chẳng ai mong muốn, nhưng nó vẫn xảy ra như một lẽ tất yếu của cuộc sống, dù đó có là cuộc sống của một vị Phật.
Kiếp sống con người là quá trình tiếp diễn các tiến trình nhân quả, cũng như đan xen sự thọ hưởng các quả Thiện lẫn Bất Thiện. Trong số ấy, có quả thuộc về nhân của các kiếp quá khứ và có quả là nhân ngay trong kiếp hiện tại. Chẳng hạn, một người được thừa hưởng các quả của thiện nghiệp từ kiếp quá khứ nên sanh ra trong một gia đình giàu có, học thức, địa vị, nhưng người ấy ỷ lại, lười biếng học tập và lao động , thay vào đó, đắm chìm trong sự ăn chơi hưởng dục, và kết giao với người ác. Sau khi tiêu tán hết tài sản của gia đình, người ấy gặp phải nghịch cảnh của sự nghèo túng, hoặc tù tội.
Ngược lại, một người sanh ra đã gặp phải nghịch cảnh nghèo khó do nhân bất thiện từ kiếp quá khứ, nhưng do sự cố gắng học tập, lao động, thân cận với các thiện trí thức, một thời gian sau, người ấy vượt khó và trở nên thành công và giàu có. Đây chính là các quả có nhân trong kiếp hiện tại nhờ sự nỗ lực, tinh tấn.
Lại nữa, nếu người ta chỉ đơn giản cho rằng, nghịch cảnh hay thuận cảnh, hay các sự việc xảy ra trong cuộc sống này là TỰ NHIÊN, hay do bởi HOÀN CẢNH, do ĐỊNH MỆNH thì theo lời Đức Phật, đó là một loại TÀ KIẾN gọi là Vô nhân kiến (ahetuka-ditthi):
“Do có cái gì, này các Tỳ khưu, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên:
Không có nhân, không có duyên cho sự ô nhiễm của các loài hữu tình; không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô.
Không có nhân, không có duyên, cho sự thanh tịnh của các loài hữu tình; không có nhân, không có duyên các loài hữu tình được thanh tịnh.
Không có lực, không có tinh tấn, không có sức mạnh của con người, không có sự cố gắng của con người. Tất cả chúng sanh, tất cả các loài có hơi thở, tất cả sinh vật, tất cả hữu tình đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Họ bị uốn nắn, chi phối bởi định mệnh, bởi hoàn cảnh, bởi tự nhiên. Họ hưởng thọ khổ, lạc, theo sáu loại" (Kinh Nhân (S.III.III.1.7))
Thiện nghiệp sẽ cho quả thuận lợi, và bất thiện nghiệp sẽ tạo ra các nghịch cảnh trái ngang. Nhưng dù thuận hay nghịch, ở một mức độ nào đó, quả của nghiệp vẫn có thể bị tiêu giảm hoặc vô hiệu do sự tinh tấn nỗ lực tạo lập các nghiệp hiện tại. Đối với nghiệp hiện tại thì ý nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Như lời Đức Phật dạy : “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo…”
Như vậy, một hành động được quyết định là thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp tuỳ ở sự trong sạch của tâm ý, không phải ở hình thức hay sự phô trương bên ngoài. Lại nữa, do ý làm chủ các pháp, nên dù đứng trước nghịch cảnh, ý vẫn có thể quyết định sự thọ hưởng cảnh ấy sẽ là khổ hay sự an tịnh. Ý hành này được gọi là như lý tác ý hay sự khéo tác ý (yoniso manasikāra).
Như lý tác ý là sự dẫn hướng tâm ý một cách đúng đắn, khôn khéo, và thấu đáo, hợp với chánh đạo giải thoát mà Đức Phật chỉ dạy, khiến cho phiền não lậu hoặc được trừ diệt.
"Này các Tỳ khưu, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt."
Ngược lại, phi lý tác ý (ayoniso-manasikāra) là sự dẫn hướng tâm ý sai lạc, không thấu đáo, không hợp với chánh đạo, khiến cho các lậu hoặc sanh khởi.
“Này các tỳ khưu, do phi lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng ” (Kinh Tất Cả Lậu Hoặc/Trung Bộ)
Như vậy, khi một người đối mặt với nghịch cảnh tức những đối tượng không khả ái bằng sự phi lý tác ý cho rằng đó là do hoàn cảnh, là tự nhiên, là do lỗi người này, hoặc người kia… mà không khéo tác ý đến luật nhân quả, chính điều này làm cho sân hận sanh khởi, theo sau đó là cả chuỗi tâm bất thiện, sầu, bi, khổ, ưu, não…Cũng vậy, do phi lý tác ý khi gặp các đối tượng khả ái nên dục tham sanh khởi.
Lại nữa, do có sự khéo tác ý, các thiện pháp được sanh khởi:
“Với người như lý tác ý, này các Tỳ khưu, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận.”
(Yoniso, bhikkhave, manasi karoto anuppannā ceva kusalā dhammā uppajjanti uppannā ca akusalā dhammā parihāyanti) (Aṅ-1-12)
Nếu một người đang mong cầu hoá giải nghịch cảnh tức sự tiêu giảm năng lực quả bất thiện thì trước hết phải khai triển tâm thiện cùng với các hành động thiện. Tuy nhiên, khi đứng trước những nghịch cảnh hiểm nguy, nhất là cái chết, phần lớn con người thường hay SỢ HÃI và HOẢNG LOẠN.
Ở đây, người học Phật cần biết rằng, điều xấu nhất của một kiếp sống không phải cái chết, bởi cái chết xảy ra như một quy luật hay tiến trình tự nhiên đối với tất cả chúng sanh, chỉ là nhanh hay chậm, sớm hay muộn, hợp thời hay phi thời. Điều xấu nhất mà một chúng sanh có thể gặp chính là SỰ SỢ HÃI khi đối diện với cái chết. Loại tâm này là tâm có CĂN SÂN thuộc TÂM BẤT THIỆN, sanh khởi do sự phi lý tác ý.
Thế nên, nếu dùng tâm bất thiện để mong hoá giải quả bất thiện, điều này ví như, nghiệp đen có thể cho ra quả trắng, sự kiện như vậy, theo Đức Phật, không thể xảy ra. Chỉ với tâm bình tĩnh và sự khéo tác ý, người ta mới có thể làm khởi sanh các pháp thiện nơi tâm, chính sức mạnh của thiện tâm mới tạo ra được năng lực hoá giải những nghịch cảnh ấy hoặc ít nhiều cho chính sự đau khổ trong tâm.
Vào thời Đức Phật, có một quốc độ tên là Sunaparanta, người dân tại đấy nổi tiếng là hung bạo và thô ác. Tôn giả Punna sau một thời gian tu tập dưới sự chỉ dẫn của Đức Phật đã quyết định đi đến sống tại đấy. Khi biết tin, Đức Phật có đặt ra các câu hỏi giả định về những nghịch cảnh có thể gặp, và tôn giả Punna đã đáp lại một cách hoàn toàn bình thản và lạc quan trong từng trường hợp.
1/ Nếu con bị mắng nhiếc, nhục mạ thì dù sao người dân xứ ấy vẫn tốt lành thay vì đã không đánh đập.
2/ Nếu con bị đánh đập thì dù sao người dân xứ ấy vẫn tốt lành thay vì đã không lấy cục đất ném chọi.
3/Nếu con bị ném cục đất thì dù sao người dân xứ ấy vẫn tốt lành thay vì đã không đánh bằng gậy gộc.
4/ Nếu con bị đánh bằng gậy gộc thì dù sao người dân xứ ấy vẫn tốt lành thay vì đã không sát hại bằng dao nhọn.
Và khi đến trường hợp xấu nhất, tôn giả Punna vẫn trả lời một cách lạc quan nhất:
5/ ‘Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con; thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: "Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy"….:)) (Punnovàda sutta).
Đức Phật đã tán thán tâm ý của Tôn Giả Punna và nói lên lời Sadhu!
Ở đây, sự lạc quan và tư duy tích cực của tôn giả Punna khi phải đối mặt với các nghịch cảnh, dù đó có là cái chết, chính nhờ sự thuần thục trong việc như lý tác ý với từ tâm.
Ngày nay, đứng trước đại dịch Covid-19, chúng ta có thể xem đây là một NGHỊCH CẢNH to lớn của cả nhân loại NHƯNG thay vì đau khổ, hoang mang, và sợ hãi thì đây là thời điểm hợp thời để chúng ta có thể vận dụng lời dạy của Đức Phật cho sự tu tập Tâm & Tuệ, cho sự tạo lập thiện pháp một cách sâu sắc và trí tuệ nhất.
II/ PHÁP HOÁ GIẢI
Gọi là pháp hoá giải bởi nó có khả năng tác động tích cực nhất vào tâm ý, nghiệp và quả của nghiệp, giúp cho người ấy có được sự bình an và khả năng hoá giải nghịch cảnh vốn là các quả nghiệp bất thiện.
1/ Với NHƯ LÝ TÁC Ý
Được xem là pháp hoá giải đầu tiên với ý hành, kế đến, là pháp hoá giải từ thân hành và khẩu hành, đó chính là:
2/ SỰ THANH TỊNH VÀ NIỆM GIỚI
Tất cả các ác pháp trên thế gian này bắt nguồn từ người không có giới hạnh. Do ác giới mà người ta sẵn sàng tạo các tội lỗi giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói láo, và sử dụng các chất say... Vào thời kì thế gian có phần đông là người ác giới, các pháp che chở thế gian bị tiêu hoại, chư thiên phẫn nộ, thời tiết trái nghịch, thiên tai và dịch bênh hoành hành, tuổi thọ và dân số bị giảm thiểu. Vào thời điểm ấy, các thiện nghiệp bị ngăn trở và các ác nghiệp được hỗ trợ cho ra quả. Thời kì như vậy còn được gọi là thời cơ khuyết duyên (kala vipatti).
Do vậy, khi đối diện với nghịch cảnh, điều trước tiên mà mỗi người cần làm chính là sự thanh tịnh lại giới hạnh của bản thân và niệm giới. Với người có giới đầy đủ, thiện tâm hoan hỷ sẽ phát sanh khi niệm tưởng về giới hạnh của bản thân. Với năng lực thiện tâm này, người ấy không sợ hãi dù phải đối diện với bệnh tật hay tử thần. Đó là sức mạnh của giới.
Trong quá khứ, ai ai cũng từng tạo nghiệp bất thiện, kể cả đức Bồ tát, tuy nhiên, trong thời Đức Phật, dù là gái điếm, tướng cướp, hay đồ tể… ngay khi người ấy hiểu Pháp, và khởi lên sự cố ý tránh xa các điều tội lỗi, chẳng hạn, sát sanh, trộm cắp.., lập tức người ấy được an trú trong GIỚI. Bởi giới chính là TƯ TÂM SỞ khởi lên nơi một người cố ý tránh xa các điều ác.
Vì vậy, Người học Phật nên thường xuyên quán xét về GIỚI, sẽ tìm được sự bình an trong cuộc sống và trước những hiểm nguy.
3/ HÃY HÀNH THIỀN KHI CÓ THỂ
Trong 1 cái búng ngón tay, có hàng triệu triệu tiến trình tâm sanh diệt. Mỗi tiến trình tâm dán chặt trên đề mục thiền đều là tâm thiện. Mỗi tâm thiện sanh lên rồi diệt đi sẽ để lại một tiềm lực cho quả thiện trong tương lai. Như vậy, nếu một người hành thiền có chánh niệm miên mật chặt chẽ trên đề mục thiền, mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ… người ấy tạo ra vô số các thiện nghiệp một cách liên tục. Đó là lý do những ai chết trong lúc hành thiền, với tâm thiền, nếu chưa giải thoát, vị ấy chắc chắn sẽ sanh lên Thiên Giới thọ hưởng phước báu sung mãn và tuổi thọ lâu dài. Và trong thời điểm mà nhân loại cần phước báu hỗ trợ để chuyển hoá nghịch cảnh đại dịch thì phước thiền được xem là loại phước hỗ trợ đắc lực.
4/ HÃY CUNG KÍNH CÚNG DƯỜNG ĐẾN TĂNG CHÚNG
Một người có giới trong sạch khi tạo lập các thiện pháp sẽ cho ra quả sung mãn và tròn đủ. Tăng Chúng chính là PHƯỚC ĐIỀN và là loại đối tượng cúng dường tối thắng trên thế gian. Sự cúng dường Tăng Chúng với tâm trong sạch của người trí có thể tạo ra phước thiện vô lượng. Thuốc men, thực phẩm, y áo và các nhu yếu phẩm cần thiết trong mùa dịch là sự cúng dường hợp thời đến Tăng Chúng. Phước báu sau khi làm hãy hồi hướng đến Chư Thiên cùng các chúng sanh đã quá vãng.
5/ HÃY HIẾU KÍNH CÚNG DƯỜNG ĐẾN CHA MẸ
Quả phước của sự cung kính cúng dường CHA MẸ được Đức Phật xếp ngang với sự cúng dường các vị trời PHẠM THIÊN. Mùa giãn cách xã hội là thời điểm mà những người con có nhiều thời gian hơn dành cho cha mẹ, ngoài sự phụng dưỡng, theo Đức Phật, sự báo hiếu tròn đủ nhất công ơn Cha Mẹ chính là sự hướng dẫn, an trú cha mẹ có lòng tin, chánh kiến, và sự thực hành Giáo Pháp như bố thí, trì giới... Hướng dẫn cha mẹ thọ ngũ giới, tụng kinh, và hành thiền hàng ngày cũng là một loại phước báu to lớn. Nếu mỗi gia đình đều huân tập các thiện pháp trong chánh kiến, xã hội ấy, đất nước ấy, sẽ được bình an và vững mạnh.
6/ HÃY ĐOÀN KẾT TƯƠNG TRỢ
Trong một số bài kinh, khi Đức Phật được hỏi về vấn đề chính trị, về sự tồn vong của một quốc độ, Ngài thường chỉ nói đến yếu tố đoàn kết. Bởi sự đoàn kết là yếu tố trọng yếu tạo ra sức mạnh bảo vệ cho một dân tộc, một đất nước, được bình an và vững mạnh trước những thế lực phá hoại, thù địch. Cũng vâỵ, sự đoàn kết và tương trợ của người dân đối với quốc gia để khắc phục và vượt qua nghịch cảnh khó khăn chung là điều cần thiết, cũng như, sự bố thí, chia sẻ đến những người khó khăn, cơ nhỡ, trong cộng đồng, theo khả năng và sự hoan hỷ của bản thân, là một thiện pháp cao đẹp.
Một quốc gia an ổn thì các bậc xuất gia và cư sĩ tại gia mới có được điều kiện tốt để tu tập và phát triển Phật giáo. Và nếu khéo tác ý về vấn đề này, thì đây cũng là một thiện pháp to lớn của người học Phật.
Và dĩ nhiên, còn nhiều loại thiện pháp mà mỗi người có thể làm tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh của mình. Nhưng hãy nhớ, chỉ có thật nhiều NGHIỆP THIỆN mới mong hoá giải được Nghiệp Quả Bất Thiện.
"Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che."
(KPC. Phẩm Thế Gian)

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Các khuyết điểm thường có khi thực hành Niệm Hơi Thở (Pa-Auk)

 


CÁC KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ KHI THỰC HÀNH NIỆM HƠI THỞ THEO PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN THỐNG TẠI PA-AUK.

I/ BẠN HIỂU GÌ VỀ ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỊNH BẬC THIỀN?
1/ Niệm Hơi Thở là Pháp Hành có nền tảng chính là Định bậc thiền (Jhana).
2/ Đối với tất cả pháp hành đưa đến Định Bậc thiền đều có một điểm chung, đó chính là sự nhíp tâm bất động trên MỘT đối tượng DUY NHẤT.
3/ Đối tượng tu tập Định Bậc Thiền chỉ có thể là CẢNH của Tâm thuộc phạm vi ý môn. Điều này có nghĩa là, tất cả các cảnh thuộc ngũ môn lộ trình tâm như: cảnh sắc đối với nhãn thức (mắt), cảnh (âm) thanh đối với nhĩ thức (tai), cảnh hương (mùi) đối với tỷ thức (mũi) , cảnh vị đối với thiệt thức (lưỡi), và CẢNH XÚC hay TẤT CẢ CÁC CẢM GIÁC XÚC CHẠM mà THÂN THỨC nhận biết được, tất cả năm loại cảnh này đều KHÔNG PHẢI ĐỐI TƯỢNG của tâm BẬC THIỀN. Tâm nhận biết các cảnh này không đưa đến ĐỊNH BẬC THIỀN.
4/ Duy nhất CẢNH nào CHỈ XUẤT HIỆN ở ý môn (không ở bất cứ căn môn nào khác), mà tâm có thể GHI NHỚ ĐƯỢC (NIỆM) qua sự hiểu biết, nắm bắt, kinh nghiệm (TƯỞNG)…mới chính là đối tượng có thể dẫn nhập vào ĐỊNH BẬC THIỀN.
5/ Sự nắm bắt lẫn lộn giữa Cảnh thuộc phạm vi Ngũ Môn (3) & Cảnh thuộc phạm vi Ý Môn (4), cũng như sự ghi nhận cảnh đan xen giữa 3 & 4 KHÔNG THỂ đưa đến Định Bậc Thiền. Dù có thể làm phát sanh các dạng Tướng của Định (Nimitta) nhưng tướng ấy không bền vững, dễ bị dao động, thay đổi, và mất đi. Điều này là vì Nimitta phát sanh do Tưởng. Với TƯỞNG không vững chắc, Nimitta cũng không vững chắc do nó không có nền tảng vững chắc từ TƯỞNG & NIỆM. Điều này là vì “TƯỞNG CHÍNH LÀ NHÂN GẦN CỦA NIỆM”. Người không có Tưởng vững chắc, Niệm cũng không vững chắc. Định nào có đối tượng Nimitta không vững chắc, không thể tiến đạt vào Bậc Thiền. Như vậy, dù thiền sinh ấy có hành thiền cả đời cũng không thể đắc thiền.
II/ CÁC KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ ĐỐI VỚI HÀNH GIẢ THEO PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN THỐNG
1/ Nhận biết SỰ VÀO-RA (1) của hơi thở tại ĐIỂM XÚC CHẠM (2) chỉ là PHƯƠNG TIỆN TẠM THỜI để cột tâm vào sự ý thức rằng, hơi thở đang HIỆN DIỆN ngay THỰC TẠI, có VỊ TRÍ XÁC ĐỊNH là Ở TRƯỚC MẶT(ngay lỗ mũi), chứ KHÔNG PHẢI NƠI NÀO KHÁC.
Dù vậy, sự hiện diện của hơi thở mà hành giả mới vừa nhận biết ấy chỉ là những diễn tiến của các đặc tính TỨ ĐẠI, trong đó, nổi bật là đặc tính ĐẨY (vào & ra) của phong đại, và đặc tính NẶNG & NHẸ của địa đại hay đặc tính NÓNG & LẠNH của hoả đại…
Tất cả đều không phải là đối tượng của Niệm Hơi Thở, càng không phải đối tượng KHÁI NIỆM (paññātti) hay CẢNH chỉ xuất hiện ở Ý MÔN.
Người không biết rõ được điều này thường có khuynh hướng bám chặt vào các đặc tính TỨ ĐẠI ấy mà không thể dùng trí tuệ để nhận biết được CẢNH TƯỚNG của hơi thở là gì? Điều này khiến cho Thiền Niệm Hơi Thở bị "lệch pha", chuyển hướng qua thiền tứ đại nhưng một cách nữa vời.
ĐÂY LÀ KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ THỨ NHẤT đối với hầu hết những hành giả khi thực hành phương pháp truyền thống tại Pa-auk.
2/ Ngoại trừ bảy hạng người không có hơi thở (người chết, thai nhi trong bụng mẹ, người đang chìm dưới nước, người bất tỉnh vô thức, người đang nhập tứ thiền, người đang nhập thiền Diệt Thọ Tưởng Định (nirodha-samapatti), và vị Phạm Thiên), còn lại, Sự VÀO & RA của hơi thở là tiến trình tự nhiên, liên tục bất tận, và không có sự ngừng nghỉ suốt cả kiếp sống (trừ việc cố ý nín thở). Sự kết thúc của hơi thở vào là sự bắt đầu của hơi thở ra và ngược lại. Thế nên, khi nói đến pháp tu trên đối tượng hơi thở thì CÁI TÊN GỌI hay KHÁI NIỆM diễn đạt chỉ có thể là NIỆM HƠI THỞ VÀO & HƠI THỞ RA (Ānāpānāsati): Ānā có nghĩa là hơi thở vào, pānā có nghĩa là hơi thở ra, và Sati có nghĩa là Niệm.
Việc đơn thuần nhận biết tiến trình vào & ra của hơi thở thường chỉ rõ ràng khi hơi thở còn thô tháo. Một khi hơi thở chuyển sang vi tế, tiến trình này khó có thể nhận biết được. Người không biết được hơi thở là luồng khí có sự nối tiếp liên tục như thể một thanh cột khí luôn hiện hữu, sẽ có khuynh hướng chấp chặt vào sự VÀO-RA của hơi thở, cũng như, TÌM KIẾM hơi thở nào là VÀO, hơi thở nào là ra. Một khi không thấy được, họ có khuynh hướng TỰ TẠO RA SỰ VÀO và SỰ RA của hơi thở tức SỰ KIỂM SOÁT hơi thở khiến cho sự thực hành ấy bị biến tướng và chệch khỏi pháp hành Niệm Hơi Thở.
Đây là KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ THỨ HAI đối với hầu hết những hành giả khi thực hành phương pháp truyền thống tại Pa-auk.
3/ Hơi thở dài & ngắn ngoài ý nghĩa về độ diễn tiến nhanh hay chậm của hơi thở mà nó cũng cần được hiểu theo nghĩa khoảng không gian (addhānā) mà Vissudhi Magga (TTĐ, Chương IIIV, Niệm Hơi Thở) đã dẫn chứng với ví dụ minh hoạ cho hình thể không gian chứa NƯỚC hoặc CÁT:
“cũng như nước hay cát chiếm một khoảng không gian được gọi là "một dải nước dài", một bãi cát dài, dãi nước ngắn, bãi cát ngắn, cũng thế trong trường hợp thân thể của voi hay rắn, những hơi thở vô và hơi thở ra được xem như là những vi thể từ từ lấp đầy cái khoảng không gian dài, nghĩa là chiều dài, của thân thể chúng, và từ từ đi ra trở lại. Bởi thế hơi thở chúng được gọi là "dài". Hơi thở làm đầy nhanh chóng một khoảng không gian ngắn, chẳng hạn thân thể một con chó, con thỏ, v.v... Và đi ra trở lại rất nhanh. Bởi thế mà những hơi thở này được gọi là "ngắn"…”
Người không có kiến thức này chỉ chú ý và tìm kiếm trạng thái nhanh & chậm của hơi thở mà không có sự hiểu biết rằng, hơi thở cũng như cát hay nước, nó CÓ HÌNH TƯỚNG nhất định tuỳ theo KHÔNG GIAN chứa đựng nó, mà hình tướng này sẽ là tiền đề, là nền tảng để làm hiển lộ NIMITTA, TƯỚNG CỦA HƠI THỞ về sau.
Đây là KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ THỨ BA đối với hầu hết những hành giả khi thực hành phương pháp truyền thống tại PA-AUK.
4/ Trong ĐỊNH PHẦN của Niệm Hơi Thở, sau hai bước dẫn nhập là xác định sự hiện diện, vị trí và hình dạng của hơi thở, Đức Phật dẫn giảng đến THÂN của hơi thở. Và khi nói về ý nghĩa của THÂN thì đó phải là một thể khối có hình dạng nhất định, tuy nhiên, các đặc tính của TỨ ĐẠI hoàn toàn không có hình tướng, nên, đối với những hành giả bị dính mắc vào các trạng thái , các đặc tính của tứ đại sẽ không thể biết được rằng, hơi thở có THÂN, hay nói cách khác, hơi thở có hình tướng nhất định, là một thể khối được tập hợp bởi các vi tử vật chất như Bộ Vô Ngại Giải Đạo đã giải thích:
`Hơi thở vào và hơi thở ra được xem là những vi tử li ti (các hạt vật chất), là thân theo ý nghĩa khối (hay nhóm).’ `Kayoti cunnavicunnapi assasapassasa samuhatthena Kayo' (Vô Ngại Giải Đạo Patisambhidamagga-Atthakatha, 166); [Khối là một nhóm gồm nhiều hạt (những vi tử li ti) hợp thành với nhau hoặc một lượng vật chất trong một vật.] thân hơi thở = khối hơi thở.
Đây là KHUYẾT ĐIỂM THƯỜNG CÓ THỨ TƯ đối với hầu hết những hành giả khi thực hành phương pháp truyền thống tại PA-AUK.
Chỉ khi nào có thể nhận biết được THÂN là cái gì? và định được trên TOÀN THÂN của hơi thở vào-ra, vị ấy mới có thể tiến đến sự an tịnh TOÀN THÂN HÀNH của hơi thở.
Khi Đức Phật liên hệ đến sự AN TỊNH, thì Ngài liên hệ đến HÀNH (saṅkhāra) vốn chính là các sự tạo tác nơi tâm, là căn nguyên tạo thành và chi phối HƠI THỞ vào-ra. Để an tịnh các hành này, tâm phải được an tịnh. Để tâm được an tịnh, tâm ấy phải có định. Để tâm có định, tâm ấy phải nắm bắt được và an trú được trên đối tượng là TOÀN THÂN HƠI THỞ, nói cách khác, tâm ấy phải định được trên TƯỚNG của HƠI THỞ VÀO-RA (ānāpānā-nimitta)
Như vậy, các khuyết điểm nêu trên thường phát sinh đối với những hành giả sơ cơ, chưa hiểu biết đầy đủ căn bản pháp hành Thiền Định và cốt lõi pháp hành Niệm Hơi Thở, nhất là, ÍT TRÌNH PHÁP với vị Thầy mà tự mình thực hành… Còn nếu đã thực hành Niệm Hơi Thở trong thời gian dài theo phương pháp truyền thống mà vẫn chưa thể tiến bộ thì đây là lúc vị ấy có thể tìm hiểu một phương pháp khác để khắc phục được những vấn đề trên (nếu có đủ căn duyên).
Ví như học các phép tính, đầu tiên học nhận biết các con số, sau đó học đếm, và học phép cộng, trừ, nhân, chia…Khi ấy với một dãy số 9+9+9+9+9, người thực hành phép cộng (ví như người thực hành theo cách truyền thống) sẽ cộng từng con số, sau 4 bước cho ra kết quả.
Còn người thực hành phép nhân (Ví như người hiểu đúng đối tượng hơi thở là gì? và cách nắm bắt nó thông qua ý môn ngay từ đầu), chỉ cần ghi nhớ bảng cửu chương và biết cách áp dụng, người ấy có ngay kết quả chỉ thông qua 1 phép tính (9x5).
Thế nên, không có việc phán xét kết quả của hai loại phép tính là đúng hay sai mà chỉ có sự phù hợp hay không phù hợp với trình độ tính toán của mỗi người. Việc vội vã phán xét đúng sai về kết quả của hai phép tính chỉ là hành động của người chưa bao giờ học toán.
Cũng vậy, nếu học phép cộng bị rối và mất thời gian thì ta cũng có thể thử nhớ bảng cửu chương mà làm phép nhân. Và dù phép cộng hay phép nhân, chỉ người chịu học, chịu tinh tấn, chiụ tìm tòi, mới có thể đạt được sự lợi ích.

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

8. Kinh Nghiệm Cận Tử ********

 


KINH NGHIỆM CẬN TỬ

(Sayadaw Uttamasara 1910-1995)

Tu học để biết cách sống và để biết cách chết đều quan trọng như nhau. Ai ở đời này cũng phải có chút kinh nghiệm gì đó để mà đối diện cái chết mà ở đây ta gọi là kinh nghiệm cận tử, vốn được nói đến rất nhiều trong Phật Giáo.

Mỗi người đều có một hạnh nghiệp riêng. Đời sống của chúng ta phần lớn là tùy thuộc vào các tiền nghiệp. Chính ta định đoạt đời mình chớ không phải ai khác. Chúng ta luôn hành động theo ý mình thích bằng cả hai khuynh hướng thiện ác và nói vậy có nghĩa là chính ý muốn ở mỗi người tốt xấu ra sao đó, sẽ quyết định hành trình sắp tới của mình. Nói một cách rốt ráo thì biết cách chết hợp đạo còn quan trọng hơn là biết sống hợp đạo.

Dòng luân hồi dài thăm thẳm, chưa Niết Bàn thì chúng ta cứ liên tục mở ra những hành trình mới, đi lên hoặc đi xuống. Và một người Phật tử dĩ nhiên chỉ huân tập thiện nghiệp với ý hướng biến mình ngày một tốt hơn. Trong bài giảng này, nói về kinh nghiệm cận tử, tối đặc biệt nhấn mạnh hai vấn đề:

* Nghiệp lý

* Từ tâm

Nghĩa là người tu học phải luôn tự biết điều chỉnh Tam nghiệp cho chính mình và chỉ nhìn về người khác bằng tâm thái từ mẫn. Chúng ta phải luôn nhớ rằng cái gọi là sự sống luôn gắng liền với cái chết. Chính cái chết là một nửa của đời sống và cũng là điểm kết thúc của đời sống. Ai cũng phải chết một ngày nào đó nhưng nó không thật sự đáng sợ như người ta vẫn nghĩ. Nếu ta sống thanh thản thì sẽ có được cái chết thanh thản. Sống trong âu lo chắc chắn sẽ chết trong âu lo. Đây là điều phải biết khi bắt đầu nói về kinh nghiệm cận tử. Theo tôi được biết thì trên thế giới này có biết bao nhiêu là chuyên ngành trường phái về khoa học, triết lý, tôn giáo, văn hóa nhưng có lẽ chỉ có Phật Giáo là dạy người ta biết chết cách nào cho đúng.

Người Miến Điện có câu ngạn ngữ rằng "Cái quan tài chỉ đẹp khi ta có một đời sống đẹp". Cho nên các Phật tử Miến Điện thường không nói thầy tôi chết mà lại nói thầy tôi vừa về trời, gần giống chữ Quy Tiên trong tiếng Việt.

Ta học Phật đều biết rằng một người dù có ra sao đi nữa nếu lúc ra đi lại nặng lòng với những tư tưởng bất thiện thì điều đó có nghĩa là công phu tu học của người này vẫn còn có chổ khiếm khuyết và từ đó chuyện sanh về lạc cảnh rất mong manh. Trong giây phút cận tử chúng ta không có thời gian để làm chuyện sám hối.

Tôi bây giờ già rồi và đã có dịp chứng kiến cái chết của rất nhiều tăng ni cư sĩ mãi đến tận lúc chết vẫn không có được cái kinh nghiệm cận tử đúng mức. Tôi nghĩ trong những trường hợp đó việc sa đọa gần như là đương nhiên. Và không phải ai trong số họ cũng có thể được giúp đỡ hay cứu độ. Người học A-tỳ-đàm biết rằng trong 4 cảnh giới sa đọa chỉ có ngạ quỷ là có cơ hội lớn nhất. Với 3 loài còn lại thì gần như bất khả. Tôi từng kể cho quý vị nghe về một người đàn tín của tôi phải bị mang kiếp thú trong vài tháng và sau đó cũng chỉ thoát được bằng nghiệp riêng của mình, không thể bằng sự gia trì của người khác. Lát nửa tôi sẽ kể cho quý vị nghe về câu chuyện của mẹ tôi và việc tôi đã giúp đỡ bà như thế nào. Nhưng bây giờ tôi muốn nói sâu hơn về kinh nghiệm cận tử mà quý vị nên biết.

Trong giây phút cận tử ta giống hệt như người chết đuối luôn quơ quào để nắm bắt bất cứ cái gì trong tầm tay. Người cận tử cũng vậy thường có khuynh hướng chạy theo cái gì mà lúc bình sinh gắng bó với mình nhất, thường là tình thân và tài sản. Tâm lý xả ly không phải muốn là có. Người học đạo phải biết rằng một khi ta đã có lòng thương thích người hay vật gì đó thì rất khó mà buôn bỏ. Bởi đây chính là khuynh hướng của phàm phu. Một người muốn đi xa, muốn lên cao thì phải biết buông tay chứ.

Tất cả những quan hệ thân thương dù trong đạo hay ngoài đời cũng chỉ là sự gặp gỡ ngắn hạn trong đời này mà thôi. Dầu khó cách mấy cũng phải rán mà tập luyện thói quen lìa bỏ. Ai ở đời này cũng phải đi theo nghiệp riêng của mình. Cái chết là cánh cửa mở ra một hành trình mới, mỗi người phải từ đó ra đi một mình và chuyện tay xách nách mang chỉ khiến ta chìm xuống mà thôi. Trong kinh Phật dạy mười pháp Thường Niệm (anussati) [1] có nghĩa là những gì ta phải thường xuyên tâm niệm (anu+sati). Người cận tử phải có khả năng tự xét xem hạnh thí xả (caga), giới hạnh và chỉ quán của mình xem có đủ là chổ dựa lúc này hay không.

Trong A-tỳ-đàm có nói đến bốn thứ nghiệp trong đời sống của chúng ta là:

* Trọng Nghiệp (Garukamma): Các nghiệp thiện ác lớn lao.

* Thường Nghiệp (Acinnakamma): Các nghiệp thiện ác được ta lập đi lập lại nhiều lần trong đời.

* Khinh Thiểu Nghiệp (Katattakamma): Những nghiệp thiện ác rãi rác ít oi trong đời sống.

* Cận Tử Nghiệp (Asannakamma):  Những nghiệp thiện ác được thực hiện ngay trước giờ mệnh chung.

Thông thường thì Thường Nghiệp và Cận Tử Nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định việc tái sinh của người cận tử.

Mẹ tôi lúc sinh thời là một tín nữ ngoan đạo. Bà thích bố thí, thường xuyên thọ Bát Quan Trai và tu tập thiền định với sự hướng dẫn của chư tăng. Vậy mà lúc sắp lìa đời chừng đó thiện nghiệp cả đời vẫn không giúp được gì cho bà, chỉ vì bà thiếu kinh nghiệm cận tử. Chỉ có vậy mà sanh làm ngạ quỷ. Mẹ tôi mất ở làng quê ngày rằm tháng tám năm 1314 (lịch Miến Điện). Lúc đó tôi đang đi hoằng pháp ở Hukhaung. Sau khi trở về thì mới biết tin bà mất. Các vị thấy chưa, nói là mẫu tử tình thâm vậy mà phút cuối vẫn là đường ai nấy đi. Bà chết, một lòng đợi con về mà tôi đâu có về kịp cho bà nhìn mặt lần cuối. Lúc về tôi được nghe kể lại mẹ tôi đã mất ra sao. Trong những ngày cuối cùng, bà không ăn uống gì hết, cứ nằm thoi thóp trên giường, nhìn chằm chằm lên bức ảnh của tôi treo trên đầu giường. Lúc đó nhằm mùa gió nồm, đêm thường có mưa. Trong mưa đêm bà cứ khóc và gọi tên tôi rồi nói với mấy người chung quanh: "Mẹ không còn dịp thấy sư nữa rồi". Ôi bao la thay là tình mẹ.

Khi tôi về tới chùa thì việc an táng bà cũng đã xong từ lâu. Có thương mẹ đến mấy thì tôi cũng phải ráng mà xem như mọi sự đã qua. Nhiều năm sau đó, tôi đã nằm mơ thấy mẹ tôi về, vẻ mặt buồn lắm, vóc người hao gầy, đứng trước sân chùa nhìn tôi và chỉ nói một câu: "Sư cho mẹ xin một lá y". Lúc choàng tỉnh dậy, nhớ lại giấc mơ tôi nghĩ có lẽ mẹ tôi đã sanh vào cảnh giới ngạ quỷ. Ngay sau đó tôi đưa chị cả của tôi một bộ y mới và bảo chị làm lễ cúng dường cho chư tăng trong ngôi chùa ở làng quê. Tôi dặn kỹ chị tôi là trước khi lên chùa nên khấn trước với mẹ để mời bà cùng đi.

Sau lễ trai tăng, chị tôi thấy mẹ về. Chị hỏi mẹ có nhận được phước hồi hướng hay chưa. Bà cho biết là vì chị tôi đã không nhớ mời bà đi cùng nên bà không thể tới chùa hôm đó được. Chị tôi phải làm thêm một lễ trai tăng nữa theo hướng dẫn của bà và từ sau ngày ấy không thấy bà về nữa.

Tôi phải nói là mình may mắn khi có đủ điều kiện để trả hiếu cho mẹ tôi theo đúng lời Phật dạy là lo được cho mẹ lúc sinh thời và cũng biết cách giúp mẹ khi bà đã mất.

Các vị có tin là mẹ tôi trước sau vẫn nặng lòng với mấy đứa con, nên sau khi nhận được phước hồi hướng bà quay lại gia đình tôi lần nữa, bằng cách sanh làm đứa con gái của anh cả tôi được đặt tên là Misan. Tính theo vai vế thì là cháu nội của mẹ tôi. Chúng tôi biết được chuyện này là bởi vì bé Misan có thể kể lại tường tận những chuyện riêng tư của bà nội như là chuyện của mình. Đặc biệt khi nhìn thấy nấm mộ của bà nội thì bé khóc rất nhiều. Năm nay bé Misan đã 26 tuổi và lần nào tôi về làng Misan cũng đến cúng dường thức ăn. Cô lạ lùng lắm, rất thích ngồi gần cạnh tôi và nhìn tôi hoài không chán.

Các vị thấy chưa, tham ái được Phật gọi là Kiết Sử (samyojana), là sợi dây trói buộc rất khó tháo cởi. Chính nó đưa ta đi tái sanh và cũng chính nó làm ta khổ: Khổ vì thương và khổ vì ghét. Không có thương thì không có ghét. Mà cả hai thứ này đều từ tham ái mà ra.

Chuyện về mẹ tôi cũng là bài học chung cho quý vị. Thường nghiệp dĩ nhiên quan trọng, nhưng cận tử nghiệp cũng quan trong không kém. Và cốt lõi của kinh nghiệm cận tử chính là sự tự tin vào thiện pháp (Trọng Nghiệp, Thường Nghiệp, Khinh Thiểu Nghiệp) của mình thuở bình sinh và chính sự tự tin này sẽ là Cận Tử Nghiệp cho người sắp chết. Trong kinh có kể lại nhiều tiền kiếp của Bồ Tát và cho biết ngài thường rất can đảm, không sợ chết, chỉ vì vững tin vào thiện nghiệp của mình mà đôi khi chính ngài cũng không biết tại sao. Một người bình thường đôi khi cũng có vẻ liều mạng, cứng miệng bảo mình không sợ chết, nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh Nghiệp Tướng (kammanimitta - hình ảnh sinh hoạt thuở bình sinh) hay Thú Tường (gatinimitta - điềm báo mình sẽ tái sinh về đâu) thì ai cũng khiếp đảm. Chỉ có người nhiều phước báo thì mới có thể một dạ vững tin trước mọi tình huống. Thậm chí dầu có thấy Thú Tướng bất thiện thì cũng có thể biến xấu thành tốt.

Để minh họa cho điều này, tôi kể bà con nghe câu chuyện sau đây: Ngôi chùa làng ở quê tôi có một ông thiện nam rất hào sảng, tên U Myu. Ông là một thí chủ lớn ở chùa, thích bố thí, thích nghe pháp nhưng trí nhớ rất kém. Có điều là ông ít nói và giàu Từ Tâm. Từ bé đến lúc chết một con kiến cũng không giết. Ông sống thọ lắm, trên 90 tuổi. Ngày ông gần mất, tôi vừa từ Ấn Độ trở về và có đến thăm ông, Thấy ông luôn an lạc và dễ thương, tôi hỏi ông đã làm sao để có thể sống được như vậy. Ông kể chuyện cho tôi nghe:

Từ sau lúc vợ mất ông về sống chung với vợ chồng đứa con gái và được họ chăm sóc rất chu đáo. Ông nói, trong số tài sản của ông có một chiếc xe bò, ông thường lót rơm lên đó để ngồi và cho người đánh xe bò đi chầm chậm quanh ngôi chùa mà ông đã một thời hộ trì bằng tất cả khả năng vật chất. Rõ ràng là ông đã rất hạnh phúc trong những chuyến đi như vậy và nói theo trong kinh thì ông đã từng ngày hành trì pháp môn Thường Niệm Thí (Hồi tưởng hạnh bố thí của mình) theo một cách rất cụ thể là thay vì nhắm mắt mà nhớ thì ông chọn mở mắt để nhìn. Ông sống thanh thản và giờ phút ra đi cũng rất nhẹ nhàng. Tôi không chắc được là ông đã sanh thiên nhưng không biết vì sao cứ có niềm tin là chỗ ông về không đến nỗi tệ.

Trong lịch sử Tích Lan có ghi lại câu chuyện về vua Dutthagamani, một vị hoàng đế mà chuyện đời có rất nhiều nét giống hệt với vua A Dục. Ông cũng có một thời thích đánh trận, để đối phó với tộc người Tamil. Mục đích của ông ngoài việc bảo vệ người Tích Lan, còn nhằm mục đích mở rộng địa bàn hoằng pháp cho chư tăng. Các bộ giáo sử của Tích Lan ghi rằng vua chưa bao giờ có một ngày quên cúng dường chư tăng trước khi ngự thiện. Có một lần khi đánh trận ngoài chiến trường ông đã quên sai người đem cơm đặt bát cho chư tăng. Ông cho đó là một sự vi phạm thói quen tốt. Sau khi bình định thiên hạ, vua về cho xây một ngôi bảo tháp cao 20 thước tây, hình dáng một quả ớt và đặt tên là "Tháp Ớt" (maricavati) để nhắc mình về bửa ăn đó. Tổng cộng trong đời mình, ông đã trải qua 29 trận đánh và người bạn thân nhất của ông là tướng Abhaya sau đó đã đi xuất gia và chứng quả La Hán Lục Thông. Hôm vừa sắp mất, vua rất sợ hãi và ngài Abhaya đã biết được, liền đến thăm vua.

Ngài dạy cho vua về Danh Sắc để vua tu tập Tuệ Quán, nhưng thấy vua không thể tiếp thu lời dạy của mình, nên ngài Abhaya đã thay đổi cách thức. Ngài nhắc cho vua nhớ lại những phước báo cụ thể mà vua đã làm trong cuộc đời Phật tử của mình. Đặc biệt ngài nhắc lại cho vua một ký ức đẹp là vua đã từng nhịn ăn để nhường phần cơm cho một vị trưởng lão lúc vua đang đi đánh trận trên đường. Và một lần khác, trong lúc ngặt nghèo ở một làng  quê xa xôi, vua đã tháo hết tư trang vàng ngọc trên người của mình để đổi lấy thức ăn đặt bát cho chư tăng. Vua đã ra đi với những hồi ức đó và được sanh về Đao Lợi Thiên. Trong trường hợp này, Khinh Thiểu Nghiệp đã trở thành Cận Tử Nghiệp.

Nói như nãy giờ thì kinh nghiệm cận tử của một người học đạo luôn nằm gọn trong hai cách chuẩn bị tâm lý gồm Ý hướng (cetana)Hồi ức (anussarana).

* Ý hướng hay sự Hướng tâm là lòng lìa bỏ những gì bất thiện để hướng tâm đến cái gì cao hơn, cái gì có nội dung buôn bỏ tháo cởi.

* Hồi ức ở đây chỉ là sự hồi tưởng tức nhớ lại những gì thuộc thiện pháp. Trong thân xác một người cận tử, cái gì cũng trong tình trạng bệ rạc, xáo trộn (disfunction), nên chổ dựa duy nhất lúc này chỉ còn là tinh thần, tốt nhờ xấu chịu. Một người thiếu phước hay không học đạo, có thấy được cảnh lành trong giờ cận tử cũng không biết tận dụng. Ngược lại một người có học đạo hay nhiều phước báo khi gặp phải cảnh cận tử bất thiện thì họ cũng có thể chuyển hóa để tự cứu mình. Trong kinh có kể lại có rất nhiều trường hợp những người lúc lâm chung thấy lửa địa ngục lại nghĩ tưởng đến màu y mà mình đã cúng dường và nhờ vậy cũng được sanh về lạc cảnh. Như vậy hình ảnh Thú Tướng hay Nghiệp Tướng không phải là cái gì tuyệt đối. Chúng chỉ giống như một nhúm lá héo báo cho ta biết chổ đó thiếu nước, nếu ta tưới nước kịp thời thì tình hình vẫn còn có thể cứu vãn.

Trong kinh có cho ta một minh họa về cái gọi là nghiệp cận tử. Đó là hình ảnh một chuồng bò buổi sáng sớm: Không hẳn con bò mạnh nhất chuồng sẽ là con rời chuồng đầu tiên mà là con nào đứng gần cửa chuồng nhất. Trong nhiều đời quá khứ và ngay kiếp sống hiện tại, mỗi người điều đã tạo vô số nghiệp thiện ác, chúng như một bầy bò đông đúc trong chuồng. Chính ý hướng và hồi ức lúc cận tử sẽ giúp ta có được thiện nghiệp cận tử theo cách đẩy chúng đến gần cửa chuồng nhất. Cho nên cách hộ niệm thông minh nhất cho người hấp hối là giúp họ có được thiện nghiệp cuối đời bằng một trong hai cách: Hướng tâm và Hồi ức. Tùy người mà hai cách này thích hợp cái nào: Có người hợp với cách Hồi ức và có người hợp với cách Hướng tâm. Ngay trong cách Hồi ức ở mỗi người cũng khác nhau: Có người nhớ lại Trọng nghiệp, có người nhớ lại Thường nghiệp, đôi khi Khinh Thiểu Nghiệp và dĩ nhiên cũng có người khắn khít với Cận Tử Nghiệp.

trên, tôi đã kể cho quý vị nghe câu chuyện về ông cụ U Myu, một thí chủ lớn ở ngôi chùa làng quê tôi. Cụ có một người bạn thân là ông U Koe, cũng là một phật tử tinh tấn và hai ông giống nhau ở điểm là điều mất vợ sớm. Cụ U Myu thì sống với vợ chống đứa con gái, còn cụ U Koe thì sống một mình. Ngày nào cụ cũng tới chùa và đến lễ Phật trước bức tượng cẩm thạch mà thời trẻ cụ đã bỏ tiền hiến cúng để thỉnh về từ Mandalay.

Trong những ngày cuối đời của cụ tôi có gặp lại và nghe cụ nói một câu làm tôi thất vọng. Cụ nói trước khi chết chỉ mong được gặp lại mấy đứa con và điều cụ e sợ nhất lúc này chỉ là không còn dịp gặp lại họ. Tôi đã giải thích cho cụ nhớ rằng tất cả mọi quan hệ tình cảm trong dòng sanh tử thực ra chỉ là những túi hành lý không cần thiết cho chuyến tàu sanh tử. Không bỏ được chúng xuống thì ta khó mà lên cao hoặc đi xa được. Tôi nhớ ông cụ đã lau nước mắt và hứa với tôi rằng sẽ làm được như lời tôi nói, sẽ quên được mấy đứa con để chuẩn bị cái chết cho mình. Điều cuối cùng tôi được biết về ông cụ là ông đã sống rất thọ và ra đi rất nhẹ nhàng.

Trong kinh Tương Ưng có kể lại một câu chuyện đã xảy ra thời Đức Phật về một nhóm thủy thủ đã chết do bị chìm tàu và đều được sanh thiên. Kinh ghi rằng họ đã kịp thời an trú Tín tâm nơi Tam Bảo và phát nguyện quy giới trước giờ cận tử. Họ đã làm được một việc dễ hiểu nhưng khó làm là khi biết phải bỏ mạng thì lòng họ cũng buông hết mọi thứ để chỉ nhớ về cái gì thật sự cần thiết.

Nói là Phước Nghiệp Sự [2] nhưng người Phật tử chỉ cần tập trung vào ba phước nghiệp đầu, với sự hỗ trợ của sự phước nghiệp thứ mười (điều chỉnh tri kiến) thì các phước nghiệp còn lại cũng sẽ tự có. Trong phút cận tử, theo kinh nghiệm của tôi thì chỉ có 3 thứ phước nghiệp được xem là dễ hồi tưởng nhất, dễ cấu thành Cận tử nghiệp nhất. Đó là Bố Thí, Trì Giới và Chỉ Quán (ở đây gọi chung là Bhavana).

Tất cả phước nghiệp lúc bình sinh hay cận tử mà ta làm được đều phải nhờ vào một điều kiện hết sức quan trọng mà ít người Phật tử để ý đó là bạn lành, gồm chung những người hơn ta, bằng ta hoặc kém ta miễn là người có lòng lành thì gọi là bạn lành. Chỉ có gần họ thì ta mới có thể dễ dàng phát khởi thiện tâm, huân tu phước nghiệp một cách liên tục. Trong câu chuyện về các thủy thủ vừa nhắc ở trên, có một đoạn rất quan trọng nhắc lại điều mà tôi vừa nói: Các thủy thủ lúc xuống hầu Phật ở chùa Kì Viên đã thưa với Ngài rằng không một thứ gì ở đời có thể đổi được một người bạn tốt, họ xác định việc sanh thiên hôm nay cũng nhờ họ có được người bạn tốt.

Nói vậy có nghĩa là kinh nghiệm cận tử phải được chuẩn bị ngay khi ta còn sống, còn trẻ, còn khỏe, chớ không phải đợi đến lúc sắp chết. Nói vậy cũng có nghĩa là sự chuẩn bị cái chết không nằm ngoài kinh nghiệm sống.

Ta nên nhớ rằng đừng bao giờ thấy là đủ với những công đức có thể làm được trong đời sống. Thực ra bao nhiêu cũng có thể nói là thiếu. Trong bài giảng này tôi muốn kể cho bà con nghe nhiều chuyện vui và buồn trong kinh nghiệm tu học của tôi.

Có người một đời chỉ tu học sơ sài nhưng có một kinh nghiệm cận tử thật tốt đẹp đến mức khiến tôi tin là họ có thể đã sanh thiên. Nhưng thật đáng ngại khi có nhiều người cả đời tu học thật đàng hoàng nhưng chỉ vì một phút xao lòng cuối đời mà bỏ mất lý tưởng Phật Pháp. Có nghĩa là làm thiện bao nhiêu cũng có thể thiếu, phải đến lúc cuối đời mới biết mình đậu hay rớt trong lớp học nhân sinh ấy. Phật Pháp thì mênh mông như biển như trời, tôi thường chọn những pháp môn vừa tầm với đại chúng cư sĩ để hướng dẫn mọi người như pháp môn Niệm Ân Đức Phật, Niệm Ân Đức Pháp, Niệm Ân Đức Tăng, Niệm Tam Quy, Niệm Bất Tịnh, Niệm Thí, Niệm Giới. Có người suốt đời chỉ hành trì một góc nhỏ trong số đó cũng đủ an lạc. Có người thứ gì cũng xuất sắc mà cuối đời lại bỏ cuộc, sống chết đều quạnh hiu. Đó là câu chuyện buồn về một người học trò của tôi, ông Hla Shwe mồ côi cha khi còn bé. Sau khi giải ngũ ông về sống với mẹ ở Pakokku. Mẹ mất, ông về Gan-gaw. Ông đến xin học thiền với tôi mấy hôm rồi sau đó xin được xuất gia. Có thể nói ông là người học trò mà tôi thương nhất đời. Nói gì cũng nghe, dạy gì cũng nhớ cũng hiểu dễ dàng. Nói cho đúng thì ông chỉ xin tu gieo duyên, nhưng vì tình riêng, tôi cứ mong ông sẽ xuất gia suốt đời. Vậy mà có một ngày, ông vào đảnh lễ dưới chân tôi để xin hoàn tục. Ông nhắc lại chuyện xưa, cho biết trước khi đi lính đã từng có vợ và con, nhưng vợ con ông cũng đã chết trong chiến tranh và bây giờ ở tuổi này bổng nhiên ông cứ thèm có lại một tổ ấm kiểu đó lần nửa.

Không giữ ông lại được, tôi đành để ông hoàn tục. Chuyện bẳng đi nhiều năm, sau này tôi được nghe lại là ông đã chết vì bệnh sốt rét, gia tài chỉ là một ít tiền đủ để làm đám tang và trước khi mất, ông từng có tâm nguyện là nếu chuyến này hết bệnh sẽ tìm lại sư phụ, là tôi, để xuất gia. Nhưng tâm nguyện đó vĩnh viễn dở dang.

Các vị thấy chưa, ở đây có ai dám nói mình tu học tốt hơn Hla Shwe. Vậy mà cái kết cục của ông này lại buồn đến vậy. Nếu bây giờ có ai hỏi tôi phải làm sao để sống cho tốt và chết cho đẹp thì tôi sẽ trả lời ngắn gọn rằng một người cư sĩ chỉ cần có được niềm tin nơi tam bảo một cách sắc son thông qua một nhận thức sâu sắc tại sao tôi lại tin tam bảo. Với một người cư sĩ có lẽ chỉ ngắn gọn vậy thôi là đủ: Tin và hiểu tại sao mình tin. Tôi e rằng những người tu học dở dang đã không có được hai thứ này.

Chỉ có niềm tin Tam Bảo theo cách này thì người ta mới có thể vững bước lúc sống và thanh thản lúc chết. Hồi đệ nhị thế chiến, quân đội Nhật bản kiểm soát toàn cõi Miến Điện, lần đó có một toán lính Nhật kéo đến Shwe Bo tàn phá mọi thứ rồi rút đi, cả địa phương rơi vào tình trạng vô chính phủ, trộm cướp hoành hành ngày đêm không ai can thiệp. Đêm đó một ngôi chùa làng ở Shwe Bo bị cướp vào đánh. Chúng bắt hết chư tăng trói lại và lôi ra sau chùa để chôn sống tập thể. Trụ trì chùa là ngài U Vayama biết mình không thể qua được nạn này nên có xin bọn cướp cho mình vài phút Niệm Phật trước khi chúng lấp đất chôn sống. Lúc đó ngài U Vayama bước xuống ngồi trong đáy hố và chấp tay lên trán đọc tới đọc lui mấy câu tam quy bằng tiếng Pali [3]. Đúng ngay lúc đó một trận mưa cực lớn đã đổ xuống một cách bất ngờ và chỉ vài phút trước đó cả khu đất tràn ngập ánh trăng rằm vậy mà bây giờ mọi thứ tối đen, một bàn tay để trước mặt cũng không thấy. Chính hiện tượng kỳ quái này đã khiến bọn cướp hoảng sợ và bỏ chạy. Ngài Vayama kể lại rằng sợi dây trói ngài lúc ấy cũng tự dưng tháo ra như có bàn tay ai giúp đỡ. Ngài về chùa bình yên.

Chuyển hóa đời sống bằng Thiền Định

Tôi vừa nói ở trên rằng Phước Thiện có thể thu gọn trong 3 thiện pháp đầu tiên là Thí, Giới và Thiền. Rất nhiều người tự cho mình không thể hành thiền, có người lại cho rằng pháp môn thiền định sẽ làm cho đời sống héo úa, chỉ khiến người ta già đi cho nên chỉ có tuổi già mới thích hợp với pháp môn thiền định Chỉ Quán. Thật ra, cả hai cách nghĩ đều sai lầm bởi vì chỉ có đắc thánh mới khó, còn tu thiền thì tùy sức mà tu. Càng trẻ, càng khỏe thì chuyện tu thiền càng dễ chứ sao.

Các vị biết rồi, trong một đời người ta đâu có được bao nhiêu dịp để tạo công đức Trọng Nghiệp, mà hầu hết có ráng lắm thì cũng chỉ là công đức Thường Nghiệp mà thôi. Tức những gì ta làm được trong suốt cuộc đời của mình, từ năm này sang tháng khác. Và ta cũng biết không có gì trong đời sống mỗi người lại thường xuyên và liên tục như hơi thở ra vào, ở bất cứ nới đâu và lúc nào. Do đó sống Chánh Niệm qua từng hơi thở chính là cách tạo Thường Nghiệp dễ nhất và tiện nhất: Bất cứ nơi đâu và lúc nào, cứ hướng tâm chánh niệm vào hơi thở là coi như ta đang gieo trồng Thường Nghiệp thiện pháp. Các pháp môn khác như Niệm Phật hay Từ Tâm có thể không được dễ dàng như vậy, bởi đề mục nào cũng cần đến bối cảnh đặc biệt, không như đề mục hơi thở.

Một lẽ nửa, nói tới đời sống là phải nói tới hơi thở. Lúc bệnh ta thở khác, lúc khỏe ta thở khác. Lúc vui ta thở khác, lúc buồn giận ta thở khác. Vấn đề của hành giả là dù cảm thọ có đổi khác nhưng chánh niệm trong hơi thở thì không đổi khác. Nói vậy cũng có nghĩa là ngay từ bây giờ hành giả phải tập làm quen với những biến động của cảm thọ, một trong bốn Niệm Xứ. Dù chỉ là một trong bốn nhưng rõ ràng cảm thọ là một gương mặt nổi bật của Danh Sắc mà hành giả dễ dàng cảm nhận nhất. Kêu một người dốt phân biệt cái nào là Danh, cai nào là Sắc, tâm nào là thiện, tâm nào bất thiện, cái nào là Triền Cái, cái nào Giác Chi ... thì rất khó. Nhưng thử kêu anh ta phân biệt cái gì dễ chịu, khó chịu thì hình như mọi sự dễ dàng hơn nhiều. Một người niệm yếu khó giữ tâm với những cảm thọ mãnh liệt nên phải tập làm quen từ từ với những cảm thọ mà mình chịu đựng được. từ đó mà hiểu, Cảm  thọ lúc khỏe dễ kham nhẫn và Chánh Niệm hơn lúc đau, lúc trẻ dễ hơn lúc già, lúc sống dễ hơn lúc cận tử.

Cảm thọ lúc cận tử rất đặc biệt, có thể ta chưa từng biết qua lần nào trong đời nên ta phải tập đối diện với nó bằng những cảm thọ lúc còn sống. Lúc trẻ niệm được thì lúc già mới hy vọng niệm được, lúc bình thường niệm được thì mới hy vọng lúc cận tử niệm được, sự đau bệnh và cái chết đến không cần hẹn nên để chuẩn bị Chánh Niệm cho hai sự cố này cũng không thể hẹn lại tuổi nào.

Một lẽ nửa chỉ có hành giả niệm thở mới có nhiều cơ hội đối diện với cái chết trong từng phút. Kinh nghiệm này được lập đi lập lại nhiều lần sẽ giúp hành giả không còn sợ chết nửa vì theo vị này cái chết chỉ là một hơi thở ra. Nghĩa là phút nào cũng có chết. làm chủ được cảm thọ và hơi thở thì đau bệnh và cái chết đối với hành giả không còn đáng sợ nữa. Kiên Cố Định, tính từ Sơ Thiền trở lên thì không phải ai muốn cũng được nhưng từ Cận Định trở xuống thì một người tu đúng phương pháp hoàn toàn có thể hy vọng. Cận Định được lập lại nhiều lần và liên tục  cũng mạnh không kém sơ thiền. Và sát-na Định được lập lại nhiều lần thì cũng mạnh không kém Cận Định. Đây là lời giải thích cho câu chuyện vị tỳ kheo đã sanh thiên rồi mà cứ tưởng mình còn là tỳ kheo ở cõi người.


"Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa"

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn. Ngài là bậc A La Hán cao thượng, đã chứng quả Chánh Biến Tri, do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy


Ghi chú:

[1]Mười Đề Mục Tùy Niệm (anussati):

1-  Niệm Phật (Buddhanussati): Theo kinh điển Pali thì niệm Phật không chỉ là réo gọi hồng danh của Ngài như trẻ con học bài hay như người niệm chú. Phép niệm Phật hay các đề mục tùy niệm khác cũng vậy, luôn đòi hỏi hành giả phải biết suy tưởng. Như niệm Bhagava (Đức Thế Tôn) thì phải tâm niệm ý nghĩa của hồng danh này là bậc thành tựu mọi đức lành, mọi phước báo hoặc Araham là bậc đã đoạn trừ tất cả phiền não và xứng đáng cúng dường. Xem thêm trong Thanh Tịnh Đạo phần Định.

2- Niệm Pháp (Dhammanussati): Suy tưởng ý nghĩa bài Svakhato bhagavata dhammo ...

3- Niệm Tăng (saṅghānussati): Suy tưởng ý nghĩa của bài Suppatipanno…

4- Niệm Giới (silānussati): Là quán xét giới hạnh bản thân để tự hoan hỷ với mình là không một học giới nào bị lấm nhơ.

5- Niệm Thí (cāgānussati): Hành giả suy tưởng đến khả năng hào sảng của mình rằng trong điều kiện cho phép, tôi sẽ không từ chối giúp đỡ những ai cần đến tôi về vật chất.

6- Niệm Thiên (devatānussati): Hành giả suy tưởng và quán niệm về các cõi Dục thiên với sự yên lòng rằng chúng sanh ở đó có những Tín, Thí, Giới, Văn, Tuệ, Tàm, Úy nào thì mình cũng có đủ những đức lành đó để có thể cộng sinh với họ mai này.

7- Niệm Níp-bàn (upasamānussati): Hành giả suy tưởng về ý nghĩa Chân đế của Níp-bàn theo khả năng của hai trí Văn và Tư để hoan hỷ và an lạc rằng sự chấm dứt phiền não và sinh tử cũng là sự chấm dứt tuyệt đối tất cả những khổ thân khổ tâm mà ta và các loài đang gánh chịu.

8- Niệm Chết (maraṇānussati): Là hành giả suy niệm rằng một người vĩ đại như Đức Phật hay Đế Thích, Phạm thiên cũng không tránh được cái chết nói gì một người như ta. Và cái chết có thể xảy đến với mọi người ở bất cứ lứa tuổi nào, dưới bất cứ hình thức nào, êm đềm hay tàn khốc.

9- Thân Hành Niệm (kāyagatāsati): Hành giả suy niệm để thấy rõ từ gót chân đến chót tóc của mình là một túi da chứa đầy các vật uế trược, nếu lộn ngược nó ra thì người chí thân cũng không dám đến gần và bản thân mỗi người cũng không dám nuốt lại những thứ mình đã mửa.

10- Niệm Hơi Thở (ānāpānasati): Tức sự tập trung tư tưởng để biết hơi thở đang ra hay vào.

Trong 10 đề mục Tùy Niệm trên đây, đề mục Thân Hành Niệm chỉ có thể dẫn đến Sơ thiền, đề mục hơi thở có thể dẫn đến Ngũ thiền Sắc giới, các đề mục Tùy Niệm còn lại chỉ có thể dẫn đến Cận Định mà thôi.

[2] - Mười Phước Nghiệp Sự:

Đức Phật đã giảng về phước nghiệp sự (Puññakiriyavatthu), là những cơ sở để tạo phước vật, phước đức và phước trí nhưng Ngài chỉ dạy căn bản có ba điều là cơ sở bố thí (dānamaya), cơ sở trì giới (sīlamaya) và cơ sở tu tiến (bhāvanāya).

Trong các bộ chú giải đã giải thích rộng thành mười điều tạo phước, thập hạnh phúc, đó là:

1- Bố thí (Dānamagga): là tạo phước bằng cách bố thí xả tài.

2.- Trì giới (Sīlamaya): là tạo phước, bằng cách giữ giới, thọ trì những giới cấm.

3- Tu tiến (Bhāvanāmaya): là tạo phước bằng cách tu tập thiền định, chỉ và quán.

4- Cung kính (Apacāyanamaya): là tạo phước bằng cách kính lễ bậc trưởng thượng.

5- Phục vụ (Veyyāvaccamaya): là tạo phước bằng cách làm lợi ích cho người khác với công sức của mình.

6- Hồi hướng (Pattidānamaya): là tạo phước bằng cách hướng nguyện công đức đã làm, để tạo điều kiện cho người khác sanh tâm thiện.

7- Tùy hỷ (Pattānumodanāmaya): là tạo phước bằng cách vui thích theo công đức của người khác đã làm.

8- Thính pháp (Dhammassavanamaya): là tạo phước bằng cách nghe pháp của Đức Phật thuyết, hay các đệ tử của Ngài thuyết, thậm chí là nghe những bậc thiện trí dạy bảo.

9- Thuyết pháp (Dhammadesanāmaya): là tạo phước bằng cách nói pháp chân chánh cho người khác nghe, thậm chí chỉ là bàn luận Phật pháp, hoặc nói những lời hay lẽ phải.

10- Cải chánh kiến thức (Diṭṭhujukamma): là tạo phước bằng cách trau dồi kiến thức, làm cho tri kiến được ngay thẳng, chánh kiến.

Trong mười điều tạo phước ấy, điều bố thí, hồi hướng và tùy hỷ là chung một nhóm pháp tạo phước vật; điều trì giới, cung kính và phục vụ là chung một nhóm pháp tạo phưóc đức; điều tu tiến, thính pháp và thuyết pháp là chung một nhóm pháp tạo phước trí; riêng về điều cải chánh kiến thức là pháp hỗ trợ chín pháp kia và tạo được ba loại phước.

[3] - Tam QuPāḷi:

Quy-y Đức-Phật-bảo: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”

* Quy-y Đức-Pháp-bảo: “Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi”

Quy-y Đức-Tăng-bảo: “Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi”




HỎI
Kính Bhante Giác Nguyên,
Mỗi ngày con đều hành thiền hơi thở, quán sự chết đều đặn và có học được một ít giáo lý khoảng 4 năm nay. Nhưng đến lúc cái đau cái chết gần kề, con mới phát hiện ra là mình sợ hãi và lúng túng không biết nên niệm gì. Lúc đó con đã nghĩ đến hình ảnh đẹp của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca và các vị thánh cầu xin các Ngài trợ giúp để qua cơn sợ hãi.
Vậy con kính hỏi sự sợ đau và sợ chết có phải là do con chưa đủ công phu cho nên đã không thể hành trì những gì mình đã thực tập? Kính xin Bhante từ bi chỉ dạy cho con chút kinh nghiệm.
Thank you my Bhante.
ĐÁP
Một câu hỏi lớn, biết trả lời sao cho đủ. Tạm thời đại khái thế này:
- Phải tin và thấy rằng thân tâm này là không phải của mình. Do duyên giả hợp mà có. Nếu nó là của mình thì mình đâu bị đau khổ và sợ hãi.
- Hãy nghĩ nhiều về vô lượng chúng sinh đang đau khổ như mình. Không phải chỉ riêng ta mới đau khổ và sợ hãi. Biết nghĩ đến người khác thì bớt nặng lòng với bản thân.
- Hãy suy niệm rằng chết không phải là kết thúc, mà là sự bắt đầu. Mình có phước mới được làm người và biết chánh pháp. Hãy tin rằng sau cái chết, mình sẽ được khá hơn. Tấm thân bệnh hoạn cũ kỹ này không đáng để tiếc nuối.
- Trên các cảnh trời hiện giờ có rất nhiều thánh nhân. Hãy nguyện được gặp gỡ hiền thánh để tiếp tục tu hành.
- Ngay từ bây giờ phải sống chánh niệm rốt ráo trong từng sinh hoạt, cảm xúc và tâm trạng, để thấy mình chỉ là một dòng chảy vô thường.
Một trong các cách trên đây có thể giúp được cô lúc này.

Sư Giác Nguyên.