Tổng lược:
Mục đích của Định Học là thanh lọc nội tâm nhằm lìa bỏ 5 Triền Cái để chứng thiền và lìa bỏ các phiền não còn lại để chứng đạo.
Dĩ nhiên Định Học chỉ là nền tảng quan trọng cho Tuệ Học, tức chỉ là giai đoạn Tâm Tịnh trong Thất Tịnh.
Theo Tăng Chi Bộ, 2 bài Alokasutta và Pacalayamanasutta thì trí tuệ kết hợp với sơ định mới có thể làm tốt việc quán chiếu Danh Sắc. Sự kết hợp này cho tâm ta một tia sáng để soi rọi các pháp được tốt hơn.
Và cứ vậy từ Sơ định, tức khả năng định tâm của hành giả buổi đầu, trí tuệ của hành giả sau đó sẽ ngày một tinh tường hơn khi khả năng định tâm đã tới mức Cận định và cuối cùng khi chứng đạo (dù tầng thánh nào bất luận) thì một hành giả chưa từng đắc thiền đi nửa cũng phải có được trình độ Sơ thiền để thấy được tận cùng bản chất Chân Đế của Danh Sắc và chấm dứt phiền não một phần hay toàn bộ. Dĩ nhiên thiền chứng càng cao thì khả năng Tuệ Quán càng được hỗ trợ hữu hiệu hơn. Trên tất cả, Tứ thiền Sắc Giới được xem là phương tiện tốt nhất cho Thiền Quán bởi nó là ranh giới sau cùng giữa Danh và Sắc và khả năng định tâm ở trình độ này không có gì để bàn nữa. Trình độ thiền Vô Sắc tuy có cao hơn nhưng nó không thích hợp cho việc quán chiếu sắc pháp.
Cả 40 đề mục Thiền Chỉ đều được nhắc đến trong Chánh Tạng, nhưng đề mục hơi thở (anapanasati) được xem là phổ biến và đa dụng nhất bởi có thể cùng lúc là đề mục Thiền Chỉ (samatha) để dẫn đến tứ thiền Sắc Giới và cũng là đề mục Thiền Quán (vipassana) để dẫn đến Tứ Thánh.
Không như những đề mục khác trước sau chỉ là một, đề mục hơi thở lúc đầu thì thô thiển nặng nề, càng về sau thì mỗi lúc một trở nên vi tế dần, đến lúc gần như mất hẳn.
Để tu tập đề mục đặc biệt này, hành giả bắt buộc phải có 5 quyền (indriya - Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ) vững mạnh.
Thực ra nếu đọc kỹ trong chánh tạng thì ta sẽ thấy Đức Phật đã hướng dẫn rất rõ ràng phương thức tu tập đề mục này qua công thức Tam học hỗ tương: Giới sinh Định, Định sinh Tuệ, Tuệ dẫn giải thoát. Hành trình đó được bắt đầu từ việc trải qua ba ấn chứng (nimitta), quân bình 5 quyền và dồi mài 7 giác chi. Bất cứ đường lối hành trì nào không đi đúng hướng dẫn này cũng phải được xem là tà pháp, hành giả coi như tự hủy công phu của mình.
Đồng thời, với sự hỗ trợ của tứ thiền Sắc Giới chứng được từ đề mục hơi thở, hành giả có thể cùng lúc tu tập thêm bốn đề mục hộ thân: Niệm Phật, Niệm Chết, Niệm Từ Tâm và Quán thể trượt, cũng như cả 10 đề mục Kasina nếu muốn để có thể lão luyện trong việc hiện thông.
Phép quán Tứ Đại cũng được xem là một sự hỗ trợ quan trọng để hành giả chứng thiền, song song với đề mục Thể trượt và Tử thi. Các thiền sư chủ trương chỉ quán song tu cũng rất tán thành việc tu tập đề mục màu trắng để tao thêm ánh sáng trong lúc theo dõi hơi thở theo Thiền Chỉ và chính nó cũng rất có lợi cho công phu Tuệ Quán sau đó.
Nói vậy tôn chỉ của dòng thiền Pa Auk là tập trung tu tập đề mục hơi thở như là cách tốt nhất để trau dồi chánh định, cùng với các đề mục hỗ trợ gồm quán tứ đại, 10 Kasina và 4 đề mục hộ thân.
A. HÀNH TRÌNH ĐỊNH HỌC
Đạo đế là con đường dẫn đến Diệt Đế (Níp Bàn), cứu cánh chấm dứt Khổ Đế (vô dư Níp Bàn) và chấm dứt Tập Đế (hữu dư Níp Bàn). Đạo Đế bao gồm Bát Chánh Đạo mà nói gọn lại là Tam học. Tùy theo trình độ tu tập Tam học mà hành giả từng bước trừ diệt được các hình thức phiền não từ thô đến tế.
Phiền não thô nhất là thứ phiền não biểu hiện qua thân nghiệp và khẩu nghiệp bất thiện, ai nhìn cũng thấy. Giới Học có công năng đối phó với dạng phiền não này.
Dạng phiền não thứ hai vi tế hơn một chút, không biểu hiện qua thân khẩu, nên chỉ có đương sự và người chứng Tha Tâm Thông biết được mà thôi. Ta phải dùng Định Học cụ thể là các tầng thiền định để trấn áp các phiền não dang này theo kiểu lấy đá đè cỏ, thay vì Giới Học đối với dạng phiền não đầu tiên chỉ có tác dụng như người ta cắt cỏ.
Dạng phiền não thứ ba được gọi bằng thuật ngũ pali là Anusayakilesa ám chỉ khả năng tái hiện của phiền não mà hiện giờ có thể đang vắng mặt. Để đoạn trừ khả năng tái hiện này của phiền não hành giả phải tu tập rốt ráo Tuệ Học qua việc quán chiếu Danh Sắc để chứng đắc tối thiểu Sơ Đạo (Tu Đà Hườn).
Nói vậy ta mới thấy được mối tương quan mật thiết của Tam học, mà đặc biệt ở đây là Định Học và Tuệ Học trong pháp môn Chỉ Quán song tu.
Trong Tương Ưng Bộ Kinh, kinh samadhistta, Đức Phật đã dạy rất rõ: Hãy tu tập chánh định vì người có định đúng mức mới có thể thấy được các pháp như thật.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, một hành giả chỉ mới có k.hả năng nhất tâm trong một hai giờ đồng hồ thì khó mà quan sát tường tận được các thể trược một cách đúng mức, như cái nào là đất, nước hay lửa, gió. Trừ phi hành giả là người đã chứng tối thiểu Cận Định ngay lúc đó.
Người chứng thiền, tối thiểu Sơ Thiền, ngoài khả năng định tâm (Định học hay Định quyền), trí tuệ (Tuệ quyền hay Tuệ học) của họ cũng sắc sảo tinh tường hơn người bình thường. Chúng tôi nhắc tới lui chuyện này cũng chỉ nhằm mục đích xác định mức cần thiết và tầm quan trọng của việc trau dồi khả năng định tâm mà rất nhiều hành giả chuyên Quán thường xuyên có vẻ xem nhẹ. Bởi rõ ràng ngài Xá Lợi Phất đã xác định trong kinh Trạm Xe (Trung Bộ) rằng Định Học là Tâm Tịnh trong Thất Tịnh, không có Tâm Tịnh thì không thể có Đoạn Nghi Tịnh, Tri Kiến Tịnh, giai đoạn bắt buộc để hành giả chấm dứt phiền não. chứng ngộ Níp Bàn. Thanh Tịnh Đạo ghi chú thêm rằng Tâm Tịnh là Cận Định trở lên. Còn mức định tâm theo phút, theo giờ tức theo thời khóa mà tu của hầu hết hành giả hôm nay phần lớn chỉ ở mức sát-na định. Trình độ định tâm này không đủ để hành giả có thể chuyên chú và an lạc trong suốt nhiều giờ và như vậy việc quán chiếu chắc chắn sẽ bị gián đoạn. Nhiều lúc sự quán chiếu gần chạm mức, thì hành giả đã bị tác động bởi 5 triền cái như bị nhứt mỏi, buồn ngủ hay phóng tâm chuyện gì đó rồi tham hay giận.
B. PHÉP NIỆM HƠI THỞ
Có mấy bước căn bản mà hành giả tu tập đề mục hơi thở phải nhớ là luôn hít thở trong tỉnh thức để biết rõ hơi thở đang vào hay ra và dài hay ngắn. Sau cùng là sự ghi nhận toàn bộ để có thể chú tâm trên đó. Ở đây trong Thanh Tịnh Đạo có hướng dẫn rõ rằng bước đầu hành giả nên chọn tư thế ngồi thẳng lưng, giữ mình thật thỏa mái, hai mắt nhắm hờ, hít thở thật tự nhiên không gượng ép và chú ý vào một trong hai điểm mũi hoặc môi trên. Sau đó hành giả bắt đầu đếm số (ganana - sổ tức): Hít vào thở ra đếm một, hít vào thở ra đếm hai ... cứ vậy cho đến 8, con số tượng trưng cho bát Chánh Đạo, công phu đếm thở này có thể kéo dài một hai giờ đồng hồ và sau ít phút nghỉ ngơi hành giả có thể tiếp tục làm lại từ đầu.
Chính nhờ việc đếm số này, hành giả sẽ dần dần có được Niệm và Định không chỉ trong lúc đếm, mà còn có thể suốt ngày hít thở trong chánh niệm ngay bất cứ lúc nào có thể. Gọi là hơi thở dài hay ngắn là dựa vào thời gian lâu hay mau của mỗi hơi thở. Từ sự ghi nhận khó khăn buổi đầu do định yếu, dẫn dần rồi thì hành giả có thể dễ dàng ghi nhận toàn bộ từng hơi ra vào theo cách một người giữ cổng hay anh thợ cưa mà trong kinh đã nhắc tới.
Người giữ cổng không cần biết người ta từ đâu đến và sẽ về đâu, chuyện họ là nam hay nữ hoặc ăn mặt thế nào cũng không quan trọng. Việc duy nhất mà người giữ cổng phải làm chỉ là quan sát ngay ngạch cửa để biết có người ra và có người vào, chỉ vậy thôi. Hành giả cũng xem mũi hay môi của mình là ngạch cửa để quan sát hơi thở vào ra. Hoặc hành giả cũng giống như anh thợ xẻ gỗ không cần nhìn vào khúc gỗ hay toàn bộ cây cưa mà chỉ việc nhìn vào chổ răng cưa chạm vào thân cây. Không còn gì phải làm hơn nửa.
Điều phải ghi nhớ thêm ở đây là hành giả lúc nào cũng phải để hơi thở vào ra tự nhiên không can thiệp, mà chỉ quan sát chúng. Tâm càng chuyên chú thì Định càng mạnh và Định càng mạnh thì hơi thở càng trở nên vi tế, thậm chí sẽ có lúc hành giả sẽ thấy như mình không còn thở nữa. Các ngài dạy rằng lúc đó hành giả không nên sợ hãi hay thắc mắc mà chỉ việc tiếp tục chú ý vào 2 điểm môi hay mũi là chổ hơi thở ra vô mọi khi thì sớm muộn gì cũng sẽ thấy nó trở lại.
Quá trình tu tập hơi thở nếu suông sẻ thì sẽ diễn ra theo trình tự như sau:
- Hơi thở vào ra lúc đầu mới tu tập được gọi là Sơ Tướng (parikammanimitta).
- Khi định tâm vững mạnh hơn nữa thì hơi thở sẽ có lúc không phải vô hình vô sắc nữa mà đối với hành giả lúc này nó trở thành một ấn tượng hay vật thể có thể nhìn thấy như một miếng bông gòn, một sợi chỉ hay mảnh lụa phất phơ. Tùy người và tùy lúc mà những ấn tượng này có hình dáng và màu sắc khác nhau. Hình ảnh này của hơi thở được gọi là Nhiếp Tướng (uggahanimitta).
- Nếu hành giả tiếp tục đi tới không bỏ cuộc nửa chừng thì Nhiếp Tướng trong giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm ánh sáng hoặc trở nên trong suốt. Điều đặc biệt là tuy hơi thở gần như là một đề mục vô hình vô sắc nhưng ấn tướng của đề mục này thì lại rất cụ thể. Các ngài dạy rằng dầu hơi thở có trở thành một ấn tướng như thế nào đi nửa thì hành giả nhớ trước sau chỉ tập trung định tâm vào môi và mũi của mình mà thôi. Dầu nó lúc này ngó như một làn khói hay dãi lụa thì nhớ đừng chú ý phần ngoài của chúng, mà chỉ tập chú vào môi hay mũi mà thôi. Ấn tượng của hơi thở trong giai đoạn này được gọi là Tự Tướng (patibhaganimitta). Chữ patibhaga nghĩa là tương tự hay giống như. Trong pháp môn thiền chỉ khi hành giả sắp đắc thiền thì đề mục ban đầu lúc này sẽ thành ra một hình ảnh hay ấn tượng nào đó không giống nư cũ nữa, không giống nhưng cũng chính là cái cũ, tuy là cái cũ nhưng lúc này không còn giống hệt vậy nữa, chỉ tương tự thôi. Đó là lý do của thuật ngữ patibhaganimitta mà các cao tăng Việt Nam xưa nay vẫn dịch là Quang Tướng, nhằm nhấn mạnh khía cạnh phát sáng của các đề mục trong giai đoạn này.
Với một người có nhiều phước duyên thì kể từ lúc Tự Tướng xuất hiện, 5 triền cái sẽ dần dần phai nhạt, cũng có nghĩa là các phiền não nói chung cũng sẽ từng bước nhường chổ cho định tâm. Lúc này thời gian định tâm của hành giả trong ngày sẽ nhiều hơn thời gian phóng tâm và thời gian sống thiện sẽ nhiều hơn sống bất thiện. Ta phải nhận rằng đây là kỳ tích đối với một phàm phu. Tôi muốn nhắc lại ở đây điều tối quan trọng là những hình ảnh đẹp đẽ mà hành giả thấy được từ ấn tướng hơi thở không quan trọng bằng chính hơi thở. Nó có xuất hiện trong hình thức nào thì hành giả cũng chỉ quan tâm đến tình trạng ra vào mà thôi. Trong trường hợp các ấn tướng biến mất, cũng không có gì đáng ngại. Hành giả cứ tiếp tục theo dõi hơi thở như chưa có gì xảy ra. Các ấn tướng có thể sẽ tái hiện rồi biến mất như cũ, trong thời gian lâu mau bất định, với hành giả trước sau cũng chỉ có hơi thở. Hành giả xem hơi thở quan trọng như một bà hoàng hậu chuyên tâm chăm sóc bào thai của mình vậy, hay như một người nông dân dốc lòng chăm sóc ruộng lúa. Mỗi lúc hành giả sẽ thấy rằng việc quân bình 5 Quyền là vô cũng quan trọng.
Qua đó Định và Cần là một cặp và Tín với Tuệ là một cặp, chúng phải luôn được niệm điều hợp chặt chẽ và hợp lý. 5 Quyền quân bình thì tự nhiên Thất Giác Chi cũng được quân bình. Từ đó, lúc nào tâm quá thụ động, yếu ớt thì hành giả phải nhờ đến sự hỗ trợ của Trạch, Cần, Hỷ Giác chi, và ngược lại khi tâm quá xung động, bồng bột thì hành giả phải nhờ đến sự có mặt của Tĩnh, Định, Xả Giác Chi. Niệm Quyền và Niệm Giác Chi luôn có vai trò kềm giữ các thứ còn lại. Đức Phật gọi niệm là một yếu tố hạt nhân mọi nơi mọi lúc (sabbatthika) đối với các thiện pháp.
Các ngài nói rằng với một người chứng tứ thiền Sắc Giới thì ngoài việc quan sát nội tâm của mình, vị đó có thể thấy được cả Sắc Ý Vật để từ đó quan sát được cả dong tâm Hữu Phần và nhờ vậy cũng thấy được Tự Tướng xuất hiện ra sao trong Ý môn. Người càng tinh tấn thì việc quan sát này sẽ càng lúc dễ dàng hơn là một người thiếu tinh tấn để thời gian tu thiền bị gián đoạn liên tục. Đề mục hơi thở có thể dẫn đến Ngũ Thiền và nhiều hành giả do từng học hỏi giáo lý có thể rất dễ lầm tưởng là mình đã đắc tầng thiền này, tầng thiền kia nhưng họ đã quên rằng chỉ riêng việc muốn chứng sơ thiền, họ phải cùng lúc làm được 2 việc là trấn áp 5 Triền cái và biến 5 tâm sở tợ tha (Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định) xưa giờ chỉ có trong tâm Dục Giới nay trở thành 5 chi thiền để nhận biết cảnh đề mục và đối phó cảnh phiền não. Một người tinh tấn tu tập và thiết tha lý tưởng thiền định thì sau một thời gian chứng thiền sẽ có được 5 khả năng mà hành giả dễ ngươi không làm được. Kinh gọi đó là 5 pháp tự tại (Vasi):
- Quán Chiếu Tự Tại: Là khả năng nhận diện từng chi thiền.
- Nhập Định Tự Tại: Là khả năng vào thiền bất cứ lúc nào mình muốn.
- Trụ Thiền Tự Tại: Là khả năng kéo dài thời gian nhập thiền như ý muốn.
- Xuất Định Tự Tại: Là khả năng ra thiền nhanh chóng như ý muốn. Với những vị giỏi thần thông thì chính khả năng này giúp họ có thể nhanh chóng chuyển đổi đề mục để trong một khoảnh khắc có thể biến hiện nhiều loại thần thông khác nhau.
- Phản Khán Tự Tại: Là khả năng nhìn lại các chi thiền để có thể nhàm chán chúng nhằm tiến lên tầng thiền cao hơn. Người muốn chứng lên các tầng thiền cao DỨT KHOÁT phải có khả năng này.
Từ sơ thiền, khi thấy được sự thô thiển thấp kém của nó, hành giả tự nhiên lìa bỏ 2 chi Tầm Tứ để chứng nhị thiền. Cũng theo cách chán cũ tìm mới, hành giả bỏ thêm chi Hỷ để chứng Tam Thiền, sau đó bỏ thêm chi Lạc để chứng Tứ Thiền. Lúc này tâm thiền của hành giả chỉ còn lại 2 chi Định và Xả (phân tích theo tạng kinh).
Tầng Thiền Chi Thiền
Sơ Thiền Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định
Nhị Thiền Hỷ, Lạc, Định
Tam Thiền Lạc, Định
Tứ Thiền Định, Xả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét