Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

3. Kinh nghiệm Tuệ Quán (Phần: Kỹ thuật Vipassana)

 


Kinh nghiệm Tuệ Quán 

Phần: Kỹ thuật Vipassana

Như đã nói Vipassana là sự quan sát Danh Sắc, những hiện tượng tâm sinh lý đang diễn ra trong từng phút sanh diệt. Tâm thiện hay bất thiện điều là cảnh Danh Pháp để hành giả Vipassana quan sát. Với một người đã tu chứng Samatha thì tâm thiền của họ cũng có thể là cảnh Danh Pháp và các hình thức hơi thở đều là cảnh Sắc Pháp. Ở đây, tu Vipassana không phải là tập trung tư tưởng trong một đề mục mà là quan sát cái gì đang xảy ra: Thân ta đang hoạt động thế nào, tâm ta đang ra sao, thân tâm ta đang có cảm giác gì?.

Nói gọn lại thì công phu Vipassana gồm hai bước. Bước một là quan sát rõ thân tâm mình cái gì là Danh cái gì là Sắc, danh gồm những gì, sắc gồm những gì. Đây chính là giai đoạn phân biệt danh sắc, lúc đầu chỉ qua khía cạnh tục đế mà ta học được qua kinh điển hay lời người khác hướng dẫn. Sau đó là sự nhận biết trực tiếp vào bản chất thật sự của Danh Sắc trên khía cạnh Chân Đế: Đây là tham, sân ... Đây là đất, nước, lửa, gió ... Cái biết như vậy về Danh Sắc được gọi là biết qua khía cạnh bản tướng thực tính.

Bước thứ hai trong công phu Vipassana là nhìn thấy Tam Tướng hay Tam pháp ấn trong Danh Sắc là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Người từng tu tập Samatha trước khi tu Vipassana thì nên bắt đầu với Danh pháp hơn là Sắc pháp, vì họ đã quen làm việc với cái tâm của mình. Mỗi lẫn bắt đâu với Vipassana, họ chỉ việc bỏ ra ít thời gian với Samatha rồi nhìn vào tâm thiền của mình để quan sát. Khi đã quen thuộc với cảnh Danh pháp thì cảnh Sắc pháp đối với hành giả sẽ trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Đây chính là một lý do quan trọng để một hành giả Vipassana nên dành thì giờ để tu tập Samatha trước. Có thấy rõ Danh Sắc là gì và ra sao thì hành giả mới có cơ hội thấy được tánh sanh diệt thường trực của chúng. Thấy được tánh sanh diệt ở đây không chỉ đơn giản là thấy chúng xuất hiện rồi biến mất, mà còn thấy ra một nguyên lý quan trọng khác là Danh Sắc do duyên nào đó mà có rồi cũng do duyên mà mất đi. Nói gọn lại mọi thứ ở đời do duyên mà có và có rồi chắc chắn phải mất đi. Chính tính chất này của Danh Sắc đã được Đức Phật gọi là khía cạnh bất toàn bất trắc (dukkha - khó mà trụ lâu). Không ai có thể thay đổi được những khía cạnh vừa nói ở Danh Sắc, chúng cứ theo duyên mà diễn ra, nên Danh Sắc có thêm khía cạnh thứ ba để hành giả Vipassana quán chiếu, đó là Vô Ngã. Quan sát Danh Sắc theo cách vừa nói nãy giờ được gọi là Vipassana.



Các bước công phu Vipassana

Để minh họa cho hành trình tu tập mà cũng là hành trình nhận thức của hành giả Vipassana, trong kinh đã phân tích các bước công phu ra thành 11 giai đoạn:

1. Phân biệt Danh Sắc Tuệ: giai đoạn phân tích và nhận biết Danh Sắc là gì, gồm những chi.

2. Liễu Duyên Tuệ: Tiếp theo thấy được tính nhân quả của Danh Sắc rằng sự có mặt của chúng hoàn toàn do các nhân duyên tức những điều kiện trợ sinh hay trợ lực.

3. Quán Sát Tuệ: Bước thứ ba là hành giả thấy rõ Danh Sắc luôn vô thường, bất toàn và vô ngã.

4. Sanh Diệt Tuệ: Bước thứ tư, hành giả đặc biệt thấy rõ sự sanh diệt liên tục của Danh Sắc.

5. Hoại Diệt Tuệ: Đây là giai đoạn hành giả hầu như chỉ thấy mọi thứ ở đời đang chờ mất đi.

6. Kinh Úy Tuệ: Thấy Danh Sắc như vậy nên cái thấy lúc này luôn gắn liền với cảm giác kinh cảm như người thấy cái chết của mình đang diễn ra trước mắt.

7. Nguy Hại Tuệ: Sự kinh cảm kéo dài đến lúc nào đó sẽ trở nên chín mùi khiến hành giả thấy Danh Sắc chỉ còn là những thứ hiểm họa, không có gì là đẹp hay vui nữa.

8. Yếm Ố Tuệ: Nếu không bỏ cuộc thì nỗi sợ hãi lúc này sẽ thành ra sự chán chường.

9. Dục Thoát Tuệ: Chán rồi thì gì cũng muốn buôn bỏ.

10. Quyết Trạch Tuệ: Muốn buôn bỏ nên chỉ thấy trong Danh Sắc con đường để lìa bỏ chúng.

11. Hành Xả Tuệ: Cảm giác của hành giả đối với Danh Sắc lúc này không còn là chán hay sợ mà là sự hững hờ, lãnh đạm.

Giai đoạn số 11 này được gọi là ranh giới sau cùng giữa phàm phu và thánh nhân. Người đủ duyên lành sẽ từ đây mà thành tựu thánh trí, nếu thiếu duyên mà vẫn duy trì được nhận thức này thì cũng được an lạc một đời và dĩ nhiên là gieo được giống lành cho việc giải thoát ngày sau.

Chỉ có pháp môn Vipassana (với sự hỗ trợ ít nhiều của Samatha) mới có thể dẫn đến cứu cánh giải thoát. Nếu chỉ tu tập Samatha mà không có Vipassana thì cái đạt được nhiều lắm chỉ là thiền định, thần thông và sự tái sinh về các cõi Phạm Thiên.

Nói đơn giản thì Samatha là sự tập trung tư tưởng vào một đề mục nào đó nhằm đạt được một khả năng định tâm đủ để làm lắng yên các phiền não thuộc Dục Giới. Đây là đường đi của những ai chán sợ và muốn lìa bỏ đời sống Dục Giới. Với người không cầu giải thoát tuyệt đối tức sự chứng ngộ Níp Bàn bằng thánh trí, nhổ bỏ tận gốc tất cả phiền não tiềm tàng, thì họ xem Samatha là con đường dẫn đến thần thông và các cõi Phạm Thiên. Người cầu đạo giải thoát thì tu tập Samatha nhằm có được khả năng định tâm để lấy đó làm nền tảng cho trí tuệ Vipassana để nhổ bỏ tận gốc tất cả mầm mống sanh tử.

Như vậy khi Samatha được xem là Định học trong Tam học thì Samatha và Vipassana lúc này phải được xem là tinh hoa của Phật Pháp. Cả hai pháp môn cần phải được hành trì đúng cách và đúng mức. Người xuất gia hay tại gia ở bất cứ nơi đâu và lúc nào với bất cứ điều kiện sống như thế nào cũng có thể hành trì hai pháp môn này. Phải có niềm tin rằng có hành trì thì chắc chắn có kết quả. Đừng bao giờ tu tập với sự trông đợi ở đời sau kiếp khác. Sao ta lại có thể thiếu niềm tin khi cho rằng ngay đời này mình không thể đắc thiền chứng đạo. Những thành tựu đó phải do chính mình tìm thấy, không thể trông đợi ở ai khác. Duyên lành chưa họi đủ thì ta có thể phải mất cả đời, nhưng khi duyên chín mùi thì chỉ trong một nháy mắt. Duyên ở đây chính là sự nổ lực của chúng ta, những điều kiện tâm lý, bối cảnh vật chất, và dĩ nhiên là phước lành Ba La Mật.

Đúc kết lại, Samatha giúp tâm an định khỏi sự xao động của phiền não để làm nền tảng cho chi tuệ Vipassana soi thấu các pháp. Tất cả lời dạy của Đức Phật chỉ nhằm vào một ý nghĩa là giúp ta tu tập hai pháp môn này mà thôi.

Xin chúc quý vị thành công.

Trích: Kinh nghiệm tuệ quán


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét