Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Tham và Sân

 


THAM VÀ SÂN

Tham Và Sân Đời sống chỉ là những chọn lựa. Chúng ta có thể mất cả 30 ngày trong một tháng cho những tục sự như chuyện nhà, chuyện làm ăn hay xã hội. Chúng ta cũng có thể dành thời giờ cho những công phu tu tập để cứu mình ra khỏi biển khổ. Có một chuyện đơn giản nhưng ít ai ngờ được là thời gian 24 giờ một ngày đêm ta luôn phải vật lộn với 2 thứ phiền não là Tham và Sân, ngoài ra không còn gì nữa. Niềm vui khi gặp chuyện như ý là Tham, sự khó chịu bực bội khi gặp chuyện bất toại là Sân. Hai thứ phiền não này luôn bị tác động bởi Vô Minh. Do u mê nên ta không mấy khi chịu nhớ rằng cái chết đang nằm lù lù trước mặt mình từng phút. Vì quên nghĩ đến cái chết nên ta luôn có đầy đầu những trù hoạch, kế sách, toan tính cho tương lai như là mình sẽ sống hoài không chết. Và ta cũng biết rồi đó, có mấy ai ở đời có thể sống và làm việc đúng như mọi lo toan của mình đâu. Có người là Phật tử, dĩ nhiên cũng biết nghĩ đến đời sau kiếp khác, nhưng bên cạnh vài ba ngày Bát quan trai có đính kèm vài giờ nghe pháp hay tọa thiền cho mình vững bụng, rồi thì hơn 20 ngày còn lại hầu như chỉ sống cho người khác chớ không phải cho mình. Thưở sinh thời, thiền sư Mogok thường lưu ý các đệ tử hãy cảnh giác với nếp sống hướng ngoại, mà thường khi ta hay tô vẽ chúng bằng những mỹ từ hay ho như Trách Nhiệm, Bổn Phận với người này kẻ nọ. Một khi không có đời sống nội hướng, lãng quên việc tu tập của bản thân thì chúng ta chỉ có đau khổ mà thôi. Cái bi kịch lớn nhất của hầu hết Phật tử, bất kể tăng tục, là không có khả năng tự giác và như vậy cũng là không có khả năng sống an lạc. Biết Phật Pháp mà không thể sống an lạc thì rõ ràng cái biết đó đã có vấn đề. Sống kiểu đó là hoang phí kiếp người. 

Tác Phẩm: KNTQ1 Dịch Giả : 

Tỳ Kheo Giác Nguyên

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Cái biết của vị Tu Đà Hườn

 


NẾU MÌNH BIẾT ĐƯỢC NHƯ THÁNH NHÂN THÌ CÁI GHÉT CÁI THÍCH CỦA MÌNH DỨT KHOÁT SẼ KHÁC ĐI NHIỀU LẮM.

Các pháp ở đời khi mình thật sự còn chưa không hiểu thì mình còn thích cái này cái kia, nếu mình biết được như thánh nhân thì cái ghét cái thích của mình dứt khoát sẽ khác đi nhiều lắm.
Ví dụ, nhẹ nhất là vị Tu đà hườn, nếu tính theo chi pháp trên mặt giấy thì rõ ràng trong 10 phiền não vị này chỉ mới trừ có 3 (Thần kiến, Hoài nghi, Giới cấm thủ). Tuy nhiên Thân kiến là cái quan trọng bậc nhất. Vị này chấm dứt, chặn đứng dòng sanh tử vô thỉ vô chung được là nhờ ở chỗ dứt trừ được Thân kiến này. Thân kiến mất rồi, khả năng sinh tử không còn nữa, mấy kiếp còn lại chỉ là cái trớn mà thôi chớ vị đó không còn chấp tôi, chấp ta trong năm uẩn thì còn cách nào hưởng thụ giống chúng ta.
Sơ quả Tu-Đà-Hườn ( Sotāpatti)
Chấm dứt ba thứ phiền não quan trọng bậc nhất trong việc luân hồi là Thân Kiến (quan niệm ngã chấp trong thân tâm)Hoài Nghi (sự hoang mang trong đạo giải thoát). Giới Cấm Thủ( bảo thủ, cố chấp, phí công sức tu tập mà chẳng tìm thấy sự giải thoát ). Vị này chỉ còn tái sinh tối đa bảy kiếp phải chứng La-Hán.
Thân kiến có nghĩa là người này biết chắc rằng toàn bộ phàm, thánh, người, thú, nhân thiên chỉ là danh sắc luôn luôn vô thường sanh diệt. Không hề có một cái gì là tôi, ta, của tôi trong 5 uẩn. Đó gọi là lìa bỏ ngã chấp trong 5 uẩn. Lìa thân kiến thì lìa được hoài nghi. Vị đó không còn hoang mang nghi hoặc : Tôi là ai ? Ở đâu tôi tới ? Tôi sẽ đi về đâu ? v....v . Lúc đó vị đó chỉ thấy rất đơn giản cái khối 5 uẩn này nó do các duyên thiện ác mà có. Do không hiểu 4 Đế nên người ác làm ác bị đọa, người lành làm lành để được đi lên. Cuối cùng cũng quẩn quanh trong ba cõi sáu đường. Hiểu như vậy vị đó chỉ tập trung tu tập. Biết rất rõ mình là ai trong trời đất này. Không còn giới cấm thủ nghĩa là vị này không còn chấp nhận những giáo điều tín điều nằm ngoài tinh thần Bát Chánh Đạo.
Vị Tu-đà-hườn biết rõ bằng toàn bộ sinh mệnh của mình rằng sự đau khổ và con đường gây khổ có một cứu cánh chấm dứt là Niết bàn: không còn nhân sanh khổ, không còn quả khổ thì sẽ không còn đau khổ. Con đường dẫn đến Niết bàn đó là Bát Chánh Đạo. Bà con nhớ giùm, con số 8 của Bát Chánh Đạo là một trong một tỷ cách diễn dịch con đường giải thoát. Đối với một số người, Đức Phật chỉ dùng một chữ: appamāda. Trước khi Ngài Niết bàn, câu nói cuối cùng của Ngài là “vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha”, nghĩa là vạn hữu là vô thường hãy sống bằng sự cẩn trọng không dễ ngươi. Đây là câu cuối cùng của Bậc Đạo Sư, mình không hề thấy có số 8, số 3 , số 4 , số 6 … ở đây. Ngài chỉ nói “vạn hữu là vô thường, không sống dễ ngươi”.
Chánh kiến, chánh tư duy là tuệ học. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là giới học, còn lại là định học. Gom chung là Tam học hoặc là Vô lậu học. 37 phẩm trợ đạo gồm Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, Như Ý Túc đều là Tam học nói rộng. Điểm nổi bật của vị Tu-đà-hườn thấy chắc nên tin chắc.
Trí Tu-Đà-Hườn mà dừng lại không đi xa nữa thì mình tái sanh chỉ tối đa 7 kiếp nữa thôi, đi về đâu không cần biết, chỉ biết là không bị đọa bốn đường xấu đó là : súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la và địa ngục. Còn chuyện đi về đâu là tùy mình có đắc thiền hay không và tầng thiền mình đắc là thiền nào thì mình về cõi tương ứng.Trong kinh nói vị Tu-đà-hườn, thí dụ như : tâm sân, họ không còn ganh tị, ghen ghét, bùn xỉn. Nhưng vị này cũng còn nhăn mày, nhíu mặt, đổ lệ, khó chịu bất mãn nhỏ xíu trong thâm tâm. Cái sân của vị này không còn đủ giết chóc, hành hạ các chúng sanh khác .
Mặc dù vị Tu đà hườn có thể có chồng, có vợ, có con, cũng đi làm lụng, có gia tài, có tài sản nhưng họ toàn là những tay giống như “Thủy thượng phiêu Cầu Thiên Nhẫn”. Trong võ lâm ngũ bá ngoài Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, còn có nhân vật số sáu là Cầu Thiên Nhẫn, tay này có khả năng Thủy thượng phiêu khinh công tuyệt đỉnh đi trên mặt nước không chìm xuống, chân chỉ chạm nước nhẹ thôi. Tu đà hườn được xem là những tay Thủy thượng phiêu thuộc hàng thượng thừa vẫn đi trên cõi đời này, vẫn cư trần nhưng bất nhiễm, hòa quang nhưng không hỗn tục nếu cần thì vẫn hòa với mọi người nhưng không đồng.
Sư Giác Nguyên
Tác Phẩm : Kinh TƯHG1

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Tám cách nhìn sai lầm về ngũ uẩn ***

 


TÁM CÁCH NHÌN SAI LẦM VỀ NGŨ UẨN

Đời sống nhiều lúc cần phải tháo gỡ những mặt nạ của thần tượng. Mình cứ trùm lên nó một bức màn sương khói mờ ảo rồi tự mình làm khó mình thôi. Nếu như nó thế nào mình nhìn thấy thế ấy thì mọi sự đơn giản hơn nhiều. Đức Phật dạy chính vì còn sống trong thế giới tưởng tri, cái biết vay mượn từ người khác mà con người thọ lãnh đau khổ.

Có người nặng về tham, về sân, hoặc về si, nhưng có người tổng hợp luôn cả thiện lẫn bất thiện, tánh rất nóng nhưng lại rộng rãi hoặc có trí tuệ nhưng tánh bỏn xẻn, trộn lẫn là như vậy, có lúc ác đi chung với ác, có khi ác đi chung với thiện trong một con người. 

Tham ái: Người tham ái nhiều thì nhìn đời qua lăng kính của tham ái. Thí dụ: đứng trước một bụi hoa Hồng, người tham ái sẽ nói rằng: Gai nhiều vậy mà cũng có bông.

Sân hận: Người sân hận nhiều nhìn đời qua lăng kính của sân hận. Cũng bụi Hồng đó, người sân nhiều sẽ nói: Bông đẹp như vậy mà gai tùm lum.

Si: Vô minh trong Tứ đế

Phóng dật: Sự thiếu tập trung do thiếu định.

Hoài nghi: Sự hoang mang, nghi hoặc do thiếu Tuệ.

Đọan kiến: Ngừoi nhìn đời qua lăng kính tà kiến có khuynh hướng đoạn kiến thì thích học thuyết nào cũng cố, ủng hộ quan điểm đoạn kiến của họ. Ví dụ: họ thích triết học Mác- Lê vì hợp với suy nghĩ của họ, thích thuyết tiến hoá của Darwin…

Thường Kiến: Ngừoi có khuynh hướng thường kiến thích những quan điểm tà ma, vong hồn ….

Ngã mạn: Cách nhìn đời qua lăng kính của sự so đo ( hơn, bằng, thua)

Nhận thức nào bị ám ảnh bởi 8 thứ trên thì không thể chính xác được. Chúng ta thường tìm hiểu cái mình thích hơn là cái mình cần, tuỳ thuộc vào căn cơ sở tánh của mỗi người mà chúng ta có nhiều cách nhìn về cuộc đời.

Đức Phật trả lời: Sở dĩ Samiddhi nói sống trong hiện tại là bởi vì Samiddhi nói riêng và những người như Samiddhi nói chung không còn tiếp tục theo đuổi chìm sâu chìm đắm trong thế giới của ảo tưởng, của ngôn ngữ, mọi thứ được nhìn bằng trí tuệ như thật. Muốn có cái nhìn đúng đắn thì phải né cho bằng được cách nhìn theo kiểu tám lăng kính này, thay thế cách nhìn sai lạc bằng ba cách nhìn đúng đắn tức cách nhìn bằng trí tuệ.

Trích: Kinh Tương Ưng Huyền Giải Tập 1

Sư: Giác Nguyên

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Chúng ta chạy trốn cái khổ bằng cách đầu tư cái khổ

 


CHÚNG TA CHẠY TRỐN CÁI KHỔ BẰNG CÁCH ĐẦU TƯ CÁI KHỔ ! VÌ SAO VẬY ?

Tu là làm việc với 6 căn: Khi chưa biết đạo, mắt tìm cái gì ngộ ngộ để nhìn, tai kiếm cái gì hay hay để nghe, mũi kiếm gì dễ chịu để ngửi. Nếu không tin quí vị cứ nhắm mắt lại đi, cái lỗ tai sẽ sẵn sàng để nghe cái này cái kia; lỗ mũi đang chuẩn bị đón mùi này mùi nọ, và tâm luôn trong tình trạng hướng về chuyện này chuyện kia để suy nghĩ. Vì vậy Phật dạy 6 căn của phàm phu giống y 6 con thú: chim kiếm dịp là bay về trời, cá có dịp là nhảy xuống nước, chồn cáo có dịp là chui về hang.
Không phải ngồi yên nhắm mắt là tu, mắt nhắm rồi nhưng tai vẫn dỏng lên. Tu tập tuệ quán là không đi tìm cái để nhìn, chỉ ghi nhận cái gì nổi bật nhất mà thôi. Ví dụ đang ngồi theo dõi hơi thở, ra biết là ra, vào biết là vào, biết đang nghe, biết giật mình, biết bực mình. Khi biết như vậy, cái giật mình cái bực mình biến mất, trở lại với niệm. Đang ngồi nghe con muỗi chích, biết là đau, biết là tâm sân, khi biết thì nó sẽ mất, quay trở lại niệm tiếp. Có nhiều người nói họ niệm như vậy mà vẫn không mất: Buổi đầu chưa được, không thể nhận diện ra là mất đâu. Về lâu về dài khi niệm mạnh, tuệ mạnh sẽ đạt đến mức nhìn ra nó thì nó mất.
Tu là làm việc với 6 xúc: Không tạo điều kiện cho con mắt tiếp xúc với 6 trần. Xưa kia mình đi trà đình tửu quán, tụm năm tụm ba với bạn bè. Cuối tuần thì buồn rủ bạn tới nhà nấu ăn, hoặc đến nhà bạn tổ chức ăn uống. Trường hợp đó là để 6 căn có điều kiện tiếp xúc với 6 trần. Giờ không tạo điều kiện cho căn, trần gặp nhau nữa, đừng sợ 6 căn thất nghiệp, cho dù vô phòng đóng cửa, trùm mền thì 6 căn vẫn
làm việc. Tu tập tuệ quán là không để 6 căn đi tìm 6 trần để tiếp xúc nữa, như vậy gọi là làm việc với 6 xúc.
Tu là làm việc với 6 thọ: Cũng giống như trên, ngày xưa, được như vậy thì mới vui, không được thì buồn, bây giờ thì không, đời sống ta chỉ quẩn quanh với những gì diễn ra trong từng phút. Đi biết là đi, ngồi biết là ngồi, ăn uống nhai nuốt tắm rửa, co duỗi biết rõ, buồn vui ghen giận sợ biết rõ... hít vô thở ra biết rõ. Chuyện vui buồn vì được cái này bị cái kia không còn quan trọng nữa. Đó là làm việc với 6 thọ.
Vòng tròn Duyên Khởi là ám chỉ cho một người hoàn toàn không tu hành và không đắc chứng gì. Khi lục nhập tiếp xúc với 6 trần thì có 6 xúc; từ đó có 6 thọ. Từ 6 thọ nảy sinh vấn đề, gặp thích thì đam mê, gặp bất mãn thì phản ứng, như một đứa bé gặp mẹ gặp người thân thì đưa tay đòi ẵm. Nếu gặp cảnh bất toại thì cũng giống đứa con nít trước người lạ, khóc trước rồi đảo mắt tìm xem mẹ hay người thân ở đâu. Chúng ta gặp cảnh ngọt ngào như ý thì thích thú đắm đuối đê mê, gặp cảnh bất toại thì phản ứng rồi sau đó nhớ nghĩ những gì làm cho mình thích; hệt như đứa bé.
Nói trên công thức Duyên Khởi thì có cảm giác mối quan hệ đi theo chiều dọc. Nhưng trong mỗi phút, trong đời sống, dòng chảy Duyên Khởi diễn ra trong đầu mình trùng trùng điệp điệp như một biển lớn chứ không phải là một sợi dây xích theo thứ tự các mắt xích. Ví dụ, tôi đang ngồi đây, tư thế ngồi là lục nhập. Ngay khi tôi ngồi đây, tôi nghe âm thanh nào đó. Muốn nghe thì phải có 6 căn 6 trần 6 thức họp mặt thì mới hoàn tất việc nghe. Nghe - một bản nhạc Bến Thượng Hải chẳng hạn -rồi thì thấy thích. Như vậy, ngay khoảnh khắc ngồi là 6 căn đang có mặt. Khi tiếng nhạc đến tai là ngay lập tức có 6 xúc và 6 thọ. Cũng ngay lập tức ái (thinh ái) có mặt. Sáu thọ ở đây có đây có nhĩ xúc. Nhĩ xúc làm duyên cho nhĩ thọ và thinh ái. Ở mức độ nhẹ thì gọi là ái, mức độ nặng thì gọi là thủ. Vì vậy lục nhập duyên cho xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên thọ, 6 xúc gì, vì đây là hai người lớn. Nhưng nếu đó là hai đứa bé thì lại khác. Đứa bé sẽ nghĩ cục kẹo đó bắt buộc phải thuộc về nó, nó sanh ra đời để ăn cục kẹo đó, để hoàn tất việc xử lý viên kẹo đó, nếu ai ăn kẹo của nó thì nó chịu không nổi. Phàm phu cũng y hệt vậy. Khi không kiểm soát 6 căn, 6 cảnh, 6 xúc, 6 thọ thì khi đối diện với một trần cảnh bất toại; khi nghe ai xúc phạm, chạm nọc thì nổi điên lên và tìm cách trả đũa. Như vậy là đang gieo nghiệp.
Theo trong kinh, do phiền não tác động nên mình buông xuôi cho 6 căn 6 xúc 6 thọ. Khi buông xuôi thì ái có mặt. Ái có mặt ở đâu thì sân có mặt ở kế bên. Vị A-na-hàm không còn thích trong cảnh dục
nên không còn tâm sân, chỉ còn thích trong Thiền. Thích trong Thiền không dẫn đến bất mãn vì cảnh Thiền trước sau như một. Cảnh Dục thì không, chén chè mới múc khác chén chè trong tủ lạnh; hoa còn tươi không giống hoa héo.
Còn thích trong cảnh Dục thì còn phiền não vì cảnh Dục lúc vầy lúc khác. Người trong cõi Dục còn có cơ hội chịu quả xấu đời trước. Còn thích trong cảnh Dục thì còn sinh vào cõi Dục, còn phải chịu cả hai mặt trái và phải của cảnh Dục. Còn sống trong cõi Dục thì còn tiếp xúc với cảnh xấu, thế là có tham và có sân. Nếu không thích trong Dục nữa thì tu thiền Sắc giới, sanh về cõi Phạm thiên Sắc giới, ở đó không có gì làm cho mình bực mình, vì vậy Phạm thiên không có tâm sân, vì Phạm thiên không còn thích cảnh dục nữa. Phạm thiên Vô sắc thì không thấy không nghe gì nữa, chỉ có tâm thức mà không có hình thể sắc tướng. Nếu bà con nào nghe giảng tới đây trước mặt có cuốn sách thì tốt, còn không thì lấy tờ giấy ra vẽ vòng tròn, ghi:
Vô minh (phiền não), vẽ mũi tên ghi Hành (thiện có ác có), duyên cho Thức (vô ký, không thiện không ác), Thức duyên cho Danh sắc đầu đời (vô ký, không thiện không ác), Danh sắc duyên cho lục nhập, là 6 căn là quả của thiện ác đời trước, không phải là thiện ác, 6 căn cũng là vô ký. Lục nhập duyên xúc, bản thân xúc cũng không có thiện ác. Xúc duyên
Thọ, bản thân thọ không có thiện ác. Thọ duyên Ái (phiền não). Ái duyên Thủ (phiền não). Thủ duyên Hữu (thiện, ác và vô ký). Hữu duyên Sanh (vô ký, không thiện, không ác). Sanh duyên Sầu bị khổ ưu não (phiền não). Nhìn vòng tròn Duyên Khởi quí vị sẽ thấy có cái là phiền não, có cái là pháp thiện. Cái nào là thiện và ác thì đó là pháp nhân, còn lại là pháp quả. Như vậy, vòng tròn Duyên Khởi chỉ là dòng chảy của nhân của quả. Trong vòng tròn Duyên Khởi, có cái là phiền não, có cái không phải là phiền não mà chỉ là những mắt xích thừa tiếp lẫn nhau cho thiện ác làm việc. Nhìn vào vòng tròn Duyên Khởi, chỗ nào có bóng dáng của tham thì có Tập để ở đó.
Mọi hiện hữu là khổ vì chúng nằm trong ba khổ. Tập để là sự đam mê trong Khổ đế. Diệt đế là sự vắng mặt của Tập đế. Đạo đế là con đường hành trì đi ngược lại Tập đế. Con đường đó có nhiều cách nói: là Bát Chánh Đạo, là Tam học, là Thất Giác Chi, là Tứ Niệm Xứ, hay là 37 phẩm trợ đạo cũng được. Con số 8 không phải là duy nhất bất di bất dịch. Đức Phật dạy: Này các tỳ kheo, Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát, chấm dứt khổ ưu, thành tựu thánh trí, chứng ngộ Niết bàn; không nhắc gì đến con số 8 cả.
Trong dòng chảy luân hồi có: phiền não luân hồi, nghiệp luân hồi, quả luân hồi.
- Phiền não: Vô minh, ái, thủ.
- Nghiệp luân hồi: (cái nào có chữ thiện ác) 3 hành, nghiệp hữu.
- Quả luân hồi: phần còn lại.
Dòng chảy luân hồi chỉ là sự tiếp nối của nhân và quả. Theo kiểu “kỳ nhông ông kỳ đà, kỳ đà cha cắc kẻ, cắc ké mẹ kỳ nhông”. Kỳ nhông là nhân, kỳ đà là quả. Kỳ đà lại là 1 nhân của cha cắc ké v.V... Tuy nhiên, có nhân là phiền não, có nhân không phải phiền não. Dòng chảy luân hồi không phải là một ai, không phải là sự có mặt của một chúng sinh nào hết mà nó là sự tiếp nối của năm uẩn.
Ngài Xá Lợi Phất gọi dòng luân hồi là sự hoạt động của năm uẩn. Khandhapatipati # khandhapavatti: sự tiếp nối của 5 uẩn, sự hoạt động của năm uẩn.
Sáu căn đời này là quả của 6 ái đời trước, bản thân 6 căn không là thiện ác, nhưng ở người không có tu tập thì chúng là cơ hội cho 6 ái. Sáu ái đời này là điều kiện cho 6 căn đời sau. Sáu căn đời nào cũng là điều kiện cho 6 xúc, 6 thọ, có thể 6 ái, 4 thủ, 2 hữu, tứ sanh, các khổ nói chung.
Bốn thủ gồm dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ.
- Dục thủ: Sự nắm chặt trong năm dục (thích nghe cái này, mùi kia, màu nọ).
- Kiến thủ là sự nắm chặt trong các quan điểm nhận thức sai lầm (thích nghiền ngẫm sách vở và coi kiến thức quan điểm tư tưởng là ghê gớm).
- Giới cấm thủ là sự nắm chặt trong đường lối hành trì (đạo này đạo kia, thờ lửa thờ bò...).
- Ngã chấp thủ là sự nắm chặt trong ý niệm: tôi, của tôi.

Có những người có vẻ không tha thiết trong năm dục, do nhiều nhân duyên chớ không phải họ là người thiểu dục tu hành nhiều kiếp. Có thể do điều kiện của họ không cho phép thấy được những thứ thật sự hấp dẫn với họ.
Trong kinh nói nhiều kiếp Bồ tát không thích phụ nữ vì ngài trên Phạm thiên xuống. Ngài không chịu lấy vợ. Cha mẹ ngài đành để cho ngài thấy ai mà thích thì chọn. Hai ông bà “bày binh bố trận” để cho Bồ tát đi đâu cũng có các cô gái lảng vảng, và cuối cùng thì ngài cũng gặp được người ngài thích, thường thì đó là nàng Yasodhara. Những người trước đó đầu mày cuối mắt nhìn ngang liếc dọc ngài không ưa, trong khi nàng thì kín đáo nói năng cẩn trọng, lại có vẻ không cần. Theo tình tình chạy chạy tình tình theo. Ngài mới bị cuốn hút. Ngài ngộ ra là chàng qua mình chưa tìm đúng đối tượng. Bồ tát phải tu nhiều kiếp nên cái dục mới càng lúc
càng mỏng càng mòn. Đến lúc cuối cùng, năm 29 tuổi, đi dạo của thành thấy bốn cảnh lão, bệnh, tử, tăng, đêm đó nghe tin Yasodhara có con trai đầu lòng. Hăm chín tuổi, tuổi của hoa mộng và tràn trề sinh lực vậy mà nghe tin con chào đời ngài nói: “Rāhu jāto bandhanaṃ jātan”, thêm một sợi dây trói buộc nữa rồi. Lúc đó hầu cận nghe liền mách với vua Tịnh Phạn rằng Thái tử đã nói vậy. Vua nghe mừng rỡ: Hay quá, thế là ta sẽ đặt tên cháu nội của ta tên là Rahula, (nghĩa đen là Sự trói buộc). Có những tên Pali hay lắm, tên ngài Ratthapala dịch ra là Bảo Quốc, thiền sư Uttamasara dịch ra là Chí Tài . Rahula theo tiếng Hán có thể gọi là “Thằng Thúc”(sự trói buộc). Đến kiếp cuối cùng, khi nghe có đứa con đầu lòng ngài không thấy vui. Đêm đó trong cung tổ chức tiệc tùng linh đình. Bao nhiêu trai thanh gái lịch đổ về, rượu thịt ê hề, hoa đăng rực rỡ. Hoàng thân quốc thích, mọi người, no say chè chén rồi ngủ quên. Đêm đó Ngài đi ngang phòng thấy các cô cùng tần đầu hôm lòe loẹt giờ đây nhòe nhoẹt, xiêm áo xộc xệch, tóc tai rũ rượi, nằm không đoạn chính gác lên nhau mà ngủ, mắt mở trừng trừng, ngáy, nghiến răng trèo treo. Nản quá, Ngài dứt khoát phải ra đi. Ngài bước qua phòng nàng Yasodhara thấy hoàng tử Rahula nằm cạnh nàng, ngài nghĩ ngày thành đạo sẽ quay về độ cho hai mẹ con nàng. Ngài quay lưng đi không nhìn lại. Sáng hôm sau, nàng Yasodhara hay tin, một lòng thủ tiết thờ chồng nuôi con, nàng không còn sống như một đệ nhất phu nhân nữa mà cho người tìm vải nâu sòng về mặc và sống giản dị như một nữ tu trong đan viện dòng kín, không còn phấn son trang điểm châu ngọc như thuở nào nữa. Bảy năm sau, ngày Đức Phật trở về cung, thuyết pháp độ cho vua Tịnh Phạn đắc Tu-đà-hoàn. Ngài hỏi: “Có phụ vương ở đây, có di mẫu Gotami ở đây có tất cả mọi người ở đây sao không thấy Yasodhara?” Vua nói Yasodhara không đến và nói nếu Thế Tôn có nghĩ đến nàng thì đến chớ Yasodhara không dám có mặt. Đi bên cạnh Ngài lúc ấy là hai mươi ngàn tỳ kheo, Ngài nói tất cả chư tăng ở lại bên ngoài chỉ có hai vị Thượng thủ và Như Lai vào thẩm cung mà thôi. Ngài dặn hai vị Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên nếu thấy gì cũng lặng yên không can thiệp. Khi đi vào thẩm cung, Ngài thấy chỗ ngồi ngày xưa của Ngài vẫn nguyên vẹn như ngày nào cách đây bảy năm. Mỗi ngày đều có hoa tươi, chỗ ngồi luôn sạch bóng như thể người xưa lát nữa sẽ trở về. Khi Ngài ngồi xuống thì nàng “tóc nhung phủ lấy chân ngài, như lau cát bụi non đoài còn vương.” Nàng phủ phục dưới chân Ngài và khóc. Ngài giảng cho nàng nghe một câu nội dung: “các pháp do duyên mà có, có rồi phải mất; mọi hiện hữu là khổ, mọi đam mê chỉ là đam mê trong khổ, sự vắng mặt đam mê chính là cứu cánh thoát khổ, đi ngược lại tinh thần của niềm đam mê chính là con đường thoát khổ.” Lập tức nàng chứng Tu-đà- hoàn và lùi ngay ra xa. Nàng biết con người đang ngồi trước mặt mình là bậc Đạo sư Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Tử sanh từ phụ, Thiên nhân chi Đạo sư. Nàng có thể chết bao nhiêu lần nhưng không thể nào chạm một sợi tóc vào gót chân của con người này nữa, vì đây là Phật bảo.
Tấm thân của Bồ tát cũng là sáu căn do nghiệp tham ái đời trước tạo ra. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của Ba-la-mật trong suốt hai mươi a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nên giờ đây lục nhập của Ngài là sự hội tụ của ba mươi hai đại nhân tướng, và lục nhập đó đến năm 29 tuổi cảm thấy nhàm chán không muốn tiếp xúc với sáu trần nữa nên bỏ vô rừng, chỉ thấy màu xanh của lá màu vàng của đất và màu xám của đá rừng mà thôi. Lục nhập đó trải qua sáu năm khổ hạnh nơi rừng già Uruyela thì đến năm ba mươi lăm tuổi lục nhập đó vĩnh viễn không còn biết đến sáu ái, vĩnh viễn chia tay bốn thủ, chia tay hai hữu và vĩnh viễn chia tay tứ sanh (noãn, thai, thấp, hóa) từ đó vĩnh viễn không còn sầu bi khổ ưu não.
Bà Gotami, nàng Yasodhara, ngài Rahula, ngài Anuruddha, ngài Ananda cũng vậy. Còn mình thì 6 căn do nghiệp tham ái phiền não đời trước mà có, rồi thì bây giờ tiếp tục là điều kiện cho 6 xúc, 6 thọ, 6 ái; 6 ái tiếp tục là điều kiện cho 4 thủ; 4 thủ tiếp tục là điều kiện cho 2 hữu; 2 hữu tiếp tục là điều kiện cho tứ sanh, và tứ sanh tiếp tục điều kiện cho sầu bi khổ ưu não. Chúng ta như là những con bò khát nước, vục mõm vào trong nồi nước muối. Khát nước nhưng lại uống nước muối, càng uống càng khát. Chúng ta như người bị lác, càng gãi càng ngứa, càng ngứa càng gãi. Chúng ta chạy trốn cái khổ bằng cách đầu tư cái khổ, vì sao vậy, vì do vô minh trong Bốn Đế, không biết rõ mọi hiện hữu là khổ vì chúng nằm trong ba khổ, không biết rõ tất cả đam mê của chúng ta chỉ là đam mê trong khổ, không biết rõ cứu cánh hết khổ là sự vắng mặt nguyên nhân sanh khổ, và càng không biết được rằng con đường thoát khổ chính là đi ngược lại tinh thần Tập đế.
Sư Giác Nguyên