Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Lòng tham!


CON NGƯỜI VÀ HÀNH TRÌNH MIÊN MAN CỦA LÒNG THAM

Thói thường khi đã ăn được thịt con gà, con heo, con vịt rồi thì người ta muốn biết qua thịt con dê, con nai, con đà điểu, bò Kobe. Đã qua miệng thịt cá rô, cá lóc, cá nục, cá thu, thì miệng cứ sẵn sàng chờ cá hồi, cá tầm, bò gù đại dương, vi cá mập… Đến thực vật, quen miệng với rau húng, rau ngò, rau muống, rau mồng tơi, súp lơ, bắt cải trắng… là con người cũng chảy giãi khi thấy bắp cải tím, khoai tây, củ dền, rau mùi Nhật, Pháp, rồi cả rau rừng xa xỉ. Mặc dù hàm lượng dinh dưỡng, các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cũng xê dịch tí chút, nhưng tương tự nhau cả thôi. Đến cọng rau con người còn nhu cầu đến vô cùng, huống gì hình thức và tiện ích cho phương tiện đi lại, bộ vó trên người, vật dụng trên tay, căn nhà ở, gái đẹp, trai sang, hay nhu cầu tự hào, danh vọng, hơn thua.

Ăn no rồi đòi ăn ngon. Mặc ấm rồi đòi mặc đẹp. Có ít rồi cần thêm nhiều. Đã đẹp lại hay thích khoe, và càng thích đẹp hơn. Và xấu thì mặc cảm. Giống loài nào làm họ phải mặc cảm?! Vì mặc cảm phải tìm cách bù đắp, hay làm cho hết xấu. Người không đẹp, không giàu thì phải thèm khát được đẹp, được giàu. Cấp độ tăng dần vừa theo bản năng vừa theo ý thức, cảm xúc lẫn lý trí. Chỉ có trong thế giới con người mới sinh chuyện: nghèo người ta khinh, thông minh người ta ghét, xinh đẹp người ta đố kỵ (và bị tranh giành). Cứ thế, loài người trong một vòng luẩn quẩn, và trong qui luật của cấp độ đó, kể từ khi bước ra khỏi xã hội nguyên thủy, sang công xã bộ lạc, vào xã hội bán khai, minh khai, phân chia giai cấp, có nhà nước, rồi tiên tiến, hội nhập. Ngay sự tiên tiến, hay hội nhập cũng hình thành trên những nhu cầu, lòng tham, ganh đua, thành đạt, phân biệt, cướp đoạt. Con người vẫn muốn có nhiều căn nhà dù trong đêm người ta chỉ ngủ trong một căn và trên một giường. Con người cứ cần nhiều kho thực phẩm tích trữ ở nhiều hình thức khác nhau trong ngày dù cơ thể hấp thụ tối đa 2.000 calories (với phụ nữ), và 2.500 calories (với đàn ông) mỗi ngày. Các loài khác không như họ. Các loài khác không tính toán như họ. Các loài khác không có khái niệm tài sản, thừa kế, trách nhiệm, của hồi môn, hay niềm tự hào về dòng họ, đẳng cấp, giàu sang, thành tựu, thành đạt. Nếu khái niệm “động vật bậc cao” và văn minh là độ đo to rộng của chỉ số lòng tham cầu thì con người là động vật bậc cao và văn minh nhất. Các loài khác nghĩ đến việc ăn ở từng bữa, hay nói khác là chỉ tìm ăn khi bụng lép rỗng, đói. Các loài khác chỉ ăn thứ cây, hoặc con hợp với mình, mình cần, còn con người cây gì, con gì cũng ăn. Các loài khác không thích mới và lạ. “Mới” và “ Lạ” sinh ra sự chinh phục, và sự chinh phục chính là chỗ thúc đẩy lòng tham. Tiên tiến là bóc lột, là muốn vượt lên thêm, đạt được nhiều hơn. Được ngụy trang bởi ngôn từ nào thì tiên tiến cũng đi cùng khai thác, mà khai thác là đường đi của tội lỗi, chuyển hóa tích cực sang tiêu cực. Có một sự thực vui đến xót xa là mọi phát kiến quan trọng trên trần gian này suốt lịch sử đã qua đều bắt đầu từ nhu cầu phục vụ sự hủy diệt (chiến tranh, khống chế, cạnh tranh, chiếm đoạt, phụ thuộc, trên-dưới) mà ra, chứ không từ vì sự phúc lạc, thái hòa cho mặt đất.


Các loài khác chỉ ăn đủ no, còn con người lo trữ cho quanh năm, muôn năm, cả đời, và không cho riêng mình mà cho con, cháu, chắt. Các loài khác không sở hữu bất cứ thứ gì trong thiên nhiên, chỉ lấy ra miếng ăn từ của cải của thiên nhiên khi cơ thể cần nạp vào năng lượng. Còn con người cái gì của thiên nhiên cũng muốn sở hữu. Các loài khác chỉ (cần) sống ở (trên) một trảng cỏ, cánh rừng, thung lũng, ngọn núi, con hồ, dòng sông, vòm trời…, còn còn người muốn sống ở tất cả các không gian đó. Các loài chỉ sống với một đặc tính một là gặm một giống cỏ nào đó, hay bắt một con vật nào quen miệng khác trên mặt đất hay đang bay để ăn, còn con người quần thảo bầu trời, xáo tung địa cầu, lật tung lòng đất để thâu tóm cho hết bất cứ cái gì hữu dụng, không ăn tươi được thì để dành, đóng gói, không bỏ miệng được thì chế biến, tận dụng vào việc khác hoặc sáng tạo làm vật dụng, tạo ra của cải, đầu tư cổ phần, cổ phiếu, gửi ngân hàng. Con người cần của cải trong trời đất không chỉ cho cái bụng, mà cho cả cái đầu, ví như niềm tự hào, sự lo toan, hay cuộc hơn thua với bạn bè, xóm giềng, dòng họ, chủng nòi, quốc gia, dân tộc, châu lục này với châu lục kia, chủ nghĩa này với chủ nghĩa nọ, thời đại này với thời đại nọ.

Từ nhu cầu bỏ bụng đến nhu cầu xa xỉ đều phải qua khai bóc thiên nhiên cả. Như cọng rau, con cá đến chiếc xe hơi, hay máy tivi màn hình phẳng. Con người xây lâu đài vinh quang cho mình nên làm khổ mình và vạn vật, thiên nhiên bởi nhu cầu đó. Thượng đế biết vạn vật trong thiên nhiên hữu hạn, nhưng con người thì không thể biết điểm dừng của nhu cầu ở mình. Con người sẽ dùng từ ngữ, khái niệm, những tọa độ phàm phu khác để biện hộ cho tính chính đáng của những nhu cầu mình. Con người có thể là động vật đáng yêu, nhưng chắc chắn là động vật đáng ghét. Con người là động vật bậc cao, giống loài thông minh nhất. Dù xét về thái độ, trách nhiệm và lương tâm với vũ trụ, thiên nhiên, sự bình đẳng giữa các loài thì con người không thể bằng bất cứ loài nào. Con người tự cho mình quyền đứng trên muôn loài. Và con người cũng tự cho mình quyền cứu vớt muôn loài, dù sự thật trần trụi là không loài nào biến mất mà không do con người. Con người biết giống loài mình là loài tàn bạo, thâm hiểm, quái ác nhất. Nhưng con người cũng là loài duy nhất hay rao giảng về đạo lý trước vũ trụ, vạn vật, thiên nhiên. Họ muốn gia đình người khác xài ít thiên nhiên, nhắc nhở con cái nhà khác về ý thức thiên nhiên, nhưng không làm thế ở gia đình mình. Họ muốn quốc gia khác khai thác ít thiên nhiên, không chơi trò sống chỉ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, dầu mỏ, gỗ rừng, nhưng không làm thế ở quốc gia mình. Họ muốn các quốc gia khác đừng làm thủy điện trên các dòng sông, nhưng không làm thế ở quốc gia mình. Họ muốn các quốc gia khác không phát triển công nghiệp súng đạn, xuất khẩu vũ khí, sở hữu hạt nhân, nhưng không muốn thế ở quốc gia mình. Họ muốn phi hạt nhân hóa trên toàn cầu, nhưng không hủy kho hạt nhân ở nước mình, và luôn sáng tạo thêm những thứ vũ khí tối tân khác, và đặt tên tất “văn minh” là “Vũ khí thế hệ mới”, ngay những quốc gia tự nhận là chân chính “Giải phóng loài người”, cứu nguy nhân loại ở thế kỷ XX. Trước thiên nhiên, họ nhìn ngành công nghiệp sản xuất cưa máy ở chiều tiết kiệm nhân công xẻ gỗ, giải cứu sức lao động của con người, nhưng họ không chịu nhìn rừng trên mặt đất nhanh hết đường tồn tại hơn. Họ nghĩ con người luôn có ý thức, lương tâm và kiểm soát được hành vi con người. Thì ra họ không hiểu con người và qui luật không bến bờ của lòng tham.


Lòng tham là bạo chúa. Lòng tham không có nhu cầu tỉnh thức, hay hoàn lương. Lòng tham chấp nhận sự đào mồ tự chôn mình, hơn là trí huệ, tiết chế, chuẩn mực, và lắng nghe, thấu hiểu. Nó nhìn tới chứ không nhìn lui, chấp nhận vực thẳm đang đợi ở đâu đó. Bởi đơn giản, nếu bảo đàm phán, đối thoại, thương thảo, thỏa thuận, thông hiểu nhau là con đường hay nhất, đúng đắn nhất, chính nghĩa và vì con người nhất, thì làm sao vẫn có chiến tranh, và hoài hoài, hàng ngày trên địa cầu này. Vì là con người, nên họ sẽ có cách để đưa ra lý do để nói cần thiết phải chiến tranh, chứng minh tính tử tế, hay ho của hành động giết người, và không chịu trách nhiệm trước cái chết nào, dù con người nào cũng chỉ được một lần duy nhất có mặt ở trên đời.

Sẽ khó có loài nào ích kỷ hơn loài người (Homo Sapiens). Chung qui cũng tại lòng tham, và vì nó có trí tri, coi gia đình mình và sự thành tựu của bản thân quí quá, quan trọng. Nó đang xấu, đang hành ác ngay ở nhận thức tốt này của nó.

Nhu cầu của con người là sự lành mạnh?! Ok, nếu nó không làm tổn hại đến muôn loài, ảnh hưởng đến tương lai, và không làm cho trái đất điên đảo. Tiếc thay, bản chất nhu cầu luôn gia tăng, tha hóa, vô độ, và khó có thể tiết chế. Nhu cầu là lòng tham, nó làm khổ con người, đeo bám con người. Có khi đến lúc chết người ta còn phải tính, lo, chọn chỗ chết, nơi gửi tro xác, tiếng tăm để lại, di sản để lạ, trách nhiệm để lại. Các loài khác không có ý niệm này. Phật bảo, với con người, đời là “bể khổ”, mà gốc của sự “khổ” là ở lòng tham thôi. Từ sau thời hậu kỳ đá mới, sang thời kim khí, quyền sở hữu xuất hiện trong cộng đồng người, là thiên nhiên bắt đầu khốn đốn với con người, và con người bắt đầu gây đau khổ cho nhau. Và như thế, con người ngày càng thẳng tay, thủ đoạn với thiên nhiên – thiên nhiên trở thành vật thí thân cho người. Từ sự thành kính thiên nhiên đã chuyển thành kiểm soát và cưỡng bức thiên nhiên, và vô lễ tuyệt đối với thiên nhiên. Sự nương theo thiên nhiên, thuận hòa theo thiên nhiên không thể còn nữa. Thiên nhiên tròng trành, teo táp, căng thẳng, thoi thóp, yếm thế. Lý trí thế chỗ hoàn toàn cảm xúc thuần hậu nơi con người. Con người luôn mưu tính trước thiên nhiên và trước đồng loại.

Con người thường sa lầy trong lòng tham, mà đặc tính này ở họ có tính di truyền cao, và trong giáo dục họ không bao giờ họ dạy con cháu từ bỏ nó. Họ rất có trách nhiệm với trực hệ, gia đình, nhưng với đồng loại mình thì họ bước qua, đua tranh quyết liệt, giành giật đến cùng. Vì muốn con mình phải hơn con người khác nên con người phải cho con đến các thành phố tiến bộ hơn, hay đi du học nước ngoài trong khi con người khác cứ học ở bản quán. Con người coi người thân mình tính mạng quí hơn người khác nên chữa bệnh cần phải bệnh viện nước khác tiên tiến hơn. Sẽ chẳng có ai đang làm quân vương, quyền thế mà bảo coi khinh thế quyền, uy vũ, uy trí, và sẵn sàng trao nó cho bất cứ ai cần. Cũng như sẽ chẳng có đàn ông nào trên đời này mà không thích gái đẹp. Và chẳng có cô nàng nào không thích những gã giàu sang, tài năng, quyền uy cả. Ngay những cái thích tưởng bình thường, rất “người” này, cũng là một thứ lòng tham thôi.


Sẽ không bao giờ có chuyện dừng lại hay chừng mực với nhu cầu ở con người. Vì các “ác” thường đi với sự “có trí”, nhất là cái trí không hướng vào sự thiện lành, và khi nó được vận động trên cơ sở đặc tính lòng tham cố hữu. Giữa thập niên thứ Hai của thiên niên kỷ thứ Ba này con người vẫn phát triển trong sự phàm phu vô độ đó. Trong lẽ bình đẳng của các loài trong thiên nhiên thì đặc tính của giống loài người thuộc về “tính xấu”. Nếu có một sự bình đẳng về ngôn ngữ dưới vòm trời là có thật ở dương gian thì loài người dĩ nhiên sẽ bị các loài còn lại chỉ trích, kết án, luận tội sòng phẳng, rất dữ. Rất may cho con người là các loài không chung ngôn ngữ và hệ tư duy, nhưng rất đau thương cho thế giới tự nhiên là chỉ có xã hội loài người mới có phạm trù gia đình, cộng đồng, dòng dõi, quốc gia, nhà nước, dân tộc, tổ chức xã hội, Châu lục, Liên hiệp quốc của giống loài “động vật bậc cao”.

Vì thế mà suốt hơn 2.560 năm nay Phật giáo vẫn cứ tồn tại sáng ngời, khi chỉ ra lòng tham chính là nan đề đầu tiên, vấn đề chủ yếu của con người, cõi người (ở trần gian), dù ở lịch sử và thời đại nào. Và chỉ cho hành trình để con người giải thoát mình là hành trình từ bỏ lòng tham. Không phải đơn giản mà trong bất cứ tôn giáo nào điều giới luật đầu tiên đưa ra đều là từ bỏ lòng tham, tránh tham lam, gọi là Giới luật. Thực hiện được “Ngũ giới” trong Phật giáo và “Mười điều răn” như trong Kitô giáo là từ bỏ được lòng tham đó thôi. Nhưng phàm đã là người, “bỏ cái tham” là khó và khổ nhất. Bởi thế mà ngay cả những người xuất gia, chỉ tập trung cho việc hành đạo, đảnh ngộ, dâng hiến, dấn thân, tức đi tu, vẫn cũng rất khó khăn, vật vã để vượt qua, và rất ít người vượt qua được muôn nỗi sân si, tham hận, ước muốn phàm phu đặc tính của giống loài người mình kia. Không phải ai đi tu cũng viên thành, buông bỏ và giải thoát được mọi thứ. Chúa, Phật, Nhà tiên tri Mohammad đều khuyên dạy con người sống tốt với người, không tham, không làm điều xấu ác nhưng mấy con chiên, tín đồ của các Ngài trong hành trình làm người của mình hành sự và sống được như vậy đâu. Họ vẫn kẹt trong những tục lụy, nhu cầu thế tục, lòng tham đặc tính người ấy. Tôn giáo nào trên dương gian cũng chỉ cho con người cách thức để làm người tốt là sống tử tế trước thiên nhiên cả. Nhưng con người, với bản chất sinh học và bản chất phàm tục của nó vẫn cứ làm ngược lại.


Vì vậy, mà các tôn giáo có lý do để tồn tại, như suốt mấy ngàn năm qua, để nói những điều mơ ước của con người, xá tội cho con người, vỗ về con người, an ủi tội lỗi chúng sinh. Nó tồn tại để hàng ngày nhắc nhở con người tránh xa lòng tham, hành thiện lành, tránh điều xấu dữ, yêu thương thay cho tranh chấp, đố kỵ, hận thù. Các giáo hội luôn có “việc” để làm. Các Nhà thờ, Nhà chùa, Thánh đường… ngày càng nhiều hơn, dày đặc hơn, trên khắp mặt đất, nhưng thiên nhiên vẫn ngày càng rên siết trước con người, và con người vẫn làm đau khổ qua lại nhau ngày càng dữ hơn, rộng hơn. Vũ khí liên lục địa ngày càng chế tạo ra tối tân và nhiều hơn, phổ biến hơn. Những cách đe dọa và giết người ngày càng khủng khiếp hơn. Xã hội người nào cũng nhiều tranh chấp, dối gian, tham lam, bạo lực, độc tài, cường quyền, bất công ngày càng nhiều trên trái đất này. “Quyền lực tuyệt đối là tha hóa tuyệt đối” thôi. Con người ngày càng có vẻ tốt với nhau hơn là tốt thực với nhau. Con người ngày càng hại nhau, ác với nhau là chính, chứ các loài khác thì nào hại con người, tranh đoạt của con người. Ngay cả trong việc quản trị nhau, con người cũng phải dùng phương thức gia tăng sự hung hãn. Ai nghĩ rằng một kiểu Nhà nước như IS vẫn có thể xuất hiện trong thế giới mà ta gọi là hiện đại này, và nó vẫn qui tụ được người theo. Ai nghĩ rằng đã có đến hơn ba trăm ngàn người chết trong vòng năm năm bạo lực trên một xứ sở nhưng người quản trị xã hội ở nơi đó, Bashar al – Assad vẫn quyết liệt giữ ghế Tổng thống và thuyết phục được nhiều nơi rằng mình vẫn là chính quyền chính nghĩa, yêu con người, phụng sự bá tánh, dù chỉ cần ông ta từ chức là không phải chết thêm ai nữa. Sinh mạng nhân dân trở thành củi để họ đốt, và rao giảng là hy sinh vì đại nghĩa, ái quốc, tinh thần dân tộc. Vì lòng tham mà đây đó xuất hiện những quốc gia sẵn sàng dùng nguồn nước mà trời xanh tạo ra để làm “con tin”, bắt những quốc gia khác run sợ, phụ thuộc mình, và sẵn sàng tiêu diệt một vùng châu thổ trồng lúa làm nhiệm vụ nuôi sống con người cho nhiều quốc gia. Vì lòng tham mà khi quốc gia cốt lõi truyền thống lâu đời là du mục như Trung Quốc, chứ không phải biển, nhưng khi mạnh lên sẵn sàng tranh cướp thô bỉ lãnh hải của các quốc gia có truyền thống biển khác như các dân tộc, quốc gia Đông Nam Á hải đảo, mà chẳng mảy may đến khái niệm đạo lý và danh dự, không sợ lẽ trời, hay dư luận thế gian phán xét. Họ chửi Đế quốc, Thực dân nhưng rồi dùng “Chủ nghĩa đại đồng” đó để xâm chiếm, ức hiếp, hù dọa các nước xung quanh, thu vén mọi lợi lộc từ Chủ nghĩa đại đồng đó riêng cho dân tộc mình. Họ đang thực hiện một thứ Chủ Nghĩa Thực Dân Mới tinh vi, âm thầm đưa dân nước mình (và giãn dân) đến bằng kinh tế từ Châu Á sang Châu Phi mà kẻ dốt nhất trên thế gian này cũng nhận ra. Họ chẳng bảo đang làm “Giấc mộng Trung hoa” đó sao. Có quốc gia, lại vì lòng tham riêng nào đó, nỗi đau khổ nào đó, mà sẵn sàng nhắm mắt im miệng hoặc thậm chí ủng hộ những hành động xâm lăng bất chính kiểu này. Vì lòng tham mà nước Nga với chỉ chưa đầy một trăm năm mươi triệu dân với diện tích lãnh thổ mênh mông kéo dài trong ngày đến mười một múi giờ vẫn muốn nuốt, đè ảnh hưởng của mình lên những quốc gia xung quanh khác. Đến mức đến giờ trên thế giới văn minh mọi thứ đều vỡ rõ ra cả, mà họ vẫn tự hào về giai đoạn Xô Viết là giai đoạn dân tộc Nga vẻ vang hùng mạnh nhất trong lịch sử của họ, dù giai đoạn này làm thế giới máu đổ, chết người nhiều nhất và các nước xung quanh mất quyền tự do làm người nhất. Khi Xô Viết tan rã, các quốc gia, dân tộc khác được sống lại với vị trí bình thường, độc lập vốn có của mình thì họ vẫn tiếc vì mất đi giai đoạn hào quang trong nội thân dân tộc. Thử trưng cầu ý dân các nước Đông Âu ngày nay xem có bỏ phiếu để chọn sống như thời Xô Viết hay không là biết liền. Hàng triệu người tỵ nạn bần hàn từ Syria, Bắc Phi diễn ra suốt ba năm qua, cả thế giới vất vả và đau đầu, nhưng nước Nga lẫn Trung Quốc không nhận lấy một người. Họ có lòng nhân ái, yêu thương Con người?! Vì lòng tham mà Bắc Triều Tiên tên nước là Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên nhưng đến giờ người đứng đầu quốc gia vẫn chơi kiểu truyền nối ngôi từ đời ông sang đời cháu; không để nhân dân được mở mắt, bang giao với nhân quần thế giới, và quản lý xã hội thì ngày càng tăng tính hung dữ; thắt cái bao tử nhân dân lại để tập trung tiền chế tạo vũ khí hạt nhân hù dọa các nước gần xa bằng tên lửa ấy và duy trì cái quyền cai quản đất nước. Phẩm giá nơi từng con người đã khó với từng người đó trong hành trình đi tới, huống gì phẩm giá cho quốc gia, đạo đức của quốc gia. Tất cả đều đặt khái niệm “phẩm giá” cho lòng tự hào, tự tôn của cộng đồng riêng của họ chứ không phải “phẩm giá” trước Mẹ vũ trụ, thiên nhiên. Những khế ước về đạo đức và lương tâm luôn thất bại, nó đu dây theo lòng tham con người, và tồn tại trên chóp lưỡi, đầu môi, nghị sự, hội nghị thượng đỉnh, diễn đàn, xã giao.


Thiên tai, thảm họa nơi mặt đất ngày càng nặng nề hơn. Dịch bệnh (lạ) ngày còn nhiều hơn không phải lỗi của thiên nhiên, trời đất. Trời đất che chở con người, con người dùng vô độ, ra tay quá sức. Suy thoái khắp nơi, ô nhiễm khắp nơi, sự đe dọa đang hiện hữu khắp nơi. Từ trời xanh đến mặt đất, và trong lòng đất, lòng nước đại dương, mặt nước sông hồ đều rên siết. Chưa bao giờ sinh thái, thiên nhiên, và không gian trần thế mỏng manh như bây giờ. Cũng chưa bao giờ con người lại bất an, tâm hồn xao động như bây giờ.

Con người mà, giống loài ưa đưa ra lý thuyết về cái đẹp và đạo đức trước thiên nhiên lẫn đồng loại, nhưng ít khi thực hành thực sự, hay nói khác thực hành kiểu chơi game, và đều vật vã. Con người hay lập đền thờ cọp nhưng chính họ hay bắn cọp. Con người bảo dân tộc mình hiền lành, cao cả, ý thức, văn minh cao, nhưng ở đó dân chúng rất thích mài sừng tê giác đưa từ rừng Phi Châu đến để uống rượu tăng sinh lý nhục dục cho giường chiếu. Con người hay cúng sông, cúng núi, cúng rừng, nhưng chính họ ngăn sông, nạo núi, cạo rừng. Dân tộc nào cũng lấy mặt trời, mặt trăng, những loài cây, loài con đẹp đẽ, cao quí nhất là nguồn gốc của mình, nhưng cư xử với các chủ thể kia, Mẹ thiên nhiên thì như cứ xử với nô lệ, hoặc gái điếm.

Cứ như dưới vòm trời này, tất cả vạn vật là trò chơi của con người. Sau khi đã phá trái đất ra tương, con người rủ nhau bàn cách cứu lấy nó. Nhưng cuộc hội nghị thượng đỉnh COP này COP nọ bao giờ chả là những cuộc mặc cả về trái đất giữa các nhóm người lý trí. Đến lúc nhận ra các vùng châu thổ sắp ngập trong nước biển dâng họ vẫn cứ cò kè. Đến lúc băng đang kỳ tan khủng khiếp ở vùng Bắc cực, Nam cực thì người ta vẫn đưa tàu phá băng, vũ khí tối tân đến đấy để thị uy, tranh nhau quyền kiểm soát và phân chia vùng giá lạnh này. Có quốc gia ký xong thỏa ước Paris rồi lại rút một cách trơ trẽn. Có quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất cho trái đất, và chẳng bao giờ chân thành trong việc cứu trái đất nhưng cứ đóng vờ ký ngay vào thỏa ước kia. Cùng nhau diễn kịch trên Trái đất. Trái đất thành cái sân khấu cho con người. Chủ nghĩa dân tộc, niềm kiêu hãnh quốc gia biến hành tinh muôn loài chung sống thành “con tin” của con người. Quê hương của Chúa chưa bao giờ hòa bình, sau 2.017 năm Chúa xuất hiện. Quê hương của Phật sau 2.600 năm còn bị quốc gia nọ hăm dọa khủng bố, quốc gia khác hăm he lấn át biên giới, khống chế, gây ảnh hưởng. Hậu duệ ở quê hương Chúa, Phật giờ cũng lao vào sản xuất tên lửa siêu đạn đạo để tự vệ cộng đồng mình trước giống loài của mình. Hậu duệ của đức Mohammad ở Trung Đông vẫn chia ra làm nhiều nhánh tâm linh lẫn quyền lực thế tục, và tranh nhau chi phối sức mạnh lẫn quyền lãnh đạo trong vùng, coi dân như cừu. Loài người chưa bao giờ thật sự tử tế với nhau, cho dù sống dưới bóng của Phật, Chúa, hay Thánh Allah, và hàng ngày chắp tay lạy, cúi đầu hay làm dấu thánh. Càng vào giai đoạn sau con người càng chồng chất tội lỗi với tạo hóa. Càng đi vào xã hội mà loài người gọi là “hiện đại” con người thực chất càng man rợ, tham ác hơn tiền nhân, máu lạnh, lý trí hơn, nhưng vẫn dùng mỹ từ để “văn minh” để nói về loài mình. Càng ngày con người càng hay dùng nhiều đến từ Nhân Bản, mà con người có còn biết không rằng “Nhân Bản” tức là Tính người gốc, bản chất thiện lành là phẩm chất mà lúc ban đầu, khởi đầu con người từng có đó thôi. “Nhân bản”, xa quá, nên nhớ. “Nhân bản”, không còn, nên cần, nhắc, khuyên, gọi, mong, đợi.

Nếu xem nhu cầu của con người là sự bình thường thì sự tham tàn với thiên nhiên cũng là điều bình thường sao!? Ở cực nghiêm túc, thấu triệt, rằng chỉ khi chúng ta sòng phẳng trước trời đất và chỉ rõ bản chất tồi tệ của giống loài chúng ta thì khi ấy ta mới chân thành với tạo hóa, công bằng trước tạo hóa, và may ra mới thay đổi tâm thế và hành vi, dù về thực tiễn điều này sẽ rất khó. Lòng tham là thứ khó bỏ nhất, cho dù là lòng tham nào mà. Tiết chế lòng tham đã là hành trình vật vã, đầy thách thức với con người chứ đừng nói từ bỏ mọi thứ tham. Các tôn giáo sẽ vẫn tồn tại bên cạnh con người, vì không bao giờ kết thúc lòng tham và tội lỗi ở con người trên thế gian này. Tôn giáo là sản phẩm quái gở chỉ có trong cộng đồng người, loài người nghĩ ra, chứ các loài khác thì không – họ quá hiểu con người, vì con người quá chênh vênh trước tội lỗi từ lòng tham của mình nên cần mãi. Các loài khác không hành hạ thiên thiên và không làm đồng loại mình dằn vặt, tang thương, đau khổ như con người. Giống loài ở “bạc” nhất trên trái đất là giống loài tôi, Homo Sapiens.


Các tôn giáo đều có “Mùa chay”, Tuần chay”, “Ngày chay”, “Giờ chay”, “Ăn chay” để nhắc nhở con người về ý thức, tiết chế lòng tham, ít nhất qua ăn uống. Nhưng “tuần”, “mùa” kia lại cho thấy cái bao trùm phàm phu mới là cái chủ yếu trong sinh hoạt của con người, trong ngày, trong năm, đời người, kiếp người. Nếu biện hộ cho con người thì theo cách nào đây? Ừ, thử nhé, rằng bản chất sinh học, động vật, loài thú của con người không có tội. Chỉ nhu cầu, bản chất, “tính người” kia thì có tội thôi.

Các cộng đồng người tinh tấn trên thế gian, mà ta gọi là Nhà nước, Chính quyền, các tổ chức toàn cầu, nhân loại, thế giới, Liên hiệp quốc, nếu sáng suốt thì điều thực tiễn phải làm là tìm cách kiểm soát, quản lý, điều tiết, ngăn chặn, hạn chế, lèo lái được lòng tham của con người, soạn luật chơi phù hợp với đặc tính tham của giống loài, chứ đừng kêu gọi từ bỏ, không có lòng tham, không còn lòng tham. Lòng tham, tính tham nó vẫn sừng sững mãi thôi giữa dương gian, trời đất này. Còn con người thì còn lòng tham. Con người còn thì không bao giờ hết tranh chấp, chiến tranh, tham vọng, nhu cầu thành đạt, thành tựu, tự hào, tự ái, mặc cảm, kiêu hãnh. Con người còn thì không bao giờ thiên nhiên không đau khổ. Rằng con người cũng từng muốn (mới chỉ là muốn) chan hòa với nhau, hướng đến chủ nghĩa đại đồng, rồi dễ dàng quay lại liền chủ nghĩa dân tộc, xích động dân tộc chủ nghĩa, ở mọi quốc gia. Con người muốn hướng đến toàn cầu hóa, nhưng ngay đấy trỗi dậy với chủ nghĩa bảo hộ, dân tộc chủ nghĩa. Con người cứ luẩn quẩn, dối lừa nhau mãi, và chắc chắn sẽ mãi mãi như thế, vì đó là loài không thể từ bỏ lòng tham.

Chỉ có một thứ Chủ nghĩa duy nhất đúng trên đời đó là tính Thiện, Lành, và loài người chỉ cần hướng vào mỗi điều đó. Nhưng con người thì phải kẹt ở lòng tham. Tính Thiện, Lành luôn khó khăn và bất khả với con người.

Vũ trụ, Thiên nhiên biết con người là đứa con hư, nhưng không thể bỏ nó, vẫn thừa nhận nó là một giống loài, vẫn thương nó. Con người biết hết bản chất mình, song vẫn vận hành mình theo trục xấu đó, và không thể khác. Con người đau khổ, vì tính tham của mình. Để vào ngày tàn đời, ai trong họ cũng muốn được thanh thản, như nghe vang lên thanh âm từ đôi lời kinh Phật, kinh Koran, kinh Thánh, lướt qua cái biểu tượng mù mờ không thật của từ bi hỉ xả, bác ái, giải thoát nơi của nhà chùa, nhà thờ, thánh đường, cộng đồng.


Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Bản chất & con đường giác ngộ


BẢN CHẤT VÀ CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ

Nếu hiểu theo tâm lý học và nhận thức luận thì giác ngộ là một quá trình chuyển hóa. Trước hết là sự chuyển hóa về tri thức: ngu muội được thay thế bằng tuệ giác. Thứ hai là sự chuyển hóa tình cảm: thái độ sợ hãi và lo âu được thay thế bằng sự an tịnh và vô uý; đau khổ bằng hạnh phúc. Thứ ba là sự chuyển hóa trong thái độ: chấp thủ được thay thế bằng ly tham. Thứ tư là sự chuyển hóa trong cách cư xử: sự tước đoạt được thay thế bằng sự ban cho; lười biếng bằng năng động; sự phá hoại bằng sự tạo ra.

* * *



I. TỔNG QUÁT VỀ GIÁC NGỘ

Phật giáo, bắt đầu bằng kinh nghiệm giác ngộ của đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Sakyamuni Buddha), là con đường hay phương pháp (magga) để đạt đến sự giác ngộ thành Phật. Phật (Buddha) có nghĩa là người giác ngộ, người tỉnh thức hoàn toàn khỏi các ràng buộc và chấp thủ của thế gian; và sự giác ngộ (bodhi) là sự tỉnh thức về các hiện hữu và đời sống bằng nhãn quan của lý nhân duyên. Là một người tỉnh thức, những pháp môn hay lời dạy của Ngài đều hướng đến sự giác ngộ (bodhi) hoặc sự tỉnh thức viên mãn (sambodhi), không có gì có thể xem là ngang bằng.

Bằng những nỗ lực chân chánh của bản thân thông qua con đường thiền định và quán chiếu, Đức Phật đã trở thành một bậc giác ngộ tối thượng đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Sau khi tự mình thực chứng con đường giác ngộ, đức Phật đã hướng dẫn chúng sanh một cách thiện xảo và vi tế những kinh nghiệm giác ngộ của Ngài và con đường đã đưa Ngài đến mục đích đó. Giáo lý của đức Phật do đó được xem là giáo lý giác ngộ hay con đường đưa đến giác ngộ.

 


II. NỘI DUNG CỦA GIÁC NGỘ

Khái niệm giác ngộ trong đạo Phật bao gồm nhiều nghĩa tuỳ theo ngữ cảnh mà nó xuất hiện. Trong bài viết này, người viết xin trình bày sơ lược một số nội dung quan trọng về bản chất giác ngộ trong Phật giáo, thông qua kinh nghiệm hay con đường giác ngộ của đức Phật được phản ánh trong kinh điển Pàli.



1. GIÁC NGỘ LÀ SỰ ĐẠT ĐƯỢC BA MINH

Con đường tuệ giác trong Phật giáo được thể hiện bằng kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật. Theo kinh điển Pàli, kinh nghiệm chứng đắc của đức Phật được ghi nhận bằng sự ngộ nhập bốn thiền sắc giới (rùpajjhànàni), kế đến Ba Minh (tevijjà) trong ba canh liên tiếp của một đêm (Trung Bộ Kinh I, 41ff, 521; II, 817ff). Kinh Sa Môn Quả (Trường Bộ Kinh I, 93ff) hàm ngụ ý rằng sự đạt được Ba Minh là kết quả cuối cùng của đời sống phạm hạnh. Nhiều bài kinh trong Trường Bộ Kinh và Trung Bộ Kinh cũng lập lại quan điểm này. Sự nghiên cứu về nội dung của các kinh này cho phép chúng ta đi đến kết luận rằng quá trình giác ngộ tối thượng (sambodhi) của Phật cũng như những giai đoạn cuối cùng của quá trình đưa đến quả A-la-hán được hiểu đồng nhất với sự đạt được Ba Minh.

Kinh nghiệm đạt được mỗi minh này được kinh mô tả như sau: "vô minh lần lần bị tiêu diệt hết, minh hay ánh sáng tuệ giác phát sanh" (Trung Bộ Kinh I, 54-57). Ba minh bao gồm:

(i) Túc mạng minh (pubbe nivàsànussati ~nà.na): là tuệ giác hay trí nhớ đến nhiều đời sống quá khứ của bản thân từ những nét đại cương cho đến chi tiết.

(ii) Thiên-nhãn-minh (dibbacakkhu hay sattàna.m cutùpapàta~nà.na): trí tuệ nhận biết được sự sống và chết của chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.

(iii) Lậu-tận-trí (àsavakkhaya~nà.na): trí tuệ thấy rõ về hiện thực của khổ và lậu hoặc, nguyên nhân sanh khởi của chúng, trạng thái an lạc do vắng mặt chúng, và con đường dẫn đến sự chấm dứt chúng. Đây là loại tuệ giác cao nhất mang lại sự giải thoát hoàn toàn cho hành giả.

Dòng kinh nghiệm thực chứng tuyệt vời này được diễn tả trong kinh như sau:

"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, ta dẫn tâm hướng tâm đến lậu tận trí. Ta thắng tri như thật: "Đây là khổ," thắng tri như thật: "Đây là nguyên nhân của khổ," thắng tri như thật: "Đây là khổ diệt," thắng tri như thật: "Đây là con đường đưa đến khổ diệt," thắng tri như thật: "Đây là những lậu hoặc," thắng tri như thật: "Đây là nguyên nhân các lậu hoặc," thắng tri như thật: "Đây là các lậu hoặc diệt," thắng tri như thật: "Đây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt." Nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: Ta đã giải thoát. Ta đã thắng tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa." (M. I. 23, 249; MLS. I, 29, 303; Trung Bộ Kinh I, 57, 543).

Minh đầu tiên mà đức Phật chứng ngộ là sự tuệ tri về chuỗi tái sanh hay những đời sống quá khứ của chính Ngài trong ba cõi. Nói cách khác, tái sinh là một khía cạnh của luân hồi (sa.msàra). Sự hiện hữu của các chúng sanh ở hiện tại là một phần của một sợi chuỗi chưa bị bẻ gãy của sanh già chết và tái sanh mà chúng đang tiếp diễn từ vô lượng kiếp trong quá khứ. Sự hiện hữu này cần phải được nhận thức bằng trí tuệ để không chấp thủ có thể khởi lên trong tương lai. Nhờ vậy con đường giải thoát luân hồi được chấm dứt.

Minh thứ hai là sự khám phá ra những tác dụng về luật của nghiệp (P. kamma ; S. karma), vốn chi phối đời sống của chúng sanh xuyên suốt quá khứ hiện tại và vị lai. Đây cũng là một khía cạnh bổ xung khác của thuyết luân hồi. Nói cách khác nhờ sự chấm dứt các hoạt động tạo nghiệp, hành giả từng bước tiến đến sự chứng đắc Niết-bàn.

Minh thứ ba xuất hiện cuối cùng, như là hệ quả tự nhiên của hai minh trước. Sự xuất hiện của nó rất chắc chắn và mạnh mẽ để phá vỡ những cơ sở cuối cùng của luân hồi. Nó được giải thích như là sự hiểu biết về thực tại liên quan đến Bốn Chân Lý Cao Thượng hay Tứ Thánh Đế (Tương Ưng Bộ Kinh V, 613).

Kinh nghiệm thực chứng ba minh của đức Phật được Ngài tuyên bố bằng một bài thi kệ rất ấn tượng và cô đọng:



Lang thang bao kiếp sống

Ta tìm nhưng chẳng gặp,

Người xây dựng nhà này,

Khổ thay, phải tái sanh.

Ôi! Người làm nhà kia (tham ái)

Nay ta đã thấy ngươi!

Người không làm nhà nữa.

Đòn tay (thân) ngươi bị gãy,

Kèo cột (phiền não) ngươi bị tan

Tâm ta đạt tịch diệt,

Tham ái thảy tiêu vong.

(Kinh Pháp Cú, kệ 153, 154)

Như vậy, sự giác ngộ của đức Phật là sự nhận ra bản chất về sự hiện hữu của con người, sự hiểu biết về nhân và quả của con người và thế giới. Mục đích của sự giác ngộ là sự giải thoát khỏi những nỗi đau khổ trong sinh tử luân hồi và sự đạt được hạnh phúc hoàn toàn, Niết-bàn.



2. GIÁC NGỘ LÀ TUỆ TRI VỀ TỨ DIỆU ĐẾ

Nhìn từ một góc độ khác, sự giác-ngộ có thể được xem là sự tuệ tri về Bốn Chân Lý Thánh hay Tứ Diệu Đế (P. Cattàri Ariya Saccàni; S. Catvàri Àrya-Satyàni) [Tương Ưng Bộ Kinh V, 614]. Tứ Diệu Đế bao gồm thực trạng đau khổ của mọi hiện hữu hay khổ đế (dukkha ariya sacca), nguyên nhân gây ra các đau khổ của hiện hữu hay tập đế (dukkha samudaya ariya sacca), trạng thái vắng mặt toàn bộ khối đau khổ hay diệt đế (dukkha nirodha ariya sacca) và con đường thánh đưa đến sự chấm dứt mọi đau khổ hay đạo đế (dukkha nirodha gàmini-pa.tipadà ariya sacca).

Tuệ tri về bốn chân lý cao thượng là thấu rõ bằng trí tuệ rằng (i) sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, cầu không được là khổ; nói chung, năm thủ uẩn là khổ; (ii) tuệ tri được nguyên nhân của khổ là tham ái, yếu tố dẫn đến tái sanh; (iii) tuệ tri được trạng thái vắng mặt toàn bộ tham ái và đau khổ (Niết-bàn), và (iv) tuệ tri được con đường Thánh Đạo Tám Ngành là con đường giải thoát đau khổ (ariya-a.t.thangika-magga) [Trung Bộ Kinh I, 115-116].

Kinh điển ghi chép rằng tiến trình giải thoát của đức Phật được khởi đi bằng sự tuệ tri về bản chất đau khổ của đời sống thế tục; kế đến là tâm hạnh kiên quyết muốn thoát khỏi tình trạng thế tục của cuộc sống đau khổ đó, và sau cùng là sự chứng đạt Niết-bàn bằng con đường thiền định về bốn chân lý thánh (Trung Bộ Kinh I, 366f; Tương Ưng Bộ Kinh II, 185f; Tăng Chi Bộ Kinh I, 260f). Sau một quá trình dài tu tập đầy những thử thách, cuối cùng đức Phật đã thành công: tuệ tri trọn vẹn nguyên nhân của tất cả khổ (Khổ-tập) và con đường đưa đến sự diệt khổ (Khổ-diệt-đạo), và chứng đạt Niết-bàn (Pàli: nibbàna; Sanskrit: nirvà.na). Sự tuệ tri đó được kinh điển định nghĩa là sự giác ngộ (bodhi) (Trung Bộ Kinh I, 373f). Đức Phật tuyên bố: "Chính trong cái thân dài một tầm có tưởng có ý này, Ta tuyên bố thế giới, nguyên nhân của thế giới, sự đoạn diệt thế giới và con đường đưa đến sự đoạn diệt thế giới (Tương Ưng Bộ Kinh, I. 145-146).

Thế giới ở đây không chỉ đơn thuần là thế giới ngoại tại, mà được dùng để chỉ cho tất cả những gì chịu sự biến hoại (Tương Ưng Bộ Kinh IV, 96).

Thật rõ ràng để thấy rằng Tứ Diệu Đế biểu thị một phương pháp thực nghiệm tâm linh hay khảo sát một đối tượng như chúng thật sự là: thấy một đối tượng, xác định nguồn gốc của nó, biết chắc tình trạng vắng mặt của nó như thế nào, và các phương pháp để đạt được trạng thái đó. Tứ Diệu Đế còn được sánh ví với tiến trình của y học trước một căn bệnh: chứng bệnh, nguyên nhân gây bệnh, trạng thái lành bệnh, và những phương thuốc chữa trị. Cũng vậy, Đức Phật như một vị lương y về sự tu tập tinh thần (Tăng Chi Bộ Kinh II, 692; IV, 49) đã chỉ rõ cho chúng ta thấy về bốn giai đoạn của một quá trình thực nghiệm tâm linh, vượt thoát khỏi mọi đau khổ: nhận chân rõ bản chất khổ của những sự vật ở đời, xác định nguyên nhân phát sinh những sự khổ ấy, trạng thái vắng mặt đau khổ, và những phương pháp diệt trừ đau khổ.

Bốn sự kiện trên là những sự thật muôn đời mà tất cả nhân loại và các loài hữu tình trên hành tinh này và các hành tinh khác phải công nhận. Do vì tính không thể bị phủ định đó mà bốn sự kiện này được gọi là bốn chân lý thánh hay cao thượng (ariya sacca). Cả bốn sự kiện trên nên được xem quan trọng như nhau trong một sự nối tiếp hợp với logic. Nghĩa là sự chứng đạt Niết-bàn sẽ không thể thành tựu nếu con đường Niết-bàn không có mặt. Tương tự nếu không nhận ra nguyên nhân của đau khổ thì sự vắng mặt của khổ không thể có được. Nếu khổ chưa diệt trừ thì Niết-bàn không thể chứng đạt được. Nhưng vì trên thực tế, đau khổ là một hiện thực không thể phủ định. Nguyên nhân của chúng phát xuất từ nhận thức và hành động thiếu khôn ngoan của con người. Niết-bàn là trạng thái vắng mặt toàn bộ đau khổ và Bát chánh đạo là con đường đưa ta thoát khổ. Do đó, đức Phật dạy rằng Tứ thánh đế cần được nhận thức như sau: thực tại đau khổ cần phải liễu tri (pari~n~neyya), nguyên nhân gây ra đau khổ cần phải được diệt trừ (pahàtabba), trạng thái vắng mặt hoàn toàn đau khổ cần phải chứng ngộ (sacchikàtabba), và con đường thoát khổ cần phải được tu tập (bhàvetabba) (S. V, 420; Tương Ưng Bộ Kinh V, 612-613).

Không chỉ có giá trị hạn cuộc trong tiến trình thực nghiệm tâm linh, hướng đến giải thoát, nguyên lý nhận thức của Tứ Diệu Đế này còn được xem là công thức áp dụng chung cho tất cả mọi vật được nhận thức (Tương Ưng Bộ Kinh II, 33-34). Nghiên cứu mọi sự vật theo phương pháp này, hành giả sẽ có thể trừ diệt được những mê lầm của mình và thấy sự vật một cách chân thật. Sự thấy biết như thật đó được gọi là chánh tri kiến (sammàdi.t.thi) hay minh kiến (vijja). Trong Phật giáo, sự chứng đắc được tri kiến này cũng được xem là đạt được mục đích tối thượng, giải thoát mọi đau khổ tức là Niết-bàn (Tương Ưng Bộ Kinh II, 34).

Lại nữa, Tứ Diệu Đế cần phải được tuệ tri với ba chuyển (tipariva.t.tam) và mười hai hành tướng (dvàdasàkàram). Ba chuyển là ba tri kiến tương ứng liên hệ đến mỗi Đế của Tứ Thánh Đế, tạo nên tất cả mười hai hành tướng. Tri kiến đầu tiên là nhận ra mỗi Đế như nó là (sacca~nà.na, thị chuyển). Tri kiến thứ hai là nhận ra cái gì nên được làm về mỗi Đế (kicca~nà.na, khuyến chuyển): sự thật về hiện trạng đau khổ cần phải hiểu rõ, nguyên nhân gây ra đau khổ cần phải được tiêu trừ, trạng thái vắng mặt toàn bộ đau khổ cần phải được chứng ngộ, và con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ cần phải được tu tập. Tri kiến thứ ba là nhận ra sự hoàn thành của cái gì nên được làm (kata~nà.na, chứng chuyển). Đức Phật tuyên bố về điều này như sau:

Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thời này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không đã chứng tri được vô thượng Chánh Đẳng Giác.

Và cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng tri rằng ta đã đạt được vô thượng Chánh Đẳng Giác.

(Tương Ưng Bộ Kinh V, 613-614)

Nói cách khác, sự giác ngộ là chánh tri kiến về Tứ Diệu Đế.

 


3. GIÁC NGỘ LÀ TUỆ TRI LÝ NHÂN QUẢ

Trong Câu-xá Sớ Giải (Ko’savyàkhyà, VI, 4), Tứ Diệu Đế được đặt dưới hai đầu đề: nhân và quả, hay thế gian và xuất thế gian (luân hồi và Niết-bàn). Chân lý thứ nhứt và thứ hai như là thực trạng đau khổ và nguyên nhân gây ra đau khổ. Chúng tiêu biểu cho hệ nhân quả thuộc phạm vi luân hồi (sa.msàra) hay thuộc về thế gian (loka). Chân lý thứ ba và thứ tư như là trạng thái vắng mặt toàn bộ đau khổ và con đường dẫn đến tình trạng thoát khổ tiêu biểu cho hệ nhân quả của Niết-bàn (nibbàna, nirvà.na), thuộc xuất thế gian (paraloka). Hai chân lý đầu tiên được xem như là đặc tính hóa của luân hồi (sa.msàra) vốn chứa đầy những lậu hoặc (P. àsava ; S. à’srava), và hai chân lý cuối cùng như đối lập với hai chân lý đầu không còn lậu hoặc (P. anàsava ; S. anà’srava) hay giải thoát khỏi lậu hoặc. Tóm lại, Tứ Diệu Đế nhằm trả lời những câu hỏi sau đây:

1. Nhân của luân hồi là gì?  Xin trả lời là tham ái (ta"nhà), phiền não (P. kilesa; S. kle’sa) và vô minh (avijja).

2. Quả của luân hồi là gì?  Xin trả lời là đau khổ hay không toại nguyện (dukkha).

3. Nhân của Niết bàn là gì?  Xin trả lời là sự tu tập con đường chân chánh (magga)

4. Quả của Niết bàn là gì? Xin trả lời là sự chấm dứt của tham ái, phiền não và vô minh.

Nói cách khác, giác ngộ là Tri Kiến về Lý Nhân Quả. Đó là tuệ tri được bất thiện, căn bổn bất thiện, tuệ tri được thiện và căn bổn thiện (Trung Bộ Kinh I, 112). Mười ác nghiệp là bất thiện, tham sân si là căn bổn bất thiện. Mười thiện nghiệp là thiện, không tham sân si là căn bổn thiện.



4. GIÁC NGỘ LÀ TRI KIẾN LÝ DUYÊN KHỞI

Trong Tứ Thánh Đế, Thánh đế thứ nhất và thứ hai là thuộc về Lý Duyên Khởi (Paticcasamuppàda) (Tăng Chi Bộ Kinh I, 318). Lý duyên khởi được hiểu như sự hoạt động trên tất cả sáu hình thái của chúng sanh còn trong vòng luân hồi (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, a-tu-la và trời) và trong ba cõi: dục giới (kàmadhàtu), sắc giới (rùpadhàtu) và vô sắc giới (arùpadhàtu). Lý Duyên Khởi này được Đức Phật tuệ tri ngay sau khi Ngài chứng đạt được giác ngộ vô thượng (Kinh Phật Tự Thuyết 1 & 2).

Lý Duyên Khởi (P. paticca-samuppàda, S. pratìtya-samutpàda) là nguyên lý tương thuộc tương đối của tất cả mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này, từ vật hữu hình cho đến vô hình, từ vật chất đến tâm lý. Tính cách tương thuộc của hiện hữu được mô tả bằng tính điều kiện tương đối như sau:

Do cái này có mặt, cái kia có mặt.

Do cái này sanh, cái kia sanh.

Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt.

Do cái này diệt, cái kia diệt.

(Tương Ưng Bộ Kinh II, 55-56, 119, 171; Trung Bộ Kinh II, 453; III 222).

Trong mối liên hệ với hiện hữu luân hồi của các chúng sanh trong ba cõi sáu đường, lý duyên khởi được hiểu là mười hai mắc xích nhân duyên (nidàna), liên hệ một cách tương thuộc với nhau trong cách sau đây:

Do vô minh (P. avijjà, S. avidyà) có mặt nên hành (sankhàra, sa.mskàra) có mặt; do hành có mặt nên thức (vi~n~nàna, vij~nàna) có mặt; do thức có mặt nên danh sắc (nàmarùpa) có mặt; do danh sắc có mặt nên lục nhập (salàyatana, .sa.dàyatana) có mặt; do lục nhập có mặt nên xúc (phassa, spar’sa) có mặt; do xúc có mặt nên thọ (vedanà, vendanà) có mặt; do thọ có mặt nên ái (ta"nhà, t.r.s.nà) có mặt; do ái có mặt nên thủ (upàdàna) có mặt; do thủ có mặt nên hữu (bhava) có mặt; do hữu có mặt nên sanh (jàti) có mặt; do sanh có mặt nên già và chết (jaràmara.na) có mặt. Do già chết có mặt nên vô minh có mặt.

(Tương Ưng Bộ Kinh II, 10; Tăng Chi Bộ Kinh I, 318).

Và như vậy, cái duyên khởi trở lại từ đầu. Cứ như vậy mà luân chuyển bất tận trong luân hồi từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Trong tiến trình thực nghiệm tâm linh, hướng đến giải thoát, đức Phật nhấn mạnh đến ba duyên, đó là, sự khắc phục vô minh, ái và thủ. Loại bỏ được ba nhân duyên này hành giả tu tập sẽ chắc chắn bẻ gãy cái vòng mắc xích luân hồi và nếm được quả vị giải thoát của Niết-bàn.

Tưởng cũng nên lưu ý rằng vì là tính duyên khởi có điều kiện, khái niệm vòng chuyền luân hồi không có nghĩa cho rằng vô minh là mắc xích đầu tiên của sinh tử. Bởi lẽ, đạo Phật không thừa nhận có một nguyên nhân đầu tiên sanh ra các nguyên nhân còn lại. Do đó, vô minh không phải là không có nhân, cũng không phải là nguyên nhân thứ nhất. Vô minh do các lậu hoặc (àsava) làm nhân. Kinh nói rằng: "Từ tập khởi của lậu hoặc, có tập khởi của vô minh, từ đoạn diệt của lậu hoặc có đoạn diệt của vô minh." (Trung Bộ Kinh I, 127). Nói cách khác, tính tương thuộc của mười hai mắc xích có thể bắt đầu bằng mắc xích tham ái (ta.nhà), hay thậm chí bằng đồ ăn (àhàra). Có bốn loại đồ ăn: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. (Xem Tương Ưng Bộ Kinh II, 27-29, 180-185). Những mắc xích nhân duyên này di chuyển trong một cái vòng không có sự bắt đầu tuyệt đối, và không có liên quan đến thời gian hay không gian. Do vậy chúng ta thấy Lý Duyên Khởi của Phật giáo không giải thích nguồn gốc thế giới mà chỉ là để xác nhận sự vật ở đời do nhân duyên mà sanh ra. Công thức Lý Duyên Khởi này cũng được dùng để chứng minh rằng thế giới vì hiện hữu một cách tương đối nên không có vật nào có một thật thể bất biến. Nói cách khác, theo Phật giáo nếu thế giới và mọi vật có một thật thể thì thực thể đó chính là nguyên lý duyên khởi tương thuộc hay còn gọi là "y tha duyên khởi tánh" (Idapaccayatà Paticcasamuppada) (Trung Bộ Kinh I, 375). Có nghĩa là những sự vật của thế giới hiện hữu đều phụ thuộc nhau. Do vậy, nguyên lý duyên khởi được xem là chìa khóa đưa đến chân lý. Nói khác hơn, khi nào hành giả chứng ngộ được sự thật của chân lý này thì vị ấy thấy được "sự thật" của mọi hiện hữu trên đời. Với lý do trên, Đức Phật đã đồng hóa sự tuệ tri về duyên khởi với thấy được Phật và chánh pháp:

"Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi. (Trung Bộ Kinh I, 422).

Chính công thức này trả lời vấn đề đời sống con người (Tương Ưng Bộ Kinh II, 46) và thế giới, vốn được chúng sanh chấp thủ hoặc là có (atthità) hoặc là không có (natthità) như là hai cực đoan đối lập nhau (Tương Ưng Bộ Kinh II, 37, 140).

Đức Phật không chỉ là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã khám phá ra sự vận hành của mắc xích mười hai nhơn duyên này mà Ngài còn là người đầu tiên đã làm chủ được chúng trong đôi tay của Ngài và Ngài đã chặt đứt chúng thành từng mắc xích rời rạc để chúng sẽ không bao giờ có thể trói buộc Ngài vào cảnh khổ đau trong ba cõi sáu đường nữa. Do vậy Ngài đã được giác ngộ, và sự giác ngộ của Ngài là giác ngộ về nguyên lý duyên khởi của các pháp.

Tóm lại, giác ngộ là tri kiến về Lý Duyên Khởi xuyên qua Tứ Thánh Đế. Tuệ tri mười hai nhân duyên, về sự tập khởi của mười hai nhân duyên (do cái này khởi nên cái kia khởi), về sự đoạn diệt của mười hai nhân duyên (do cái này diệt nên cái kia diệt), và về con đường đưa đến đoạn diệt của mười hai nhân duyên (con đường Thánh Đạo Tám Ngành) (Trung Bộ Kinh I, 117-128).

 


5. GIÁC NGỘ LÀ THẤY RÕ BA PHÁP ẤN

Với tuệ tri về Tứ Diệu Đế cũng như tuệ tri về Lý Duyên Khởi, người tu tập sẽ thấy rõ ba chân lý nền tảng (Tilakkhana) của mọi hiện hữu đó là vô thường (anicca), khổ (dukkha), và vô ngã (anatta). Chúng sanh và những đối tượng của thế giới chỉ là hiện hữu tương quan và vì vậy chúng là vô thường sanh diệt và nguồn gốc của khổ. Ngoại trừ sự giác ngộ và Niết-bàn, không có gì mà không bắt nguồn bằng chuỗi nguyên nhân và điều kiện. Cái gì là khổ đều là trống rỗng, vô ngã, không ngã, không ngã sở hữu, không thể làm theo ý ta muốn (Trung Bộ Kinh III, 100; Tương Ưng Bộ Kinh IV, 97). Sau khi thấy như vậy, nhàm chán (nibbada) khởi lên trong tâm của hành giả. Do nhàm chán nên ly tham (viràga) xuất hiện. Do có thái độ ly tham nên hành giả được giải thoát (vimutti). Đỉnh cao của tiến trình tu tập này là giải thoát tri kiến (vimutti~nà.nadassana) hay sự giác ngộ hoàn toàn (sambodhi). (Tương Ưng Bộ Kinh III, 155)



6. GIÁC NGỘ LÀ THẤY ĐƯỢC LÝ VÔ NGÃ

Như kết quả tất yếu của Lý Duyên Khởi, Đức Phật tuyên bố rằng, không thể có một thực thể thường hằng và không thay đổi kể cả ngã, và tất cả hoặc bất cứ cái gì thuộc về những thành phần của con người hay ngoài con người, vật chất, tinh thần hay hiện tượng, không thể được xác định với cái ngã thường hằng, vì, trong trường hợp đó, nó do duyên hợp và cũng sẽ chịu sự biến hoại. Những thành phần của con người chỉ là một hiện hữu tạm thời, do đó con người không nên chấp thủ chúng và không nghĩ về chúng bằng thái độ "cái này là của tôi" (eta.m mama), "cái này là tôi" (eso’ ham asmi) và "cái này là bản ngã của tôi" (eso me attà) [S. IV. 2ff; Tương Ưng Bộ Kinh IV, 82].
Đức Phật nhận ra rằng yêu thương ngã là nguyên nhân chính của khổ đau trần thế, và cách tốt nhất để loại bỏ chấp ngã này là tri kiến rằng không có cái ngã thường hằng. Quan điểm về cái tôi là nguồn gốc của mọi đau khổ của kiếp nhân sinh. Đi ngược lại khuynh hướng tôn trọng bản ngã của thế gian, giáo lý của đức Phật cho rằng mọi sự vật kể cả chúng sanh là vô ngã và mọi thành phần của một con người vốn tuỳ thuộc vào luật duyên khởi. Không có bất cứ một vật gì trong con người hay ngoài con người mà không chịu luật phổ biến này.


 

7. GIÁC NGỘ LÀ TUỆ TRI CÁC PHÁP LÀ KHÔNG

Khái niệm "không" (P. su~n~natà, S. sùnyatà) trong Phật giáo hoàn toàn không phải là cái không trống rỗng. Nó là một thuật ngữ được dùng chỉ sự vắng mặt của ngã (Tương Ưng Bộ Kinh IV, 97; Trung Bộ Kinh III, 100). Từ định Lý Duyên Khởi, mọi sự vật hiện tượng xuất hiện, tồn tại và hoại diệt rồi trở thành cái khác v.v. . . đều được hình thành bằng chuỗi các điều kiện tương duyên. Nghĩa là chúng chỉ là hiện hữu trong mối tương quan do duyên sanh. Chúng dường như chỉ "thật" trên mặt "hiện tượng" nhưng "không thực" ở "cứu cánh." Khi nhận thức được các pháp là vô ngã, hành giả sẽ nhận ra được tánh không của các pháp. Không (sùnyatà) là đứng hay vượt lên "trên" hai phương diện khẳng định và phủ định, hiện hữu và không hiện hữu, tồn tại hay hoại diệt.



8. GIÁC NGỘ LÀ TRI KIẾN NHƯ THẬT

Từ một cách tiếp cận khác, giác ngộ trong Phật giáo còn có nghĩa là sự tuệ tri về bản chất "như thị" của mọi sự vật (P. yathàbhùta-~nà.nadassana, S. yathàbhùta.m-j~nànadar’sana). Nghĩa là nhìn sự vật đúng như bản chất của chúng là, mà không hề có thêm vào bất kỳ mọi áp đặt, thuộc tính nào lên bản thân chúng. Kinh điển Đại thừa, nhất là kinh Pháp Hoa đã triển khai một cách rốt ráo thái độ nhận thức đúng với bản chất của sự vật thành nguyên lý "thập như thị" đó là: (i) như thị tánh, (ii) như thị tướng, (iii) như thị thể, (iv) như thị lực, (v) như thị tác, (vi) như thị nhân, (vii) như thị duyên, (viii) như thị quả, (ix) như thị báo, (x) như thị bổn mạt cứu cánh. Giá trị đạo đức của cách nhìn sự vật đúng với bản chất của chúng là, nằm ở chỗ nó giúp cho hành giả không chấp thủ vào thế giới ngoại tại và thế giới cảm xúc và phản ứng của chúng. Nhờ vậy hành giả có thể sống ung dung tự tại trong đời, vượt thoát khỏi mọi trói buộc. Một khi trói buộc không còn, tâm hành giả sẽ giải thoát và sự giải thoát đó được thực hiện bằng trí tuệ.

 


9. GIÁC NGỘ LÀ HÀNG PHỤC MA QUÂN THAM, SÂN, SI

Theo đức Phật, sáu căn của chúng ta và những đối tượng của chúng là đang rực cháy với ba ngọn lửa của tham (lobha), sân (dosa) và si (moha). Mục đích của con đường thực nghiệm tâm linh trong Phật giáo là làm thế nào để dập tắt những ngọn lửa đó. Học thuyết về ba ngọn lửa được đề cập đầu tiên trong bài pháp thứ ba của đức Phật, The Adittapariyàya Sutta (Dictionary of Pàli Proper Names, trang 247) hay Kinh Bị Bốc Cháy (Aditta Sutta trong Tương Ưng Bộ Kinh IV, 33-40). Thuật ngữ màra được dùng trong văn học Pàli với nghĩa bóng hơn là nghĩa đen của từ này. Ma ở đây không có nghĩa là ma quỷ hay ác ma như trong các kinh Jataka đã huyền thoại hoá, mà nhằm ám chỉ cho "sự chết" (Tương Ưng Bộ Kinh I, 283; Kinh Pháp Cú, kệ 46, 47, 48, 287; Kinh Tập, kệ 357, 587 v.v…) và quan trọng hơn là các phiền não (kilesa) (Kinh Tập, kệ 166; Pháp Cú, kệ 37, 276, 350). Trong ngữ cảnh đó, khái niệm giác ngộ ở đây cũng không có nghĩa là chiến thắng ngoại ma, bọn ma quân bên ngoài, mà là chiến thắng các tên giặc lậu hoặc và phiền não trong tâm (Trung Bộ Kinh I, 360; Kinh Tập, kệ 425-449).

Kinh điển Pàli đã liệt kê ra mười đội quân ma quan trọng mà mọi hành giả tìm kiếm giác ngộ phải kiên cường đấu tranh để tiêu diệt chúng. Đội quân thứ nhất là dục, thứ hai là bất lạc, thứ ba là đói và khát, thứ tư là tham ái, thứ năm là hôn trầm thùy miên, thứ sáu là sợ hãi, thứ bảy là nghi ngờ, thứ tám là dèm pha ngoan cố, thứ chín là lợi danh cung kính danh vọng, và thứ mười là tự đề cao mình, hủy báng kẻ khác (Kinh Tập, kệ 436-439). Những đội quân ma này cư trú trong tâm của con người, ngăn chặn sự giác ngộ của hành giả. Sự xuất hiện của Ma quân trước giờ phút Đức Phật đạt được sự giác ngộ vô thượng chính là sự xuất hiện của mười tên giặc phiền não vừa nêu mà đức Phật đã chiến thắng nhờ thiền định. Khúc khải hoàn đó được đức Phật và các vị A-la-hán phát biểu trong minh thứ ba đó là tri kiến về sự chấm dứt toàn bộ các lậu hoặc (lậu tận trí).

Do đó, đấu tranh với ma quân là sự nhiếp phục tâm tư, chế ngự các phiền não (kilesa), dẹp trừ các chướng ngại tâm (nìvara.na) vốn ngăn chặn con đường đến giải thoát. Kinh điển mô tả rằng đức Phật đã chiến thắng được những đội quân ma này bằng gươm trí tuệ (Kinh Tập, kệ 443; Pháp Cú, kệ 40). Như vậy có thể nói sự giác ngộ chính là hàng phục ma quân trong tâm, dập tắt lửa tham sân si, đoạn tận các kiết sử, giải thoát sanh y (những nguyên nhân đưa đến tái sanh), nhận ra Niết-bàn an tịnh.

 

III. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN SỰ GIÁC NGỘ

Nếu Đức Phật là một con người giác ngộ, không phải là Thượng đế hay đấng tạo hoá, thì những gì Ngài giác ngộ được và thực hiện được, dĩ nhiên những người khác cũng có thể đạt được và làm được. Nhưng đạt được bằng cách nào? Câu trả lời đơn giản là hãy mạnh dạn đặt từng bước chân vững chắc lên con đường xa xưa mà đức Phật đã đi qua.

Đó là con đường: nhận chân đau khổ như một thực tại, truy ra nguồn gốc của đau khổ, cảm nhận trạng thái vắng mặt đau khổ và thực hiện con đường thoát khổ đó. Đó là con đường dẫn đến sự chấm dứt của khổ, từ thế giới của sự sanh đến thế giới vô sanh, từ mê mờ đến tỉnh thức.

Kinh điển chép rằng sau khi từ bỏ hai cực đoan: sự đắm say trong các dục (kàmasukhallikànuyoga) và sự tự hành khổ mình (attakilamthànuyoga), đức Phật đã kiên quyết đi theo con đường Trung Đạo (majjhimà pa.tipadà), đó là con đường thánh gồm tám ngành (Tương Ưng Bộ Kinh V, 611). Con đường này được tóm gọn trong ba đặc tính: giới (sìla), định (samàdhi) và tuệ (pa~n~nà) [Trung Bộ Kinh I, 660). Con đường thánh tám ngành bao gồm chánh kiến (sammà di.t.thi), chánh tư duy (sammà sankappa), chánh ngữ (sammà vàcà), chánh nghiệp (sammà kammanta), chánh mạng (sammà àjìva), chánh tinh tấn (sammà vàyàma), chánh niệm (sammà sati), và chánh định (sammà samàdhi) (Tương Ưng Bộ Kinh V, 612 và nhiều kinh khác).

Những phương pháp tu hành này được chia thành ba nhóm thanh tịnh (tisikkhà), đó là: (i) tuệ học (pa~n~nà) tức gồm chánh kiến và chánh tư duy, (ii) giới học (sìla) tức gồm chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, và (iii) định học (samàdhi) tức gồm chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định (Trung Bộ Kinh I, 660). Con đường giác ngộ của một bậc hữu học gồm có tám chi phần như vừa nêu, trong khi đó, con đường của bậc A-la-hán gồm có mười chi phần vốn gồm tám chi phần trên cộng với hai chi phần mới là chánh trí (sammà ~nà.na) và chánh giải thoát (sammà vimutti) (Trung Bộ Kinh III, 245; Tăng Chi Bộ Kinh IV, 563).

Do vậy, ba vô lậu học trở thành bốn vô lậu học bằng sự thêm vào của giải thoát học (vimutti) (Tăng Chi Bộ Kinh I, 550-551, 703; II, 271), hay có thể trở thành năm vô lậu học bằng sự thêm vào của giải thoát tri kiến (vimutti ~nà.nadassana) (Tăng Chi Bộ Kinh II, 747).

Chánh Kiến là yếu tố quan trọng nhất trong Phật giáo (Trung Bộ Kinh III, 238). Về phương diện lịch sử, Phật giáo đã bắt nguồn từ sự giác ngộ tối thượng của đức Phật dưới cây bồ-đề tại Bodhgaya. Về phương diện nhân quả, có thể nói rằng Phật giáo bắt đầu có hình dạng khi hoàng tử Siddhattha, vị Phật tương lai, chứng kiến ba hiện tượng của đời sống: một người già, một người bệnh, và một người chết. Xuyên qua cảnh trạng này Ngài nhận ra chân lý của khổ (dukkha), chân lý đầu tiên của Tứ Diệu Đế, và sự nhận ra này không gì ngoài Chánh Kiến hay là quan điểm chân chánh (Sammà di.t.thi), bước đầu tiên của con đường Bát Thánh Đạo.

Chính chánh kiến hay là nhận thức chân chánh (Sammàdi.t.thi) này đã thúc giục Ngài sớm từ bỏ đời sống thế tục, để tìm kiếm ba chân lý còn lại, đó là nguyên nhân của khổ, Niết-bàn và con đường thoát khổ. Sau sáu năm tu tập với nhiều thử thách, cuối cùng Ngài đã đạt được giải thoát tri kiến (Vimutti~nà.nadassana). Quá trình giác ngộ tối thượng, vì vậy, bắt đầu với chánh tri kiến (Sammàdi.t.thi) và chấm dứt với giải thoát tri kiến (Vimutti~nà.nadassana). Giải thoát tri kiến cũng còn hiểu đồng nghĩa vơi sự giác ngộ hoàn toàn (Sammàsambodhi), mức độ tuệ giác cao nhất mà một hành giả có thể chứng đạt được. Sau khi thực hiện thành công con đường cứu khổ độ mê, đức Phật đã tuyên bố rằng: "Xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ." (Trung Bộ Kinh I, 318). Và Ngài cũng tuyên bố rằng học thuyết của Ngài chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. (Ud. p.56; Kinh Phật Tự Thuyết, trang 352)

Chánh tri kiến (sammàdi.t.thi), nhận thức giác ngộ đầu tiên, cần phải được tu tập và tích tụ bằng sự giúp đỡ từ bên ngoài cũng như trí tuệ của vị ấy (Trung Bộ Kinh I, 644). Quan điểm giác ngộ này là nền tảng chủ yếu cho người đệ tử thu thập và phát triển để giải thoát chính mình ra khỏi vòng luân hồi. Nó là sự nhận chân được ba bản chất hay đặc tánh của đời sống (tilakkha.na) đó là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) (Trung Bộ Kinh I, 313-315, 510-511).

Sự biết này làm giảm đi các thái độ ngã mạn "tôi là" các thái độ chấp thủ (abhijjà) "của tôi là" cũng như sự hiềm hận (vyàpàda). Trong con đường thánh tám ngành, chánh kiến đưa đến chánh tư duy và theo cách ấy đưa đến chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Những thành tựu tâm linh chẳng hạn như sự an tịnh của tâm có thể giúp vị hành giả thoát ra khỏi sự chi phối của thế gian, hướng đến thái độ sống ly tham và giải thoát (Trung Bộ Kinh I, 316).

Sự giác ngộ hay tri kiến đưa đến giải thoát tối hậu là biểu hiện về sự chứng đạt cao nhất của đời sống phạm hạnh. Đó là chánh trí (~nà.na) hay thánh tuệ (pa~n~nà). Trong luân hồi (sa.msàra) nó tạm không hiện hữu, do vô minh (avijjà) hay sự vắng mặt của tri kiến đúng đắn. Nhờ có nó mà chúng sanh tìm ra được sự giải thoát. Nói cách khác, nhờ vào sự hiện hữu của trí tuệ mà quá trình luân hồi của một cá nhân thông qua sự vận hành của các lậu hoặc (àsava) bị chặt đứt hay tiêu diệt hoàn toàn (Trung Bộ Kinh II, 300).

Đến đây, vị thánh đệ tử đã hoàn thành con đường giải thoát gồm mười chi phần.
Tuy nhiên, có một số kinh cũng đề cập đến sự giác ngộ như là kết quả tất yếu của các pháp môn khác ngoài Tám chánh đạo. Chẳng hạn Tương Ưng Bộ Kinh chép rằng nhờ sự tu tập về Tứ Như Ý Túc (iddhi-pàda) mà Như Lai được gọi là vị A-la-hán, bậc Chánh Đẳng Giác (Tương Ưng Bộ Kinh V, 423). Cũng trong kinh Tương Ưng, ở một đoạn khác, đức Phật khẳng định nhờ vào sự phát triển Năm Căn (pa~ncindriyàni) (Tương Ưng Bộ Kinh V, 312, 361) hoặc tu tập Thất Bồ-đề Phần (satta bojjha"ngà) mà chúng sanh phàm phu trở thành bậc giác ngộ (Tương Ưng Bộ Kinh V, 201-202).

Về sau, số lượng pháp môn được tăng lên thành ba mươi bảy phẩm trợ đạo (sattati.msà bodhipakkhiyà dhammà) (Trường Bộ Kinh I, 614). Với sự phát triển của Phật giáo Đại thừa, các Ba-la-mật (pàramità) và các Địa (bhùmi) cũng được xem như những con đường dẫn đến giác ngộ (Xem Phẩm Thập Địa trong Kinh Hoa Nghiêm). Rồi dần dà, con đường giác ngộ được nhân lên thành tám vạn bốn ngàn pháp môn, một con số tượng trưng cho số lượng lớn không thể tính đếm được. Nghĩa là theo đạo Phật Đại thừa, con đường giác ngộ không có giới hạn, sẵn sàng đón nhận tất cả chúng sanh có tấm lòng tầm cầu giải thoát khỏi đau khổ của nhà lửa ba cõi.

 


VI. KẾT LUẬN

Nếu hiểu theo tâm lý học và nhận thức luận thì giác ngộ là một quá trình chuyển hóa. Sự chuyển hoá có thể diễn ra ở bốn phương diện, đó là tri thức, tình cảm, thái độ và cách cư xử. Trước hết là sự chuyển hóa về tri thức: ngu muội (avijjà) được thay thế bằng tuệ giác (vijjà = pa~n~nà). Thứ hai là sự chuyển hóa tình cảm: thái độ sợ hãi và lo âu được thay thế bằng sự an tịnh và vô uý; đau khổ bằng hạnh phúc; tham lam, keo kiệt được thay thế bằng sự độ lượng, sẵn lòng giúp đỡ tha nhân; vị kỷ hay ích kỷ được thay thế bằng tấm lòng vị tha vô ngã, v.v… Thứ ba là sự chuyển hóa trong thái độ: chấp thủ được thay thế bằng ly tham; hận thù bằng tình hữu nghị; ác tâm bằng lòng thương. Thứ tư là sự chuyển hóa trong cách cư xử: sự tước đoạt được thay thế bằng sự ban cho; lười biếng bằng năng động; sự phá hoại bằng sự tạo ra.

Bốn phương diện chuyển hoá trên vốn phụ thuộc lẫn nhau như Lý Duyên Khởi (pa.ticcasamuppàda). Nghĩa là sự chuyển hóa về tri thức sẽ có thể dẫn đến sự chuyển hóa về tình cảm, từ đó đưa đến sự thay đổi về thái độ, và về cách cư xử, để có được một đời sống trong sạch và an tịnh trong ý nghĩ, lời nói và hành động.

Người Phật tử tu tập con đường giác ngộ là để làm cho chính mình được hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho người khác ngay trong hiện tại. Tùy theo mức độ tuệ tri mà kết quả hạnh phúc đạt được nhiều hay ít. Đức Phật dạy: "Người chỉ hành trì một phần, thì thành tựu cũng chỉ một phần; người hành trì toàn phần, thì thành tựu được toàn phần." (Tăng Chi Bộ Kinh I, 422). Tương tự, Tương Ưng Bộ Kinh V, 315 ghi: "Ai làm viên mãn, được quả viên mãn; ai làm từng phần, được quả từng phần."

Tóm lại, khác với và vượt lên trên sự cứu rỗi trong các tôn giáo khác, sự giác ngộ trong Phật giáo không phải là một cái gì huyền bí hay siêu nhiên. Nó chỉ là sự chuyển hóa toàn diện về tri thức, tình cảm, thái độ và cách cư xử. Giác ngộ do đó có thể đạt được hay chứng nghiệm ngay trong đời sống này khi các nỗ lực chân chánh của cá nhân được đầu tư và thực hiện đúng mức. Vì quả vị giác ngộ được thực hiện ngay trong đời sống đau khổ này, tại giây phút hiện tại này, người đạt được giác ngộ vẫn sống trong thế giới như mọi người, có những nhu cầu cần thiết hằng ngày, thực hiện bổn phận, nhưng có điều, vị ấy không giống như người thế tục, ở chỗ, vị ấy hoàn toàn không còn các chấp thủ cá nhân, tính hẹp hòi, ích kỷ; trái lại vị ấy sống với lòng vị tha, không vướng mắc mọi thứ ở đời (Tăng Chi Bộ Kinh IV, 444). Tâm hành của vị ấy do vậy được kinh mô tả như cánh chim bay lượn trên bầu trời xanh bao la không để lại dấu vết ! (Pháp Cú, kệ 92-93).

* * *

GHI CHÚ

- Các tham khảo về kinh điển Pàli và bản dịch tiếng Anh trong bài viết này đều dựa trên ấn bản của Hội Thánh Điển Pàli (PTS). Các bản dịch tiếng Việt về kinh điển Pàli đều của HT. Thích Minh Châu, ấn bản Đại Tạng Kinh Việt Nam, do Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành.

- Chữ P và chữ S trong dấu ngoặc đơn là viết tắt của các chữ Pàli và Sanskrit.