Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Ba cái mất mát

 


BA CÁI MẤT MÁT

Ba cái mất mát (vipatti) là mất mát về Giới, mất mát về Tâm và mất mát về Tri kiến.
Mất mát về Giới đây là vi phạm các học giới của cư sĩ hoặc người xuất gia. Nhưng ở đây Ngài nói về cư sĩ thôi.
Mất mát về Tâm, có nghĩa là sống bằng tâm phiền não nó cũng là cái kiểu mất mát.
Thứ ba là sự mất mát về Tri kiến.
Nói bằng ngôn ngữ của mình tức là sự mất mát về đức hạnh, mất mát về Tâm, về quan điểm nhận thức. Từ đó đến giờ mình không biết Đạo thì chuyện mất mát của mình thường nó dừng lại ở những chuyện rất đời. Thí dụ mất mát về tiền bạc vật chất là một, mất mát về tiếng tăm uy tín là hai. Mất mát về sức khỏe nghĩa là bịnh hoạn này nọ là ba. Mất mát về tình cảm, thí dụ như sanh ly tử biệt, xa người thương, gần người ghét, là bốn. Đây là những mất mát người đời thường coi là lớn chuyện.
Nhưng đối với trong Phật pháp những mất mát đó đúng là làm tim mình chảy máu, tan nát nhưng không ghê gớm đẩy mình đi tới chỗ tối tăm của cuộc sanh tử bằng những mất mát mà trong Kinh này đức Phật Ngài dạy.
1. Thứ nhứt là mất mát về đức hạnh.
Dầu chúng ta có bị mất mát về tiền bạc, tình cảm, tiếng tăm gì đi nữa, nhưng nếu chúng ta có giới hạnh thì chúng ta có xuôi tay nhắm mắt cũng không đến nỗi tệ.
2. Thứ hai là mất mát về đời sống tâm lý.
Mình thường xuyên sống với các hạnh lành, sống với các đức tánh như từ bi, trí tuệ, chánh niệm, thiền định thì coi như OK. Còn nếu thường xuyên sống bằng tham, bằng sân, bằng si, thích cái này ghét cái kia, theo đuổi cái này trốn chạy cái nọ, tỵ hiềm ghen ghét, bủn xỉn, ích kỷ, nhỏ mọn, thì đời sống như vậy gọi là khiếm khuyết về tâm lý.
3. Thứ ba là sự mất mát về quan điểm nhận thức (trong đây gọi là tri kiến).
Có nghĩa là mình không thường trực sống trong chánh kiến về nhân quả nghiệp báo. Cái này quan trọng lắm. Nhiều và rất nhiều người chỉ là Phật tử trên nhãn hiệu thôi. Đi chùa, có một sư phụ trao cho cái Pháp danh, làm cho cái lễ quy y, nếu được thì đưa cho cái giới điệp (cái chứng chỉ đã thọ giới, đã quy y) thì đem về treo trong nhà cho nó sang. Chớ còn đi chùa mấy chục năm giáo lý căn bản không có học, cứ tưởng mình là Phật tử mình có chánh kiến. Tôi xin thưa đó là chiêm bao giữa ban ngày. Các vị không tin tôi xin chứng minh: các vị nghĩ rằng đã hiểu về nghiệp báo đúng không, xin thưa chưa chắc đâu! Bởi vì nếu các vị có một niềm tin, có một nhận thức, có một cái hiểu biết đàng hoàng về nghiệp báo thì các vị đã không sống theo cái kiểu mà xưa giờ các vị đã và đang sống. Tự mình hỏi lòng mình đi, nhe. Tôi không cần các vị phải cãi chày cãi cối ở đây, nhe!
