Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Cực lạc - Hạnh phúc (những hiểu lầm)

 


NHỮNG HIỂU LẦM VỀ ĐẠO PHẬT; CỰC LẠC - CỰC HẠNH PHÚC !

Đầu tiên, tôi đi vào từ gốc Pāḷi một chút. Chữ dukkha mà người ta dịch khổ là chưa tới, chưa sát, không nói hết nội hàm của nó. Tóm tắt, nó có 3 nghĩa chính. Một, tất cả những biến đổi về sinh vật lý cơ thể, đưa đến mệt mỏi, đau nhức, suy nhược, bệnh hoạn, già yếu, tử vong... là dukkha. Hai, những biến đổi, thay đổi các tâm trạng, tâm lý, như: Khổ lạc, thương ghét, buồn vui, uất ức, sầu muộn, chán nản, ước vọng, hy vọng, tuyệt vọng, hận thù... gì đó là dukkha. Ba, là cái gì khó chịu đựng, khó kham nhẫn, đáng khinh miệt, hư vô, trống rỗng, ảo ảnh, khó nắm bắt…là dukkha. Thế gian pháp này là cái gì rỗng không mình không nắm bắt được, không có cái gì mong muốn mà thành tựu được, cầu bất đắc, ái biệt ly, đủ thứ khổ…tất cả đó mới là dukkha.
Tuy nhiên có một số phật tử hoặc tu sĩ muốn tu hành để đạt cực lạc? Lạc đã là dukkha rồi, bây giờ lại còn muốn “cực lạc” lại càng “cực dukkha” hay sao? Nên phải hiểu cho đúng, khổ lạc là căn bản của phiền não, mà chúng ta đi tìm cực lạc thì có khác chi đi tìm phiền não. Chữ “Tây phương cực lạc” trong kinh A-Di-Đà bây giờ chúng ta cũng nên giải minh, giải nghĩa cho “thiết thực hiện tại” để đưa ta về với thế giới nội tâm, đó là “tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”; trở về cái tâm mình thanh tịnh ở đây và bây giờ, chứ không phải tìm cực lạc ở nơi xa xăm, huyền bí, nơi hư cấu của tôn giáo tín ngưỡng.
Quý vị ở đây, có nhiều người lớn tuổi rồi, có ai nghĩ rằng mình có hạnh phúc không, có ai không? Không có! Tôi hay ví von cái hạnh phúc tại thế này giống như việc chụp bắt một con bướm, thấy nó chập chờn trước mắt đẹp lắm nhưng ta bước tới thì nó bay mất. Hoặc là ta mong muốn có một ngôi nhà mới, sau thời gian làm ăn vất vả ta mua được căn nhà ưng ý. Ở được thời gian, nhìn đi nhìn lại thấy hình như vẫn thiếu thứ này, thứ kia... rồi lại khởi lên một mong muốn khác….tất cả có như ý được đâu! Hạnh phúc thế gian nó như vậy đó, lúc nào cũng chập chờn trước mắt, ta cứ đuổi theo chúng đến tận cùng mà vẫn chưa thấy thỏa mãn.
Vậy thì, nên dừng lại, nên tỉnh thức và xem lại chính mình, bấy lâu nay ta có chơi cái trò đuổi bắt với bóng ma hạnh phúc đó không! Phải chăng, hạnh phúc là cái gì khác hơn, cao thượng hơn? Đúng thế, hạnh phúc là không phải đuổi theo mục đích và ước mơ. Hạnh phúc là chấm dứt tất cả mọi ước mơ và trở về với thực tại, trở về với hơi thở đang hiện tồn trong từng giây khắc này, là sống như chơn như thực, đó mới là vấn đề cần giải quyết của chúng ta.
Sư Giác Nguyên giảng.
Tôi xin nguyện phước báu chia sẻ pháp này là nhân duyên đời đời kiếp kiếp hễ có Phật Pháp xuất hiện trên thế gian xin cho tôi được quỳ dưới chân Đức Thế Tôn xin quy y Ngài, quy y Pháp do Ngài thuyết giảng, quy y Thánh Chúng Tỷ Kheo đệ tử của Ngài và xin xuất gia Tỷ Kheo dưới sự chứng minh của Ngài.
Xin hồi hướng phước báu này tất cả chúng sanh sớm chấm dứt khổ đau trầm luân trong 3 giới 4 loài.

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Ba cái mất mát

 


BA CÁI MẤT MÁT

Ba cái mất mát (vipatti) là mất mát về Giới, mất mát về Tâm và mất mát về Tri kiến.
Mất mát về Giới đây là vi phạm các học giới của cư sĩ hoặc người xuất gia. Nhưng ở đây Ngài nói về cư sĩ thôi.
Mất mát về Tâm, có nghĩa là sống bằng tâm phiền não nó cũng là cái kiểu mất mát.
Thứ ba là sự mất mát về Tri kiến.
Nói bằng ngôn ngữ của mình tức là sự mất mát về đức hạnh, mất mát về Tâm, về quan điểm nhận thức. Từ đó đến giờ mình không biết Đạo thì chuyện mất mát của mình thường nó dừng lại ở những chuyện rất đời. Thí dụ mất mát về tiền bạc vật chất là một, mất mát về tiếng tăm uy tín là hai. Mất mát về sức khỏe nghĩa là bịnh hoạn này nọ là ba. Mất mát về tình cảm, thí dụ như sanh ly tử biệt, xa người thương, gần người ghét, là bốn. Đây là những mất mát người đời thường coi là lớn chuyện.
Nhưng đối với trong Phật pháp những mất mát đó đúng là làm tim mình chảy máu, tan nát nhưng không ghê gớm đẩy mình đi tới chỗ tối tăm của cuộc sanh tử bằng những mất mát mà trong Kinh này đức Phật Ngài dạy.
1. Thứ nhứt là mất mát về đức hạnh.
Dầu chúng ta có bị mất mát về tiền bạc, tình cảm, tiếng tăm gì đi nữa, nhưng nếu chúng ta có giới hạnh thì chúng ta có xuôi tay nhắm mắt cũng không đến nỗi tệ.
2. Thứ hai là mất mát về đời sống tâm lý.
Mình thường xuyên sống với các hạnh lành, sống với các đức tánh như từ bi, trí tuệ, chánh niệm, thiền định thì coi như OK. Còn nếu thường xuyên sống bằng tham, bằng sân, bằng si, thích cái này ghét cái kia, theo đuổi cái này trốn chạy cái nọ, tỵ hiềm ghen ghét, bủn xỉn, ích kỷ, nhỏ mọn, thì đời sống như vậy gọi là khiếm khuyết về tâm lý.
3. Thứ ba là sự mất mát về quan điểm nhận thức (trong đây gọi là tri kiến).
Có nghĩa là mình không thường trực sống trong chánh kiến về nhân quả nghiệp báo. Cái này quan trọng lắm. Nhiều và rất nhiều người chỉ là Phật tử trên nhãn hiệu thôi. Đi chùa, có một sư phụ trao cho cái Pháp danh, làm cho cái lễ quy y, nếu được thì đưa cho cái giới điệp (cái chứng chỉ đã thọ giới, đã quy y) thì đem về treo trong nhà cho nó sang. Chớ còn đi chùa mấy chục năm giáo lý căn bản không có học, cứ tưởng mình là Phật tử mình có chánh kiến. Tôi xin thưa đó là chiêm bao giữa ban ngày. Các vị không tin tôi xin chứng minh: các vị nghĩ rằng đã hiểu về nghiệp báo đúng không, xin thưa chưa chắc đâu! Bởi vì nếu các vị có một niềm tin, có một nhận thức, có một cái hiểu biết đàng hoàng về nghiệp báo thì các vị đã không sống theo cái kiểu mà xưa giờ các vị đã và đang sống. Tự mình hỏi lòng mình đi, nhe. Tôi không cần các vị phải cãi chày cãi cối ở đây, nhe!
Tôi xin nhắc lại, cái khiếm khuyết hay mất mát về tri kiến là có hai cái nhận thức sau đây chúng ta không được trang bị:
Một là nhận thức về nghiệp lý, về luật nhân quả. Chúng ta không chịu nhớ rằng trong từng phút trôi qua ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với những gì mình nói, làm và suy nghĩ. Không có một hành động, một suy nghĩ, một câu nói nào mà không để lại một hậu quả tốt hay là xấu. Chuyện đó không bao giờ có. Ở phàm phu, không có một hành động, một lời nói, một suy nghĩ nào không để lại hậu quả tốt hoặc là xấu, mà đa phần là xấu. Mình học mình nói mình biết, nói ra thì ai cũng nói biết hết trơn. Nhưng cái biết của mình là cái biết của đứa con nít. Nghe người ta nói bắt chước nói theo chứ còn sống trong nhận thức luật nhân quả thì chưa. Bằng chứng là nếu các vị thường trực sống trong nhận thức về luật nhân quả thì rõ ràng mình không có kiểu sống như mình đã và đang đâu quí vị. Nhớ cái này nhe, quan trọng lắm!
Thứ hai là trí tuệ về tam tướng. Khi mình có trí tuệ về luật nhân quả thì tự nhiên đương nhiên bước thứ hai phải là trí tuệ về tam tướng. Là sao? Nhân nào thì quả nấy. Nếu có chuyện nhân nào quả nấy thì nó đẩy tới cái luật thứ hai là không có cái gì còn hoài không mất. (luật 1 dẫn tới luật 2). Chính vì nhân nào quả nấy nên chúng ta có lúc thiện lúc ác. Thiện thì tạo ra hỷ lạc, là sự sung sướng về thân về tâm. Còn ác thì tạo ra khổ ưu, là sự đau khổ về thân về tâm. Nếu có luật nhân nào quả nấy thì dẫn tới luật hai là chúng ta lúc vầy lúc khác, lúc thiện lúc ác, lúc buồn lúc vui. Hành giả tu tập Tứ niệm xứ luôn luôn nhớ như vậy: “Ta luôn luôn sống trong dòng chi phối của nhân quả”. Bởi vậy nói về tri kiến nhiều người không tin. Họ không tin có đời này kiếp sau, có nhân thiện nhân ác. Hôm qua tôi có giải thích, tà kiến là không tin có đời này có đời sau, không tin có mẹ, không tin có cha, không tin có hạng hóa sanh, có thánh nhân ở đời.
- Thế nào là không tin có bố thí, có sự cúng tế?
- Chính vì chúng ta không biết nghiệp báo, không biết nghiệp lý nên ta không nghĩ rằng chuyện mình giúp đỡ ai đó nó đem đến quả phúc cho đời sau. Khi mình không tin chuyện này thì một là mình làm biếng, mình sống không trách nhiệm với tha nhân. Nhiều khi mình không nhiều lòng vị tha lắm nhưng ít ra còn nghĩ đến đời sau kiếp khác mình còn gieo trồng cõi phúc. Còn đằng này không tin có kiếp sau kiếp trước, không tin chuyện bố thí đem lại quả báo, không tin chuyện cúng bái.
Mình là Phật tử, không mê tín dị đoan, tuy nhiên mình cũng không nên nhắm mắt nhắm mũi bài bác, bài xích, phủ nhận chuyện cúng bái. Bởi vì đúng là những loài chúng sinh thiên thần ác quỷ gì đó không ăn được đồ mình cúng, nhưng mình biết nghĩ tới họ, như Khổng Tử nói tới quỷ thần thì “Kính nhi viễn chi”. Có nghĩa là ta có thể không thích, không sợ, có thể cúng hay không cúng nhưng lòng cũng phải biết nghĩ tới họ.
Mình không tin ông Tà ông Táo như kiểu coi họ là người ban phúc tha tội cái gì cũng cầu đảo khấn vái, nhưng mình cũng không nên phủ nhận sự hiện hữu của họ trong trời đất này. “Nhứt phá sơn lâm nhì đâm Hà Bá”, phá Sơn lâm là phá rừng đốn cây, sống theo sông rạch đào mương đào ao phạm vào long mạch, vào chỗ ở của vị này vị kia, hai nghề đó rất là tổn đức.
Tôi nhắc lại, mình không tin chuyện mê tín dị đoan tà ma quỷ mỵ nhưng mình không nên phủ nhận sự tồn tại hiện hữu, sự có mặt của những loài khuất mặt khuất mày, những loài vô hình siêu hình chung quanh mình đầy dẫy ra đó.
Cho nên cái tà kiến đầu tiên là không để ý, không lưu tâm không tin vào quả báo đời sống chia sẻ, không tin vào sự tồn tại của quỷ thần, không tin vào các nghiệp thiện ác. Cứ cho rằng thích thì làm, chết rồi là hết, bày đặt thiện ác làm gì cho rối! Còn “không tin có đời này không tin có đời sau” là phải hiểu theo một loạt, không thể tách riêng từng cái mà hiểu:
- “Không tin đời này” có nghĩa là không tin những gì đang diễn ra đời này là do đời trước mà có.
- “Không tin đời sau” có nghĩa là không tin rằng những gì mình đang tạo ra bây giờ nó sẽ để lại di chứng cho kiếp lai sinh. Các vị có nghe kịp không? Từ chỗ này về sau đoạn Kinh này lập đi lập lại rất nhiều lần.
- Rồi “không tin bố thí” tức là không tin những cái đời sống vị tha đem lại quả lành.
- “Không tin có lễ hiến sinh (hy sinh)” tức là không tin chuyện cúng tế, tức là phủ nhận sự có mặt các loài tà, mỵ, quỷ thần. Mình không tin họ một cách cuồng tín nhưng mình cũng không nên phủ nhận chuyện ăn ở biết điều đối với họ.
- Cái tà kiến tiếp theo là không tin vào chuyện thiện ác. Còn “không tin đời này không tin đời sau” có nghĩa rằng không tin những gì ở đời này là quả của đời trước. Không tin rằng đời sống thiện ác đời này là nhân cho đời sau. “Dục tri tiền thế nhân. Kim thân thọ giả thị. Dục tri lai thế quả. Kim thân tác giả thị” (Muốn biết đời trước ta ra sao. Nhìn đời này ta đang thế nào. Muốn biết kiếp sau ta thế nào. Nhìn bây giờ ta đang sống ra sao). Đằng này họ không tin bài đó nên mới có chuyện không tin đời này đời sau.
- Còn “không tin có mẹ có cha”, theo Chú giải có nghĩa là mình không hề biết rằng cha mẹ mình cũng là do nhân thiện ác (của họ) đời trước mà có mặt ở đây. Còn những người đoạn kiến, duy vật vô thần họ nghĩ cha mẹ họ là chỉ một lần duy nhứt có mặt ở đời này và sanh ra mình. Rồi mình cũng chỉ có một lần duy nhứt có mặt ở đời này, chết rồi là hết; mình không từ đâu tái sanh lại và cũng sẽ không đi về đâu hết mà chỉ sống một lần này thôi.
Các vị nghe kỹ chỗ này nghe, tôi nhắc lại. “Không cha không mẹ” đây có nghĩa là mình không biết rằng cha mẹ mình cũng từ vô lượng kiếp sanh tử mà tới đây. Rồi sau kiếp này họ cũng tiếp tục lăn trôi vô số kiếp nữa. Mình cũng vậy, mình cũng từ vô số kiếp mà tới đây. Mình cũng từ vô số kiếp làm cha làm mẹ của ai đó. Từ vô số kiếp về trước mình từng là con là cháu là em là út của ai đó. Và hết kiếp này nếu không chứng quả La hán thì mình tiếp tục làm cha làm mẹ, làm con làm cái của người khác nữa. Đó là chánh kiến. Còn đằng này mình không tin điều đó, tưởng cha mẹ mình chỉ một lần xuất hiện ở đây rồi là xong. Hoặc là mình cũng vậy, mình cũng chỉ một lần xuất hiện ở đây là xong. Thì cái tà kiến này được gọi là “không tin mẹ không tin cha”.
Tà kiến tiếp theo là “không tin các loài hóa sanh”, có nghĩa mình luôn luôn nghĩ rằng mọi thứ ở đời luôn có mặt trong điều kiện sinh học, chớ không thể nào có tình trạng đột hiện đột biến, đùng một cái xuất hiện. Mình không tin vậy nhưng chuyện đó là có, nhe! Bởi vì các nhà khoa học giờ đang rối đầu họ không biết nguồn gốc con người ở đâu mà ra. Trước đây có một thời người ta tin vào chuyện chúa Trời, tin vào cọng xương sườn số 7 của A Đam- Eva. Tin vào cuộc tình A Đam Eva trong vườn địa đàng. Sau đó họ tin vào thuyết Tiến hóa của Charles Darwin. Đến bây giờ họ thấy cả hai thuyết đó không xài được. Vậy thì con người từ đâu mà ra? Đây là một dấu hỏi cực lớn cho đến bây giờ các nhà khoa học vẫn đang ôm đầu ngửa mặt nhìn trời mà khóc, chớ cũng không trả lời được. Vì họ không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng những con người đầu tiên trên trái đất này không hề nhờ cậy đến một điều kiện sinh học nào hết để có mặt, mà họ tự nhiên có mặt theo cái trong Kinh gọi là phép Hóa sinh. Có nghĩa là từ cõi Phạm thiên, họ chết rồi có mặt ở đây. Có nghĩa là tổ tiên đầu tiên của con người là hóa sinh. Chính vì khoa học không biết được chuyện này nên họ bối rối. Họ truy tìm nguồn gốc con người theo kiểu cái trứng có trước hay con gà có trước. Đó là cái kiểu mệt mỏi, chính vì họ không tin trường hợp tự nhiên xuất hiện. Họ cứ bị ám ảnh bởi điều kiện sinh học. Họ nghĩ phải có các điều kiện sinh học thì mới có sự có mặt của các loài động vật lớn bé trên đời này. Đây là một điểm độc đáo của đạo Phật.
Tiếp theo, “không tin vào các bậc hiền thánh ở đời”, có nghĩa là mình đầu đầy rác nên không hiểu rằng trên đời có những người mà họ không thích cái gì cũng không ghét cái gì, ai họ cũng thương, cái gì họ cũng buông bỏ. Và sau đời sống này họ không còn tái sanh nữa. Những người đó có khả năng truyền dạy con đường giải thoát cho kẻ khác. Khi mình không tin trên đời này có sự tồn tại những người như vậy, đó cũng là một thứ tà kiến. Không tin vào những vị sa môn, Bà la môn chánh hướng chánh đẳng tự mình có thắng trí giác ngộ tự mình truyền dạy cho đời này đời sau. Có nghĩa là không tin sự hiện hữu, tồn tại của các bậc hiền thánh ba đời mười phương. Đây cũng là một thứ tà kiến.
Như vậy mình thấy đức Phật Ngài dạy trên đời này có nhiều thứ mất mát lắm. Mất mát về tiền bạc, tình cảm, tiếng tăm, danh vọng, quyền lực. Rồi mất mát về đạo hạnh, quan điểm nhận thức, về đời sống tâm linh. Ngài dạy trong tất cả những mất mát ấy có ba cái mất mát quan trọng nhứt. Đó chính là sự mất mát hay khiếm khuyết về đức hạnh, về đời sống tâm linh, về quan điểm nhận thức.
Tôi không chê bản dịch của các tiền bối, nhưng theo tôi nếu cần thì ta nên dùng ba chữ mới cho hợp với ngày nay. Ba cái khiếm khuyết đây:
* Một là khiếm khuyết về đức hạnh.
* Hai là về đời sống tâm linh (tâm lý).
* Ba là về quan điểm nhận thức.
Trích bài giảng KTC - 68
*** Sư Toại Khanh ***
buithibuukim ghi chép

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Xử lý cơn đau khi ngồi thiền

 


VẤN ĐÁP VỀ XỬ LÝ CƠN ĐAU KHI NGỒI THIỀN

Vấn: Cứ ngồi lâu mà không chuyển đổi tư thế thì thường nghe một cảm giác nặng nề lắm, như đau nhức tê mỏi hay cái gì đó tương tự. Xin hỏi nếu cứ tiếp tục như vậy thì những cảm giác đó mất đi hay không, trong khoảng thời gian bao lâu ?
Đáp: Chuyện này còn tùy ở mỗi người. Kẻ lâu người mau. Điều quan trọng là ta hãy cố giữ Chánh Niệm và kham nhẫn, đừng để ý rồi mong đợi cái này biến mất, cái kia xuất hiện.
Chúng ta phải biết rằng không một cảm giác nào là không vô thường. Sự ghi nhớ này rất quan trọng.
Vấn: Nghĩa là thấy chân tê thì cứ để mặc nó bị tê hay sao ạ ?
Đáp: Đúng vậy. Cho đến bao giờ khả năng Chánh Niệm và kham nhẫn của anh còn có thể chịu đựng được thì anh vẫn phải tiếp tục.
Chuyện này có thể khó khăn đấy, thậm chí phải qua một thời gian dài, nhưng anh phải ráng. Vì đó là điều cần thiết. Còn nếu không thể chịu nổi thì anh vẫn phải tiếp tục Chánh Niệm trong lúc thay đổi oai nghi.
Vấn: Xin hỏi trong trường hợp với một người mà khả năng chịu đựng quá kém thì phải làm sao ạ ?
Đáp: Ồ, như tôi vùa nói đấy, đó là một chọn lựa bất đắc dĩ. Vì Niệm và Nhẫn của anh quá yếu nên anh phải thua cuộc trước những cảm xúc vớ vẩn của thân xác.
Tôi bày anh một kinh nghiệm:
Để chịu đựng cơn đau, anh nên thở nhanh và ngắn một chút. Nhưng điều cốt lõi mà anh phải nhớ là không một công phu nào mà không cần đến những nổ lực .
Cứ trốn tránh cái khó rồi tìm đường dễ để di thì làm sao anh có thể có một nếp hành trì rốt ráo và một hành giả như vậy cứ phải thường xuyên sống trong sự bất mãn. Vì trong cả hai ý tưởng trốn khổ tìm vui anh khó mà toại nguyện được.
Trốn khổ chắc gì tránh được khổ, tìm vui chắc gì có được vui.
Vấn: Xin hỏi lại lần nữa. Rõ ràng là chỉ với một cái duỗi chân thật đơn giản thì ta đã lập tức được thoải mái để tiếp tục tu tập, nhưng tại sao hầu hết các thiền sư, kể cả ngài, lại khuyên nên ngồi chịu đựng ?
Đáp:
Cối lõi của Tuệ Quán là nhìn thẳng vào gương mặt thật của Danh Sắc, mà ở đây là những cảm giác khó chịu. Khi ta cứ tìm cách chạy trốn chúng thì làm sao có thể thấy được chúng là gì. Việc thay đổi tư thế đúng là giúp anh giàn xếp được những cảm giác khỏ chịu nhưng cách giàn xếp đó không hay bằng việc ta nhìn thẳng vào chúng và để chúng tự biến mất theo luật vô thường.
Cái này mới đúng là giải thoát, là con đường mà ta chưa từng đi qua để chứng được điều ta chưa từng chứng.
Còn cách giải quyết theo kiểu chạy trốn hay tránh mặt thì quá tầm thường rồi. Anh cũng biết là trốn không được mà vẫn ráng làm là Vô Minh, làm không được thì sẽ dẫn đến bất mãn, đó lại cũng là phiền não.
Như vậy cách tốt nhất vẫn là ráng nhìn thẳng vào chúng và tôi đảm bảo với anh sớm hay muộn gì cũng vô thường.
Vấn: Xin nói rõ hơn về Chánh Niệm, có phải đó là sự suy tư hay truy tầm vấn đề, chẳng hạn như coi những cảm giác kia từ đâu đến ?
Đáp:
Chắc chắn là không phải vậy. Chánh Niệm chỉ đơn giản là sự nhận biết một cách tỉnh táo cái gì đang xảy ra, ở đây anh không cần đến bất cứ một khái niệm hay suy tư nào hết.
Sunlun Sayadaw (1878-1952)
Trích sách: Kinh Nghiệm Tuệ Quán Qua Các Dòng Thiền Miến Điện Quyển 1, trang 355-357.
Dịch giả: Sư Giác Nguyên

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Kho nghiệp

 


KHO NGHIỆP

Kho nghiệp của mình nhiều dữ lắm, chuyện kiếp này mình tu hành thiền định giữ giới thì quý dữ lắm nhưng nghiệp của đời này chỉ là phần nhỏ so với núi tiền nghiệp của mình trong nhiều đời, có hiểu được chỗ này mới hiểu được ví dụ con rùa mù. Sanh làm người khó vô cùng, trong một ngày mang thân làm người mình sống toàn bằng tâm con thú, đói ăn khát uống, đực cái trống mái, phản ứng tự vệ. Sống dưới tâm loài nào chết về loài đó. Ác dễ làm hơn thiện, người ác cũng dễ kiếm hơn người thiện, bạn ác bạn xấu dễ kiếm hơn bạn lành, nên trong vô số kiếp quá khứ vốn liếng bất thiện của mình nhiều vô số kể. Đời sống hiện tại, trong một ngày tâm thiện chỉ là một mảnh vụn nhỏ xíu so với một núi bất thiện. Chuyện quay trở lại làm người thì thấp vô cùng. Hãy tin rằng, chánh pháp khó gặp, khó gặp là khó có dịp để nghe; chuyện gặp được Phật, nghe pháp rất hiếm. Vì vậy trong chú giải giải thích Tam Bảo là 3 ngôi báu quí hiếm vì không dễ gặp và không có thứ châu ngọc nào đem lại lợi ích cho người ta bằng Tam Bảo hết vì vậy người ta gọi Tam Bảo là của quí. Kẻ nào có duyên, có đức tin, có chánh kiến gặp được Tam Bảo thì kẻ đó công đức phải như thế nào đó.
Trong kinh nói giữa một biển chúng sinh bao la mênh mông vô tận, thế mà có người biết tìm đến Phật pháp dầu một cách vô tình hay cố ý mà bằng cách nào đó, họ được đến Phật pháp, có chánh kiến, thì khả năng quay trở lại làm người, làm trời của hạng người này cao hơn những loài khác. Họ phải là người có phước báu nhiều lắm. Đây là niềm vui cho chúng ta. Không phải mang thân người là giống nhau, có người là tỷ phú nhưng không biết chánh pháp. Đức Phật xác nhận: Cho dù là ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương, Đế Thích cũng không bằng một phần nhỏ xíu của vị Tu-đà-hoàn. Vì dòng luân hồi của những vị đó bấp bênh, bất định, riêng vị Tu-đà-hoàn thì cố định.
Tam Bảo khó gặp nhưng người nào gặp được ba bảo thì người đó phước rất lớn. Cứ tưởng tượng mù mịt không biết Phật pháp, không biết mình là ai, từ đâu tới, sẽ đi về đâu, chỉ biết đi làm để sống, sống để đi làm, đàn bà nuôi chồng nuôi con, đàn ông nuôi con nuôi vợ rồi đến một lúc nào đó nằm liệt, nước miếng chảy, miệng méo, mắt lờ đờ, ăn nói ngọng nghịu chờ người ta đem chôn, vậy mà cứ hết đời này qua đời khác, tìm kiếm tiền bạc, danh phận đủ thứ hết…
Sư Giác Nguyên giảng.