Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Bát chánh đạo (trích kinh: Phân biệt về sự thật)

 


BÁT CHÁNH ĐẠO

Này chư hiền, thế nào là Khổ Diệt Đạo Thánh Đế?

Đó là Bát Thánh Đạo, ở đây gồm có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Cần, Chánh Niệm, Chánh Định.

Này chư hiền, thế  nào là Chánh Kiến?

Này chư hiền,

Trí tuệ trong Khổ Đế, 

Trí tuệ trong Tập Đế,

Trí tuệ trong Diệt Đế,

Trí tuệ trong Đạo Đế.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Kiến.

Này chư hiền, thế  nào là Chánh Tư Duy?

Ly Dục Tư Duy,

Vô Sân Tư Duy,

Bất Hại Tư Duy.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Tư Duy.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Ngữ?

Sự kiêng tránh vọng ngữ,

Sự kiêng tránh lưỡng thiệt,

Sự kiêng tránh ác khẩu,

Sự kiêng tránh phiếm luận.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Ngữ.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Nghiệp?

Sự kiêng tránh sát sanh,

Sự kiêng tránh trộm cắp,

Sự kiêng tránh tà dâm.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Nghiệp.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Mạng?

Này chư hiền, ở đây vị thánh đệ tử từ bỏ sinh kế tà ác, sống bằng sinh kế chơn chánh.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Mạng.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Cần?

Này chư hiền, ở đây vị tỷ kheo nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm ngăn chặn các bất thiện pháp chưa sanh khởi không cho sanh khởi.

Vị ấy nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm đoạn trừ các bất thiện pháp đã sanh khởi không cho tái diễn.

Vị ấy nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm khiến cho các thiện pháp chưa sanh khởi được sanh khởi.

Vị ấy nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm khiến cho các thiện pháp đã sanh khởi được duy trì, không để tiêu mất, khiến cho được tăng thịnh, phát triển, viên mãn.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Cần.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Niệm?

Này chư hiền, ở đây, tỷ kheo sống quán Thân trên Thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

Sống quán Thọ trên Thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

Sống quán Tâm trên Tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

Sống quán Pháp trên các Pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Niệm.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Định?

Này chư hiền, ở đây, tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với Tầm, với Tứ.

Vị tỷ kheo ấy diệt Tầm, diệt Tứ, chứng và trú Nhị Thiền, một trạng thái hỷ lạc do Định sanh, không Tầm, không Tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Tỷ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Tam Thiền.

Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Tứ Thiền, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Định.

Này chư hiền, như vậy gọi là Khổ Diệt Đạo Thánh Đế.

Tôn giả Sariputta thuyết giảng như vậy.

Các tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Sariputta dạy.

(Trung Bộ Kinh, bài 141 - kalama 227)


Chú giải:

CHÁNH KIẾN:

Chánh kiến : Là phân biệt thiện ác thấy được 4 đế và 12 duyên khởi trong từng giây phút thiện ác.
- Bước 1: Hồi chưa biết đạo thì mình chỉ chạy theo thích, ghét, buồn, vui còn có hại mình hại người đời này đời sau thì không thành vấn đề. Cứ kệ nó mà chạy theo 4 chữ đó.
- Bước 2: Biết đạo kiểu sơ cơ thì mình chỉ quan tâm đến thiện ác thôi, cái gì là thập thiện cái gì là thập ác.
- Bước 3: Khi tu tập rốt ráo thì hiểu được rằng thiện, ác đều là nhân sanh tử.
Thiện đưa ta đi cõi lành, ác đưa ta đi cõi khổ. Ở đâu đến mãn thọ thì cũng phải bỏ đó mà đi nơi khác.
Nên hành giả tứ niệm xứ chỉ 1 lòng quan tâm tánh sanh diệt của thân tâm để sanh chán sợ sinh tử.
Phát hiện 1 ác tâm xuất hiện thì biết ngay đây là ác hành trong 12 duyên khởi nhân dẫn đến tâm thức tái sanh về cõi đoạ.
Phát hiện 1 tâm lành thì biết ngay đây là phúc hành (thiện hành) nhân tạo ra thức tái sanh về cõi vui.
Dầu là cõi khổ hay cõi vui cũng là khổ đế. Thích trong cõi nào cũng là thích trong khổ đế, mà thích trong khổ đế chính là tập đế. Trí hiểu được vậy gọi là chánh kiến.

