Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

3. Kinh nghiệm Tuệ Quán (Phần: Kỹ thuật Vipassana)

 


Kinh nghiệm Tuệ Quán 

Phần: Kỹ thuật Vipassana

Như đã nói Vipassana là sự quan sát Danh Sắc, những hiện tượng tâm sinh lý đang diễn ra trong từng phút sanh diệt. Tâm thiện hay bất thiện điều là cảnh Danh Pháp để hành giả Vipassana quan sát. Với một người đã tu chứng Samatha thì tâm thiền của họ cũng có thể là cảnh Danh Pháp và các hình thức hơi thở đều là cảnh Sắc Pháp. Ở đây, tu Vipassana không phải là tập trung tư tưởng trong một đề mục mà là quan sát cái gì đang xảy ra: Thân ta đang hoạt động thế nào, tâm ta đang ra sao, thân tâm ta đang có cảm giác gì?.

Nói gọn lại thì công phu Vipassana gồm hai bước. Bước một là quan sát rõ thân tâm mình cái gì là Danh cái gì là Sắc, danh gồm những gì, sắc gồm những gì. Đây chính là giai đoạn phân biệt danh sắc, lúc đầu chỉ qua khía cạnh tục đế mà ta học được qua kinh điển hay lời người khác hướng dẫn. Sau đó là sự nhận biết trực tiếp vào bản chất thật sự của Danh Sắc trên khía cạnh Chân Đế: Đây là tham, sân ... Đây là đất, nước, lửa, gió ... Cái biết như vậy về Danh Sắc được gọi là biết qua khía cạnh bản tướng thực tính.

Bước thứ hai trong công phu Vipassana là nhìn thấy Tam Tướng hay Tam pháp ấn trong Danh Sắc là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Người từng tu tập Samatha trước khi tu Vipassana thì nên bắt đầu với Danh pháp hơn là Sắc pháp, vì họ đã quen làm việc với cái tâm của mình. Mỗi lẫn bắt đâu với Vipassana, họ chỉ việc bỏ ra ít thời gian với Samatha rồi nhìn vào tâm thiền của mình để quan sát. Khi đã quen thuộc với cảnh Danh pháp thì cảnh Sắc pháp đối với hành giả sẽ trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Đây chính là một lý do quan trọng để một hành giả Vipassana nên dành thì giờ để tu tập Samatha trước. Có thấy rõ Danh Sắc là gì và ra sao thì hành giả mới có cơ hội thấy được tánh sanh diệt thường trực của chúng. Thấy được tánh sanh diệt ở đây không chỉ đơn giản là thấy chúng xuất hiện rồi biến mất, mà còn thấy ra một nguyên lý quan trọng khác là Danh Sắc do duyên nào đó mà có rồi cũng do duyên mà mất đi. Nói gọn lại mọi thứ ở đời do duyên mà có và có rồi chắc chắn phải mất đi. Chính tính chất này của Danh Sắc đã được Đức Phật gọi là khía cạnh bất toàn bất trắc (dukkha - khó mà trụ lâu). Không ai có thể thay đổi được những khía cạnh vừa nói ở Danh Sắc, chúng cứ theo duyên mà diễn ra, nên Danh Sắc có thêm khía cạnh thứ ba để hành giả Vipassana quán chiếu, đó là Vô Ngã. Quan sát Danh Sắc theo cách vừa nói nãy giờ được gọi là Vipassana.



Các bước công phu Vipassana

Để minh họa cho hành trình tu tập mà cũng là hành trình nhận thức của hành giả Vipassana, trong kinh đã phân tích các bước công phu ra thành 11 giai đoạn:

1. Phân biệt Danh Sắc Tuệ: giai đoạn phân tích và nhận biết Danh Sắc là gì, gồm những chi.

2. Liễu Duyên Tuệ: Tiếp theo thấy được tính nhân quả của Danh Sắc rằng sự có mặt của chúng hoàn toàn do các nhân duyên tức những điều kiện trợ sinh hay trợ lực.

3. Quán Sát Tuệ: Bước thứ ba là hành giả thấy rõ Danh Sắc luôn vô thường, bất toàn và vô ngã.

4. Sanh Diệt Tuệ: Bước thứ tư, hành giả đặc biệt thấy rõ sự sanh diệt liên tục của Danh Sắc.

5. Hoại Diệt Tuệ: Đây là giai đoạn hành giả hầu như chỉ thấy mọi thứ ở đời đang chờ mất đi.

6. Kinh Úy Tuệ: Thấy Danh Sắc như vậy nên cái thấy lúc này luôn gắn liền với cảm giác kinh cảm như người thấy cái chết của mình đang diễn ra trước mắt.

7. Nguy Hại Tuệ: Sự kinh cảm kéo dài đến lúc nào đó sẽ trở nên chín mùi khiến hành giả thấy Danh Sắc chỉ còn là những thứ hiểm họa, không có gì là đẹp hay vui nữa.

8. Yếm Ố Tuệ: Nếu không bỏ cuộc thì nỗi sợ hãi lúc này sẽ thành ra sự chán chường.

9. Dục Thoát Tuệ: Chán rồi thì gì cũng muốn buôn bỏ.

10. Quyết Trạch Tuệ: Muốn buôn bỏ nên chỉ thấy trong Danh Sắc con đường để lìa bỏ chúng.

11. Hành Xả Tuệ: Cảm giác của hành giả đối với Danh Sắc lúc này không còn là chán hay sợ mà là sự hững hờ, lãnh đạm.

Giai đoạn số 11 này được gọi là ranh giới sau cùng giữa phàm phu và thánh nhân. Người đủ duyên lành sẽ từ đây mà thành tựu thánh trí, nếu thiếu duyên mà vẫn duy trì được nhận thức này thì cũng được an lạc một đời và dĩ nhiên là gieo được giống lành cho việc giải thoát ngày sau.

Chỉ có pháp môn Vipassana (với sự hỗ trợ ít nhiều của Samatha) mới có thể dẫn đến cứu cánh giải thoát. Nếu chỉ tu tập Samatha mà không có Vipassana thì cái đạt được nhiều lắm chỉ là thiền định, thần thông và sự tái sinh về các cõi Phạm Thiên.

Nói đơn giản thì Samatha là sự tập trung tư tưởng vào một đề mục nào đó nhằm đạt được một khả năng định tâm đủ để làm lắng yên các phiền não thuộc Dục Giới. Đây là đường đi của những ai chán sợ và muốn lìa bỏ đời sống Dục Giới. Với người không cầu giải thoát tuyệt đối tức sự chứng ngộ Níp Bàn bằng thánh trí, nhổ bỏ tận gốc tất cả phiền não tiềm tàng, thì họ xem Samatha là con đường dẫn đến thần thông và các cõi Phạm Thiên. Người cầu đạo giải thoát thì tu tập Samatha nhằm có được khả năng định tâm để lấy đó làm nền tảng cho trí tuệ Vipassana để nhổ bỏ tận gốc tất cả mầm mống sanh tử.

Như vậy khi Samatha được xem là Định học trong Tam học thì Samatha và Vipassana lúc này phải được xem là tinh hoa của Phật Pháp. Cả hai pháp môn cần phải được hành trì đúng cách và đúng mức. Người xuất gia hay tại gia ở bất cứ nơi đâu và lúc nào với bất cứ điều kiện sống như thế nào cũng có thể hành trì hai pháp môn này. Phải có niềm tin rằng có hành trì thì chắc chắn có kết quả. Đừng bao giờ tu tập với sự trông đợi ở đời sau kiếp khác. Sao ta lại có thể thiếu niềm tin khi cho rằng ngay đời này mình không thể đắc thiền chứng đạo. Những thành tựu đó phải do chính mình tìm thấy, không thể trông đợi ở ai khác. Duyên lành chưa họi đủ thì ta có thể phải mất cả đời, nhưng khi duyên chín mùi thì chỉ trong một nháy mắt. Duyên ở đây chính là sự nổ lực của chúng ta, những điều kiện tâm lý, bối cảnh vật chất, và dĩ nhiên là phước lành Ba La Mật.

Đúc kết lại, Samatha giúp tâm an định khỏi sự xao động của phiền não để làm nền tảng cho chi tuệ Vipassana soi thấu các pháp. Tất cả lời dạy của Đức Phật chỉ nhằm vào một ý nghĩa là giúp ta tu tập hai pháp môn này mà thôi.

Xin chúc quý vị thành công.

Trích: Kinh nghiệm tuệ quán


















Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

2. Kinh nghiệm Tuệ Quán (Phần: Kỹ thuật tu tập Samatha)

 


Kinh nghiệm Tuệ Quán 

Phần: Kỹ thuật tu tập Samatha

Ở đây tôi chỉ đặc biệt nói đến 11 đề mục phổ biến nhất của Samatha là 10 Kasina và hơi thở.

Người muốn tu tập Samatha hay Vipassana trước hết phải có giới hạnh thanh tịnh, nếu không thì Niệm hay Định không thể có được. Đó là lý do trong kinh mới dạy rằng: Giới hạnh là giải pháp cho trạo hối. Giới thanh tịnh giúp hành giả được bình tâm, dễ có khinh an, phỉ lạc. Dầu là tăng hay tục, khi nhìn lại giới hạnh thanh tịnh của mình cũng điều có được sự an lòng như một người sống giữa một bức tường bảo vệ. Có an lạc với chính mình thì ta mới có thể dễ dàng tập trung tư tưởng. Rất nhiều người có ý xem thường tác dụng của giới hạnh, vì tự nghĩ mình không làm điều ác gì to tát, vài ba vụ vi phạm giới hạnh thì có gì đáng kể đâu. Nhưng thật ra đối với một người sống tĩnh tâm thì một chút lấm nhơ trong giới hạnh cũng đủ khiến ta trở nên bồn chồn, áy náy, bức rứt mà nhiều khi chính mình không tìm ra lý do. Chính giới hạnh thanh tịnh giúp hành giả tránh được những sợ hãi vô cớ khi đối diện với tâm mình, hay khi sống cô độc ở nơi thanh vắng. Muốn nấu cho xong một nồi cơm thì người ta phải cần đến những chuẩn bị tối thiểu như gạo, nước, củi, lò thì nói gì là công phu tu tập thiền định, những chuẩn bị tâm lý còn nhiều hơn thế nữa.

Theo sớ giải, chỉ trừ trường hợp hết sức đặc biệt, hầu hết chúng ta muốn có được tình trạng tâm lý ổn định và minh mẫn thì cả thân và tâm đều phải được giữ vệ sinh đúng mức, hành giả phải quan tâm việc tắm rửa và y phục sạch sẽ, bên cạnh một nếp sống giới hạnh không có gì để mình phải tự trách. Điều thứ hai, theo kinh nghiệm của các thiền sư, cứ mỗi lần bắt đầu thiền hành hay tọa thiền, hành giả nên phát nguyện cúng dường thân mạng cho Đức Phật. Việc đó có ý nghĩa rất lớn. Hành giả sau đó như được sống trong sự hộ trì của Đức Phật và không còn phải nghĩ về tấm thân mình như là một vật sở hữu, bởi lúc này nó đã là một món lễ vật đã được hiến cúng cho Thế Tôn.

Trước khi bắt đầu với công phu tu tập thiền định, hành giả nên tự xét mình có làm gì lầm lỗi hay mạo phạm, dầu vô tình hay hữu ý, đối với một người khả kính nào đó quanh mình hay không. Đó là cha mẹ, thầy tổ hay một cao nhân sống cạnh mình. Ngay khi nhận ra một lỗi nhỏ cần sám hối thì hành giả nên lập tức giải quyết cho xong.



Đề mục hơi thở

Hơi thở ra vào thì có cả ngày, trong từng giây và ở bất cứ nơi đâu. Đây là một đề mục tế nhất trong các đề mục thô nhưng là thô nhất trong các đề mục tế. Hơi thở là vô hình, vô tướng nên được gọi là tế, nhưng ta có thể biết nó qua sự tiếp xúc với làn da và có thể phát hiện nó ở mũi hoặc môi. Hơi thở là sắc pháp, nhưng khi tu tập đến nó ta cũng cần đến sự tinh tế, bén nhạy gần giống như đối với đề mục Danh Pháp. Đề mục hơi thở có thể dẫn đến bốn tầng thiền sắc giới, có nghĩa là ta chỉ cần tu tập đề mục này có thể chứng đắc tòan bộ các tầng thiền Đáo Đại, gồm cả sắc giới và vô sắc giới.

Bồ tát Tất Đạt đã nhờ vào đề mục hơi thở mà chứng đắc cả thiền định và đạo quả, như đã nói, cả ngày và đêm ta không thể nào sống thiếu hơi thở, chính hơi thở làm nên đời sống của ta, Tỉnh thức trong từng hơi thở có nghĩa là ta đã sống một cách rốt ráo nhất. Điểm khác biệt giữa thánh và phàm có nhiều cách nói, nhưng cách nói đơn giản nhất chính là thánh nhân cỏ thể tỉnh thức trong từng hơi thở, còn phàm phu thì không. Dĩ nhiên, dầu ta có nỗ lực đến mấy mà thiếu duyên lành Ba La Mật thì công phu tu tập cũng không thể dẫn đến cứu cánh cao nhất. Nhưng dựa vào đâu để ta biết mình không đủ Ba La Mật, nên cách tốt nhất là nỗ lực hết mình.

Hành trình tu tập của bồ tát Tất Đạt là một kinh nghiệm rõ ràng nhất về trường hợp chỉ dùng đề mục hơi thở để tu tập cả Samatha và Vipassana. Từ đề mục hơi thở, ngài chứng đắc các tầng thiền, và từ đây ngài chứng đắc Phật quả.

Tư thế tu tập Samatha rất quan trọng. Có những đề mục, như hơi thở chẳng hạn thì ta bắt buộc phải chọn lấy tư thế nằm hoặc ngồi, vì trong điều kiện cơ thể đó ta mới có thể toàn tâm, toàn ý tập chú vào hơi thở mà không phải bận tậm trong việc điều động cơ bắp để giữ thăng bằng hay phải ngó trước trông sau. Đây chính là lý do tại sao Đức Phật đã dạy rất rõ tư thế toại thiền trong lúc tu tập đề mục hơi thở. Đó là hành giả phải ngồi xếp bằng, giữ lưng thật thẳng, tư thế ngồi giúp thân ta được ổn định, không chao lắc và không tốn sức kiềm giữ oai nghi. Với người dễ buồn ngủ thì tư thế ngồi tốt hơn nằm và nam hành giả nên ngồi kiết già xếp hai chân, còn nữ hành giả nên ngồi bán già xếp một chân. Nhưng nam nữ gì cũng phải luôn ngồi thẳng lưng, lưng thẳng giúp chúng ta ngồi lâu hơn và tránh được những tổn thương cột sống, tình trạng thường thấy ở những người ngồi khom lưng. Lưng thẳng chưa đủ, cổ phải kiên định, mặt hướng thẳng về phía trước, không để đầu nghiên hay cuối gục.

Để theo dõi hơi thở, hành giả phải chú ý đến lỗ mũi hay môi trên, chổ hơi thở tiếp xúc với da. Nên nhớ ta phải để hơi thở ra vào tự nhiên, không cố gắng điều khiển nó. Ta chỉ chú ý vào nó mà thôi. Có một số thiền sư đề nghị hành giả buổi đầu nên thở mạnh và nhanh. Đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân không được nhắc đến trong kinh điển. Vì cách thở đó rất dễ khiến ta trở nên mõi mệt. Nhớ giữ chánh niệm nhưng chỉ để duy trì định tâm (nếu chỉ Niệm thuần túy thì sẽ thành Vipassana, không còn Samatha nửa) và phải thở thật nhẹ nhàng, với tâm thanh thản, không để mình phải tu thiền dưới bất cứ một áp lực nào của thân hay tâm.

Hơi thở trong buổi đầu sơ cơ mới tu tập thì gọi là hơi thở trong dạng Sơ Tướng. Hơi thở lúc này vẫn còn là cảnh xúc tức đối tượng vật chất hay cảnh Sắc Pháp. Khi khả năng định tâm của hành giả vũng mạnh và tinh tế hơn nữa thì cảnh hơi thở sẽ trở thành một ấn tượng trong tâm thức, thuật ngữ gọi là Nhiếp Tướng, nó đã thành ra cảnh Danh Pháp. Tiếp theo, cảnh nhiếp tướng sẽ dần dần không còn là luồn hơi nửa mà trong nhận thức của hành giả, nó giống như một làn khói, hoặc một chuổi ngọc trai, một tia ánh sáng, hoặc một trái cầu nhỏ trên chóp mũi ..., những hình ảnh này ở mỗi người mỗi khác, chúng là biến tướng của hơi thở lúc đầu và bây giờ được gọi tên bằng thuật ngữ Tự Tướng, mà chữ dịch xưa giờ là Quang Tướng, mà thật ra chữ Patibhaga ở đây có nghĩa là cái thay thế, cái tương đương, cái gì đó giống nhưng khác và ngó khác nhưng cũng là cái cũ.

Khi tâm tập trung hơi thở qua từng giai đoạn như vừa nói thì những trở ngại tinh thần như tham dục, bất mãn, lười biếng, bồn chồn, hoang mang cũng sẽ được kiềm chế không có mặt. Trong tình trạng tâm lý như vậy, 5 yếu tố tâm lý cần thiết cho thiền định buổi đầu sẽ lộ diện rõ ràng hơn. Đó là khả năng hướng tâm vào đối tượng, gọi là Tầm (Vitakka). Thứ hai là khả năng dán tâm vào cảnh, gọi là Tứ (Vicara). Từ hai khả năng này, tâm hành giả không còn bị trôi nổi mà chỉ còn có một đối tượng duy nhất để nhận biết nên đều tự nhiên là tâm sẽ được thoải mái, thanh thản hơn, thuật ngữ gọi tình trạng này là Hủy Lạc. Với sự hỗ trợ của Hỹ Lạc, khả năng tập trung tư tưởng của hành giả sẽ hơn hẳn trước kia, đủ sức trấn áp 5 triền cái không cho chúng xuất hiện. Khả năng này gọi là Định. Định này chính là Sơ Thiền. Người đắc sơ thiền không còn sự thích thú hay bất mãn trong 5 trần cảnh vật chất. Ở trình độ sơ thiền, hành giả không còn cảm giác buồn ngủ hay lười biếng, cũng không còn cảm giác bồn chồn (Trạo Hối) và không còn thắc mắt gì về pháp môn mình đang tu tập (Nghi Hoặc). Vị ấy biết rõ chính đề mục hơi thở đã đưa mình đến trạng thái này, biết rõ trạng thái vắng mặt của 5 triền cái, biết rõ sự có mặt của 5 chi thiền và tin chắc rằng mình hiện đã lìa bỏ sự ám ảnh của 5 dục.

Không có chuyện ai đó đắc thiền mà còn đam mê thích thú trong 5 dục. Cảnh giới của các dục và Sơ Thiền được ngăn đôi bởi dòng sông chi thiền. Muốn qua được bờ bên kia thì ta phải lìa bỏ được bờ này. Không lìa bỏ được tham dục thì không thể nào đắc thiền được. Nên chính Đức Phật cũng đã xác định rằng Sơ Thiền trước tiên phải là sự lìa bỏ 5 dục và lìa bỏ các pháp bất thiện mà ở đây là các triền cái còn lại. Nên nhớ Sân Tâm (dosa) trong 5 triền cái còn bao gồm cả Tật đố (issa) và Bỏn xẻn (macchariya) vốn thuộc nhóm Sân phần. Và tạm thời hành giả cũng phải lìa bỏ cả sự Kiêu mạn (mãna) thuộc nhóm tham phần. Điều tất nhiên sẽ xảy ra là khi tâm vắng mặt phiền não thì tự nhiên hành giả sẽ được hỷ lạc. Chính hỷ lạc là nền tảng cho định tâm tốt hơn. Chỉ có hành giả tu chứng đến chổ này mới hiểu được rằng trên đời này còn có một thứ hạnh phúc không đến từ sự hưởng thụ 5 dục, mà chỉ có được từ việc lìa bỏ thứ hạnh phúc thấp kém kia.

Nhiều người cứ nghe nói đến Jhana là cứ liên tưởng đến việc phi hành (bay) hay hóa hiện này nọ. Thật ra, nói trên chữ nghĩa hay tác dụng của thiền định thì không có cái gì liên hệ đến những khả năng đó. Chữ Jhana có hai nghĩa là sự thiêu đốt hoặc sự tập trung tư tưởng. Người đắc thiền trước hết phải thiêu cháy 5 triền cái và nhờ vậy khả năng tập trung tư tưởng vào đề mục sẽ được triệt để hơn.

Khi đắc lên tầng nhị thiền, hai tâm sở Tâm và Tứ sẽ không còn nữa. Bởi với trình độ này, hành giả chỉ cần Hỷ, Lạc, Định, không cần đến sự hỗ trợ của hai tâm sở Tầm và Tứ. Tầng tam thiền chỉ còn Lạc và Định. Ở tầng tứ thiền thì Lạc sẽ được thế chổ bằng Xả. Nghĩa là càng lên cao thì cảnh càng vi tế dần nên tâm cũng vi tế theo, không còn cần đến những công cụ hỗ trợ phức tạp như trước đây nửa.

Samatha ở người cầu đạo giải thoát chính là Định Học trong Tam học. Có Địn mới có Tuệ, có Tuệ mới có giải thoát. Nhưng với năng lực của samatha, từ sơ thiền trở lên, hành giả có thể sống an lạc trong cả thân lẫn tâm. Đó là lý do vì sao trong kinh đã mô tả đời sống của Đức Phật hầu như an lạc toàn phần. Người tu phật phải luôn nhớ rằng samatha chỉ thật sự có  ý nghĩa khi làm nền tảng cho Vipassana. Những gì ngoài ra chỉ là thứ phụ.

Ngoài tác dụng hiện tại lạc trú và làm nền tảng cho Tuệ Quán, một hành giả Samatha đã chứng tối thiểu sơ thiền nếu vẫn giữ được cho đến lúc tắt thở, không làm mất tầng thiền đã chứng thì sẽ sanh về một cõi Phạm Thiên nào đó tương ứng với tầng thiền cao nhất mà mình đã chứng.

Trích: Kinh nghiệm Tuệ Quán






















Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

Tu tập Từ Tâm *****

 


Tu tập Từ Tâm

Trong Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy rằng việc tu tập Từ Tâm có thể giúp hành giả định tâm tốt hơn, và bản thân đề mục Từ Tâm cũng có thể giúp hành giả chứng thiền với kỹ thuật đã được nói rõ trong bộ Vô Ngại Giải Đạo (Patisambhidamagga) qua 528 câu rãi Từ Tâm.

Pháp môn này vô cùng đặc biệt, nếu không chứng thiền được thì cũng được vô lượng công đức. Người dù có từng chứng thiền hay không khi muốn tu tập đề mục Từ Tâm cũng phải áp dụng một kỹ thuật giống nhau, dĩ nhiên nhanh chậm có khác.

Pháp tu Từ Tâm chỉ được gọi là Vô Lượng Tâm khi đối tượng của nó là tất cả chúng sanh ở vô lượng thế giới không có một phân biệt nào. Lòng hành giả muốn đắc thiền bằng đề mục này phải đạt được mức độ không giới tuyến, dù nhiều khi chỉ mới nhắm vào một đối tượng thì đã đắc thiền. Khả năng cao nhất của đề mục Từ Tâm là tam thiền.

Người có thiền thì tình thương đối với chúng sanh mạnh mẽ và rõ ràng hơn người không có thiền. Từ Tâm ở hành giả chưa từng chứng thiền thường chỉ ở mức tưởng tượng bằng thiện chí chứ không được thứ tình thương cụ thể như một người chứng thiền.

Trong 11 quả báo của pháp môn Từ Tâm có nói đến những điều mà hành giả nào cũng cần là ngủ ngon, dậy khỏe, không ác mộng, được chư thiên hộ trì, định tâm dễ dàng, lúc chết không mê loạn và khả năng sanh thiên rất cao.

Phương pháp niệm rải tâm từ:

- Niệm rải tâm từ cho chính mình:

(Tôi nguyện không oan trái với mọi chúng sinh, được sự an lạc, không có khổ thân, khổ tâm)

- Niệm rải tâm từ đến thân mẫu của mình còn sống như sau:

(Cầu mong thân mẫu của con không oan trái với tất cả chúng sinh, được sự an lạc, không có khổ thân, khổ tâm)

- Niệm rải tâm từ đến thân phụ của mình còn sống như sau:

(Cầu mong thân phụ của con không oan trái với tất cả chúng sinh, được sự an lạc, không có khổ thân, khổ tâm)

- Niệm rải tâm từ đến thầy tổ của mình còn sống như sau:

(Cầu mong bậc thầy tổ của con không oan trái với tất cả chúng sinh, được sự an lạc, không có khổ thân, khổ tâm).

- Niệm rải tâm từ đến những bạn bè của mình còn sống như sau:

(Cầu mong những bạn bè của chúng tôi không oan trái với tất cả chúng sinh, được sự an lạc, không có khổ thân, khổ tâm).

- Niệm rải tâm từ đến những bà con thân quyến của mình còn sống như sau:

(Cầu mong những bà con thân quyến của chúng tôi không oan trái với tất cả chúng sinh, được sự an lạc, không có khổ thân, khổ tâm). 

- Niệm rải tâm từ đến dân tộc Việt Nam như sau:

(Cầu mong dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng tôi không oan trái với tất cả chúng sinh, được sự an lạc, không có khổ thân, khổ tâm).

- Niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh như sau:

(Cầu mong tất cả chúng sinh không oan trái lẫn nhau, được sự an lạc, không có khổ thân, khổ tâm).

Những phương pháp tiến hành niệm rải tâm từ đến từng hạng người theo tuần tự trước sau này làm cho hành giả phát sanh tâm từ khiến thân và tâm được an lạc; và mỗi hạng người làm đối tượng của tâm từ cũng cảm thấy thân và tâm mát mẻ dễ chịu, thương yêu, quý mến đến hành giả một cách đặc biệt và tự nhiên, bởi do năng lực tâm từ của hành giả.

Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến từng hạng người với thiện tâm hợp tâm từ, cầu mong mỗi hạng người đều được an lạc, không oan trái lẫn nhau, không khổ thân, khổ tâm, cầu mong họ giữ gìn thân tâm thường được an lạc.

Pháp hạnh tâm từ ba la mật là một trong 10 pháp hạnh ba la mật:

1- Bố thí ba la mật.
2- Giữ giới ba la mật.
3- Xuất gia ba la mật.
4- Trí tuệ ba la mật.
5- Tinh tấn ba la mật.
6- Nhẫn nại ba la mật.
7- Chí nguyện ba la mật.
8- Chân thật ba la mật.
9- Tâm từ ba la mật.
10- Tâm xả ba la mật.

Trích: Thanh Tịnh Đạo