Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Không ai tránh được tuổi già, bệnh tật, cái chết, sự mất mát

 


KHÔNG AI TRÁNH ĐƯỢC TUỔI GIÀ, BỊNH TẬT, CÁI CHẾT, SỰ MẤT MÁT. MỌI THỨ ĐỀU PHẢI KẾT THÚC. LÀ ĐỆ TỬ CỦA ĐỨC PHẬT CÓ HỌC ĐẠO, CHÚNG TA KHÔNG SỐNG TRONG SỰ BI QUAN, SỢ HÃI MÀ PHẢI BIẾT RÕ ĐỂ CÓ SỰ CHUẨN BỊ THẬT TỐT.

Phải thấy và chấp nhận những sự thật đó, không phải để sống bi quan hay sợ hãi hoảng loạn, mà để có những chuẩn bị thật tốt. Tất thảy những chuyên gia cứu hộ trên hành tinh này, cứu hộ hàng không, cứu hộ hàng hải, cứu hộ đường bộ, nhân viên cứu hỏa hoặc những tai nạn lao động xã hội nói chung, tất thảy chuyên gia cứu hộ họ đều có nhận xét giống nhau, trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh, các nạn nhân bình tĩnh luôn có cơ hội sống sót cao hơn những người hoảng loạn thiếu bình tĩnh. Đó là họ không biết đạo. Họ chỉ nói tới chữ thoát thôi. Trong đạo mình thêm một điều nữa, bên cạnh cơ hội thoát nạn, nếu không thoát được, thì cơ hội đi lên của người có chuẩn bị nó vẫn cao hơn là người thiếu chuẩn bị. Là vì mỗi người phải đi đầu thai theo một trong bốn thứ nghiệp sau đây :
1- Trọng nghiệp thiện ác - Garukamma
Gồm những nghiệp thiện ác có khả năng mãnh liệt không thể ngăn chặn được bằng bất cứ một nghiệp nào khác và chắc chắn sẽ cho quả Dị Thục ngay đời kế tiếp.
Trọng nghiệp thiện, là trong đời mình từng làm những việc công đức lớn lao, như cứu mạng nhiều người hay là hộ trì tam bảo bằng những việc làm quan trọng. Giúp người đức độ hoặc ủng hộ tam bảo bằng công đức, những Phật sự quan trọng. Trọng nghiệp bất thiện là mình làm những tội lỗi giết A-la-hán (arahattaghāta), chia rẽ tăng chúng (sanghabhedana) làm thân Phật chảy máu (lohituppāda), giết cha, giết mẹ.
2- Thường nghiệp thiện ác - Acinnakamma
Là những cái nào mình cứ làm hoài, thí dụ như mình là tiểu thương từ năm 15 tuổi là bắt đầu đứng bán hàng tạp hoá với mẹ, cân đong đo đếm, tính tiền suốt nhiều năm như vậy, cả đời cứ buôn bán hoặc cả đời cứ mò cua bắt ốc buôn gian, cả đời cứ bài bạc nghiện ngập chích hút, cả đời đâm heo thuốc chó lừa thầy phản bạn mãi quốc cầu vinh. Cả đời cứ làm những chuyện đó thì gọi là thường nghiệp. Cái gì không cần to lắm nhưng mình cứ làm hoài nó cũng có sức mạnh kinh dị.
3- Khinh thiểu nghiệp thiện ác -Katattakamma
Là những nghiệp thiện ác mình làm lai rai, hoặc lâu lâu làm một lần, mà thường khi ta cũng không nhớ đến.Thí dụ như đi chùa một tháng đi một lần, ba bốn tháng đi chùa một lần, lâu lâu cũng có móc túi ra làm phước chỗ nhà chỗ kia, lâu lâu ai rủ đi câu, đi săn, đi đá gà, ai rủ đi nhậu đi đánh bài cũng đi, ai rủ đi từ thiện cũng đi.
4- Cận tử nghiệp thiện ác -Maranasannakamma
Là trước giây phút lâm chung, tâm mình nó leo lét giống như người chết đuối gặp cái gì chụp cái nấy, đó gọi là nghiệp cận tử. Đừng coi thường nó, thấy nó yếu nhưng quan trọng lắm. Nghiệp cận tử là cái phao cứu sinh hay trái thủy lôi là tuỳ theo mỗi người. Trái thủy lôi là loại trái nổ người ta để dưới nước, trên bờ thì mìn lựu đạn là địa lôi, lúc mình chết đuối gặp cái gì chụp cái nấy, nếu mình chụp cái phao thì khỏe nhưng nếu mình chụp nhầm trái thủy lôi thì coi như game over hết phim.
Nếu ta đã tạo một trong các loại Trọng nghiệp như đã kể thì chính nó sẽ đưa ta đi tái tục ngay kiếp sau ở một cảnh giới tương ứng. Trong trường hợp không có Trọng nghiệp thì Cận tử nghiệp là loại nghiệp có sức mạnh thứ hai. Nên nhớ Cận tử nghiệp luôn chịu một tác động rất lớn từ Thường nghiệp. Nghĩa là tuỳ thuộc vào thói quen thường ngày mà Cận tử nghiệp kia có đủ mạnh để ảnh hưởng đến việc tái sinh của ta hay không.
Kinh kể rằng ở Tích Lan ngày xưa có một vị La Hán tên là Sona. Thân phụ của ngài cả đời là một thợ săn, về già đi xuất gia sống chung chùa với người con trai. Phút cận tử, vị sư già này nhìn thấy Thú tướng địa ngục hiện ra, và dĩ nhiên rất sợ hãi, đem chuyện kể cho con mình là Sona. Vị thánh tăng nhờ người khiêng giường của cha đến bên cạnh ngôi đại tháp của chùa và cho trang hoàng ở đó thật nhiều bông hoa, nhang đèn. Khi nhà sư già nhìn thấy cảnh tượng này rồi khởi tâm hoan hỷ thì hình ảnh Thú tướng kia lập tức biến mất. Thay vào đó là Thú tướng thiên giới và vị sư già được sinh thiên.
Chuyện thứ hai là vua Tích Lan trên Dutthāgamini. Suốt thời bình sinh, vua là một cư sĩ thuần thành rất mực. Lần đó, vua bị đảo chánh và phải lẩn trốn trong rừng sâu, hoàn cảnh cực kỳ bi đát, trong tay chỉ còn lại một bát cơm. Nhưng vua không muốn ăn một mình, cầm bát cơm mà ông cứ thầm mong nhìn thấy được một tỳ kheo đầu Đà nào đó trong rừng để cúng dường. Khi ấy một vị A-La-Hán lục thông đã xuất hiện trước mặt vua, ngay trên hư không. Vua mừng rỡ và cúng hết phần cơm cho ngài. Sau đó biết vua đang đói, vị A-la-hán lúc này đã đi mất nhưng đã dùng thần thông gởi đến vua một bát cơm đầy qua đường hư không để củng cố niềm tin của vua. Về sau cuộc nội loạn chấm dứt, vua lấy lại được ngai vàng và càng hết lòng hộ trì Phật pháp. Vua đã cho xây dựng rất nhiều đại tháp để thờ phụng xá lợi Phật. Tất cả công đức của vua sau đó đã được ghi lại thành sách, tức là cuốn Thūpavamsa là một trong những sử liệu quan trọng bậc nhất của Phật giáo Tích Lan. Sau này, lúc lâm chung, vua được nghe người ta đọc lại bộ sách này và với hồi ức mãnh liệt về chuyện cũ, vua đã sanh về cõi Đâu Suất. Nói vậy có nghĩa là có lúc Cận tử nghiệp có thể là những Thường nghiệp được tái hiện trong giờ cận tử.
Ngài Buddhaghosa có đưa một ví dụ về 4 loại nghiệp trên như sau : Mỗi sáng, khi một chuồng bò được mở cửa thì con bò mạnh nhất hoặc con bò đứng gần cửa nhất sẽ có dịp chạy ra ngoài đầu tiên. Con bò mạnh nhất tượng trưng cho Trọng nghiệp. Nếu không có con bò này thì con bò gần cửa chuồng nhất (tượng trưng cho Cận tử nghiệp) sẽ là con đầu tiên chạy ra. Loại nghiệp thứ ba đứng sau Cận tử nghiệp là Thường nghiệp. Và như đã nói loại nghiệp này cũng có thể biến thành Cận tử nghiệp khi được dàn dựng bối cảnh.
Loại nghiệp yếu nhất đó là Khinh thiểu nghiệp. Tuy nói là yếu nhất nhưng đôi khi nó cũng có thể là Cận tử nghiệp để đưa người đi tái sinh. Đó là trường hợp của hoàng hậu Mallikā. Bà suốt đời là một tín nữ thuần cố đạo tâm, là vị hoàng hậu được sủng ái nhất của vua Ba Tư Nặc (một vị Phật tương lai). Chính bà là người đã nghĩ ra buổi cúng dường Vô Song Thí (asadisadāna) đến Đức Phật, nhưng phút lâm chung bà đã không nhớ gì mà chỉ có lòng hối hận vì đã có một lần nói dối gạt vua. Chuyện đó chỉ là Khinh thiểu nghiệp nhưng cũng đã trở thành Cận tử để đưa bà xuống địa ngục trong 7 ngày (tính theo thời gian nhân loại ) trước khi sanh về cõi Đâu Suất .
Ở đây cũng vậy, lúc mình đang chập chờn leo lét cuối đời, lúc đó một lời kinh tiếng kệ nó lọt vào tai biết đâu đó là một gợi ý để mình theo đó mình đi. Tôi giảng đề tài ra ngoài bài kinh nhưng rất cần thiết. Một vị đệ tử của Đức Phật có học đạo, cho nên biết rõ già bệnh chết không thể nào tránh được, mọi thứ có rồi phải mất đi, mọi thứ đều phải có lúc kết thúc, vị đó thấy rõ biết rõ. Nhưng biết rõ không phải sống bi quan, sống sợ hãi mà để có những chuẩn bị thật tốt.
Sư Giác Nguyên
( chép lại bài giảng của Sư )