Tôi xin nhắc lại, cái khiếm khuyết hay mất mát về tri kiến là có hai cái nhận thức sau đây chúng ta không được trang bị:
Một là nhận thức về nghiệp lý, về luật nhân quả. Chúng ta không chịu nhớ rằng trong từng phút trôi qua ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với những gì mình nói, làm và suy nghĩ. Không có một hành động, một suy nghĩ, một câu nói nào mà không để lại một hậu quả tốt hay là xấu. Chuyện đó không bao giờ có. Ở phàm phu, không có một hành động, một lời nói, một suy nghĩ nào không để lại hậu quả tốt hoặc là xấu, mà đa phần là xấu. Mình học mình nói mình biết, nói ra thì ai cũng nói biết hết trơn. Nhưng cái biết của mình là cái biết của đứa con nít. Nghe người ta nói bắt chước nói theo chứ còn sống trong nhận thức luật nhân quả thì chưa. Bằng chứng là nếu các vị thường trực sống trong nhận thức về luật nhân quả thì rõ ràng mình không có kiểu sống như mình đã và đang đâu quí vị. Nhớ cái này nhe, quan trọng lắm!
Thứ hai là trí tuệ về tam tướng. Khi mình có trí tuệ về luật nhân quả thì tự nhiên đương nhiên bước thứ hai phải là trí tuệ về tam tướng. Là sao? Nhân nào thì quả nấy. Nếu có chuyện nhân nào quả nấy thì nó đẩy tới cái luật thứ hai là không có cái gì còn hoài không mất. (luật 1 dẫn tới luật 2). Chính vì nhân nào quả nấy nên chúng ta có lúc thiện lúc ác. Thiện thì tạo ra hỷ lạc, là sự sung sướng về thân về tâm. Còn ác thì tạo ra khổ ưu, là sự đau khổ về thân về tâm. Nếu có luật nhân nào quả nấy thì dẫn tới luật hai là chúng ta lúc vầy lúc khác, lúc thiện lúc ác, lúc buồn lúc vui. Hành giả tu tập Tứ niệm xứ luôn luôn nhớ như vậy: “Ta luôn luôn sống trong dòng chi phối của nhân quả”. Bởi vậy nói về tri kiến nhiều người không tin. Họ không tin có đời này kiếp sau, có nhân thiện nhân ác. Hôm qua tôi có giải thích, tà kiến là không tin có đời này có đời sau, không tin có mẹ, không tin có cha, không tin có hạng hóa sanh, có thánh nhân ở đời.
- Thế nào là không tin có bố thí, có sự cúng tế?
- Chính vì chúng ta không biết nghiệp báo, không biết nghiệp lý nên ta không nghĩ rằng chuyện mình giúp đỡ ai đó nó đem đến quả phúc cho đời sau. Khi mình không tin chuyện này thì một là mình làm biếng, mình sống không trách nhiệm với tha nhân. Nhiều khi mình không nhiều lòng vị tha lắm nhưng ít ra còn nghĩ đến đời sau kiếp khác mình còn gieo trồng cõi phúc. Còn đằng này không tin có kiếp sau kiếp trước, không tin chuyện bố thí đem lại quả báo, không tin chuyện cúng bái.
Mình là Phật tử, không mê tín dị đoan, tuy nhiên mình cũng không nên nhắm mắt nhắm mũi bài bác, bài xích, phủ nhận chuyện cúng bái. Bởi vì đúng là những loài chúng sinh thiên thần ác quỷ gì đó không ăn được đồ mình cúng, nhưng mình biết nghĩ tới họ, như Khổng Tử nói tới quỷ thần thì “Kính nhi viễn chi”. Có nghĩa là ta có thể không thích, không sợ, có thể cúng hay không cúng nhưng lòng cũng phải biết nghĩ tới họ.
Mình không tin ông Tà ông Táo như kiểu coi họ là người ban phúc tha tội cái gì cũng cầu đảo khấn vái, nhưng mình cũng không nên phủ nhận sự hiện hữu của họ trong trời đất này. “Nhứt phá sơn lâm nhì đâm Hà Bá”, phá Sơn lâm là phá rừng đốn cây, sống theo sông rạch đào mương đào ao phạm vào long mạch, vào chỗ ở của vị này vị kia, hai nghề đó rất là tổn đức.
Tôi nhắc lại, mình không tin chuyện mê tín dị đoan tà ma quỷ mỵ nhưng mình không nên phủ nhận sự tồn tại hiện hữu, sự có mặt của những loài khuất mặt khuất mày, những loài vô hình siêu hình chung quanh mình đầy dẫy ra đó.
Cho nên cái tà kiến đầu tiên là không để ý, không lưu tâm không tin vào quả báo đời sống chia sẻ, không tin vào sự tồn tại của quỷ thần, không tin vào các nghiệp thiện ác. Cứ cho rằng thích thì làm, chết rồi là hết, bày đặt thiện ác làm gì cho rối! Còn “không tin có đời này không tin có đời sau” là phải hiểu theo một loạt, không thể tách riêng từng cái mà hiểu:
- “Không tin đời này” có nghĩa là không tin những gì đang diễn ra đời này là do đời trước mà có.
- “Không tin đời sau” có nghĩa là không tin rằng những gì mình đang tạo ra bây giờ nó sẽ để lại di chứng cho kiếp lai sinh. Các vị có nghe kịp không? Từ chỗ này về sau đoạn Kinh này lập đi lập lại rất nhiều lần.
- Rồi “không tin bố thí” tức là không tin những cái đời sống vị tha đem lại quả lành.
- “Không tin có lễ hiến sinh (hy sinh)” tức là không tin chuyện cúng tế, tức là phủ nhận sự có mặt các loài tà, mỵ, quỷ thần. Mình không tin họ một cách cuồng tín nhưng mình cũng không nên phủ nhận chuyện ăn ở biết điều đối với họ.
- Cái tà kiến tiếp theo là không tin vào chuyện thiện ác. Còn “không tin đời này không tin đời sau” có nghĩa rằng không tin những gì ở đời này là quả của đời trước. Không tin rằng đời sống thiện ác đời này là nhân cho đời sau. “Dục tri tiền thế nhân. Kim thân thọ giả thị. Dục tri lai thế quả. Kim thân tác giả thị” (Muốn biết đời trước ta ra sao. Nhìn đời này ta đang thế nào. Muốn biết kiếp sau ta thế nào. Nhìn bây giờ ta đang sống ra sao). Đằng này họ không tin bài đó nên mới có chuyện không tin đời này đời sau.
- Còn “không tin có mẹ có cha”, theo Chú giải có nghĩa là mình không hề biết rằng cha mẹ mình cũng là do nhân thiện ác (của họ) đời trước mà có mặt ở đây. Còn những người đoạn kiến, duy vật vô thần họ nghĩ cha mẹ họ là chỉ một lần duy nhứt có mặt ở đời này và sanh ra mình. Rồi mình cũng chỉ có một lần duy nhứt có mặt ở đời này, chết rồi là hết; mình không từ đâu tái sanh lại và cũng sẽ không đi về đâu hết mà chỉ sống một lần này thôi.
Các vị nghe kỹ chỗ này nghe, tôi nhắc lại. “Không cha không mẹ” đây có nghĩa là mình không biết rằng cha mẹ mình cũng từ vô lượng kiếp sanh tử mà tới đây. Rồi sau kiếp này họ cũng tiếp tục lăn trôi vô số kiếp nữa. Mình cũng vậy, mình cũng từ vô số kiếp mà tới đây. Mình cũng từ vô số kiếp làm cha làm mẹ của ai đó. Từ vô số kiếp về trước mình từng là con là cháu là em là út của ai đó. Và hết kiếp này nếu không chứng quả La hán thì mình tiếp tục làm cha làm mẹ, làm con làm cái của người khác nữa. Đó là chánh kiến. Còn đằng này mình không tin điều đó, tưởng cha mẹ mình chỉ một lần xuất hiện ở đây rồi là xong. Hoặc là mình cũng vậy, mình cũng chỉ một lần xuất hiện ở đây là xong. Thì cái tà kiến này được gọi là “không tin mẹ không tin cha”.
Tà kiến tiếp theo là “không tin các loài hóa sanh”, có nghĩa mình luôn luôn nghĩ rằng mọi thứ ở đời luôn có mặt trong điều kiện sinh học, chớ không thể nào có tình trạng đột hiện đột biến, đùng một cái xuất hiện. Mình không tin vậy nhưng chuyện đó là có, nhe! Bởi vì các nhà khoa học giờ đang rối đầu họ không biết nguồn gốc con người ở đâu mà ra. Trước đây có một thời người ta tin vào chuyện chúa Trời, tin vào cọng xương sườn số 7 của A Đam- Eva. Tin vào cuộc tình A Đam Eva trong vườn địa đàng. Sau đó họ tin vào thuyết Tiến hóa của Charles Darwin. Đến bây giờ họ thấy cả hai thuyết đó không xài được. Vậy thì con người từ đâu mà ra? Đây là một dấu hỏi cực lớn cho đến bây giờ các nhà khoa học vẫn đang ôm đầu ngửa mặt nhìn trời mà khóc, chớ cũng không trả lời được. Vì họ không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng những con người đầu tiên trên trái đất này không hề nhờ cậy đến một điều kiện sinh học nào hết để có mặt, mà họ tự nhiên có mặt theo cái trong Kinh gọi là phép Hóa sinh. Có nghĩa là từ cõi Phạm thiên, họ chết rồi có mặt ở đây. Có nghĩa là tổ tiên đầu tiên của con người là hóa sinh. Chính vì khoa học không biết được chuyện này nên họ bối rối. Họ truy tìm nguồn gốc con người theo kiểu cái trứng có trước hay con gà có trước. Đó là cái kiểu mệt mỏi, chính vì họ không tin trường hợp tự nhiên xuất hiện. Họ cứ bị ám ảnh bởi điều kiện sinh học. Họ nghĩ phải có các điều kiện sinh học thì mới có sự có mặt của các loài động vật lớn bé trên đời này. Đây là một điểm độc đáo của đạo Phật.
Tiếp theo, “không tin vào các bậc hiền thánh ở đời”, có nghĩa là mình đầu đầy rác nên không hiểu rằng trên đời có những người mà họ không thích cái gì cũng không ghét cái gì, ai họ cũng thương, cái gì họ cũng buông bỏ. Và sau đời sống này họ không còn tái sanh nữa. Những người đó có khả năng truyền dạy con đường giải thoát cho kẻ khác. Khi mình không tin trên đời này có sự tồn tại những người như vậy, đó cũng là một thứ tà kiến. Không tin vào những vị sa môn, Bà la môn chánh hướng chánh đẳng tự mình có thắng trí giác ngộ tự mình truyền dạy cho đời này đời sau. Có nghĩa là không tin sự hiện hữu, tồn tại của các bậc hiền thánh ba đời mười phương. Đây cũng là một thứ tà kiến.
Như vậy mình thấy đức Phật Ngài dạy trên đời này có nhiều thứ mất mát lắm. Mất mát về tiền bạc, tình cảm, tiếng tăm, danh vọng, quyền lực. Rồi mất mát về đạo hạnh, quan điểm nhận thức, về đời sống tâm linh. Ngài dạy trong tất cả những mất mát ấy có ba cái mất mát quan trọng nhứt. Đó chính là sự mất mát hay khiếm khuyết về đức hạnh, về đời sống tâm linh, về quan điểm nhận thức.
Tôi không chê bản dịch của các tiền bối, nhưng theo tôi nếu cần thì ta nên dùng ba chữ mới cho hợp với ngày nay. Ba cái khiếm khuyết đây:
* Một là khiếm khuyết về đức hạnh.
* Hai là về đời sống tâm linh (tâm lý).
* Ba là về quan điểm nhận thức.
Trích bài giảng KTC - 68
*** Sư Toại Khanh ***
buithibuukim ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét