Dục Thiền Quán Tưởng
Tu thiền và thần thông thì chỉ thuần túy là sống trong tưởng, mà tưởng này cao hơn là tưởng dục. Dục tưởng thì chỉ cho ta quẩn quanh trong thế giới năm dục. Đây là mùi thức ăn, là nghệ thuật của xứ nào, ví dụ vậy. Nhưng mà lên thiền định thì cao hơn thì người ta bỏ đi mấy cái này mà chỉ tập trung tưởng vào các đề mục thiền định thôi. Đó là tưởng của thiền đáo đại. Tiếp theo tưởng thứ ba là tưởng trong Vipassana. Lúc đầu hành giả chỉ có thể biết ta đang đi, nằm, ngồi, biết là mỏi đau nhức thì đều là những khái niệm tục đế nên chỉ biết bằng tưởng. Hoặc khi quan sát tử thi xương người, thể trược, cũng đều là biết bằng tưởng. Theo thời gian thì từ saññā chuyển sang paññā. Biết đây là khổ thọ, lạc thọ, danh pháp, sắc pháp.
Cho nên Ngài mới dạy thế này:
- Tất cả các loại tâm, loại tưởng đều do duyên mà sanh diệt, là câu thứ nhất.
- Câu thứ hai: Do tâm ta có tu hay không mà tâm ta có loại tâm gì, tưởng gì.
Bài kinh này rất quan trọng. Ban đầu mình chỉ sống bằng saññā thôi, rồi từ từ mình chuyển sang paññā. Saññā cũng không phải thấp, mà saññā có 2 loại. Dục tuởng thì thấp thiệt. Nhưng cái tưởng rūpasaññā trong thiền thì là cao. Nó lìa khỏi dục tưởng và hành giả chỉ sống trong đề mục. Cảnh đề mục samatha thì ta hoàn toàn dùng saññā, còn ở vipassana thì lúc đầu là saññā, sau đó là paññā, là trí. Nhưng chúng ta cũng đừng nghĩ là paññā đều là giống nhau. Người tu vipassana có tưởng khác với tưởng của người tu samatha, và tưởng này cũng khác với dục tưởng của người hưởng dục không có thiền. Dục tưởng là nhìn bức tranh này biết nó là trừu tượng, lập thể của Tây Ban Nha, Ý, trường phái gì đó. Còn cái thứ hai là thiền samatha cũng là tưởng, lúc nào cũng tập trung vào đề mục như là đất, đất,... nước, nước,... lửa, lửa,... cái này cũng là tưởng, mà tưởng này là tưởng để đắc thiền. Có cái này phải định nghĩa cho rõ ràng:
Thần thông chỉ là sự phát huy tối đa khả năng làm việc của tưởng.
Câu này đáng giá. Có một câu chuyện vua Milinda hỏi ngài Nagasena rằng: Trẫm chưa hiểu lắm về thần thông. Làm sao một khối thịt mấy chục ký lại có thể bay được? Ngài ấy hỏi vua: Từ bé đến giờ có bao giờ thân hình đại vương lơ lửng trên hư không? Nhà vua đáp rằng có. Là lúc nhà vua nhảy lên thì trong khoảnh khắc ấy khoảng một nháy mắt thì có lơ lửng trên hư không. Ngài ấy mới hỏi rằng: Đại vương không có thần thông mà đại vương có thể lơ lửng trên không như vậy là do đại vương muốn thì ngài có thể làm được như vậy trong một thời gian rất ngắn. Tại sao ngắn? Là vì tâm của đại vương là tâm của người hưởng dục, nó yếu, cho nên chỉ duy trì thời gian rất ngắn nên chỉ lơ lửng trên hư không trong tích tắc. Còn người tu thiền thì vì tâm vị ấy quá mạnh, khả năng định lực quá kiên cố nên vị ấy có thể kéo dài thời gian lơ lửng trên hư không. Chỉ vậy thôi!
Mọi người cứ nhìn diễn viên xiếc đi trên dây thì biết. Tâm của người diễn viên đi trên dây, tay cầm cây sào, tâm họ đặc biệt hơn mình. Họ phải bình tĩnh, đủ giữ thăng bằng không bị rớt. Còn mình nhiều lắm thì chỉ đủ giữ bình tĩnh một chút thôi nên mình giữ thăng bằng không lâu, do đó không đi trên dây được. Còn người diễn viên xiếc kéo dài thời gian bình tĩnh nên có thể kéo dài thời gian giữ thăng bằng để có thể kéo dài thời gian đi trên sợi dây. Tâm mình nó nhát quá, hèn quá nên đi dây không được. Thiền định, thần thông y chang như vậy. Đó chỉ là sự kéo dài thời gian của tưởng một cách hoàn hảo. Vì người hưởng dục tâm của họ nó phóng dật, bị năm triền (tham dục, sân, trạo hối, hoài nghi, hôn thụy) chi phối. Còn người có thiền họ không bị năm triền chi phối nên họ giữ tâm thăng bằng thời gian lâu hơn mình. Sức mạnh của người đắc ngũ thiền nó dễ sợ lắm. Người đắc cận định là có thể ngồi 5 tiếng, 8 tiếng không tiêu tiểu ăn uống, đói khát, nóng lạnh. Sơ thiền họ có thể nhập định mấy ngày không ăn uống. Riêng vị đắc tứ thiền (ngũ thiền) thì sức định tâm họ cỡ nào.
Chính đức Phật xác định rằng một lần đó Ngài nhập thiền ở chòi lá ngoài ruộng, trời mưa giông, sấm chớp đánh chết mấy con bò thêm hai người nông phu, sát chòi mà Ngài hoàn toàn không nghe và Ngài xác nhận rằng lúc đó Như Lai hoàn toàn tỉnh thức, không mê ngủ, không hôn mê bất tỉnh, xin xem kinh Đại Bát Niết Bàn - Trường Bộ Kinh. Lúc đó Ngài hoàn toàn tỉnh thức nhưng tâm Ngài tập trung vào một cảnh, ví dụ như hơi thở ra vào. Do quá gắn chặt vào cảnh cho nên hoàn toàn không biết chuyện khác.
Thêm 1 câu chuyện minh họa, 2 thầy trò đi ăn trộm, bị người ta phát giác nên chạy trốn. Anh học trò túng quá nhảy vào bụi tre gai trốn. Khi thấy yên rồi ông thầy mới quay lại tìm, thấy học trò mắc kẹt trong bụi tre không ra được. Thầy nói: Mày vô bụi tre bằng tâm nào thì ra bằng tâm đó. Rồi ông thầy la làng lên: Bớ người ta thằng ăn trộm!
Khi thầy la lên như vậy thì ông học trò ăn trộm làm cái "ót" ra ngoài luôn, không đau đớn gì hết, chỉ có trầy trụa chút đỉnh. Khi về trò trách sao thầy ác, thì thầy giải thích rằng phải làm như vậy thì trò mới thoát ra được.
Thiền cũng vậy, khi mình sống trong năm cảnh dục thì nó yếu đuối muội lược, như tâm con nít, tâm người khùng, người bệnh. Khi tu thiền thì mình bỏ hết mọi vướng víu của tham dục, sân độc, không còn thích ghét, buồn ngủ, vì mình đã đắc thiền rồi. Lúc đó mình chỉ tập trung cảnh đề mục. Đất là đất, nước là nước. Khi mình đắc thiền đề mục nước chẳng hạn, muốn độn thổ chỉ cần nghĩ "Nước!" thì mặt đất thành mặt nước, mình lặn xuống mất tiêu. Nếu muốn xuyên tường, vách, núi, chỉ cần niệm đề mục hư không. Thì lúc đó không còn cái gì ngăn ngại nữa hết. Còn muốn đi trên hư không, trên nước thì niệm đề mục đất. Niệm đề mục gió thì có thể di chuyển hoặc tạo ra giông tố. Niệm đề mục lửa thì có thể tạo ra khói, lửa, có thể đốt cái gì đó như ý của mình, không có gì ngăn cản.
Mà ở đây hoàn toàn là tưởng thôi quý vị. Cho nên tu thiền samatha là phát huy tận cùng khả năng của tưởng, vì hiện thần thông chỉ là phát huy tối đa khả năng của tưởng. Còn thiền vipassana là mình phát huy khả năng của tuệ, của trí. Ở đây bài kinh này giảng trở lại kinh Sa Môn Quả. Nội dung tu hành ở đây là kinh Sa Môn Quả. Do có tu hay không mà tâm mình là loại tâm nào.
Trích bài giảng Kinh Cha-Li-Da
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét