Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Bát chánh đạo (trích kinh: Phân biệt về sự thật)

 


BÁT CHÁNH ĐẠO

Này chư hiền, thế nào là Khổ Diệt Đạo Thánh Đế?

Đó là Bát Thánh Đạo, ở đây gồm có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Cần, Chánh Niệm, Chánh Định.

Này chư hiền, thế  nào là Chánh Kiến?

Này chư hiền,

Trí tuệ trong Khổ Đế, 

Trí tuệ trong Tập Đế,

Trí tuệ trong Diệt Đế,

Trí tuệ trong Đạo Đế.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Kiến.

Này chư hiền, thế  nào là Chánh Tư Duy?

Ly Dục Tư Duy,

Vô Sân Tư Duy,

Bất Hại Tư Duy.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Tư Duy.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Ngữ?

Sự kiêng tránh vọng ngữ,

Sự kiêng tránh lưỡng thiệt,

Sự kiêng tránh ác khẩu,

Sự kiêng tránh phiếm luận.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Ngữ.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Nghiệp?

Sự kiêng tránh sát sanh,

Sự kiêng tránh trộm cắp,

Sự kiêng tránh tà dâm.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Nghiệp.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Mạng?

Này chư hiền, ở đây vị thánh đệ tử từ bỏ sinh kế tà ác, sống bằng sinh kế chơn chánh.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Mạng.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Cần?

Này chư hiền, ở đây vị tỷ kheo nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm ngăn chặn các bất thiện pháp chưa sanh khởi không cho sanh khởi.

Vị ấy nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm đoạn trừ các bất thiện pháp đã sanh khởi không cho tái diễn.

Vị ấy nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm khiến cho các thiện pháp chưa sanh khởi được sanh khởi.

Vị ấy nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm khiến cho các thiện pháp đã sanh khởi được duy trì, không để tiêu mất, khiến cho được tăng thịnh, phát triển, viên mãn.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Cần.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Niệm?

Này chư hiền, ở đây, tỷ kheo sống quán Thân trên Thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

Sống quán Thọ trên Thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

Sống quán Tâm trên Tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;

Sống quán Pháp trên các Pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Niệm.

Này chư hiền, thế nào là Chánh Định?

Này chư hiền, ở đây, tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với Tầm, với Tứ.

Vị tỷ kheo ấy diệt Tầm, diệt Tứ, chứng và trú Nhị Thiền, một trạng thái hỷ lạc do Định sanh, không Tầm, không Tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Tỷ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Tam Thiền.

Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Tứ Thiền, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Này chư hiền, như vậy gọi là Chánh Định.

Này chư hiền, như vậy gọi là Khổ Diệt Đạo Thánh Đế.

Tôn giả Sariputta thuyết giảng như vậy.

Các tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Sariputta dạy.

(Trung Bộ Kinh, bài 141 - kalama 227)


Chú giải:

CHÁNH KIẾN:

Chánh kiến : Là phân biệt thiện ác thấy được 4 đế và 12 duyên khởi trong từng giây phút thiện ác.
- Bước 1: Hồi chưa biết đạo thì mình chỉ chạy theo thích, ghét, buồn, vui còn có hại mình hại người đời này đời sau thì không thành vấn đề. Cứ kệ nó mà chạy theo 4 chữ đó.
- Bước 2: Biết đạo kiểu sơ cơ thì mình chỉ quan tâm đến thiện ác thôi, cái gì là thập thiện cái gì là thập ác.
- Bước 3: Khi tu tập rốt ráo thì hiểu được rằng thiện, ác đều là nhân sanh tử.
Thiện đưa ta đi cõi lành, ác đưa ta đi cõi khổ. Ở đâu đến mãn thọ thì cũng phải bỏ đó mà đi nơi khác.
Nên hành giả tứ niệm xứ chỉ 1 lòng quan tâm tánh sanh diệt của thân tâm để sanh chán sợ sinh tử.
Phát hiện 1 ác tâm xuất hiện thì biết ngay đây là ác hành trong 12 duyên khởi nhân dẫn đến tâm thức tái sanh về cõi đoạ.
Phát hiện 1 tâm lành thì biết ngay đây là phúc hành (thiện hành) nhân tạo ra thức tái sanh về cõi vui.
Dầu là cõi khổ hay cõi vui cũng là khổ đế. Thích trong cõi nào cũng là thích trong khổ đế, mà thích trong khổ đế chính là tập đế. Trí hiểu được vậy gọi là chánh kiến.

Sư Toại Khanh giảng

CHÁNH TƯ DUY

...Con đường dẫn đến giải thoát Đức Thế Tôn chỉ nói đến tuệ học thôi đó là chánh tư duy gồm có 3:
1. Vô tham tư duy (Ly dục tư duy) : tầm viễn ly (tức là tâm sở vô tham) là không thích thú đam mê trong 6 trần.
2. Tầm vô sân: chính là tâm sở vô sân.
3. Tầm không hại : tức là bất hại tư duy ở đây chính là tâm sở bi ( tức bi tuỳ hỉ trong vô lượng phần của tâm sở).
Tại sao 3 cái này quan trọng, nghe cái tên nó hơi ngộ ngộ nhưng ngẫm lại thì nó đúng bao gồm tất cả là sao ta? Tu hành giải thoát là nhắm đến việc không thích gì (là vô tham), không bất mãn cái gì (là vô sân) và bức hại là không có lòng làm tổn thương xúc phạm chống phá đối đầu với bất cứ người hay vật.
Tôi chỉ ví dụ nhẹ quý vị đừng có lấy đó làm điều : người chơi hoa chơi kiểng thấy chậu hoa lâu ngày không tưới họ nhìn thấy họ cũng xót thì có 2 trường hợp:
1. Là tiếc của.
2. Không nở nhìn thấy 1 sức sống đang bị héo úa tàn phai, đang bị đe doạ 1 sức sống quá đỗi mong manh, họ không nỡ, không cam tâm, không nhẫn tâm.
=>Nói chi là mình nói mình làm 1 động thái gì đó lớn nhỏ để đem lại máu và lệ cho người khác cho chúng sinh khác dầu đó là con ruồi, con kiến, con trâu, con chó, con heo, con dê, con người, nam phụ lão ấu mà mình nói mình làm sao đó cho người ta chảy máu hoặc chảy nước mắt thì mình không có làm. Đối tượng lớn là động vật là chúng sinh, đối tượng nhỏ hơn là vật vô tri thì người tu hành không có nỡ không cam tâm.
- Đó là lý do mà Phật dạy tỷ kheo không đào đất, đốt lửa, chặt phá, chặt đốn cây cỏ lớn bé. Bởi vì không nỡ nhân tâm, có vị nào mà nhà quê nông thôn chắc biết là mình chọt cái xuổng của mình xuống đất nếu thật sự mình là hành giả thường xuyên sống chánh niệm an trú và từ tâm thì khi mình xúc cái xuổng xuống đất và đào lên thì có biết bao nhiêu sinh vật sẳn sàng chết dưới cái lưỡi xuổng dưới cái nhát đào của mình hay không. Nếu mình thật sự sống bằng từ tâm liên tục và thường trực, một từ tâm tràn ngập sung mãn thì mình không nở làm chuyện đó các vị biết không. Đó chính là bất hại tư duy, không nỡ không cam tâm, không nhẫn tâm.
- Còn vô sân tư duy là không bất mãn, bực mình cái gì ở đời dù đó là nội nhẫn hay ngoại nhẫn. Nội nhẫn là chịu được những khó chịu của thân tâm của bản thân mình chịu được. Ngoại nhẫn là những gì ập từ bên ngoài vào như thời tiết nóng quá, lạnh quá, ruồi, muỗi, lời ông tiếng ve, thị phi...từ cuộc đời nhắm vào mình mà mình chịu đựng được.
- Ly dục hay vô tham tư duy có nghĩa khi 6 căn biết 6 trần mình không để mình phải đắm đuối, đê mê, thích thú đối với bất cứ thứ gì, nó chỉ là nó thôi.
Trên nguyên tắc là phải nói như vậy, chứ quý vị đòi hỏi ổng nói như vậy mà ổng đã đắc chưa thì không được. Tôi đang nói nguyên tắc thì phải nói như vậy. Chính 3 cái này gọi là chánh tư duy.
Thật ra chỉ cần có chánh tư duy này là đại diện cho bát chánh đạo rồi nhưng vì căn cơ của người trước mặt nên thế tôn phải nói thêm cái chánh kiến nữa. Đúng ra chánh tư duy mà được tu tập rốt ráo thì phải cần sự hỗ trợ của 7 chánh còn lại. Cái này là Kinh nói chứ không phải tôi nói. Cái này mình được học bên Tương Ưng rồi. Không bao giờ có chuyện 1 người tu cái chánh này mà thiếu 7 cái chánh kia là không có, nếu mà thiếu là tà đạo chứ không phải chánh đạo. Chánh đạo thì phải luôn tuân theo công thức này tức là 1 cho 7 và 7 cho 1.

Sư Toại Khanh giảng