Sư Toại Khanh giảng

CHÁNH TƯ DUY

...Con đường dẫn đến giải thoát Đức Thế Tôn chỉ nói đến tuệ học thôi đó là chánh tư duy gồm có 3:
1. Vô tham tư duy (Ly dục tư duy) : tầm viễn ly (tức là tâm sở vô tham) là không thích thú đam mê trong 6 trần.
2. Tầm vô sân: chính là tâm sở vô sân.
3. Tầm không hại : tức là bất hại tư duy ở đây chính là tâm sở bi ( tức bi tuỳ hỉ trong vô lượng phần của tâm sở).
Tại sao 3 cái này quan trọng, nghe cái tên nó hơi ngộ ngộ nhưng ngẫm lại thì nó đúng bao gồm tất cả là sao ta? Tu hành giải thoát là nhắm đến việc không thích gì (là vô tham), không bất mãn cái gì (là vô sân) và bức hại là không có lòng làm tổn thương xúc phạm chống phá đối đầu với bất cứ người hay vật.
Tôi chỉ ví dụ nhẹ quý vị đừng có lấy đó làm điều : người chơi hoa chơi kiểng thấy chậu hoa lâu ngày không tưới họ nhìn thấy họ cũng xót thì có 2 trường hợp:
1. Là tiếc của.
2. Không nở nhìn thấy 1 sức sống đang bị héo úa tàn phai, đang bị đe doạ 1 sức sống quá đỗi mong manh, họ không nỡ, không cam tâm, không nhẫn tâm.
=>Nói chi là mình nói mình làm 1 động thái gì đó lớn nhỏ để đem lại máu và lệ cho người khác cho chúng sinh khác dầu đó là con ruồi, con kiến, con trâu, con chó, con heo, con dê, con người, nam phụ lão ấu mà mình nói mình làm sao đó cho người ta chảy máu hoặc chảy nước mắt thì mình không có làm. Đối tượng lớn là động vật là chúng sinh, đối tượng nhỏ hơn là vật vô tri thì người tu hành không có nỡ không cam tâm.
- Đó là lý do mà Phật dạy tỷ kheo không đào đất, đốt lửa, chặt phá, chặt đốn cây cỏ lớn bé. Bởi vì không nỡ nhân tâm, có vị nào mà nhà quê nông thôn chắc biết là mình chọt cái xuổng của mình xuống đất nếu thật sự mình là hành giả thường xuyên sống chánh niệm an trú và từ tâm thì khi mình xúc cái xuổng xuống đất và đào lên thì có biết bao nhiêu sinh vật sẳn sàng chết dưới cái lưỡi xuổng dưới cái nhát đào của mình hay không. Nếu mình thật sự sống bằng từ tâm liên tục và thường trực, một từ tâm tràn ngập sung mãn thì mình không nở làm chuyện đó các vị biết không. Đó chính là bất hại tư duy, không nỡ không cam tâm, không nhẫn tâm.
- Còn vô sân tư duy là không bất mãn, bực mình cái gì ở đời dù đó là nội nhẫn hay ngoại nhẫn. Nội nhẫn là chịu được những khó chịu của thân tâm của bản thân mình chịu được. Ngoại nhẫn là những gì ập từ bên ngoài vào như thời tiết nóng quá, lạnh quá, ruồi, muỗi, lời ông tiếng ve, thị phi...từ cuộc đời nhắm vào mình mà mình chịu đựng được.
- Ly dục hay vô tham tư duy có nghĩa khi 6 căn biết 6 trần mình không để mình phải đắm đuối, đê mê, thích thú đối với bất cứ thứ gì, nó chỉ là nó thôi.
Trên nguyên tắc là phải nói như vậy, chứ quý vị đòi hỏi ổng nói như vậy mà ổng đã đắc chưa thì không được. Tôi đang nói nguyên tắc thì phải nói như vậy. Chính 3 cái này gọi là chánh tư duy.
Thật ra chỉ cần có chánh tư duy này là đại diện cho bát chánh đạo rồi nhưng vì căn cơ của người trước mặt nên thế tôn phải nói thêm cái chánh kiến nữa. Đúng ra chánh tư duy mà được tu tập rốt ráo thì phải cần sự hỗ trợ của 7 chánh còn lại. Cái này là Kinh nói chứ không phải tôi nói. Cái này mình được học bên Tương Ưng rồi. Không bao giờ có chuyện 1 người tu cái chánh này mà thiếu 7 cái chánh kia là không có, nếu mà thiếu là tà đạo chứ không phải chánh đạo. Chánh đạo thì phải luôn tuân theo công thức này tức là 1 cho 7 và 7 cho 1.

Sư Toại Khanh giảng















Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

12 Duyên Khởi

 


12 Duyên khởi.

Tu Niệm Xứ qua lý Duyên Khởi là cơ hội tốt nhất để quán chiếu Tứ Đế, 12 Xứ, 18 giới, khía cạnh nhân quả và khía cạnh tam tướng của Danh Sắc. Cái tác động là nhân. Cái được tác động là quả. Cái nào có tham đi cùng là Tập Đế. Cái nào không có tham đi cùng là Khổ Đế. Các thành phần Danh Sắc tiếp nối nhau sanh diệt, gọi chung là sự sanh diệt của Khổ và Tập.
Người không có tu tập thì 6 căn đời này là điều kiện cho 6 căn đời sau. Mỗi giây phút thất niệm là một mối nối trên dòng sanh tử. Tu tập là tách rời các mối nối không để chúng tiếp tục kết nối nhau.

Tu Tứ Niệm Xứ qua giáo lý duyên khởi là hành trình quan sát Khổ Đế và Tập Đế. Từ Vô Minh đến Lão, Tử chỗ nào có tham là Tập Đế, chỗ nào không có tham ái là Khổ Đế.
Sanh Lão Tử Vô Minh Hành
2 Hữu Luân Hồi Thức
4 Thủ Danh Sắc
6 Ái 6 Thọ 6 Thức 6 Nhập
Vô Minh trong Tứ Đế
Bất tri trong Khổ Đế: Không biết 5 Uẩn là 3 Khổ (Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ)
Bất tri trong Tập Đế: Không biết mọi thích thú của mình chỉ là đam mê trong 3 Khổ trước mắt và từ đó tạo ra 3 Khổ trong tương lai.
Bất tri trong Diệt Đế: Không biết sự vắng mặt của Khổ Đế (Vô dư Níp bàn) và Tập Đế (Hữu dư Níp bàn) là cứu cánh cao nhất để thoát khỏi 3 Khổ.
Bất tri trong Đạo Đế: Không biết rằng Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất dẫn đến Diệt Đế.
Vô Minh duyên Hành Vì 4 cái bất tri này mà phàm phu thỏa mãn khát vọng (Tập Đế) và chạy trốn những thực tế phũ phàng (Khổ Đế) bằng cách thực hiện các nghiệp thiện ác. Dầu trốn khổ bằng miếng ăn hay bằng việc đắc chứng các tầng thiền Vô Sắc cũng đều là cách giải quyết Khổ Đế bằng cách đầu tư vào Tập Đế; thay vì làm ngược lại là muốn lìa Khổ Đế phải bỏ Tập Đế.
Hành duyên Thức Từ ý muốn sai lầm trốn khổ tìm vui phàm phu mới có tâm thiện ác. Tâm thiện ác tạo ra các tâm tái tục. Bản thân thiện ác là Tập Đế gián tiếp hay trực tiếp. Còn các tâm tái tục là đương nhiên là Khổ Đế rồi. Ngay cả các cảnh giới mà chúng ta hướng đến cũng nằm trong 3 Khổ. Ở các cõi thấp thì cón có Khổ Khổ. Ở các cõi cao thì chỉ có Hoại Khồ và Hành Khổ.
Thức duyên Danh sắc Thức ở đây là các tâm tái tục (tâm đầu thai) dẫn sanh về các cõi có sắc hoặc không sắc, có tâm hoặc không tâm. Đến đấy thì chúng ta thấy không có ai đi đầu thai hết. Chỉ có tâm tái tục và Danh Sắc đầu đời mỗi kiếp sống. Ở cõi hữu sắc thì đầu kiếp sống có Sắc pháp. Ở cõi Vô Sắc thì trước sau chỉ có Danh pháp mà thôi. Gom chung các cõi thì dầu sanh ra ở đâu cũng chỉ là sự hiện hữu của Danh Sắc, không còn gì ngoài ra nữa.
Danh Sắc duyên Lục Nhập Ở cõi Ngũ uẩn thì đôi lúc có đủ Lục Nhập (các cõi Dục giới), có lúc chỉ có 3 Nhập (các cõi Phạm Thiên Sắc giới hữu tâm). Còn ở cõi Tứ Uẩn (4 cõi Vô Sắc) thì chỉ có 1 Nhập là ý Xứ.
Nghiệp 5 uẩn dẫn đến tâm tái tục 5 uẩn, tâm tái tục 5 uẩn dẫn đến sự có mặt của 6 Xứ ở cõi Ngũ Uẩn. Người không ham thích trong 5 trần sẽ không tạo nghiệp ái qua 5 Xứ đầu tiên (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân) vì vậy tâm tái tục của họ cũng không chứa chủng tử của 5 Căn vật chất và khi sanh ra kiếp sau ở cõi Phạm Thiên, thức tái tục của họ cũng không tạo đủ 6 Xứ.
Người thích cảnh sắc thì gieo nghiệp có Nhãn Xứ. Thính ái gieo nghiệp có Nhĩ Xứ. Khí ái gieo nghiệp có Tỷ Xứ. Tức là thích trong cảnh nào (Tập Đế) sẽ tạo ra các Xứ tương ứng (Khổ Đế). Nói chung, Tập Đế kiểu nào sẽ tạo ra Khổ Đế tương đương.
Lục Nhập duyên Xúc Được gọi là 6 Căn vì có 6 Cảnh và 6 Thức. Được gọi là 6 Thức vì có 6 Căn và 6 Cảnh. Được gọi là 6 Cảnh vì có 6 Căn và 6 Thức. Sự gặp gỡ của 3 thứ này gọi là Xúc. Có nghĩa là nếu bỏ đi 6 Xúc thì không còn gì để gọi là chúng sanh và thế giới.
Xúc duyên Thọ Không khi nào có chuyện Xúc có mặt mà lại không có Thọ. Bên cạnh nhãn Xúc chắc chắn là nhãn Thọ. Bên cạnh thân Xúc chắc chắn là thân Thọ. Bên cạnh ý Xúc chắc chắn là ý Thọ. Còn đó là Thọ gì thì tùy trường hợp. Cái quan trọng là Xúc đóng vai trò điều kiện bắt buộc cho Thọ và Thọ được sinh ra từ Xúc. Dầu ta có là ai, phàm hay thánh, và dầu đó là cảnh gì, cảnh Siêu thế hay Hiệp thế, thì bên cạnh Xúc bắt buộc phải là Thọ. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả chúng sinh.
Thọ duyên Ái Đây là vấn đề cốt lõi của cái gọi là dòng luân hồi hay sự khác biệt giữa phàm và thánh. Với một nội tâm không có tu tập thì sau Thọ thường là Ái. Nhãn Thọ gắn liền với sắc Ái, thân Thọ gắn liền với xúc Ái.
Ái duyên Thủ Nói trên chi pháp thì Ái và Thủ chỉ là một, có điều là lúc thì Tham hợp tà, khi thì Tham ly tà mà thôi. Và cường độ khắn khít, thiết tha của tham ái được gọi là Thủ. Nên ở đây ta có thể nói Ái duyên Thủ rồi Thủ duyên Hữu cũng được, mà nói Ái duyên Hữu cũng không sai.
Thủ duyên Hữu Duyên ở đây có nghĩa là tham ái hiển hiện qua tam nghiệp. Chính tam nghiệp mới là Nghiệp Hữu. Tam nghiệp ở đây là Tâm Sở Tư tác động thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ý nghiệp. Tính trên pháp chi thì Hành và Nghiệp Hữu giống nhau, nhưng khi nói đến nhân quá khứ thì ta gọi là Hành, khi nói đến nhân hiện tại thì ta gọi là Nghiệp Hữu. Đây là cách gọi tên để giải thích vấn đề.
Nghiệp Hữu duyên Sanh Từ Tâm Sở Tư trong Tam nghiệp nên mới có các tâm tái tục để làm nên một kiếp sống mới. Các Tâm Sở Tư trong Nghiệp Hữu là Tập Đế gián tiếp hay trực tiếp. Còn Tâm tái tục thì chắc chắn là Khổ Đế rồi.
Có nghĩa là khi hành giả biết 6 trần bằng tâm tham hay tâm thiện thì hành giả có thể quán chiếu rằng đây là Nghiệp Hữu, hoặc đây là Thọ duyên Ái, hoặc đây là Tập Đế hiện tại cho Khổ Đế tương lai.
Sanh duyên Lão, Tử Từ sự có mặt ở kiếp sống mới ta mới có các hệ lụy tiếp theo là già, chết, sầu, khổ. Không bao giờ có chuyện chỉ có sanh mà không có già và chết. Không có già theo cách Tục Đế thì cũng không có già theo cách Chân Đế.
Trên đây là phần trình bày sơ lược về giáo lý Duyên Khởi để làm nền tảng cho pháp môn Tâm Quán Niệm Xứ.

Trích Tâm & Thọ Quán Niệm Xứ (Mogok Sayadaw)
Kinh Nghiệm Tuệ Quán I
TK Giác Nguyên

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Dục thiền quán tưởng

 


Dục Thiền Quán Tưởng

Tu thiền và thần thông thì chỉ thuần túy là sống trong tưởng, mà tưởng này cao hơn là tưởng dục. Dục tưởng thì chỉ cho ta quẩn quanh trong thế giới năm dục. Đây là mùi thức ăn, là nghệ thuật của xứ nào, ví dụ vậy. Nhưng mà lên thiền định thì cao hơn thì người ta bỏ đi mấy cái này mà chỉ tập trung tưởng vào các đề mục thiền định thôi. Đó là tưởng của thiền đáo đại. Tiếp theo tưởng thứ ba là tưởng trong Vipassana. Lúc đầu hành giả chỉ có thể biết ta đang đi, nằm, ngồi, biết là mỏi đau nhức thì đều là những khái niệm tục đế nên chỉ biết bằng tưởng. Hoặc khi quan sát tử thi xương người, thể trược, cũng đều là biết bằng tưởng. Theo thời gian thì từ saññā chuyển sang paññā. Biết đây là khổ thọ, lạc thọ, danh pháp, sắc pháp.
Cho nên Ngài mới dạy thế này:
  • Tất cả các loại tâm, loại tưởng đều do duyên mà sanh diệt, là câu thứ nhất.
  • Câu thứ hai: Do tâm ta có tu hay không mà tâm ta có loại tâm gì, tưởng gì.
Bài kinh này rất quan trọng. Ban đầu mình chỉ sống bằng saññā thôi, rồi từ từ mình chuyển sang paññā. Saññā cũng không phải thấp, mà saññā có 2 loại. Dục tuởng thì thấp thiệt. Nhưng cái tưởng rūpasaññā trong thiền thì là cao. Nó lìa khỏi dục tưởng và hành giả chỉ sống trong đề mục. Cảnh đề mục samatha thì ta hoàn toàn dùng saññā, còn ở vipassana thì lúc đầu là saññā, sau đó là paññā, là trí. Nhưng chúng ta cũng đừng nghĩ là paññā đều là giống nhau. Người tu vipassana có tưởng khác với tưởng của người tu samatha, và tưởng này cũng khác với dục tưởng của người hưởng dục không có thiền. Dục tưởng là nhìn bức tranh này biết nó là trừu tượng, lập thể của Tây Ban Nha, Ý, trường phái gì đó. Còn cái thứ hai là thiền samatha cũng là tưởng, lúc nào cũng tập trung vào đề mục như là đất, đất,... nước, nước,... lửa, lửa,... cái này cũng là tưởng, mà tưởng này là tưởng để đắc thiền. Có cái này phải định nghĩa cho rõ ràng:
Thần thông chỉ là sự phát huy tối đa khả năng làm việc của tưởng.
Câu này đáng giá. Có một câu chuyện vua Milinda hỏi ngài Nagasena rằng: Trẫm chưa hiểu lắm về thần thông. Làm sao một khối thịt mấy chục ký lại có thể bay được? Ngài ấy hỏi vua: Từ bé đến giờ có bao giờ thân hình đại vương lơ lửng trên hư không? Nhà vua đáp rằng có. Là lúc nhà vua nhảy lên thì trong khoảnh khắc ấy khoảng một nháy mắt thì có lơ lửng trên hư không. Ngài ấy mới hỏi rằng: Đại vương không có thần thông mà đại vương có thể lơ lửng trên không như vậy là do đại vương muốn thì ngài có thể làm được như vậy trong một thời gian rất ngắn. Tại sao ngắn? Là vì tâm của đại vương là tâm của người hưởng dục, nó yếu, cho nên chỉ duy trì thời gian rất ngắn nên chỉ lơ lửng trên hư không trong tích tắc. Còn người tu thiền thì vì tâm vị ấy quá mạnh, khả năng định lực quá kiên cố nên vị ấy có thể kéo dài thời gian lơ lửng trên hư không. Chỉ vậy thôi!
Mọi người cứ nhìn diễn viên xiếc đi trên dây thì biết. Tâm của người diễn viên đi trên dây, tay cầm cây sào, tâm họ đặc biệt hơn mình. Họ phải bình tĩnh, đủ giữ thăng bằng không bị rớt. Còn mình nhiều lắm thì chỉ đủ giữ bình tĩnh một chút thôi nên mình giữ thăng bằng không lâu, do đó không đi trên dây được. Còn người diễn viên xiếc kéo dài thời gian bình tĩnh nên có thể kéo dài thời gian giữ thăng bằng để có thể kéo dài thời gian đi trên sợi dây. Tâm mình nó nhát quá, hèn quá nên đi dây không được. Thiền định, thần thông y chang như vậy. Đó chỉ là sự kéo dài thời gian của tưởng một cách hoàn hảo. Vì người hưởng dục tâm của họ nó phóng dật, bị năm triền (tham dục, sân, trạo hối, hoài nghi, hôn thụy) chi phối. Còn người có thiền họ không bị năm triền chi phối nên họ giữ tâm thăng bằng thời gian lâu hơn mình. Sức mạnh của người đắc ngũ thiền nó dễ sợ lắm. Người đắc cận định là có thể ngồi 5 tiếng, 8 tiếng không tiêu tiểu ăn uống, đói khát, nóng lạnh. Sơ thiền họ có thể nhập định mấy ngày không ăn uống. Riêng vị đắc tứ thiền (ngũ thiền) thì sức định tâm họ cỡ nào.
Chính đức Phật xác định rằng một lần đó Ngài nhập thiền ở chòi lá ngoài ruộng, trời mưa giông, sấm chớp đánh chết mấy con bò thêm hai người nông phu, sát chòi mà Ngài hoàn toàn không nghe và Ngài xác nhận rằng lúc đó Như Lai hoàn toàn tỉnh thức, không mê ngủ, không hôn mê bất tỉnh, xin xem kinh Đại Bát Niết Bàn - Trường Bộ Kinh. Lúc đó Ngài hoàn toàn tỉnh thức nhưng tâm Ngài tập trung vào một cảnh, ví dụ như hơi thở ra vào. Do quá gắn chặt vào cảnh cho nên hoàn toàn không biết chuyện khác.
Thêm 1 câu chuyện minh họa, 2 thầy trò đi ăn trộm, bị người ta phát giác nên chạy trốn. Anh học trò túng quá nhảy vào bụi tre gai trốn. Khi thấy yên rồi ông thầy mới quay lại tìm, thấy học trò mắc kẹt trong bụi tre không ra được. Thầy nói: Mày vô bụi tre bằng tâm nào thì ra bằng tâm đó. Rồi ông thầy la làng lên: Bớ người ta thằng ăn trộm!
Khi thầy la lên như vậy thì ông học trò ăn trộm làm cái "ót" ra ngoài luôn, không đau đớn gì hết, chỉ có trầy trụa chút đỉnh. Khi về trò trách sao thầy ác, thì thầy giải thích rằng phải làm như vậy thì trò mới thoát ra được.
Thiền cũng vậy, khi mình sống trong năm cảnh dục thì nó yếu đuối muội lược, như tâm con nít, tâm người khùng, người bệnh. Khi tu thiền thì mình bỏ hết mọi vướng víu của tham dục, sân độc, không còn thích ghét, buồn ngủ, vì mình đã đắc thiền rồi. Lúc đó mình chỉ tập trung cảnh đề mục. Đất là đất, nước là nước. Khi mình đắc thiền đề mục nước chẳng hạn, muốn độn thổ chỉ cần nghĩ "Nước!" thì mặt đất thành mặt nước, mình lặn xuống mất tiêu. Nếu muốn xuyên tường, vách, núi, chỉ cần niệm đề mục hư không. Thì lúc đó không còn cái gì ngăn ngại nữa hết. Còn muốn đi trên hư không, trên nước thì niệm đề mục đất. Niệm đề mục gió thì có thể di chuyển hoặc tạo ra giông tố. Niệm đề mục lửa thì có thể tạo ra khói, lửa, có thể đốt cái gì đó như ý của mình, không có gì ngăn cản.
Mà ở đây hoàn toàn là tưởng thôi quý vị. Cho nên tu thiền samatha là phát huy tận cùng khả năng của tưởng, vì hiện thần thông chỉ là phát huy tối đa khả năng của tưởng. Còn thiền vipassana là mình phát huy khả năng của tuệ, của trí. Ở đây bài kinh này giảng trở lại kinh Sa Môn Quả. Nội dung tu hành ở đây là kinh Sa Môn Quả. Do có tu hay không mà tâm mình là loại tâm nào.
Trích bài giảng Kinh Cha-Li-Da

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Cực lạc - Hạnh phúc (những hiểu lầm)

 


NHỮNG HIỂU LẦM VỀ ĐẠO PHẬT; CỰC LẠC - CỰC HẠNH PHÚC !

Đầu tiên, tôi đi vào từ gốc Pāḷi một chút. Chữ dukkha mà người ta dịch khổ là chưa tới, chưa sát, không nói hết nội hàm của nó. Tóm tắt, nó có 3 nghĩa chính. Một, tất cả những biến đổi về sinh vật lý cơ thể, đưa đến mệt mỏi, đau nhức, suy nhược, bệnh hoạn, già yếu, tử vong... là dukkha. Hai, những biến đổi, thay đổi các tâm trạng, tâm lý, như: Khổ lạc, thương ghét, buồn vui, uất ức, sầu muộn, chán nản, ước vọng, hy vọng, tuyệt vọng, hận thù... gì đó là dukkha. Ba, là cái gì khó chịu đựng, khó kham nhẫn, đáng khinh miệt, hư vô, trống rỗng, ảo ảnh, khó nắm bắt…là dukkha. Thế gian pháp này là cái gì rỗng không mình không nắm bắt được, không có cái gì mong muốn mà thành tựu được, cầu bất đắc, ái biệt ly, đủ thứ khổ…tất cả đó mới là dukkha.
Tuy nhiên có một số phật tử hoặc tu sĩ muốn tu hành để đạt cực lạc? Lạc đã là dukkha rồi, bây giờ lại còn muốn “cực lạc” lại càng “cực dukkha” hay sao? Nên phải hiểu cho đúng, khổ lạc là căn bản của phiền não, mà chúng ta đi tìm cực lạc thì có khác chi đi tìm phiền não. Chữ “Tây phương cực lạc” trong kinh A-Di-Đà bây giờ chúng ta cũng nên giải minh, giải nghĩa cho “thiết thực hiện tại” để đưa ta về với thế giới nội tâm, đó là “tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”; trở về cái tâm mình thanh tịnh ở đây và bây giờ, chứ không phải tìm cực lạc ở nơi xa xăm, huyền bí, nơi hư cấu của tôn giáo tín ngưỡng.
Quý vị ở đây, có nhiều người lớn tuổi rồi, có ai nghĩ rằng mình có hạnh phúc không, có ai không? Không có! Tôi hay ví von cái hạnh phúc tại thế này giống như việc chụp bắt một con bướm, thấy nó chập chờn trước mắt đẹp lắm nhưng ta bước tới thì nó bay mất. Hoặc là ta mong muốn có một ngôi nhà mới, sau thời gian làm ăn vất vả ta mua được căn nhà ưng ý. Ở được thời gian, nhìn đi nhìn lại thấy hình như vẫn thiếu thứ này, thứ kia... rồi lại khởi lên một mong muốn khác….tất cả có như ý được đâu! Hạnh phúc thế gian nó như vậy đó, lúc nào cũng chập chờn trước mắt, ta cứ đuổi theo chúng đến tận cùng mà vẫn chưa thấy thỏa mãn.
Vậy thì, nên dừng lại, nên tỉnh thức và xem lại chính mình, bấy lâu nay ta có chơi cái trò đuổi bắt với bóng ma hạnh phúc đó không! Phải chăng, hạnh phúc là cái gì khác hơn, cao thượng hơn? Đúng thế, hạnh phúc là không phải đuổi theo mục đích và ước mơ. Hạnh phúc là chấm dứt tất cả mọi ước mơ và trở về với thực tại, trở về với hơi thở đang hiện tồn trong từng giây khắc này, là sống như chơn như thực, đó mới là vấn đề cần giải quyết của chúng ta.
Sư Giác Nguyên giảng.
Tôi xin nguyện phước báu chia sẻ pháp này là nhân duyên đời đời kiếp kiếp hễ có Phật Pháp xuất hiện trên thế gian xin cho tôi được quỳ dưới chân Đức Thế Tôn xin quy y Ngài, quy y Pháp do Ngài thuyết giảng, quy y Thánh Chúng Tỷ Kheo đệ tử của Ngài và xin xuất gia Tỷ Kheo dưới sự chứng minh của Ngài.
Xin hồi hướng phước báu này tất cả chúng sanh sớm chấm dứt khổ đau trầm luân trong 3 giới 4 loài.

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Ba cái mất mát

 


BA CÁI MẤT MÁT

Ba cái mất mát (vipatti) là mất mát về Giới, mất mát về Tâm và mất mát về Tri kiến.
Mất mát về Giới đây là vi phạm các học giới của cư sĩ hoặc người xuất gia. Nhưng ở đây Ngài nói về cư sĩ thôi.
Mất mát về Tâm, có nghĩa là sống bằng tâm phiền não nó cũng là cái kiểu mất mát.
Thứ ba là sự mất mát về Tri kiến.
Nói bằng ngôn ngữ của mình tức là sự mất mát về đức hạnh, mất mát về Tâm, về quan điểm nhận thức. Từ đó đến giờ mình không biết Đạo thì chuyện mất mát của mình thường nó dừng lại ở những chuyện rất đời. Thí dụ mất mát về tiền bạc vật chất là một, mất mát về tiếng tăm uy tín là hai. Mất mát về sức khỏe nghĩa là bịnh hoạn này nọ là ba. Mất mát về tình cảm, thí dụ như sanh ly tử biệt, xa người thương, gần người ghét, là bốn. Đây là những mất mát người đời thường coi là lớn chuyện.
Nhưng đối với trong Phật pháp những mất mát đó đúng là làm tim mình chảy máu, tan nát nhưng không ghê gớm đẩy mình đi tới chỗ tối tăm của cuộc sanh tử bằng những mất mát mà trong Kinh này đức Phật Ngài dạy.
1. Thứ nhứt là mất mát về đức hạnh.
Dầu chúng ta có bị mất mát về tiền bạc, tình cảm, tiếng tăm gì đi nữa, nhưng nếu chúng ta có giới hạnh thì chúng ta có xuôi tay nhắm mắt cũng không đến nỗi tệ.
2. Thứ hai là mất mát về đời sống tâm lý.
Mình thường xuyên sống với các hạnh lành, sống với các đức tánh như từ bi, trí tuệ, chánh niệm, thiền định thì coi như OK. Còn nếu thường xuyên sống bằng tham, bằng sân, bằng si, thích cái này ghét cái kia, theo đuổi cái này trốn chạy cái nọ, tỵ hiềm ghen ghét, bủn xỉn, ích kỷ, nhỏ mọn, thì đời sống như vậy gọi là khiếm khuyết về tâm lý.
3. Thứ ba là sự mất mát về quan điểm nhận thức (trong đây gọi là tri kiến).
Có nghĩa là mình không thường trực sống trong chánh kiến về nhân quả nghiệp báo. Cái này quan trọng lắm. Nhiều và rất nhiều người chỉ là Phật tử trên nhãn hiệu thôi. Đi chùa, có một sư phụ trao cho cái Pháp danh, làm cho cái lễ quy y, nếu được thì đưa cho cái giới điệp (cái chứng chỉ đã thọ giới, đã quy y) thì đem về treo trong nhà cho nó sang. Chớ còn đi chùa mấy chục năm giáo lý căn bản không có học, cứ tưởng mình là Phật tử mình có chánh kiến. Tôi xin thưa đó là chiêm bao giữa ban ngày. Các vị không tin tôi xin chứng minh: các vị nghĩ rằng đã hiểu về nghiệp báo đúng không, xin thưa chưa chắc đâu! Bởi vì nếu các vị có một niềm tin, có một nhận thức, có một cái hiểu biết đàng hoàng về nghiệp báo thì các vị đã không sống theo cái kiểu mà xưa giờ các vị đã và đang sống. Tự mình hỏi lòng mình đi, nhe. Tôi không cần các vị phải cãi chày cãi cối ở đây, nhe!
Tôi xin nhắc lại, cái khiếm khuyết hay mất mát về tri kiến là có hai cái nhận thức sau đây chúng ta không được trang bị:
Một là nhận thức về nghiệp lý, về luật nhân quả. Chúng ta không chịu nhớ rằng trong từng phút trôi qua ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với những gì mình nói, làm và suy nghĩ. Không có một hành động, một suy nghĩ, một câu nói nào mà không để lại một hậu quả tốt hay là xấu. Chuyện đó không bao giờ có. Ở phàm phu, không có một hành động, một lời nói, một suy nghĩ nào không để lại hậu quả tốt hoặc là xấu, mà đa phần là xấu. Mình học mình nói mình biết, nói ra thì ai cũng nói biết hết trơn. Nhưng cái biết của mình là cái biết của đứa con nít. Nghe người ta nói bắt chước nói theo chứ còn sống trong nhận thức luật nhân quả thì chưa. Bằng chứng là nếu các vị thường trực sống trong nhận thức về luật nhân quả thì rõ ràng mình không có kiểu sống như mình đã và đang đâu quí vị. Nhớ cái này nhe, quan trọng lắm!
Thứ hai là trí tuệ về tam tướng. Khi mình có trí tuệ về luật nhân quả thì tự nhiên đương nhiên bước thứ hai phải là trí tuệ về tam tướng. Là sao? Nhân nào thì quả nấy. Nếu có chuyện nhân nào quả nấy thì nó đẩy tới cái luật thứ hai là không có cái gì còn hoài không mất. (luật 1 dẫn tới luật 2). Chính vì nhân nào quả nấy nên chúng ta có lúc thiện lúc ác. Thiện thì tạo ra hỷ lạc, là sự sung sướng về thân về tâm. Còn ác thì tạo ra khổ ưu, là sự đau khổ về thân về tâm. Nếu có luật nhân nào quả nấy thì dẫn tới luật hai là chúng ta lúc vầy lúc khác, lúc thiện lúc ác, lúc buồn lúc vui. Hành giả tu tập Tứ niệm xứ luôn luôn nhớ như vậy: “Ta luôn luôn sống trong dòng chi phối của nhân quả”. Bởi vậy nói về tri kiến nhiều người không tin. Họ không tin có đời này kiếp sau, có nhân thiện nhân ác. Hôm qua tôi có giải thích, tà kiến là không tin có đời này có đời sau, không tin có mẹ, không tin có cha, không tin có hạng hóa sanh, có thánh nhân ở đời.
- Thế nào là không tin có bố thí, có sự cúng tế?
- Chính vì chúng ta không biết nghiệp báo, không biết nghiệp lý nên ta không nghĩ rằng chuyện mình giúp đỡ ai đó nó đem đến quả phúc cho đời sau. Khi mình không tin chuyện này thì một là mình làm biếng, mình sống không trách nhiệm với tha nhân. Nhiều khi mình không nhiều lòng vị tha lắm nhưng ít ra còn nghĩ đến đời sau kiếp khác mình còn gieo trồng cõi phúc. Còn đằng này không tin có kiếp sau kiếp trước, không tin chuyện bố thí đem lại quả báo, không tin chuyện cúng bái.
Mình là Phật tử, không mê tín dị đoan, tuy nhiên mình cũng không nên nhắm mắt nhắm mũi bài bác, bài xích, phủ nhận chuyện cúng bái. Bởi vì đúng là những loài chúng sinh thiên thần ác quỷ gì đó không ăn được đồ mình cúng, nhưng mình biết nghĩ tới họ, như Khổng Tử nói tới quỷ thần thì “Kính nhi viễn chi”. Có nghĩa là ta có thể không thích, không sợ, có thể cúng hay không cúng nhưng lòng cũng phải biết nghĩ tới họ.
Mình không tin ông Tà ông Táo như kiểu coi họ là người ban phúc tha tội cái gì cũng cầu đảo khấn vái, nhưng mình cũng không nên phủ nhận sự hiện hữu của họ trong trời đất này. “Nhứt phá sơn lâm nhì đâm Hà Bá”, phá Sơn lâm là phá rừng đốn cây, sống theo sông rạch đào mương đào ao phạm vào long mạch, vào chỗ ở của vị này vị kia, hai nghề đó rất là tổn đức.
Tôi nhắc lại, mình không tin chuyện mê tín dị đoan tà ma quỷ mỵ nhưng mình không nên phủ nhận sự tồn tại hiện hữu, sự có mặt của những loài khuất mặt khuất mày, những loài vô hình siêu hình chung quanh mình đầy dẫy ra đó.
Cho nên cái tà kiến đầu tiên là không để ý, không lưu tâm không tin vào quả báo đời sống chia sẻ, không tin vào sự tồn tại của quỷ thần, không tin vào các nghiệp thiện ác. Cứ cho rằng thích thì làm, chết rồi là hết, bày đặt thiện ác làm gì cho rối! Còn “không tin có đời này không tin có đời sau” là phải hiểu theo một loạt, không thể tách riêng từng cái mà hiểu:
- “Không tin đời này” có nghĩa là không tin những gì đang diễn ra đời này là do đời trước mà có.
- “Không tin đời sau” có nghĩa là không tin rằng những gì mình đang tạo ra bây giờ nó sẽ để lại di chứng cho kiếp lai sinh. Các vị có nghe kịp không? Từ chỗ này về sau đoạn Kinh này lập đi lập lại rất nhiều lần.
- Rồi “không tin bố thí” tức là không tin những cái đời sống vị tha đem lại quả lành.
- “Không tin có lễ hiến sinh (hy sinh)” tức là không tin chuyện cúng tế, tức là phủ nhận sự có mặt các loài tà, mỵ, quỷ thần. Mình không tin họ một cách cuồng tín nhưng mình cũng không nên phủ nhận chuyện ăn ở biết điều đối với họ.
- Cái tà kiến tiếp theo là không tin vào chuyện thiện ác. Còn “không tin đời này không tin đời sau” có nghĩa rằng không tin những gì ở đời này là quả của đời trước. Không tin rằng đời sống thiện ác đời này là nhân cho đời sau. “Dục tri tiền thế nhân. Kim thân thọ giả thị. Dục tri lai thế quả. Kim thân tác giả thị” (Muốn biết đời trước ta ra sao. Nhìn đời này ta đang thế nào. Muốn biết kiếp sau ta thế nào. Nhìn bây giờ ta đang sống ra sao). Đằng này họ không tin bài đó nên mới có chuyện không tin đời này đời sau.
- Còn “không tin có mẹ có cha”, theo Chú giải có nghĩa là mình không hề biết rằng cha mẹ mình cũng là do nhân thiện ác (của họ) đời trước mà có mặt ở đây. Còn những người đoạn kiến, duy vật vô thần họ nghĩ cha mẹ họ là chỉ một lần duy nhứt có mặt ở đời này và sanh ra mình. Rồi mình cũng chỉ có một lần duy nhứt có mặt ở đời này, chết rồi là hết; mình không từ đâu tái sanh lại và cũng sẽ không đi về đâu hết mà chỉ sống một lần này thôi.
Các vị nghe kỹ chỗ này nghe, tôi nhắc lại. “Không cha không mẹ” đây có nghĩa là mình không biết rằng cha mẹ mình cũng từ vô lượng kiếp sanh tử mà tới đây. Rồi sau kiếp này họ cũng tiếp tục lăn trôi vô số kiếp nữa. Mình cũng vậy, mình cũng từ vô số kiếp mà tới đây. Mình cũng từ vô số kiếp làm cha làm mẹ của ai đó. Từ vô số kiếp về trước mình từng là con là cháu là em là út của ai đó. Và hết kiếp này nếu không chứng quả La hán thì mình tiếp tục làm cha làm mẹ, làm con làm cái của người khác nữa. Đó là chánh kiến. Còn đằng này mình không tin điều đó, tưởng cha mẹ mình chỉ một lần xuất hiện ở đây rồi là xong. Hoặc là mình cũng vậy, mình cũng chỉ một lần xuất hiện ở đây là xong. Thì cái tà kiến này được gọi là “không tin mẹ không tin cha”.
Tà kiến tiếp theo là “không tin các loài hóa sanh”, có nghĩa mình luôn luôn nghĩ rằng mọi thứ ở đời luôn có mặt trong điều kiện sinh học, chớ không thể nào có tình trạng đột hiện đột biến, đùng một cái xuất hiện. Mình không tin vậy nhưng chuyện đó là có, nhe! Bởi vì các nhà khoa học giờ đang rối đầu họ không biết nguồn gốc con người ở đâu mà ra. Trước đây có một thời người ta tin vào chuyện chúa Trời, tin vào cọng xương sườn số 7 của A Đam- Eva. Tin vào cuộc tình A Đam Eva trong vườn địa đàng. Sau đó họ tin vào thuyết Tiến hóa của Charles Darwin. Đến bây giờ họ thấy cả hai thuyết đó không xài được. Vậy thì con người từ đâu mà ra? Đây là một dấu hỏi cực lớn cho đến bây giờ các nhà khoa học vẫn đang ôm đầu ngửa mặt nhìn trời mà khóc, chớ cũng không trả lời được. Vì họ không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng những con người đầu tiên trên trái đất này không hề nhờ cậy đến một điều kiện sinh học nào hết để có mặt, mà họ tự nhiên có mặt theo cái trong Kinh gọi là phép Hóa sinh. Có nghĩa là từ cõi Phạm thiên, họ chết rồi có mặt ở đây. Có nghĩa là tổ tiên đầu tiên của con người là hóa sinh. Chính vì khoa học không biết được chuyện này nên họ bối rối. Họ truy tìm nguồn gốc con người theo kiểu cái trứng có trước hay con gà có trước. Đó là cái kiểu mệt mỏi, chính vì họ không tin trường hợp tự nhiên xuất hiện. Họ cứ bị ám ảnh bởi điều kiện sinh học. Họ nghĩ phải có các điều kiện sinh học thì mới có sự có mặt của các loài động vật lớn bé trên đời này. Đây là một điểm độc đáo của đạo Phật.
Tiếp theo, “không tin vào các bậc hiền thánh ở đời”, có nghĩa là mình đầu đầy rác nên không hiểu rằng trên đời có những người mà họ không thích cái gì cũng không ghét cái gì, ai họ cũng thương, cái gì họ cũng buông bỏ. Và sau đời sống này họ không còn tái sanh nữa. Những người đó có khả năng truyền dạy con đường giải thoát cho kẻ khác. Khi mình không tin trên đời này có sự tồn tại những người như vậy, đó cũng là một thứ tà kiến. Không tin vào những vị sa môn, Bà la môn chánh hướng chánh đẳng tự mình có thắng trí giác ngộ tự mình truyền dạy cho đời này đời sau. Có nghĩa là không tin sự hiện hữu, tồn tại của các bậc hiền thánh ba đời mười phương. Đây cũng là một thứ tà kiến.
Như vậy mình thấy đức Phật Ngài dạy trên đời này có nhiều thứ mất mát lắm. Mất mát về tiền bạc, tình cảm, tiếng tăm, danh vọng, quyền lực. Rồi mất mát về đạo hạnh, quan điểm nhận thức, về đời sống tâm linh. Ngài dạy trong tất cả những mất mát ấy có ba cái mất mát quan trọng nhứt. Đó chính là sự mất mát hay khiếm khuyết về đức hạnh, về đời sống tâm linh, về quan điểm nhận thức.
Tôi không chê bản dịch của các tiền bối, nhưng theo tôi nếu cần thì ta nên dùng ba chữ mới cho hợp với ngày nay. Ba cái khiếm khuyết đây:
* Một là khiếm khuyết về đức hạnh.
* Hai là về đời sống tâm linh (tâm lý).
* Ba là về quan điểm nhận thức.
Trích bài giảng KTC - 68
*** Sư Toại Khanh ***
buithibuukim ghi chép

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Xử lý cơn đau khi ngồi thiền

 


VẤN ĐÁP VỀ XỬ LÝ CƠN ĐAU KHI NGỒI THIỀN

Vấn: Cứ ngồi lâu mà không chuyển đổi tư thế thì thường nghe một cảm giác nặng nề lắm, như đau nhức tê mỏi hay cái gì đó tương tự. Xin hỏi nếu cứ tiếp tục như vậy thì những cảm giác đó mất đi hay không, trong khoảng thời gian bao lâu ?
Đáp: Chuyện này còn tùy ở mỗi người. Kẻ lâu người mau. Điều quan trọng là ta hãy cố giữ Chánh Niệm và kham nhẫn, đừng để ý rồi mong đợi cái này biến mất, cái kia xuất hiện.
Chúng ta phải biết rằng không một cảm giác nào là không vô thường. Sự ghi nhớ này rất quan trọng.
Vấn: Nghĩa là thấy chân tê thì cứ để mặc nó bị tê hay sao ạ ?
Đáp: Đúng vậy. Cho đến bao giờ khả năng Chánh Niệm và kham nhẫn của anh còn có thể chịu đựng được thì anh vẫn phải tiếp tục.
Chuyện này có thể khó khăn đấy, thậm chí phải qua một thời gian dài, nhưng anh phải ráng. Vì đó là điều cần thiết. Còn nếu không thể chịu nổi thì anh vẫn phải tiếp tục Chánh Niệm trong lúc thay đổi oai nghi.
Vấn: Xin hỏi trong trường hợp với một người mà khả năng chịu đựng quá kém thì phải làm sao ạ ?
Đáp: Ồ, như tôi vùa nói đấy, đó là một chọn lựa bất đắc dĩ. Vì Niệm và Nhẫn của anh quá yếu nên anh phải thua cuộc trước những cảm xúc vớ vẩn của thân xác.
Tôi bày anh một kinh nghiệm:
Để chịu đựng cơn đau, anh nên thở nhanh và ngắn một chút. Nhưng điều cốt lõi mà anh phải nhớ là không một công phu nào mà không cần đến những nổ lực .
Cứ trốn tránh cái khó rồi tìm đường dễ để di thì làm sao anh có thể có một nếp hành trì rốt ráo và một hành giả như vậy cứ phải thường xuyên sống trong sự bất mãn. Vì trong cả hai ý tưởng trốn khổ tìm vui anh khó mà toại nguyện được.
Trốn khổ chắc gì tránh được khổ, tìm vui chắc gì có được vui.
Vấn: Xin hỏi lại lần nữa. Rõ ràng là chỉ với một cái duỗi chân thật đơn giản thì ta đã lập tức được thoải mái để tiếp tục tu tập, nhưng tại sao hầu hết các thiền sư, kể cả ngài, lại khuyên nên ngồi chịu đựng ?
Đáp:
Cối lõi của Tuệ Quán là nhìn thẳng vào gương mặt thật của Danh Sắc, mà ở đây là những cảm giác khó chịu. Khi ta cứ tìm cách chạy trốn chúng thì làm sao có thể thấy được chúng là gì. Việc thay đổi tư thế đúng là giúp anh giàn xếp được những cảm giác khỏ chịu nhưng cách giàn xếp đó không hay bằng việc ta nhìn thẳng vào chúng và để chúng tự biến mất theo luật vô thường.
Cái này mới đúng là giải thoát, là con đường mà ta chưa từng đi qua để chứng được điều ta chưa từng chứng.
Còn cách giải quyết theo kiểu chạy trốn hay tránh mặt thì quá tầm thường rồi. Anh cũng biết là trốn không được mà vẫn ráng làm là Vô Minh, làm không được thì sẽ dẫn đến bất mãn, đó lại cũng là phiền não.
Như vậy cách tốt nhất vẫn là ráng nhìn thẳng vào chúng và tôi đảm bảo với anh sớm hay muộn gì cũng vô thường.
Vấn: Xin nói rõ hơn về Chánh Niệm, có phải đó là sự suy tư hay truy tầm vấn đề, chẳng hạn như coi những cảm giác kia từ đâu đến ?
Đáp:
Chắc chắn là không phải vậy. Chánh Niệm chỉ đơn giản là sự nhận biết một cách tỉnh táo cái gì đang xảy ra, ở đây anh không cần đến bất cứ một khái niệm hay suy tư nào hết.
Sunlun Sayadaw (1878-1952)
Trích sách: Kinh Nghiệm Tuệ Quán Qua Các Dòng Thiền Miến Điện Quyển 1, trang 355-357.
Dịch giả: Sư Giác Nguyên