Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

Tử sanh luân hồi miên viễn

 


CHÁNH KIẾN VỀ CUỘC ĐỜI

Dr. Mehm Tin Mon  - TK Pháp Thông dịch 

Nhân và Quả Vòng Tử Sanh Luân Hồi Miên Viễn 

Mười hai yếu tố (mắc xích) tạo thành mười một mối quan hệ nhân quả của Pháp Duyên Sanh có thể sắp thành ba vòng xoay như sau:

(1) Vòng Phiền Não hay Phiền Não Luân: - vô minh, ái, thủ 

(2) Vòng Nghiệp hay Nghiệp Luân: - hành, nghiệp hữu (kamma bhava) 

(3) Vòng Quả hay Quả Luân: - sanh hữu (upapattibhava), thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, già và chết. 

Phiền não luôn luôn ngủ ngầm trong tâm chúng ta, sẵn sàng thức dậy khi các đối tượng giác quan đập vào các căn môn tương ứng (mắt, tai, mũi, lưỡi, tâm) và cảm thọ lúc đó sẽ sanh. 

Vô Minh (avijjā) là sự không hiểu biết về bản chất thực của các đối tượng giác quan, không hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, không hiểu biết về Pháp Duyên Sanh và không hiểu biết về Tứ Thánh Đế. 

Ái (Taṇhā) là khát khao dục lạc và các đối tượng giác quan (sắc, thanh,…), do vô minh làm cho các đối tượng giác quan trông có vẻ như thường, lạc, ngã hay có thực chất, và đẹp trong khi các đối tượng ấy thực tế là vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh hay đáng nhờm gớm. 

Thủ (upādāna) là sự gắn bó hay chấp chặt vào dục lạc và các đối tượng giác quan. 

Vô minh, ái, thủ vận dụng hết sức mạnh và ảnh hưởng của chúng để làm cho các chúng sanh thực hiện các hành nghiệp nhằm hưởng thụ các dục lạc, như sát sanh, trộm cắp tài sản của người khác, lừa đảo tiền của người khác, hiếp dâm hay tà dâm, uống rượu, chích hút xì-ke ma túy, hay làm những thiện nghiệp khác để mong thọ hưởng những dục lạc cao cấp hơn trên thiên giới. 

Trong khoảng thời gian của một hành động bất thiện hàng tỷ tâm bất thiện kết hợp với những tư bất thiện sanh lên và diệt như những hành nghiệp, để lại hàng tỷ hạt giống nghiệp hay chủng tử nghiệp trong dòng tâm thức. 

Tương tự, trong khoảng thời gian của một hành động bất thiện, như bố thí, trì giới, hành thiền cũng có hàng tỷ tâm thiện kết hợp với những tư thiện sanh lên và diệt như những hành nghiệp, để lại hay đọng lại hàng tỷ chủng tử nghiệp trong dòng tâm tương tục. 

Những chủng tử nghiệp bất thiện và chủng tử nghiệp thiện này sẽ cho ra những quả xấu hoặc tốt tương ứng bắt đầu từ kiếp hiện tại này. Vào lúc chết một trong những chủng tử nghiệp mạnh nhất gọi là Sanh Nghiệp sẽ có cơ hội làm duyên cho kiếp sau.

Nếu một thiện nghiệp có cơ hội cho quả, một hiện hữu mới trong cõi an vui — cõi người hoặc cõi chư thiên, sẽ xuất hiện. Nếu một bất thiện nghiệp có cơ hội làm duyên cho hiện hữu mới, hiện hữu ấy sẽ xuất hiện nơi một trong các cõi khổ — địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh hoặc A-tu-la. 

Lại nữa, khi các chủng tử nghiệp tạo ra những hiện hữu mới, vô minh, ái, thủ sẽ đóng vai trò như những trợ lực giống như cách đất, nước, và gió hỗ trợ cho những hạt giống cây để sanh ra những cây mới vậy.

Vì thế các chúng sanh sẽ tái sanh vào những cõi mà họ dính mắc. Chẳng hạn, người Bà-la-môn giàu có tên là Todeyya tái sanh làm chó trong căn nhà của chính ông ta. Tỳ-kheo Tissa tái sanh làm con rệp trong tấm y mới mà vị ấy dính mắc; thiếu nữ Uposathā, người đã giữ giới một cách trong sạch, tái sanh làm một thiên nữ trong Lạc Viên Nandavana trên cõi trời Đạo Lợi, nơi mà cô mong ước được sanh về. 

Khi một hiện hữu mới xuất hiện, vô minh, ái và thủ cũng xuất hiện trong dòng tâm thức mới như những phiền não ngủ ngầm. Khi các đối tượng giác quan đập vào căn môn tương ứng khiến cho Thọ sanh, các Phiền Não sanh trong dòng tâm thức ấy. Những phiền não này sẽ khiến cho hành nghiệp mới và chủng tử nghiệp mới sanh. Với sự hỗ trợ của vô minh, ái và thủ, những chủng tử nghiệp này sẽ tạo ra sự hiện hữu mới, điều này có nghĩa là vòng quả luân lại tiếp tục xoay vào lúc chết. 

Như vậy, vòng luân hồi sẽ duy trì sự xoay chuyển như sau: “phiền não luân → nghiệp luân → quả luân → phiền não luân → nghiệp luân → quả luân,….” Vòng xoay cơ bản nhất là phiền não luân.

Vì thế, bao lâu phiền não còn có mặt trong tâm của các hữu tình chúng sanh chừng đó họ vẫn sẽ thực hiện các hành động với chủ ý có khả năng tạo ra nghiệp và chủng tử nghiệp. Những chủng tử nghiệp này sẽ tạo ra sự tái sanh hay hiện hữu mới vào lúc chết với sự hỗ trợ của vô minh, ái và thủ. Khi tái sanh có mặt thì những phiền não này cũng có mặt như những phiền não ngủ ngầm. Vòng tử sanh Luân Hồi cứ tiếp tục diễn tiến như vậy cho mỗi chúng sanh từ quá khứ vô thỉ cho đến tương lai vô định. 

Luân Hồi Dài Bao Lâu? Bạn Đã Sống Vô Lượng Kiếp Sống 

Này các Tỳ-kheo, cái nào các người nghĩ là nhiều hơn: nước mắt mà các người khóc than trong vòng luân hồi này do phải gần gũi những người mình không ưa và xa lìa những người mình yêu mến - cái này hay nước trong bốn đại dương? Thực sự các người đã đổ nước mắt trong vòng luân hồi này nhiều hơn cả nước trong bốn đại dương vậy. (Anamatagga Saṃyutta, Tiṇakaṭṭha Sutta 394). 

Luân Hồi dài đến nỗi không một người nào không từng có quan hệ đối với chúng ta như cha, mẹ, vợ, chồng, con trai, con gái, cô, cậu,…Vì thế chúng ta không nên có lòng thù nghịch mà phải thân thiện với nhau. (S.ii.189— 190).

Sanh làm người - Một trong những điều quý giá nhất 

1. Năm Điều Rất Khó Gặp: Kiếp sống làm người của chúng ta là quý nhất

Hàng ngày Đức Phật thường nhắc các hàng đệ tử của ngài rằng có năm điều rất khó đạt được và thúc giục mọi người hãy hoàn thành Tam Học (Giới – Định – Tuệ) để tự giải thoát mình khỏi mọi khổ đau.

(1) Trở thành một vị Phật là điều rất khó. Vì thế gặp được giáo pháp của Đức Phật (Sāsanā) cũng là điều rất khó. 

(2) Có được thân người là điều rất khó. 

(3) Phát triển được niềm tin (saddhā) nơi Phật, Pháp, Tăng và luật nhân quả là điều rất khó. 

(4) Xuất gia sống đời một vị Tỳ-kheo là một điều rất khó. 

(5) Nghe được chánh Pháp đúng như Đức Phật đã giảng giải là điều cực kỳ khó. (Sagāthāvagga Saṁyutta, A.225)

Có thể nói, hầu hết chúng ta đã có được bốn hay năm điều khó gặp trên, vì thế chúng ta phải xem kiếp sống làm người của chúng ta là rất giá trị và chúng ta không nên sử dụng sai kiếp người bằng cách sống cẩu thả hay sống chỉ để thụ hưởng các dục lạc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng không nên tự tử vì một hành động không hợp pháp như vậy chứng tỏ là chúng ta đã thất bại hoàn toàn trong cuộc sống. 

Chúng ta phải cố gắng hết sức để tận dụng những cơ hội vàng đã mở ra cho chúng ta này để đạt đến mục đích cao nhất của cuộc sống như lời khuyên của Đức Phật.

2. Cõi người

Về một số phương diện nào đó vẫn tốt hơn các Cõi Chư Thiên. 

Dù kiếp sống làm người và kiếp sống chư thiên cõi trời dục giới cả hai đều được đạt đến bằng qủa của những phước nghiệp thông thường như bố thí, giữ giới hoặc hành thiền. Tuy nhiên dục lạc cõi trời vẫn thù thắng hơn dục lạc cõi người. 

Dục lạc thù thắng hơn có nghĩa là sự hưởng dục sẽ nhiều hơn và sự lơ là trong việc làm phước cũng nhiều hơn. Một số chư thiên mải mê hưởng thụ các dục lạc đến nỗi quên ăn và vì thế họ phải chết. Vì họ lơ là trong việc làm phước, họ có thể phải tái sanh vào các cõi khổ sau khi chết. 







Updating ..........